Ông Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước (1991-1997) vừa mới qua đời vào tối ngày 22 tháng 4 tại Hà Nội, thọ 99 tuổi (1920-2019). So với nhiều nhân vật lão thành ở trong đảng CSVN cùng thời như các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Cơ Thạch, ông Lê Đức Anh có một số dấu ấn lịch sử đặc biệt liên hệ đến vụ “không nổ súng trước” ở Gạc Ma vào năm 1988 và là người “tiền trạm” chuẩn bị Hội Nghị Thành Đô năm 1990, đẩy Việt Nam vào quỹ đạo Trung Cộng từ thập niên 90 kéo dài đến nay.
Ra lệnh không nổ súng ở Gạc Ma
Khi Đặng Tiểu Bình xua hơn 300 ngàn quân và đại pháo tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam vào tháng 2 năm 1979, ông Lê Đức Anh đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7 kiêm chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ quốc phòng ở mặt trận Tây Nam. Nghĩa là ông Anh lúc đó đang đóng quân ở Campuchia.
Từ năm 1981 đến năm 1986, ông Lê Đức Anh được cử làm Thứ trưởng Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Năm 1982, được bầu vào Bộ Chính Trị khóa 5; được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986.
Sau Đại hội VI vào cuối năm 1986, ông Lê Đức Anh được đề cử giữ chức Bộ Trưởng Quốc Phòng vào tháng 2/1987. Chính từ thời gian này sự nghiệp chính trị của ông Lê Đức Anh đã thay đổi khi ông trực tiếp nhúng tay vào các quan hệ với Bắc Kinh.
Dựa theo lời kể của Lê Đức Anh do Đại Tá Khuất Duy Hòa ghi lại, sau khi nhận chức Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, ông Lê Đức Anh đã nhiều lần đi thị sát biên giới phía Bắc và thường xuyên nói với thuộc cấp rằng: “Anh em thôi không bắn, không chửi lại nữa”. Ông Anh còn nói: “Chừ họ chửi một, các đồng chí chửi lại mười; họ bắn một, các đồng chí bắn lại mười, cứ như thế này thì không làm được công tác tư tưởng, không giải quyết dứt điểm được tình hình”. Một cán bộ hỏi ông Anh rằng nếu không bắn, không chửi lại thì làm gì để giải quyết được tình hình. Ông Lê Đức Anh bảo, họ bắc loa chửi ta thì ta nhắc lại truyền thống và quá trình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước; họ bắn sang ta bằng đạn pháo, thì ta “bắn lại” bằng tình hữu nghị!
Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988.
Quan điểm của ông Lê Đức Anh là chủ trương không bắn lại “quân xâm lược” Trung Quốc vào lúc đó, đủ để giải thích cho lý do vì sao ông Lê Đức Anh, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng đã ra lệnh “không nổ súng” trước sự hiếu chiến và quyết tâm chiếm đảo Gạc Ma của Trung Cộng vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, khiến cho 64 bộ đội công binh, thuộc hạ của ông Anh đã bị tàn sát dã man.
Sự kiện nói trên đã bị giấu kín. Thay vào đó, quân sử của CSVN lại viết rằng ngay sau khi Trung Quốc gây ra vụ thảm sát Gạc Ma (tháng 3/1988), Đại tướng Lê Đức Anh đã có chuyến thị sát đảo Trường Sa. Tại đây, ông có bài phát biểu tôn vinh chiến công của hải quân Việt Nam và khẳng định chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Sau này, trong cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung Tâm Minh Triết tổ chức vào năm 2015, Thiếu Tướng Lê Mã Lương, anh hùng lực lượng vũ trang đã kể lại rằng trong cuộc họp Bộ Chính Trị vào năm 1988, ông Nguyễn Cơ Thạch đã đập bàn và nói ai ra lệnh cho bộ đội không đuợc nổ súng. Tuy không ai trả lời cho ông Thạch, nhưng lúc đó ai cũng biết là Lê Đức Anh, trong vai trò không chỉ là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng mà còn là Ủy viên Bộ Chính Trị, đã ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng vì đang muốn lấy lòng Trung Cộng. Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ tại Trung Quốc đã cho rằng chỉ thị không nổ súng của Bộ Trưởng Lê Đức Anh là hành động phản động, phản quốc.
Đi đêm với Trung Cộng vụ Thành Đô
Cũng theo lời kể của ông Lê Đức Anh với Đại Tá Khuất Duy Hòa, sau Đại Hội VI vào cuối năm 1986, Bộ chính trị có buổi họp thu hẹp tại Nhà con Rồng, tức tổng hành dinh Bộ Quốc Phòng, vào đầu năm 1987. Tại cuộc họp này, ông Lê Đức Anh sau hai chuyến thị sát mặt trận biên giới phía Bắc đã cho rằng, Trung Cộng tấn công các tỉnh biên giới không có tham vọng xâm lược mà với một mục tiêu khác. Vì lý do đó, ông Anh đề nghị là đã đến lúc nên lôi kéo khối ASEAN và “làm lành” với Bắc Kinh để chấm dứt thù địch. Ông Anh cũng cho biết là ý kiến của ông đã được Trường Chinh và Bộ Chính Trị chấp thuận và giao cho ông Lê Đức Anh làm đoạn “mở đầu”.
Để tiếp cận với lãnh đạo Bắc Kinh, ông Lê Đức Anh đã kể rằng việc thăm dò được thực hiện qua hai kênh. Một là qua cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn vốn có những quan hệ chặt chẽ với nhà cầm quyền Trung Cộng. Hai là qua Tòa đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội. Thái độ của ông Lê Đức Anh là tìm mọi cách “xuống nước” với phía Bắc Kinh để chứng tỏ thiện chí và sự biết ơn của CSVN đối với những giúp đỡ của Trung Cộng. Cuộc gặp ông Trương Đức Duy, đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, tại nhà khách Bộ Quốc Phòng trong một buổi ăn tối cuối tháng 10 năm 1988 do ông Lê Đức Anh thiết đãi, được ông Anh đánh giá là bước ngoặc quan trọng, vì chính Bắc Kinh “không ngờ” phía lãnh đạo CSVN muốn nối lại quan hệ một cách “chân thành” như vậy, theo báo cáo của đại sứ Trương Đức Duy.
Ông Lê Đức Anh kể lại rằng sau cuộc gặp nói trên, hai phía đã xúc tiến các cuộc đàm phán để cùng nhau giải quyết vấn đề hòa bình tại Campuchia và bình thường hóa quan hệ giữa CSVN và Trung Quốc. Tuy những cuộc đàm phán có lúc gay gắt, nhưng theo ông Lê Đức Anh thì chủ trương của ông Nguyễn Văn Linh và của ông là cố nhượng bộ để vận động về “giải pháp đỏ”, tức là Trung Quốc chấp nhận lãnh đạo khối xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tan rã của khối Đông Âu và Liên Xô.
Lúc này trong nội bộ Bộ Chính Trị CSVN chia làm hai phe: Phe chủ trương nhượng bộ Trung Cộng với “giải pháp đỏ” gồm có Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Đỗ Mười. Phe dè chừng và cảnh giác thái độ ngạo mạn của Trung Cộng là Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt. Do sự phân hóa này mà trong tập Hồi Ức và Suy Nghĩ, ông Trần Quang Cơ đã tiết lộ là suốt nửa cuối năm 1990, sau khi Hội Nghị Thành Đô diễn ra (hai ngày 3-4 tháng 9 năm 1990) đến hết năm 1991, Trung Cộng không coi Bộ Ngoại Giao CSVN ra gì, kể cả việc đưa ra áp lực đòi CSVN phải thay thế ông Nguyễn Cơ Thạch.
Ông Trần Quang Cơ cũng nói thêm là vào thời điểm trước và sau Hội Nghị Thành Đô, Trung Cộng chỉ làm việc với ông Lê Đức Anh và Ban Đối Ngoại, do ông Hồng Hà đứng đầu.
Hội nghị Thành Đô ngày 3-9-1990 tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Internet
Tháng 7/1991 cũng theo lời kể của Lê Đức Anh, sau khi được đề cử làm Thường vụ Bộ Chính Trị, ông Anh được cử làm Phát ngôn viên của Bộ Chính Trị đi cùng với Hồng Hà sang Bắc Kinh bàn bạc những vấn đề cụ thể về việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Ông Lê Đức Anh cho biết là sau khi đến Bắc Kinh, ông làm việc với Kiều Thạch, Ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị của Trung Cộng, chuẩn bị cho những văn kiện căn bản sẽ được dùng cho cuộc Hội đàm chính thức giữa Giang Trạch Dân với ông Lê Đức Anh vào chiều ngày 31 tháng 7 năm 1991. Ông Lê Đức Anh không kể chi tiết những vấn đề cụ thể hai phía đã đồng ý, mà chỉ nói chung chung là Trung Quốc đã rất “phấn chấn” về thái độ hợp tác của phía CSVN đưa ra vì đáp ứng nhu cầu cải cách, mở cửa của Bắc Kinh.
Sau chuyến đi “đàm phán” của Lê Đức Anh, ông Nguyễn Cơ Thạch thôi không làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, thay thế bởi ông Nguyễn Mạnh Cầm, cựu đại sứ CSVN tại Liên Xô, để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Trung Quốc của hai ông Đỗ Mười (Tổng Bí Thư) và Võ Văn Kiệt (Thủ Tướng) từ ngày 5 đến 10 tháng 11 năm 1991. Với công lao này, Lê Đức Anh được nâng vào hàng tứ trụ, trở thành Chủ tịch nước từ tháng 9 năm 1992.
Lê Đức Anh được coi là nhân vật bảo thủ nhất và gần với Trung Quốc. Ông Anh thường xuyên phản đối tham vọng cải cách kinh tế của ông Võ Văn Kiệt và luôn luôn đứng về phía Đỗ Mười để xây dựng hạt nhân thân Trung Quốc trong nội bộ đảng CSVN. Mặc dù về hưu năm 1997, nhưng tiếng nói của Lê Đức Anh và Đỗ Mười có những ảnh hưởng rất lớn trong nội bộ, đặc biệt là đối với Nông Đức Mạnh (Tổng Bí Thư) và Nguyễn Tấn Dũng (Thủ Tướng) từ năm 2000 đến năm 2011.
Ông Lê Đức Anh. Ảnh: VietNam Finance
Sự kiện ông Lê Đức Anh qua đời hôm 22 tháng 4 cho thấy là những nhân vật liên hệ trong vụ mật ước Thành Đô của phía CSVN đã không còn ai. Cho đến nay, nội dung mật ước chưa được tiết lộ, nhưng Giang Trạch Dân và Lý Bằng bên Tàu còn sống. Điều này cho thấy là những nội dung đàm phán hai bên, được thi hành vào năm 2020 như dư luận tố cáo từ nhiều năm qua, thì Trung Quốc sẽ nắm dao đằng chuôi. Rất bất lợi cho Việt Nam.
https://viettan.org/ong-le-duc-anh-va-nhung-di-dem-voi-trung-cong/