Phạm Nhật Bình
Cơn bão Trần Tuấn Anh cho xe công ra đón vợ ở chân cầu thang máy bay vừa qua thì cơn bão Thân Thị Thư, Trưởng ban tuyên giáo thành Hồ ngồi nhai mít trong lúc họp báo hôm mồng 8 tháng 1 vừa qua, đã cho thấy hình ảnh “ngồi xổm” trên dư luận của đám quan chức.
Vì thế, dũa Trần Tuấn Anh hay Thân Thị Thư thì quá dễ và ai cũng dũa được; nhưng riêng về lời xin lỗi mới đây của họ Trần thì ta tính sao?
Được biết tuần qua, dư luận nổi sóng sau khi có hai đại biểu quốc hội rụt rè tiết lộ rằng “xe biển xanh” vào khu vực hạn chế trong phi trường quốc tế Nội Bài, tới tận chân cầu thang máy bay để đón người nhà của một lãnh đạo cấp bộ. Thiên hạ nhanh chóng khám phá ra lãnh đạo ấy là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và người nhà là “phu nhân” bộ trưởng.
Trong khi truyền thông lề phải giữ thông lệ là ngậm miệng ăn tiền, thì lề trái không dung thứ một chuyện mà người ta cho là phô trương quyền lực quá đáng của quý tộc đỏ học làm sang. Nhưng dưới chế độ coi dư luận là cỏ rác, chuyện lạm dụng xe công cho các quan ông đi lễ chùa cầu gia đạo, dự tiệc cưới đàn em, hay quan bà đi chợ, đón con xét ra rất bình thường trong giai cấp quan chức đảng. Nào có khác gì đón phu nhân bộ trưởng trong phi trường?
Thái tử đảng Trần Tuấn Anh, vốn là con trai cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, với sự tận tình của đàn em cũng làm một chuyện không ngoài thông lệ đó. Tuy việc cho xe của cơ quan ra đón vợ, con hay người nhà ở tận cầu thang máy bay không phải là hiếm ở xứ độc tài cộng sản; nhưng việc của ông Trần Tuấn Anh xảy ra ngay sau khi ông Trọng yêu cầu các Ủy viên Trung ương đảng phải biết “hạn chế” để giúp đảng sống còn, cho nên ông ta bị thiên hạ mắng mỏ te tua, tưởng cũng không oan chút nào.
Chuyện bất ngờ là sau 4 ngày lặng thinh đón bão dư luận, Trần Bộ trưởng đã đưa ra một bức thư “gởi lời xin lỗi tới nhân dân”. Điều này quả thật hiếm hoi trong một đất nước mà quan chức nhà nước luôn luôn đứng trên luật pháp và ngồi xổm trên đầu nhân dân.
Cho nên vụ Trần Tuấn Anh chính thức và công khai xin lỗi cũng là một điều tốt, nói khác đi là tích cực so với những vụ có liên quan tới không ít bộ trưởng bê bối khác. Như bà Bộ trưởng Y tế Kim Tiến chẳng hạn, lúc nào cũng nhắm mắt làm ngơ trước quá nhiều sai lầm chuyên môn trong ngành mình. Nặng nhất là vụ thuốc ung thư giả, coi như bộ trưởng không có một chút trách nhiệm nào trong việc nhân viên dưới quyền nhập cảng thuốc giả điều trị bệnh nhân.
Xin lỗi là một loại văn hoá ứng xử giữa con người có trình độ tối thiểu. Đó là thứ văn hoá cần phải học và ngày nay lãnh đạo CSVN lại càng nên học vì họ chưa bao giờ biết xin lỗi ai dù đã gây ra biết bao oan khốc cho đất nước. Chuyện Bộ trưởng Công Thương gởi thư xin lỗi nhân dân cũng có thể coi như dấu hiệu của đầu năm 2019, cho thấy hàng lãnh đạo Cộng sản Việt Nam bắt đầu biết sợ dư luận, chứ không hoàn toàn mũ ni che tai như trong quá khứ.
Vì thế, tuy chỉ là chuyện cá nhân quá phô trương thân thế nhưng nó diễn ra trong bối cảnh sự suy giảm “uy tín” của đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng gia tăng và đang bị người dân khinh thường. Sự kiện ông Trần Tuấn Anh đứng ra “xin lỗi nhân dân” cũng cho người ta thấy:
1. Ngày nay mọi hành động của tập thể lãnh đạo CSVN không còn có thể bưng bít, lấp liếm trước hàng triệu cặp mắt người dân. Mạng xã hội cung cấp cho họ phương tiện giám sát và phê phán hành động của nhà cầm quyền cộng sản tới từng chi tiết. Tuy là cá nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đứng ra xin lỗi, nhưng nếu không có sự bật đèn xanh của Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, tức của đảng thì sức mấy mà ông Anh dám làm. Do đó tuy có người phê phán ông Anh chưa thực tâm, việc dám xin lỗi này có thể coi như một hình thức bắt đầu trưởng thành của cấp lãnh đạo biết sợ sự phê phán của dư luận quần chúng.
2. Về lời hứa của Trần Tuấn Anh “rà soát” và kiểm tra lại nội vụ để không còn tái phạm, ta cứ coi như đó là một cam kết tốt. Nhưng rõ ràng lời cam kết ấy cũng tự tố cáo bộ máy đảng trị đã sản sinh ra một giai cấp mới, giai cấp lãnh đạo, sau khi hô hào đấu tranh xoá bỏ giai cấp. Và việc sử dụng xe công để phục vụ gia đình cán bộ cho thấy đó là đặc quyền đặc lợi dành riêng của lãnh đạo cộng sản. Ở một khía cạnh khác, việc để vợ con thao túng chính trường và thương trường để làm giàu cho dòng họ cũng là điều quá bình thưởng trong thế giới cộng sản. Vấn để là hiện nay đảng CSVN phải tự chế, vì nguồn “nhiên liệu” cung cấp cho họ đang suy giảm. Vay nợ quốc tế để làm giàu và tiêu xài hoang phí ngày nay trên đà bế tắc. Các nước trước đây cho vay dễ dàng nay làm ngơ vì họ thấy Việt Nam là quốc gia “không chịu phát triển”, dù có đổ vào bao nhiêu tiền đi chăng nữa.
Cuối cùng, vụ xin lỗi của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã mở ra một tiền lệ cho các lãnh đạo CSVN phải biết sợ và biết xin lỗi người dân. Dù đó có thể chỉ là một hy vọng mong manh, nhưng nếu người dân biết quyền của mình là gì và sử dụng nó thật tốt, chính quyền độc tài nào cũng phải lùi bước. Chừng nào bà Thân Thị Thư viết thư xin hứa từ nay thôi ăn mít?