Sự bất khuất của những tù nhân chính trị

Luân Lê|

Những tên tội phạm có quyền chức trong bộ máy chính quyền, sau khi chiếm đoạt những khối tài sản khổng lồ của người dân trong ngân sách để làm giàu cho mình, chúng sống xa hoa và phè phỡn trước nhân dân đói khổ, chúng bị bắt và đem ra xét xử, chúng thường khóc lóc, van xin trông như một kẻ nô lệ. Nhìn những bộ dạng yếm thế, cầu xin và rúm ró của chúng mới thấy chúng tệ hại đến thế nào.

Ngược lại, những người lên tiếng đấu tranh cho các quyền con người, nói lên những bất công xã hội và bị xét xử về các tội danh chính trị, họ thường có một lòng quả cảm và tinh thần bất khuất đáng khâm phục. Họ có những lời phát biểu cuối cùng tại các phiên toà trước khi nhận những bản án nặng nề, thường thì, rất đanh thép, đầy ý nghĩa và có giá trị để lịch sử ghi chép lại.

 

"PHIÊN TOÀ BẤT NHÂN: Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh sáng nay 20.04.2020 đã bị toà án Nghệ An tuyên y án sơ thẩm 11 năm tù giam, 5 năm quản chế cho cáo buộc “chống phá nhà nước”. Tự hỏi anh chống phá nhà nước bằng cách nào khi trong tay không một tấc sắt, tà quyền cộng sản chỉ kết án chung chung mà không có bất cứ một bằng chứng cụ thể nào. “Tà quyền không thể sống chung với người công chính”. Lịch sử sẽ ghi lại hình ảnh người thầy yêu nước hôm nay!"

Làm sao chúng ta có thể thấy tinh thần này ở những kẻ có quyền thế mà phạm tội nhờ vào chức vụ, quyền bính mà chúng có được. Chúng chỉ thể hiện thân phận nô bộc và tự làm nhục mình trước công luận với những ngôn từ và thái độ của những kẻ tôi tớ, hèn nhược đến thảm hại.

Những lời nói sau cùng của các tù nhân chính trị thường mang những thông điệp sâu sắc và cao cả. Trong số đó có thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, dạy âm nhạc, nổi tiếng với việc dạy những đứa trẻ trong lớp học bài hát “Trả lại cho dân”, đã vừa bị y án sơ thẩm trong phiên toà phúc thẩm.

Bạn sinh viên luật, thanh niên trẻ Trần Hoàng Phúc, cũng bị xét xử về cùng tội danh nhưng vào năm 2017, với lời nói sau cùng, “Tôi sẽ đấu tranh đến khi Việt Nam có dân chủ và tự do thì thôi.”

Ngày càng có nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, bị bắt và xét xử về tội danh chính trị “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Những người phụ nữ thường là đơn độc và công khai bày tỏ quan điểm trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, hoàn toàn không hành động khuất tất, ngược lại, là những quan điểm công khai. Còn bọn cường quyền tha hoá, chúng phải chui vào bóng tối để thực hiện tội ác.

Đấy chính là những phẩm chất khác nhau mà bất cứ một người có tư duy trung bình cũng có thể nhận ra được sự khác biệt này. Nó quyết định tới phẩm tính của hành vi mà họ thực hiện, là đúng hay sai.