Ngược chiều dư luận: Xin nhớ, ông Trump không phải là nước Mỹ!

Ls Ngô Anh Tuấn - Tuan Ngo|

Khi ông Obama làm tổng thống Mỹ, người Việt chúng ta coi ông ấy là thiên thần, mọi thứ ông này làm đều đúng. Khi ông ấy tới Việt Nam, đường phố ngập cờ hoa nước Mỹ và khắp nơi vang tiếng “Obama, Obama”. Một trào lưu kinh doanh ăn theo thương hiệu Obama ra đời từ đó. Khi Obama về hưu, không mấy người còn nhắc tới ông nữa. Những điều mà Obama làm trước đây được moi móc lại và quy trách nhiệm cho Đảng Dân chủ, đặc biệt là khi đương nhiệm, ông Obama có xu hướng thân Trung Quốc.

Ông Trump lên thay chức tổng thống và ông sớm chứng tỏ rằng những lời nghi hoặc về năng lực của ông trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ là không có cơ sở. Quả thực, ông đã làm trố mắt giới chuyên môn khi mà nhiều người từ ngờ vực chuyển sang ủng hộ ông. Ông còn làm tốt hơn tất cả những vị tổng thống Mỹ trước đó là xoá ký ức về người tiền nhiệm chỉ trong vòng một nốt nhạc. Từ khi Trump lên, cái tên Obama gần như không có trong từ điển... Ông Trump được nhiều lãnh đạo quốc tế đánh giá cao trong chính sách kiềm chế sự trỗi dậy của đế chế Trung Hoa và đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại như vị trí vốn có của nó.

Với người Việt chúng ta, căm thù Trung Quốc hình như đã ăn vào máu rồi. Dù lịch sử không có câu nào dạy về sự căm thù, dù lãnh đạo đương thời không có chủ trương bài xích nhưng không ai bảo ai, hầu như phần lớn người dân chúng ta đều ghét cay ghét đắng Trung Quốc. Người dân căm ghét là vậy nhưng ra mặt chống đối Trung Quốc thì có thể bị nhắc nhở, gây khó dễ, thậm chí, có người còn bắt bớ, tù đày vì tham gia biểu tình chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Vậy nên, khi có người cứng rắn, mạnh mẽ áp chế Trung Quốc như ông Trump, nhiều người trong chúng ta yêu quý ông cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, cần phân biệt ranh giới giữa con người cá nhân của ông Trump và trên tư cách ông là tổng thống Mỹ. Chúng ta không nên đánh đồng ông Trump là nước Mỹ và bảo vệ cùng cực mọi lý lẽ ông đưa ra chỉ với duy nhất một lý do duy nhất là ông ấy chống Trung Quốc mà thôi. Việc làm của ông Trump khi ông nhân danh chính quyền Mỹ là ông đại diện cho nước Mỹ còn lời nói của ông trên Twitter là phát ngôn riêng, thể hiện cảm xúc riêng của ông ấy, nó không mang tính pháp lý chính thống và không đại diện cho nước Mỹ.

Như đã khẳng định trên, những việc ông Trump làm cho nước Mỹ và cho quốc tế trên cương vị người đứng đầu quốc gia hùng mạnh là rất lớn và đã được ghi nhận. Dẫu vậy, không phải chiến lược, công việc hay phát ngôn nào ông đưa ra cũng là sáng suốt, chuẩn mực và có tính khả thi. Do vậy, mọi người đều có quyền phản biện chính sách cũng như phát ngôn của ông ấy. Bạn có quyền yêu quý ai đó, bạn có quyền bảo vệ người mình yêu quý nhưng bạn không có quyền bắt người khác không được ghét người đó vì đơn giản nó là không thể. Yêu, ghét là trạng thái tĩnh, thể hiện tình cảm, cảm xúc; còn “chống” là hành vi mang tính hành động (ví dụ như bỏ phiếu, vận động lấy chữa ký...). Yêu, ghét thì ai cũng thể hiện được còn chống thì chỉ một số người có khả năng mới có thể thực hiện được. Thực tế, một số người mới chỉ thể hiện thái độ cảm xúc là ghét Trump thôi thì đã bị “phần còn lại” ném đá cho tơi tả rồi.

Nếu không có dịch vi rút Corona từ Vũ Hán, Trung Quốc, nước Mỹ đã mạnh hơn và hình ảnh ông Trump cũng sẽ tròn trịa hơn. Vi rút Corona có thể do lỗi của phòng thí nghiệm Vũ Hán gây ra nhưng cũng có thể đến từ một nguyên nhân mà các nhà khoa học đang truy tìm dấu vết nhưng cách phòng trừ, xử lý, khắc phục hậu quả là do tự thân mỗi quốc gia phải lo. Nhìn vào Trung Quốc, ngó qua Việt Nam và quay về Mỹ, chúng ta có thể nhận thấy chính sách của ông Trump đã có những bước chủ quan và sai lầm. Lịch sử chứng minh, không bao giờ Trung Quốc nói thật. Ông Trump đã từng đặt ra nghi ngờ nhiều lần nhưng được sự trả lời chắc chắn của người bạn tốt Tập Cận Bình và được sự động viên của chủ tịch WHO nên ông đã tin tưởng tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Từ đó, ông chậm đưa ra giải pháp đồng bộ, kịp thời khiến hậu quả là người dân Mỹ đang chịu sự tàn phá nặng nề của dịch bệnh này khi tới hôm nay, ngày 18/4/2020, đã có hơn 35.500 người thiệt mạng và con số này sẽ không dừng lại. Việt Nam lại khác, dù ngoài miệng vẫn nói tin tưởng để giữ quan hệ hữu hảo với “người anh em tốt bụng” nhưng do “ăn quả đắng” nhiều rồi nên ngay từ khi nghe tin dịch bệnh, việc đi lại qua biên giới với Trung Quốc đã được kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, từ đó đã hạn chế được khả năng lây lan, bùng phát. Hôm giáp Tết nguyên đán, đứa em tôi làm việc Trung Quốc định về quê nhưng tới cửa khẩu Móng Cái thì bị giữ lại cách ly tới sau mồng 8 âm lịch vẫn chưa được về nhà.

Tóm lại, dù có giỏi tới thế nào đi nữa thì ông Trump cũng chỉ là con người và lằn ranh sai - đúng rất mỏng manh và không phải bao giờ người ta cũng giữ đúng giới hạn được. Ông thực hiện chính sách đối đầu trực diện với Trung Quốc và giữ xuyên suốt từ lúc cầm quyền tới nay nhưng ông vẫn thể mất cảnh giác vào những thời khắc quan trọng nhất đấy thôi, vì ông là con người, không phải máy.
Vậy nên, những ai yêu quý ông Trump cũng nên tập chấp nhận với thực tế là thần tượng của mình cũng cần phải sống một cuộc sống như người và chấp nhận những luồng quan điểm trái chiều để đưa ra cách ứng phó tốt hơn. Việc phản biện không nên bị bóp méo thành những cuộc tranh cãi đúng sai để luận anh hùng mà hãy xem nó như là một cách thức để chúng ta tìm ra cái phù hợp nhất mà thôi. Có như thế, bạn mới sẽ tránh được cảm giác hụt hẫng sau khi ông Trump về hưu, trừ khi bạn chỉ là fan phong trào.

Tôi tin tưởng rồi đây nước Mỹ sẽ lại vĩ đại trở lại và ông Trump tiếp tục lại được tín nhiệm. Dẫu vậy, tôi không cuồng Trump dù tôi yêu nước Mỹ, giống như việc tôi yêu quý đất nước tôi nhưng lại chẳng tôn sùng cá nhân nào vào thời điểm hiện tại cả...