Việt Nam sai khi 'nhờ cậy' Trung Quốc cứu hạn

Ðó là nhận định của ông Lê Anh Tuấn, phó giám đốc Viện Nghiên Cứu Biến Ðổi Khí Hậu thuộc Ðại Học Cần Thơ. Nhận định này được trình bày trên tờ Thơi báo Kinh tế Sài Gòn.

Ðồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với một đợt hạn hán chưa từng có. Do trời nóng nhiều ngày, ít mưa, lưu lượng nước giảm từ 30% đến 60% và do Trung Quốc trữ nước để vận hành các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, tại đồng bằng sông Cửu Long đang có hàng trăm ngàn hecta lúa và các loại cây khác chết khô, hàng triệu người khốn khổ do thiếu nước ăn uống.

Hôm 15 tháng 3, 2016, Trung Quốc đã bắt đầu xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng, tọa lạc tại tỉnh Vân Nam để hỗ trợ Việt Nam chống hạn. Trong khi Việt Nam đề nghị để giúp ngăn mặn, giảm thiệt hại do hạn hán, Trung Quốc nên xả nước nhiều đợt từ nay đến trung tuần tháng 8, mỗi đợt khoảng bảy ngày, lưu lượng xả phải vào khoảng 2.300 khối mỗi giây thì Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông báo, việc xả nước chỉ kéo dài cho đến ngày 10 tháng 4.

Theo các viên chức Việt Nam thì phải mất khoảng nửa tháng, nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng mới về tới đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy việc Trung Quốc xả nước không như Việt Nam mong muốn nhưng một số viên chức Việt Nam hy vọng, nhờ vậy, nước mặn sẽ bị chặn lại, không lấn sâu hơn vào đất liền và các địa phương sẽ có nước để tổ chức tích trữ.

Trong bài viết có tựa là “Hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long: Có nên trông chờ vào thủy điện Trung Quốc?,” ông Tuấn không xem việc Trung Quốc xả nước, hỗ trợ Việt Nam chống hạn là đáng “phấn khởi.”

Ông nhấn mạnh, Trung Quốc không cho biết sẽ xả bao nhiêu nước và phương thức xả (liên tục hay gián đoạn trong khoảng thời gian từ nay đến 10 tháng 4. Ông Tuấn bảo rằng, điều đó chẳng có gì lạ vì xưa nay, tin tức và số liệu về thủy văn từ phía Trung Quốc lúc nào cũng rời rạc và mơ hồ như vậy.

Ông Tuấn cho biết, mỗi năm, đoạn thượng nguồn sông Mekong chảy trên đất Trung Quốc đóng góp khoảng 21% lượng nước cho khu vực trung lưu và hạ lưu của con sông này. Ðập của nhà máy thủy điện Cảnh Hồng (Jinghon) là nơi gần Lào nhất. Bên trên Cảnh Hồng còn năm đập nước khác trong chuỗi 14 đập nước mà Trung Quốc dự tính xây dựng tại thượng lưu sông Mekong. Dung tích hữu dụng của hồ chứa nước thuộc nhà máy thủy điện Cảnh Hồng là 249 triệu mét khối nước. Nếu Trung Quốc chỉ dùng hồ chứa nước thuộc nhà máy thủy điện Cảnh Hồng để giúp Việt Nam chống hạn theo đề nghị của Việt Nam thì chỉ sau 30 tiếng, hồ chứa nước của nhà máy thủy điện Cảnh Hồng sẽ cạn.


Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng tại Vân Nam

Cũng vì vậy, hy vọng nước từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng sẽ giúp ngăn mặn, tích trữ để chống hạn bị ông Tuấn xem là hão huyền. Ông Tuấn cho rằng, có nhiều lý do khiến đề nghị Trung Quốc xả nước giúp Việt Nam ngăn mạn và giảm thiệt hại bởi hạn hán là thiếu khôn ngoan. Với đặc điểm như đã kể của nhà máy thủy điện Cảnh Hồng, Trung Quốc sẽ chỉ xả cầm chừng, rửa được tiếng nhơ (vô trách nhiệm trong sử dụng tài nguyên, hủy diệt môi trường và nguồn sống của hàng trăm triệu người), mua được tiếng tốt (có trách nhiệm với các quốc gia ở khu vực hạ lưu sông Mekong) mà vẫn duy trì được hoạt động của nhà máy thủy điện Cảnh Hồng.

Ngoài ra do khoảng cách từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long lên tới 4,000 cây số, địa hình của Lào, Thái Lan, Cambodia lại có nhiều nhánh, vùng trũng nên theo ông Tuấn lượng nước thật sự về tới đồng bằng sông Cửu Long sẽ chẳng còn được bao nhiêu.
Chưa kể khi về tới đồng bằng sông Cửu Long, lượng nước mà nhà máy thủy điện Cảnh Hồng xả ra sẽ không cứu cho hàng trăm ngàn hecta lúa và cây trồng khác đã chết khô sống lại.

Giữa tháng 4, thời điểm nhà máy thủy điện Cảnh Hồng ngưng xả nước là thời điểm toàn khu vực không có mưa, hạn hán sẽ nghiêm trọng hơn. Quyết định của Trung Quốc: Xả nước giúp Việt Nam chống hạn chẳng đem lại lợi ích nào thật sự tích cực cho Việt Nam.

Phó giám đốc Viện Nghiên Cứu Biến Ðổi Khí Hậu thuộc Ðại Học Cần Thơ nhắc lại kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác, đó là khi đối diện với hạn hán nghiêm trọng, người ta chấp nhận thiệt hại, không tìm mọi cách để chuyển nước từ nơi khác đến để cứu hạn vì điều đó vô nghĩa do tốn kém quá mức, hiệu quả kinh tế rất thấp. Bên cạnh đó, các quốc gia này đều tích lũy nguồn lực để hỗ trợ thích đáng những người bị thiệt hại do hạn hán nói riêng và thiên tai nói chung.

Ông Tuấn cho rằng, đợt hạn hán và nước mặn xâm nhập lần này là một cơ hội để xem lại tính hiệu quả của hàng loạt chính sách mà chính quyền Việt Nam đã thực hiện trong quá khứ, bất chấp các khuyến cáo từ giới chuyên gia: Ngọt hóa vùng ven biển. Thoát lũ ra biển Tây. Xây dựng hệ thống đê bao, phá bỏ hai hồ chứa nước tự nhiên lớn nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là Ðồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên để tăng diện tích trồng lúa.

Theo ông Tuấn, dẫu hậu quả của đợt hạn hán và nước mặn xâm nhập lần này rất nghiêm trọng nhưng nó sẽ trở thành tích cực nếu xem lại toàn bộ định hướng phát triển kinh tế-xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long. (G.Ð)

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com