Tâm điểm của Hội Nghị 11 Trung ương đảng CSVN

Diễn tiến chọn lựa nhân sự

Sáng ngày 4/5 vừa qua, Trung ương đảng CSVN đã tổ chức Hội nghị lần thứ 11 tại Hà Nội. Hội nghị lần này tập trung thảo luận 3 vấn đề lớn: 1/ Vấn đề nhân sự đại hội XII; 2/ Mô hình tổ chức chính quyền địa phương; 3/ Dự án xây dựng sân bay Long Thành.

Trong 3 vấn đề nói trên, những bàn thảo và quyết định về nhân sự lãnh đạo cho 5 năm tới là nội dung chính.

Vấn đề nhân sự thường gay cấn và phức tạp, được mang ra bàn thảo và quyết định trong những Hội nghị trung ương gần cuối khóa. Cách nay 5 năm, Hội nghị chuẩn bị nhân sự cho đại hội XI (1/2011) đã bắt đầu từ tháng 2/2010 (Hội nghị 12) kéo dài đến tháng 12/2010 (Hội nghị 14) gần 10 tháng mới gọi là tạm hoàn tất.

Lúc đó do việc Trương Tấn Sang (Thường trực Ban Bí Thư) và Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng) tranh nhau ghế Tổng bí thư mãn nhiệm của Nông Đức Mạnh nên đã đặt Trung ương đảng ở vào tình thế “chiến tranh lạnh”.

Cuối cùng sự tranh chấp giữa ông Dũng và ông Sang phải giải quyết bằng biện pháp “trái độn”. Đó là đưa Nguyễn Phú Trọng, đang là Chủ tịch Quốc hội ở tuổi 68 (tuổi phải về hưu) ra làm Tổng bí thư.

Nhằm tránh những khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự vào giờ phút chót nói trên, từ năm 2011 và 2012, Trung ương đảng CSVN đã bàn thảo và thông qua một số nguyên tắc trong việc ban chấp hành trung ương đương nhiệm bỏ phiếu đề cử thành phần tân Trung ương đảng, tân Bộ chính trị, tân Ban bí thư cho nhiệm kỳ tới.

Nói cách khác là thay vì giao cho Tổng bí Thư và Trưởng ban tổ chức Trung ương đảng thao túng trong việc thành lập danh sách đề cử những người trong phe nhóm của mình vào Trung ương đảng và Bộ chính trị như trước đây, việc chọn lựa kể từ nay giao cho tập thể Trung ương đảng.

Chính vì dựa theo nguyên tắc này mà Hội nghị trung ương 10 vào tháng 1/2015, Trung ương đảng CSVN đã tiến hành 3 công tác:

Thứ nhất là quyết định danh sách 290 người sẽ đưa vào làm ủy viên Trung ương cho nhiệm kỳ tới.

Thứ hai là quyết định danh sách 22 người được quy hoạch vào Bộ chính trị, Ban bí thư cho nhiệm kỳ tới.

Thứ ba là bỏ phiếu tín nhiệm 20 ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư. Blog Chân Dung Quyền Lực, được coi là Blog do nhóm Nguyễn Tấn Dũng lập ra để triệt hạ các đối thủ đã tiết lộ toàn bộ kết quả 20 người có phiếu tín nhiệm từ cao đến thấp gồm: 1/ Nguyễn Tấn Dũng, 2/ Trương Tấn Sang; 3/ Nguyễn Thị Kim Ngân; 4/ Phùng Quang Thanh; 5/ Ngô Xuân Lịch; 6/ Ngô Văn Dụ; 7/ Trần Đại Quang; 8/ Nguyễn Phú Trọng; 9/ Trần Quốc Vượng; 10/ Nguyễn Thiện Nhân; 11/ Lê Thanh Hải; 12/ Nguyễn Sinh Hùng; 13/ Đinh Thế Huynh; 14/ Tòng Thị Phóng; 15/ Nguyễn Xuân Phúc; 16/ Lê Hồng Anh; 17/ Tô Huy Rứa; 18/ Trương Hòa Bình; 19/ Phạm Quang Nghị; 20/ Hà Thị Khiết.

Trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm nói trên có 11 nhân vật ở vào tuổi phải về hưu sau Đại hội XII vào tháng 1/2016: 1/ Ngô Văn Dụ; 2/ Nguyễn Phú Trọng; 3/ Trần Quốc Vượng; 4/ Lê Thanh Hải; 5/ Nguyễn Sinh Hùng; 6/ Tòng Thị Phóng; 7/ Tô Huy Rứa; 8/ Trương Hòa Bình; 9/ Hà Thị Khiết; 10/ Trương Tấn Sang; 11/ Nguyễn Tấn Dũng.

Bộ Tứ cho 5 năm tới

Trong diễn văn khai mạc Hội nghị 11, Nguyễn Phú Trọng đề cập về việc chọn lựa nhân sự vào Trung ương đảng, Bộ chính trị, Ban bí thư, Tổng bí thư, phải dựa trên các tiêu chuẩn như: - có bản lãnh chính trị; - kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội; -t uyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin; - có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng; - không tham nhũng, cơ hội, hay tham vọng quyền lực; - có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết; - được quần chúng thực sự tin yêu (sic).

Với những tiêu chuẩn mà ông Trọng đưa ra nói trên, có thể nói là không một ủy viên bộ chính trị nào đáp ứng, nhất là tiêu chuẩn “có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng; không tham nhũng, không tham quyền cố vị và được quần chúng thực sự tin yêu”.

Trong thực tế, những tiêu chuẩn mà ông Trọng đưa ra chỉ nhằm tuyên truyền trong khối quần chúng đảng u tối chứ người dân bình thường không còn ai tin.

Vấn đề then chốt nhất trong việc chọn lựa nhân sự kỳ này không phải là thành phần tân Trung ương đảng, Ban bí thư mà chính là danh sách Bộ chính trị và Tổng bí thư.

Về Bộ chính trị:

Lần này tân Trung ương đảng nhiệm kỳ tới sẽ phải bầu chọn 17 người vào Bộ chính trị, dựa trên danh sách đề cử 22 người của trung ương đảng hiện nay.

Theo một số phân tích của các nhà bình luận thời cuộc, những nhân sự sau đây có nhiều triển vọng là thành viên Bộ chính trị (2016-2021): Nguyễn Tấn Dũng, Phùng Quang Thanh, Phạm Quang Nghị, Lê Hồng Anh, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh; Ngô Xuân Lịch; Phạm Bình Minh; Nguyễn Thiện Nhân; Vũ Đức Đan, Đinh La Thăng; Nguyễn Xuân Phúc... Nhìn vào danh sách này người ta thấy rõ là lãnh đạo CSVN cho 5 năm tới cũng chỉ là thành phần bảo thủ, theo Tàu.

Về Tổng bí thư:

Trong 2 năm qua, dư luận nhắc đến khá nhiều về Nguyễn Tấn Dũng và Phạm Quang Nghị ra tranh ghế Tổng bí thư. Ông Dũng đã có ý định nắm Tổng bí thư từ lâu và đó là con đường “an toàn” nhất để cho ông Dũng chuẩn bị hạ cánh an toàn sau khi rời ghế Thủ tướng. Phạm Quang Nghị, về khả năng không đủ tầm để giữ trách vụ này; nhưng do sự khuyến khích của Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm thân Bắc Kinh muốn giữ ghế Tổng bí thư cho phe bảo thủ miền Bắc.

Hiện nay, sau vụ đứng chót trong danh sách những người có phiếu tín nhiệm thấp và bị cả nước phản đối mạnh mẽ dự án chặt, đốn cây xanh ở Hà Nội, Phạm Quang Nghị khó còn có triển vọng được đề cử ra tranh với Nguyễn Tấn Dũng.

Một nhân vật khác gần đây được nêu tên sẽ ra tranh ghế Tổng bí thư với ông Dũng là Đinh Thế Huynh, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương. Sở dĩ người ta chú ý đến Đinh Thế Huynh là vì trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 3/2015, Nguyễn Phú Trọng đã cho Đinh Thế Huynh tháp tùng. Tuy nhiên, thế lực của ông Huynh rất yếu dù có được ông Trọng hỗ trợ cũng khó có thể đối đầu với phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng.

Vì thế, dựa trên các tiêu chuẩn chọn lựa nhân sự của ông Trọng đưa ra và dựa trên tình hình nội bộ đảng hiện nay, Nguyễn Tấn Dũng có nhiều cơ hội để trở thành Tổng bí thư cho nhiệm kỳ 2016-2021.

Nếu Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng bí thư, theo những đánh giá của các chuyên gia quốc tế, một số nhân sự sau đây có nhiều tiềm năng ở vào vị trí “tứ trụ”: Thủ tướng sẽ là Vũ Đức Đan, Chủ tịch Quốc hội sẽ là Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch nước sẽ là Phạm Quang Nghị. Đinh Thế Huynh nhiều phần sẽ thay Lê Hồng Anh giữ chức Thường trực Ban bí thư.

*

Những đánh giá về sắp xếp nhân sự nói trên chưa tính đến yếu tố can dự của Bắc Kinh. Lý do là sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981 cách nay 1 năm, trong thượng tầng lãnh đạo CSVN – tuy không muốn làm phật lòng Trung Cộng trên bề nổi – nhưng bên trong đa số không còn coi Bắc Kinh là chỗ dựa an toàn.

Tuy nhiên, Bắc Kinh không dễ gì “buông tha” cho lãnh đạo CSVN chọn thế đu dây đi gần với Hoa Kỳ như hiện nay. Vì thế yếu tố Trung Cộng vẫn còn là ẩn số lớn và phải chờ xem phản ứng của Bắc Kinh sau chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng vào tháng 6 tới đây, mới thấy rõ ai sẽ được chọn theo ý của thiên triều.

Trung Điền
Ngày 6/5/2015