Người Việt xa xứ vì đâu?

Nguyễn Nguyên Quốc

Gần đây trên trang “Việc tìm người, Người tìm việc” của người Việt ở Đức liên tục có nhiều người đăng tin tìm việc làm. Họ đa phần là những người lao động phổ thông thất nghiệp và số ít là du học sinh Việt Nam sang học nghề ở Đức muốn đi làm thêm giờ.

Số đông người lao động phổ thông thất nghiệp này là những người sống bất hợp pháp không có giấy phép cư trú hoặc đến Đức từ một nước thứ ba.

Hoàn cảnh sống của những người thất nghiệp cũng rất đa dạng nhưng họ có điểm chung là khó khăn về kinh tế. Có khi họ phải vay mượn tiền, vay nợ ngân hàng một khoản tiền lớn để chi phí cho một chuyến đi mà chưa biết tương lai phía trước như thế nào.

Không ít người trong số đó đã phải bỏ mạng nơi xứ người khi tuổi đời còn rất trẻ. Không có nơi ở hợp pháp, không có việc làm cũng đồng nghĩa với việc nợ nần nơi quê nhà càng thêm nặng. Họ phải sống chui lủi nhờ vào sự đùm bọc của đồng hương, rất nhiều người thậm chí chỉ cần có việc làm để tự nuôi sống bản thân mình qua ngày chứ không dám mơ đến việc nhận lương. Nỗi khổ của người Việt nơi xứ người là vậy mà mấy ai thấu hiểu, có nhiều người cho rằng: Khổ vậy thì đi làm gì?.

Đúng khổ vậy mà họ vẫn phải đi là vì đâu?

Nghe những ngôn từ mỹ miều của báo chí trong nước luôn tự hào về con số “xuất khẩu lao động” thực chất là đi làm “cu ly” cho nước ngoài, nhưng cu ly thì vẫn còn may mắn hơn là những người phải vượt biên bất hợp pháp để đi kiếm sống. Thử hỏi trong những nước dân chủ giàu mạnh có người nào phải đi xuất khẩu lao động hay vượt biên đến nước khác hay không. Vậy mà chúng ta vẫn tự hào và ca ngợi thành tích về những con số “cu ly” đó.

Tại sao họ phải đi làm “cu ly” hay phải vượt biên? Chỉ đơn giản là nơi họ sinh ra và lớn lên không lo cho họ có được việc làm, không cho họ nhìn thấy một tương lai của họ và con cái họ. Họ phải gồng mình cho cuộc sống mà vẫn cảm thấy không được an toàn, họ luôn lo lắng về sức khỏe khi quanh họ cái gì cũng “bẩn” và ô nhiễm. Họ nhìn thấy tương lai của con em họ mịt mù khi mà nền giáo dục chỉ được nghe những lời sáo rỗng và bệnh hình thức.

Chỉ vài lý do vậy thôi cũng đã đủ nó biến thành một động lực vô cùng lớn, thôi thúc họ rời bỏ quê hương để ra đi kiếm sống mặc dù họ chưa biết tương lai của mình sẽ như thế nào. Nhưng ít ra họ cũng là những người dám chấp nhận nguy hiểm để vươn mình ra nơi ánh sáng của tương lai tốt đẹp hơn.

Con số “xuất khẩu lao động” hay “vượt biên trái phép” ra nước ngoài hiện nay thật đáng sợ./.