Giao thừa

Trong phút linh thiêng của đêm giao thừa, thời khắc và không gian của năm cũ giao hoà cùng năm mới. Trong lúc chúng ta sắp sửa lễ vật, để cúng Đất Trời, cầu xin mọi sự được tốt lành, cũng là lúc chúng ta nhớ đến quê nhà, với nhiều kỷ niệm.

Nhớ năm xưa, trong các buổi chợ 30 Tết, người nào cũng tất bật, vội vã vì là lần mua sắm sau cúng cho ba ngày Xuân, có người để đến ngày 30 mới sắm sửa, hy vọng mua được giá hời, như sắm hai chậu quất, mấy chậu thược dược để trước nhà, cành mai, cành đào… Cũng lạ lắm, vừa mới chưng cành mai, cành đào trong phòng khách, vừa mới để hai chậu quất, mấy chậu thược dược trước sân nhà… chung quanh đã thơm mùi Tết. Suốt ngày 30 Tết, trên bàn thờ, hoa quả được sắp xếp đẹp đẽ. Lư hương, chân đèn được chùi bóng loáng, trong nhà rộn rã tiếng kêu của gà vịt, tiếng bát đũa, tiếng gọi nhau, tiếng dặn dò nấu nướng vì gần đến giờ rước tổ tiên về chung hưởng 3 ngày tết với gia đình con cháu. Lại dặn nhau thổi xôi, làm thịt con gà trống non, luộc cho khéo để không bị rách da, nhớ lấy đoá hoa mẫu đơn đặt vào mỏ gà để đón chào năm mới, lại dặn nhớ làm sạch lòng gà để xào miến, nhớ cắt cà rốt, su hào, củ đậu, hầm mực khô lấy nước dùng, để nấu một nồi bóng đặc biệt cúng giao thừa. Sau đó, là dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, sắp xếp… nghĩa là làm tất cả những gì có thể làm, để cửa nhà được sạch sẽ, gọn gàng, chuần bị chào đón giây phút giao thừà trọng đại.

Tiếng pháo bỗng nổ ran khắp xóm, mâm cúng linh đình với nến, hương, hoa, quả, xôi, gà, thức nấu, thức xào. Mọi người trong gia đình đột nhiên im lặng, hoặc nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng. Cả đại gia đình, với sự chứng kiến của Tổ tiên, đang hân hoan đón chào năm mới. Ngòai phố, chính điện của các chùa mở rộng để đón phật tử xa gần đến lễ đầu năm, Chúa xuân đã đến, năm mới đã đến, mọi người như được trên tay nhận gói quà may mắn, nét rạng rỡ trên từng khuôn mặt, người già mong chờ sức khoẻ, người trẻ chờ đợi công danh sự nghiệp, tất cả đều tin tưởng hoàn toàn vào những phúc lành từ Trời Đất. Trong hạnh phúc và tự do mênh mang đó, những người yêu nhau cũng hòa tinh yêu riêng tư của mình trong đêm giao thừa ấy. Em đến thăm Anh đêm 30, còn đêm nào vui bằng đêm 30. Anh nói với người phu quét đường xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em… Trời đang Tết hay lòng mình đang Tết.

Trong đêm giao thừa, những kỷ niệm vui buồn của gia đình được nhắc đến, hoặc gia đình vừa có thêm dâu, thêm rể, hay vừa chào đón một cháu trai, chái gái mới sinh. Hoặc bùi ngùi nhớ người thân, mới giao thừa năm ngóai gia đình còn xum họp đầy đủ, năm nay đã thiếu vắng, thiếu bố, thiếu anh, là những người dễ tính, may mắn, thường được mời xông nhà sau lễ cúng giao thừa.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 75, những phút giây thiêng liêng ấy không còn nữa, hàng năm, chợ vẫn là chợ của ngày 30 Tết, vẫn người, vẫn xe, Chúa Xuân vẫn dịu dàng đến với mai, đào, quất, thược dược… nhưng tất cả như vô hồn, như lạc lối, ngơ ngác, không tìm được lối cũ, đường xưa và Giao thừa đến không tiếng pháo, không áo mới xum xoe, không còn những phút giây đoàn tụ thiêng liêng, không ai nỡ hưởng những phút giây ấm cúng còn sót lại trong gia đình, khi nghĩ đến thân nhân, bạn bè đã xa cách, hay đang khổ sở nhọc nhằn trong trại cải tạo, hoặc đã chìm dưới lòng đại dương trên đường vượt biển tìm tự do. Những năm gần đây, người ta nghe tiếng pháo nổ ròn trong ba ngày tết, người người mua sắm rìu rít, người từ quê lên tỉnh thành ăn Tết, người từ ngoại quốc trở về ăn Tết, trên bức tranh nhộn nhịp phức tạp đó, người ta thấy lố nhố những khuôn mặt trẻ thơ hốc hác, vêu vao đói khát, ló ra từ mọi góc đường.

Giây phút giao thừa thiêng liêng hay những ngày Tết nhiệm màu với cha mẹ, với áo mới, với phong bì đỏ đã quá xa, đã mất hút trong trí nhớ, đã vuột khỏi tầm tay.

Hôm nay, một Giao thừa nữa ở quê người, nếu không phải đi làm hoặc làm giờ phụ trội, thì người ta sẽ sắp lễ vật để cúng giao thừa.Tất cả những cố gắng để tìm lại giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa nơi xứ người, đã chỉ tồn tại trong khuôn khổ của từng gia đình, khó có thể tìm được cảm giác chia xẻ sự hòa nhập của toàn đất trời và lòng người, để cùng hướng về những thời khắc đầu tiên của năm mới. Nơi đây chúng ta đón giao thừa riêng rẽ, ở Mỹ đêm nay là giao thừa, nhưng ở Úc, ở Tân Tây Lan và VN, quê hương của chúng ta, đêm hôm qua là đêm trừ tịch. Tuy được cùng ngày, nhưng vẫn không được cùng giờ. Phút linh thiêng đã bị tách, bị chia, không còn được cùng một lúc, cùng vui, cùng háo hức, cùng hưởng nguồn ân phúc của năm mới.

Càng nhớ quá khứ, thì càng ước mong được sống lại thời gian êm đềm đó. Tôi mơ đến một đêm giao thừa ở quê nhà, cả nước được nghỉ làm để ăn Tết, có con trẻ tung tăng áo mới, có mâm cúng nghi ngút khói hương, có tiếng pháo, tiếng cười, tiếng chúc tụng, tự do của con người được hòa nhập trong tự do của đất trời. Nhưng không có hạnh phúc nào tự nhiên đến, không ước mơ nào bỗng dưng có, nếu không nỗ lực hy sinh tìm kiếm./.