Twitter và Tổng thống

Ngô Nhân Dụng

Từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức các công ty truyền thông kiếm được rất nhiều tiền. Những báo đài với nội dung ủng hộ ông như Fox News hay Wall Street Journal, hoặc chỉ trích ông như New York Times, CNN đều lôi cuốn thêm hàng triệu người coi và thâu tiền các thân chủ quảng cáo. Những “diễn đàn” không có nội dung riêng mà chỉ được ông Trump dùng để truyền đạt ý kiến của mình, như Twitter hay Facebook cũng được lợi như vậy.

Trong năm 2020 giá cổ phiếu của Twitter tăng 70%, một phần nhờ chuyên chở các thông điệp của ông Trump và những người đối lập với ông. Sau khi Twitter ngưng không cho ông Trump sử dụng diễn đàn của họ, Facebook, YouTube cũng làm theo. Công ty Amazon không cho mạng Parler, quy tụ những người ủng hộ Tổng thống Trump, dùng máy chủ (server) của họ khiến Parler phải ngừng hoạt động.

Ông Donald Trump không thể ra lệnh cho Twitter, Facebook, hay YouTube phải mở cửa cho mình trở lại diễn đàn. Một tổng thống Mỹ không có quyền như các ông Tập Cận Bình, hoặc Kim Jong Un. Những nhà độc tài đó không cần được dân bầu lên. Vladimir Putin có thể bắt, giết những người đối lập trước ngày bỏ phiếu. Ở Mỹ, tổng thống cũng phải theo luật.

Vậy tại sao Tổng thống Trump không kiện các công ty Twitter, Facebook, xin tòa án ngăn không cho họ cấm cửa ông? Ông Trump không phải là người ngại kiện cáo. Người của ông đã thưa kiện các tiểu bang, tố cáo họ để xẩy ra gian lận trong cuộc bầu cử gần đây khiến ông thua phiếu. Sau khi các quan tòa, nhiều người do chính ông Trump bổ nhiệm, bác bỏ 60 vụ kiện vì người thưa kiện không đưa ra được bằng chứng, ông vẫn tiếp tục tố cáo gian lận. Tại sao bây giờ ông không đưa Twitter, Facebook, YouTube ra tòa về tội đóng cửa ông?

Trước hết, bởi vì đó là quyền của những công ty tư nhân. Ở nước Mỹ, nếu một cơ quan chính phủ cấm cửa ai thì người đó sẽ kiện đến cùng - trừ khi người ta vào đó với dây thòng lọng để thắt cổ ai đó, rồi lúc ra về lại cầm cái laptop. Còn tư nhân thì khác. Các tiệm ăn cũng có quyền yết thị: “Chúng tôi có quyền từ chối không tiếp bất cứ khách hàng nào.” Nhiều tiệm không cho ai đi chân đất, cởi trần hoặc mặc áo thun bước vào. Chỉ khi nào việc cấm cửa này vi phạm luật, thí dụ, vì kỳ thị màu da, tôn giáo, vân vân, thì mới có thể kiện ra tòa.

Tổng thống Trump không thưa kiện khi bị Twitter, Facebook cấm cửa, bởi vì ở nước Mỹ các tư nhân làm kinh doanh có quyền chọn khách hàng. Tất cả các công ty trên đều nêu lý do là họ sợ nếu tiếp tục cho các thông điệp của ông truyền trên mạng thì có thể sinh ra bạo loạn lần nữa, như ngày 6 tháng 1 ở điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ. Chắc ông cũng không muốn các công ty đó phải ra tòa trình bày lý do tại sao họ cấm cửa ông, cho cả nước được nghe suốt thời gian xử án.

Nhưng Tổng thống Trump có thể tự biện hộ trước tòa án rằng ông không hề cổ động dùng bạo lực. Ông chỉ kêu gọi mọi người đến trụ sở quốc hội bắt họ phải công nhận ông đắc cử vẻ vang (landslide) thôi. Ông hô khẩu hiệu “Chấm dứt vụ Ăn cắp” chức vụ tổng thống của ông. “Stop The Steal” không cần phải vác súng, thòng lọng treo cổ, hay mang bom xăng theo! Rất nhiều người trong các tổ chức “Da Trắng Ưu Việt” như Proud Boys, Boogaloo Bois, Tân Quốc Xã, vân vân, vẫn phẫn nộ về cảnh đất nước “của người da trắng” đã mất vào tay các “chủng tộc hạ đẳng.” Họ đã kêu gọi đồng đảng chuẩn bị vũ khí suốt hai tháng trời. Họ cũng muốn “Stop The Steal!” The Steal đây là vụ nước Mỹ của họ bị mất cắp. Họ tự coi đang tham dự một cuộc thánh chiến.

Hầu hết những người bị bắt sau cuộc “nổi dậy” đều công nhận họ được khuyến khích vì những lời kêu gọi “Stop The Steal!” của ông Trump. Ông có thể nói rằng họ đã hiểu lầm. Khi ông nói “To Be Wild” – hoang dã, hỗn loạn, dữ dội, điên cuồng…; và hô hào “Hãy Chiến đấu” (Fight), những người đó nghe tưởng là lệnh hành quân!

Nếu bị ông Trump kiện ra tòa, các công ty Twitter, Facebook, YouTube sẽ phải nhắc lại lý do họ nêu ra khi cấm cửa: Họ cấm những thông điệp như trên, để tránh cảnh bạo loạn lần nữa, vào ngày 20 tháng 1 năm 2021.

Nhưng không thể coi những người nghe diễn văn của ông Trump rồi đi phá quốc hội giống các Vệ Binh Đỏ làm theo những lời kêu gọi đại cương của Mao Trạch Đông. Họ Mao nắm quyền sinh sát không giới hạn. Khi ông ta hô khẩu hiệu “Tiến đánh Đại Bản Doanh” thì các vệ binh đỏ hiểu ngay đó là một mệnh lệnh. Họ đến từng nhà bắt Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, và các ủy viên Bộ Chính Trị khác, đem ra đánh đập, chửi bới, nhục mạ. Cũng không thể so sánh các thông điệp “Tuýt” của Tổng thống Trump với những cuốn Sách Đỏ “Trích lời Mao Chủ Tịch.” Người Trung Hoa thời đó tôn thờ Mao Trạch Đông như thần thánh. Còn ông Donald Trump vẫn chỉ là một người được dân bầu; khi thua phiếu thì không còn làm tổng thống nữa.

Nhưng sự kiện ba công ty lớn làm chủ các diễn đàn mạnh nhất đã cấm cửa một ông tổng thống Mỹ vẫn là một điều không tốt đẹp cho chế độ tự do dân chủ. Khi họ có thể gây ảnh hưởng trên sinh hoạt chính trị, một ảnh hưởng quá rộng, quá lớn như vậy, thì phải đặt câu hỏi: Xã hội có thể cho phép các doanh nghiệp sử dụng quyền lực như vậy hay không?

Chắc chắn là không. Khi quyền lực được tập trung vào trong tay bất cứ một đảng chính trị hay một chính quyền, một công ty kinh doanh nào thì dân chủ tự do bị đe dọa. Nước Mỹ đã phải đối phó với nạn độc quyền kinh tế từ thế kỷ 19, vì thế đạo luật Sherman Antitrust Act ra đời năm 1890. Từ đó rất nhiều đại công ty đã phải cắt, chia ra làm nhiều công ty nhỏ, nổi tiêng nhất là những công ty Standard Oil, Công ty Thuốc lá American Tobacco, General Electric, bị chia cắt năm 1911; AT&T năm 1982. Gần đây nhất, công ty Microsoft cũng bị đưa ra tòa nhưng không bị chia cắt sau khi vụ kiện được giải quyết, năm 2001.

Đạo luật Sherman Act chỉ nhắm giới hạn quyền lực kinh tế. Nhưng các công ty như Twitter, Facebook, Amazon, và Alphabet, chủ nhân của Google và YouTube còn ảnh hưởng quá mạnh trên chính trị và xã hội nước Mỹ. Vì họ đang nắm trong tay những “hạ tầng cơ sở” của việc thông tin trên mạng, không khác gì độc quyền của các công ty lớn những thế kỷ trước.

Quốc hội Mỹ sẽ phải làm luật quy định hoạt động của các công ty loại này. Thứ nhất, để bảo vệ quyền tự do phát biểu của tất cả mọi người, không riêng gì một ông tổng thống hay các đại biểu quốc hội. Thứ hai, nước Mỹ vẫn tôn trọng quyền tự do kinh doanh, cũng không thể quốc hữu hóa các công ty “hạ tầng cơ sở” trên, theo đường lối các chế độ cộng sản.

Quyền tự do kinh tế là một nền tảng của tự do chính trị. Người dân tự do bỏ phiếu chọn người lãnh đạo. Họ cũng được tự do sử dụng đồng tiền khi tiêu thụ, giống như “bỏ phiếu” cho các công ty cung cấp hàng hóa hay dịch vụ.

Quyền tự do chính trị bảo đảm người tiêu thụ được sử dụng đồng tiền của mình. Người ta có thể hô hào “tẩy chay” các công ty đồng lõa với các hành động phi pháp. Trong thế kỷ trước, dưới áp lực của giới tiêu thụ, nhiều công ty và ngân hàng Mỹ đã ngưng đầu tư vào Nam Phi, thúc đẩy nước này bãi bỏ chế độ phân biệt chủng tộc. Sau khi Twitter và Facebook đã cấm cửa ông Trump, công ty Alphabet chờ mấy ngày mới làm theo cũng vì nhiều người bắt đầu kêu gọi tẩy chay YouTube.

Nhưng khi quyền tự do kinh tế đe dọa lấn áp các quyền tự do chính trị thì cần phải sửa lại bản “hợp đồng xã hội.” Quốc hội Mỹ cần làm thêm luật mới để quy định việc các công ty đóng góp vào quỹ tranh cử, thay thế đạo luật cũ đã bị Tối cao pháp viện xóa bỏ. Trong mùa bầu cử năm 2020, các công ty lớn đã góp $205 triệu cho các ứng cử viên Cộng Hòa và $155 triệu cho đảng Dân chủ. Không ai ngây thơ nghĩ rằng số tiền đóng góp của họ không ảnh hưởng gì đến các nhà chính trị.

Sau vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1, hai công ty đã đóng góp cho các quỹ tranh cử nhiều nhất là AT&T ($2,650,000) và Comcast ($2,570,000) tuyên bố ngưng không góp tiền cho quỹ tranh cử của các dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa chống kết quả cuộc bỏ phiếu năm 2020. Một số công ty tuyên bố ngưng đóng góp tất cả. Thí dụ, Raytheon tặng $1,713,000 mà 53% cho Cộng Hòa, Deloitte đóng góp $1,719,000 trong đó Cộng Hòa được 54%, UPS đã góp $1,770,430 mà gần 59% cho đảng Cộng Hòa. Tuy họ nói ngưng góp tiền cho cả hai đảng, nhưng ai cũng thấy Cộng Hòa bị mất mát nhiều hơn!

Trong những năm tới, Quốc hội Mỹ nên làm những đạo luật mới quy định các tiêu chuẩn về góp quỹ tranh cử. Nhưng cần làm ngay một đạo luật không cho phép các diễn đàn trên mạng giữ độc quyền khiến mọi người bị cấm đoán theo ý kiến của một số tư nhân.

Sau vụ Twitter cấm cửa Tổng thống Trump, bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, là người chưa hề thân thiện với ông, cũng lên tiếng phản đối. Bà nói rằng quyền tự do phát biểu có thể bị hạn chế; nhưng hạn chế như thế nào thì chỉ có các nhà lập pháp mới có quyền quyết định, không thể cho các công ty tư muốn làm gì thì làm./.