Cả đám lên đồng về ‘tư tưởng Hồ Chí Minh’

Phạm Nhật Bình - Web Việt Tân|

Sau biến cố Đông Âu, kéo theo sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã đặt những người cộng sản Việt Nam trước một viễn cảnh không có gì sáng sủa. Hệ tư tưởng cộng sản hoàn toàn bị phá sản ngay trên quốc gia mà nó thống trị bảy thập kỷ.

Nhưng mãi đến nay, các lãnh đạo CSVN vẫn không thừa nhận sự kiện 1991 và tiếp tục đặt niềm tin vào chủ thuyết cộng sản bên cạnh đàn anh Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hoang mang giao động của các tầng lớp đảng viên khiến các lãnh đạo CSVN phải tìm cách chấn chỉnh sự hụt hẫng trong lý thuyết bằng cách đưa cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” vào cương lĩnh của đảng ở đại hội 7 năm 1991.

Từ đó tư tưởng Hồ Chí Minh được coi như một hệ thống tư tưởng và quan điểm cách mạng mẫu mực được rao giảng như môn học bắt buộc trong trường đại học cho sinh viên. Đồng thời các học viện chính trị từ trung ương tới địa phương có nhiệm vụ nhồi nhét vào đầu đảng viên, cán bộ các cấp cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhưng điều lố bịch mà ai cũng nhìn thấy, ngay từ năm 1951 trong đại hội 2 của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã trả lời đại biểu Miền Nam Nguyễn Văn Trấn rất rõ ràng: “Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê… Tôi là học trò của Mác, của Ăng-ghen, Lênin chớ làm gì có tư tưởng ngoài triết học Mác.” (Viết cho Mẹ và Quốc Hội – Tác giả Nguyễn Văn Trấn).

Thế mà mới đây, có cả một đám người hè nhau dựng hồn ông Hồ lên và nhét vào mồm ông ta những điều viển vông, bá láp, nói cho lấy có. Đó là đề tài “Tinh thần thượng tôn pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh” trong một buổi hội thảo do Bộ Tư Pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 30  tháng Mười Một vừa qua.

Thực tế từ ngày CSVN cầm quyền ở Miền Bắc năm 1945, làm gì có chuyện thượng tôn luật pháp trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính ông ta lúc còn sống đã giết biết bao người trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất trong giai đoạn 1953-1956. Nếu có thượng tôn pháp luật Hồ Chí Minh đã không làm ngơ để bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) trở thành địa chủ đầu tiên bị mang ra xử bắn theo chỉ đạo của cố vấn Trung Quốc. Trớ trêu thay bà Cát Hanh Long lại là người đã nuôi giấu nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Minh đồng thời là người đóng góp tiền vàng nhiều nhất cho phong trào cộng sản.

Cùng với cải cách ruộng đất giết nông dân lương thiện theo chỉ tiêu của cố vấn Trung Quốc đề ra, vụ án Nhân Văn Giai Phẩm đã đàn áp, giết hại, bỏ tù bao nhiêu văn nghệ sĩ Miền Bắc chỉ vì họ đòi hỏi tự do tư tưởng, tự do sáng tác. “Trăm hoa đua nở” là một phong trào đòi hỏi tự do tư tưởng đầu tiên đã làm rung động cả đất nước thời gian ấy.

Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê… Tôi là học trò của Mác, của Ăng-ghen, Lênin chớ làm gì có tư tưởng ngoài triết học Mác.” – Hồ Chí Minh (Viết cho Mẹ và Quốc Hội – Tác giả Nguyễn Văn Trấn)

Có thượng tôn pháp luật hay không khi Hồ Chí Minh làm ngơ cho Lê Duẩn-Lê Đức Thọ và Bộ Trưởng Công An Trần Quốc Hoàn dàn dựng vụ án “Xét lại chống đảng” năm 1967 bắt giết, bỏ tù đồng đội của họ trong mục đích thanh trừng nội bộ. Và còn biết bao nhiêu vụ án tày trời khác mà những đồ đệ của Hồ Chí Minh không bao giờ làm theo luật pháp, huống chi nói đến 4 chữ cao quý “thượng tôn luật pháp.” Những năm tháng gần đây nhất, tòa án Việt Nam đã thể hiện tinh thần “thượng tôn luật pháp” bằng những bản án phi pháp, vô nhân đạo, bỏ tù từ 10 đến 20 năm nhiều công dân lương thiện chỉ vì họ muốn luật pháp được thương tôn, dân chủ tự do được tôn trọng.

Ngày nay bất mãn và oán hận của người dân đối với đảng chất chồng như núi, người cộng sản dùng ông Hồ làm cái khiên để che giấu và nói những điều giả dối mà mới nghe qua ai cũng nực cười. Nhất là khi nghe Giáo Sư, Tiến Sĩ Hoàng Chí Bảo người được giới thiệu là chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội Đồng Lý Luận Trung Ương. Đây đúng là chuyên viên bưng bô của đảng.

Ngày 30 tháng Mười Một, Hoàng Chí Bảo đăng đàn thảo luận trong cuộc hội thảo, phun ra 5 cái gọi là “đặc trưng của Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và Pháp luật.” Người nghe cảm thấy như ông Bảo cùng với ông Trương Hòa Bình (phó thủ tướng) và Uông Chu Lưu (phó chủ tịch quốc hội) cùng lên đồng với nhau.

1/ Hoàng Chí Bảo ca ngợi nhà nước Việt Nam là “nhà nước vì dân, do dân” dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam. Thật ra “do dân, vì dân” là điều ăn cắp từ hiến pháp Hoa Kỳ. Nhưng đây chỉ là thủ đoạn gian trá của Hồ Chí Minh khi lồng nó vào tuyên ngôn 2 tháng Chín. Ông Hồ và đám hậu duệ đọc như con vet và lấy đó làm khẩu hiệu tuyên truyền cho chế độ giả nhân giả nghĩa của mình. Trong thực tế cộng sản cầm quyền chưa hề do dân bầu ra vì họ xuất thân từ một hệ thống cộng sản quốc tế, tự bầu bán lẫn nhau và dùng biện pháp cưỡng bách bắt người dân phải tin rằng cộng sản chiến đấu vì tự do hạnh phúc của dân.

2/ Hoàng Chí Bảo cho rằng “Nhà nước và pháp luật Việt Nam là hình thức tổ chức bảo vệ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.” Ngày nay Việt Nam cũng như các quốc gia cộng sản còn sót lại, hình thức xã hội chủ nghĩa chưa bao giờ xuất hiện, vì thế cái gọi là “nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” chỉ là lối nói khoa trương. Hay nói cho đúng hơn đây chính là hệ thống “dân chủ” theo kiểu “đảng cử dân bầu” trong các kỳ bầu cử quốc hội mà người dân Việt Nam đánh giá là loại cây kiểng của đảng. Như thế bảo vệ nền “dân chủ” chính là bảo vệ đảng, chứ người dân làm gì có dân chủ mà bảo vệ!

3/ Theo Hoàng Chí Bảo, đảng “phải quản lý toàn diện xã hội để thực thi dân chủ và dân chủ hóa Việt Nam.” Quản lý toàn diện và triệt để là mục tiêu mà đảng theo đuổi và thực hiện trong nhiều thập niên qua nhưng chỉ để phục vụ cho sự toàn trị lâu dài của đảng thay vì thực thi dân chủ. Ngoài miệng thì rêu rao dân chủ hóa nhưng quyền căn bản của người dân ngày càng bị chà đạp và thủ tiêu. Rốt cuộc đây chính là khẩu hiệu rỗng tuếch: đảng lãnh đạo – nhân dân làm chủ – nhà nước quản lý. Nhìn vào khẩu hiệu này ai cũng nhận ra người dân Việt mãi mãi làm chủ không trong sự kềm kẹp chặt chẽ của đảng và nhà nước.

4/ Hoàng Chí Bảo còn lộng ngôn khi nói rằng “Nhà nước pháp quyền dân chủ trong logic tư tưởng là nhà nước của dân.” Vào thời Hồ Chí Minh còn sống, chính quyền cộng sản làm gì có thứ logic kệch cỡm này khi mà đảng khống chế toàn miền Bắc để xâm lăng miền Nam. Trong thời gian này, đảng dồn mọi nỗ lực vào chiến tranh bằng xương máu hàng triệu thanh niên miền Bắc. Người dân bị cưỡng bách theo lệnh đảng, phải sống thắt lưng buộc bụng nhằm phục vụ ý đồ chiến tranh xâm lăng đen tối của lãnh đạo đảng. Thử hỏi có người dân nào dám hó hé nếu không muốn bị tiêu diệt; vậy làm gì có nhà nước của dân?

5/ Sau cùng để thi vị hóa một vấn đề nhạt hơn nước ốc, Hoàng Chí Bảo nói rằng “Công nhân viên chức là người thể hiện, thi hành công vụ nhà nước mà mệnh lệnh tối cao là của dân, do dân do dân kiểm soát.” Đúng là cả một bọn đang nằm mơ giữa ban ngày. Chế độ này đã sản sinh ra một tầng lớp công chức xuất thân từ đảng viên là những ông trời con, quan liêu còn hơn thư lại thời phong kiến. Mỗi lần đến các cơ quan nhà nước xin xỏ mà không có phong bì phong bao, không có đút lót bôi trơn thì làm sao có được chữ ký của cán bộ. Chính hệ thống Xin-Cho đã biến người dân thành những con bò sữa để đám cán bộ của đảng mặc tình khai thác.

Nói tóm lại, người dân ngày nay không còn tin vào lãnh đạo đảng Cộng Sản nữa, nhưng do nhu cầu tuyên truyền để đăng báo, một số cán bộ lấy cái chưa hề có là “tư tưởng Hồ Chí Minh” ra xào nấu. Họ ngồi lại với nhau để vẽ vời về những điều viển vông, lố bịch rồi đem nhét vào mồm ông Hồ, cho rằng bác nói thế này, bác nghĩ thế kia. Nhưng thực ra đó là những điều hoàn toàn bịa đặt của tuyên giáo, dùng để lên đồng và tự sướng với nhau trong vài giây phút thế thôi.

Phạm Nhật Bình