Tin tổng hợp Philippines, Đài Loan, Mỹ - Trung, Tây Tạng, Tân Cương

23.09.2020

I. Tổng thống Philippines khẳng định phán quyết Biển Đông trước Liên Hiệp Quốc

Trong một động thái được tờ Rappler mô tả là “tạo nên lịch sử”, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khẳng định phán quyết của Tòa trọng tại về tranh chấp Biển Đông năm 2016 trong bài phát biểu (qua video) trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22.9. (LINK)

Chúng ta phải lưu tâm đến các nghĩa vụ và cam kết của mình đối với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và được khuếch đại bởi Tuyên bố Manila năm 1982 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
Philippines khẳng định cam kết đó ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và Phán quyết Trọng tài năm 2016.
Phán quyết này hiện là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài khả năng khuấy loãng, giảm nhẹ hoặc từ bỏ của các chính phủ nhất thời.
Chúng tôi kiên quyết bác bỏ các nỗ lực phá hoại nó.
Chúng tôi hoan nghênh số lượng ngày càng nhiều quốc gia ủng hộ phán quyết và những gì nó đại diện - là chiến thắng của lý trí trước sự bừa bãi, của luật pháp trước sự rối loạn, của tình hữu nghị trước tham vọng. Việc này - như lẽ ra phải thế - là sự uy nghiêm của luật pháp.

Đây là diễn biến rất đáng chú ý, có thể mang tính bước ngoặt đối với lập trường của chính quyền Duterte liên quan đến phán quyết Biển Đông, dù nhiều người vẫn còn e ngại với cách hành xử “sáng nắng chiều mưa” của vị tổng thống này.

Sau vài năm thờ ơ, việc ông Duterte khẳng định phán quyết trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là một dấu chỉ nữa cho thấy phán quyết này đã được hồi sinh và đặt trở lại đúng vị trí của nó, sau hàng loạt công hàm của các bên liên quan gửi đến Liên Hiệp Quốc kể từ cuối năm 2019, mà mới nhất là công hàm chung của Anh, Pháp và Đức.

Một tập hợp các quốc gia cùng chí hướng trong việc bảo vệ và thực thi phán quyết có vẻ như đã ló dạng. Và có thể điều này đã tăng thêm sức mạnh cho chính quyền Duterte. Với tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc, ông Duterte khó lòng có thể quay trở lại với màn đi dây như trước liên quan đến phán quyết này.

II. Đài Loan

Tình hình Đài Loan vẫn tiếp tục căng thẳng với vụ xâm nhập Vùng nhận diện phòng không Đài Loan lần thứ 5 trong 6 ngày của máy bay Trung Quốc vào hôm qua. (LINK)

Đáp lại, Đài Loan hôm qua cũng tổ chức cuộc tập trận tác chiến phòng không liên hợp mô phỏng việc đáp trả của cuộc tấn công bằng đường không của kẻ thù. (LINK)

Toàn bộ các căn cứ không quân Đài Loan cũng như các đơn vị hải quân và tên lửa đất đối không đã tham gia cuộc tập trận này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nghiêm Đức Phát đã giám sát cuộc tập trận tại Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp.

Cùng ngày, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thân chinh đến Bành Hồ úy lạo một phi đội chiến đấu cơ đồn trú tại đây. (LINK)

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh NPR, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Josehp Wu) cho hay Đài Loan không tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Mỹ trong lúc này. (LINK)

Nhưng chắc chắn còn nhiều không gian để chúng tôi khám phá cách tăng cường quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ và chúng tôi đã chủ trương rằng Đài Loan và Hoa Kỳ nên tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, chính trị và thậm chí cả an ninh.

Liên quan đến vấn đề hợp tác, trong một bài viết trên số tháng 9-10 của tập san Military Review của Lục quân Mỹ, Đại úy thủy quân lục chiến Walker D. Mills kêu gọi Mỹ thiết lập căn cứ quân sự ở Đài Loan nhằm răn đe Trung Quốc tấn công hòn đảo này và tạo ra tình thế “sự đã rồi”. (LINK

III. Mỹ - Trung

1. Khẩu chiến ở Liên Hiệp Quốc

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 75, Tổng thống Donald Trump không tiếc lời chỉ trích Trung Quốc, kêu gọi buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm vì để “vi rút Trung Quốc” lây lan ra toàn thế giới. (LINK)
Trong bài phát biểu dài chỉ khoảng 1.000 chữ, Tổng thống Mỹ đã 12 lần nhắc đến Trung Quốc. (*)

Khi chúng ta theo đuổi tương lai tươi sáng này, chúng ta phải quy trách nhiệm cho quốc gia đã gây ra bệnh dịch cho thế giới: Trung Quốc.
Trong những ngày đầu tiên của vi rút, Trung Quốc đã cấm đi lại trong nước trong khi cho phép các chuyến bay rời khỏi Trung Quốc và lây nhiễm ra thế giới. Trung Quốc lên án lệnh cấm đi lại của tôi đối với đất nước của họ, ngay cả khi họ hủy các chuyến bay nội địa và nhốt công dân ở trong nhà.
Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới - tổ chức hầu như do Trung Quốc kiểm soát - đã tuyên bố sai rằng không có bằng chứng về sự lây lan từ người sang người. Sau đó, họ nói sai rằng những người không có triệu chứng sẽ không lây bệnh.
Liên Hiệp Quốc phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về hành động của họ.

Trong bài phát biểu sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kín đáo chỉ trích Mỹ với tuyên bố:

Không quốc gia nào có quyền chi phối các vấn đề toàn cầu, kiểm soát vận mệnh của người khác hoặc giữ lợi thế phát triển cho riêng mình.
Tuy nhiên, phát biểu của ông rằng Trung Quốc là “người bảo vệ trật tự quốc tế” đã bị phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus bật lại trên Twitter:
Đây là thực tế: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phớt lờ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, gửi các đội tàu đánh cá đến vùng biển của các quốc gia khác và không giữ lời hứa, chẳng hạn như bảo vệ quyền tự trị của Hồng Kông.

IV. Tây Tạng, Tân Cương

Sáng 23.9, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ với tỷ lệ áp đảo. (LINK)

Theo dự luật này, hàng hóa xuất xứ từ Tân Cương bị mặc định là do lao động cưỡng bức sản xuất và theo đó bị cấm nhập khẩu. Những nhà nhập khẩu có trách nhiệm phải chứng minh hàng hóa từ Tân Cương không do lao động cưỡng bức tạo ra.

Tổng thống Mỹ theo định kỳ cũng sẽ phải cung cấp cho Quốc hội danh sách các tổ chức và cá nhân nước ngoài cố ý tạo điều kiện cho lao động cưỡng bức ở Tân Cương và nỗ lực làm trái luật của Mỹ liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa lao động cưỡng bức từ Tân Cương. Những đối tượng nằm trong danh sách này sẽ bị trừng phạt phong tỏa tài sản và từ chối cấp thị thực.

Trong khi đó, tổ chức Jamestown FoundationReuters ngày 22.9 cùng xuất bản các báo cáo cho thấy Trung Quốc đang dồn nông dân ở Tây Tạng vào các khu huấn luyện nghề theo kiểu quân đội, nơi họ được đào tạo trở thành công nhân nhà máy, tương tự chương trình ở Tân Cương vốn bị các tổ chức nhân quyền cáo buộc là lao động cưỡng bức. (LINK)

Trích từ nguồn: Duan Dang

(*) Toàn văn bài phát biểu ‘chống Trung Quốc’ của Tổng thống Trump tại Liên Hợp Quốc
 

Tôi rất vinh dự được phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

70 năm sau khi Thế chiến II kết thúc và Liên Hợp Quốc được thành lập, một lần nữa chúng ta lại tham gia vào một cuộc chiến toàn cầu vĩ đại. Chúng ta đã phát động một cuộc chiến khốc liệt chống lại kẻ thù vô hình – virus Trung Quốc – thứ đã cướp đi sinh mạng của vô số sinh mạng ở 188 quốc gia.

Tại Mỹ, chúng tôi đã thực hiện một chiến dịch mạnh mẽ nhất kể từ sau Thế chiến II. Chúng tôi đã sản xuất nhanh số lượng máy thở kỷ lục, tạo ra nguồn cung dồi dào để chia sẻ với bạn bè và đối tác trên thế giới. Chúng tôi đi tiên phong trong các phương pháp điều trị cứu người, giảm tỷ lệ tử vong  85% kể từ tháng 4.

Nhờ nỗ lực của chúng tôi, ba loại vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Chúng tôi đang sản xuất hàng loạt để có thể phân phối ngay lập tức khi hoàn tất.

Chúng tôi sẽ phân phối vắc-xin, chúng tôi sẽ đánh bại virus, chấm dứt đại dịch, và bước vào một kỷ nguyên mới của sự thịnh vượng, hợp tác và hòa bình chưa từng có.

Khi chúng ta theo đuổi tương lai tươi sáng này, chúng ta phải buộc quốc gia phát tán dịch bệnh cho thế giới chịu trách nhiệm: Trung Quốc.

Trong những ngày đầu tiên bùng phát dịch, Trung Quốc đã phong tỏa đi lại nội địa nhưng lại cho phép các chuyến bay rời Trung Quốc và lây lan dịch bệnh ra thế giới. Trung Quốc lên án lệnh cấm đi lại của tôi đối với họ, trong khi chính họ lại hủy các chuyến bay nội địa và yêu cầu người dân ở trong nhà.

Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới WHO – gần như đã bị Trung Quốc kiểm soát – tuyên bố sai lệch rằng không có bằng chứng lây nhiễm từ người sang người. Sau đó, họ lại tuyên bố sai lệch rằng những người không có triệu chứng sẽ không lây nhiễm dịch bệnh.

Liên Hợp Quốc phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho các hành vi của họ.

Ngoài ra, hàng năm, Trung Quốc đã thải hàng triệu triệu tấn nhựa và rác thải ra đại dương, đánh bắt quá mức ở vùng biển các nước khác, phá hủy các dải san hô rộng lớn và thải ra khí quyển nhiều thủy ngân độc hại hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. 

Lượng khí thải carbon của Trung Quốc hiện đang gần gấp đôi Hoa Kỳ, và nó vẫn đang tăng nhanh. 

Ngược lại, sau khi tôi rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris một chiều, năm ngoái Mỹ đã giảm lượng khí thải carbon nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác tham gia hiệp định.

Những người công kích kỷ lục môi trường hiếm có của Mỹ trong khi phớt lờ tình trạng ô nhiễm tràn lan của Trung Quốc, là những người không hề quan tâm đến môi trường. Họ chỉ muốn trừng phạt nước Mỹ, và tôi sẽ không chấp nhận điều này. 

Nếu Liên Hợp Quốc muốn trở thành tổ chức hiệu quả, thì nó phải tập trung vào các vấn đề thực tại của thế giới. Điều này bao gồm khủng bố, đàn áp phụ nữ, lao động cưỡng bức, buôn bán ma túy, buôn bán người và cưỡng ép bán dâm, đàn áp tôn giáo và thanh trừng sắc tộc các nhóm tôn giáo thiểu số.

Nước Mỹ sẽ luôn đi tiên phong về nhân quyền. Chính quyền của tôi đang thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, cơ hội cho phụ nữ, chống buôn người và bảo vệ thai nhi.

Chúng tôi cũng biết rằng sự thịnh vượng của Mỹ là nền tảng của tự do và an ninh toàn cầu. Trong ba năm ngắn ngủi, chúng tôi đã tạo dựng nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử và chúng tôi đang nhanh chóng lặp lại điều đó. Quân đội Mỹ đã phát triển đáng kể về quy mô. Chúng tôi đã chi 2,5 nghìn tỷ USD trong bốn năm qua để củng cố quân đội. Chúng tôi có quân đội hùng mạnh nhất thế giới, thậm chí không có nước nào theo sát được.

Chúng tôi đã chống lại hai thập kỷ Trung Quốc lạm dụng thương mại. Chúng tôi đã hồi sinh Liên minh NATO, khi các quốc gia khác đang đóng góp ngân sách công bằng hơn nhiều. Chúng tôi đã tạo dựng quan hệ đối tác lịch sử với Mexico, Guatemala, Honduras và El Salvador để ngăn chặn nạn buôn người. Chúng tôi đang sát cánh cùng người dân Cuba, Nicaragua và Venezuela trong cuộc đấu tranh chính nghĩa vì tự do của họ.

Chúng tôi đã rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân tồi tệ của Iran và áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với nhà tài trợ khủng bố hàng đầu thế giới. Chúng tôi đã xóa bỏ hoàn toàn đế chế ISIS; tiêu diệt kẻ sáng lập và lãnh đạo của nó, al-Baghdadi; và tiêu diệt tên khủng bố hàng đầu thế giới, Qasem Soleimani.

Trong tháng này, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Serbia và Kosovo. Chúng tôi đã đạt được một bước đột phá ngoạn mục với hai thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông, sau nhiều thập niên không có tiến triển. Israel, UAE và Bahrain đều đã ký một thỏa thuận hòa bình lịch sử tại Nhà Trắng, nhiều quốc gia Trung Đông khác sắp tới sẽ tiếp bước họ. Họ sẽ có hành động sớm, họ biết điều đó là tuyệt vời cho họ và tuyệt vời cho thế giới.

Những thỏa thuận hòa bình có tính đột phá này là bình minh cho một Trung Đông mới. Bằng cách áp dụng một cách tiếp cận khác, chúng tôi đã đạt được những kết quả khác biệt – những kết quả vượt trội hơn nhiều so với trước đây. Biện pháp của chúng tôi đã có hiệu quả. Chúng tôi sẽ sớm thực hiện nhiều thỏa thuận hòa bình hơn nữa và tôi lạc quan trước tương lai của khu vực hơn bao giờ hết. Máu sẽ không còn đổ. Những ngày phải đổ máu ấy đã qua rồi.

Như đã nói, Mỹ cũng đang nỗ lực để chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan, và chúng tôi đang đưa quân về nhà. Nước Mỹ đang hoàn thành sứ mệnh kiến tạo hòa bình, nhưng đó là sự hòa bình thông qua sức mạnh. Chúng tôi đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng tôi sở hữu vũ khí tối tân chưa từng có trước đây, chúng tôi chưa từng nghĩ có thể sở hữu chúng. Và tôi cầu xin Chúa sẽ không bao giờ phải sử dụng đến những vũ khí này. 

Trong nhiều thập niên, nhiều tiếng nói yếu ớt đã đề xuất những giải pháp thất bại, theo đuổi tham vọng toàn cầu trong khi làm tổn hại đến chính người dân của họ. Nhưng chỉ khi các vị quan tâm đến người dân của mình, các vị mới tìm thấy cơ sở thực sự để hợp tác. Trên cương vị Tổng thống, tôi đã bác bỏ những cách tiếp cận thất bại trong quá khứ và tôi tự hào đặt nước Mỹ lên trên hết, và các vị cũng nên làm điều tương tự với đất nước của mình. Đó là điều các vị nên làm.

Tôi vô cùng tin tưởng rằng vào năm tới, khi hội ngộ trực tiếp, chúng ta sẽ được tận hưởng một trong những năm vĩ đại nhất trong lịch sử chúng ta – thậm chí là trong lịch sử nhân loại.

Cảm ơn quý vị. Chúa ban phước cho tất cả quý vị. Chúa ban phước cho nước Mỹ. Và Chúa ban phước cho Liên Hợp Quốc./.