Nước Tần Giữa Đà Lạt

Bất đáo trường thành phi hảo hán

Luân Lê|

Đà Lạt dạo này nhiều tai tiếng: sau khi xây dựng khu vui chơi với các bức tượng quỷ với các bộ phận nhạy cảm to lớn kỳ dị là điểm nhấn; nay lại có cả một “nước Tần” trong lòng thành phố. Một thời kỳ của tên bạo chúa man rợ của Tàu.

Tại sao họ lại xây dựng một nước của Tàu ngay tại đất nước chúng ta? Để thu hút du lịch? Rõ ràng đó là lịch sử hoàn toàn của Tàu, nó không bao giờ là một phần lịch sử để cần được trải nghiệm trên đất nước chúng ta.

Trước đây ở Vĩnh Phúc bỏ ra 300 tỷ xây miếu thờ Khổng Tử nhưng rồi xây xong không biết thờ ai. Rồi có đề xuất xây tượng Quan Công nhìn ra biển (theo kiểu trấn biển). Thật lạ lùng là những vấn đề hết sức nghiêm trọng về chính trị và văn hoá lại bị xem nhẹ lạ thường.

Chúng ta nhiễm quá nặng văn hoá Tàu về truyện, phim và lịch sử. Nhiều người thuộc sử Tàu và hâm mộ các nhân vật trong truyện cũng như lịch sử Tàu hơn hẳn sử Việt. Họ tôn thờ những nhân vật ở Tàu, dù có thực hay hư cấu, hơn hẳn những con người ở xứ ta và những xứ khác.

Chúng ta đặt ra việc hiểu họ, nhưng không có nghĩa bê nguyên những cái họ có về nhà mình và rồi coi nó là một điểm nhấn.

Tại sao lại xây dựng một nước Tần thu nhỏ tại đây, Đà Lạt? Người Tàu đi khắp đất nước, bằng hướng dẫn viên du lịch, bằng phim ảnh, bằng sách báo, tài liệu trao đổi nghiên cứu học thuật... để tuyên truyền và chèn vào đó vấn đề chủ quyền biển đảo mà chúng đang cướp đoạt của ta.

Thế mà vẫn có những người tự chủ động tạo ra không gian và văn hoá, lịch sử Tàu hiện diện trên đất nước mình. Thật lạ lùng nhưng cũng thật nguy hại với đầy hiểm hoạ.

*****

HIỂN HIỆN CÁI SỰ “TÀU”

Sau khi đọc bài viết được chia sẻ trên trang bảng tin của vị Chủ tịch HĐQT công ty đầu tư khu du lịch ở Đà Lạt, ngoài vấn đề của sự ngạo mạn, tôi lại thấy sự bao biện về việc xây dựng kiến trúc đang bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, khó lòng nào có thể chấp nhận khi nhìn vào thực tế.

Một bức vạn lý trường thành được xây, với các điểm/chòi canh có các binh lính mặc trang phục thời nhà Tần. Đồng thời có câu danh ngôn về du lịch của Trung Quốc khá nổi tiếng: Bất đáo trường thành phi hảo hán - đến Trung Quốc mà không chinh phục Vạn lý trường thành thì không phải là nam tử hán đại trượng phu.

Vậy có lý gì để bao biện đây là dựng cảnh về quân nhân của nước Đại Việt xưa, khi mà nó hoàn toàn cho thấy hình ảnh một Trung Quốc rõ nét, qua trang phục đến bối cảnh của lịch sử tồn tại?