Tuỳ Anh: Từ Tháng Tư Buồn Đến Nỗi Đau Biệt Xứ

Có thể nói, tôi đã đọc Tùy Anh khá nhiều, cũng như liên lạc quan hệ bài vở với ông trên tập san Viên Giác phải đến trên hai chục năm. Ấy vậy mà mãi đến kỳ hè vừa rồi (tháng 8-2014) tôi mới có dịp gặp Tùy Anh ở chùa Viên Giác Hannover, khi cùng đi đón nhà thơ Trần Trung Đạo từ Hoa Kỳ sang.

(Từ trái sang nhà thơ Trần Trung Đạo, Nhà
thơ Tùy Anh giữa và Đỗ Trường đeo kính)
Đỗ Trường

Buổi tối, Thượng Tọa Thích Như Điển sợ Trần Trung Đạo mệt, nên trước khi về phòng ngủ còn dặn ba chúng tôi nhớ phải ngủ sớm. Thế mà, mải chè cháo chuyện trò mãi đến gần sáng, tôi mới chợt nhớ mình phải về để kịp giờ làm việc. Mở cổng, tiễn tôi ra xe, Tùy Anh dặn đi dặn lại, lái xe phải cẩn thận, nếu như buồn ngủ quá thì phải dừng xe chợp mắt chút ít, ba trăm cây số chứ chẳng phải chơi đâu. Nghe nói, ông vừa phải mổ khối u phổi, nhưng ở cái tuổi (gần) bát tuần mà dáng ông còn nhanh nhẹn lắm. Đặc biệt, giọng nói của ông rất nhẹ, vang và ấm.

 

Tùy Anh tên thật là Nguyễn Hòa, sinh năm 1938 tại Huế. Ông là kỹ sư, nguyên Trưởng Ty Thủy Lâm Đà Nẵng và Trưởng Khu Thủy Lâm Vùng Một Chiến Thuật. Sau 30 tháng 4-1975, ông phải đi tù cải tạo. Năm 1980 ra tù, ông vượt biển và định cư tại CHLB Đức, hiện là chủ bút tập san Viên Giác Hannover.

Tuy thơ đã làm nên chân dung thi sĩ Tùy Anh, nhưng mảng văn xuôi cũng đóng góp quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Lão Hũ Chìm viết dưới bút danh Phù Vân là tập truyện điển hình với bút pháp hiện thực của ông. Cũng như nhà thơ Thế Dũng, văn chỉ là hình hài thân xác, thơ mới chính là tư tưởng hồn cốt của Tùy Anh. Có lẽ, đây cũng là cái đặc trưng riêng của các nhà thơ lưu vong. Bởi những biến đổi xã hội, xáo trộn tâm lý cuộc sống quá lớn, riêng thơ khó chuyển tải hết nỗi lòng thi nhân. Do vậy, trang văn cũng là nơi người thi sĩ tìm đến. Và dường như càng lớn tuổi, thơ của họ đến gần với triết lý thiền đạo hơn.

 

Có thể nói, chính biến cố xã hội(30-4-1975) và sự chia ly ngăn cách đã đưa Tùy Anh đến với nghiệp viết lách. Những năm tháng tù đày, bão tố của biển khơi và cả nửa cuộc đời lưu vong ấy, như những nhát dao chém ngang hồn người thi sĩ. Với ông, chỉ có thơ văn mới là liều thuốc xoa dịu đi những cơn đau và nỗi nhớ đó.
* Có những con thuyền chở Tháng Tư đi

Đọc, nghiên cứu ta thấy, thơ Tùy Anh mang đậm tính tự sự. Thông qua thủ pháp nghệ thuật này, thi sĩ đã dựng lại một cách sống động những biến cố xã hội, biến cố cuộc đời cũng như cảm xúc tư tưởng, rồi tan chảy vào những tác phẩm của mình. Thật vậy! Nếu không phải trải qua những năm tháng tù đày, thì chắc chắn Tùy Anh không thể viết được những câu thơ làm cho người đọc cảm thấy bùi ngùi, xót xa đến như vậy. Với những nỗi đau, ôm theo mối hận tưởng như không thể dứt bỏ, ấy vậy lời thơ của ông vẫn thủ thỉ, nhẹ nhàng thương đời, trách mình, tuyệt nhiên không thấy bùng lên sự hận thù cay nghiệt ở trong đó:

“Ôm mối hận nhưng lòng còn son sắt
Thương quê hương đòi đoạn tháng ngày qua
Thương đời mình lỡ một thuở ngu ngơ
Nên lao nhục trong rừng sâu núi thẳm
Cam đày đọa trong lao tù giam hãm…“ (Về Rừng?)

Thoát khỏi nhà tù nhỏ, nhưng cánh cửa nhà tù lớn vẫn khóa chặt cuộc đời thi nhân. Vì vậy, với Tùy Anh ra khơi vượt biển là con đường duy nhất thoát khỏi địa ngục ấy. Muôn Trùng Thiên Lý là một bài thơ, hay là những câu hỏi tu từ xoáy quặn đau lòng người trước giờ chia ly?
“…Ba mươi tháng tư, một phương trời bão nổi
Nhân danh nào làm chồng vợ lìa xa?
Chủ nghĩa nào làm tình nghĩa phôi pha?
Ai nhớ ai quên, tiếng hờn vang động…“

 

Nhìn lại lịch sử mấy ngàn năm qua, lúc bình yên, hay khi chém giết tranh giành quyền lực, dẫn đến đổi thay chế độ, nhưng chưa khi nào người Việt lao ra biển để đi tìm sự sống trong cái mong manh và tăm tối như sau biến cố ba mươi tháng tư vừa qua. Bước chân ra đi là lời vĩnh biệt quê hương hay là lời vĩnh biệt chính cuộc đời mình của người thi sĩ? Nếu ai chưa một lần phải bước lên chiếc thuyền lá tre bồng bềnh, lọt thỏm giữa biển khơi bốn bề sóng gió, đọc thơ Tùy Anh chắc chắn sẽ cảm được phần nào đớn đau, tủi nhục trong nỗi tuyệt vọng của con người:
“… vĩnh biệt người, vĩnh biệt quê hương
có nỗi kinh hoàng nào ai hiểu thấu
bởi lũ ma vương
bởi phường thủy khấu
những tiếng cười quái đản
những nét mặt cuồng dâm
mã tấu, dao găm
trút xuống thân người tị nạn!…“ (Vẫy Tay Chào Quê Hương)

Nếu thơ Tùy Anh là tiếng nấc chung đớn đau, xoáy vào thân phận người tị nạn, thì những trang văn của ông đã cụ thể hóa nỗi đắng cay tuyệt vọng hay những hành động phản kháng mãnh liệt của chính mình. Trên Cõi Hồng Hoang là một truyện ký như vậy. Tùy Anh đã đưa hình ảnh cụ thể, sống động nhất vào trang văn. Tuy ông cho rằng, đây là hành động như một phản ứng tự nhiên trước nghịch cảnh đồng loại bị hành hạ, hãm hiếp một cách dã man. Nhưng lãnh một nhát mã tấu chém ngang bụng, để lại vết thương không bao giờ thành sẹo ấy, với tôi, đó hành động can trường, một sự phản kháng có ý thức rõ ràng của Tùy Anh. Chúng ta đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ điều đó:

“…hắn chợt nhớ lại sự kinh hoàng tột độ của mọi người trên ghe vượt biên khi hai tàu đánh cá của Thái Lan bao vây. Những ngày lênh đênh trên mặt biển, đói khát lả người, nên có muốn chống cự cũng chẳng còn ai đủ sức. Tụi cướp nhảy qua ghe như một bầy thú tranh mồi. Cô gái ngồi gần hắn bị tụi cướp lôi ra, xé gần hết quần áo. Cô gái thét lên kinh khiếp. Hắn cảm thấy bất nhẫn và bỗng nhiên một sức mạnh trào dâng, hắn nhảy xổ ra hất mạnh tên cướp và kéo cô gái trở lại. Đây chỉ là một hành động hào hiệp, một phản ứng tự nhiên trước nghịch cảnh man rợ. Hắn đâu có ý thức trước được một hiểm họa một báng súng, một nhát mã tấu…”(Trang 212)
Có một nhà nghiên cứu (ở Paris) trong số báo xuân gần đây viết: ” Phần lớn đề tài trong thơ của Tùy Anh liên hệ xa gần tới thời cuộc, thành thử thơ của ông phần thi hứng bị trí tuệ lấn át…” Có lẽ, nhà nghiên cứu này muốn nhắc đến thi hứng trời mây sông nước, hay ở cõi trên xa rời với đời sống, xã hội con người chăng?

 

Vâng! Chính cái thi hứng cõi trên này, đã đẻ ra những bài thơ, trang văn đều chết non chết yểu cả. Tài năng thi hứng đến như đại thi hào Nguyễn Du, nếu ngòi bút của cụ không chọc thẳng vào cái xã hội thối nát và thân phận con người, thì có lẽ Truyện Kiều khó sống được đến ngày hôm nay.
Thật vậy, thơ của Tùy Anh đã đi cùng với những thăng trầm của đất nước và nỗi đau của con người, những mảnh đời tha hương biệt xứ. Do vậy, thơ ông đầy ắp hơi thở cuộc sống, sinh động đi thẳng vào lòng người.
*Những vết thương không bao giờ thành sẹo.

Cũng như như nhà thơ lưu vong khác, thơ của Tùy Anh đau đáu một niềm nhớ thương, mong ngày trở về “ Mình ta tháng đợi năm chờ/ Vết nhăn thành sóng trên bờ trán cao” Và sự chờ đợi ấy, dường như chỉ là giấc chiêm bao. Dẫu biết vậy và anh cũng chẳng còn trẻ nữa, nhưng vẫn đưa em về tìm lại ký ức thuở ban đầu. Đủ Ấm Yêu Thương là một giấc mơ mang mang hoài niệm như vậy. Nó tuy không phải là bài thơ thật xuất sắc của Tùy Anh, nhưng có lời thơ rất nhẹ và đẹp:
“…Em về biển- biển muôn đời vẫn mặn
Sóng vỗ hoài phai dấu tích thương xưa
Bên rừng vắng-rừng ngút ngàn tĩnh lặng
Tiếng chim hoang hót gọi buổi giao mùa…”

Ba mươi lăm năm trường, cũng không thể xóa nhòa nỗi đớn đau thân phận lạc loài, để rồi dường như có lúc họ phải trốn chạy ra khỏi thực tại, ra khỏi chính mình. Nếu nhà thơ Luân Hoán đã có lúc phải chìm mình vào trong những cơn say, thì thi sĩ Tùy Anh cố xóa đi cội nguồn gốc gác. Nhưng nhà thơ đã lầm, nỗi đắng cay, uất hận không chỉ quặn lên cứ mỗi độ tháng tư về, mà nó còn luôn thường trực trong lòng người và được nhân lên sau những cơn say ấy.

Thật vậy! Chẳng có cơn say nào, quốc tịch nào làm làm vơi đi được nỗi day dứt khắc khoải đó:
“Tưởng đã phai mờ cội nguồn chủng tộc
Bằng vào tên họ nửa Á, nửa Âu
Bằng vào quốc tịch vô căn mất gốc
Quên hẳn da vàng, mũi tẹt, mắt nâu!

Tưởng rằng đã quên đi đắng cay uất hận
Bằng nửa cuộc đời lưu lạc tha phương
Bằng những đêm trường dày vò thân phận
Dở khóc dở cười đòi đoạn tiếc thương! “ (Tháng Tư Gợi Nhắc Niềm Đau)

 

Tuy đến với thơ văn bởi hoàn cảnh sống, hoàn cảnh tranh đấu và khá muộn, nhưng Tùy Anh viết nhiều, được cho là một trong những cây bút có nội lực nhất ở Đức trong suốt mấy chục năm qua. Lời thơ Tùy Anh sáng, đẹp, giàu nhạc tính. Do vậy, có khá nhiều bài thơ của ông được các nhạc sĩ phổ nhạc. Thơ lục bát tuy không phải là sở trường của Tùy Anh, nhưng ông luôn gây bất ngờ cho người đọc. Buồn Xưa là một bài thơ lục bát như vậy. Để giữ đúng những nhát cắt của cuộc sống, sự vỡ vụn tâm trạng, nhà thơ đã dùng thủ pháp ngắt nhịp, xuống dòng trong câu thơ. Với hình thức này, gần đây cũng có một số nhà thơ đã sử dụng, nhưng để đi đến tận cùng của sự mất mát, đắng cay của những kiếp người, thì quả thật, không phải ai cũng làm được:
“…Tháng tư
rã ngũ tan hàng
nổi trôi vận nước
tan hoang phận người
kẻ đi biền biệt ngàn khơi
người trong tù tội
một đời
đắng cay
buồn xưa
len lén về đây
xót xa nỗi nhớ
phương này
bơ vơ …”

Có lẽ, không nhà văn nhà thơ nào không có một lần viết về mẹ. Tùy Anh cũng không nằm ngoài cái lẽ thông thường đó. Khi đọc và nghiên cứu Tùy Anh, ta thấy, không chỉ một vài lần mà dường như, hình tượng mẹ và quê hương là mạch chảy xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông. Nỗi nhớ thương ấy, luôn quằn quại trong lòng những người con nơi xứ lạ. Nhà thơ nhân cách hóa một cách rất cụ thể, tinh tế hình ảnh tần tảo của mẹ trong cái đắng cay, nhọc nhằn nơi quê nhà. Tôi nghĩ, đây là sự liên tưởng về mẹ với quê hương một cách rất độc đáo:
“Mẹ mắc võng từ thượng nguồn Bàng Lãng
Đến ngọn triều cuối cửa bể Thuận An
Lưng mang nặng nhịp Trường Tiền, Bạch Hổ
Mẹ gánh thêm núi Ngự, Hương Giang

Nước

mắt mẹ đã bao lần nhỏ xuống
Máu xương con tưởng đã chảy thành sông…” (Lời Mẹ Ru)
Còn Chút Gì Để Nhớ là bài thơ khá hay, được viết trong những ngày đầu Tùy Anh đến mảnh đất tạm dung, cách nay đã trên ba chục năm. Ấy vậy mà đọc lại lời tự vấn của nhà thơ trước thảm trạng đất nước con người, vẫn gieo vào lòng ta nặng trữu những ưu tư:
“… Thành phố cũ nay mang tên người chết
Bạn bè xưa nay còn mãi lao tù
Xin tự hỏi khi giương buồm vượt thoát
Để đấu tranh hay để mãi ưu tư?”

 

Trong cái lặng câm của những tướng lĩnh ươn hèn trốn chạy, người thi sĩ uất hận và cố quên đi: “chữ nghĩa phản chiến của đám kiêu binh, buôn dân, nội tuyến” và cả “chữ nghĩa tuyên truyền lừa dối/ của bọn người mệnh danh thiên đàng xã hội”. Thật vậy, nếu bài thơ Quên Hết Chữ Nghĩa, Tùy Anh cố quên đi ươn hèn của những kẻ đã góp phần đưa đất nước vào địa ngục tối tăm, thì Thắp Giùm Tôi Ngọn Nến như một tiếng kêu thức tỉnh lương tri của con người trước sự dối trá lừa lọc của những kẻ “đỉnh cao trí tuệ”. Với ông, đấu tranh là con đường duy nhất để giải thoát cho cả dân tộc khổ đau này:
“thắp giùm tôi ngọn nến
giữa vùng hỏa ngục Việt Nam
có muôn ngàn tiếng kêu trầm thống
có muôn vàn áp bức bất công
thế giới lương tâm
vẫn ngồi trong phòng kín
vẫn câm điếc
vẫn đui chột mù lòa…” (Thắp Giùm Tôi Ngọn Nến)

Ngoài tình yêu quê hương, đất nước, Tùy Anh còn viết khá nhiều thơ tình đôi lứa. Ai đã đọc nó, có lẽ khó dứt ra được. Bởi, một điều đặc biệt, thơ tình của ông không hề có sự bi lụy ở trong đó, mà chỉ thấy phảng phất đâu đó cái nét mang mang hoài cổ, nhẹ nhàng như đến ru người, ru tình vậy: “Hương trầm dìu dặt cung đàn/ Võng em rời khỏi trần gian lụy phiền”

Có thể nói, thơ Tùy Anh là lời tự sự, trăn trở về đất nước, con người trong những năm tháng nơi biệt xứ của mình. Nỗi đau của thi sĩ, gắn liền với số phận của cả một dân tộc. Với ông, vết thương và nỗi đau ấy lành lại, chỉ khi nào con đường trở về được mở ra…
*Thiền- triết đã đi vào trong thơ.

Hình như càng lớn tuổi, con người gần gũi, tìm về với Đạo giáo nhiều hơn. Tuy nhiên, mỗi con người có con đường đi riêng của mình: “Người thích đi tìm phật/Trong tiếng kệ, lời kinh/Còn tôi đi tìm phật/Trong cuộc đời vô minh” Tùy Anh cũng vậy, cùng với thơ văn ông đi tìm triết lý nhà phật, triết lý cuộc sống trong chính cuộc đời u tối này. Do vậy, thơ ông nặng tính triết, tính thời sự xã hội. Trong bài Khuôn Mặt Dấu Xa Bay, thi sĩ đã mượn cái qui luật tuần hoàn của tự nhiên để khẳng định, cơn đại hồng thủy kia dù có dã man và tàn bạo, nhưng ngày trở về với đất mẹ của những đứa con bị lưu đày là điều tất yếu:
“Dòng sông nào đưa đẩy
Con nước về đại dương
Cơn mưa nào hồng thủy
Xua nước chảy xa nguồn…”

Khi đi vào cõi mênh mông của thiền triết thi ca, hẳn ta không khỏi rung động trước những câu thơ tả cảnh gợi tình, giản đơn nhưng lại đẹp đến nao lòng của Phạm Công Thiện: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông”. Hay những câu thơ đầy hình ảnh triết lý với cái tứ mới lạ của Đỗ Hoàng: “ …và cũng bất ngờ/ nhặt từ bùn/những câu thơ/ thời gian không hóa thạch”. Đọc Tùy Anh, ta lại thấy được cái an nhiên tự tại trong nội tâm của thi sĩ, trước nghịch cảnh cuộc sống:
“…Tâm an trú giữa hồng trần nghiệt ngã
Mà hiển vinh là bào ảnh phù du
Nên ngôn hạnh trong như dòng bát nhã
Thẩm vào đời nghe vời vợi hương nhu.” (Những Vần Thơ Tự Tại)

Là một phật tử và gần hai chục năm làm chủ bút tập san Viên Giác, nên Đạo giáo đã thấm đẫm linh hồn Tùy Anh. Rồi Một Ngày Tâm Tĩnh Lặng là một bài thơ hay, nặng tính triết lý Đạo Giáo. Nó như một lời lý giải cái khoảng cách hư vô giữa Đạo và Đời. Và với thi nhân, khoảng cách ấy tuy là hai thái cực, nhưng sẽ giao nhau ở tâm điểm trong cái vòng quay vũ trụ. Và đó chính là hoa và nụ cười trong cái tĩnh lặng của lòng ta:
“Giữa tăng và tục
Là khoảng trống không cùng
Của giận hờn nhẫn nhục
Của chấp ngã bao dung
Giữa đạo và đời
Là khoảng hư vô diệu vơi
Giữa người và tôi
Là trái tim biết nói
Giữa không và có
Rồi một ngày tâm tĩnh lặng
Như hoa sen và nụ cười
Là niềm vui vô tận
Cho người và cho tôi”

Ba mươi lăm năm sống trên xứ người, thời gian dài đằng đẵng ấy, tưởng như đã đốt cháy tư tưởng, ý trí của Tùy Anh. Nhưng đọc ông, ta thấy niềm tin vẫn hừng hực trong ông như thuở nào, dẫu biết rằng sức đã cạn, đường về nhà còn khó khăn và xa vời vợi…

Và tôi tin, khi hoàng hôn về, Tùy Anh vẫn đi ra hướng biển, nơi Tượng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân, để vắt hết những gì còn lại trong trái tim mình, đặt lên trang viết, gửi về nơi đất mẹ.

 

Leipzig ngày 11-12-2014
Đỗ Trường

Theo DienDanCTM