Tại sao báo chí Việt Nam kín tiếng vụ Trump bị truy tố?

Jackhammer Nguyễn

Chiều thứ năm 30-3-2023, cựu tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump chính thức bị một tòa án ở New York phát lệnh truy tố, sau khi đại bồi thẩm đoàn bỏ phiếu tán thành. Như vậy ông Trump sẽ phải xuất hiện trước tòa án New York, dự trù là ngày thứ ba, 4-4-2023, để làm thủ tục của một kẻ bị cơ quan pháp luật truy tố.

Ông Trump bị truy tố vì tội dùng tiền bịt miệng một cô đào phim khiêu dâm, cô này nói cô ấy có quan hệ tình dục với ông ta, và món tiền này được đưa vào mục chi phí pháp lý, một cách bất hợp pháp.

Những thủ tục được thực hiện đối với một tội phạm như lấy dấu vân tay, chụp hình, dẫn đi ngang công chúng, và có thể còn bị còng tay nữa,… là hình ảnh rất nhục nhã đối với một nghi phạm bị truy tố, hơn nữa nghi phạm đó lại là một cựu tổng thống.

Dễ hiểu rằng đây là một tin lớn, chiếm trang đầu các nhật báo phương Tây, và có thể ngự trị ở vị trí trang nhất ấy trong thời gian dài tới đây. Thế nhưng, các tờ báo hàng đầu của hai nhà nước cộng sản Việt Nam và Trung Quốc lại im ắng.

Cho đến sáng thứ sáu, giờ bờ Đông nước Mỹ, trên trang nhất của hai tờ Nhân Dân Nhật báo, và Hoàn Cầu Thời báo của Đảng cộng sản Trung Quốc hoàn toàn vắng bóng tin ông Trump bị truy tố.

Các tờ báo lớn của Việt Nam như Tuổi Trẻ, Vietnamnet, Vnexpress,… có đăng tin này nhưng chỉ là một mục rất nhỏ trong cột tin thế giới.

Tại sao cơ quan tuyên giáo của hai quốc gia cộng sản này, tức là cơ quan chỉ huy tối cao báo chí quốc gia, vốn hay đưa những tin mô tả mặt trái của xã hội phương Tây, chẳng hạn như bạo lực chết người, bất bình đẳng xã hội, người vô gia cư, phân biệt chủng tộc, kinh tế suy thoái,… lại im lặng đối với tin này?

Sự im lặng này là nỗi sợ hãi một nguyên tắc nền tảng của xã hội dân chủ phương Tây, đó là không ai có thể đứng trên pháp luật.

Nguyên tắc này được cơ cấu tam quyền phân lập tạo môi trường để thực hiện. Ba nhánh quyền lực, lập pháp (quốc hội), hành pháp (tổng thống/ thủ tướng), tư pháp (tòa án) độc lập với nhau. Việc điều tra ông Trump đã được tiến hành ngay cả trong lúc ông ta cầm quyền, mà ông ta không thể ra lệnh cho các vị công tố ngưng lại.

Ai có thể điều tra hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình khi hai ông này đang cầm quyền?

Nếu báo chí Việt Nam và Trung Quốc được tự do đưa lên trang nhất việc ông Trump bị truy tố, độc giả Trung Quốc, Việt Nam sẽ chắc chắn có sự so sánh với hệ thống nhà nước đang cai trị họ. Từ sự so sánh đó, họ sẽ đặt câu hỏi về tính chính danh của các nhà lãnh đạo cộng sản cai trị họ. Thế nên, cơ quan tuyên giáo hai đảng cứ lờ đi, xem chuyện ông Trump bị truy tố, thậm chí nếu có bị còng tay đi nữa,… là chuyện không quan trọng.

Năm 1988, khi vụ bê bối tình dục của tổng thống Bill Clinton bùng ra, báo chí Việt Nam lập tức hồ hởi phấn khởi đưa tin. Sự phản hồi của độc giả Việt Nam lúc đó lại không đi theo hướng cho rằng xã hội Mỹ là xấu, mà lại theo hướng không ai đứng trên pháp luật, và người Mỹ đang dạy thế giới thế nào là bình đẳng trước pháp luật. Các tờ báo Việt Nam lập tức giảm ngay liều lượng, thậm chí còn đưa những bài chỉ trích nước Mỹ đối xử với các lãnh tụ của mình một cách không tôn trọng, một cách… vô ơn!

Nhân đây xin nhắc lại câu chuyện ông Nguyễn Mạnh Tường và ông Phạm Văn Đồng. Ông Tường là một luật sư thời Pháp thuộc, theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp, ông Đồng là thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam cộng sản. Khi ông Tường kêu gọi chính phủ của ông Đồng tiến hành soạn thảo các bộ luật để cai trị đất nước theo pháp luật, thì ông Đồng trả lời là pháp luật sẽ trói tay trói chân nhà cầm quyền.

Não trạng này thể hiện vị thế ngồi trên pháp luật của ba ông chóp bu hiện nay tại ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nga, là Nguyễn Phú Trọng, Tập Cận Bình, và Vladimir Putin (nước Nga tuy hiện không mang danh cộng sản, nhưng bản chất vận hành của nhà nước này vẫn mang tính chuyên chế cộng sản rất cao). Cả ba ông này đều sửa lại luật để tự mình tiếp tục cầm quyền.

Với não trạng đó, các lãnh tụ cao cấp của các đảng cộng sản thường hay bị “xử lý nội bộ”, chứ không công khai. Những vụ án xử các lãnh tụ cao cấp thường khó mang tính thuyết phục mà mang nhiều màu sắc đấu tố nội bộ, hơn là thực thi công lý.

Vụ mất chức gần đây nhất liên quan đến cán bộ cao cấp Việt Nam là vụ ông chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phải về vườn, vì có liên quan đến vụ bê bối Việt Á, nhưng ngoài mặt ông Phúc vẫn là xin về hưu theo nguyện vọng cá nhân.

Nhưng liệu tuyên giáo Việt Nam có triệt tiêu hoàn toàn sự so sánh của độc giả về hệ thống pháp luật Mỹ và cộng sản? Trên một số tờ báo Việt Nam, dù vụ ông Trump được đưa ra một cách rón rén, nó vẫn là tin được độc giả tìm đọc nhiều nhất.