Tình cảnh Argentina

Nguyen Huy Vu

Tổng thống Javier Milei của Argentina vừa gửi một dự luật tới quốc hội Argentina trong đó đề xuất rằng luật sẽ bỏ tù bất cứ ai ra lệnh cho Ngân hàng Trung ương in tiền đem cho Bộ Tài chính để chi tiêu. Một đề nghị vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Nhưng vì đảng của tổng thống Javier Milei là thiểu số trong quốc hội, dự luật chắc chắn sẽ chỉ mang tính đánh động dư luận chứ sẽ chẳng được thông qua.

Argentina đứng trước một hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã. Một trăm năm trước đây là một quốc gia vô cùng giàu có. Người ta hay nói câu “Giàu như người Argentina”. Thủ đô Buenos Aires được ví là Paris của Nam Mỹ bởi vẽ diễm lệ của nó. Văn hoá của Argentina là văn hoá Châu Âu, với hơn 90% dân số là gốc Tây Ban Nha và Ý. Sự giàu có của Argentina đã khiến vô số người Ý và Tây Ban Nha đã đổ xô đến định cư ở đất nước này. Sự phồn thịnh của Argentina nhờ phần lớn ở tài nguyên phong phú. Đất nước rộng lớn, đất đai bằng phẳng, phì nhiêu, nhiều vùng địa lý và khí hậu, cảnh vật vô cùng đẹp. Argentina có đủ mọi nguồn lực để phát triển.

Nhưng sự phồn thịnh của Argentina giờ đây đã chỉ còn là quá khứ. Hiện nay, mỗi tháng Argentina có thêm chừng 1 triệu người nghèo, và tỉ lệ người nghèo đã lên tới gần 50%. Năm ngoái, 2023, mức lạm phát của Argentina là hơn 210% tức hơn gấp đôi. Giờ đây, trong tháng 1 năm nay, mức lạm phát lên tới 50%. Người ta phải thay đổi giá cả ít nhất mỗi lần một tuần. Giá cả nhảy liên tục và đối với các tài sản giá trị như nhà đất, người ta bắt đầu quy đổi giá cả bằng tiền đô la Mỹ thay vì là đồng tiền chính thức là Peso. Ở thị trường chợ đen, đồng Peso mất giá liên tục so với đồng đô la Mỹ và đã không còn có thể chuyển đổi ở những ngân hàng ở bên ngoài Argentina.

Tổng thống Javier Milei được bầu lên với ước nguyện của người dân là giải quyết tình trạng kinh tế này. Ông đã cắt bỏ bớt những chi tiêu của chính phủ và dự định tư hữu hoá những doanh nghiệp nhà nước, nhưng nhiêu đó vẫn chưa đủ. Những ai học kinh tế tài chính đều biết rằng lạm phát là một vấn đề của cung tiền, tiền nhiều sẽ làm tăng lạm phát. Khi mà lạm phạt đã trở thành mức siêu lạm phát thì việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương trở nên ít có tác dụng. Muốn giảm cung tiền thì trước hết cần cắt giảm chi tiêu chính phủ. Javier Milei đã vận động cho điều đó bằng cách giơ cái máy cưa khi ông vận động tranh cử.

Javier Milei đầu tiên đặt mục tiêu cân bằng ngân sách quốc gia. Trong suốt một trăm năm qua, ngân sách quốc gia của Argentina đã luôn thâm hụt. Nhưng cân bằng ngân sách thôi vẫn chưa đủ, việc giảm bớt in tiền của chính phủ cần phải chặn đứng để mức lạm phát trở về tình trạng được kiểm soát. Và đó là lý do mà Javier Milei đã đưa ra dự luật đòi bỏ tù các cá nhân nào cho phép Ngân hàng Trung ương Argentina in tiền đem cho Bộ Tài chính để chi tiêu.

Argentina có hệ thống chính trị tương tự như Mỹ với tổng thống và hai viện. Một dự luật muốn thông qua cần có sự đồng thuận của cả ba tổng thống, Hạ viện và Thượng viện. Nhưng cũng như nhiều chế độ tổng thống khác ở Nam Mỹ, tổng thống và đa số các nghị sỹ trong quốc hội hiếm khi thuộc về một đảng, vì vậy mà một chính sách đi kèm với nó là một dự luật của tổng thống đề xướng luôn bị các nghị sỹ trong quốc hội bác bỏ. Chính phủ ở đây thường xuyên bị tê liệt, không thể làm được việc, và đó cũng là một phần của lý do nền kinh tế của các nước này chậm phát triển. Ở một số quốc gia khác như Ecuador, họ cho phép chế độ dân chủ trực tiếp, tổng thống có thể lách quốc hội mà đem ra trưng cầu dân ý vài vấn đề về luật pháp, và nếu dân đồng ý thì họ sẽ cập nhật luôn vào luật.

Tình cảnh ở Argentina hiện nay rất bi đát vì phe tổng thống trong Hạ viện chỉ chiếm một phần ba, còn trong Thượng viện chỉ chiếm một phần bảy. Những quyết sách của tổng thống thường đi kèm với các thay đổi về luật lệ sẽ bị chặn lại ở quốc hội. Những chính trị gia trong quốc hội đa phần là các chính trị gia cũ. Và vì người dân muốn thay đổi nên họ đã bỏ phiếu bầu Javier Milei với 56% phiếu. Giữa một chính trị gia mới như Javier Milei và các chính trị gia cũ khó tìm được tiếng nói. Javier Milei đã liên tục chỉ trích họ trên trang cá nhân của mình.

Trong chế độ tổng thống, thông thường, khi bầu ra một tổng thống, người dân muốn ông ta chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề của một nước. Còn khi bầu nghị sỹ, người dân muốn nghị sỹ phải kiểm soát ông tổng thống vì người dân không hẳn tin ông tổng thống một trăm phần trăm. Vì vậy mà chuyện tổng thống thuộc một đảng còn quốc hội thuộc đảng khác là chuyện thường xuyên ở chế độ tổng thống ở Nam Mỹ. Cuối cùng thì chính phủ tê liệt. Các vấn nạn của đất nước được giải quyết một cách chậm chạp, và người dân thường mất kiên nhẫn, họ không muốn sống mòn trong một nhiệm kỳ 4 năm, họ xuống đường biểu tình, đình công, khiến nền kinh tế đất nước trở nên khó khăn hơn./.