Nguồn gốc Ukraine

Ukraine
 
Tối qua, khi đọc dòng tin tên lửa của Nga đang bay vào Ukraine từ Fox/CNN, tôi đã lặng người trong giây lát. Tôi nghĩ đến những người dân Ukraine vô tội, những anh chàng cô nàng đang chăm chỉ trồng lúa mì cho cả thế giới.
Xét cho cùng, thế giới hôm nay vẫn chỉ là sân chơi của những nước lớn. Họ thích thì làm, không quan tâm đến phần còn lại của thế giới.
 
Ukraine, còn gọi là Kievan Rus (chữ "Rus" là những người chèo xuồng) vào thế kỷ 10-11, từng là một quốc gia hùng mạnh ở Châu Âu, có lãnh thổ trải dài từ biển Đen đến biển Trắng phủ trọn một phần Phần Lan, Nga, Belarus, và Ukraine của ngày nay.
 
Đến thế kỷ 13, đế chế Mông Cổ chinh phạt qua châu Âu thì đế chế Kievan Rus sụp đổ. Cũng lúc này tại Việt Nam, đế chế Mông Cổ sang xâm lăng thì bị các vua nhà Trần đánh bại. Sang thế kỷ 14, Ukraine bị chia nhỏ ra, quản lý bởi 3 nước Golden Horde (từ Mông Cổ), Vương Quốc Ba Lan-Lithuania, và Crimean Khanate (sau do Nga quản lý). Sau cuộc chiến Nga-Phần Lan, đến thế kỷ 18, thì phần đất Ukraine chỉ còn Áo-Hung và Nga chia ra quản lý.
 
Nước Ukraine hiện đại giành độc lập từ năm 1917, gọi là Cộng Hòa Nhân Dân Ukraine (UPR) khi cuộc cách mạng tháng 10 bên Nga chấm dứt sự thống trị của Sa Hoàng Nga. Sau đó, Ukraine lại dính vào cuộc chiến 4 năm, từ 1917-1921, do phe UPR (những người quốc gia Ukraine do Symon Petluira lãnh đạo) đánh với với Soviet do bên cộng sản Bolshevik (do Lênin lãnh đạo). Nhóm Bolshevik giành chiến thắng năm 1922, thành lập nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Ukrainian Soviet. Nước này, cùng Nga, lập ra liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên Xô (USSR) năm 1922.
 
Năm 1938, Nikita Khrushchev được Stalin chỉ định làm tổng bí thư đảng cộng sản Ukraine. Năm 1953, khi Stalin mất thì Khrushchev trở thành bí thư thứ nhất của Liên Xô. Năm 1939, khi Đức Quốc Xã và Liên Xô xâm chiếm Ba Lan thì lãnh thổ Ukraine trải rộng thêm phía đông. Trong lúc chiến tranh thế giới lần II, nhóm thân quốc gia Ukraine (Ukrainian Insurgent Army) cố gắng chiến đấu chống liên bang Soviet, định tách Ukraine ra thành nước độc lập, nhưng thất bại. Năm 1954, Khrushchev trả phần bán đảo Crimea của Liên Xô về lại cho Ukraine để giúp ổn định tình hình Ukraine.
 
Khi Liên Xô tan rã năm 1991 thì Ukraine trở thành nước độc lập. Khi đó, Ukraine là nước có số đầu đạn hạt nhân nhiều thứ 3 trên thế giới. Năm 1995, Ukraine, cùng với Belarus, Kazakhstan, thông qua bản hiệp ước hạt nhân Budapest với các cường quốc hạt nhân là Nga, Anh, Hoa Kỳ đồng ý tiêu huỷ toàn bộ số đầu đạn hạn nhân của mình. Đổi lại, các nước này đồng ý sẽ không đụng chạm vào vùng lãnh thổ của Ukraine, Belarus, and Kazakhstan.
 
Năm 2014 Nga xâm lược Ukraine, sáp nhập bán đảo Crimea, và tiếp tục ủng hộ phe nổi dậy vùng Đông Ukraine. Đến tháng 2/2022, Nga tấn công Ukraine.
 
Có thể thấy lịch sử tóm gọn Ukraine và Nga/Liên Xô phức tạp hơn những gì chúng ta thấy trên báo. Các báo đài thường đưa tin về cuộc chiến này theo hướng có lợi cho mình. Trung Quốc nói Nga không xâm lăng Ukraine, tương tự như năm 1979 Trung Quốc không xâm lăng Việt Nam.
 
Cuộc chiến Nga-Ukraine lần nữa cho thấy những chữ ký trên bàn không xâm lăng sẽ vẫn là những chữ ký, những lời hứa sẽ giúp đỡ nhau chỉ là lời hứa. Tổng thống Ukraine hôm nay nói rằng "Chúng tôi bị bỏ rơi" .
Một quốc gia, cũng như một cá nhân trong xã hội, phải tự giúp mình, và quan trọng nhất phải tự lo được mình trước khi chờ người khác cứu.
 
Ngày mai, mời quý vị tham gia Livestream cuối tuần với tôi ở mục kể chuyện y khoa "Hoàng tử Nga Alexei và căn bệnh máu khó đông". Tôi cũng sẽ dành thời gian trả lời câu hỏi điều trị Covid-19 và trả lời câu hỏi Ask Dr Wynn.
 
Bs Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ