Ngành công nghiệp dầu mỏ vớ bẫm trong thời kỳ khủng hoảng

Giá dầu và khí đốt tăng vọt mang lại lợi nhuận khủng cho Tập đoàn dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco
 
Yannik Schüller (Stern)
 
Trong khi các nền kinh tế khốn khổ, điêu đứng vì lạm phát, thì các gã khổng lồ năng lượng đang đạt được mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Cuộc chiến tranh ở Ukraine đúng là đang đổ thêm dầu vào lửa.
 
Riêng tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Saudi Aramco đã kiếm được 42,7 tỷ euro từ tháng 7 đến tháng 9. Lợi nhuận ròng của tập đoàn quốc doanh Ả Rập Saudi tăng 39% trong quý 3 năm 2022 so với năm trước. Không có doanh nghiệp nào khác được hưởng lợi khổng lồ từ hậu quả toàn cầu của cuộc chiến tranh Ukraine.
 
Bản thân Riyadh cho rằng khoản lợi nhuận khổng lồ này có được chủ yếu là nhờ "giá dầu tăng cao và mức tiêu thụ cao hơn trước". Tuy nhiên ông chủ Amin Nasser của Aramco cho rằng mức cao này vẫn chưa kết thúc, "nhu cầu về dầu sẽ tiếp tục tăng trong phần còn lại của thập kỷ". Aramco là nguồn thu nhập chính của đất nước. Theo danh sách công bố vào tháng 8 của tạp chí Mỹ "Fortune", Tập đoàn quốc doanh này đứng hàng thứ sáu trên thế giới về doanh số bán hàng và là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất, khoảng hai nghìn tỷ đô la Mỹ.
 
Nhưng không chỉ Ả Rập Xê-út căng đầy túi. Các tập đoàn dầu khí, dù lớn hay nhỏ như Shell, Exxon Mobil, Chevron hay Total đều tăng lợi nhuận ít nhất gấp đôi. Theo báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu ròng của các nhà sản xuất dầu khí toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2022 so với năm 2021 và chạm mốc 4 nghìn tỷ đô la.
 
Theo BBC, Tập đoàn BP của Anh đã kiếm được 8,2 tỷ USD từ tháng 7 đến tháng 9. Theo đó BP sẽ nộp thêm 800 triệu đô la tiền thuế do tăng thu cho nhà nước. Đối thủ cạnh tranh Shell đã tuyên bố tập đoàn lại chưa trả thêm một xu thuế lợi nhuận vượt mức ở Anh vì các khoản đầu tư quá lớn.
 
Opec hưởng lợi nhờ chiến tranh
 
Có một số lý do tại sao các tập đoàn năng lượng lại thu được lợi nhuận khổng lồ như vậy. Một mặt, nhu cầu tăng lên khi chấm dứt các hạn chế nghiêm ngặt trong đại dịch corona, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi. Thêm vào đó là cuộc tấn công của Putin vào Ukraine, vụ này đúng là đổ thêm dầu vào lửa, vì giá dầu thô cực kỳ nhạy cảm với các cuộc khủng hoảng quốc tế.
 
Vào mùa xuân, giá dầu đã tăng hơn 50% vì người ta cho rằng khối lượng sản xuất của Nga (khoảng 1/10 sản lượng toàn cầu) sẽ giảm ồ ạt dưới áp lực của các lệnh trừng phạt. Những nước mua dầu của Moscow, đặc biệt là Đức, đột nhiên phải tìm kiếm các nguồn thay thế để một mặt trừng phạt Điện Kremlin và mặt khác là ngăn chặn việc đơn phương ngừng giao hàng từ Nga.
 
Đồng thời, bản thân các quốc gia sản xuất dầu có quyền thao túng giá, tăng hay giảm giá dầu. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đóng vai trò trung tâm trong việc này. Cartel này bao gồm 13 quốc gia, 5 trong số đó là những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, như Ả Rập Saudi, Iran và Venezuela. OPEC đặt ra hạn ngạch sản xuất, có nghĩa là nó có ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến giá cả.
 
Mãi đến đầu tháng 10, việc sáp nhập mới thống nhất được việc cắt giảm đáng kể sản lượng xuống còn 2 triệu thùng / ngày. Nói một cách đơn giản: đây là sự khan hiếm nhân tạo. Dầu sản xuất càng ít thì giá càng cao. Theo cáo buộc của Washington, điều đó sẽ ảnh hưởng đến Nga vì nước này sẽ "tăng doanh thu và làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp trừng phạt (chống lại Nga)". Saudi Arabia sau đó đảm bảo rằng quyết định được đưa ra "hoàn toàn vì lý do kinh tế". Nó hoàn toàn không phải là vấn đề "phe phái trong các cuộc xung đột quốc tế này".
 
Nga, mặc dù không phải là thành viên, nhưng là một trong những đối tác hợp tác chặt chẽ của Opec, còn được gọi là Opec +.
 
Một tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, có thể sẽ là định mệnh cho nhiệm kỳ của ông, Tổng thống Mỹ Joe Biden, một lần nữa, lại tuyên chiến với các gã khổng lồ năng lượng và đưa ra mức thuế lợi tức vượt mức. Biden cho rằng các tập đoàn dầu khí thu được lợi nhuận khổng lồ đó là do cuộc chiến Ukraine trong khi nước Mỹ phải đương đầu chống lạm phát.
 
"Thay vì tăng cường đầu tư tại nước Mỹ hoặc cho người tiêu dùng Mỹ được xả hơi, khoản lợi nhuận vượt mức này lại được chia chác cho các cổ đông[...] qua đó lương giám đốc điều hành tăng vọt", tổng thống tỏ ra tức giận khi ông đề cập đến các tập đoàn của Mỹ như Exxon và Chevron. Biden đe dọa sẽ đánh thuế lợi nhuận nvượt mức và thi hành "các hạn chế khác" nếu các tập đoàn không nhượng bộ, Đã đến lúc "các tập đoàn không được dựa vào chiến tranh để trục lợi ".
 
Tuy nhiên, theo dự báo thì đảng Dân chủ sẽ bị thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, do đó ít có khả năng có thể thực hiện các biện pháp như tổng thống Biden đe dọa, ít nhất là trong tương lai gần, "New York Times" (NYT) viết. Thay vào đó, đây có thể là một động thái nhằm hướng sự bất bình của dân chúng đang khốn khổ vì lạm phát lên ngành công nghiệp dầu mỏ. Đảng Cộng hòa thì cáo buộc Biden đã mất quyền kiểm soát chính trị và người dân Mỹ phải trả giá. Trên thực tế, giá xăng ở Mỹ được coi là một phong vũ biểu để đánh giá sự tín nhiệm của dư luận đối với chính phủ . Mặc dù giá nhiên liệu có giảm trong những tháng gần đây nhưng vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm Biden nhậm chức.
 
Theo CNN, các quốc gia vùng Vịnh đang sử dụng doanh thu dầu mỏ tăng vọt để gây hưởng mạnh mẽ trong khu vực. Mới tuần trước, Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman (người nắm quyền thực sự của đất nước) đã thông báo rằng ông sẽ đầu tư 24 tỷ đô la Mỹ từ nguồn thu từ dầu mỏ để thành lập 5 doanh nghiệp mới. Theo CNN, chế độ quân chủ đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bất động sản và các công ty công nghệ ở Bahrain, Iraq, Oman, Jordan, Sudan và Ai Cập, các nước này không chỉ đang lâm vào tình trạng hỗn loạn về chính trị mà cả về kinh tế. Cuộc chiến Ukraine đã gây không ít chao đảo cho các quốc gia nói trên.
 
Do ý thức được rằng, đến một lúc nào đó nguồn dầu khí của họ cuối cùng cũng sẽ cạn kiệt, các quốc gia dầu mỏ như Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang sử dụng (vẫn còn) lợi nhuận khổng lồ để chuẩn bị đương đầu với thời kỳ hậu dầu mỏ./.

Nguyễn Xuân Hoài lược dịch