Nói dối, đặc sản của người Nga

Sinh thời, nhà văn Lê Lựu nổi tiếng là người hoạt ngôn, bộc trực. Ông là một trong những nhà văn VN đầu tiên được người Mỹ mời sang giao lưu với các nhà văn Mỹ. Khi ông về nước, người ta hỏi cảm giác của ông với Liên Xô và Mỹ, ông cười: “Tôi rất ngạc nhiên, ngạc nhiên đến kinh ngạc. Ở Liên Xô thì tôi cứ ngỡ Liên Xô là Mỹ và khi ở Mỹ thì tôi cứ nghĩ Mỹ là Liên Xô”…
 
Giải mã câu nói này, người ta cho rằng, sau hơn nửa thế kỷ là “thành trì” của phe XHCN, Liên Xô tuyên truyền về những ưu việt của CN XH khiến các nước đàn em đều tưởng đó là sự thật. Đặc biệt là với VN, rằng không đâu tốt bằng Liên Xô, không đâu mà người dân được quan tâm chăm sóc tốt như Liên xô, không đâu có nền kinh tế phồn thịnh như Liên Xô. Mãi cho đến năm 1991, khi Liên Xô tan rã, sự thật mới dần dần được hé mở.
 
Nước Nga kế thừa vị thế của Liên Xô, đặc biệt là truyền thống nói dối. Nhiều người Nga nói dối một cách thường xuyên. Họ nói dối ngay cả khi không cần phải nói dối. Đó là một trò chơi tiêu khiển mang tính quốc gia. Nó có thể bắt đầu từ một "lời nói dối trắng trợn" nhỏ của một thành viên trong gia đình đến một trong những lời nói dối lớn của một quan chức chính phủ. Nhưng thông thường, hầu hết người Nga không bị lừa dối và biết khi nào tuyên bố là sai sự thật.
 
Sang Nga vài lần, trao đổi với nhiều người từng du học ở Liên Xô, và sau này có nhiều lần quay trở lại nước Nga họ cho biết: Nói dối được củng cố bởi một hệ thống chính trị Liên Xô, luôn nói sai sự thật với người dân của họ. Chính phủ đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho công dân của mình bằng cách tuyên truyền không ngừng nghỉ về những kẻ thù mà chúng cho là có mặt khắp mọi nơi - trong và ngoài đất nước.
 
Hệ thống của Liên Xô nói dối để thao túng, duy trì sự kiểm soát và tạo ra sự sợ hãi và khuất phục. Chính phủ không thể thừa nhận bất kỳ sai sót nào, và nếu có sai sót sẽ bị từ chối ngay lập tức vì sẽ lộ ra những điểm yếu không thể chấp nhận được. Trong thời Xô Viết, mọi người thường nói dối chỉ để sống sót. Nếu cha mẹ hoặc vợ/chồng bị bắt và bị tuyên bố là kẻ thù của nhà nước, những thành viên còn lại trong gia đình thường đổi tên và nói dối để lấy giấy tờ giả nhằm để có tem phiếu kiếm thức ăn, nơi ở, học hành hoặc việc làm. Nói dối đã trở thành một phương tiện sinh tồn tiêu chuẩn để bảo vệ bản thân hoặc người thân.
 
Điều này cũng đã từng được nhập khẩu về VN. Có nhiều câu chuyện về những gì mọi người đã làm để sống sót trong thời kỳ bao cấp đói kém hoặc chiến tranh. Người ta không ngần ngại chữa hồ sơ, khai giảm tuổi để trốn tránh nghĩa vụ quân sự khiến anh đôi khi lại ít tuổi hơn em.
 
Chính phủ đã sử dụng những lời nói dối để làm cho hệ thống của Liên Xô có vẻ tốt hơn so với thực tế. Họ nói rằng Nga là quốc gia tốt nhất trên thế giới và những nước khác, đặc biệt là các nước Phương Tây chỉ là “phồn vinh giả tạo” hoặc có một chút thành tựu nhưng ít hơn và không thể sánh được với người Nga. Họ tuyên bố rằng chủ nghĩa cộng sản đã tiêu diệt tất cả các biến thể giai cấp và mọi người đều bình đẳng. Trên thực tế, các quan chức của Đảng Cộng sản, dẫu là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân nhưng có nhiều đặc quyền mà người bình thường không có: Căn hộ rộng hơn; chế độ tem phiếu với nhiều ưu đãi hơn, mặc đẹp hơn, được mua sắm thực phẩm và đồ dùng trong các cửa hàng dành cho cán bộ cao cấp. Họ cũng được đi du lịch và hưởng thụ tại các khu nghỉ dưỡng và biệt thự của Đảng.
 
Một bộ phận người Việt sang Nga cũng được hưởng chế độ tiếp khách, tiếp cận với hệ thống truyền thông bản địa... Điều này giải thích vì sao ở VN hiện vẫn còn một bộ phận mê muội trước những luận điểm của nước Nga và vẫn tin rằng cuộc chiến tranh mà Nga phát động xâm lược Ukraine là do Phương Tây.
Nhà báo Phan Thế Hải