Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh và chuyến bay cuối cùng

Hiếu Chân

“Đường đời muôn vạn nẻo, anh đã chọn lấy một hướng, dù gian nan muôn trùng anh cũng sẽ mỉm cười dấn bước”...

Tin từ gia đình và Giáo sư Trần Huy Bích cho biết, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, một người khổng lồ trong lĩnh vực khoa học và văn nghệ, đã ra đi vào lúc 2:49 chiều nay Thứ Bảy ngày 23 Tháng Bảy 2022 tại nhà riêng ở California, Hoa Kỳ. Thế là một vì sao sáng đã tắt. Người Phi Công Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, cựu Tư Lệnh Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã thực hiện chuyến bay cuối cùng vào cõi vĩnh hằng.

… Lần đầu tôi được nghe tên giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là khi bước vào bậc trung học đệ nhị cấp. Cuốn sách “Bài tập Hình học Không gian lớp 11AB” của Nguyễn Xuân Vinh là sách mà học sinh nào cũng phải nghiền ngẫm vì hình học không gian là môn khó, lớp cuối cấp mới học để thi tú tài. Một thời gian sau, tôi được cầm cuốn “Đời Phi Công”, truyện dài của cùng tác giả, lần này trước cái tên Nguyễn Xuân Vinh ông có thêm bút hiệu Toàn Phong.
Những năm cuối 1960, khi hình ảnh những chuyến phi thuyền Apollo đổ bộ Nguyệt Cầu được chiếu trên truyền hình khắp thế giới, mở ra kỷ nguyên chinh phục không gian của loài người thì Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh là cái tên được nói tới thường xuyên trong các trường học miền Nam: Lần đầu tiên có một giáo sư người Việt Nam đã phát minh phương pháp “quỹ đạo tối ưu” – vạch đường bay cho các phi thuyền Apollo đi và về giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Các thầy cô giáo hết sức tự hào khi nói về ông, còn học sinh nhìn ông như một tấm gương sáng rực để noi theo. Hơn sáu mươi năm đã trôi qua, hôm nay bàng hoàng nghe tin ông đã lên trời, hưởng đại thọ 92 tuổi!

Toàn Phong – một văn tài


Giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh khi còn trong quân ngũ và sau này

… Rất đông thanh niên lớn lên ở miền Nam sau ngày đất nước chia đôi có máu phiêu lưu, muốn tung hoành ngang dọc, “xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung”. Thời thế chiến tranh binh lửa, có thể lớp trẻ chịu ảnh hưởng tư tưởng “kẻ sĩ, chí làm trai” được giảng dạy trong nhà trường, và tác động từ những tác phẩm văn nghệ thời ấy. Một trong những cuốn sách gây cảm hứng tang bồng trong lớp thanh niên là thiên truyện Đời Phi Công của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Tố Như Sài Gòn xuất bản năm 1959.

Khi ấy trong các hiệu sách đã có các tác phẩm tương tự về đời phi công của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry như “Bay đêm” (Vol de Nuit), “Phi công thời chiến” (Pilote de Guerre) v.v… nhưng truyện của nhà văn Toàn Phong có sức hấp dẫn đặc biệt:

Cũng những cảnh quan miền Nam nước Pháp và Bắc châu Phi, cũng công việc của người lái phi cơ chiến đấu nhưng Đời Phi Công là tâm tình của một thanh niên Việt Nam xa quê hương tìm hướng đi mới qua nhiều phương trời xa lạ theo tiếng gọi của đất nước. Truyện chỉ có 54 trang, là một tập 9 bức thư tình viết bằng một thứ ngôn ngữ đậm chất thơ của tác giả gửi cho người yêu tên Phượng ở quê nhà, mang tâm hồn thời đại của một mẫu người tuổi trẻ nhiều lý tưởng.

“Đường đời muôn vạn nẻo, anh đã chọn lấy một hướng, dù gian nan muôn trùng anh cũng sẽ mỉm cười dấn bước. Anh mong em sẽ đọc hết bức thư này với một nguồn vui mới trong lòng…”; Viết thư này anh đã ở xa em muôn vạn trùng dương. Anh mỉm cười khi đặt bút vì nghĩ rằng em vẫn thường chê cái tính thích giang hồ vặt của anh.

Lần này thì anh đi hẳn, đi thật xa cho đến khi nào công thành anh mới trở về”; “…làm sao anh có thể kéo dài chuỗi ngày bình thản đến gần như vô vị trong bốn bức tường dưới sự nâng chìu của người thân tình trong khi anh đang thèm khát những bến trời xa lạ, muốn đi nhiều, học nhiều để sau này do chính bàn tay mình xây dựng lấy cuộc đời…” 

Về cuốn “Đời Phi Công”, tác giả cho biết đó là…

“Một tuyển tập những bức thư của một phi công viết cho một thiếu nữ còn đang là sinh viên ở đại học để kể cho nàng nghe cuộc đời của những người hàng ngày bay trên gió mây trời. Tôi bắt đầu viết vào năm 1959 và đăng mỗi tuần một kỳ, vào ngày thứ Hai, trên báo Tự Do là một nhật báo có nhiều độc giả trên toàn quốc. Giáo sư Văn Khoa Phạm Việt Tuyền là chủ nhiệm.”

Tuyển tập những lá thư của ông đã có ảnh hưởng rất mạnh vào lớp thanh niên lúc đó. Hình ảnh người phi công trở thành một biểu tượng của thời đại đầy nét hấp dẫn với tuổi trẻ. Những bức thư gửi cho người tình tên Phượng đã thành những ấp ủ trong mộng của cả một thế hệ thanh niên. Có nhà phê bình cho rằng “Cuốn sách đã tạo nhiều ảnh hưởng, được tái bản nhiều lần và hàng ngàn người trai trẻ nô nức gia nhập Không Lực để thực hiện lý tưởng và hoài bão của mình trong thời chiến tranh khốc liệt”

“Đời Phi Công” được trao Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1961; năm ấy tác giả Toàn Phong mới 31 tuổi và có cuốn truyện đầu tay nhưng đã vinh dự nhận giải cùng những tên tuổi lớn của văn chương miền Nam như Võ Phiến và “Thần Tháp Rùa” Vũ Khắc Khoan. Bạn đọc có thể đọc lại Đời Phi Công tại link.

Bầu trời và những vì sao tiếp tục mang lại cảm hứng cho nhà văn Toàn Phong trong những tác phẩm sau này của ông, chẳng hạn tập truyện ký “Theo Ánh Tinh Cầu” xuất bản năm 1991.

Nhưng văn chương không phải là sự nghiệp chính, không phải là phần lớn nhất trong sự nghiệp đồ sộ của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh – một “người khổng lồ” đa tài, một khoa học gia, nhà văn, nhà giáo dục, chỉ huy quân đội, ở cương vị nào ông cũng nổi bật lên thành một gương mặt xuất sắc… 

Nhà khoa học lỗi lạc 

Ông Nguyễn Xuân Vinh là giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ hàn lâm chuyên ngành Kỹ thuật Không gian. Năm 1965 ông là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ về Khoa học Không gian tại Đại học Colorado. Ba năm sau, ông trở thành giảng sư tại Đại học Michigan.

Từ đó ông tham gia giảng dạy tại nhiều đại học lớn ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Úc. Học trò của ông có cả ngàn người, đều là những chuyên viên toán học, chuyên viên về hàng không không gian của nhiều quốc gia. Năm 1999, khi nghỉ hưu ở tuổi 69, ông được Hội đồng Quản trị Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư Danh dự ngành Kỹ thuật Không gian vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.

Giáo sư Vinh đi du học ở Hoa Kỳ năm 32 tuổi. Với tài năng toán học kiệt xuất và chuyên môn về khoa học không gian, ông đã cùng các nhà khoa học của Trung tâm Hàng không và Vũ trụ quốc gia Hoa Kỳ (NASA) nghiên cứu quỹ đạo của các phi thuyền, dùng lý thuyết toán học để tính đường bay cho các phi thuyền.

Nếu có dịp đến thăm phòng trưng bày thành tựu chinh phục không gian của NASA ở Trung tâm Điều khiển Chuyến bay (Flight Control Center) ở Houston, bang Texas, sẽ thấy tên ông được tôn vinh trang trọng:

Giáo sư – tiến sĩ toán học Nguyễn Xuân Vinh. “Những lý thuyết của Nguyễn Xuân Vinh đã góp phần quan trọng đưa các phi thuyền Apollo lên được mặt trăng thành công và sau này được ứng dụng vào việc thu hồi các phi thuyền con thoi trở về Trái đất.”

Ông Vinh là người châu Á đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian Pháp (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace). Đến năm 1986, ông trở thành Viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics). 

Lớn lên trong thời chiến, trước khi trở thành nhà giáo, nhà khoa học, cũng như bao thanh niên cùng thế hệ, ông Nguyễn Xuân Vinh đã là người lính. Theo tác giả của Ðời Phi Công thì ông thuộc lớp thanh niên sinh viên đầu tiên được gọi nhập ngũ vào năm 1951 theo lệnh động viên của Quốc trưởng Bảo Đại và tốt nghiệp trường sĩ quan trừ bị Nam Định vào giữa năm 1952 với cấp bậc chuẩn úy. 

Cuối năm đó, ông xin chuyển sang ngành Không quân và thi đỗ vào trường Sĩ quan Không quân Pháp ở Salon de Provence. Đầu năm 1954 ông tốt nghiệp bằng phi công hai động cơ và bay phi cụ, được thăng cấp thiếu úy.  Sau đó ông phục vụ tại Pháp và Maroc. Trong thời gian này ông ghi danh học và thi đậu bằng Cử nhân toán ở Đại học Aix-Marseille. Thời gian du học và làm phi công ở Pháp và Maroc mang lại những trải nghiệm thực tế, nuôi dưỡng cảm xúc của một người con xa quê hương để ông sáng tác thiên truyện dài Đời Phi Công nói trên. 

Về quãng thời gian này, ông cho biết:

“Như tất cả những người cùng lứa tuổi, chúng tôi lớn lên trong thời loạn và sự học luôn luôn bị gián đoạn, không thể nào xếp đặt chương trình theo như ý của mình. Khi tôi thi xong chứng chỉ cao học về Hình học Cao cấp ở Đại Học Marseille là nơi gần Trường Không Quân ở Salon de Provence thì tôi được gửi đi Alvord, thuộc hạt Cher, để hoàn tất phần phi huấn.

Nơi đây chỉ cách Paris có hai giờ đi xe lửa nên tôi xin chuyển hồ sơ về Đại Học Paris để ghi danh học chương trình Tiến sĩ Quốc gia Toán học. Lúc đó là vào năm 1954. Năm sau đó tôi học xong chương trình sĩ quan phi công và phải trở về Việt Nam để phục vụ trong quân đội quốc gia. Phải đợi cho đến năm 1972 tôi mới có dịp trở lại Đại Học Paris để nộp luận án tiến sĩ quốc gia về môn toán học”.

Một tư lệnh quân chủng khi còn rất trẻ

Năm 1955, ông Vinh trở về nước và được thăng cấp trung úy, phục vụ trong Bộ Tư Lệnh Không Quân. Từ đó đến năm 1962, ông trải qua nhiều vị trí quản lý, tham mưu phó rồi tham mưu trưởng Quân chủng Không Quân, lên đến chức Tư Lệnh Không Quân đầu năm 1958 với cấp bậc đại tá. Ông Vinh là tư lệnh thứ hai của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, đảm nhiệm chức vụ trong thời gian 1958-1962.

Khi nhậm chức ông mới 28 tuổi đời và 7 tuổi quân, không biết trong lịch sử quân sự có vị tư lệnh một quân chủng hiện đại nào ở độ tuổi rất trẻ như ông hay không! Theo hồi ức của ông Nguyễn Tường Tâm, tổ chức buổi đầu của Không quân Việt Nam lúc đó hãy còn sơ khai, “ông Nguyễn Xuân Vinh là người đầu tiên chịu trách nhiệm hoạch định tất cả các chương trình phát triển để Không Quân thành một quân chủng riêng biệt, có một Bộ Tư Lệnh Không Quân, có khả năng kỹ thuật và hành quân, tạo được sự kính nể của các Không Quân bạn trong vùng Thái Bình Dương”. 

Cũng trong thời gian làm việc tại Bộ Tư Lệnh Không Quân và viết truyện Đời Phi Công, nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh có thời gian ngắn làm Trưởng Phòng Báo chí Nha Chiến tranh Tâm Lý, chủ bút của hai tờ báo thuộc quân đội là tờ Quân Đội và tờ Phụng Sự mà trong ban biên tập có những nhà văn nhà thơ và nhà báo nổi danh đương thời. 

Ngày 27 Tháng Hai 1962 xảy ra sự kiện hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử lái hai chiếc khu trục cơ ném bom Dinh Độc Lập. Trang Wikipedia và một số nguồn khác nói, ông Vinh bị liên đới trách nhiệm với tư cách Tư Lệnh Không Quân nên ông bị Tổng thống Ngô Đình Diệm cách chức. Ông xin giải ngũ và đi du học tại Hoa Kỳ, từ bỏ binh nghiệp để chuyển sang hoạt động khoa học.

Nhưng theo hồi ức của ông Nguyễn Tường Tâm trên trang Hội Quán Phi Dũng,“Ông [Vinh] nhỏ nhẹ cho biết việc ông nghỉ chức tư lệnh không quân không liên quan gì tới vụ ném bom của hai phi công Quốc và Cử. Ông đã làm tư lệnh không quân gần năm năm trong khi ở các nước tân tiến nhiệm kỳ của các tư lệnh quân chủng thường chỉ là bốn năm mà thôi. Ông cho biết tiếp lúc vụ ném bom xảy ra ông đang ở nước ngoài. Và sau khi xảy ra biến cố này phải sáu tháng sau ông mới lên đường du học”. 

Có lẽ do giải ngũ và ra nước ngoài sớm, ông Vinh không bị lôi kéo vào những vụ thanh trừng và rối loạn, đảo chánh và phản đảo chánh, làm suy yếu quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian từ khi lật đổ Tổng thống Diệm Tháng Mười Một năm 1963 đến khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ổn định được tình hình năm 1967. 

Những lựa chọn dũng cảm

Hôm 22 Tháng Ba 2022, Hội Giáo Chức Việt Nam Nam California và một vài hội đoàn người Việt hải ngoại đã tổ chức vinh danh giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Những đóng góp của ông cho khoa học và văn hóa thật lớn lao, ít ai sánh được. Ông cũng làm rạng danh người Việt trên trường quốc tế ở một lĩnh vực cao siêu mà không phải dân xứ nào cũng chen vào được: khoa học không gian.  

Ông Nguyễn Tường Tâm nói giáo sư Nguyễn Xuân Vinh có vẻ tin ở số mạng, trong đời ông có nhiều may mắn, và thường trong công việc bao giờ cũng được trên thuận dưới hoà. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, ngoài phần may mắn, những thành công của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh nhiều phần là do tố chất cá nhân, do trí thông minh thiên bẩm và những lựa chọn đúng đắn mà ông đã thực hiện. Và đó cũng có phần do môi trường học thuật tự do mà ông được thụ hưởng.

Lựa chọn tham gia quân đội Quốc gia Việt Nam ở buổi sơ khai của lực lượng này là quyết định đầu tiên và quan trọng nhất, đặt nền tảng cho cả cuộc đời và sự nghiệp sau này của ông.

Đọc Đời Phi Công, dễ có cảm tưởng cuộc đời tác giả sẽ luôn gắn liền với những chuyến bay và thực tế ông đã trở thành người chỉ huy cao nhất của lực lượng không quân Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng từ giã binh nghiệp giữa lúc vinh hoa đang lớn, triển vọng tương lai hết sức hấp dẫn để đi theo con đường khoa học gian lao nhưng phù hợp với tâm nguyện và năng lực hơn là một sự lựa chọn dũng cảm, “Công thành thân thoái thiên chi đạo” – thành công rồi thì rút lui – cái đạo xuất, xử hiếm người nào làm được. 

Giáo sư Vinh có lần nói với các thế hệ Việt Nam ở hải ngoại:

“Cuộc hành trình trong đời của chúng ta có thể sánh với chuyến bay qua đại dương rộng lớn của một chiếc phi cơ. Đôi khi chúng ta được làn gió thuận chiều đẩy ta bay nhanh hơn. Nhưng đôi khi, trong các trường hợp khác, chúng ta bị cơn gió ngược cản trở. Là thế hệ đầu tiên của những người di dân, chúng ta là những người tiền phong và chúng ta gặp trở ngại.

Cũng như chiếc phi cơ phải bay tới bờ bên kia của đại dương vì nó không thể quay đầu trở lại, khi đối mặt với những cơn gió ngược trong đời, chẳng hạn như bị bất công xã hội, chúng ta nên ngẩng cao đầu, ngửa mặt và rồi với sức bền bỉ của thể lực, chuyên môn về kỹ thuật và với sức mạnh tinh thần, với sự hiến dâng và phẩm giá, chúng ta sẽ góp sức cùng nhau vượt qua nghịch cảnh, hoàn thành mơ ước của chúng ta về cơ hội công bằng, quyền lợi công bằng, trách nhiệm công bằng và biến giấc mơ thành thực tế”.

Tại buổi lễ vinh danh giáo sư Nguyễn Xuân Vinh ở Nam California, nhà biên khảo Phạm Trần Anh, Hội Nghiên Cứu Sử Học và Văn Hóa Việt Nam, nhận xét: “Có nhiều người nói về Giáo sư Vinh với những thành tích làm hãnh diện cho người Việt Nam. Với chúng tôi thì chỉ có một câu là, ‘Có một người Việt Nam như thế.’ Ông là một ngôi sao Bắc Đẩu mở đường để chinh phục mặt trăng.”

Cũng tại buổi lễ, phu nhân của ông, bà Phiến Đan, tâm tình: “Hôm nay tôi có mặt ở đây với vai trò của một hậu duệ của giáo sư mà thôi. Tức là một người mà Phiến Đan hay đùa với giáo sư là, ‘Em chỉ là hậu duệ, là osin của bố thôi.’ Nhưng sự thật, giáo sư là một người thầy vĩ đại ở trong lòng của tôi.”

Chúng ta không biết nhiều về đời tư của ông, nhưng qua lời tâm sự của bà Phiến Đan, cũng có thể đoán rằng ông đã có một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn. Cuối đời, ông đã gia nhập đạo Công Giáo tại Nhà thờ Saint Bonaventure Church ở Huntington Beach, California và lấy tên thánh là Anphongsô. Bây giờ Chúa đã gọi ông. Ông đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình trên thế gian này. Cầu chúc cho ông được an lành trong nhan thánh Chúa!