EU nói “KHÔNG” với ý đồ quốc tế hóa bằng phát minh

Lưu Thủy Hương
 
Tình yêu khoa học đã kết nối hai trái tim nhân hậu. Đối với người Đức, họ là Marie và Pierre Curie.

Buổi sáng hôm đám cưới, Özlem Türeci và Uğur Şahin vẫn mặc áo choàng trắng, tất tả làm việc trong phòng thí nghiệm. Buổi trưa, từ phòng đăng ký kết hôn của tòa thị chính, họ lại vội vã đạp xe trở về phòng thí nghiệm. Özlem Türeci và Uğur Şahin không có xe hơi. Bây giờ cũng vậy, sau thành công của vaccine BioNTech, trở thành người giàu có nhất nước Đức, cặp vợ chồng này vẫn lọc cọc đạp xe.

Özlem Türeci từng mơ ước trở thành nữ tu để chăm sóc người nghèo. Ngày còn nhỏ, cô bé Özlem hay theo cha vào bệnh viện, hình ảnh các bà sơ tận tụy chăm sóc người bệnh luôn làm cô xúc động. Khi lớn lên, Özlem Türeci từ bỏ mơ ước trở thành sơ của mình mà theo học y khoa để có thể chữa trị cho người bệnh hữu hiệu hơn.

Uğur Şahin cũng là bác sĩ, giáo sư trường đại học Mainz. Một người khiêm tốn, ít nói, ông chỉ xuất hiện ngay đúng thời điểm để mang lại hy vọng cho nước Đức và thế giới. Giữa màn đêm tuyệt vọng của đại dịch, Uğur Şahin luôn lặng lẽ - nhẹ nhàng đem lại nguồn ánh sáng.

- Đầu tháng 11 năm 2020, thông tin của BioNTech đã mang lại niềm tin chống đại dịch cho toàn thế giới. Theo kết quả đầu tiên của nghiên cứu giai đoạn III, vaccine chống corona của BioNTech có đến 90% hiệu quả bảo vệ. Vaccine BioNTech là vaccine đầu tiên của thế giới hoàn thành sớm nhất giai đoạn III và nộp hồ sơ xin cấp phép ở EU.


Özlem Türeci và Uğur Şahin

- Tháng 12 năm 2020, giữa lúc thế giới hoảng loạn vì hai loại biến chủng Anh Quốc và Nam Phi, Uğur Şahin lại lên tiếng: “Vaccine của chúng tôi tấn công virus ở nhiều vị trí khác nhau – đó là điểm cơ bản để chúng tôi tin chắc rằng các phản ứng miễn dịch do vaccine của chúng tôi tạo ra có thể vô hiệu hóa loại virus này”. Nghiên cứu vào tháng 1 năm 2021 tại Mỹ sau đó, do công ty Pfizer đảm trách, đã xác nhận tuyên bố của ông Şahin: “Vaccine BioNTech có thể nhanh chóng truy tìm các đột biến mới”.

- Mới nhất, ngày 8 tháng 5, trong cơn khủng hoảng vaccine do đại dịch ở Ấn Độ, với áp lực quốc tế hóa bằng phát minh của tổng thống Mỹ, Uğur Şahin từ tốn cho biết:
“BioNTech không coi bằng sáng chế là vấn đề của việc phân phối vaccine. Công ty muốn hỗ trợ các nước nghèo qua việc giảm giá thuốc. Mục tiêu của BioNTech là tiếp tục cung cấp vaccine của mình cho các nước nghèo hơn với mức giá phi lợi nhuận.”

Nghĩa là, BioNTech sẽ sản xuất vaccine đúng chất lượng, an toàn, hiệu quả và cung cấp giá gốc cho các nước thứ ba. Họ giữ bằng phát minh nhưng từ bỏ lợi nhuận thương mại.

Trước đại dịch, BioNTech là công ty nhỏ, nghèo và lận đận. Hai lần đứng trước nguy cơ phá sản vì mục tiêu khoa học do Özlem Türeci và Uğur Şahin theo đuổi: nghiên cứu vaccine chống lại ung thư. Họ được các nhà tỉ phú mạnh thường quân vực dậy để tiếp tục mơ ước khoa học nhân đạo của mình.

Tháng 1 năm 2020, khi con virus gây bệnh viêm phổi ở Vũ Hán còn chưa có tên quốc tế, với dự đoán virus sẽ là vấn nạn toàn cầu Uğur Şahin đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine. Lần này, BioNTech đối diện với nguy cơ phá sản lần thứ ba. Được nhà nước Đức bảo trợ tài chánh, BioNTech đã gượng dậy và đi tiếp con đường nghiên cứu của mình.

Ngày 19 tháng 3 năm 2021, Özlem Türeci và Uğur Şahin được tổng thống Walter Steinmeier trao tặng huân chương danh dự của nước cộng hòa liên bang Đức. Trước những lời khen tặng, họ thu mình lại, lui về phòng nghiên cứu và chỉ nói thật ngắn gọn: “Chúng tôi chỉ thấy nghĩa vụ phải làm điều gì đó khi mà chúng tôi có cơ sở để phát triển vaccine."

Hiện nay, Özlem Türeci và Uğur Şahin trở thành những người giàu có nhất nước Đức. Họ vẫn đi xe đạp và không có xe hơi. Uğur Şahin tâm sự khiêm tốn và ngắn gọn: "Tôi là một bác sĩ và một nhà khoa học, động lực chính của chúng tôi chắc chắn không phải là tối ưu hóa tình hình tài chính của mình mà là phát triển các loại thuốc."

Với số tài sản hiện nay, hai vợ chồng giáo sư dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu những loại vaccine mới chống lại bệnh ung thư và bệnh Multiple Sklerose.

Hủy bằng phát minh của ông bà Özlem Türeci và Uğur Şahin, đẩy họ trở về cảnh cơ hàn, là hành động vô ơn tồi tệ nhất mà con người có thể nghĩ ra. Nó ghê tởm, u ám như cái thời chủ nghĩa cộng sản lên ngôi: đánh địa chủ, đánh tư bản, quốc hữu hóa các xí nghiệp.

Cảm ơn bà Merkel và các nước EU đã nói “KHÔNG” với ý đồ quốc tế hóa bằng phát minh.

https://www.rtl.de/.../studie-bestaetigt-biontech...
https://migrations-geschichten.de/tureci-und-sahin/
https://www.dw.com/.../bundesverdienstkreuz.../a-56886969
https://www.swr.de/.../biontech-mainz-gruender-portrait...
https://www.sueddeutsche.de/.../oezlem-tuereci-eine...
https://www.handelsblatt.com/.../vakzin.../27172988.html