Dư âm bản án sơ thẩm chuyến bay giải cứu!

 
Sau 12 ngày thẩm vấn và tranh luận, 6 ngày nghị án, chiều 28-7 TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với 54 bị cáo, sớm hơn so với quỹ thời gian 30 ngày dự kiến.
 
Tuy vụ án tạm khép lại, bản án đã được tuyên, nhưng dư luận không ngớt bàn tán xôn xao về phiên tòa đặc biệt và kỳ lạ này.
 
Từ khi cái lò tôn được cụ Tổng mở ra, thì những thanh củi bị đốt hầu hết là cán bộ đảng viên. Từ Ủy viên BCT, đến hàng loạt tướng công an và quân đội nhung nhúc chen chúc vào lò. Vì chỉ có cán bộ đảng viên mới có điều kiện tham nhũng. Điển hình là Nguyễn Đức Chung. Khi còn đương chức đương quyền, hét ra lửa mửa ra khói, ông ta to mồm đề nghị QH sửa luật cho xử tử hình những tội phạm kinh tế lớn. Nhưng chính ông ta sau đó lại dính rất nhiều án kinh tế với số tiền cực lớn.
 
Như vậy có thể nói: Đây là phiên tòa của những người chưa bị lộ, xử những người đã bị lộ.
 
Khi việc chạy án đã trở thành quốc nạn, có mặt ở mọi lúc mọi nơi, từ cấp thấp đến cấp cao, thì việc tống củi vào lò gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy tham nhũng có mặt khắp các bộ ngành, từ trung ương đến địa phương.
Ngay trong ngành chống tham nhũng lại là cái ổ tham nhũng nhiều nhất. Hay nói như Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh rằng: “Tham nhũng vẫn ổn định”.
 
Vấn đề đóng tiền để khắc phục hậu quả không thể dùng những đồng tiền bẩn của bọn ăn cướp, cho chúng nộp tiền để chuộc tội. Như vậy sẽ tạo thành tiền lệ nguy hiểm. Cứ ăn cướp ăn chặn cho nhiều, nếu không may bị lộ thì nộp vào một ít là mọi sự sẽ yên. Như thế là “hy sinh đời bố để củng cố đời con”.
Vì chúng là những kẻ bằng cấp và chức vụ đầy mình, luôn rao giảng đạo đức và nhân nghĩa, thì lại càng phải áp dụng hình phạt cao hơn để làm gương
 
Bản án được tòa tuyên với các bị cáo cho thấy sự phân hóa rõ rệt hành vi phạm tội và rất khác. Tòa tuyên bốn án chung thân nhóm nhận hối lộ và chạy án, còn nhóm doanh nghiệp có 10 người được hưởng án treo.
Trước tòa, không ít bị cáo là quan chức có nhân cách rất đáng khinh. Thái độ hèn hạ. Từng là những kẻ quyền uy, vậy mà khi đứng trước tòa thì mếu máo run như cầy sấy. Nhiều bị cáo khác tuy có nhận tội nhưng lại lập lờ, đánh tráo khái niệm, cho rằng mình phạm tội là do hoàn cảnh đưa đẩy, do các doanh nghiệp tự nguyện biếu xén, hoặc do nhận thức kém, thiếu am hiểu pháp luật, cầm tiền của doanh nghiệp như "quà cảm ơn".
 
Nhận hối lộ số tiền lớn, rất lớn, đặc biệt lớn.
 
Đây là vụu án phạm tội có tổ chức, nhiều lần, lợi dụng chức vụ để kiếm tiền trong thảm hoạ đại dịch. Vậy mà không có tên tội phạm nào bị tuyên phải “dựa cột”. Thế mới tài. Tiên sư anh Tào Tháo.
Vịt lên giá một cách khủng khiếp.
 
Có người đã ví von những bản này khi so sánh vụ án kẻ trôm vịt trước đây.
 
Báo Dân trí ngày 17/03/2017 có bài: “Kiên Giang: Một thanh niên lãnh 7 năm tù… vì bắt 1 con vịt về nhậu”.
 
Theo đó: Ngày 16/3/2017, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành (Kiên Giang)tuyên xử Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1997, trú ấp Phước Chung, xã Mong Thọ) 7 năm tù về hành vi “cướp tài sản”.
 
Trong vụ án này: Nguyễn Quang Linh, trợ lý của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, nhận hối lộ 180.000 USD cùng 100 triệu đồng, bị phạt 7 năm tù, tương đương một con vịt.; Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng, bị phạt 7 năm tù, tương đương một con vịt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhận hối lộ 5 tỷ đồng, bị tuyên 6 năm tù, chưa bằng một con vịt.
 
Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ, 8 lần nhận số tiền hơn 3,6 tỷ đồng, tòa tuyên 6 năm tù, gần bằng một con vịt. Đặc biệt là Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội,nhận hối lộ 2 tỷ đồng, bị tuyên 3 năm tù, chưa bằng nửa con vịt.
 
Vì vậy mà dư luận cho rằng: “Tội to như con voi, án nhỏ như con kiến”.


 
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng cần thông cảm cho tòa, vì đây là vụ án tham nhũng, xử các cán bộ đảng viên. Mà như ông chủ lò tôn đã nói rằng: “Chống tham nhũng khó là vì tự ta đánh vào ta...”.
Vì vậy nhân dân cần thông cảm cho tòa, vì tuy chưa dám đánh vào đầu, nhưng “tắm từ vai trở xuống” là có tiến bộ lắm rồi.
 
Khi ba luật sư nhân quyền trong vụ Tịnh thất Bồng Lai là Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân trốn ra nước ngoài lánh nạn, có người nói rằng như vậy là từ nay Công Lý không còn tồn tại trên đất nước VN.
Nói như vậy là chưa chính xác. Thực ra Công Lý vẫn tồn tại trên đất nước VN. Nhưng đang đóng vai… Anh hề.
 
tn 31/7