Trung ương 12: Đại hội XIV của Tô Lâm đã khởi động

Hoàng Vân Trường

Tổng Bí thư Tô Lâm là lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử ĐCSVN xây dựng quyền lực dựa trên hệ thống kiểm soát an ninh, dữ liệu, kỹ thuật số hóa – thay vì lý luận chính trị hay các tổ chức cơ sở đảng truyền thống. Quá trình chuyển dịch này còn tiếp diễn, từ “đảng trị tư tưởng” sang “nhóm kỹ trị tập quyền.” Nếu quá trình này thường xuyên nhận được “feedback” từ tín hiệu của hệ thống sẽ tránh được sai lầm duy ý chí.

Hội nghị Trung ương 12 – Khởi đầu của đại hội XIV?

Chiều 19/7/2025 (giờ Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12 (HNTƯ12), diễn ra trong hai ngày 18 – 19. Trên bề mặt, hội nghị “chuẩn bị cho đại hội” này được triệu tập sớm hơn 3 tháng so với thông lệ, nội dung xoay quanh văn kiện và công tác nhân sự. Nhưng xét từ cách tổ chức, thời điểm và khẩu khí chính trị, đây thực sự là sự kiện mở màn cho đại hội XIV, không còn là “bước đệm” như các kỳ trước.

Điểm nổi bật là cả quy mô lẫn thời gian thảo luận tại hội nghị rất bất thường: 9 nhóm nội dung, bao trùm toàn bộ hệ thống chính trị – từ cải cách thể chế, sửa đổi điều lệ, tái cấu trúc bộ máy, đến tổng kết 40 năm “Đổi mới.” Điều đáng chú ý: Nhân sự chưa được công bố, nhưng các văn kiện quan trọng đã được hoàn tất. Điều đó chứng tỏ mọi quyết sách đã được “định sẵn ở hậu trường,” Trung ương chủ yếu chỉ là nơi “hợp pháp hóa” kịch bản có sẵn.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc, hai lần nhắc đến hội nghị như “ngọn đuốc soi đường,” như biểu tượng mới cho tầm nhìn quốc gia, thay thế dần hệ quy chiếu ý thức hệ cũ. Sự kiện này không đơn thuần là diễn đàn của đảng cầm quyền – mà là dấu mốc chính trị khai sinh một mô hình lãnh đạo và tổ chức quyền lực mới, có thể định hình cả một thập kỷ tiếp theo của Việt Nam.

“Tam quyền phân lập” kiểu Tô Lâm: Cá nhân hóa – Kỹ trị hóa – Toàn quyền hóa

TBT Tô Lâm là lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử ĐCSVN xây dựng quyền lực dựa trên hệ thống kiểm soát an ninh, dữ liệu, kỹ thuật số hóa – thay vì lý luận chính trị hay nền tảng tổ chức đảng truyền thống. Đây là chuyển dịch lớn, diễn trình từ “đảng trị tư tưởng” sang “nhóm kỹ trị tập quyền.”
Ba trụ cột quyền lực đang hình thành:

  • Cá nhân hóa quyền lực tuyệt đối: Thay vì chia sẻ ảnh hưởng theo cơ chế “tập thể lãnh đạo,” Tô Lâm đang chiếm lĩnh toàn bộ điểm nhấn – từ tổ chức nhân sự, xử lý kỷ luật, đến định hướng nghị trình chính trị;
  • Kỹ trị hóa ngôn ngữ chính trị: Văn kiện đảng giờ đây đầy rẫy các thuật ngữ như số hóa, AI, tự động hóa, tinh giản bộ máy – phản ánh tư duy hành chính – kỹ trị hơn là tư duy tư tưởng;
  • Toàn quyền hóa bằng kiểm soát dựa vào công nghệ: Không gian phản biện bị triệt hạ bởi hệ thống giám sát tinh vi; truyền thông được định hướng chặt chẽ; trí thức và xã hội dân sự bị cô lập và teo tóp.

Mô hình này đồng thời đã âm thầm loại bỏ toàn bộ di sản tư tưởng trước “Đổi mới.” Những cái tên như Trường Chinh, Lê Duẩn sẽ không còn được nhắc tới. Mác – Lênin – Hồ Chí Minh giờ chỉ tồn tại như các biểu tượng nghi lễ, không có giá trị định hướng chiến lược. Thay vào đó là “tam quyền phân lập” kiểu Tô Lâm – được  bao phủ bởi ngôn ngữ công nghệ và quản trị.

Ba tín hiệu lớn sau HNTƯ12 – Hệ thống đã và đang chuyển qua trạng thái khác?

HNTƯ12 không chỉ tái định hướng chiến lược, mà còn phát đi ba tín hiệu rõ rệt về sự tái cấu trúc hệ thống quyền lực:
Thứ nhất, thanh lọc có chủ đích: Loại trừ đám Phúc – Thưởng – Huệ (mà người dân háo hức một cách “tội nghiệp,” tưởng đảng trong sạch hóa đội ngũ), cũng như kỷ luật Đỗ Đức Duy, Nguyễn Thị Kim Tiến đâu phải chống tham nhũng. Đó là sự chọn lọc chính trị: Loại bỏ những cá nhân đã “hết niên hạn bảo vệ,” không còn phù hợp với hệ hình mới. Chỉ là bước then chốt để xây dựng mạng lưới trung thành với cá nhân Tô Lâm.

Thứ hai, mở đường cho nhiệm kỳ đặc biệt: Việc xem xét sửa đổi điều lệ đảng – đặc biệt về tuổi tác và nhiệm kỳ – hé lộ khả năng mở rộng thời gian cầm quyền của Tô Lâm. Hệ thống điều lệ vốn được thiết kế để giới hạn cá nhân, nay có thể trở thành công cụ phục vụ cho cá nhân hóa quyền lực.

Thứ ba, trật tự phe phái thay đổi triệt để: Việc “thinh lặng chính trị” của những nhân vật như Phạm Minh Chính, Lương Cường hay Phan Văn Giang không hẳn là dấu hiệu bất đồng. Nó có thể là sự chấp nhận vai phụ trong một hoạt cảnh mới, hoặc là sự trì hoãn mang tính chiến thuật? Dù thế nào, Tô Lâm đang cầm trịch thế cờ.

Tổng hợp ba điều trên: Sau HNTƯ12, đảng không còn là trung tâm quyền lực tập thể mà đã chuyển sang mô hình đơn cực duy nhất, nơi chính sách được hoạch định bởi ý chí của một cá nhân. Giai đoan tới có thể là chương đầu tiên của kỷ nguyên mới, nhưng kỷ nguyên mới ấy thuộc về ai, vì ai, và kéo dài bao lâu, đó vẫn là dấu hỏi lớn. Lịch sử, như ta đã biết, không phải là thứ có thể lập trình sẵn.

Cái giá của tập quyền: Ổn định ngắn hạn – Rủi ro dài hạn

Hệ hình Tô Lâm – với công nghệ, trật tự và tập quyền – có thể vững chắc trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, nó tiềm ẩn nguy cơ rỗng ruột từ bên trong. Vì sao?

  • Không có phản biện xã hội: Báo chí bị kiểm soát, trí thức bị cô lập, xã hội dân sự bị triệt tiêu. Không có “van xả áp” cho hệ thống.
  • Không có phản hồi tầng dưới: Người dân bị đẩy ra khỏi đời sống công, niềm tin vào cải cách bấp bênh. Tâm lý “đứng ngoài chính trị” lan rộng, nhất là ở giới trẻ và trí thức.
  • Không có cạnh tranh tư tưởng: Khi quyền lực được quyết định bởi lòng trung thành và thuật toán an ninh, tư tưởng mới bị loại từ gốc. Hệ thống sẽ rất khó để tự đổi mới.

Vậy hệ quả sẽ là gì? Là một “Nhà Nước Trầm Cảm”: Vận hành im lặng, xã hội là một đàn cừu, mất dần khả năng nhận diện khủng hoảng từ nội bộ. Như Liên Xô cuối thập niên 1980 – nơi hệ thống sụp đổ không vì phản kháng hay vì sự cản phá từ bên ngoài, mà vì liệt kháng và kiệt sức từ bên trong.

Tô Lâm có thể viết lại lịch sử, nhưng có viết lại được quy luật?

Giờ đây, Tô Lâm không còn là người kế thừa di sản tư tưởng – ông là người viết lại logic quyền lực. Khác với Trường Chinh (lý luận), Nguyễn Văn Linh (mở cửa), Nguyễn Phú Trọng (duy trì cân bằng), Tô Lâm là hiện thân của một mô hình quyền lực kiểu mới: Kỹ trị, an ninh, khép kín.

Tô Lâm có thể không cải cách kinh tế để mở cửa xã hội như Đặng Tiểu Bình. Ông dị ứng với tất cả mô hình của các nước anh em cũ: Mô hình dân chủ đa nguyên như Đông Âu. Mô hình của ông hướng tới một hệ thống “nhà nước tập quyền – toàn trị”: Nơi ý chí cá nhân được hợp thức hóa bằng dữ liệu, lòng trung thành và bộ máy kiểm soát?

Vấn đề nằm ở chỗ: Các dữ liệu không thể thay cho trí tuệ chính trị. Kỹ thuật không thay được sự phản biện xã hội. Và kiểm soát không thể thay thế được niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Lịch sử cho thấy: Không một quyền lực tuyệt đối nào trường tồn nếu không biết thích nghi. Đại hội XIV có thể là điểm khởi đầu của một giai đoạn đầy quyền lực với Tô Lâm – nhưng cũng có thể là “bước ngoặt báo trước” cho sự “cô lập vững chắc” của một chế độ không còn lối thoát mềm cho các khủng hoảng ngấm ngầm.
*
Liệu “kỷ nguyên Tô Lâm” kéo dài bao lâu? Không ai có thể trả lời vào thời điểm hiện nay. Nhưng nhìn lên phương Bắc, nơi Tập Cận Bình từng vận hành một mô hình kiểm soát toàn diện, điều có thể đoán trước là: Không ai – kể cả những người nắm trong tay mọi công cụ quyền lực – có thể viết lại quy luật trường tồn của chính trị.

Một trong những quy luật ấy là: Khi nhân dân không còn hiện diện như chủ thể, mà chỉ còn hiện hữu như đối tượng bị quản lý, thì quyền lực sớm muộn cũng rơi vào khủng hoảng chính danh.
Người dân Việt Nam từng nhiều lần chứng tỏ sức mạnh vô đối và trí tuệ vô biên – Chính từ đó, ĐCSVN đã gây dựng nên sự nghiệp hôm nay. Nhưng cũng chính từ đó, lịch sử từng sang trang mỗi khi người dân ngoảnh lưng lại chính quyền, mỗi khi nhà nước không nhìn nhận nhân dân như là chủ thể phục vụ.

Kỷ nguyên mới đang tới… nhưng sẽ là kỷ nguyên của ai? Của một thiểu số cai trị, củng cố quyền lực bằng thuật toán và nỗi sợ hãi? Hay là kỷ nguyên mà người dân trở lại vị trí trung tâm, với bộ máy phụng sự thay vì cai trị? Câu trả lời không đến từ đại hội XIV. Cũng không đến từ những căn phòng họp kín! Nó chỉ đến từ một dân tộc chưa bao giờ đánh mất trực giác về những điều phải – trái và hành động cần thiết trong những thời khắc quyết định nhất của lịch sử./.