Sửa đổi Hiến pháp để giải quyết một việc vốn chỉ cần điều chỉnh bằng nghị định, thông tư hay “chỉnh đốn tư duy cán bộ” – chẳng khác nào thay bóng đèn hỏng bằng sửa lại móng nhà!
Khi nghe đến “sửa đổi hiến pháp” người dân thường hy vọng vào sự đổi mới thể chế, quyền kiểm soát chính phủ của dân được nới rộng, nhân quyền được thực thi, và đối với bất cứ công dân nào pháp luật phải được tôn trong tuyệt đối.
Thế nhưng, qua phát biểu mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm, người dân lại được ‘trân trọng mời’ làm diễn viên quần chúng trong một vở diễn tuồng quen thuộc mang tính hài hước vừa dân chủ, vừa định hướng, vừa đảm bảo đảng ta phải luôn là đấng tối cao bất khả xâm phạm.(*)
Trong bài phát biểu, ông Tô Lâm nhấn mạnh: “phải ghi nhận đầy đủ, khách quan ý kiến của nhân dân”, đồng thời… giới hạn ngay phạm vi góp ý trong khuôn khổ mà Đảng cho phép.
Dân Việt Nam quá quen thuộc với luật lệ “tự do trong giới hạn”. Cái vòng kim cô của đảng luôn trên đầu người dân.
Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào năm 1945, quốc hội VN đã ban hành 5 bản Hiến pháp. Có nhiều bản Hiến pháp, nhưng chưa từng có một bản Hiến pháp đích thực ra hồn, đúng nghĩa: Là khế ước giữa nhân dân và nhà nước. Quy định ranh giới quyền lực của dân và chính quyền, và phải là nền tảng của một nhà nước pháp quyền dân chủ.
Các bản hiến pháp của Việt Nam không phải kết quả của một quá trình thỏa hiệp chính trị đa nguyên, mà luôn được soạn thảo và thông qua bởi và cho một đảng duy nhất, dù trong quốc hội được vài đại biểu được xem là độc lập nhưng thực chất là những con rối tay chân được điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa của đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này làm cho Hiến pháp trở thành công cụ hợp pháp hóa quyền lực Đảng, thay vì giới hạn và kiểm soát quyền lực nhà nước – vốn là nguyên tắc cốt lõi của hiến pháp dân chủ. Ví dụ: Điều 4 trong cả các bản Hiến pháp 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định vai trò lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” của Đảng, khiến mọi nguyên tắc tam quyền phân lập, kiểm soát quyền lực trở thành vô nghĩa dưới quyền lực của đảng.
Nội dung cần sửa hiến pháp lần này tưởng rằng quan trọng nhưng theo lời Tổng Bí thư, chỉ là chuyện phân cấp, phân quyền hành chính – một vấn đề kỹ thuật mà nếu các cán bộ từ cấp thấp nhất như anh chị thư ký quèn đến ngài tổng bí thư trên chót vót đỉnh cao, chỉ cần chịu khó suy nghĩ một chút và nhanh tay hơn một chút cũng có thể làm, có thể cải cách nội bộ mà không cần người dân mất thì giờ, tốn tiền ngân sách, thì giờ động não giúp để động tới Hiến pháp.
Sửa đổi Hiến pháp để giải quyết một việc vốn chỉ cần điều chỉnh bằng nghị định, thông tư hay “chỉnh đốn tư duy cán bộ” – chẳng khác nào thay bóng đèn hỏng bằng sửa lại móng nhà!
NHỮNG THỨ NGƯỜI DÂN KHÔNG ĐƯỢC ĐỤNG ĐẾN
Trong khi đó, những điều mà người dân thực sự muốn góp ý – và được ghi rõ trong chính Hiến pháp – lại nằm ngoài danh mục cho phép:
– Điều 4 – Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối. Cấm không động vào.
– Quyền biểu tình – có trong Hiến pháp, nhưng không có luật thi hành. Cũng không bàn, không được nói tới.
– Quyền tự do ngôn luận – có giới hạn, đặc biệt nếu phê phán những gì “sai trái với đường lối”. Tuyệt đối cấm chí trích đảng.
– Tam quyền phân lập – ghi có quốc hội, tòa án, chính phủ, nhưng tất cả đều do một trung tâm, đảng CSVN, chỉ huy. Kính nhi viễn chi!
Vậy là Hiến pháp Việt Nam, vốn được ví như “luật mẹ”, lâu nay giống một bản catalog các quyền treo tường – đọc thì thấy đẹp, nhưng hỏi mua thì… “chưa có hàng”.
CẢI CÁCH HAY KẢI KÁCH?
Sự mâu thuẫn hài hước nằm ở chỗ: Đảng muốn cải cách vận hành, nhưng không cải cách hệ thống quyền lực.
Giống như sửa xe nhưng cấm không mở máy, chỉ lau chùi phía ngoài.
Mọi sửa đổi được khuyến khích miễn không làm ảnh hưởng đến “sự lãnh đạo toàn diện của Đảng”. Quy tắc tuyệt đối như điều lệ của tổ chức Mafia.
NÓI MỘT ĐÀNG, LÀM MỘT NẺO
Việc phát động lấy ý kiến toàn dân(!), tuy có màu mè “nhân dân làm chủ”, nhưng lại không có cơ chế nào để bảo đảm:
– Ai lọc ý kiến?
– Ý kiến nào được ghi nhận?
– Có công khai danh sách ý kiến không?
– Có cơ chế giải trình, đối thoại, phản biện không? Và nhất là Tô Lâm kèm theo cái búa cái liềm “Tăng cường công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.”
Tất cả phụ thuộc vào ‘thánh ý’ chính trị của Đảng. Và như lịch sử từng chứng minh: thiện chí ấy chỉ đến khi nó không ảnh hưởng đến vị thế độc tôn của đảng. Vâng, cải cách, nhưng đừng cải Đảng.
SỬA, NHƯNG CẤM SỬA ĐẢNG
Trong vở chèo mang tên “Sửa đổi Hiến pháp”, nhân dân được mời làm diễn viên quần chúng. Loại diễn viên kịch câm, không thoại, chỉ góp mặt cho đông. Và khi màn nhung khép lại, bản Hiến pháp mới sẽ vẫn giữ nguyên điều cốt lõi: Khập khiễng, nửa vời, và mù lòa.
Đảng lãnh đạo tuyệt đối, nhân dân đồng thuận tuyệt đối, và mọi “đổi mới” là để hệ thống tiếp tục vững mạnh…theo đồng chí cụ tổ Vũ Như Cẩn.
____________________
Tham khảo:
(VNTB)