Vaccine ngừa Covid-19 sẵn sàng thử nghiệm trên con người

Bác sĩ Anthony Fauci giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và các Bệnh nhiễm trùng (NIAID) tại cuộc họp báo về virus corona ở Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Washington D.C., ngày 28/1/2020. Dịch viêm phổi cấp virus corona| Công ty dược Moderna ngày 24/2 loan báo một loại vaccine ngừa virus Covid-19 đã sẵn sàng để chính phủ bắt đầu thử nghiệm trên con người. Công ty chuyên bào chế thuốc chữa trị và vaccine cho biết đã gởi thuốc tên là mRNA-1273 đến Viện Quốc gia về Dị ứng và các Bệnh nhiễm trùng của Mỹ (NIAID) ở Bethesda, Maryland. NIAID dự trù bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên 20 đến 25 người khoẻ mạnh vào cuối tháng 4 để đánh giá sự an toàn và hiệu quả của vaccine chống lại sự lây nhiễm Covid-19, báo Wall Street Journal đưa tin. Việc này đánh dấu giai đoạn 3 tháng giữa việc chế tạo vaccine và thử nghiệm trên con người, với kết quả đầu tiên có thể đưa ra sớm nhất là vào tháng 7, theo tường trình của tờ báo. “Tiến đến việc Thử nghiệm Giai đoạn 1 trong vòng 3 tháng để có kết quả quả là kỷ lục trong phòng thí nghiệm của thế giới. Chưa bao giờ có chuyện nhanh như vậy,” bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc NIAID được Wall Street Journal dẫn lời. Tin này khiến cổ phiếu của Moderna tăng 19% hôm 25/2 lên khoảng 22 đô la một cổ phiếu. Tuy vậy, hiệu quả của vaccine chưa biết rõ. Các công ty dược khác cũng đang chạy đua chế tạo vaccine chống virus corona, trong đó có Inovio Pharmaceuticals, Novavax và Johnson & Johnson. Công ty Gilead Sciences cũng đang thăm dò xem liệu những thứ thuốc hiện nay của công ty có thể thành công trong việc chữa được dịch bệnh hay không. Virus corona với tên chính thức là Covid-19 đã lây nhiễm hơn 80.000 người và giết chết gần 3.000 người. Có thể phải mất một năm để vaccine của Moderma qua được rào cản của các nhà ban hành qui định và được bán rộng rãi. NIAID nói với chương trình MoneyWatch của kênh CBS là thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sẽ được thực hiện tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe của Kaiser Permanente Washington ở Seattle nhưng chưa có ngày cụ thể. Được thành lập vào năm 2010, Moderna chế tạo các loại thuốc căn cứ trên điều được gọi là sứ giả RNA về nhiễm trùng và những bệnh hiếm có cùng các bệnh khác nữa. Giám đốc điều hành Moderna, Stephane Bancel, nói với tờ Wall Street Journal là “Có thể sẽ thành công, nhưng chúng ta phải chờ xem.” Trong một tuyên bố, Moderna nói công ty “hãnh diện được gia nhập với nhiều công ty và cơ quan y tế công cộng khác làm việc để có thể đáp ứng với tình trạng khẩn cấp toàn cầu đang tiếp diễn.” Ngày 25/2, NIAID cho biết đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng thuốc remdisivir lên những bệnh nhân của virus corona. Đây là thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Mỹ để đánh giá việc chữa trị thí nghiệm đối với COVID-19. Một hành khách người Mỹ bị cách ly trên du thuyền Diamond Princess neo đậu tại Nhật Bản tham gia vào cuộc nghiên cứu này. “Chúng ta cần khẩn cấp một phương pháp chữa trị an toàn và hiệu quả đối với Covid-19. Dù thuốc remdesivir đã được dùng cho một số bệnh nhân Covid-19, nhưng chúng ta chưa có dữ liệu chắc chắn chứng tỏ là thuốc này có thể gia tăng kết quả lâm sàng,” giám đốc NIAID Anthony Fauci nói trong một thông cáo báo chí. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng cũng đang được thực hiện tại Trung Quốc. (Nguồn Wall Street Journal/CBS)  
......

Văn minh cái con khỉ!

“Có thể đưa con khỉ ra khỏi khu rừng nhưng không thể đưa khu rừng ra khỏi đầu con khỉ” Văn Lang - (VNTB )| Báo chí chính thống Việt Nam đồng loạt đưa tin, Microsoft công bố khảo sát, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI), nhân ngày quốc tế An toàn Internet. Đứng thứ 5 sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi. Khảo sát được thực hiện nhằm tìm hiểu những trải nghiệm của người dùng đối với 21 rủi ro do các hành vi cư xử không đúng mực gây ra. Tại Việt Nam, có 500 người tham gia khảo sát với tuổi từ 13-74. Báo Tuổi Trẻ Cười trực tuyến ngay lập tức biếm hoạ bằng hình con khỉ, ngồi ghế đá và đang truy cập internet. Làm gợi nhớ đến câu châm biếm trần trụi hơn, ‘có thể đưa con khỉ ra khỏi khu rừng nhưng không thể đưa khu rừng ra khỏi đầu con khỉ.’ Việt Nam, quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet và người dùng mạng xã hội Facebook thuộc top thế giới. Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với văn minh. Youtube Việt Nam là nơi hội tụ đầy đủ thể loại rác rưởi từ giang hồ online, các trò chơi giật gân, kinh dị cho đến những tin tức giả, những video nhảm nhí. Facebook Việt Nam là nơi hội tụ các thể loại ‘trẻ trâu’ và nhiều trong số đó sẵn sàng nhục mạ danh dự, nhân phẩm người khác nếu cần. Những lần trọng tài nước ngoài bị tấn công là một trong số đó. Khi Vịnh Hạ Long được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thế giới mới, đó là chuyện bình thường. Bất kỳ một cuộc bầu chọn online nào Việt Nam cũng đều chắc suất, vì lực lượng ‘vệ binh online’ đầy hung hãn, nhiệt tình. Văn minh mạng Việt Nam càng tồi tệ hơn khi một lực lượng tạm gọi là ‘lực lượng 3 củ, dư luận viên Việt Nam’ thường được dùng để định hướng, dập tắt dư luận. Sau ngày 9-1-2020, Facebook trở thành bãi chiến trường mà đạo đức trở thành đối tượng để tìm và diệt. Ngôn ngữ đầy tục tĩu được phát ra ở nhiều tầng lớp xã hội, ở các độ tuổi khác nhau, nhiều nhất là giới trẻ. Nhóm người này gọi một cụ ông, với số tuổi đảng cao hơn cả người đứng đầu đảng và nhà nước Việt Nam hiện tại bằng ‘thằng, giặc, chó’. Một cô luật sư được đào tạo bởi hệ thống trường luật và cơ sở tư pháp bỏ qua cả nguyên tắc pháp lý cơ bản nhất của luật hiện đại để đòi áp dụng hình phạt phong kiến tàn bạo lên người đáng tuổi cha, ông của cô ta. Sự kiện 9-1-2020 chấn động bởi nó cho thấy cái ác tràn ngập mạng xã hội, luật pháp là tờ giấy vụn, và đạo đức là thứ vứt đi. Rất nhiều người đi từ ngỡ ngàng đến bàng hoàng. “Đây không phải là dân chủ, văn minh. Đây là người ăn thịt người” Ngay cả những người tự cho là ‘đấu tranh dân chủ, nhân quyền’ cũng đôi khi quên đi cách xư xử ‘văn minh.’ Tấn công Facebook người khác chính kiến, ‘khủng bố’ bằng tin nhắn và cuộc gọi điện thoại, chế các hình bôi bác đến mức thô tục những nhân vật thuộc về lịch sử,… Đó là biểu hiện sinh động, trực quan nhất về cái gọi là ‘văn minh’ internet của Việt Nam. Xin đừng bao giờ tự ái khi số lượng người dùng không làm nên bản chất thiện lương, đạo đức, công lý (kết cấu của văn minh) trong cộng đồng internet.  Chừng nào còn cái gọi là ‘công cụ’, khi mạng internet là nơi để bẻ rào cản đạo đức và pháp luật, thì chừng đó đừng mơ về hai chữ ‘văn minh.’ Văn Lang https://vietnamthoibao.org/vntb-van-minh-cai-con-khi/    
......

nCoV có thể lây qua không khí: Một khả năng chưa bị loại trừ

NguyenTrangNhung’s blog| Cho đến nay, các con đường lây truyền được biết của nCoV (có tên chính thức là SARS-CoV-2) là tiếp xúc với các giọt hô hấp có chứa virus từ người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi, và tiếp xúc với các bề mặt có chứa virus, trong đó, con đường thứ nhất được cho là chủ yếu.[1] Các nhà khoa học đang tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu có các con đường khác hay không. Qua một thông báo vào ngày 8/2 vừa qua, một quan chức y tế Trung Quốc cho biết nCoV có thể lây qua không khí.[2] Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật (CDC) Trung Quốc gần như đã điều chỉnh ngay thông báo, rằng nCoV không được biết là một loại virus lây qua con đường này. Nhưng điều chỉnh của CDC Trung Quốc không có nghĩa là nCoV không lây qua không khí. Điều chỉnh này cần được hiểu rằng khoa học không, hay chưa có bằng chứng về việc nCoV lây qua con đường này, và cần có thêm nghiên cứu để khẳng định rằng nCoV có thực sự lây qua không khí hay không. Xét về khả năng, con đường lây qua không khí của nCoV không phải là không thể. Để hiểu điều này, chúng ta hãy xem giải thích của Ian M. Mackay và Katherine Arden, hai nhà khoa học tại Đại học Queensland, Úc, đồng tác giả của bài viết ‘There’s no evidence the new coronavirus spreads through the air – but it’s still possible‘ (‘Không có bằng chứng rằng virus corona mới lây qua không khí – nhưng điều này vẫn có thể‘) trên The Conversation.[3] Đầu tiên, chúng ta cần phân biệt giữa lây qua không khí (airborne spread) và lây qua các giọt hô hấp (droplet spread). Khi chúng ta hắt hơi, ho, hoặc nói chuyện, chúng ta sẽ thở hay hắt ra các hạt với các kích cỡ khác nhau. Các hạt với kích cỡ lớn hơn 5-10 µm rơi xuống đất trong vài giây hoặc rơi xuống các bề mặt nào đó. Các hạt này, được gọi là các giọt hô hấp, hiện được cho là con đường lây truyền chủ yếu của nCoV (như trên đã nêu). Các hạt với kích cỡ nhỏ hơn, trong khi đó, vẫn lơ lửng trong không khí và bay hơi rất nhanh (ít hơn một phần mười giây trong không khí khô). Chúng để lại các hạt (cặn) giống như gel làm từ protein, muối và những thứ khác, bao gồm cả virus. Những thứ còn lại này được gọi là nhân giọt (“droplet nuclei”) mà người có thể hít vào. Chúng tồn tại trong không khí hàng giờ, theo các luồng không khí qua hành lang bệnh viện, trung tâm mua sắm hoặc tòa nhà văn phòng. Để truyền bệnh cho người, các hạt này phải chứa virus, và virus phải có khả năng bám vào màng nhầy của chúng ta – lớp lót mềm của tai, mũi, kết mạc, họng và đường tiêu hóa, và phải có thể xâm nhập vào tế bào của chúng ta và sao chép. Bên cạnh đó, cần có đủ virus để vượt qua các phản ứng miễn dịch sớm của chúng ta nữa. Lây qua không khí, như vậy, phân biệt với lây qua các giọt hô hấp ở kích thước các hạt có chứa virus, thời gian mà các hạt có thể tồn tại trong không khí, và cách thức mà các hạt đi vào cơ thể vật chủ. Lây qua không khí còn được gọi với tên khác là lây qua aerosol, hay lây qua sol khí. Mackay và Arden chắc chắn không phải là những người hiếm hoi trong số các nhà khoa học cho rằng nCoV có thể lây qua không khí, vì những gì mà hai nhà khoa học này hiểu và giải thích trên đây là điều mà nhiều nhà khoa học khác cũng hiểu. Và khả năng nCoV lây qua không khí thậm chí đang được CDC Hoa Kỳ xem xét. Vito Iacoviello, trưởng bộ phận các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Auburn ở Cambridge, Massachusetts, cho biết CDC Hoa Kỳ đang khuyến nghị đưa những người nhiễm Covid-19 vào phòng cách ly không khí (airborne isolaion room). Như Iacoviello nói, điều này cho thấy các quan chức y tế đang chuẩn bị cho khả năng nCoV lây qua không khí.[4] Nếu lây qua không khí thực sự là một con đường, điều này không đáng ngạc nhiên, khi đây là con đường lây truyền của một số virus như MERS-CoV (virus gây bệnh MERS), hay quen thuộc với chúng ta hơn là virus sởi và virus cúm. Dù vậy, theo Mackay và Arden, đây chắc không phải con đường chủ yếu. Tuy nhiên, con đường lây truyền này cũng thành vấn đề vì, như Mackay và Arden viết, nó có nghĩa là virus có thể đi xa hơn. Và bởi thế việc phòng ngừa nCoV sẽ cần có thêm các biện pháp thích hợp, chẳng hạn, cách ly không khí đối với các bệnh nhân nhiễm nCoV, như CDC Hoa Kỳ đã khuyến nghị. Nguyễn Trang Nhung — Chú thích: [1] How COVID-19 spread https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/about/transmission.html [2] Shanghai officials reveal novel coronavirus transmission modes https://www.chinadaily.com.cn/a/202002/08/WS5e3e7d97a310128217275fc3.html [3] There’s no evidence the new coronavirus spreads through the air – but it’s still possible http://theconversation.com/theres-no-evidence-the-new-coronavirus-spreads-through-the-air-but-its-still-possible-131653 [4] How does the new coronavirus spread? These new studies offer clues https://www.vox.com/2020/2/20/21143785/coronavirus-covid-19-spread-transmission-how    
......

"Văn chương hạ giới"

......

Điều gì sẽ đến

Bầu trời Trung cộng đầy quạ đen Sương Quỳnh| Hôm qua xem clip một trưởng thôn ở Hồ Bắc bị cắt cổ vì ngăn không cho dân đi lại, tôi đã viết: không có gì ngạc nhiên. Hàng ngày xem những clip bắt bệnh nhân như tội phạm ở Trung cộng. Bắt người không đeo khẩu trang, xích tay và bắt quỳ như con thú dù họ nói họ không thể mua được khẩu trang. Mặc xác người dân chết trong các bệnh viện dã chiến, tôi biết nhà cầm quyền Bắc Kinh càng hành xử với dân như vậy càng đẩy giờ phút bạo loạn nhanh hơn. Khi đối diện trước cái chết, bản năng sinh tồn con người mạnh hơn bao giờ hết. Khi cái chết ngự trị khắp nơi thì tiền bạc và súng đạn trở nên vô nghĩa. Con người sẽ giãy, đạp, cào cấu, chống trả để sống. Trước bệnh dịch lan tràn kêu gọi sự hy sinh, lòng nhân ái đã là xa xỉ, ngược lại dùng sự đàn áp, tước đoạt mạng sống thì ắt sẽ có sự phản kháng: Tao chết thì mày cũng chết. Đương nhiên bắt đầu từ những kẻ thừa hành cấp thấp sẽ trả giá trước tiên như trưởng thôn bị cắt cổ ở Hồ Bắc. Nhà cầm quyền VN nên nhìn đó mà làm bài học cho mình. Cứ nhìn dân VN mua khẩu trang, đường xá vắng tanh, phản đối cho con cái đi học đủ biết người dân đã tiếp cận thông tin thế nào và phòng thủ ra sao. Họ không như người dân Vũ Hán tin tưởng vào đảng và nhà nước, họ không như dân Vũ Hán bị bưng bít thông tin nên chịu chết và đến khi bừng tỉnh thì đã quá muộn. Hơn lúc nào hết, để không xảy ra thảm cảnh như Vũ Hán hay chống đối từ người dân thì lúc này là lúc biết lắng nghe dân, biết lo cho dân. Chỉ có vậy mới cứu chính mình và cứu nước trước " cuộc chiến tranh VuHanvirut" này. Thế giới sẽ cô lập VN như đang cô lập Trung cộng vì chính sách mở cửa đón người từ Trung cộng sang, y tế yếu kém, kinh tế phụ thuộc. ... Thì lúc này hãy tỉnh táo để đưa ra những quyết sách đúng đắn. Khả năng bầu trời Trung cộng đầy quạ đen là có thật, khói đen thiêu xác mù mịt bầu trời là có thật. Các thành phố và Bắc Kinh bị phong toả vì dịch là có thật. Trung cộng bị thế giới cô lập là có thật, người Tàu đi đâu cũng bị xa lánh và kỳ thị là có thật. Đừng tưởng bở bầu trời các nước đen tối, chỉ bầu trời VN sẽ rực sáng.
......

Kết quả xét nghiệm virus Corona có đáng tin hay không?

Các kỹ thuật viên xét nghiệm COVID-19 tại một phòng thí nghiệm ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc hôm 12 Tháng Hai, 2020. (Hình: STR/AFP/Getty Images) HỒ BẮC, Trung Quốc (Reuters) – Sau khi tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm virus Corona tăng vọt hôm Thứ Tư, 12 Tháng Hai, người ta càng thêm lo ngại về tính chính xác của các xét nghiệm. Reuters cho hay, nhiều câu chuyện ở một số nước cho thấy có người nhận đến sáu kết quả âm tính, nhưng cuối cùng lại được chẩn đoán mắc bệnh. Trong khi đó, các giới chức ở Hồ Bắc, tâm điểm của dịch COVID-19, đã bắt đầu đếm số bệnh nhân bằng cách nhìn vô triệu chứng chứ không dùng xét nghiệm để xác nhận. Kết quả là gần 15,000 ca nhiễm mới được phát hiện chỉ trong một ngày – chiếm một phần tư tổng số ca nhiễm hiện tại trên toàn thế giới. Những xét nghiệm này là như thế nào?  Làm xét nghiệm chủ yếu là tìm ra mã di truyền của virus. Người ta lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân. Sau đó, trong phòng thí nghiệm, mã di truyền của virus (nếu có), được tách ra rồi nhân lên nhiều lần, làm tăng số lượng để dễ phát hiện. Kiểu xét nghiệm này gọi là “RT-PCR,” thường được dùng trong y khoa để chẩn đoán những loại virus như HIV và cảm cúm. “Nhìn chung, kiểu xét nghiệm này rất đáng tin cậy, tỷ lệ sai sót về dương tính lẫn âm tính đều rất thấp,” Tiến Sĩ Nathalie MacDermott thuộc King’s College London cho biết.  Nhưng tình hình hiện nay có vấn đề gì không? Theo kết quả nghiên cứu trên tạp chí Radiology (X-Quang), trong số 167 bệnh nhân, có năm người xét nghiệm âm tính với virus Corona mặc dù kết quả chụp hình phổi cho thấy họ mắc bệnh. Rồi vào một ngày khác sau đó, họ lại xét nghiệm dương tính. Và có nhiều trường hợp tương tự như vậy, như trường hợp của bác sĩ người Trung Quốc Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về virus Corona và cuối cùng thiệt mạng vì nó. Bác Sĩ Lượng từng cho biết, anh đã làm xét nghiệm nhiều lần mà lần nào cũng cho kết quả âm tính, nhưng cuối cùng anh lại được chẩn đoán mắc bệnh. Các ký giả Trung Quốc đã tìm ra được nhiều trường hợp khác, trong đó có người xét nghiệm âm tính sáu lần, nhưng đến lần thứ bảy thì được xác nhận là mắc bệnh. Những trường hợp như vậy cũng xảy ra ở các nước bị nhiễm dịch COVID-19 như Singapore và Thái Lan. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Tiến Sĩ Nancy Messionnier của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC, thừa nhận một số xét nghiệm của CDC đang cho kết quả “không xác định.” Vậy thì chuyện gì đang xảy ra? Có thể kết quả xét nghiệm là chính xác và bệnh nhân không nhiễm virus Corona vào thời điểm làm xét nghiệm. Cũng cần nhớ rằng bây giờ là mùa cảm cúm ở Trung Quốc nên bệnh nhân có thể lẫn lộn những bệnh này với bệnh COVID-19. “Những dấu hiệu ban đầu khi bị nhiễm virus Corona cũng rất giống với những loại virus về hô hấp khác,” Tiến Sĩ MacDermott giải thích. “Có thể lúc đầu xét nghiệm, họ chưa bị nhiễm. Nhưng qua thời gian, họ bắt đầu nhiễm bệnh và sau đó xét nghiệm dương tính với virus Corona.” Một khả năng khác là bệnh nhân thực sự nhiễm virus Corona nhưng vì còn ở giai đoạn quá sớm nên chưa đủ để phát hiện. Thậm chí xét nghiệm RT-PCR giúp tăng số lượng vật liệu di truyền rất nhiều, tuy nhiên, cũng cần có thời gian. “Nhưng xét nghiệm đến sáu lần mà cũng sai thì không hiểu nổi,” Tiến Sĩ MacDermott nói. “Thời dịch Ebola, sau mỗi kết quả âm tính, chúng tôi luôn phải chờ 72 tiếng đồng hồ để cho virus thời gian.” Một giả thuyết khác, có thể cách làm xét nghiệm hiện tại đang có vấn đề. Các bác sĩ thường lấy tăm bông y tế quẹt vô cổ họng bệnh nhân. “Họ chỉ quẹt sơ hay quẹt kỹ?” Tiến Sĩ MacDermott thắc mắc. Và nếu các mẫu bệnh phẩm này không được cất giữ và xử lý đúng cách, thì xét nghiệm có thể không hiệu quả. Ngoài ra, thời gian qua, người ta cũng bàn tán về việc liệu cổ họng có phải là nơi kiểm tra chính xác hay không. Đây là bệnh viêm phổi sâu, chứ không phải viêm mũi hay cổ họng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân ho, thì có lẽ cũng có vài con virus văng lên đến đó nên có thể phát hiện được. Một giả thuyết cuối cùng, xét nghiệm RT-PCR tìm virus Corona hiện nay dựa trên cách làm khoa học sai. Muốn làm ra phương pháp xét nghiệm, trước tiên, các nhà nghiên cứu phải chọn một vùng nào đó trong mã di truyền của virus. Vùng này được gọi là “primer.” Nó sẽ kết hợp với mã di truyền tương ứng của virus rồi giúp làm tăng số lượng. Các nhà khoa học cố chọn vùng nào trong mã di truyền của virus mà họ cho rằng sẽ không biến thể. Nhưng nếu giữa primer và con virus trong bệnh nhân không tương đồng nhiều với nhau, thì bệnh nhân có thể nhận kết quả âm tính dù nhiễm bệnh. Theo Tiến Sĩ MacDermottVào lúc này, không thể biết chính xác nguyên nhân là gì nên chưa thể rút ra kinh nghiệm. “Nhưng vấn đề này cho chúng ta thấy rõ là nếu bệnh nhân tiếp tục phát triệu chứng, thì cần phải xét nghiệm lại.”    
......

Thư gửi Thượng Đế

VietTuSaiGon’s blog – RFA Thưa Ngài, nhân loại chúng con đã sai, đã nhầm đường và đã/đang trả giá cho việc này một cách nặng nề. Lòng nhân từ và đức hiếu sinh của Ngài đã cạn mòn trong cơn cuồng dữ, tham lam vô độ và bất chấp của nhân loại chúng con! Corona Vũ Hán – Trung Hoa, hỏa hoạn Úc châu, Hạn mặn Nam Việt Nam, bệnh lạ Nigeria, dịch tả lợn Phi châu, dịch cúm gia cầm, nước biển dâng, băng tan, trái đất nóng dần, mặt đất nhuộm màu chết chóc và nhiều thứ tai ương rình rập… Chúng con đã thấy và đã nghe ra! Chúng con không dám mong một lần nữa được Ngài ban cho sức mạnh để vượt qua sự trừng phạt của Ngài. Vì chúng con biết, nhân loại đang tự trừng phạt mình, đang tự trả giá cho mọi hành vi man rợ, tàn nhẫn và gian manh của mình chứ không có bất kì hình phạt nào từ Ngài. Chính vì vậy, bây giờ nếu nhân loại gào kêu Thượng Đế nhân từ hãy buông tha cho họ thì cũng vô ích. Bởi dịch họa hay thiên tai không phải do Ngài tạo ra để trừng phạt nhân loại mà do chính nhân loại đang tự tạo ra cái bẫy trừng phạt mình. Nếu như trước đây ngàn năm hay triệu năm gì đó, Ngài đã cố gắng xây dựng giấc mơ của mình bằng một quả địa cầu xanh, trên đó nhân loại và vạn loại quần tụ, sinh sôi nảy nở và sáng tạo trong ánh sáng của Ngài. Thì đến nay, có lẽ Ngài cũng không ngờ được rằng chính nhân loại đang ăn dần ăn mòn mọi thứ chung quanh họ và không dừng ở đó, họ đã cướp bóc, chinh phạt đồng loại, xâm lăng, đấu đá, giết tróc, thậm chí ăn thịt nhau trong hoang tưởng rằng có thể chạm được tay Ngài khi ăn thịt đồng loại của mình và có thể sai khiến được Ngài khi cố gắng giam hãm đồng loại, thâu tóm và biến họ thành những thứ nô lệ trong khu vườn chính trị của mình. Ngài đã thấy tất cả, và nếu có, Ngài cũng đã can thiệp bằng cách này hay cách khác nhưng mọi chuyện có vẻ như không có hiệu quả! Bởi Ngài chỉ ban cho con người lòng yêu thương nơi linh hồn của họ nhưng Ngài cũng không lường được rằng sự thù ghét và lòng đố kị là một thứ đối dấu của lòng yêu thương, chúng luôn phục kích và có thể đánh úp lòng yêu thương bất kể giờ nào. Và rừng cạn kiệt, và những dòng sông trở nên dơ dáy, và biển nhiễm độc, và những thành phố trở thành các ổ chuột khổng lồ, con người tự chui vào cái hang bê tông ám tối của mình và tiếp tục thải ra độc tố bởi ích kỉ, kì thị, gian dối, đố kị và thù hận chồng chất thù hận… Và mặt đất trở nên chết chóc, và núi đồi trở nên trơ trọi, và biển mênh mông bỗng dưng trở thành cái ao có nhiều đường kẻ làm ranh giới sở hữu, và không khí ám ngộn mùi cừu thù, và nguồn nước hiền lành trở thành dòng thuốc độc, và vạn vật trở nên choáng váng, quay cuồng trong cơn chạy loạn, và mọi thứ thân quen trở nên xa lạ, và mọi thứ từ chỗ tin yêu, thuần hậu bỗng chốc trở thành mối hoài nghi và đầy đe dọa… Đây không phải là sự trừng phạt của Ngài, chúng con biết là vậy, đây là sự trừng phạt có nguồn gốc từ sự sai lầm và tàn độc của nhân loại, dịch bệnh do nhân loại tạo ra, thiên tai cũng không còn do “ông trời” tạo ra mà do chính con người đã đan tâm chặt đứt huyết mạch thiên nhiên, đã bức tử những dòng sông, đã cào mòn những ngọn núi. Và giả sử như những con sông là mạch máu của địa cầu do Ngài dày công tạo ra thì chúng con tin rằng địa cầu này đang trong cơn tai biến bởi mọi mạch máu đã đông cứng hoặc xơ vữa hoặc nghẽn mạch. Và giả sử những ngọn núi là xương sườn của địa cầu do Ngài dày công vun nắn thì chúng con tin rằng địa cầu này đã bị tàn phế bởi mọi khúc xương đã bị dập nát hoặc róc thịt. Chúng con đang tự nhận lấy mọi tai họa do chúng con tự gây ra! Lạy Thượng Đế, chúng con không cầu mong Ngài mở rộng lòng yêu thương để cứu giúp chúng con lần nữa bởi trong một nghĩa nào đó, chúng con không xứng đáng để nhận lòng từ ái của Ngài! Nhân loại đã tự phản động nhân loại và tự phản động lại bản thân mình. Bởi nếu con người cần không khí để thở thì cũng chính con người thả khói độc vào không khí, bởi nếu con người cần nước để uống thì cũng chính con người thải độc vào nước, bởi nếu con người cần bóng mát và dưỡng khí từ cây xanh thì cũng chính con người đã tróc nã mọi cây rừng và giết hại muôn thú, bởi nếu con người cần một mặt đất yên bình để sống thì cũng chính con người đã bê tông hóa và chặn đường thở của địa cầu, bởi nếu con người cần thức ăn để tồn tại thì cũng chính con người đã tự biến thức ăn thành thuốc độc, bởi nếu con người cần sự thiện lương để nắm tay nhau đi tới thì cũng chính con người tự gieo rắc thù hận và đối đãi cừu thù với nhau để lùi dần xuống huyệt mộ, bởi nếu con người cần thực hiện những giấc mơ đẹp trong cuộc đời và mơ ước địa cầu xanh vĩnh cửu thì cũng chính con người tự biến chỗ ở của mình thành địa ngục của lòng tham và biến cuộc đời mình thành một cơn ác mộng… Chính nhân loại đã tạo ra tai họa và nhân loại đang đón lấy tai họa này! Nhưng thưa Thượng Đế nhân từ! Xin Ngài hãy một lần nữa đoái hoài đến chúng con, cho chúng con ánh sáng để tỉnh thức, để nhận chân cuộc sống giản dị quanh mình! Để nhân loại còn biết nắm tay nhau mà san sẻ hơi ấm cùng sống sót trong cơn đại họa. Chúng con hiểu được rằng mọi tai họa, nếu nhân loại biết bình tĩnh nắm tay nhau thì câu chuyện không đến nỗi mệt mỏi và đau đớn như hiện tại. Chúng con biết rằng, hiểu rằng lòng tham, tính độc đoán và thứ cơ chế độc tài đã kìm kẹp mọi thứ thuộc về lòng yêu thương, tình lân mẫn và khả năng trắc ẩn cũng như bao dung của nhân loại. Chúng con hiểu đươc rằng tại sao ở những quốc gia độc tài, thế giới thứ ba lại hứng chịu nhiều tai ương hơn các nước tư bản, các nước có tự do. Bởi yêu thương chỉ tồn tại trên mảnh đất tự do. Và chỉ có yêu thương mới giúp cho con người đủ quả cảm để nắm tay nhau chia sẻ mọi tai ương mà không vướng bận đến bất kỳ thứ biên kiến nào trong đời sống hay suy nghĩ. Bởi chỉ có yêu thương mới giúp nhân loại trở nên sáng suốt và thông minh hơn khi đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết, thiên đường và địa ngục, bao dung và ích kỉ, trắc ẩn và trơ lì… Thưa Ngài, chúng con đã thấy! Chúng con cũng thấy con người tự biến mình thành kẻ độc tài ngay trong cả giây phút kêu gọi tự do hay cổ xúy cho yêu thương đồng loại. Bi kịch nằm trong hốc tối linh hồn và sự cố chấp! Chúng con chỉ xin cầu mong Ngài một lần nữa đoái hoài đến chúng con, hãy ban cho chúng con ánh sáng của tự do và yêu thương để chúng con kịp nắm tay nhau mà duy trì những gì còn có thể gọi là “nhân loại” trên mặt đất này. Tai ương liền tai ương, thù hận liền thù hận, bệnh tật liền bệnh tật, thiên tai liền thiên tai, nhân loại đã mệt mỏi và đau đớn, có lẽ, ở một chốn nào đó để quán chiếu nhân loại, Ngài cũng mệt mỏi và đau đớn không kém chúng con. Nhưng chúng con biết kêu gào ai ngoài bàn tay đã lỡ sáng tạo ra nhân loại của Ngài! Chúng con xin Ngài hãy đoái hoài, để chúng con còn biết yêu thương nhau trong cơn bĩ cực tận cùng này! Xin cảm tạ và cầu cứu Ngài dù đã rất muộn màng! VietTuSaiGon’s blog  
......

Ý kiến bác sỹ Bành từ bệnh viện Nam Trung

Khánh An biên dịch -  VNTB| Trong cuộc phỏng vấn với Caixin Global, bác sĩ Bành, giám đốc khoa hồi sức đã thuật lại kinh nghiệm khi chữa trị bệnh nhân nhiễm Virus Corona sau khi nhận thấy khả năng lây lan nguy hiểm và sự cần kíp trong kiểm dịch nghiêm nghặt. Bác sỹ Bành ghi nhận trong khi điều trị rằng trong vòng ba tuần lễ có thể xác định sự sống còn. Người có sức đề kháng tốt sẽ hồi phục trong vòng hai tuần, nhưng trong tuần thứ hai, một số ca sẽ xấu đi. Trong tuần thứ ba, để giữ được mạng sống của các bệnh nhân cấp tính này đòi hỏi phải có sự can thiệp sâu. Đối với nhóm này, tỷ lệ tử vong dường như là 4% – 5%. BS cho biết bệnh viện của ông đã quá tải. Một khi tròng bộ đồ bảo hộ vào, họ làm việc không nghỉ, không cả ăn uống trong suốt một ca trực. Lý do là bởi không có đủ đồ bảo hộ để thay giữa ca. Ca đầu tiên Ca nhiễm virus Corona đầu tiên mà BS Bành gặp là bệnh nhân nam đã nhiễm nặng và khó thở vào ngày 6/1/2020. BS đã cho thiết lập một khu vực điều trị theo tiêu chuẩn điều trị bệnh SARS với 16 giường bệnh. Đến ngày 10/1 có 16 người nhiễm bệnh do bệnh lây lan rất nhanh. Tình hình đã được báo cáo lên trên từ ngày 12/1 nhưng mãi tới 18/1 các tiêu chí chẩn đoán mới được thay đổi. Kể từ ngày 28/1 trong khu vực hồi sức cấp cứu (ICU) của bệnh viện Nam Trung có 40 nhân viên y tế bị lây nhiễm và đây là con số ít hơn rất nhiều so với các bệnh viện khác. Diễn tiến bệnh Với 138 ca điều trị từ ngày 7-28/1, BS Bành rút ra kết luận diễn tiến của bệnh diễn ra trong vòng 3 tuần lễ. Rất nhiều virus sẽ tự chết sau một khoảng thời gian nhất định được gọi điều này là tự giới hạn. Thời gian bùng phát của virus corona là khoảng ba tuần, từ khi xuất hiện các triệu chứng cho đến khó thở. Về cơ bản đi từ các triệu chứng nhẹ đến nặng mất khoảng một tuần. Tất cả các loại triệu chứng nhẹ như: yếu người, khó thở, có thể sốt hoặc không. Dựa trên các nghiên cứu về 138 trường hợp trên, các triệu chứng phổ biến nhất trong giai đoạn đầu là sốt (98,6% trường hợp), yếu (69,6%), ho (59,4%), đau cơ (34,8%), khó thở (31,2%), trong khi còn có các triệu chứng ít gặp hơn như đau đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa. Một số bệnh nhân sang tuần thứ hai sẽ có thể đột nhiên trở nặng. Ở giai đoạn này, mọi người nên đến bệnh viện. Người cao tuổi có thể có biến chứng; một số có thể cần máy hỗ trợ hô hấp. Khi các bộ phận khác trong cơ thể cơ thể bắt đầu bị suy là lúc trở nặng, những người có hệ thống miễn dịch mạnh sẽ bớt dần ở giai đoạn này và dần dần hồi phục. Vì vậy, tuần thứ hai là tuần quyết định liệu bệnh có trở nên nguy kịch hay không. Tuần thứ ba xác định liệu có dẫn đến tử vong hay không. Một số ca nguy kịch được cho tăng mức độ tế bào lympho, một loại bạch cầu và nhận thấy có sự cải thiện trong hệ thống miễn dịch, và có thể nói là đã được hồi phục. Nhưng những người có số lượng tế bào lympho tiếp tục suy giảm, hay có hệ thống miễn dịch bị suy thoái, thì sẽ bị bị suy đa tạng và tử vong. Hầu hết mọi bệnh nhân sẽ qua khỏi sau hai tuần, với những người bệnh trở nặng, nếu họ có thể sống sót sau ba tuần thì họ vẫn ổn còn không thì sẽ chết trong ba tuần này. Tỷ lệ thống kê Theo BS Bành thì căn bệnh này rất dễ lây, nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Những người tiến triển đến giai đoạn đe dọa tính mạng thường là người cao tuổi đã mắc các bệnh mãn tính. Tính đến ngày 28 tháng 1, trong số 138 ca bệnh có , 36 người đã ở ICU (Intensive care unit – khoa hồi sức cấp cứu), 28 người đã hồi phục, năm người chết. Điều đó có nghĩa là, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc các bệnh nặng là 3,6%. Hôm 3 tháng 2, một bệnh nhân khác đã chết, đưa tỷ lệ tử vong lên 4,3%. Với bệnh nhân trong ICU, khả năng tử vong cao nhiều hơn. Tỷ lệ tử vong cũng có khả năng tăng lên nhưng không đáng kể. Những người nhập viện thường là các ca nặng hoặc nguy hiểm tính mạng. Bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà. Nếu một bệnh nhân chuyển biến từ nặng tới nguy hiểm tính mạng sẽ được chuyển đến ICU. Trong số 138 bệnh nhân, 36 người đã được chuyển đến ICU tức 26%. Tỷ lệ tử vong trong các trường hợp nguy hiểm tính mạng là khoảng 15%. Thời gian trung bình để đi từ nhẹ đến nguy hiểm tính mạng là khoảng 10 ngày. Hai mươi tám bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện. Hiện giờ, tỷ lệ phục hồi là 20,3 %. Trong số 138 ca bệnh thì có 12 ca tiếp xúc chợ hải sản Nam Trung; 57 người bị nhiễm bệnh khi đang nhập viện, trong đó có 17 bệnh nhân đã nhập viện ở các khoa khác; và 40 nhân viên y tế (tính đến ngày 28 tháng 1). Điều đó chứng tỏ rằng bệnh viện là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và phải được bảo vệ thích hợp. Virus tấn công ra sao Với bệnh nhân nặng Virus bắt đầu tấn công hệ thống miễn dịch của bệnh nhân làm sụt giảm lượng tế bào lympho, gây tổn thương phổi và khó thở. Nhiều bệnh nhân nặng đã chết vì nghẹt thở. Những người khác chết vì suy tạng do mất hệ thống miễn dịch. Một phần ba bệnh nhân biểu hiện viêm trong toàn bộ cơ thể và không nhất thiết giới hạn ở những người trẻ tuổi. Cơ chế của cytokine là tình trạng viêm toàn thân, dẫn đến suy tạng và tiến nhanh đến giai đoạn cuối. Trong một số trường hợp tiến triển nhanh, từ viêm toàn thân đến giai đoạn đe dọa tính mạng chỉ mất hai đến ba ngày. Hỗ trợ điều trị Đối với những trường hợp nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng, phương pháp chính là cung cấp oxy thật nhiều lớn. Lúc đầu oxy không được bơm bằng máy, sau đó là đặt nội khí quản nếu điều kiện xấu đi. Đối với các trường hợp đe dọa đến tính mạng, thì sử dụng Ecmo (oxy hóa màng ngoài cơ thể hoặc bơm máu của bệnh nhân thông qua máy phổi nhân tạo). Có bốn ca được cứu sống nhờ sử dụng Ecmo. Hiện tại không có thuốc đặc biệt cho virrus corona. Mục đích chính của ICU là giúp bệnh nhân duy trì các chức năng cơ thể. Bệnh nhân khác nhau có các triệu chứng khác nhau. Trong trường hợp khó thở, sẽ được cung cấp oxy; trong trường hợp suy thận được cho lọc máu; trong trường hợp hôn mê sẽ sử dụng Ecmo. Một khi số lượng tế bào lympho tăng lên và hệ thống miễn dịch được cải thiện, virus sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, nếu số lượng tế bào lympho tiếp tục giảm thì rất nguy hiểm vì virus tiếp tục nhân lên. Một khi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị phá hủy thì khó mà cứu được. Lời khuyên Cho đến nay không có loại thuốc nào trị virus corona chủng mới. Một số bệnh nhân có thể phục hồi sau khi dùng một số loại thuốc cùng với điều trị hỗ trợ. Nhưng những trường hợp riêng lẻ như vậy không chỉ ra tác dụng chung của thuốc. Tác dụng thuốc cũng liên quan đến mức độ nặng nhẹ của từng ca và tình trạng sức khỏe cá nhân nên cần phải thận trọng. Cách tiếp cận hiệu quả nhất đối với đại dịch virus là kiểm soát nguồn virus, ngăn chặn sự lây lan và ngăn ngừa lây truyền từ người sang người. Lời khuyên của BS Bành cho bệnh nhân là đến khoa đặc trị các bệnh truyền nhiễm, để phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, kiểm dịch sớm và điều trị sớm. Một khi nó đã trở nặng thì phải nhập viện. Chữa bệnh ở giai đoạn đầu vẫn tốt hơn. Một khi nó đạt đến giai đoạn đe dọa tính mạng thì khó điều trị hơn và đòi hỏi nhiều nguồn lực y tế hơn. Với các ca bị đe dọa đến tính mạng, hãy cố gắng cứu họ bằng các hỗ trợ trong ICU để giảm tỷ lệ tử vong. Nguyên bản Anh ngữ: Reporter’s Notebook: Life and death in a Wuhan coronavirus ICU, The Straits Times, 6/2/2020    
......

Trung Cộng làm hại cả thế giới

Bây giờ không phải chỉ lo mua khẩu trang bịt miệng mà còn phải nhớ rửa tay luôn luôn! Rửa ngay sau khi bắt tay một người quen. Trong hình, một nhân viên cứu hỏa rửa tay tại bệnh viện Princess Margaret ở Hồng Kông hôm Thứ Ba, 4 Tháng Hai, 2020. Hồng Kông là nơi thứ hai bên ngoài Trung Quốc có một người chết vì virus Corona. (Hình: Anthony Wallace/AFP via Getty Images) Ngô Nhân Dụng - Người Việt.com| Trong ba tuần kể từ khi bệnh dịch virus Corona phát hiện, giá dầu thô đã tụt xuống mất một phần năm, 20%. Nhu cầu dầu lửa của Trung Quốc giảm bớt hai triệu thùng một ngày và nhu cầu cả thế giới giảm theo. Ngày Thứ Hai tuần này, giá sắt, thép trên toàn thế giới đi xuống, đồng giảm giá 13%, chỉ vì kinh tế Trung Quốc khựng lại với 56 triệu người bị cô lập hóa trong cơn bệnh dịch virus Corona. Trước khi bệnh nổ ra, kinh tế Trung Quốc đã trì trệ, bây giờ còn tệ hơn, và đang kéo theo cả thế giới! Nếu căn bệnh chỉ tác hại bằng trận dịch SARS năm 2002, 2003, thì Tổng Sản Lượng Nội Địa lục địa Trung Hoa sẽ giảm bớt khoảng 40 tỷ đồng nguyên, gần $6 tỷ, mất 1% GDP. Nhưng trong 17 năm qua kinh tế nước Tàu đã thay đổi, sản lượng đã tăng lên tám lần, từ $1.7 tỷ lên $14 tỷ, theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới. Năm 2003, một người Trung Hoa tạo ra được bình quân $1,500 hàng hóa, năm nay con số thành $9,000. Thời đó dân Tàu chiếm 5.3% tổng số thương mại quốc tế; bây giờ đã lên 12.8%, hơn một phần tám các giao dịch toàn cầu. Trong nội địa, dân Trung Quốc tiêu thụ nhiều hơn, và nợ nần cũng nhiều hơn. Từ vai trò một nước bán quần áo, đồ chơi, giày dép, bây giờ kinh tế Trung Quốc trở thành một trung tâm liên kết với kinh tế toàn thế giới; với vai trò người bán cũng như là người mua trong “chuỗi tiếp liệu toàn cầu.” Các công ty quốc tế cần mua các bộ phận sản xuất ở Trung Quốc, đồng thời cũng tùy thuộc các bạn hàng và người tiêu thụ ở nước Tàu mua hàng của họ. Khi Chuỗi Tiếp Liệu này bị đứt đoạn, thì ảnh hưởng dây chuyền sẽ lan khắp thế giới. Dân Trung Quốc tiêu thụ một phần sáu số hàng Apple bán ra, và 47%, gần một nửa số “chíp” của Qualcomm, trị giá $12 tỷ. Các công ty dược phẩm mua 80% các nguyên liệu chủ yếu ở bên Tàu. Khách hàng của Intel ở trong nước Tàu đóng góp 28% tổng số bán toàn thế giới của công ty, khoảng $20 tỷ.   Các công ty McDonald’s, Ikea, Levi Strauss và Starbucks đã tạm đóng cửa nhiều cửa hàng; Apple đã đóng 42 tiệm trong lục địa. Ford, Toyota, Apple và Tesla đã cho các nhà máy ở nước Tàu ngưng sản xuất. Năm ngoái, General Motors bán xe ở nước Tàu nhiều hơn ở Mỹ, năm nay chính phủ Trung Cộng đang yêu cầu họ cho nhân viên nghỉ Tết thêm một tuần lễ! Các công ty hàng không American, Delta, United, Lufthansa và British Airways, đã hủy các chuyến bay sang Tàu. Cả đến các rạp chiếu bóng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ngày Mùng Một Tết năm ngoái, các rạp thu được 1.45 tỷ đồng nguyên. Năm nay chỉ kiếm được 1.81 triệu, hơn một phần ngàn chút đỉnh! Bảy cuốn phim mới đáng lẽ được đem trình làng vào dịp Tết, nay đã hoãn lại, trong đó có một phim do Củng Lợi đóng vai một huấn luyện viên đội bóng chuyền. Các công ty quốc tế ngày nay phụ thuộc vào “chuỗi tiếp liệu toàn cầu,” phụ thuộc nhiều hơn là chính họ biết. Một công ty sản xuất ở Mỹ hay Mexico phải mua một số bộ phận từ Châu Âu chẳng hạn. Họ có thể nghĩ rằng bệnh dịch ở bên Tàu không ảnh hưởng gì tới họ, Nhưng khi các nhà máy ở bên Tàu đóng cửa, lúc đó mới biết rằng các nhà cung cấp bộ phận ở Châu Âu cũng phải mua một số hàng từ nước Tàu qua để ráp vào thành món hàng họ bán! Các nhà máy dệt ở Bangladesh hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể không ngờ rằng họ tùy thuộc vào một số nhà sản xuất bông, sợi ở bên Tàu. Nhiều khi món hàng do nước Tàu cung cấp chỉ là một bộ phận nhỏ để ráp vào một bộ phận lớn hơn, rồi đem ghép với các món khác sản xuất từ ba, bốn nước nữa. Nhưng bỗng nhiên thiếu một bộ phận nhỏ nào đó cũng làm xáo trộn cả chuỗi dây chuyền tiếp liệu! Năm 2011, trận tsunami tàn phá bờ biển Nhật đã cho nhiều công ty quốc tế một bài học cay đắng. Họ không ngờ chỉ thiếu một bộ phận nhỏ là cả guồng máy sản xuất phải tạm ngưng. Và họ cũng không ngờ chỉ có một nhà sản xuất cung cấp bộ phận đó, nhà máy nằm trong vùng đón bão và tsunami! Ngược lại, khi kinh tế nước Tàu chậm lụt vì bệnh dịch thì nhiều nhà máy ở đó cũng ngưng không mua các chip điện tử của Đài Loan hay Nam Hàn. Không mua đồng từ Chile hoặc Canada, và không đặt mua thêm máy móc của Mỹ, Đức hay Ý. Hiện chưa thể đoán cơn bệnh dịch virus Corona có kéo dài hơn thời gian tám tháng của cơn bệnh dịch SARS trước đây không. Các bác sĩ ở Trung Quốc và ở Mỹ mới khám phá ra loài virus mới này có cả trong phân của các bệnh nhân, tức là có thể truyền theo nhiều đường khác ngoài đường hô hấp. Cơn bệnh dịch càng kéo dài thì chính phủ Trung Cộng càng phải quay trở về với các biện pháp kích thích kinh tế cũ mà họ đang muốn bỏ để canh tân từ cơ cấu. Họ đã bắt đầu bơm thêm tiền qua các ngân hàng thương mại của nhà nước, cho giảm bớt số dự trữ tiền mặt, cắt lãi suất. Họ khuyến khích chính quyền các địa phương vay tiền để xây cất nhiều hơn. Họ sẽ thổi căng phồng thêm trái bom nợ và sẽ gây ra một cơn sốt địa ốc mới; cả hai thứ đang đe dọa nền kinh tế nước Tàu! Bệnh dịch virus Corona cho thấy không một quốc gia nào trên thế giới có thể tự cô lập, tách ra khỏi kinh tế toàn cầu. Không quốc gia nào có thể nghĩ rằng cái gì xấu diễn ra ở nước khác cứ mặc kệ cho họ chịu, mình vẫn bình chân như vại! Đó là một ảo tưởng. Con virus bé li ti đã phá vỡ cái ảo tưởng đó. Chúng ta đang sống trong một thế giới bao nhiêu thứ đang di chuyển, không ngừng, không kể ngày đêm! Trong đó có hàng hóa, có nông sản, khoáng sản, có con người, ý kiến, tư tưởng, và dữ liệu được điện tử hóa. Con virus từ Vũ Hán đã bắt cả loài người ý thức rằng chúng ta đang sống dưới một cái lều chật hẹp ai cũng có thể đụng vào người khác! Một người đau có thể làm nhiều người đau! Vì thế, không thể chấp nhận các chế độ độc tài! Một chế độ kìm kẹp, bưng bít, dối trá, với dân khiến cho cơn bệnh dịch trễ mất mấy tuần lễ mới được kiểm soát. Cả thế giới sẽ cùng gánh chịu hậu quả của chính sách lạc hậu này! Bây giờ không phải chỉ lo mua khẩu trang bịt miệng mà còn phải nhớ rửa tay luôn luôn! Rửa ngay sau khi bắt tay một người quen. Càng cần rửa sau khi bắt tay một người lạ – người từ bất cứ nước nào chớ không phải riêng người Trung Quốc.  
......

Thầy giáo Huế sản xuất nước rửa tay sát khuẩn tặng người dân chống dịch Corona

Tiến Sĩ Đào Anh Quang sản xuất nước rửa tay sát khuẩn khô tại phòng thí nghiệm. (Hình: Bùi Ngọc Long/Thanh Niên) THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Một tiến sĩ trẻ là giảng viên trường Cao Đẳng Công Nghiệp Huế đã cùng với sinh viên tổ chức pha chế dung dịch sát khuẩn tặng miễn phí cho người dân phòng dịch virus Corona (nCoV). Theo báo VNExpress, trước tình trạng các nhà thuốc ở Việt Nam nâng giá dung dịch sát khuẩn phòng dịch nCoV, Tiến Sĩ Đào Anh Quang (37 tuổi), trưởng Khoa Công Nghệ Hóa-Môi Trường, trường Cao Đẳng Công Nghiệp Huế, đã tìm cách pha chế nước rửa tay khô bằng cách sử dụng cồn 96 độ, nước cất, nano bạc và tinh dầu sả, cho vào máy trộn đồng nhất mất khoảng 30-40 phút thì cho ra thành phẩm. Tiến Sĩ Quang cho biết, nhóm sản xuất gồm 20 người, hằng ngày làm ra khoảng 200 lít. Thành phẩm sau đó được anh cùng sinh viên tặng miễn phí cho người dân trước cổng trường. Để có chai đựng dung dịch, nhà trường yêu cầu người dân mang theo hai chai nhựa sạch để đổi lấy hai chai nước sát khuẩn. Hai ngày qua, hàng trăm người dân đã mang theo chai nhựa đến đổi dung dịch. Ngày cao điểm, nhà trường phát miễn phí khoảng 400 lít. “Chúng tôi yêu cầu người dân mang hai chai nhựa sạch là để có chai đựng dung dịch sát khuẩn cho những người đến sau và qua đó bảo vệ môi trường. Người dân rất quan tâm và hưởng ứng,” anh Quang vui vẻ cho biết. “Trong lúc dịch nCoV diễn biến phức tạp, nhà trường sản xuất và tặng dung dịch sát khuẩn phòng dịch cho người dân rất ý nghĩa,” ông Nguyễn Văn Sum (ở phường Phú Cát, TP Huế) cầm các chai nhựa đến đổi dung dịch sát khuẩn về cho gia đình sử dụng, nói. Người dân vui mừng nhận dung dịch sát khuẩn từ trường Cao Đẳng Công Nghiệp Huế. (Hình: Võ Thạnh/VNExpress)  Kể với báo Thanh Niên, Tiến Sĩ Đào Anh Quang cho biết ban đầu từ khoản tiền túi cá nhân, anh sản xuất dung dịch để chung tay cùng cộng đồng trong việc phòng chống dịch nCoV. Ngày 1 Tháng Hai, anh cùng các cộng sự tại Khoa Công Nghệ Hóa-Môi Trường đã bắt tay sản xuất nước rửa tay khô sát khuẩn và đưa thông tin lên mạng xã hội Facebook để người dân đến lấy về sử dụng miễn phí. Trước việc làm ý nghĩa của thầy trò trường Cao Đẳng Công Nghiệp Huế, ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã hỗ trợ cho nhà trường 50 triệu đồng ($2,152) từ nguồn tiền của Quỹ Đầu Tư và Phát Triển tỉnh Thừa Thiên-Huế để mua hai máy trộn dung dịch, đồng thời vận động doanh nghiệp hỗ trợ cho nhà trường 500 chai đựng, với mong muốn sẽ có thêm nhiều người dân được nhận dung dịch miễn phí và hành động đẹp này tiếp tục được lan tỏa. Tương tự, theo báo VTC News trước đó hôm 6 Tháng Hai, Phòng Thí Nghiệm Kỹ Thuật Hóa Học, trường Đại Học Thủy Lợi ở Hà Nội cũng đã chế “Nước rửa tay khô sát khuẩn CE-TLU” sau khi tham khảo công thức của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và thử nghiệm. Sau đó, hơn 1,000 chai nước rửa tay sát khuẩn được đóng trong chai nhỏ 30-50ml và phát miễn phí cho người dân. Theo Thạc Sĩ Lưu Trường Giang, giảng viên môn Kỹ Thuật Hóa Học trường Đại Học Thủy Lợi, cho biết do nhà trường có sẵn phòng thí nghiệm và các dụng cụ thủy tinh sạch nên việc pha chế đạt tiêu chuẩn an toàn, thuận lợi. Tuy nhiên, điều gây trở ngại hiện nay là chi phí sản xuất khá cao do đang trong đợt dịch bệnh  nhiều nơi bán nguyên liệu đã nâng giá bán gây khó khăn cho việc sản xuất. (Tr.N) - https://www.nguoi-viet.com  
......

Sự thật ở Vũ Hán

Nguyễn Quốc Kiên| Dưới áp lực dữ dội từ cộng đồng, nhà cầm quyền Trung Quốc đã buộc phải tăng nhanh số lượng ca nhiễm virus Corona được xác nhận và số ca tử vong ở Vũ Hán. Nhưng tình hình thực sự của đại dịch và tình trạng các bệnh nhân ở Vũ Hán còn tội tệ hơn nhiều so với các báo cáo chính thức. Response Time tờ Nhật báo có trụ sở ở New York đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn và điều tra với các bệnh nhân và gia đình trong trận đại dịch hiện đang tàn phá Trung Quốc. Kết quả cho thấy các bệnh nhân ở Vũ Hán và gia đình họ, hiện đang lâm vào tình cảnh tuyệt vọng do tình trạng lây nhiễm chéo vi rút của Corona chuẩn mới, cùng với sự khủng hoảng do tình trạng phong tỏa thành phố gây ra. Ngày 26/1, nhà cầm quyền Trung Quốc bắt đầu 1 vòng kiểm duyệt mới thêm 1 chiến dịch kéo dài 2 tháng, hòng che giấu tình hình dịch bệnh và bắt giữ các cư dân mạng dám tiết lộ nội tình thực tế bên trong vùng dịch, chính quyền đã đe dọa bắt giữ và kết án những người phát tán các tin đồn về bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới, theo 1 tuyên bố trên mạng xã hội Wechat là 1 thông báo lưu hành nội bộ của Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc và Sở An ninh công cộng. Wechat nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc, đã ngăn chặn bất kỳ thông tin nào về virus Corona không tương thích với các báo cáo chính thức từ phía chính quyền. Wechat thậm chí còn yêu cầu tất cả cư dân mạng đang thông báo kêu gọi sự hỗ trợ trên mạng xã hội này phải xác thực bằng tên thật, nếu không các tin nhắn sẽ bị xóa, đối với đại đa số những người dựa vào các phương tiện truyền thông như Wechat, để có được thông tin ngoài luồng tuyên truyền chính thức của Chính phủ, điều này chẳng khác nào việc tước đi quyền được tiếp cận cuối cùng đối với tình huống trần thuật của dịch bệnh đang hoành hành. Động thái kiểm duyệt này thậm chí còn nguy hiểm hơn cả việc phong tỏa thành phố Vũ Hán, bởi điều đó có nghĩa là nhiều người Trung Quốc đã bị nhiễm virus của Corona chuẩn mới sẽ không chỉ buộc phải ngồi ở nhà chờ chết trong tình cảnh thiếu chăm sóc y tế và thuốc men. Mà thậm chí những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của họ để tự cứu mình cũng có thể bị chính quyền dập tắt. Ngày 28/1 thời điểm trước khi chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh, các nỗ lực dập tắt tự do ngôn luận và Response Time đã phỏng vấn và ghi lại các yêu cầu được trợ giúp của người dân Vũ Hán trên mạng xã hội. Chúng tôi không có lối thoát, trao đổi với Response Time cô Lâm kể về tình huống người mẹ 50 tuổi của cô mắc bệnh viêm phổi do chủng virus Corona mới, cô đã gọi điện cho trung tâm dịch vụ cộng đồng và Ủy ban y tế địa phương nhưng không được trợ giúp, gia đình cô buộc phải trả 1 mức giá khá cao để thuê taxi lậu và phải trải qua rất nhiều khó khăn do thành phố bị phong tỏa và giao thông bị cắt đứt để đưa mẹ cô đến bệnh viện, nhưng hầu hết các bệnh viện mà mẹ cô được đưa đến đều không còn giường bệnh và họ đành phải chở về nhà. Nhiều người đã bị nhiễm bệnh xe cứu thương đã quá tải, cô Lâm nói cho biết, nhiều người chỉ có thể lên mạng cầu cứu hy vọng các phương tiện truyền thông sẽ can thiệp và thu hút sự chú ý của chính quyền. Tôi đã đăng 1 tin nhắn cầu cứu trên Wechat. Tôi đã để lại số điện thoại của mình cô Lâm nói trong sự bất lực chúng tôi không có lối thoát. Tôi cầu xin chính phủ hãy đến bắt tôi nếu điều đó có thể cứu sống cha mẹ. “Tôi cầu xin mọi người hãy bảo ai đó báo cảnh sát cho rằng tôi đang phát tán tin đồn có như thế thì cảnh sát mới đến bắt tôi và chính phủ sẽ lùng sục tìm tôi và như vậy cha mẹ tôi mới có thể được cứu sống, xin hãy cứu cha mẹ tôi” - đây là đoạn chat trên Wechat của cô Lâm người mang bí danh “cây giống ở Taihe 18” hôm 28/1. Ngày 27/1 một cư dân mạng đã sử dụng tên thật để đăng trên Wechat dòng tin như sau: “Sau khi ngủ thiếp đi một lúc tôi cảm thấy hơi sốt trong người có người hàng xóm nào sẵn lòng chia sẻ một ít thuốc men, túi thở oxy và nhiệt kế không, tôi đã gọi 110 số cảnh sát địa phương và họ bảo tôi hãy gọi đến trung tâm dịch vụ cộng đồng. Tôi gọi 120 số khẩn cấp để kết nối đến 1 bệnh viện, trung tâm dịch vụ cộng đồng cũng đã báo cáo tình hình của tôi tôi không còn lối thoát. Tôi chỉ có thể chờ bệnh viện đến đưa tôi đi, chứ tôi không thể ra khỏi giường bây giờ. Hy vọng bất cứ ai nghĩ rằng tôi đang phát tán tin đồn có thể nhanh chóng báo cảnh sát để chính quyền trung ương đến bắt tôi”. Hồi 4h11 phút chiều ngày 27/1, tại Vũ Hán một cư dân mạng khác đang xếp hàng chờ khám tại bệnh viện, đã đăng trên mạng dòng trạng thái như sau: “Sau khi xe cấp cứu đưa đến Bệnh viện, cha tôi chỉ được đặt nằm trên mặt đất ông sắp chết. Tôi không biết giờ ai có thể cứu ông” 3 tiếng rưỡi sau anh này tiếp tục đăng dòng trạng thái “2 chiếc xe mà tôi nhìn thấy nhiều nhất hôm nay 1 chiếc màu đen còn chiếc kia màu trắng, cha tôi đang ngồi ở lối đi, tôi không biết ông có thể cầm cự được bao lâu”. Sau đó anh đã viết dòng chữ này trong nỗi tuyệt vọng: “Tôi cầu xin mọi người bảo ai đó hãy báo cảnh sát cho rằng tôi đang phát tán tin đồn, tôi cầu xin cảnh sát và chính quyền đến lùng bắt tôi, chỉ khi đó cha tôi mới có thể được cứu, tôi có cung cấp chi tiết địa chỉ của tôi trên Wechat. Mọi người xin hãy cứu cha tôi. Chúng tôi chỉ có thể ngồi nhà chờ chết”. Cô Hồ một giáo viên tại thành phố Hàng Châu đã trở về Vũ Hán năm này để ăn Tết với cha mẹ, tuy nhiên cô không bao giờ ngờ được rằng diệt virus Vũ Hán mà Chính phủ đã mô tả là có thể phòng ngừa được, có thể kiểm soát được và có thể chữa trị được lại biến thành một thảm họa tử thần tước đoạt đi tính mạng của rất nhiều người chỉ trong nháy mắt như vậy. Xát muối thêm vào nỗi tuyệt vọng của cô, cha cô đã bị nhiễm virus Corona trong bệnh viện nhưng không có nơi nào để điều trị và hầu hết những người trưởng thành trong gia đình cô hiện đang bị nghi nhiễm. Gia đình cô không thể làm gì hơn ngoài việc ngồi nhà chờ chết. Cô đã viết trong một bài đăng yêu cầu sự trợ giúp trên tài khoản Weibo của mình “Chiều ngày 27/1, cha tôi được chẩn đoán mắc chủng virus Corona chuẩn mới, nhưng bây giờ cha tôi ở nhà và không có ai chăm sóc ông. Hiện tôi đã bị sốt trong 3 ngày, mẹ tôi cũng bị sốt và chị dâu của tôi cũng vậy. Chúng tôi không có ai chăm sóc, chúng tôi không thể ra ngoài vì lệnh giới nghiêm, chúng tôi chỉ có thể ngồi ở nhà chờ chết mà thôi”. Trên thực tế gia đình cô Hồ không phải là trường hợp cá biệt, rất nhiều gia đình ở Vũ Hán cũng đang lâm vào tình cảnh tuyệt vọng tương tự về cơ bản được chính quyền yêu cầu ngồi ở nhà và chờ chết. Theo Đại Kỷ Nguyên  
......

Các chương trình học ở nước ngoài bị hủy vì virus corona

Cổng chính trường đại học Duke ở Durham, North Carolina. (ảnh chụp ngày 28/1/1019) Trường hợp tác với trường đại học Vũ Hán để mở một chi nhánh tại Kunshan. AP - VOA| Giữa những lo ngại về việc bùng phát virus tại Trung Quốc lan rộng, các trường đại học đang vội vã đánh giá những rủi ro đối với chương trình của họ, và một số trường đã hủy các cơ hội học tập tại nước ngoài trong khi chuyện cấm du hành đã ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn sinh viên. Từ châu Âu đến Australia và Hoa Kỳ, các trường đại học tại những nước có sinh viên Trung Quốc đã duyệt xét lại các chuyến đi qua Trung Quốc hoặc từ Trung Quốc sang liên quan đến học tập-giảng dạy. Tại Mỹ, việc này làm tăng thêm căng thẳng giữa hai chính phủ mà mối quan hệ vốn đã xấu đi. Lo sợ virus đã gây nên những thiệt hại lâu dài đối với những chương trình trao đổi sinh viên đang ngày càng tăng và đã đạt được đỉnh cao mới trong một thập niên rưỡi qua, các chuyên gia nói. Việc hạn chế đi lại cũng làm phức tạp thêm kế hoạch họp hội nghị và những sinh hoạt đại học khác tại Mỹ mà các học giả Trung Quốc có thể tham dự. Sau khi các giới chức Mỹ khuyến cáo hủy bỏ những chuyến đi không cần thiết đến Trung Quốc, nhiều trường đại học đã hạn chế đi đến nước này, trong đó có trường đại học Duke, hiện có một chi nhánh tại Trung Quốc trong khuôn khổ đối tác với Trường đại học Vũ Hán là thành phố trung tâm của vụ bùng phát dịch bệnh. Trường đại học Duke Kunshan đóng cửa chi nhánh tại Kunshan đối với những nhân viên không cần thiết cho đến ngày 24/2. Trường cũng giúp sinh viên mới đây đệ đơn xin cư trú tại Trung Quốc có được hộ chiếu do các giới chức địa phương cấp để họ có thể trở về nhà và bắt đầu phát triển kế hoạch học trên mạng. Hai trong số 12 ca lây nhiễm virus corona tại Mỹ có liên hệ đến trường đại học. Một chẩn đoán được xác nhận tại Trường đại học Tiểu bang Arizona và một ca khác tại Trường đại học Massachusetts ở Boston, theo đó sinh viên bị lây nhiễm vừa mới đến Vũ Hán. Virus làm gián đoạn chưa từng có trước đây các mối quan hệ học thuật giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông Brad Farnsworth, phó chủ tịch về giao dịch toàn cầu của Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ, nhận xét. Ông nhớ lại cuộc khủng hoảng SARS vào năm 2002 và 2003, khi triệu chứng hô hấp cấp tính trầm trọng xuất phát từ Trung Quốc đã làm gần 800 người thiệt mạng. “Toàn thể mối quan hệ cao học chưa bao giờ phức tạp như lúc này,” ông Farnsworth nói. “Càng ngày chúng ta càng có nhiều sinh viên qua lại cả hai hướng.” Nhiều sự hợp tác về học thuật có thể phải điều chỉnh lại nếu cuộc khủng hoảng tiến triển nhanh chóng, nhưng kéo dài càng lâu thì thiệt hại càng sâu rộng, ông nói. Trung Quốc gởi nhiều sinh viên đến Mỹ hơn bất cứ nước nào khác—hơn 369.000 người trong niên khoá trước, theo Viện Giáo dục Quốc tế. Hoa Kỳ gởi hơn 11.000 sinh viên đến Trung Quốc hàng năm. Mới đây, mối quan hệ trở nên căng thẳng vì những khó khăn về visa, tranh chấp thương mại và những quan ngại của Mỹ về an ninh do các sinh viên Trung Quốc gây ra. Tổng lãnh sự Trung Quốc tại New York, ông Huang Ping, tại một cuộc họp báo ngày 4/2 nói các sinh viên từ tỉnh Hồ Bắc trở về, là tỉnh có thành phố Vũ Hán, nên trình diện các giới chức y tế để được theo dõi. Ông thúc đẩy cộng đồng quốc tế cùng nhau làm việc để chống căn bệnh này. Ông nói “Virus là kẻ thù, chớ không phải người Trung Quốc.” Tại Đức, Đại học Berlin Tự do và Viện Công nghệ Berlin đều nói không cho phép những chuyến viếng thăm từ Trung Quốc đến hay chấp thuận những chuyến đi đến Trung Quốc cho đến khi được thông báo. Trường đại học Paderborn cho biết đang xét lại bất cứ kế hoạch nào của sinh viên hay nghiên cứu sinh tiến sĩ đến Trung Quốc. Phát ngôn viên Trường đại học Silesian, nước Cộng hòa Czech, nói trường hoãn lại những chương trình trao đổi sinh viên đối với 38 sinh viên Trung Quốc. Một vài trường khác đưa ra những hủy bỏ tương tự, nhưng Trường đại học Masaryk tại thành phố Brno của Cộng hòa Czech, cho biết sẵn sàng nhận 24 sinh viên từ Trung Quốc trong hai tuần nữa. Hàng chục ngàn sinh viên Trung Quốc ghi danh vào các trường đại học Australia bị kẹt tại nước họ. Trường đại học Monash đã kéo dài kỳ nghỉ hè để cho sinh viên và nhân viên của trường có nhiều thời gian để trở lại. Các lớp học dự trù bắt đầu vào ngày 2/3. Hầu hết sinh viên Trung Quốc học tại Mỹ đã nhập học khi khủng hoảng corona bùng phát, nhưng lo ngại về bệnh dịch đã khiến cho nhiều trường bỏ kế hoạch đưa sinh viên Mỹ đến Trung Quốc cho học kỳ tới. Tại Trường đại học Arkansas, nơi Trung Quốc là điểm đến được ưa chuộng để theo học, đặc biệt là những sinh viên ngành kinh doanh, có khoảng 60 sinh viên đã có kế hoạch đến Trung Quốc bắt đầu vào tháng 5 nhưng chương trình của họ bị hủy. Trường đại học quyết định việc này cách đây một tuần, trước khi sinh viên cam kết về tài chánh, và trường đã làm việc để dàn xếp những cơ hội đối với những phần khác của thế giới cho những sinh viên bị ảnh hưởng, bà Sarah Malloy giám đốc chương trình học tại nước ngoài và trao đổi quốc tế nói. Những lo ngại về virus cũng làm thay đổi sinh hoạt tại trường đại học, trong đó có việc hủy bỏ lễ hội Tết Nguyên đán tại Trường đại học Akron và Trường đại học Arizona. Tuy nhiên nhiều trường đại học cho biết họ nhấn mạnh đến những phương pháp cẩn thận như rửa tay thường xuyên. Ông Andrew Thomas, Phụ trách y tế tại trung tâm Y khoa Mexner, Trường đại học Tiểu bang Ohio, nói trường đang theo dõi tình hình nhưng cố không quá mức để không gây nên lo ngại và sợ hãi thêm, ngoài việc bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Trường đại học Illinois ở Urbana-Champaign, có khoảng 5.500 sinh viên Trung Quốc theo học, nói một số sinh viên từ Vũ Hán trở về nhà nghỉ đông đã chọn cách tự cô lập hay đeo khẩu trang đi học để bảo vệ các sinh viên khác. Một vài định chế yêu cầu sinh viên trở về từ Trung Quốc tự cô lập trong hai tuần. Tại Trường đại học Northeastern, sinh viên cao học Lele Luan nói dù một số sinh viên Trung Quốc đồng học đã đeo khẩu trang trong trường ở Boston nhưng anh thấy không cần thiết. Tại Trường đại học California, Berkley, Trung tâm Tang chuyên lo về dịch vụ y tế hồi tuần trước đã cố chia sẻ những chỉ dẫn về cách xử lý những lo âu về virus. Tuy nhiên, Trung tâm gặp phản ứng ngược khi cho rằng tình trạng sợ hãi và “sợ giao tiếp với những người có thể đến từ Á châu” là “những phản ứng bình thường.” Người Mỹ gốc châu Á nhanh chóng bày tỏ giận dữ trên truyền thông xã hội, khiến Trung tâm xin lỗi về “bất cứ sự hiểu lầm nào có thể gây ra” và thay đổi cách dùng từ ngữ.”  
......

Bức thư đau lòng từ Vũ Hán

Nguyễn Văn Hùng BỨC THƯ ĐAU LÒNG TỪ VŨ HÁN  CỦA LINH MỤC SƠN NHÂN, CHƯNG NHÂN TẠI CHỖ Bút hiệu Sơn Nhân Linh Mục (Shan Ren Shen Fu) là cuả một vị linh mục ‘chui’ tại Trung Hoa. Vào ngày 1 Tết ngài về quê với cha mẹ ở vùng Vũ hán và còn bị mắc kẹt ở đó. Những gì ‘mắt thấy tai nghe’ ở Trung Hoa thì thật là đau lòng, những người từ Vũ Hán bị các nơi khác xua đuổi như ‘loài chuột cống’, còn ngay tại Vũ Hán, hàng xóm lấy gỗ bịt cửa không cho người nhà có bệnh đi ra ngoài. Một nền văn hoá tàn bạo từ một chế độ Vô Thần đang để lộ khuôn mặt thật sự ghê tởm cuả nó ra!   Sau đây là bức thư cuả LM Sơn Nhân: Bắc Kinh (AsiaNews) - Vào buổi chiều trước giao thừa [24 tháng 1] Tôi nhận được chỉ thị (từ ĐGM) hủy bỏ các Thánh lễ ngày Tết. Mới hai ngày trước đây, tôi đã gửi thông báo về chương trình năm mới cho những đêm 24, ngày 25 và ngày Chúa Nhật và tôi dự định về quê ngay sau thánh lễ Chúa Nhật. "Trở về nhà sau đêm giao thừa" đã trở thành một tập quán cuả tôi. Nhưng bây giờ vì chương trình Tết bị hủy bỏ rồi, tôi quyết định về nhà sớm hơn, vào ngày 25 tháng 1 ngay sau khi ăn giao thừa với các tín hữu xong. "Về nhà" đã trở thành một quyết định khó khăn trong năm nay. Trước Tết tôi nhiều lần nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại và ông bà luôn luôn hỏi tôi khi nào thì về. Nhưng lúc đó chúng tôi chưa biết về nạn dịch Coronavirus của Vũ Hán. Khi tôi phát hiện ra, dịch bệnh đã lan tràn khắp Trung Quốc rồi. Tôi đã đảm bảo với bố mẹ rằng tôi sẽ về vào ngày 26 tháng 1 và tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi lại về trước một ngày như thế này. Bố mẹ tôi hoàn toàn không biết gì cả. Hầu hết các linh mục anh em cuả tôi cũng thế, họ chưa bao giờ được đón giao thừa ở quê nhà; họ cũng trở lại ngày hôm sau Chúng tôi thường xuyên thảo luận với nhau về việc có nên về quê trong năm nay không. Mọi người đều nghĩ đó là một hành động vô trách nhiệm. Nhưng tôi đã quyết định về sớm hơn, và Chúa đã an bài cho tôi và làm cho chuyến đi được xuông sẻ. Tôi về đến làng vào lúc đang mưa. Nhiều rào chắn đã được lắp đặt, nhưng may mắn thay, làng của tôi đã không ủi đất để đào rãnh, cũng không đắp mô để chặn đường. Nền văn minh ở đây không được xây dựng một sớm một chiều, nhưng nhờ đức tin mà đạt được tiến bộ, cho nên họ đã không áp dụng những phương sách "bạo lực đơn giản" đang được lưu hành trên internet. Các buổi lễ cuả làng bị hủy bỏ. Không có ai đi thăm họ hàng, cũng không có những đứa trẻ len lén đốt pháo: cả làng chìm đắm trong một sự im lặng kỳ diệu. Mọi người ở trong nhà ăn uống, xem TV, nói chuyện điện thoại di động, ngủ. Chắc chắn có nhiều bô lão đã cầu nguyện và đọc kinh Mân côi. Tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng đã chiếm giữ tâm trí của mọi người. Trên internet, tôi không chỉ xem các bản cập nhật mới nhất về dịch bệnh và các khu vực dịch mới, mà tôi còn phát hiện ra một số tình cảm của con người xuất hiện trong xã hội. Thị trưởng Vũ Hán cho biết, 5 triệu người đã rời thành phố, một số người trở về quê, một số khác dự định lánh mặt lâu hơn và đang tạm trú trong những khách sạn. Rõ ràng là vì có sự lo sợ liên quan đến việc truyền virut, mọi người đã công khai khủng bố các công dân đến từ Vũ Hán. Những người nghèo này hiện đang bị mọi người xua đuổi trên đường phố như loài chuột cống! Tuy nhiên, cũng có nhiều người qua internet, đã mời tất cả bạn bè từ Vũ Hán, đang bị xua đuổi hoặc mắc kẹt, về nhà mình. Trong cuộc sống luôn có hai loại người khác nhau và vì vậy thường xuất hiện hai loại ý kiến khác nhau: những người thiên về tình yêu, ôm ấp cuộc sống với một trái tim rộng mở và tình cảm; và những người thiên về hận thù, từ chối thế giới xung quanh với một trái tim lạnh lùng. Tự bảo vệ và tự cô lập chắc chắn là nhiệm vụ của chúng ta, nhưng nếu tất cả chúng ta phớt lờ nhân loại, đạo đức và thậm chí phớt lờ cả những luật lệ để ngăn chặn "virus", thì ngay cả những người lành mạnh sống ở những nơi an toàn cũng có thể trở thành một quái thú. Tình yêu và thù hận đối với người nhiễm bệnh Hiện tại, nhựng người nhiễm bệnh phải tự cách ly mình để không lây nhiễm cho người khác. Thật không may, trên internet chúng ta thấy nhiều hành động hung hăng: có những bệnh nhân kinh hoàng xé rách bộ đồ bảo hộ và mặt nạ cuả các y tá, hét vào mặt bác sĩ và y tá: Tại chúng mày bảo vệ làm gì? Nếu chúng ta chết, chúng ta phải chết chung... Sau đó thì, rào cản dựng lên khắp nơi: người ta đóng dấu đỏ khắp nơi; người ta vác kiếm đi tuần; người ta đặt biểu ngữ trước nhà của người khác; một số người thậm chí còn đóng ván gỗ để chặn lối ra vào của hàng xóm. Đối với nhiều người, những bệnh nhân của Vũ Hán không còn là người nữa, nhưng đồng nghĩa với virus. Thật là đau lòng, bởi vì ngay cả Chúa tuy Ngài ghét tội, nhưng vẫn yêu thương mọi người. Tôi luôn muốn ôm lấy một tội nhân với một tấm lòng thương xót như vậy, Tình hình hiện nay là thế này: tất cả những người ở ngoài Vũ Hán hô lên: Cố lên Vũ Hán! Nhưng nếu họ có một người bạn đến từ Vũ Hán, họ nói với những người này: Không chỉ bạn lây bệnh cho người khác, mà bạn còn có nguy cơ bị hành hung! Nếu quan hệ giữa mọi người tiếp tục theo cách này vì dịch bệnh, chắc chắn sự khác biệt về mặt xã hội sẽ trở thành lớn hơn. May mắn thay, sau khi làng tôi bị đóng cửa, không ai có thể rời khỏi nhà, và với mặt nạ, bạn không có thể hát hay nói. Trong im lặng, mọi người ít nhất có thể suy tư. Các tín hữu bắt đầu cầu nguyện cho dịch bệnh, họ tự tổ chức ăn chay. Chị dâu tôi cũng tham gia, và nhịn ăn sáng! Điều chúng ta thực sự thiếu ở Trung Quốc là việc tự phê bình: mọi người đều khóc và tuyệt vọng khi một thảm họa xảy ra, nhưng ngay khi thảm họa kết thúc, mọi thứ trở lại như trước. Vào năm 2002-2003, 17 năm trước, có Sars, ngày nay là Coronavirus. Cả hai sự kiện đều liên quan đến động vật hoang dã. Con dơi là một động vật hoang dã, vẻ ngoài của nó giống như một hiệp sĩ áo đen (một số người cho rằng con dơi là sự xuất hiện của Satan). Bây giờ thì, không thể tưởng tượng rằng bạn có thể ăn một thứ như vậy! Một người bạn của tôi đã xem một đoạn video trong đó một người đàn ông ăn một con dơi, và ngay lập tức ném bát của mình đi và nói: thật kinh khủng! Trước khi dịch bệnh lan tràn, Cha Giáo của tôi đã gửi cho tôi một phản ánh. Thành thật mà nói, tôi không muốn nghĩ rằng căn bệnh này là hậu quả cuả sự đàn áp tôn giáo (ở Trung Quốc,) nhưng nghĩ đi nghĩ lại, những lời của ngài cũng không là quá đáng. “Cứ nghĩ về ngày 24 tháng 12, ngày Giáng Sinh một tháng trước: người Trung Quốc chúng ta khẳng định chắc chắn rằng chúng ta phải tẩy chay các ngày lễ ngoại lai, chúng ta cấm Giáng sinh, yêu đất nước và ủng hộ các ngày lễ quốc gia. Chúng ta đã tự tát vào mặt mình, vì chỉ một tháng sau, một thảm họa đã xảy ra vào ngày 24 tháng 1. Trước một tình hình khó khăn như ngày hôm nay, tôi thực sự có cả ngàn suy nghĩ: chúng tôi đã từ chối sự bình an mà Chúa ban cho chúng tôi một cách nhưng không, và bây giờ thì tất cả chúng tôi chỉ muốn có sự an bình, nhưng chi phí rất cao. Chúng ta phải kính sợ Thiên Chúa, xin cầu nguyện cho người Trung Quốc! Chúng tôi cầu xin lòng thương xót bao la của Chúa để mọi thứ sẽ sớm được vãn hồi! ". Tại buổi đọc kinh Truyền Tin vào ngày 26 tháng 1, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến dịch bệnh Trung Quốc, và mời các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới cầu nguyện cho Trung Quốc. Con người có thể sai lầm và phạm lỗi, nhưng Chúa thì vĩ đại và nhân hậu. Thiên Chúa không bao giờ bỏ qua một trái tim hối cải và khiêm tốn. Ngày nay, các Kitô hữu phải cầu nguyện chân thành, vì đất nước chúng ta thực sự cần sự giúp đỡ của Chúa. Shan Ren Shen Fu (山人 神父)  
......

Làm sao để tránh bị lây nhiễm virus Corona?

Nhân viên y tế và người bệnh ở thành phố Vũ Hán. (Hình: Chinatopix via AP) (V.Giang) - Người Việt| Trong hoàn cảnh virus Corona đang lan tràn khắp nơi ở Trung Quốc và ra cả thế giới, việc làm thế nào để giảm nguy cơ lây bệnh hiện là sự quan tâm của nhiều người. Trong một bài viết đăng tải trên Foreign Policy, bà Laurie Garrett, một nhà báo và cũng là một tác giả viết sách, chuyên về các đề tài khoa học, người từng đoạt giải báo chí cao quý Pulitzer Prize năm 1996 về loạt bài liên quan đến bệnh dịch do virus Ebola gây ra ở Zaire, đã có 10 lời khuyên có thể giúp những người khác có thể bảo vệ không để lây virus Corona. Những lời khuyên này chính là sự đúc kết những kinh nghiệm của bà, có được khi hành nghề báo chí ở khắp nơi trên thế giới, nhất là đi khắp lục địa Trung Quốc và Hồng Kông trong thời gian có bệnh SARS trước đây. Dưới đây là 10 lời khuyên của bà Garrett: 1-Khi bạn ra khỏi nhà, nên đeo găng tay. Găng tay mỏng cho nơi ấm áp, găng tay dầy nơi có mùa Đông lạnh giá. Và đeo găng khi ra đường, ở trạm xe điện ngầm, ở trên xe buýt, ở các nơi công cộng. 2-Trong các cuộc gặp mặt, nơi bạn phải tháo găng tay của mình, như để bắt tay hoặc ăn uống, thì chớ bao giờ đưa tay sờ vào mặt hay mắt, cho dù là bạn cảm thấy ngứa ngáy như thế nào. Nhớ là chớ đưa tay lên sờ, đụng chạm vào mặt của mình. Và trước khi bạn đeo găng tay trở lại, nhớ rửa tay cho thật sạch bằng xà bông và nước ấm, cọ rửa kỹ càng các ngón tay. Rồi sau đó đeo găng vào. 3-Thay găng tay mỗi ngày. Nếu dùng lại thì phải giặt kỹ càng. Và tránh không bao giờ đeo găng tay ẩm. 4-Khẩu trang thường là vô dụng khi đeo ngoài đường và ngay cả khi ở trong nhà cũng không có hiệu quả gì nhiều. Phần lớn khẩu trang coi như hết xài được chỉ sau một hoặc hai lần sử dụng. Tiếp tục sử dụng cùng một khẩu trang từ ngày này sang ngày nọ còn tệ hại hơn là không dùng, vì những chất từ mũi, miệng của bạn sẽ bám vào vành bên trong khẩu trang, thu hút vi khuẩn. Giữ khoảng cách xa chừng 0.5 m khi tiếp xúc với cá nhân. (Hình minh họa: Getty Images) Bà Garrett nói bà rất hiếm khi đeo khẩu trang khi đến nơi có dịch bệnh, và trong đời làm việc bà đã đến khoảng hơn 30 nơi có dịch bệnh. Thay vì đeo khẩu trang, bà đề nghị tránh xa đám đông. Giữ khoảng cách xa chừng 0.5 m khi tiếp xúc với cá nhân. Nếu thấy người khác ho hoặc hắt hơi thì đề nghị họ đeo khẩu trang, để khỏi bắn các dung dịch vào người khác. Nếu người này từ chối không làm điều đó thì đứng tránh xa họ khoảng 1 m. Chớ bắt tay hoặc ôm lấy người khác. Hãy lịch sự nói rằng trong thời gian có nguy cơ dịch, tốt nhất là không đến quá gần nhau. 5-Trong nhà bạn, hãy lấy xuống các khăn trong phòng tắm và nhà bếp, và thay bằng các tấm khăn mới, có tên của từng người trong gia đình. Yêu cầu người nào dùng khăn có tên của người đó, và không dùng khăn của người khác. Nhớ giặt khăn mỗi tuần hai lần. 6-Phải cẩn thận khi sờ vào nắm cửa. Nếu có thể được thì dùng cùi chỏ hoặc vai để mở hoặc đóng cửa. Đeo găng tay khi vặn nắm cửa, hoặc nhớ rửa tay sau khi sờ vào nắm cửa. Nếu có người trong nhà bị bệnh thì nhớ chùi các nắm cửa thường xuyên. Cũng cần có sự cẩn thận như vậy đối với những vật thường phải sờ vào, kể thành cầu thang. Nếu phải sờ vào các món của người khác, như điện thoại, bàn phím máy điện toán, nhớ đừng cho tay lên mặt và nhớ phải rửa tay ngay sau đó. 7-Nếu ăn chung với người khác, đừng dùng đũa của riêng mình gắp vào đĩa thức ăn chung. Và dĩ nhiên là cũng không uống chung ly với ai khác. 8-Không mua, giết thịt hay ăn thịt cá tươi, cho đến khi biết được rằng bệnh dịch xuất phát từ loại động vật nào. 9-Nếu điều kiện thời tiết cho phép, hãy mở cửa sổ nhà bạn cho không khí bên trong thoát ra. Virus không sống được ở nơi có không khí đối lưu. 10-Nếu bạn thăm viếng người thân hay bạn bè đang bị sốt, nhớ đeo khẩu trang khi đến gần, và nếu được cũng đặt khẩu trang lên mặt người bệnh kia. Khi thay khẩu trang đã dùng rồi, hãy luôn nghĩ là có thể khẩu trang đã dính phải virus để bỏ vào nơi an toàn, đừng vứt vương vãi. Khi bạn trông nom người bệnh, nhớ mặc quần áo dài tay. Chùi rửa những nơi người bệnh đã sờ vào bằng nước ấm pha xà bông. https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/lam-sao-de-tranh-bi-lay-nhiem-virus-corona/  
......

100 năm dịch cúm lớn nhất lịch sử nhân loại: Một con chim đậu xuống cửa sông mở đầu đại dịch giết chết 50 triệu người

Tháng 9 năm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất đang đi đến hồi kết thúc. Ở Manchester, một hàng dài binh sĩ và những nữ công nhân đổ ra hai bên đường để chào đón thủ tướng Lloyd George, nhà lãnh đạo chiến tranh của họ. Giữa dòng người xếp dọc từ nhà ga xe lửa Piccadilly đến tận quảng trường Albert, không điều gì ngăn nổi niềm hạnh phúc của George, đặc biệt là khi quân Đồng Minh vẫn gửi tin thắng trận về liên tục. Thế nhưng, ngay tối hôm đó trở về tòa thị chính, vị thủ tướng Anh thấy đau họng, ông sốt và nằm liệt. Suốt 10 ngày sau, George yếu đến mức không thể đi lại và phải đeo ống thở. Báo chí Anh khi đó giấu nhẹm bệnh tình của thủ tướng, lo ngại quân Đức có thể lợi dụng tin tức để tuyên truyền đảo chính. Chỉ những người thân cận nhất với George biết rằng ông ốm rất nặng. Vị thủ tướng Anh sau đó được cứu sống, nhưng nhiều người dân của ông thì không may mắn như vậy. Bên ngoài tòa thị chính Manchester, dịch cúm Tây Ban Nha giết chết 150 người trong thành phố chỉ sau 1 tuần bùng phát. Trên khắp 95 thành phố của Anh và xứ Wales, mức độ tử vong tương tự cũng được ghi nhận. Tổng cộng 7,740 người thiệt mạng chỉ trong tuần đầu tháng 11. Có nhiều hơn những bông hoa, nhiều hơn những nấm mộ mọc lên bên cạnh những thanh niên Anh nằm xuống bởi họng súng Đức. Vào thời điểm mà dịch cúm Tây Ban Nha tấn công thành phố Manchester, Ada Darwin khi đó mới 7 tuổi. Cô bé sống với bố mẹ và 5 người anh chị em ruột trong một ngôi nhà ở quận Greenheys. "Hôm đó là chủ nhật, ngày 17 tháng 11, tôi được mẹ bế lên giường nằm", Ada kể. "Tôi nhớ đầu mình rất đau nên tôi bảo mẹ đừng để Norah nói luyên thuyên nữa, chị ấy làm tôi đau đầu". Trên thực tế, đau đầu và sốt là một trong những triệu chứng đầu tiên của cúm Tây Ban Nha. Ada đã nhiễm bệnh, theo sau đó là mẹ của cô, Jane Berry 34 tuổi, em gái cô Edith mới 2 tháng tuổi, kế đến là anh trai Frederick 9 tuổi, em trai Austin 2 tuổi, Noel 4 tuổi và chị cả Norah, 12 tuổi. Cúm Tây Ban Nha tiến triển rất nhanh, gây tràn dịch màng phổi và khiến nạn nhân "chết đuối" bởi chính chất lỏng bên trong cơ thể mình. Cái chết của cúm Tây Ban Nha đặc trưng bởi những mảng tím tái trên cơ thể, một minh chứng cho việc phổi đã ngập nước và không còn hấp thụ đủ oxy nữa. Ada may mắn không phải đối mặt với một cái chết như vậy, nhưng mẹ cô bé thì có. Vào ngày thứ ba, 19/11, cả nhà Ada đã nhiễm bệnh, bà ngoại và dì Annie phải đến đón cô bé và em trai Austin đi. Bác sĩ nói bệnh tình của 2 đứa bé nhẹ hơn cả nên cần được cách ly khỏi các thành viên khác. "Tôi nhớ ánh mắt mẹ đang nhìn tôi, khi tôi thay quần áo để đi với dì Annie", Ada kể. "Bà ấy trông rất buồn. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản vì tôi phải rời xa bà một thời gian, nhưng giờ nghĩ lại, tôi nhận ra bà buồn vì biết sẽ không bao giờ còn gặp lại tôi nữa". Mẹ Ada tử vong ngay ngày hôm sau. Kế đó là cậu em Noel và cha cô Frederick Berry, một sĩ quan 38 tuổi của Quân đội Hoàng Gia nhiễm bệnh khi phục vụ ở viện quân y Salford. Tang lễ của họ được cử hành vào ngày 29/11 theo nghi thức quân đội. Ada nhớ như in khoảnh khắc mà đoàn xe tang đi qua trường tiểu học năm đó. "Nó giống như một bộ phim chiếu trong đầu tôi", bà nói. "Những con ngựa đen đội trên đầu bờm lông đà điểu, theo sau là những người lính cầm súng và cỗ quan tài của ba tôi phủ quốc kỳ Anh. Quan tài của mẹ tôi được đặt trong một chiếc xe tang có hộp kính lớn, quan tài của Noel được đặt dưới ghế tài xế. Ngoại tôi nói với chúng tôi rằng mẹ đã đến với Chúa Giê-xu, nhưng tôi nói Chúa Giê-xu đã có rất nhiều người ở bên rồi, con muốn mẹ con trở lại". Ada và những người anh chị em còn lại của mình không phải là những đứa trẻ duy nhất phải mồ côi vì đại dịch năm đó. Theo ước tính, cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm 1/3 dân số thế giới, chỉ trong 3 đợt bùng phát mạnh giữa năm 1918 và 1919. Nó giết chết 250.000 người ở Anh, 676.000 người ở Mỹ, 400.000 người ở Nhật Bản, 1,85 triệu người Ấn Độ, tương đương 6% dân số và 138.000 người Ai Cập, tương đương 10% dân số. Ở những vùng đất tách biệt với thế giới, nơi quần thể người dân không tích lũy được khả năng miễn dịch với cúm, họ còn phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề hơn nữa. Tây Samoa, một đảo quốc ở Thái Bình Dương đã bị xóa sổ tới 1/4 dân số. Toàn bộ cộng đồng người Inuit và dân bản địa sống ở Alaska cũng bị giết chết. Trên toàn thế giới, cúm Tây Ban Nha đã khiến 50-100 triệu người tử vong, gấp từ 5-10 lần số binh sĩ chết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Lượng người chết quá nhiều khiến xã hội đình trệ. Hệ thống y tế quá tải. Không còn chỗ tổ chức tang lễ, người ta phải đào những hố chôn tập thể. Tại Mỹ, nhiều công ty phải đóng cửa do người lao động bị ốm. Các dịch vụ cơ bản như chuyển phát thư và thu gom rác cũng không hoạt động. Một số trang trại bỏ mùa màng chín rũ vì chẳng còn người thu hoạch. Năm 1919 định mệnh, giữa thời điểm mà thuốc kháng sinh và vắc-xin còn chưa ra đời, nhiều người tin rằng cúm Tây Ban Nha sẽ diệt vong loài người, hoàn tất điều mà cuộc thế chiến vừa kết thúc chưa làm được. Thế nhưng, cuối năm 1919, đại dịch cúm Tây Ban Nha chấm dứt. Nó chấm dứt một cách bất ngờ đến sửng sốt, không phải vì con người đã tìm ra được cách khống chế virus, mà bởi vì nó đã giết chết tất cả những người nhiễm bệnh, đồng thời phát triển khả năng miễn dịch trên những người may mắn sống sót. Khi xác chết những nạn nhân phân hủy trong lòng đất, virus cúm Tây Ban Nha cũng tuyệt chủng. Nó chôn vùi theo mình rất nhiều bí ẩn mà ngay cả các nhà khoa học cũng không giải thích được. Cúm Tây Ban Nha bắt đầu từ đâu? Không phải từ Tây Ban Nha như cái tên của nó, người ta gọi nó là cúm Tây Ban Nha bởi đây là một quốc gia trung lập trong thế chiến, nơi các báo cáo về dịch bệnh được công khai đầu tiên. (Ở các nước thuộc 2 phe tham chiến, thông tin về dịch bệnh bị giấu nhẹm do lo ngại bị đối phương lợi dụng). Khác với những dịch cúm thông thường chỉ tấn công người già và trẻ em dưới 5 tuổi, tại sao cúm Tây Ban Nha giết chết cả những người trưởng thành khỏe mạnh, nhiều nhất trong độ tuổi từ 20-40? Chúng ta có thể học được bài học gì từ đại dịch nguy hiểm nhất lịch sử này, để rút kinh nghiệm hoặc chuẩn bị cho những dịch bệnh tương tự trong tương lai? Jeffrey Taubenberger đeo găng tay 2 lớp, đội mặt nạ phòng độc và mặc một bộ đồ bọc kín người giống như các nhân viên y tế có mặt ở Tây Phi trong đại dịch Ebola. Ông là một nhà virus học, trưởng bộ phận nghiên cứu bệnh học phân tử tại Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ. Taubenberger bắt buộc phải làm như vậy, thậm chí còn phải quét mống mắt mới có quyền truy cập vào một cơ sở nghiên cứu tại Mỹ, nó được đặt dưới sự kiểm soát của FBI. Lí do? Một trong những chiếc tủ đông ở đây đang chứa đựng mẫu bệnh phẩm vô cùng nguy hiểm, mà nếu vô tình để lọt ra ngoài, hoặc bằng cách nào đó những kẻ khủng bố lấy được nó, thảm họa có thể được kích hoạt trên quy mô toàn cầu. Thứ khiến FBI phải canh phòng cẩn mật đến vậy, không gì khác, chính là những xác virus cúm Tây Ban Nha hiếm hoi nhất còn sót lại. Chúng được thu thập từ thi thể của những lính Mỹ đã chết vì đại dịch năm 1918-1919 và cả những xác chết của thổ dân người Inuit ở Alaska, được lưu trữ trong băng vĩnh cửu. "Cứ như thể tôi đang mở ra một bí mật hàng đầu thế giới vậy", Taubenberger miêu tả. Ông đã làm điều này suốt 30 năm nay, nghiên cứu virus cúm Tây Ban Nha để giải mã bí ẩn của đại dịch nguy hiểm nhất lịch sử. Công việc bắt đầu từ năm 1990, Taubenberger và các đồng nghiệp đã tỉ mẩn thu thập những mảnh RNA vỡ tan tành trong xác những con virus cúm Tây Ban Nha. Đến năm 1995, họ đã sắp xếp được chúng thành 8 gen đầu tiên. Dự án kéo dài tới 1 thập kỷ sau đó, Taubenberger mới hoàn thành 3 gen cuối cùng của khoảng 13.000 cặp bazơ trong bộ gen virus vào năm 2005. Công trình được cả 2 tạp chí khoa học hàng đầu là Science và Lancet bình chọn là đột phá của năm bởi sắp xếp được trình tự gen, nghĩa là virus cúm Tây Ban Nha đã sẵn sàng để hồi sinh, những bí ẩn sẽ được giải đáp. Taubenberger chuyển bộ gen mà ông sắp xếp được đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Ở đây, chúng được nhà virus học Terrence Tumpey đưa vào tế bào để tái tạo virus cúm Tây Ban Nha, làm sống lại một sát thủ giết người hàng đầu trong lịch sử. Họ thử nghiệm virus này với động vật, đầu tiên là những con chuột. Ngay trong thử nghiệm đầu tiên, virus cúm Tây Ban Nha hồi sinh đã giết chết chuột chỉ trong vòng 3-5 ngày, với những triệu chứng đúng như những gì nó từng làm với con người năm 1918. Tumpey, Taubenberger và các tác giả nghiên cứu báo cáo rằng virus cũng giết chết phôi gà. Cuối cùng, họ cũng giả mã được bí ẩn: Cúm Tây Ban Nha thực chất là một nhóm nhỏ (subtype) của virus H1N1, lây nhiễm trên gia cầm. Điểm nguy hiểm là virus cúm Tây Ban Nha không cần lai hóa với virus cúm ở người để lây nhiễm sang chúng ta, mà nó có thể nhảy thẳng từ gia cầm sang người và khiến họ mắc bệnh. Thử nghiệm trên chuột cho thấy virus H1N1 gây ra cúm Tây Ban Nha cực kỳ độc hại, nó có thể nhân bản ra một lượng virus gấp 39.000 lần các chủng cúm ngày nay. Một khi lây nhiễm thành công, virus sẽ sinh sống trong nhiều loại tế bào bao gồm tế bào phổi và phế quản, dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp và gây bệnh. Trong nghiên cứu năm 2007, các nhà khoa học đã lây nhiễm những con khỉ với virus cúm Tây Ban Nha, từ đó tái tạo thành công các triệu chứng điển hình được ghi nhận từ đại dịch năm 1918. Những con khỉ đã chết vì một cơn bão cytokine (hệ miễn dịch phản ứng quá dữ dội, sản sinh quá nhiều tế bào bạch cầu và cytokine gây viêm để chống lại virus – những tế bào bạch cầu tấn công cả các tế bào khỏe mạnh và giết chết người bệnh). Điều này giải thích tại sao những người trẻ mắc cúm Tây Ban Nha, những người có hệ miễn dịch hoạt động mạnh nhất, lại dễ tử vong vì căn bệnh này. Nó bổ sung cho một giả thuyết nữa giải thích rằng, những người lớn tuổi đã từng tiếp xúc với một chủng cúm H1N1 trước đó, nên đã phần nào đào tạo hệ miễn dịch của họ chống lại cúm Tây Ban Nha. Ngược lại, những người trẻ tuổi hơn sống trong năm 1918 có một điểm mù miễn dịch. Chỉ những người 28 tuổi trở nên mới có 1 lần phơi nhiễm duy nhất với virus "cúm Nga" năm 1890, một chủng H3 với cấu trúc gen hoàn toàn khác. Thế còn virus cúm Tây Ban Nha bắt nguồn từ đâu? Đến tận bây giờ nó vẫn là một câu hỏi không có lời giải. Chúng ta biết rằng có một lượng khổng lồ virus sống ký sinh trên động vật như dơi, chim hoang dã, khỉ... Chúng được gọi là "zonoses". Tỷ lệ lây nhiễm chéo của các zonoses sang người là rất thấp, nhưng một khi nó xảy ra, thảm họa sẽ được kích hoạt. Chúng ta có đại dịch Ebola, khi virus nhảy từ dơi sang người. Zika bùng phát khi virus lây được từ khỉ. Ngay cả đại dịch HIV/AIDS cũng bắt đầu từ một lần lây nhiễm chéo như vậy. Virus cúm Tây Ban Nha cũng không ngoại lệ, nó là một chủng cúm gia cầm. Theo giả thuyết được nhà virus học người Anh John Oxford đưa ra, một con chim hoang dã mang trên mình virus cúm đã di cư tới gần cửa sông Somme ở Etaples thuộc Boulogne nước Pháp. Ở đây, virus hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để lây sang người và khiến đại dịch bùng phát: một môi trường cho chim nước hoang dã, một quần thể gà và lợn, một doanh trại nơi 100.000 binh sĩ Anh đang đóng quân dưới điều kiện hầm hào bẩn thỉu và ngột ngạt. Kết quả là vào mùa đông năm 1917, hàng trăm lính Anh đã mắc bệnh với các triệu chứng giống cúm. Đội y tế ở Etaples ghi nhận 156 ca tử vong. Ở thời điểm đó, căn bệnh được gọi là "viêm phế quản có mủ". Nhưng khi đối chiếu lại các triệu chứng, các nhà khoa học nhận thấy những người lính này cũng bị tím tái, đặc biệt trên môi, tai và má vì thiết oxy – những đặc trưng của cúm Tây Ban Nha. Chúng ta không khắc, nhưng nhiều khả năng đó là cách mà dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử đã bắt đầu. Một thế kỷ sau đại dịch lớn nhất, chúng ta có thể tạm yên tâm khi virus cúm Tây Ban Nha chắc chắn đã tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên. Ngay cả những xác chết được bảo quản trong băng vĩnh cửu từ năm 1918 cũng không thể chứa virus sống sót, Taubenberger xác nhận. Nhưng một số gen của chủng H1N1 gây cúm Tây Ban Nha vẫn tiếp tục được lan truyền trong các hậu duệ của nó, bao gồm virus H3N2 gây dịch cúm Hồng Kông năm 1968, H1N1 gây ra đại dịch cúm lợn năm 2009. Giống với cúm Tây Ban Nha, virus cúm H5N1 cũng có các gen cho phép nó nhảy thẳng từ gia cầm sang người và gây bệnh. "Đại dịch 1918 đã thiết lập một cơ chế lây nhiễm sang người rất thành công cho virus cúm gia cầm, và nó chưa bao giờ biến mất trong suốt 100 năm qua. Cúm Tây Ban Nha thực sự là mẹ của tất cả các đại dịch", Taubenberger nói. Thống kê cho thấy, trung bình cứ khoảng 30 năm, con người sẽ phải đối mặt với một đại dịch cúm. Sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919 là sự hoành hành của cúm Châu Á (1957-1958), cúm Hồng Kông (1968-1969) và cúm lợn (2009). Đó là 3 đại dịch, xếp trên các dịch cúm khác nhỏ hơn như cúm gia cầm H5N1 ở Châu Á năm 2006-2007. Mặc dù đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm từ các đại dịch cúm bùng phát, các nhà khoa học vẫn cho rằng con người chưa bao giờ sẵn sàng để đối mặt với một virus cúm có khả năng hủy diệt trên phạm vi toàn cầu như dịch bệnh năm 1918. Nếu một virus cúm tương tự bùng phát một lần nữa, các mô phỏng kịch bản trên máy tính cho thấy nó vẫn sẽ gây ra sự tàn phá khủng khiếp, hơn 300.000 người Mỹ vẫn tử vong, con số trên toàn thế giới có thể lên tới 150 triệu. Điểm yếu của con người năm 1918, đó là chúng ta phải đối mặt với chiến tranh. Virus cúm tỏ ra nguy hiểm trong điều kiện chiến trường, hầm hào bẩn thỉu và ẩm mốc. Kinh tế suy thoái để lại một tỷ lệ dân số suy dinh dưỡng cao, dễ dàng bị ảnh hưởng. Và khi các bác sĩ được rút hết ra tiền tuyến để chăm sóc những người lính, các bệnh viện và hệ thống y tế ở hậu phương không đủ công suất để ngăn chặn đại dịch. Một trăm năm sau đó, chúng ta đã được sống trong một thế giới cơ bản hòa bình, kinh tế phát triển và hệ thống y tế được nâng cấp. Nhưng các thách thức khác được đặt ra bao gồm: sự thay đổi nhân khẩu học, tập trung dân cư đô thị hóa, sự phát triển của hàng không dân dụng, kháng kháng sinh và biến đổi khí hậu. Tiến sĩ Carolien Van de Sandt tại Viện nghiên cứu Miễn dịch Peter Doherty thuộc Đại học Melbourne cho biết: "Hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức mới bao gồm dân số già hóa, những người sống chung với bệnh béo phì và tiểu đường". Van de Sandt và nhóm của cô đã kiểm tra các dữ liệu về đại dịch cúm Tây Ban Nha, cúm Châu Á, dịch cúm Hồng Kông năm 1968 và dịch cúm lợn năm 2009. Họ dự đoán rằng đại dịch cúm tiếp theo rất có thể là một chủng cúm gia cầm lây nhiễm sang người. Tốc độ lây lan sẽ rất nhanh chóng và xảy ra trên quy mô toàn thế giới thông qua du lịch hàng không. Có nhiều điều kiện cho phép đại dịch này vượt mặt cúm Tây Ban Nha năm 1918. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Cellular and Infection Microbiology, cho biết dịch bệnh tiếp theo sẽ bùng phát và lan rộng trong thế giới phát triển, khi một tỷ lệ cao dân số đang phải đối mặt với béo phì và bệnh tiểu đường. "Những gì chúng ta biết từ đại dịch năm 2009 là những người mắc một số bệnh (như béo phì và tiểu đường) dễ phải nhập viện và tử vong hơn vì cúm", Kirsty Short, đến từ Đại học Queensland cho biết. Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng thế giới tiếp tục phải đối mặt với một "gánh nặng nhân đôi" khi tình trạng suy dinh dưỡng vẫn phổ biến ở các nước nghèo. Sự nóng lên toàn cầu cũng có thể có tác động theo một cách khác. Van de Sandt nói rằng nhiều chủng cúm xuất phát từ chim, vì vậy, khi hành tinh bị sưởi ấm, mô hình lây nhiễm sẽ thay đổi, khiến chúng ta bị bất ngờ. "Biến đổi khí hậu làm thay đổi mô hình di cư của các loài chim, mang virus tiềm ẩn đến các địa điểm mới và có khả năng biến nhiều loài chim thành vật chủ", cô nói. Kháng kháng sinh cũng là một vấn đề. Hầu hết nạn nhân bị giết chết trong đại dịch cúm năm 1918 đều vì nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, một thứ mà thuốc kháng sinh đã giúp giảm bớt trong những trận đại dịch tiếp theo. Nhưng kháng sinh ngày càng bị vi khuẩn kháng lại mạnh mẽ. Katherine Kedzierska, từ Viện Doherty Đại học Melbourne cho biết: "Điều này làm tăng nguy cơ tử vong vì nhiễm khuẩn thứ phát trong dịch bệnh tiếp theo khi nó bùng phát". Thế còn vắc-xin thì sao? Đó là một cuộc chạy đua với thời gian. Về bản chất, chúng ta không thể dự đoán chủng virus nào sẽ gây ra đại dịch tiếp theo – nếu làm được điều này các nhà khoa học đã có thể phát triển sẵn một loại vắc-xin phòng ngừa đặc hiệu cho chủng cúm đó và kê cao gối ngủ. Thế nhưng, chỉ riêng chủng cúm A đã có khoảng 144 nhóm (subtype) liên tục biến đổi theo từng năm, đó là còn chưa kể đến cúm B, C và D. Các nhà khoa học không thể tạo ra được một loại vắc-xin duy nhất, đặc hiệu vĩnh viễn cho tất cả các chủng cúm này. Điều mà họ có thể làm chỉ là theo dõi các đột biến mỗi năm và tạo ra một vắc-xin tốt nhất, có hiệu quả tương đối cho mùa cúm năm sau mà thôi. Vắc-xin này chưa chắc đã chống lại tất cả các chủng cúm và có thể mất hoàn toàn hiệu quả vào mùa cúm năm sau nữa. Vậy nên, nhiều khả năng, kịch bản sẽ diễn ra như thế này: Con người cố gắng tạo ra vắc-xin để phòng ngừa những chủng cúm có nguy cơ nhất. Nhưng sẽ có một chủng cúm nằm ngoài hiệu quả của vắc-xin và phát triển thành dịch. Các siêu đô thị, biến đổi khí hậu và sự phổ biến của hàng không dân dụng sẽ thúc đẩy virus lây lan. Trong khi đó, tình trạng kháng kháng sinh, đói nghèo ở các nước kém phát triển và béo phì, tiểu đường ở các nước phát triển sẽ đẩy số người tử vong lên cao. Với các kỹ thuật mới nhất hiện nay, các công ty dược phẩm sẽ phải mất từ 3-6 tháng để sản xuất vắc-xin chống lại chủng cúm mới. Trong khoảng thời đó, nhân loại đơn thuần là không có bất kể một sự bảo vệ nào ngoài việc đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người và rửa tay thường xuyên. Khi được hỏi bà nghĩ sao về một đại dịch cúm mới, Ada nói: "Ở tuổi của tôi thì chẳng phải lo lắng gì nữa. Nhưng [đại dịch cúm mới] sẽ là mối lo ngại lớn với thế hệ các cháu của tôi". Thế giới đã khác xa so với 100 năm trước, "bây giờ người ta thường hôn nhau rất tự nhiên, những nụ hôn có thể lây lan virus. Tôi thậm chí thấy những người đàn ông ôm nhau thắm thiết. Chẳng ai làm điều đó ở năm 1918 cả". https://genk.vn/mot-tram-nam-dich-cum-lon-nhat-lich-su-nhan-loai-mot-con-chim-dau-xuong-cua-song-giet-chet-50-trieu-nguoi-20181016181641967.chn?fbclid=IwAR3V0fIfBa8gRWky7VkmuWrmgdEwXrm2l7ESkmIKVz0eEXeRSxjMAdkcohQ    
......

Phát hiện đáng quan tâm: Bệnh nhân nhiễm Virus Corona mà không có triệu chứng bịnh

Vu Kim Hanh| Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin: một nghiên cứu mới về coronavirus Vũ Hán đã phát hiện là người bệnh đã nhiễm virus mà không có triệu chứng gì thể hiện ra bên ngoài. Biến thể mới của virus đây chăng? Nó báo hiệu điều gì? Phát hiện này được đăng trong ấn bản thứ sáu của tạp chí y khoa The Lancet, do một nhóm các bác sĩ, trong đó có chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Hồng Kông, Giáo sư Yuen Kwok-yung, dựa trên nghiên cứu của họ về một gia đình sáu người, được nhận vào bệnh viện của Đại học Hồng Kông,Thẩm Quyến ngày 10/1/2020. Các thành viên của một gia đình đã từ Thẩm Quyến đến Vũ Hán từ 29 tháng 12 đến ngày 4 tháng 1, và đều được chẩn đoán đã mắc coronavirus – tức 2019-nCoV. Quá trình chụp cắt lớp vi tính (quét CAT) của cậu bé 10 tuổi cho kết quả là cậu bé bị nhiễm virus mà lại không thể hiện triệu chứng nào. Cậu bé được đặt tên là BỆNH NHÂN THỨ 5 trong báo cáo y khoa. Trong đoàn người đi đến Vũ Hán, còn có một bé gái 7 tuổi không bị nhiễm virus. Mẹ cô bé cho biết “đã đeo khẩu trang cho bé suốt thời gian ở Vũ Hán”. Như vậy, cậu bé 10 tuổi bị nhiễm virus dù không hề đi tới Vũ Hán, chính là bị lây nhiễm bởi người trong gia đình. Với đứa bé này, cần cách ly lập tức, theo dõi càng sớm càng tốt vì như vậy là “nhiễm virus không triệu chứng” đã xảy ra, nếu chần chừ vì không thấy triệu chứng thì có thể ảnh hưởng ngay tính mạng bệnh nhân. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ và đặc biệt với những đối tượng gần gũi người mắc bệnh (hay khả nghi cao là mắc bệnh) dù họ không thể hiện triệu chứng gì, thì đây là yếu tố nguy hiểm trong quỹ đạo của virus Vũ Hán, có thể làm tăng rất nhanh số ca nhiễm bệnh ở khắp các quốc gia ngoài Trung Quốc. Báo cáo khoa học công bố trên tờ the Lancet có mấy điều mới đáng quan tâm: trẻ em vẫn bị lây bệnh và điều đáng sợ là mắc bệnh mà không có triệu chứng gì để nghi ngờ hay nhận biết. Báo cáo cũng đã so sánh trường hợp nhiễm virus mà không có triệu chứng này với tình trạng dẫn tới đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars) năm 2003. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số trấn an rằng so với dịch Sars năm 2003, mạng lưới giám sát và khả năng điều trị của Trung Quốc đã có cải thiện (trong vòng vài tuần, có thể công bố trình tự bộ gen của virus, giúp phát triển chẩn đoán nhanh chóng và xét nghiệm và kiểm soát dịch tễ học hiệu quả hơn) nhưng việc virus lan quá nhanh, số người tử vong (cuối ngày 25/1/2020 đã là 42 người) tăng gấp đôi chỉ trong vài ngày, nhất là virus phát tán khắp nước TQ rộng lớn (nay chỉ còn Tây Tạng là chưa có người bệnh) và khắp thế giới đang khiến các nhà khoa học phải nín thở theo dõi biến thể của virus đang diễn ra... Ảnh. Bài trên SCMP và báo cáo trên tạp chí Lancet. Nhóm các nhà nghiên cứu y khoa xác nhận bệnh nhân bị nhiễm virus mà không có triệu chứng.  
......

Năm Tý nói chuyện Chuột

Nguyễn Ngọc Duy Hân (VNTB) Bạn có thích con sóc không? Hình ảnh những chú sóc dễ thương chạy tung tăng trong các công viên, tay cầm hạt dẻ là hình ảnh rất nên thơ. Thế nhưng người ta nói nếu bỏ cái lông xù ở đuôi đi, con sóc chẳng khác gì con chuột xấu xí hôi hám. Ngược lại nếu hóa trang con chuột với cái đuôi nhiều lông, thì nó sẽ trở thành con sóc xinh xắn, như vậy thì lầm chết phải không quý vị? Đón chào năm Canh Tý 2020 sắp tới, xin mời bạn cùng tôi tản mạn một chút về loài chuột, cùng nhớ lại những câu ca dao, tác phẩm, thơ nhạc có liên hệ tới loài gặm nhấm này nhé, và thử xem mình có hiểu lầm điều gì với loài động vật này không.   Chuột có trước người Các nhà nghiên cứu cho thấy loài chuột xuất hiện trên trái đất đã 50 triệu năm, trong khi con người chỉ mới được 2 triệu năm. Chúng len lỏi sống cạnh người nhưng chẳng bao giờ được cho là gia súc. Trung bình đôi chuột cống sau một năm có thể sinh ra một đàn con, cháu, chắt đến 800 đứa, sau 3 năm có thể trở thành 20 triệu con nếu không bị diệt, chết bớt. Cũng may chuột chỉ sống lâu nhất là 18 tháng. Thỉnh thoảng cũng có chuyện lạ chuột tự sát tập thể dù tuổi thọ chưa bao nhiêu, chắc là thấy nạn nhân mãn, ý quên “Tý Mãn” nhiều quá nên giải quyết bằng cách tự chết bớt chăng! Chẳng hạn vào đầu tháng 5, 1995 ở vùng Tân Cương, chuột kéo đến các ao hồ, từng đôi một cắn đuôi nhau tự trầm mình tìm cái chết. Chỉ sau vài ngày, các hồ ao trong vùng xác chuột nổi kín mặt nước. Chuột sinh sôi nảy nở rất nhanh chóng, chuột cái có thể thụ thai khi chỉ mới 5 tuần, bị kết án đa dâm vì… mắn đẻ. Loài chuột túi nhỏ Kaluta ở Úc xứng đáng nhận danh hiệu “chết vì yêu” trong thế giới động vật, vì chúng giao phối một lần tới 14 tiếng rồi con đực qua bên kia thế giới luôn. Biết “yêu là chết” mà vẫn đâm đầu tìm cái thú đau thương này, nghe cũng quen quen phải không quý vị!??. Một con chuột trong một năm có thể ăn hết 20 ký lương thực. Chuột mẹ có khi ăn thịt chuột con nếu cảm thấy cần. Khi đó chuột mẹ sẽ chọn ra đứa con yếu nhất hoặc bị dị tật để ăn thịt, nhằm tăng cơ hội sống cho các anh chị chuột khỏe mạnh còn lại. Ngược lại có giống thì chuột mẹ lại bị chuột con gậm, cắn tới chết. Rõ khổ, loài người cũng có những đứa con bất hiếu đánh đập, làm hại cha mẹ từ tinh thần tới thể xác. Loại con cái này “sống làm chi cho chật trời!”   Chuột trong huyền thoại Trong mười hai con giáp, Tý đứng hàng đầu. Thời xưa ông bà ta chưa có đồng hồ, nên tính giờ Tý là thời gian khoảng từ 23 giờ khuya đến 2 giờ sáng, cũng là thời gian giống chuột hoạt động rất mạnh để cắn phá và kiếm ăn, mà cũng là “giờ Tí canh ba” rất thuận tiện để vợ chồng làm chuyện di truyền nòi giống. Có nhiều huyền thoại về loài chuột thể hiện qua các tôn giáo. Tương truyền, linh hồn của nữ thần Karni Mata trong đạo Hindu sau khi chết được chuyển thế tái sinh qua loài chuột, nên một số nơi ở Ấn Độ, chuột được xem như thần thánh. Đền Karni Mata ở tây bắc Ấn Độ là ngôi đền thờ có khoảng 20 ngàn con chuột sống trong đó và được tôn thờ. Nếu bạn lỡ đạp chết con nào thì phải phạt rất nặng. Để tìm hiểu tinh thần Phật học, một nông dân đặt câu hỏi nếu mình làm ruộng rồi lúa bị chuột cắn phá, không dùng thuốc diệt chuột thì không có gạo ăn, mà giết chuột thì phạm tội sát sanh, thế thì phải làm sao? Câu trả lời là sống trong cuộc đời phải biết tương đối, tránh tội lớn phải chấp nhận tội nhỏ, không thể hoàn toàn được. Khi con người mà giết hại lẫn nhau mới thật là tàn ác, phải tránh tuyệt đối. Nói tới người giết người, tàn hại lẫn nhau thì không thể không nói tới Cộng sản. Đồng bào, cha mẹ mà chúng cướp, giết không gớm tay thật ghê sợ. Dân oan ta thán khắp nơi mà chúng nào có quan tâm, chỉ “ke” cho túi tiền của mình. Kinh Thánh Công giáo cũng có nhắc loài Tý này, khi ông Môi-sen dặn dân chúng không được ăn thịt chuột, vì đó là loài ô uế. Thật vậy, chuột là biểu hiện của bệnh tật, trộm cắp, cắn phá, lén lút, lừa dối, sống nhờ rác rưởi.   Chuột trong ca dao tục ngữ Trong ca dao tục ngữ, các giống vật luôn được dùng làm ví dụ, nhắc tới. Dòng dõi nhà Tý cũng xuất hiện nhiều trong vườn thơ bình dân. Để chỉ những kẻ đạo đức giả ông bà ta có câu: “Mèo già khóc chuột”. Hoặc để trách người hay nói, khoe khoang thì cha ông dùng câu: “Nói dơi nói chuột”. Với những kẻ cố tình che giấu chuyện ám muội, sau này mới lộ ra bộ mặt gian ác của mình, thì sẽ bị chép miệng chế diễu: Thấy chưa,“Cháy nhà ra mặt chuột!”. Nếu tướng tá gian tà, ông bà mình chê “Mắt dơi mày chuột”. Người bạn trẻ Hong Kong đang tranh đấu cho Tự Do Nhân Quyền nổi tiếng hiện tại cũng bị báo Việt Cộng diễu là đồ “mặt dơi mỏ chuột”, nhưng Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) dù không to con đẹp trai lại là một nhân tài góp phần làm thay đổi bộ mặt thế giới và làm Trung Cộng hoảng sợ. Để chỉ hạng người mới bắt đầu công việc thì phô trương nhưng chẳng chịu làm tới nơi tới chốn, kết cục không ra gì thì tục ngữ có câu: “Đầu voi đuôi chuột”. “Lủi như chuột”, “Ướt như chuột lột”, “Len lét như chuột ngày” “Chuột cậy mình nhỏ, dễ chui dễ luồn” là những câu dân gian hay nhắc tới. Khi nói về mẹ chồng đối với nàng dâu, ca dao cũng có câu: “Như mèo với chuột có thương nhau bao giờ”. Dân nhậu thì sẽ rất thấm thía câu: “Cần chi cá lóc cá rô, thịt chuột thịt rắn nhậu vô hơn nhiều!” Cũng có câu đố: “Vừa bằng quả mướp, ăn cướp cả làng”, bạn có giải đáp được là con gì không? “Ném chuột sợ bể đồ” hoặc “Kìa xem con chuột thối thây, người mà vô lễ chết ngay cho rồi” cũng rất hay được nhắc tới trong văn chương bình dân. Còn câu “Chuột bầy làm chẳng nên hang”, là để nói về việc thiếu lãnh đạo thì dù có đông người cũng chẳng làm nên trò trống gì. Chẳng lẽ câu này lại phù hợp với thực trạng ngày nay: Đất nước Việt Nam thiếu người tài ba đứng ra lãnh đạo nên việc chống lại cộng sản hoành hành gây hại cho quê hương vẫn chưa có kết quả bao nhiêu!   Chuột trong đời sống Cũng có nhiều so sánh dí dõm và tượng hình về loài chuột mà người dân dùng nhiều. Chẳng hạn trái dưa leo ăn sống dòn và ngon, cũng được gọi là dưa chuột. Khu nhà nghèo bị gọi là khu ổ chuột, chắc vì tối tăm dơ dáy nên có nhiều chuột. Khi bắp thịt bị thắt lại, thì gọi là bị “chuột rút”. Đang bơi mà bị chuột rút thì rất nguy hiểm, có khi dẫn tới chết đuối. Hồi còn bé chắc thế nào bạn cũng chơi qua trò chơi “Mèo bắt chuột”. Cơ bắp tròn, khi gồng tay lên thì rắn chắc cứng hơn được gọi là gồng chuột. Hồi còn bé con tôi rất thích rờ bắp tay của bố khi anh gồng “sô” cho chuột phồng lên. Mới đó mà đã tới lúc cháu có con, chuẩn bị gồng bắp tay cho con của mình rờ rồi, và chúng tôi đã lên chức ông bà nội, bắp tay ông xã bây giờ có gồng lên chắc cũng chỉ được con chuột bé tí! Chuyện gian díu không chính thức của đôi nam nữ bị gọi là chuyện “mèo chuột”. Mèo bắt chuột, chuột sợ mèo, các cụ muốn dạy con cháu rằng khi mèo và chuột rửng mỡ ăn nằm với nhau thì phải rất cẩn thận, sẽ không bền vững đâu: “Mẹ em để em trong bồ – Anh nghĩ chuột nhắt, anh vồ đứt đuôi”.   Chuột trong thơ hoạ Ngoài xuất hiện trong văn chương, về nghệ thuật thì ông Tý cũng gắn liền với nhiều họa phẩm nổi tiếng. Bức tranh Đông Hồ “Đám Cưới Chuột”, “Mèo Vờn Chuột” là những tác phẩm nghệ thuật dân gian nhiều ý nghĩa có liên hệ tới gia đình họ Thử này chắc ai cũng đã xem qua. Loại tranh vẽ này không chỉ mang nặng bản sắc dân tộc, mà còn có sự tỉ mỉ sâu sắc diễn tả nhiều bài học kinh nghiệm. Tên của một giống chuột to con, xấu xí là chuột Cống, trùng tên với người thi đỗ khoa bảng thời xưa là ông Cống, bạn có biết tại sao không? Trăm năm trong cõi người ta, cái gì hổng biết thì tra google, tôi đã hỏi bác Google nhưng chưa tìm thấy câu trả lời về “vụ việc” này. Chắc chuột cống là ý nói tới loài chuột sống ở ống cống. Còn chữ cống kia là chỉ những người thi đậu do chữ Hán mà ra. Thi Hương Cống từ thời Minh Mạng đã được đổi thành thi Cử Nhân, chắc là có vị quan nào không thích chữ Cống nên đã đề nghị vua đổi? Tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm xưa nhất còn giữ được trong văn học nước ta là Trinh Thử. Đó là một truyện thơ dài 850 câu của Hồ Huyền Quy, ca tụng đức tính của Chuột Bạch góa chồng đi kiếm mồi nuôi con. Trong hịch bắt chuột của cụ Đồ Chiểu, cụ đã miêu tả: “Lông mọc xồm xoàm, tục kêu xà lắt Tánh hay ăn vặt; lòng chẳng kiêng dè Chỗ ở ăn hang lỗ nhiều bề Đường qua lại đào soi lắm ngách Nghe hơi động vội vàng lĩnh mất” … Trong chuyện Kiều của thi hào Nguyễn Du có nhắc tới nhiều thú vật, nhưng tìm mãi không thấy chữ chuột hoặc tý trong tác phẩm. Cuối cùng may quá tìm được điển thích nối đuôi con điêu trong câu: “Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu, Hay hèn lẽ cũng nối điêu…” Thì ra “Điêu” là một loài chuột ở rừng núi miền lạnh, đuôi to, lông xù dài đến một tấc, màu vàng hoặc đen tía. Riêng nhà thơ cổ Nguyễn Khuyến thì lại viết bài Cơ Thử tỏ lòng thương hại khi chuột bị đói: “Bọn mi nương xó tường ta, Bấy lâu êm ả trong nhà không sao. Phải khi gạo kém thóc cao, Bọn mi lục đục cắn nhau bao lần”. Trong thơ ngụ ngôn của La Fontaine, ông đã nhân cách hóa để diễu cợt cái kiểu họp hành, phát biểu vu vơ rồi giải tán mà không đem lại hiệu quả gì bằng hình ảnh một Hội đồng chuột: …”Té ra cuộc luận bàn thật hão Có lạ gì bàn láo xưa nay Chẳng là việc chuột thế này Việc dân việc nước cũng hay bàn xằng” (Nguyễn Văn Vĩnh dịch). Vậy các hội đoàn khi hội họp hãy cẩn thận kẻo bị mang cùng tên với hội đồng chuột này nhé. Truyện của Tô Hoài, John Steinbec, Albert Camus cũng đều có nhắc đến loài chuột. Dân tộc Kammu miền bắc Thái Lan vẫn kể câu chuyện thần thoại chuột rúc để báo hiệu về cơn đại hồng thủy sắp sửa diễn ra. Ông bà ta cũng rất tin vào điềm may khi nghe tiếng chuột. Riêng trong gia đình tôi cũng có một chuyện đã xảy ra không biết phải giải thích ra sao. Số là bố chồng tôi vì sợ Cộng sản nên phải trốn từ Quảng Ngãi vào miền Nam, cha của ông tức ông nội vẫn còn ở Quảng Ngãi. Thời ấy làm gì có điện thoại, Facebook, thư từ, đi lại rất khó khăn tốn kém nhưng bỗng một ngày ông nội nói với hàng xóm: “Đêm qua có tiếng chuột rúc báo tin, con trai tôi sẽ về thăm”. Quả thật hôm đó bố chồng tôi khăn gói quả mướp từ Vũng Tài về quê thăm cha, không báo trước gì cả.   Chuột trong phim Trên thế giới nổi tiếng là chú chuột Mickey và cô bạn gái Minnie. Thống kê cho thấy gần 150 bộ phim về Mickey đã ra đời, kèm theo không biết bao nhiêu là truyện bằng tranh, thú nhồi bông… Mickey còn là biểu tượng của các công viên Disney Land, Disney World với các trò chơi cho trẻ em trên thế giới. Thú thật tới tuổi này tôi vẫn còn mê đi Disney World. Cựu Tổng thống Mỹ Jim Carter đã phải nhận xét: “Chuột Mickey là một đại sứ thiện chí, một nhà kiến tạo hòa bình, có thể vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ”. Gần đây hơn, từ năm 1940, nhân vật chuột Jerry xuất hiện trong bộ phim hoạt họa “Tom & Jerry”, con nít và cả người lớn đều thích thú theo dõi. Trong âm nhạc Việt ít thấy bài hát nào có nhắc tới chuột, ngoài bài “Giờ Tí canh ba” của Song Ngọc, nhưng có một nhạc sĩ khá nổi tiếng có tên Nguyễn Văn Tý, tác giả bài Dư Âm “Đêm qua mơ dáng em ôm đàn…” vang tiếng một thời. Bà con ta khi có con trai hay đặt nickname ở nhà là Cu Tí, dù không sanh vào năm Tý. Nhưng chữ Tí ở đây là bé tí, không phải chuột con, đừng tưởng lầm nhé!   Họ hàng nhà chuột Loài vật nào cũng thế giới riêng, khám phá về sinh hoạt chúng đem lại nhiều điều kỳ thú và có thể có những kinh nghiệm cho loài người. Chuột cũng biết ghen đấy các bạn ạ. Với mình thì con chuột nào cũng hôi như con chuột nào, nhưng giống chuột có tiết ra một mùi riêng rồi nhờ đó mà nhận ra nhau. Khi chuột chồng đi vắng, nếu chuột vợ ở nhà “mèo chuột” với chàng khác thì chuột chồng phát hiện ra ngay nhờ đánh hơi được mùi lạ. Chàng sẽ nổi cơn ghen xông vào cắn xé chuột cái ngoại tình ngay. Nhưng sau đó có lẽ cái mùi lạ bay mất, nên chàng lại tha thứ và “yêu” vợ trở lại. Tôi luôn ước mong mọi người tha thứ, bỏ qua cho nhau, nhưng nếu ngoại tình quá 2 lần thì nên dứt khoát bỏ hẳn, không nên chấp nhận nữa, dù mùi hương của tình địch đã bay xa. Xét ra chuột cũng biết yêu âm nhạc, mê chàng nghệ sĩ. Khi tán tỉnh bạn tình, chuột đực cũng phát ra những âm điệu du dương như những bản tình ca cho đến khi cô nàng “phải lòng”. Rồi theo tạp chí Cardiothoracic Surgery, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã làm thí nghiệm với những con chuột bị làm phẫu thuật ghép tim. Mạng sống của chúng có thể kéo dài hơn nếu chúng được nghe nhạc opera hoặc Mozart – không phải rap, rock. Sống trong bầy, chuột luôn nhận ra nhau và không có chuyện “loạn luân”. Nhưng điều này không đúng với loài chuột hamster chúng ta nuôi trong nhà. Hồi ấy chìu các con, chúng tôi cũng ra Pet Shop mua về một cặp hamster. Chúng đẻ mau như… chuột, chúng tôi phải đem cho bớt. Cô bạn bỏ hamster mẹ và con chung chuồng với nhau, liền sau đó hamster mẹ lại có bầu, đẻ ra một đàn vừa là con vừa là cháu! Ngoài loài gấu ngủ suốt mùa đông, cũng có giống chuột biết trốn vào hang ngủ rất lâu mới thức dậy “quậy”. Dòng họ Thử lại biết lo xa, chúng cẩn thận đào hang cất giấu lương thực để dành ăn dần. Chúng cũng rất tự ái, giữ tiết lễ, có thể tự sát hằng loạt nếu hang ổ bị xâm phạm. Nước Việt ta đang có nguy cơ làm nô lệ kiểu mới cho Tàu Cộng, mà sao nhiều người vẫn “vui mừng làm người cúi xin”, nghĩ có đáng buồn, có thua loài chuột này không?! Một hiện tượng kỳ lạ và hiếm gặp là chuyện “vua chuột”, khi nhiều con chuột không biết bằng cách nào đã cột đuôi dính với nhau hàng chục con, hay là chúng đang thực hiện việc “đoàn kết” nắm tay, ý quên nắm đuôi gây sức mạnh!? Quả thật về thể lý cái đuôi chuột có một sức mạnh đáng nể. Nói về thể lực, chuột có thể chạy đoạn đường dài tới 15 km, bạn chạy được bao xa? Chuột còn có tài đu bám ngửa bụng lên trời hoặc có thể leo theo đường thẳng đứng trên mặt tường hoặc bò ngang theo mặt trần nhà. Chuột cống lớn có thể nhẩy vọt lên cao đến 1,5 mét, nếu cho đi thi Olympic thì chắc sẽ đoạt huy chương vàng. Ấy là chưa kể tài bơi lội như rái cá của chuột. Chuột phải luôn luôn gậm nhấm để mài mòn răng, nếu không răng sẽ dài ra không thể ngậm miệng lại được (chúng không có nha sĩ để takecare vụ này!) Có rất nhiều loại chuột trên thế giới, vài loại đặc biệt xin được giới thiệu tại đây. Chẳng hạn huột chù Etruscan được cho là một trong các loài động vật có vú nhỏ nhất thế giới. Trung bình nó nặng chưa đến hai gram và dài khoảng 4cm. Ngược lại loài chuột khổng lồ có thể nặng gần 100 ký như Capybara – thuộc loài chuột lang nước. Ở Papua New Guinea, kích thước của một chú chuột Bosavi có thể vượt quá 80 cm chiều dài (bao gồm cả đuôi) và nặng khoảng 1,5 kg. Liên hệ tới chuột có giống chuột túi rất to tức là con Kangaroo – biểu tượng của dân Úc. Lại có loại chuột cỏ khá giống chuột túi nhưng nhỏ thôi, sống rất biệt lập và di chuyển bằng cách nhảy lò cò giống như chuột túi Úc. Có loại chuột dừa chuyên sống và ăn dừa, nên thịt nó thơm ngon đặc biệt. Người ta còn nuôi chuột bằng sâm, cho ra món “Sâm Thử” rất quý và bổ.   Chuột đáng ghét Nhìn chung, chuột gây ra không ít tác hại thật đáng sợ đáng ghét. Từ năm 1347 đến 1351, tại châu Âu chuột đã mang theo loài bọ chét chứa vi khuẩn Yersinia Pestis gây ra bệnh dịch hạch, gieo rắc “cái chết đen” lên lục địa, thời gian đó đã có khoảng 25 triệu người phải bỏ mạng. Bệnh dịch hạch hiện vẫn còn nhất là ở các nước kém phát triển. Tại Thụy Điển báo đã đăng chuyện con chuột to con lớn xác định ăn thịt cả mèo (Quý ông nên cẩn thận, đừng cậy vào sức dài vai rộng nhé!). Tại Nam Phi có ghi nhận chuyện chuột Gambia cắn xé làm em bé 3 tháng phải thiệt mạng. Bác ruột của tôi bên Việt Nam sau 1975 bị mất một chân cũng vì chuột. Bác bị bệnh tiểu đường nên vết thương khó lành. Tối hôm đó ngủ quên bác bị chuột gặm chân chảy máu, lớp vì tiểu đường, lớp vì y tế thời đó quá tệ nên cuối cùng bác bị cưa chân lên tới đầu gối. Chuột gây hại nhiều hơn lợi, nên diệt chuột là chuyện cần làm. Thời xưa thuốc DDT nổi tiếng giết chuột tài tình, từ đó mới có câu hát sửa lời “Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Mua chai thuốc chuột uống cho rồi đời”! Thế nhưng ngày nay xã hội Việt Nam cái gì cũng giả, nên có người mua thuốc tự tử bị nhằm thuốc giả không chết được, còn mua thuốc bổ để uống thì lại nhằm thuốc dỏm khiến bị toi mạng! Hồi ấy ngoài chợ cũng hay có quảng cáo bán thuốc Sơn Đông, biểu diễn võ thuật. Để rao bán thuốc diệt chuột, họ rao hát rất vần điệu: “Thuốc chuột đây! Thuốc chuột đây! Chuột ăn chuột chết Rết ăn, rết què”… Dù có nhiều cách diệt chuột, nhưng phần thắng chưa hoàn toàn thuộc về con người. Ông bà ta xưa kia đôi khi cảm thấy bất lực, nên đành tin dị đoan, cất giấu gì ở đâu phải nói rất nhỏ, sợ chuột nghe thấy. Để chúng khỏi nổi giận trả thù, các cụ còn gọi chúng là “Ông Tý” nữa. Nhiều chiếc ghe nhỏ phải có bàn thờ ông Tý để xin ông đừng cắn nát ghe.   Chuột đáng yêu Tuy vậy, chúng ta cũng nên hỉ xả chút để nhìn vào mặt lợi ích, mặt tích cực của loài chuột. Các nhà khoa học đã khám phá ra con người và chuột nhắt có đến 90% tương đồng về gen, vì thế chuột thường được làm vật thí nghiệm để giúp về sức khoẻ. Trong y học, con chuột “knockout” đầu tiên đã đươc tạo ra bởi Mario Capecchi, Martin Evans và Oliver Smithies khoảng1987-1989 đã được nhận giải thưởng Nobel. Rất nhiều chuột knockout đã được sử dụng để nghiên cứu các bệnh ung thư, tiểu đường, bệnh run rẩy Parkinson, béo phì, viêm khớp, u uất trầm cảm… Một con chuột được cấy bệnh viêm khớp vào để thử nghiệm có giá gần 200 đô Mỹ; một con chuột mù giá 250 đô. Còn muốn có một con chuột tách gen làm thí nghiệm, giá có thể cả 100 ngàn đô vì phải tốn bao thời gian, tìm hiểu nghiên cứu mới thành công được. Nhà nghiên cứu tại Ðại học Massachusetts, Hoa Kỳ cũng đã thành công tạo ra một con chuột mang một cái tai người trên lưng. Kỹ thuật này đã giúp ngành y khoa tái tạo lại các phần cơ thể người bị mất vì tai nạn hay kiếm khuyết bẩm sinh. Trong thuốc Nam người ta bày cách bỏ chuột vào nồi đậy kín rồi thiêu, lấy tro uống để trị hết bệnh suyễn, hoặc lấy tro hòa với vaselin bôi lên trị bỏng, cháy da, bạn có dám thử không? Về phía Tây Phương, có người nuôi dạy chuột để thi chạy đua hay tranh giải sắc đẹp của Tý Cô Nương. Muốn trở thành Hoa Hậu Top Model, chuột được nuôi theo cách ăn uống đặc biệt với thực đơn “sang chảnh” như bánh bich qui, lúa mạch, bánh mì, sữa, rau trái, thịt sống…. Phong trào chơi chuột bắt đầu khoảng năm 1993. Tại Mỹ trên đại lộ Hollywood, không ai ngạc nhiên trước cảnh các bà đầm dắt chuột chơi phố ngắm cảnh thay vì dắt chó. Tôi thì vẫn quê mùa bảo thủ, có điều kiện thì giúp người nghèo, trẻ em ốm đói trước đã rồi hãy bỏ nhiều tiền nuôi các giống thú cưng. Riêng tại Anh, hằng năm có khoảng 40 cuộc thi đủ loại về chuột, được tổ chức tại London và Yorkshire. Một câu lạc bộ dành cho những người yêu chuột cũng đã hình thành vào 1892, có tên “National Mouse Club” đến nay đã có tới 150 hội viên là những nhà nuôi chuột thương mại và các ông bà già về hưu “quởn” không biết làm gì cho bớt boring, buồn tẻ. Khi vừa mới đẻ, chuột con chưa thể mở mắt và không hề thấy đường. Đến lúc trưởng thành chuột vẫn bị mù màu vì chỉ thấy 2 màu đen-trắng. Thật ra chúng đâu cần nhận ra màu sắc vì nói chung chuột chỉ có 2 loại: Loại thường màu đen và loại chuột bạch màu trắng. Thế nhưng gần đây có các nhà khoa học đã ghép tế bào để có loại chuột lông xanh lá cây, xanh từ trong ruột xanh ra chứ không phải nhuộm màu như chúng ta nhuộm tóc đâu nhé. Bù lại thị giác hạn chế, tai chuột lại rất thính có thể nghe được siêu âm có tần số cao mà tai người không nghe được. Thế nên chuột được huấn luyện để dọ thám tin tức và rà mìn nhờ thân hình nhỏ bé, khứu giác bén nhạy, cử động lanh lẹ và nhất là có óc thông minh. Chúng biết kết hợp với nhau để tha nguyên trái trứng gà to về hang mà không bị bể, thực hành “team work” rất đoàn kết, lớp lang. Đừng chê chuột chù húp nước mắm hoài nhé, chúng cũng có lợi ích và khôn ngoan đó. Ngoài ra, chuột đồng là món ăn, món nhậu rất ngon. Những ngày bị tù cải tạo sau 1975, các quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa nhiều người đã sống được nhờ ăn thịt những con chuột đồng trong khi đi lao động, nếu không sẽ chết đói hoặc bệnh vì thiếu protein. Nhớ lại những ngày sau 1975 thật là thê thảm, cái gì cũng thiếu phải sắp hàng chờ đợi cả ngày. Trước đó gia đình tôi cũng thuộc loại công chức và giáo chức, không thừa nhưng cũng không lo thiếu. Việt Cộng vào miền Nam thì ăn độn dài dài, có khi chén cơm dính cục cứt chuột cũng không dám bỏ, phải can đảm dùng đũa hất đi rồi ăn tiếp nếu không thì đói. Món kẹo mè đen hay ăn vào dịp Tết còn được gọi là kẹo Thèo Lèo Cứt Chuột, cái tên nghe chẳng thẩm mỹ chút nào. Nếu nằm mơ thấy chuột, bạn nên đánh đề số 2, 20, 55, còn nếu nằm mơ thấy mình bị chuột cắn bạn nên đánh số 14 hoặc 41. Trong lịch sử, năm Canh Tý thứ 40 là một năm quan trọng, khi hai bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa làm rạng danh phụ nữ Việt Nam.   Những người nổi tiếng cầm tinh con chuột Bây giờ tôi xin điểm qua vài nhân vật nổi tiếng cầm tinh con chuột nhé. Đầu tiên phải nhắc tới Shakespeare sinh năm Giáp Tý 1564, là kịch tác gia vĩ đại người Anh với những kiệt tác như “Roméo et Juliette”, “Hamlet”, “Othello”, “Le Roi Lear” v.v… Kế tới là Galiléo, một nhà vật lý và thiên văn lừng danh, cũng sinh năm Giáp Tý (1564). Tuổi Bính Tý có Jack London là nhà văn Mỹ. Jack London sinh năm 1876 tại San Francisco, nhiều tác phẩm của ông đã được làm thành phim nổi tiếng khắp thế giới. Alphonse Daudet là đại văn hào Pháp sinh năm Canh Tý (1840). Ông được nổi tiếng nhờ dùng ngôn ngữ chuẩn mực, giản dị và trong sáng. Tập “Lettres de mon Moulin” lừng danh khắp thế giới. Saint Exupéry cũng sinh năm Canh Tý, nhưng nhỏ hơn Daudet 60 tuổi. Ông sanh vào năm 1900 chẳn chòi, là nhà văn lỗi lạc của Pháp và cũng là phi công mất tích trong một phi vụ ngày 31-7-1944. Những tác phẩm để đời là «Vol de Nuit» «Terre des hommes» «Pilot de guerre» v.v… Các nhân vật đặc biệt Leo Tolstoy, cựu tổng thống Mỹ George Bush, thái tử Anh Charles cũng sanh vào năm Tý. Về phía Việt Nam ta, tuổi Mậu Tý có Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939) là thi sĩ cận đại đứng vào bậc “thầy” trong làng thơ văn. Rồi phải kể tới Nguyễn Trường Tộ sinh năm Mậu Tý 1828 tại Nghệ An. Ông nổi tiếng về các bài điều trần cứu nước và kiến Quốc. Nhà thơ Hàn Mặc Tử sinh năm Nhâm Tý 1912 chết vì bệnh phong cùi là thi sĩ nổi tiếng của làng văn chương Việt. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng sinh vào năm Tý, tháng Tý, giờ Tý. Những tuổi hợp với người tuổi Tý là tuổi Thìn (con Rồng) và tuổi Thân (con Khỉ). Tuổi xung khắc với tuổi Tý là tuổi Mẹo (con Mèo – dĩ nhiên!), tuổi Ngọ (con Ngựa) và tuổi Dậu (con Gà). Chuột @ Nói dông dài nãy giờ, tôi xin được bàn đến chữ “con chuột” rất quen thuộc trong thời đại điện tử này trước khi chấm dứt. Trong máy vi tính, bác Còm (còm-pu-tờ) thường có con chuột là bộ phận cần để điều khiển chức năng, dịch từ tiếng Anh là Mouse, tiếng Pháp Souris. Gọi là “chuột” vì hình dáng và kích thước mouse giống như con chuột thật, với sợ dây điện nối vào máy điện toán giống như cái đuôi. Tuy thế điều này không đúng nữa vì ngày nay đã có “cordless mouse” không cần dây rợ gì, thậm chí không cần chuột nữa. Bấm vào mouse được dịch ra tiếng Việt là “nhấp chuột”. Riêng chữ “mouse” trong Anh văn cũng mang một nghĩa xấu. Mouse bắt nguồn từ gốc chữ Latin là “mus”, tiếng Hy lạp là “mys”, tiếng Phạn là “mush”, đều có nghĩa là “ăn cắp”, có lẽ vì chuột luôn gặm nhấm, ăn cắp mùa màng, thức ăn của loài người. Nói về nhấp chuột trong computer, thì phải nhắc thêm phát minh ra con chuột Vir Touch (VTS) dành cho người khiếm thị do Irael sản xuất có khả năng hoạt động như mắt người, giúp người mù xem được hình ảnh trên máy computer bằng xúc giác. Tuy nhiên giá còn cao khoảng $5000 đô Mỹ nên dù có mặt trên thị trường từ tháng 9, 2004, cũng chưa bán được bao nhiêu. Lại còn có loại chuột dành cho người cụt hai tay sử dụng. Thiết bị này được người Nga chế tạo, to hơn chuột thường được đặt dưới sàn nhà, với nút bấm được điều kiện bằng chân. Ngoài ra còn đủ các loại chuột dành cho người bị ra mồ hôi tay, chuột dành cho người bị run tay kinh niên, tha hồ nhấp chuột không bị trở ngại vật lý.   Lời chúc năm con chuột Tản mạn về chuột thật chuột giả nãy giờ chắc cũng đủ làm bạn mệt rồi, thôi thì năm cũ con Heo đã qua, mong bạn cùng tôi kiểm điểm lại một năm qua rồi để thấy mình đã làm được gì, ước vọng thực thi được bao nhiêu? Nếu thành tựu thì xin chúc mừng và mong bạn tiếp tục thăng tiến hơn trong năm mới. Nếu xui xẻo chưa được nhiều thành quả thì chúc bạn can trường hơn, có mục tiêu cụ thể hơn để quyết tâm thực hiện trong năm mới này. Tôi cũng xin “thành thật khai báo”, năm nay là năm tuổi của tôi, sắp tròn 60 tuổi. Nếu ông bà có gọi ra đi năm nay thì phân ưu sẽ được ghi là “hưởng thọ” thay vì “hưởng dương”. Năm tuổi thì thường là xui, tôi không tin bói toán lắm nhưng nếu năm Canh Tý tới mọi người vẫn thụ động, vẫn nhiều người “vô cảm”, quê hương đất nước vẫn còn trong ách Cộng Nô, Tàu Cộng ngày càng xâm lấn thì quả là còn xui thật. Cầu cho có tiếng chuột rúc thật to, thật linh động để làm phấn chấn tinh thần mọi người, để tình thương và sự thật được chiến thắng. Mong giấc ngủ mọi người an lành nhiều mộng đẹp, nhưng đừng ngủ nhiều quá như giống chuột ngủ hết mùa đông, công chuyện ngưng trệ không làm. Trước khi ngủ thì phải nhớ hỏi, đừng đánh rớt mất dấu hỏi “ngủ” thành….ngu! Mong bạn an nhàn nhưng cũng đừng quởn quá kẻo “rảnh rỗi sinh tội lỗi”; sẽ rất tốt nếu bạn thông thạo các phương tiện thông tin, lướt Facebook, lên “livestream”, điểm “Youtube” thường xuyên nhưng cũng cần có chừng mực. Lên non mới biết non cao, lên “phây” mới biết phây bao ưu phiền! Mong bạn và người thân, vi hữu vì yêu thương sống chết có nhau, đừng sống chết với nhau, tranh cãi chửi bới ì sèo không phân biệt thiệt giả, đúng sai. Ánh nắng ngày Tết đang le lói chiếu nhè nhẹ trên trái đất, tôi cũng mạn phép chúc bạn một mùa Xuân mới đến trong an hòa, hạnh phúc. Chúc bạn ngoài biết nấu ăn ngon trong bếp, lại biết thêm cách nêm nếm xào nấu ngôn ngữ trước khi sử dụng để “đắc nhân tâm” và không làm người khác buồn lòng. Chúc bạn nhạy cảm như lá cây mắc cở (hoa trinh nữ) để luôn biết thương cảm trước những cảnh đau lòng và nhất là cùng làm một điều gì – dù nhỏ nhất cho quê hương. https://vietnamthoibao.org/vntb-nam-ty-noi-chuyen-chuot/
......

Các nhà khoa học đã phát hiện ra nguồn gốc của coronavirus chủng mới từ Trung Quốc

Sputniknews| Thì ra coronavirus chủng mới của Trung Quốc là một loại lai giữa virus rắn và dơi. Các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy tổ tiên gần nhất của coronavirus chủng mới. Thì ra đó là virus của dơi và rắn. Rõ ràng, trong cơ thể của rắn, chúng đã hình thành một giống lai có protein bề mặt mới, và chính vì thế có thể lây nhiễm tế bào người. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Medical Virology. Đâu là nguồn lây nhiễm? Các nhà chức trách cho rằng nguồn lây nhiễm là chợ hải sản ở Vũ Hán, nơi xác định những ca nhiễm bệnh đầu tiên. Ngoài hải sản, cừu, thỏ và rắn cũng được bán trong những khu chợ này. Do nhiều loại virus trước đây (bao gồm cả ebolavirus và virus SARS) đến từ dơi, các nhà khoa học cho rằng một trong những động vật được bán trên thị trường Vũ Hán đã trở thành một bước trung gian cho một loại coronavirus giữa dơi và người. Nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc do ông Xingguang Li từ Đại học Sinh học Vũ Hán dẫn đầu đã cố gắng làm rõ nguồn gốc của coronavirus chủng mới. Họ đã thu thập năm bộ gen 2019-nCoV và so sánh chúng với 271 chuỗi coronavirus đã được biết đến từ các vật chủ khác nhau (người và động vật) từ khắp nơi trên thế giới. Sau khi xây dựng một cây phát sinh gen coronavirus, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các loại virus mới này là đơn loài, nghĩa là chúng đến từ một tổ tiên chung và điều này đã xảy ra khoảng hai năm trước.   Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng 2019-nCoV đặc biệt khác với họ hàng của nó ở một nơi trong bộ gen - có lẽ, sự tái tổ hợp đã diễn ra giữa coronavirus của dơi và một loại virus nào đó khác. Phần này của bộ gen mã hóa một glycoprotein bề mặt, loại protein có các gốc carbohydrate, nhờ đó virus bám vào một thụ thể trên bề mặt tế bào trước khi xâm nhập vào trong. Để xác định xem virus dơi có thể mượn một phần của bộ gen từ đâu, các nhà khoa học đã so sánh tần suất sử dụng các codon đồng nghĩa trong các loại coronavirus khác nhau gây nhiễm cho marmots, nhím, chim, dơi, người và các vật chủ khác. Vì mã di truyền là dư thừa, hầu hết các axit amin có thể được mã hóa theo nhiều cách, và theo quy luật, cơ thể có một phương pháp ưu tiên. Mảnh lạ trong bộ gen 2019-nCoV xét về mức “ưu tiên” của mình là gần nhất với coronavirus của rắn Trung Quốc. Như vậy, các nhà khoa học Trung Quốc đưa ra kịch bản như sau: dơi lây coronavirus cho rắn, và trong cơ thể chúng hai loại virus này trao đổi các phần cho nhau. Kết quả là, khoảng hai năm trước đã xuất hiện virus lai 2019-nCoV, vào tháng 12 năm 2019 loại virus này xâm nhập vào cơ thể người. Các nhà nghiên cứu cho rằng, vật chủ là hai loại rắn: rắn cạp nia Bắc và rắn hổ mang Trung Quốc. Giả thuyết này xem ra có cơ sở vì cả hai loại rắn này đều được bán trên thị trường thủy sản Vũ Hán.  Bùng phát bệnh coronavirus ở Trung Quốc 2019-2020 Vào cuối tháng 12, tại Trung Quốc đã xảy ra đợt bùng phát bệnh viêm phổi mà theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia, nguyên nhân gây bệnh là coronavirus chủng mới. Theo thông tin mới nhất, 17 người chết vì căn bệnh này. Các ca nhiễm bệnh khác cũng đã được ghi nhận ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Thái Lan.   
......

Dòng thời gian của dịch viêm phổi lây nhiễm từ Trung quốc

Timothy Trinh   Dưới đây là dòng thời gian của dịch viêm phổi cấp, từ một chợ hải sản tại Trung Quốc, trong vòng một tháng, đã lây nhiễm đến ít nhất 20 tỉnh thành tại Hoa Lục, và theo các hành khách máy bay đi đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Hoa Kỳ và Úc.   Ngày 12 tháng 12 năm 2019, trường hợp đầu tiên của dịch viêm phổi cấp được phát hiện tại chợ hải sản Hoa Nam, thành phố Vũ Hán; vì thế, báo chí thường gọi là "dịch viêm phổi Vũ Hán". Đến gần ba tuần lễ sau đó, nhà cầm quyền mới chính thức đưa ra thông báo vào ngày 30 tháng 12 để cảnh báo những người buôn bán tại chợ Hoa Nam.   Sau khi thông báo được phổ biến, mọi sinh hoạt buôn bán vẫn tiếp diễn trong khu vực chợ. Ngày 31 tháng 12, phóng viên của "The Paper", một phương tiện truyền thông trực tuyến khởi nghiệp được hỗ trợ bởi tập đoàn truyền thông Shanghai United Media Group tại Trung Quốc, đã phỏng vấn một chủ tiệm tại chợ Hoa Nam. Ông ta đã xác nhận mọi người đều lo sợ nhưng họ vẫn tiếp tục buôn bán.   Một số người dân Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm, tìm kiếm và trao đổi thông tin trên mạng Weibo, đã bị bắt giữ về tội "phổ biến thông tin giả nhằm gây hoang mang dư luận."   Ngày 2 tháng 1, Bộ Y tế Singapore công bố rằng họ quan tâm về sự bùng phát bệnh viêm phổi tại Vũ Hán và đang theo dõi tình hình chặt chẽ.   Ngày 9 tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch viêm phổi Vũ Hán là do chủng vi rút "coronavirus" chưa được biết đến trước đây. WHO đã yêu cầu cơ quan y tế của Trung Quốc phải cung cấp thông tin cho những chuyên gia quốc tế để họ tìm biện pháp ngăn chặn kịp thời.   Vào thời điểm đó, Trung Quốc công bố chỉ có 59 trường hợp tại Vũ Hán, không có trường hợp nào ở trên những tỉnh thành khác, và loại "vi-rút lạ" gây ra dịch viêm phổi cấp này không có dấu hiệu lây nhiễm giữa người và người. Về sau, rút lại con số từ 59 xuống còn 41 trường hợp.   Trưởng phòng dịch tễ học của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (Center for Disease Control), Zeng Guang, lập luận cho rằng "đây chỉ là một vài trường hợp, nếu so với dân số của Vũ Hán có hơn 10 triệu người".   Tình trạng trở nên tệ hại khi hàng chục ngàn du khách, mang theo vi rút Vũ Hán đi ra nước ngoài. Trong dịp Tết năm nay, từ ngày 20 đến 27 tháng 1, sẽ có 2.105 chuyến bay từ thành phố Vũ Hán đi khắp các tỉnh thành Hoa Lục, và 231 chuyến bay ra nước ngoài (kể cả Việt Nam).   Ngày 13 tháng 1 năm 2020, trường hợp đầu tiên phát hiện ở Thái Lan, bên ngoài lãnh thổ Hoa Lục. Một phụ nữ Trung Quốc được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi nhẹ đang trở về Thái Lan sau chuyến đi đến Vũ Hán.   Ngày 15 tháng 1, Ủy ban y tế Trung Quốc cho biết "cho đến nay, không có sự lây truyền vi rút Vũ Hán từ người sang người". Lời công bố của ủy ban đã không đứng vững trước sự kiện của một người phụ nữ tại Hồ Bắc đã bị lây nhiễm mặc dù bà ta không hề đến chợ Hoa Nam. Ông chồng của bà đã làm việc ở chợ và trở thành nạn nhân của dịch viêm phổi trước đó. Như vậy, bà ta đã có thể bị lây nhiễm bởi người chồng.   Ngày 16 tháng 1, trường hợp đầu tiên phát hiện tại Nhật Bản.   Ngày 17 tháng 1, trường hợp thứ hai tại Thái Lan. Trong cùng ngày, nạn nhân thứ hai đã chết tại Vũ Hán. Chính phủ Mỹ đã ra lệnh kiểm tra y tế các hành khách từ Trung Quốc đến các sân bay San Francisco, New York's JFK and Los Angeles   Ngày 20 tháng 1, trường hợp đầu tiên tại Nam Hàn.   Ngày 21 tháng 1, trường hợp đầu tiên tại Đài Loan.   Trong cùng ngày 21/1, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã xác nhận trường hợp đầu tiên tại Hoa Kỳ. Các quan chức CDC cho biết Hoa Kỳ sẽ nghiêm ngặt hơn về kiểm tra sức khỏe của hành khách máy bay đến từ Vũ Hán. Bệnh nhân không được nêu tên, đang cách ly tại Trung tâm Y tế. Anh ta ở độ tuổi 30 và sống ở Hạt Snohomish, tiểu bang Washington, ngay phía bắc Seattle.   Và virus cũng có thể đã lan sang Úc. Một người đàn ông ở thành phố Brisbane đã được thử nghiệm về chủng coronavirus mới gây chết người sau khi trở về từ chuyến đi đến Trung Quốc để thăm gia đình. Giám đốc y tế của tiểu bang Queensland, bà Jeanette Young, nói với các phóng viên rằng người đàn ông đã bị cô lập tại nhà của anh ta.   "Chúng tôi hiện đang theo dõi sức khỏe một người đàn ông đã đến Vũ Hán, trở về lại Úc và bị bệnh hô hấp", bác sĩ Young nói với các phóng viên hôm thứ ba. "Chúng tôi đã thực hiện một số thử nghiệm trên anh ấy và đang chờ kết quả thử nghiệm."   Đến hôm nay, nhà cầm quyền Trung Quốc báo cáo đã có 6 người chết tại Vũ Hán. Tổng số trường hợp tại Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc được nhà nước nâng lên từ 41 đến 314 vụ cần phải nhập viện. Một số video ngắn được đưa lên mạng cho thấy các bác sĩ và nhân viên bệnh viện ở Vũ Hán phải mặc loại áo chống nhiễm dịch tai các khu cách ly hiện đang điều trị bệnh nhân bị viêm phổi vì "coronavirus".   Trưởng khoa Y của đại học Hồng Kông HKU, Giáo sư Gabriel Leung, cho biết con số trường hợp ở Trung Quốc có thể lên đến 1.700 vụ. Ngoài ra, Giáo sư Leung theo phép tính của ông, dịch viêm phổi cấp phát xuất từ Vũ Hán hiện đang lan tràn đến 20 tỉnh thành tại Hoa Lục. Con số của Giáo sư Leung đưa ra đã phù hợp với con số ước lượng của một nhóm chuyên gia y tế của Trung tâm phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu MRC tại thủ đô London, Anh.   Trong bản báo cáo của Imperial College, phổ biến ngày 17 tháng 1, nhóm chuyên gia MRC đã ước tính có đến tổng cộng 1.723 trường hợp bị nhiễm vi rút "2019-nCoV" tại thành phố Vũ Hán.   Cho đến hôm nay, Trung Quốc nhìn nhận chủng "coronavirus" này có khả năng lây nhiễm giữa người và người. Zhong Nanshan, chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về các bệnh truyền nhiễm, nói với đài truyền hình CCTV của nhà nước rằng: sự lây truyền từ người sang người là "khẳng định".   Việt Nam và Bắc Triều Tiên, hai láng giềng giáp ranh với Trung Quốc, không có báo cáo xác định trường hợp nhiễm "coronavirus" nào cả. Báo Thanh Niên có đăng tin vào ngày 15/1, với tiêu đề "Xuất hiện 2 du khách nghi nhiễm viêm phổi 'lạ' tại Việt Nam."   Việt Nam hiện nay là quốc gia mở rộng cửa một cách ưu đãi quá độ đối với người và súc vật đến từ Trung Quốc./.  
......

Sự thật đau đớn

Luân Lê| Ông ấy chỉ là chuyên gia bóng đá, chứ không phải là một nhà tâm lý hay xã hội học. Nhưng ông ấy đã nhận xét chuẩn xác đến kinh ngạc về tâm tính của cả một dân tộc về phẩm chất và nhận thức của xã hội mà ông đang tận tâm cống hiến. Ông chỉ cần thua một vài trận, ông sẽ bị sỉ nhục và có thể gặp những lời đe doạ. Nhiệm vụ của ông chỉ là những chiến thắng chứ không phải là một nền bóng đá mà nó có thể có tương lai thế nào. Ông cứ nhìn vào cách mà xã hội này ăn mừng sau mỗi trận thắng thì hiểu tâm thức đó. Họ sẽ đặt cả châu Á hay thế giới dưới chân, mọi đội thua cuộc đều là những kẻ không ra gì hoặc quá kém cỏi, dốt nát, bị chế giễu, hạ nhục. Khi thua đội khác họ quay ra đổ lỗi cho đủ thứ, hoặc hùng hổ truy bức những người mà họ muốn gán ngay cho là thù địch, bọn hạ lưu. Họ không yêu bóng đá, họ thực ra cũng chẳng yêu chiến thắng của bóng đá. Ông thử nhìn vào các sự kiện của đời sống xã hội này xem họ hung ác tới cỡ nào khi ăn chặn, bòn rút từng đồng cắc của người nghèo, người tàn tật, người già, những người gặp thảm hoạ, học sinh và những đồng bạc xương máu của dân trong ngân khố quốc gia; những kẻ dùng chân tay đánh đập trẻ nhỏ, phụ nữ, những kẻ chỉ va chạm cũng xô xát rồi giết nhau, những kẻ rủ rê không đi nhậu hoặc nhậu say xong cũng tấn công triệt hạ những người gọi là bè bạn...ông thử nhìn xem, luật sư hay nhà báo còn vu đủ thứ tội ác kinh khủng nhất cho những người yếu thế, đòi treo xác lên tùng xẻo, đòi ném xuống hầm chông hay phi tiêu lên ngực thân xác một người già đã chết. Tôi không thể kể hết được. Bóng đá và chiến thắng của một vài trận bóng đá chỉ là cái cớ để họ tìm đến những lạc thú tầm mọn của bản thân. Nếu vì tình yêu thực sự, ông có nhìn thấy sự chia sẻ và khoan hoà trong những lần đổ xuống đường theo kiểu điên cuồng phóng xe hay lột truồng bản thân ra trước bàn dân thiên hạ? Chuyện thưởng và chia chác phần thưởng, chuyện đưa chính trị (hình lãnh tụ cách mạng hoặc báo công) như một tính toán có chủ đích. Ông đã nhận ra đúng vấn đề, đó là họ không yêu bóng đá, vì con người và thiên nhiên họ còn chẳng yêu, họ dẫm nát bất cứ thứ gì dưới chân và có thể giết bất cứ con gì để ăn. Họ cũng sẵn sàng lao vào chửi bới, mạt sát hay sỉ nhục người khác. Họ còn xả rác bừa bãi và đi trên đường coi đường cấm hoặc đèn tín hiệu chỉ là trang trí chứ không có tác dụng là một thứ luật pháp. Nhưng mà thưa ông, đám người đó họ lại luôn nhân danh và tuyên ngôn về những lý tưởng siêu hình đẹp đẽ, tuyệt diệu, bình đẳng, bác ái và khoan dung...nhưng cái quan trọng nhất cần có giữa con người với nhau là tình yêu thì lại vắng bóng hoàn toàn. Trái bóng không có nghĩa lý gì, khi trái tim họ đã hoàn toàn trống rỗng.    
......

Khi Phó giáo sư đi bán hủ tiếu, chiêu hiền đãi sĩ kiểu gì?

Đích đến của chính sách thu hút nhân tài phải là “hiền tài”. Ảnh minh họa  Quỳnh Thư| Báo chí đưa tin, trong vòng năm năm qua có đến 63 bác sĩ trong các cơ sở y tế tại tỉnh Hậu Giang nghỉ việc. Đây là một tỷ lệ đáng lưu tâm so với tổng số chưa đến 600 bác sĩ hiện có trong ngành chăm sóc sức khỏe ở tỉnh này. Trả lời đại biểu Hội đồng nhân dân về nguyên nhân trong buổi chất vấn tuần rồi, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho rằng lý do lớn nhất là thu nhập.   Vị giám đốc này nói thêm, dù chính quyền tỉnh đã có chính sách thu hút nhân tài từ ngoài tỉnh, kết quả vẫn là con số không. Nếu thực hiện khảo sát sẽ thấy chẳng có địa phương nào quay lưng với nguyên tắc chiêu hiền đãi sĩ cho bộ máy. Tuy nhiên, các chính sách đang thực hiện tỏ ra không mấy hiệu quả. Vậy thì, vấn đề nằm ở đâu?   Chúng ta thử xem trường hợp của PGS.TS. Lý Kim Hà, 31 tuổi, phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam trong đợt xét duyệt vừa qua. Có báo viết sau năm năm giảng dạy, “lương cứng” của giảng viên này hiện đang ở mức 5,5 triệu đồng/tháng. Nếu cộng thêm tiền đứng lớp, thu nhập chính thức của ông vào khoảng 8-9 triệu đồng.   PGS. Hà cho biết ông hài lòng với sự lựa chọn của mình sau khi đã từ chối nhiều vị trí ở nơi khác với mức lương cao hơn hẳn. Dù thu nhập chưa cao, ông nói vẫn cảm thấy hạnh phúc với công việc nghiên cứu và giảng dạy hiện tại.   Đây là hoài bão đáng trân trọng của một nhà khoa học. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng ngoài công việc ở trường, khi trở về nhà, vị phó giáo sư của chúng ta hiện vẫn phụ giúp cha mẹ trong quán hủ tiếu của ông bà. Giá như ông Hà có thu nhập tốt hơn từ công việc chính của mình ở trường, ông có thể hoàn toàn tập trung cho nghiên cứu. Khi ấy, giá trị tạo ra sau một giờ nghiên cứu của ông sẽ có thể lớn hơn gấp nhiều lần số tiền ông giúp kiếm được sau một giờ phục vụ trong một quán hủ tiếu. Trường hợp này há chẳng phải cũng là một dạng lãng phí hay sao?   Cũng cần lưu ý rằng không phải người tài nào cũng có lựa chọn như PGS. Hà, và cũng không thể bắt họ phải lựa chọn như thế. Cổ nhân đã có câu: “Có thực mới vực được đạo”. Cơm, áo, gạo, tiền vẫn là một trong những vấn đề thiết thân với đa số chúng ta, nếu không nói là gần như tất cả. Do đó, cải cách hiệu quả tiền lương cho công chức không chỉ giúp nâng cao chất lượng của bộ máy chính quyền mà còn là biện pháp hàng đầu giữ chân người tài.   Như đã nói ở trên, PGS. Hà vẫn vui vẻ với công việc và mức lương hiện tại, nhưng chẳng có gì bảo đảm nhà khoa học này sẽ mãi mãi giữ lòng như vậy. Ông đã có gia đình riêng dù đang sống cùng cha mẹ. Biết đâu một ngày nào đó, gánh nặng gia đình sẽ làm ông trở nên mệt mỏi khi phải vừa nghiên cứu ở trường vừa phải bưng bê hủ tiếu khi về nhà, và biết đâu ông sẽ xem lại quyết định của mình. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ chịu thêm một thất bại trong chính sách thu hút nhân tài.   Chúng ta vẫn thường bảo nhau rằng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước trong “quy trình bổ nhiệm nhân sự”. Để thực sự thu hút người tài, thiết nghĩ, cũng phải có một “quy trình chiêu hiền đãi sĩ” với các bước nghiêm ngặt không kém, mà bước đầu tiên là chính sách đãi ngộ, theo sau là các quy định hết sức cụ thể khác, như điều kiện làm việc, thăng tiến,...   Có lẽ trong số các lý do làm thất bại kế hoạch chiêu mộ hiền tài hiện hành là các biện pháp đều rất chung chung, chủ yếu “hô khẩu hiệu”, thiếu cụ thể đủ hấp dẫn và thuyết phục người tài, cũng như thiếu công minh trong khâu tuyển chọn.   Thêm nữa, một quy trình như vậy không thể bỏ qua thực trạng sau. Đích đến của chính sách thu hút nhân tài phải là “hiền tài”, nghĩa là người tài phải có đạo đức. Trên thực tế, “hiền tài” dù rất giỏi về chuyên môn trong lĩnh vực của họ, lại luôn dở tệ trong việc luồn lách qua các kẽ hở hay khả năng kết bè kết phái để mưu lợi cá nhân. Nếu cứ để các hiền tài này làm việc trong một môi trường như thế, họ rất khó tồn tại lâu dài.   Nếu không giải quyết căn cơ các vấn đề vừa nêu, chiêu hiền đãi sĩ sẽ tiếp tục là chuyện “nói cho vui”.  
......

Ngược đời đề nghị của Chủ Tịch Hiệp Hội Năng Lượng VN: Không được phản đối nhiệt điện than!

Thanh Trúc -  RFA| Ngược xu thế giảm phát thải! Một số tỉnh phía Nam không được phản đối các dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương  là đề nghị từ Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết ngành công thương hôm 27/12/2019 vừa qua. Đề nghị được đưa ra vào khi yêu cầu giảm thiểu, hạn chế hoặc bỏ hẳn nhiệt điện than được nhắc lại một cách nghiêm túc hơn tại Hội Nghị COP25 về biến đổi khí hậu toàn cầu do Liên Hiệp Quốc chủ trì diễn ra tại Chile vào tháng 12/2019. Yêu cầu này cũng trở nên cấp thiết khi mà không khí khu vực miền Bắc, nhất là Hà Nội, suốt thời gian qua bị ô nhiễm nặng đến mức nguy hại. Đề nghị của Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Trần Viết Ngãi khiến dư luận cho rằng đây là quan điểm trái chiều với xu thế sử dụng năng lượng sạch nhằm bảo vệ môi trường. Từ Hội Nghị  COP21 về biến đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc chủ xướng, Việt Nam đã cam kết sẽ giảm 8% tổng phát thải khí nhà kính so với năm 1990, và nếu như có được sự hỗ trợ của quốc tế thì Việt Nam sẽ giảm 25% khí nhà kính, trong đó nhiều phần đến từ nhiệt điện than. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Khoa Môi Trường và Tài Nguyên Thiên Nhiên Đại Học Cần Thơ, cho rằng đề nghị chỉ đạo các tỉnh không phản đối nhiệt điện than là một kiến nghị vô lý: “Bởi vì các tỉnh có quyền đồng ý hay không đồng ý đặt nhà máy như vậy tại địa phương của mình, cái đó nằm trong Luật rồi. Khi làm dự án như vậy phải có sự tham khảo cộng đồng và ý kiến của chính quyền địa phương. Khi cộng đồng không đồng ý thì phải tìm cách điều chỉnh thế nào chứ không thể bắt buộc người ta đồng ý vì như vậy là trái Luật”. “Cái thứ hai, có nhiều bài học ở Việt Nam cho thấy chỗ nào có xây dựng nhà máy nhiệt điện, dù cho là có áp dụng công nghệ mới thì  ô nhiễm vẫn xảy ra. Đó là lý do tại sao nhiều tỉnh bây giờ nhận thấy khi mà đem nhiệt điện than vào địa phương thì họ gặp rất nhiều khó khăn, người dân sản xuất không được, bệnh tật gia tăng… Họ đề nghị đổi qua những dạng khác ít ô nhiễm hơn. Như điện chạy bằng khí hóa lỏng chẳng hạn, ít phát tán và không có chất thải nhiều. Hoặc là khuyến khích sự phát triển năng lượng tái tạo ở các khu vực phía Nam này rất phù hợp”. Thiếu điện dự phòng Hệ thống điện hầu như không còn dự phòng là lý do ông Trần Viết Ngãi đưa ra. Ông nói các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí… giữ vai trò chủ lực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng điện trong một thập niên tới, thế nhưng việc cung cấp than, khí… cho việc phát điện đang gặp rất nhiều khó khăn. Về mặt nguyên vật liệu trong sản xuất nhiệt điện than, Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam cho biết trong khi khả năng cung cấp trong nước chỉ đáp ứng được chừng 30 đến 35 triệu tấn thì dự kiến năm 2020 cần khoảng 60 triệu tấn, năm 2025 cần khoảng 70 triệu tấn và đến năm 2030 phải là 100 triệu tấn. Điều này cho thấy, vẫn theo ông Trần Viết Ngãi, nhu cầu than nhập khẩu ngày càng cấp bách hơn, bên cạnh đó thì nguồn khí cũng đang suy giảm dần trong thời gian tới, vì thế tiến độ triển khai tại các dự án dầu khí như Lô B, Cá Voi Xanh bị chậm hẳn lại. Ông còn cảnh báo là hầu hết các dự án nhiệt điện than, trong Quy Hoạch Điện VII điều chỉnh, đều chậm tiến độ trong vòng 2 đến 4 năm, dẫn đến tỷ lệ 20% nguồn điện dự phòng 2015-2017 trở thành không còn dự phòng, tức thiếu hụt, bước sang giai đoạn 2021-2025. Phản biện! Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho hay ông không hoàn toàn đồng ý với nguyên nhân thiếu hụt điện dự phòng mà ông Trần Viết Ngãi nêu ra: “Nói là đang thiếu nhưng thực sự theo tôi đánh giá là đôi khi Việt Nam mình sử dụng điện không hiệu quả, sự lãng phí điện có rất nhiều, hoặc là tập trung cho những ngành công nghiệp tiêu thụ điện nhiều mà sinh lợi không cao và còn gây ô nhiễm nữa”. Đồng ý rằng than có giá rẻ hơn các nguyên vật liệu khác, tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, nhưng thực tế cái giá phải trả cho vấn đề môi trường và vấn đề sức khỏe thì so ra đắt hơn những dạng năng lượng khác. Ý kiến đề xuất của Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam đã bị một số khoa học gia, chuyên gia phản đối. Về mặt nhu cầu thỉ có vẻ hợp lý nhưng về mặt môi trường thì không thể chấp nhận được, là quan điểm của  phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Trung Tâm Công Nghiệp Môi Trường Việt Nam: “Nhu cầu điện của Việt Nam tăng hàng năm khoảng 10%. Trong Qui Hoạch Điện VII thì điện than đóng vai trò rất quan trọng. Gần đây do Chính phủ có một số qui định hỗ trợ giá điện, rồi sau khi thấy qui hoạch điện mặt trời và điện gió phát triển nhanh thì Việt Nam đang tính tới hướng là hạn chế điện than đi”. “Tuy điện mặt trời và điện gió phát triển nhanh nhưng mà lại không đồng bộ vì đườn dẫn, đường truyền tải điện không có, phát triển xong rồi cũng không phát, không đưa lên lưới được. Chắc là nghĩ rằng sợ thiếu điện cung cấp cho phát triển nên ông ấy phát biểu thế. Tiếc rằng về mặt môi trường thì ý kiến đó không hợp lý” “Tôi  nghĩ định hướng chung của Chính phủ vẫn là không phát triển điện than, thậm chí Thủ tướng Chính phủ có lần nói rằng trừ những dự án nào đã đưa vào qui hoạch rồi, đang xây dựng dở rồi thì tiếp tục phát triển, còn dự án nào đang nằm trong qui hoạch mà chưa động thổ, chưa có nguồn vốn thì có lẽ cũng không nên phát triển tiếp vì hiện có những nguồn điện khác thay thế rồi chứ không nhất thiết phải phát nhiệt điện than”. Được biết điện từ nhiên liệu hóa thạch bao gồm than ở Việt Nam hiện chiếm trên 60% tổng lượng điện tiêu thụ. Tiến sĩ Phùng Chí Sĩ nói tiếp: “Điện than, điện dầu, điện đốt từ các nhiên liệu hóa thạch chiếm 60 đến 70%. Điện gió mặt trời trong qui hoạch khoảng độ 5-7% thôi nhưng bây giờ đang phát triển vượt bậc. Tôi ước đoán là 10-15% rồi chứ không phải 5-7% như qui hoạch đâu”. “Việt Nam đang dần dần hạn chế sử dụng điện than bằng nhiều hình thức để cho tỷ trọng các nguồn điện khác nó tăng lên và điện than ngày càng giảm đi. Còn nói bỏ ngay thì tôi nghĩ cũng khó, tương lai chắc một hai ba chục năm nữa mới bỏ được”. Trở lại đề nghị mà Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam kiến nghị lên Thủ tướng để chỉ đạo các tỉnh, đặc biệt một số tỉnh phía Nam, không được phản đối nhiệt điện than, báo Dân Trí trích dẫn câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “Tiếp tục phát triển nhiệt điện than thì dư luận không đồng tình”. Trao đổi với đài Á Châu Tự Do, giáo sư tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa Học, Công Nghệ và Môi Trường, nói rằng ông tin tưởng Chính phủ sẽ không cấm các địa phương phản đối nhiệt điện than như đề nghị của bên Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam: “Cũng hơi khó đấy, nhưng theo tôi nghĩ bằng cách nào chứ cách mà phát triển điện than để bù vào năng lượng thiếu hụt thì không hay lắm đâu. Cái dấu ấn để lại là khi đã ô nhiễm như vậy thì không bao giờ khắc phục được đâu. Ấn Độ và Trung Quốc đã bị ô nhiễm không khí nặng như vậy mà khả năng khắc phục thì hết sức khó khăn”. Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 28/12/2019 đưa tin Diễn Đàn EST12 do Bộ Giao Thông  Vận Tải, phối hợp cùng các Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Bộ Xây Dựng, UBND TP Hà Nội, Bộ Môi Trường Nhật Bản, Trung Tâm Phát Triển Vùng Liên Hiệp Quốc, đồng tổ chức từ ngày 28 đến ngày 30/12/2019 tại Hà Nội. Đây là diễn đàn thường niên với mục đích thúc đẩy nhận thức chung giữa các nước châu Á về bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải, xây dựng đô thị và cộng đồng an toàn hơn, tốt đẹp hơn và bền vững hơn thông qua các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển hiệu quả. Tại Diễn Đàn, Bản Tuyên Bố Hà Nội, đề cao nhận thức và bảo vệ môi trường, đã được công bố. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên Cứu Biển Đổi Khí Hậu, Khoa Môi Trường và Tài Nguyên Thiên Nhiên Đại Học Cần Thơ, cho biết đây là hy vọng đối với kế hoạch giảm thiểu điện than gây ô nhiễm không khí và bệnh hô hấp không lây nhiễm mà Bản Tuyên Bố Hà Nội đã đề cập tới. Thanh Trúc -  RFA  
......

Khi kẻ khủng bố gắp lửa bỏ tay người

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân| Người dân Miền Nam sống dưới chế độ Cộng Hoà, không ai không có những ký ức hãi hùng về những vụ nổ plastic và tiếng rít gieo chết chóc của những quả hoả tiễn 122 ly của Việt Cộng. Trong chiến tranh, bản chất khủng bố của những đơn vị đặc công Việt Cộng được chỉ đạo từ Hà Nội không còn giấu diếm được ai. Để thắng trong cuộc chiến tranh xâm lăng mang danh nghĩa “giải phóng”, những người cộng sản sử dụng khủng bố làm nền tảng tạo sự sợ hãi, để khống chế người dân trong gọng kềm của họ. Ngày nay gần nửa thế kỷ nắm quyền trên cả nước, Cộng sản vẫn để lộ chân tướng là những tay khủng bố nhà nghề bằng cách gắp lửa bỏ tay người, đe doạ người yêu nước, triệt hạ nhân quyền và siết chặt tự do ngôn luận. Do những thất bại nặng nề trên mặt trận tuyên truyền trong thời gian vừa qua trước sức lớn mạnh của mạng xã hội, Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã liên tục tấn công nhằm triệt hạ các hoạt động của đảng Việt Tân. Mới đây, VTV1 được chọn làm mũi xung kích trong chiến dịch bôi đen các tổ chức đấu tranh mà Việt Tân là tổ chức đang trực diện đối đầu với độc tài cộng sản quyết liệt nhất. VTV1 đã tốn công giới thiệu đảng Việt Tân từ ngày thành lập và thêm thắt, vẽ vời những điều ghê gớm quá xa sự thật, với ý đồ biến tổ chức này thành một con ngáo ộp đe doạ người Việt, và khuyên họ phải lánh xa. Nhưng mọi người đều biết, đây là một đảng chính trị hoạt động công khai từ năm 2004, có trụ sở tại Hoa Kỳ và có mặt khắp thế giới, lấy phương pháp bất bạo động làm nền tảng xoá bỏ độc tài, xây dựng dân chủ để canh tân đất nước. Do hiệu quả đấu tranh, Việt Tân trở thành một cái gai dưới mắt Hà Nội. Để triệt hạ đối thủ, Hà Nội qua cái loa VTV1 gán ghép mà không có bằng chứng cụ thể nào “Việt Tân mong muốn tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại và tiến hành lật đổ chế độ”. Sự thực về những phương hướng của Việt Tân mà Cộng Sản Hà Nội đang lo sợ, chỉ là những phân tích từng giai đoạn của tình hình quần chúng đấu tranh, để từ đó đưa ra con đường tranh đấu ôn hoà khả thi nhất mà mọi người có thể noi theo. Với đường lối đấu tranh bất bạo động, Việt Tân hỗ trợ các nỗ lực phản kháng của quần chúng nhằm “gia tăng sức mạnh phản kháng cho các phong trào đòi tự do dân chủ” trong nước. Bất chấp thực tế và cũng để đe doạ người dân, Hà Nội gán ghép các tổ chức xã hội dân sự như Hội Nhà Báo Độc Lập, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Hội Anh Em Dân Chủ, ngay cả Quỹ Hỗ Trợ Tù Nhân Lương Tâm v.v… đều là “tổ chức chân rết” của đảng Việt Tân. Thật là lố bịch khi cho rằng những tổ chức dân sự này hoạt động dưới sự chỉ đạo, xúi giục của Việt Tân chỉ vì họ cũng lấy bất bạo động làm phương châm hành động. Vì thế trong 2 năm gần đây, nhà cầm quyền cộng sản đã cố triệt hạ các tổ chức này bằng cách ra tay càn quét nhân sự, lần lượt bắt giam nhiều người và tuyên án thật nặng. Đợt khủng bố trắng sau các cuộc biểu tình yêu nước chống Luật An Ninh Mạng và Luật Đặc Khu, hàng trăm người bị đặc vụ cộng sản bắt cóc ngay trên đường phố, trong công viên và giam giữ hàng năm không qua xét xử. Đây chẳng qua là một hình thức khủng bố mới của Hà Nội, không dùng lựu đạn, plastic C4, đạn súng cối như thời chiến tranh mà dùng bạo lực chính trị để làm quần chúng sợ hãi. Nhưng chế độ cộng sản vẫn thất bại trên mặt trận tư tưởng vì tuy phong trào dân chủ có tạm thời lắng xuống nhưng mạnh mẽ hơn bao giờ hết trên mạng xã hội. Bằng chứng sự thua cuộc ấy là trong diễn đàn “Thanh Niên Việt Nam yêu nước” tổ chức vào ngày 11 Tháng Mười Hai, 2019 vừa qua, viên bí thư Đoàn tỉnh Nghệ An đã thú nhận “Việc đấu tranh với các thế lực thù địch của Việt Nam còn yếu, thậm chí có nhiều mặt còn đang thua,” và “Nhiều trang mang màu sắc đỏ thì đối tượng tiếp cận chủ yếu là anh em chúng ta, chúng ta nói cho nhau nghe chứ các thanh niên khác không ai nghe chúng ta.” Sự thừa nhận lẽ thắng bại của viên bí thư Đoàn thanh niên Nghệ An giáng một đòn cay đắng vào đường lối của Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Chính vì thế mà Võ Văn Thưởng chỉ đạo cho VTV1 lên tiếng ra rả cáo buộc đủ điều nhắm vào các phong trào dân chủ, nhất là đảng Việt Tân. Sở dĩ Hà Nội gán ghép đủ thứ tội trạng cho Việt Tân, một phần do tổ chức chính trị này tranh thủ được sự đồng tình của quảng đại quần chúng bằng phương pháp bất bạo động. Đảng Cộng Sản cho rằng đây là lúc phải tách các phong trào xã hội dân sự trong nước với các tổ chức chính trị của người Việt hải ngoại. Muốn làm được việc này có hiệu quả, Bộ Công An đã đưa ra “lệnh truy nã” một số nhân vật chính trị hải ngoại và tuyên bố “chỉ định” 2 tổ chức của họ vào danh sách khủng bố và tài trợ khủng bố vào đầu Tháng Tám, 2019, nhằm mục đích đe doạ người khác. Rõ ràng là Hà Nội cố tình nhập nhằng để đánh lừa dư luận, vì trong danh sách Liên Hiệp Quốc công bố danh sách các tổ chức khủng bố toàn cầu thì không có tên Việt Tân và Chính phủ Lâm thời. Hãy xét xem giữa những tổ chức và phong trào chính trị hải ngoại và đảng CSVN, ai mới là khủng bố? Theo ông Vũ Quốc Ngữ, Giám Đốc Tổ chức Defend the Defenders, trong năm 2019 có ít nhất 40 nhà hoạt động bị bắt giữ trong số đó có 21 người liên quan đến những bài viết ôn hoà trên Facebook. Trong lúc đó nhà cầm quyền cộng sản đã kết án 40 nhà hoạt động khác tổng cộng 207 năm tù và 47 năm quản chế. Trước đó năm 2018, Hà Nội phản ứng điên cuồng sau cuộc biểu tình rầm rộ phản đối dự thảo Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng ngày 10 Tháng Sáu, 2018. Hàng trăm người biểu tình bị bắt giữ sau đó một cách mờ ám và có ít nhất 127 người bị gán ghép tội “gây rối trật tự” và “chống người thi hành công vụ”. Rõ ràng đây là một chiến dịch khủng bố tàn bạo nhắm vào công dân yêu nước mà thủ phạm không ai khác hơn đảng CSVN thực hiện bằng công cụ mật vụ, công an tay sai. Nhìn một cách tổng quát, trong vòng ba năm gần đây chế độ cộng sản tại Việt Nam lâm vào thế bế tắc vì phải đương đầu cùng một lúc với nhiều vấn đề nan giải ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Trong nước, các phong trào xã hội dân sự sau thời kỳ bùng nổ, đã đi vào hoạt động chiều sâu mà chiến thuật trì hoãn của nhà cầm quyền trong việc ban hành luật lập hội đã không còn hiệu quả. Đã đến lúc Hà Nội không còn ngăn chặn được tiếng nói chính đáng của người dân thông qua các tổ chức xã hội dân sự chính danh như trong việc ký Hiệp Định Thương Mại Tự Do giữa Liên Minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Thứ hai, do lòng tham không đáy của cán bộ nhà nước, nơi này nơi khác, việc cưỡng chế đất đai tiếp tục diễn ra. Vụ án cướp đất khủng khiếp và trắng trợn Thủ Thiêm cho tới nay vẫn không được giải quyết đúng nguyên vọng người dân tạo thêm nhiều bất mãn. Trong năm 2019 Vườn Rau Lộc Hưng quận Tân Bình trở thành điểm nóng giành quyền sống có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Thứ ba, vấn đề ô nhiễm môi trường chẳng những tại thủ đô Hà Nội và TP.HCM mà còn diễn ra trên khắp nước là sự kiện nổi bật nhất hiện nay, vì nó liên quan đến sức khoẻ của toàn dân. Đó cũng là hệ quả tất yếu của chính sách “đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” khi nhà cầm quyền để mặc hệ thống nhiệt điện than và các nhà máy thép như Formosa tự do đầu độc môi trường. Sự tàn ác của chính quyền cộng sản chính là biết mà không làm gì vì đã liên kết với các thế lực đen tối nước ngoài. Cuối cùng, đấu đá nội bộ chung quanh sự sắp xếp nhân sự trước Đại hội 13 giữa các phe phái trong đảng không còn là mối đe doạ tiềm ẩn mà theo thông lệ đang trở thành công khai. Trong một hội nghị tổng kết của Ban Tổ Chức Trung Ương, Bí Thư Thường Trực Trần Quốc Vượng không còn lôi thế lực thù địch vào cuộc mà tuyên bố thẳng về một nguy cơ sụp đổ “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu”. Sự thừa nhận về một sự sụp đổ từ bên trong đưa sự lo sợ của đảng Cộng Sản lên một mức cao hơn bao giờ hết trong lần này. Do vậy, để che giấu những tử huyệt của mình cũng như né tránh sự giận dữ của người dân, Hà Nội có nhu cầu tạo ra một sự sợ hãi mới trong nhân dân để trấn an đảng viên cộng sản. Đó là lý do mà VTV1 những ngày vừa qua đóng vai trò một cái loa của một đảng chuyên khủng bố, một lần nữa khuấy động dư luận, trắng trợn buộc tội các tổ chức chính trị là tổ chức khủng bố. Làm như vậy họ nghĩ rằng có thể đe nẹt người dân, đẩy sự sợ hãi lên cao để lấp liếm sự thất bại của chế độ, nhưng họ đã hao hơi tổn sức để làm một việc vô ích và trò hề cho thiên hạ đàm tiếu. Thật nực cười khi đảng CSVN là đảng có thành tích khủng bố lớn nhất ở Việt Nam trong 70 năm qua, ngày nay lại lu loa lên tiếng cáo buộc những tổ chức chính trị như Việt Tân là khủng bố, đồng thời kêu gọi mọi người tránh xa không tiếp tay cho khủng bố phá hoại đất nước. Nhưng trò ném đá giấu tay, gắp lửa bỏ tay người ấu trĩ ấy không còn lừa gạt được ai. Vì chân tướng của kẻ khủng bố nằm ngay trong bản chất của đảng CSVN, do đó tố cáo người khác là khủng bố cũng không làm bộ mặt đảng sạch sẽ gì hơn! Phạm Nhật Bình Đảng Việt Tân và đấu tranh bất bạo động Đấu Tranh Bất Bạo Động: Cái giá phải trả  
......

Bá Thanh – Một tượng đài trên cát

Lê Trọng Vũ| Một loạt quan chức xộ khám vì liên quan đến đất công và toàn bộ hệ thống truyền thông nhà nước đang chĩa mũi dùi về phía Vũ “nhôm”. Điều đó không sai nhưng sẽ là đúng hơn nếu báo chí chia sẻ với độc giả của mình về người đứng đằng sau tất cả những chuyện này. Vì một người xuất thân với hai bàn tay trắng như Vũ “nhôm”, lại chỉ sau thời gian ngắn kinh doanh đã có thể sai khiến được cả dàn gồm 21 lãnh đạo hàng đầu của Đà Nẵng, qua nhiều thời kỳ, thì hẳn phải có thế lực rất lớn chống lưng ở phía sau. Vũ Nhôm và các cựu quan chức CS trong vụ tham nhũng đất tại Đà Nẳng Trong cáo trạng được Viện kiểm sát đọc trước toà, một loạt sai phạm của chính quyền Đà Nẵng về việc không thông qua đấu giá hoặc nhiều lần tự ý điều chỉnh giá công sản thấp xuống hòng làm lợi cho Vũ “nhôm” đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng. Tất cả các vụ việc này đều xảy ra ở Đà Nẵng và vào thời điểm ông Nguyễn Bá Thanh làm bí thư, chức danh đứng đầu thành phố và thực tế đã khuynh loát cả hệ thống chính trị địa phương này trong một thời gian dài. Chưa kể những dự án mà gia đình ông Bá Thanh đang làm chủ hoặc có cổ phần gây đồn đoán trong dư luận thì chỉ riêng những thông tin trong bảng cáo trạng này thôi cũng đủ là một đề tài hấp dẫn cho báo chí làm cuộc điều tra về vai trò phía sau của ông Bá Thanh và về khối tài sản khổng lồ mà một người lãnh đạo công chính không thể nào sở hữu được. Khi không gọi đúng tên Bá Thanh, báo chí chỉ nói về một nửa sự thật và chưa làm tròn bổn phận của mình. Trong những điểm nghẽn mà Đà Nẵng đang bị tắc và loay hoay tìm giải pháp khắc phục nhiều năm nay, từ vụ Vũ “Nhôm” thâu tóm nhà công sản đến “bật đèn xanh” cho Sun Group đánh chiếm tài nguyên không thông qua đấu giá, từ quy hoạch sai lầm không thể sửa chữa được đến điều hành chính quyền một cách độc đoán và dân tuý, từ “băm nát” Sơn Trà để các nhóm lợi ích trục lợi đến cấp phép cho doanh nghiệp bất động sản lấp ao hồ ở Hoà Xuân và lấn sông Hàn, từ xẻ bán sân vận động Chi Lăng đến cưỡng chế cả giáo xứ Cồn Dầu để lại những hậu quả nặng nề, lâu dài về sau. Không vấn đề nhức nhối nào của Đà Nẵng hiện nay mà không hướng về một cái tên duy nhất, là Bá Thanh. Nguyễn Bá Thanh Vậy mà vào thời còn trên đỉnh cao quyền lực, Bá Thanh được báo chí tung hô lên tận trời xanh, như một ngôi sao giải trí hạng A, là “Lý Quang Diệu của Đà Nẵng”. Thậm chí, một vài “cây bút” còn ngầm cổ suý cho hành động trộm cắp của công bằng quan điểm nguy hiểm, kỳ quái nhất thế giới, là “ăn được làm được”. Mạng xã hội đang bùng nổ ở Việt Nam hơn bao giờ hết và báo chí đã tỏ ra “hụt hơi” trước cách tiếp cận thông tin nhanh chóng này, nhưng thay vì đổ lỗi cho các nền tảng mới thì nên nhớ rằng, dẫu công nghệ có phát triển thế nào, bạn đọc sẽ không bao giờ quay lưng lại với những tờ báo dũng cảm theo đuổi các giá trị căn bản nhất của nghề báo, là trung lập và đặt sự thật lên hàng đầu. Lẽ ra ở một nơi có mật độ nhà báo cao nhất nước như Đà Nẵng, báo chí phải phát huy vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống tham nhũng hoặc chí ít cũng cảnh báo được các chính sách sai lầm, đằng này báo chí lại chỉ luôn huyễn hoặc nơi mình đang sống, tìm cách tô vẽ công trạng của lãnh đạo một cách lố bịch và ru ngủ dân chúng bằng những “rạp xiếc và bánh mỳ” trước mắt hòng cho họ quên đi những thách thức mà tương lai sẽ phải đối mặt. Trong câu chuyện pháp đình đang diễn ra ồn ào mấy ngày nay, nhiều bạn trẻ thường lên các diễn đàn cảm thán “Giá mà còn Người thì chắc không có những chuyện này”. Đúng là nếu ông Bá Thanh còn sống, có khi Đà Nẵng sẽ vẫn lấp lánh với nhà cao tầng và trung tâm thương mại bóng loáng bên ngoài. Nhưng điều đó chỉ như lớp son phấn trét bên ngoài da còn những mầm bệnh bên dưới của đô thị miền Trung này sẽ di căn ngày càng trầm kha hơn. Đánh giá chính trị gia không nên bằng những khoảnh khắc dân tuý mà nên bằng các phân tích về những di sản họ để lại. Đánh giá về Bá Thanh mà lại đứng quá gần, bằng cảm xúc cá nhân hoặc từ đong đếm số lượng nước mắt trong đám tang là không thật khách quan, chưa nói lượng nước mắt đó cũng đều từ những bài báo ủy mị mà ra. Nhắc lại chuyện Đà Nẵng không phải để hằn học, đổ lỗi cho người đã mất, nhắc lại để cùng nhau rút ra bài học về một thời kỳ sai lầm, khi chính người dân chúng ta đã thờ ơ với vai trò giám sát chính quyền và mê muội, sùng bái cá nhân. Nhắc lại cũng để hỏi các anh chị báo chí, những người một thời đòi đặt tên đường và dựng tượng Bá Thanh, rằng để một thành phố có quá nhiều lợi thế như Đà Nẵng ra nông nỗi này, quí vị liệu có vô can?  
......

Đừng quên họ, những tù nhân lương tâm

Khánh Vi -  Việt Nam Thời Báo| Tự hỏi có bao nhiêu người đấu tranh phải tạm lánh gia đình trong thời kỳ này như cô Phạm Đoan Trang, bao người ở Thái Lan để sẵn sàng tỵ nạn nước thứ ba như anh Đoàn Huy Chương, và bao nhiêu người đang phải đối mặt bức bối với nạn ‘bánh canh’ như ông Nguyễn Tường Thuỵ. Và tự hỏi, có bao nhiêu người vợ phải đối diện với dèm pha ‘phản động’ như vợ thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, vợ ông Lê Quý Lộc (nhóm Hiến pháp), vợ ông Lưu Văn Vịnh, vợ kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh, v.v. Cũng như họ phải đối diện với sự sợ hãi ban đầu và gánh nặng kinh tế khi người chồng phải ở chốn lao tù. Toà án TP.HCM ra quyết định, ngày 14-01-2020 sẽ đưa 8 người thuộc nhóm Hiến pháp ra xét xử với tội danh “phá rối an ninh”, theo khoản 2 – điều 118 Bộ luật hình sự 2015. Như vậy, những ngày cuối năm sẽ diễn ra phiên xử những người bất đồng chính kiến trong xã hội, bổ sung thêm đội ngũ tù nhân lương tâm tại Việt Nam, tiệm cận gần 200 người. Có nhiều điều để nói về xã hội hiện tại dưới lăng kính nhân quyền. Một bầu không khí ảm đạm trong năm 2019. Tự hỏi có bao nhiêu người đấu tranh phải tạm lánh gia đình trong thời kỳ này như cô Phạm Đoan Trang, bao người ở Thái Lan để sẵn sàng tỵ nạn nước thứ ba như anh Đoàn Huy Chương, và bao nhiêu người đang phải đối mặt bức bối với nạn ‘bánh canh’ như ông Nguyễn Tường Thuỵ. Và tự hỏi, có bao nhiêu người vợ phải đối diện với dèm pha ‘phản động’ như vợ thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, vợ ông Lê Quý Lộc (nhóm Hiến pháp), vợ ông Lưu Văn Vịnh, vợ kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh,v.v. Cũng như họ phải đối diện với sự sợ hãi ban đầu và gánh nặng kinh tế khi người chồng phải ở chốn lao tù. Và cũng tự hỏi, có bao nhiêu con người đã và đang vắt kiệt sức lực để góp phần cho đi lên của nhân quyền tại Việt Nam như cô Nguyễn Thuý Hạnh. Và cũng tự hỏi, có bao nhiêu con người đang lẵng lặng góp sức mình đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam, và cho đến khi mất đi họ mới được cộng đồng biết tên như bạn Nguyễn Lâm Duy Quí, người quản trị Nhật Ký Yêu Nước với biệt danh AH. Nhân quyền là một không gian mà sự đánh đổi là không giới hạn, đặc biệt trong những lĩnh vực bị chính quyền coi là nhạy cảm được ghi nhận tại điều 25, Hiến pháp 2013. Và sự trả giá cao nhất là tự do thân thể, buộc phải xa rời gia đình trong một thời gian dài. Nhưng ánh lên trong bầu không gian ảm đạm đó, là ánh mắt quyết tâm, cương nghị theo đuổi quyền con người của từng cá nhân và sự ủng hộ của người thân gia đình. Cho đến nay, chưa có bất kỳ tù nhân lương tâm nào đứng trước toà khóc lóc và run rẩy xin lỗi một cá nhân nào đó. Điều thấy ở họ là những tuyên bố đanh thép dựa trên chính tinh thần và nội dung mà Hiến pháp nhà nước Việt Nam đã đề ra. Và nếu có một câu thơ nào khái quát tốt nhất tinh thần của những con người đó, thì Tống Biệt Hành của Thâm Tâm là miêu tả đặc sắc nhất, góc cạnh nhất về mặt nội tâm lẫn lý tưởng. “Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ, Chí nhớn chưa về bàn tay không, Thì không bao giờ nói trở lại! Ba năm mẹ già cũng đừng mong!” Nhưng cạnh những người như vậy, thì sau lưng họ luôn có những người vợ, người cha, người mẹ và người con ủng hộ. ‘Cộng sản’ trở thành cụm từ được nhắc nhiều đến trong các bài viết và lời nói của những người thân của tù nhân lương tâm đó. Là cụm từ thể hiện tâm trạng căm phẫn, ghét cay cùng cực. Đó là cụm từ chính để diễn đạt nguyên nhân khiến bố mất con, vợ mất chồng, và những cảnh nhà bị bao vây tứ phía bởi bộ máy quyền lực nhà nước. Nếu Tắt Đèn là tác phẩm đặc tả cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam đầu thế kỷ XX dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Thì ‘Cộng Sản’ được nhiều người thẩm thấu như là xiềng xích cho hàng vạn sự đoạ đày, nơi thân phận người dân là buộc phải cam chịu, bị sai khiến như ‘Đèn Cù’. Số tù nhân lương tâm gia tăng ở các trại giam nhiều bao nhiêu càng thể hiện đặc sắc tính chất ‘vì dân’ của cơ chế chính trị đến đâu. Và hiện trạng nhân quyền ảm đạm đến đâu sẽ cho biết giá trị bền vững của xã hội này đến đó. Và cái giá phải trả quá đắt về sức khoẻ lẫn công bằng pháp luật của số đông người dân khi chính họ thể hiện sự vô cảm đến khốn nạn đối với quyền của chính họ, con cháu họ trong lương lai như thế nào. Tất cả mọi thứ sẽ đi theo một tỷ lệ thuận bất biến. Nhưng khi chờ một sự đột biến trong tương lai, thì nhân quyền Việt Nam vẫn tiến triển, dù chậm đến mức bất động. Bởi khi có người bị bắt giam vì ‘an ninh quốc gia’. Nhìn tiêu cực, đó là răn đe xã hội, nhưng tích cực thì sợ hãi trong xã hội đối với sự phi nhân quyền của quyền lực đang bị teo lại. Chỉ cần, cộng đồng (dù nhỏ) không quên tên của bất cứ tù nhân lương tâm nào, tìm hiểu thông tin của họ khi họ đứng trước phiên toà, v.v. thì khi đó, nhân quyền vẫn còn Quyền để sống trên mảnh đất Việt Nam này.    
......

Phạm Chí Dũng – Anh đang ở đâu trong cuộc đời này…

Ts Phạm Chí Dũng Mai Tú Ân - VNTB| Thế là hết. Buồng giam với hai cánh cửa sẳt đã sập lại, nhốt vào bóng đêm tối đen của nó một người chiến sĩ đấu tranh kiên cường trên mặt trận thông tin lề trái, và không biết đến bao giờ thì cái người được mệnh danh là Anh Hùng Thông Tin Thế Giới được nhìn thấy được bầu trời tự do đầy nắng ấm. Có lẽ là lâu xét theo tiêu chuẩn của những người đã đi cùng anh, đi trước anh. Phạm Chí Dũng cũng đã có mặt trong số trí thức phản biện và mặc dù có nhiều kẻ ưa nhưng cũng lắm kẻ ghét anh. Người ta bảo anh là Dư luân viên cao cấp của  cộng sản, là đặc tình cài cắm trong số những người đấu tranh để gài bắt họ. Nhưng ông đặc tình cài cắm Phạm Chí Dũng chưa gài bắt được ai thì đã bị CS bắt, và bắt lần thứ hai. Có thêm một lý do nữa để những kẻ ghét anh được dịp tru tréo. Đó là anh không mấy khi trả lời comments của bạn đọc và nhiều người cho rằng anh tự kiêu, cao ngạo. Rồi ghét anh vì gia đình gốc gác CS. Nhưng theo tôi thì chỉ có hai loại người ghét anh. Thứ nhất là những người không hiểu anh và thứ hai là những người đố kỵ với tài năng và sự nổi tiếng của anh. Một anh chàng công tử con nhà nòi, tiến sĩ văn chương và đã từng công tác trong ngành An Ninh, và phải nói thẳng ra rằng Phạm Chí Dũng là một nhà báo, một nhà hoạt động chống có được nhiều sự ưu ái, trân trọng của các Tổ Chức Nhân Quyền trên khắp thế giới. Các báo đài Hải Ngoại, VOA, RFI… đều phỏng vấn anh hàng tuần, bằng cả Anh, Pháp ngữ. Tiếng nói của Phạm Chí Dũng, mặc dù rất nhẹ nhàng kiềm chế nhưng luôn được lượng share lại của báo đài và bạn đọc. Một con người tài năng, kinh bang tế thế như vậy thì làm gì mà chẳng có người ghen kẻ ghét… Nhưng than ôi! Chỉ có ở trong chăn mới biết chăn có rận, và thấy cả những vết thương thành sẹo. Ông chủ tịch Hội NBĐL VN, kiêm tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng thì trông cao và gầy nhom như một anh học trò nghèo bị cắt suất ăn. Mặc dù ăn mặc chỉnh tề nhưng anh luôn tất bật với đủ thứ trách nhiệm trút lệ vai.  Như một bà đỡ ít nói, anh suốt ngày lo vấn an các Hội viên lão thành và tài năng nhưng cũng khó tính bỏ mẹ, chút hờn chút lại đổi khiến cho Phạm Chí Dũng ở trong Nam và Nguyễn Tường Thụy ở ngoài Bắc cứ phải chạy theo dỗ dành ngon ngọt. Làm việc lâu anh em mới biết dược con người của Chí Dũng. Viết và đem những điều tốt đẹp đến cho người dân là một nỗi đam mê không thể cưỡng lại được của anh. Rồi trang mạng Việt Nam Thời Báo hình thành và phát triển trong sự vui mừng của anh. Chí Dũng luôn tin tưởng vào Hoà Hợp, và khấp khởi mong tới ngày nhà nước sẽ cho phép Hội NB và tờ VNTB được ra công khai. Và anh cũng chuẩn bị nghiêm túc về bài vở cho giai đoạn đó, cũng như trong anh luôn có lời mời các nhà báo lề phải tham gia. Chính phó chủ tịch Nguyễn Tường Thụy khi nghe tin Chí Dũng bị bắt đá phải nói ông sửng sốt trước tin này.  Đó là sự thực vì xét về tổng thể thì Phạm Chí Dũng là cây bút viết  hiền lành nhất, tận tâm với cơ đồ dân tộc và với vận mệnh quốc gia. Thời gian trước , Anh luôn nói như van nài chúng tôi rằng, anh không muốn Hội NBĐL VN là một cái ổ toàn trí thức chống đối, hay tờ báo VNTB là tờ báo chuyên chửi bới chế độ… Tất cả từ Hội cho đến tờ báo là công sức, là sự hy sinh và tâm huyết của anh nên anh không muốn nó chết yểu. Là một người cầm bút viết phản biện, đã từ lâu anh không con nhận đồng tiền lương nữa. Không có một khoản thu nhập nào trong khi anh còn có trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình. Với cha già và vợ là giáo viên với hai đứa con nhỏ mà Chí Dũng vẫn kiên trì viết, viết và trả lời phỏng vấn mà không có chút tiền nhuận bút nào. Đa nhiều lấn Chí Dũng phải chạy vạy hay đi vậy mượn để trả tiền nhuận bút cho các nhà báo.  May nhờ trong Hội có nhiều nhà báo tên tuổi đã từ chối lãnh tiến thù lao. Tôi không rõ việc tiền bạc trong Hội vì đó không phải là việc của tôi nhưng tôi chắc rằng đã nhiều phen Phạm Chí Dũng phải xoay bở hơi tai để có tiền cho Hội.  Có lần nhân dịp nói chuyện nhuận bút tôi có nói với anh: “Tờ báo X. Y.  đồng ý trả nhuận bút cho anh sao anh không lấy? Phạm Chí Dũng cười buồn nói :”Thôi. Mấy tờ báo Hải ngoại đó họ viết chửi bới cực đoan quá. Lấy chút tiền ở đó thì lại bảo mình viết theo yêu cầu của nước ngoài. Không có tiền thì tom góp tằn tiện cũng xong thôi. Đam mê viết lách và đấu tranh phản biện khiến có thể Chí Dũng đôi khi quên mất vị trí của mình. Có thể đôi ba bài, đôi ba chữ vượt quá giới hạn mà chính anh đặt ra. Nhưng đó là một điều bình thường trong một xã hội dân  chủ bình thường. Cho dù Phạm Chí Dũng có sai sót nào đó nhưng không ai đi bắt bớ, bỏ tù những nhà trí thức chân chính lên tiếng phản biện. Nhà nước kêu gọi sự lên tiếng phản biện của những  người bất đồng chính kiến nhưng cứ như các nhân viên AN đã tra sổ Nam Tào và chụp lấy một vài người. Phạm Chí Dũng chỉ vì yêu quê hương xứ sở, anh không lao vào áp phe, mua bán đất đai để làm giàu mà anh viết và viết, và anh cũng bị bắt với những năm tháng tù đầy dài dằng dặc chỉ vì bênh vực người dân, đứng về phía những người yếu thế. Và giờ đây giữa bốn bức tường ngục tối đen, anh nín lặng nuốt căn hờn vào trong. Như một Kẻ Sĩ Bắc Hà đang thanh thản nghe âm thanh của tổ tiên đang cuồn cuộn chảy trong huyết quản. Bắt Phạm Chí Dũng không khiến cho anh sợ, không khiến cho các đồng nghiệp hội viên của anh trên toàn thế giới sợ hãi.  Và lại càng không khiến cho chúng tôi, những đồng đội của anh sợ hãi. Ai cũng sợ cảnh tù tội oan nghiệt nhưng chúng tôi chỉ còn biết nhếch mép cười buồn với một chút đắc thắng. Chủ tịch Phạm Chí Dũng đã chuẩn bị và giờ đây đang trả nợ cho quê hương nơi ngục tối. Rồi chúng tôi sẽ bầu anh Nguyễn Tường Thụy thay cho anh  Rồi có thể là Bùi Minh Quốc, Nguyễn Thiện Nhân, hay Mai Tú Ân và nhiều anh chị em khác nữa sẽ lần lượt vinh dự đứng nơi đầu sóng ngọn gió để trả nợ Trần Gian, để cho thế giới thấy nước Nam bao giờ cũng có người Nam đứng lên trả nợ núi sông. Và để cho Phạm Chí Dũng biết rằng, anh đang đứng ở đâu trong cuộc đấu tranh này. Hãy nhớ rằng anh đứng ở đâu thì chúng tôi, những người bạn chân thành của anh sẽ đứng ở đó bên anh, ở cùng anh… TỰ DO CHO PHẠM CHÍ DŨNG
......

Ông Trọng - già mà chưa an!

Phạm Minh Vũ|   Hôm qua ngày 30-12, Chính phủ do Nguyễn Xuân Phúc tổ chức kỳ họp trực tuyến định kỳ với các địa phương. Ông Trọng đến và có bài phát biểu vài ý, trong đó, Ông Trọng nói đại ý trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ được như hôm nay. Để thuyết phục người dân không hiểu gì về kinh tế Ông Trọng đưa ra duy nhất 2 con số để khẳng định VN đang phát triển nhất trong lịch sử. GDP đạt 266 tỷ USD và tăng trưởng kinh tế 7%. Để làm người dân mù mờ ngỡ rằng Ông Trọng nói hay quá, Ông đưa thêm con số 2.800 đô la khoảng 60 triệu là mức thu nhập bình quân của người dân. Ông Trọng còn đưa ra 4 chứng cứ để làm cho người dân ít thông tin đọc tin rằng VN đang phát triển thật sự, phát triển đến nổi ''Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam''. Trong đó ví dụ như quả SEA Games 30 như chiến thắng vang dội, hay thành quả chống tham nhũng... Hình như ngày càng Ông Trọng đang lú lẫn thật sự, con số 7% tăng trưởng hay 11% cũng chẳng phải là con số để đánh giá chung cho nền kinh tế khỏe. Vn là một quốc gia kém phát triển điều này chẳng ai phủ nhận, nợ công thì chẳng biết bao giờ trả nổi, chính phủ người ta lo vay và làm, có dư để trả nợ. Còn chính phủ VN không có dự án nào có lãi, chỉ làm là lổ, làm là thất bại, nợ nước ngoài nhất là TQ chắc bán cả đất đai cũng chưa chắc trả đủ, trong khi đó quan chức chỉ tham nhũng, lấy gì mà cho rằng VN đang phát triển? Chưa tính toán về kinh tế nhìn xã hội VN ngày nay ra sao thì sẽ hiểu ít nhiều: Campuchia hay Lào đâu cần 'mặt trời' gì đó chiếu sáng nên không có 39 người dân phải chui vào Container để phải rồi bỏ mạng khi tìm đường đi làm thuê. Pháp hay Đức đâu cần “mặt trời” gì đó nên khi muốn lấy đất lấy nhà của dân phải để cho doanh nghiệp mua đất và người dân trực tiếp thỏa thuận, nhờ “ mặt trời đảng” rọi sáng nên ở Việt Nam đảng cướp đất, đập nhà dân đang sinh sống làm chủ trương lớn, làm dân tình thán oán khắp nơi. Nhật Bản hay Hàn Quốc đâu cần “mặt trời” rọi sáng nên hàng năm hàng trăm ngàn người Dân Việt ở tuổi lao động phải qua đó làm thuê làm mướn, vì may mắn không có “mặt trời” rọi sáng, nên người dân Hàn hay Nhật chưa có ai qua VN đi làm thuê làm mướn cả. Mặt trời gì vậy Ông Trọng? Tại sao mặt trời ấy soi rọi tới đâu thì đất nước lụi tàn tới đó thế? Già rồi thì nên an phận với con cháu, càng nói càng lộ cái dốt ra chứ được gì đâu?    
......

Phạm Nhật Vũ và Tấn Trò Đời

Mạc Van Trang|   Phiên tòa 28.12.2019  tuyên án  14 người trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng TT&TT) trả lại 3 triệu đô la thoát tội tử hình, án tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”, 16 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư và sử dụng vốn công gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp cả 2 tội đối với Nguyễn Bắc Son là tù chung thân. Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng TT&TT) bị Tòa tuyên phạt 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ,” 6 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng," tổng cộng là 14 năm tù. Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT)  5 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng". Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone 7 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, 16 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; tổng hợp là 23 năm tù. Cao Duy Hải - cựu Tổng Giám đốc MobiFone 4 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, 10 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; tổng hợp  là 14 năm tù. - Phạm Đình Trọng, cựu Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT: 5 năm tù. - Võ Văn Mạnh, Giám đốc Công ty AMAX: 3,5 năm tù. - Hoàng Duy Quang, thẩm định viên Cty AMAX: 3 năm tù. - Phan Thị Hoa Mai, thành viên HĐTV MobiFone: 2,5 năm tù. - Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc MobiFone: 2,5 năm tù. - Hồ Tuấn, Phó TGĐ MobiFone: 2,5 năm tù. - Nguyễn Bảo Long, Phó TGĐ MobiFone: 2,5 năm tù. - Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ MobiFone: 2,5 năm tù. - Nguyễn Đăng Nguyên, Phó TGĐ MobiFone: 2 năm tù. - Phạm Nhật Vũ  3 năm tù về tội Đưa hối lộ. ***** Trong những phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua AVG, nổi lên một bị cáo đặc biệt khiến dư luận xôn xao, đó là ông PHẠM NHẬT VŨ (PNV). Trước đó mình chả biết gì về ông này, nay mới biết ông là em ruột của đại gia Phạm Nhật Vượng và 2 ông đều vô cùng nhiều tiền và nhiều mối quan hệ thân thiết đặc biệt với các nhân vật có thế lực ở trong và ngòai nước. PNV lộ diện là một nhân vật trên sân khấu đời nay với nhiều bộ mặt đối nghịch, gây tương phản hấp dẫn người xem. 1. PNV một chiến binh trên Thương trường Wikipedia ghi tiểu sử PNV như sau: “Phạm Nhật Vũ sinh năm 1972, quê tại Hà Tĩnh. Ông là em của Phạm Nhật Vượng và đã từng sống, kinh doanh tại Đông Âu trong suốt thập niên 90 và đầu những năm 2000. Sau đó, ông Vũ trở về Việt Nam và bắt đầu kinh doanh bất động sản với một số dự án tại Nha Trang, Khánh Hoà. Từ năm 2004, ông bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu lĩnh vực truyền hình trả tiền. Năm 2008, Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng và phát sóng thử nghiệm từ tháng 11/2010. Một năm sau đó, AVG đưa vào khai thác thương mại”… “Tháng 1/2016, MobiFone công bố mua 95% cổ phần của AVG. Thanh tra Chính phủ sau đó xác định việc mua bán này là vi phạm kinh tế rất nghiêm trọng. Dự án có tổng mức đầu tư là 8.900 tỷ đồng, tuy nhiên những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone dẫn đến nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp này khoảng 7.006 tỷ đồng”(1)… Qua vụ đạo diễn bán AVG cho MobiFone của Nhà nước, được lời hơn 7.000 tỉ đồng và mua được cả một dàn quan chức cấp cao, chứng tỏ óc kinh doanh và tài buôn quan của PNV quá siêu, xứng đáng một chiến binh siêu thiện chiến trên Thương trường! 2. PNV một dũng sĩ trên Tình trường. Nhiều tiền để làm gì? Nhất là những đồng tiền kiếm được quá dễ, quá nhiều thì phải tiều xài cho đã. Và khỏan “tình phí” của PNV chắc là không tính xuể. Có vậy ông mới giữ lại đến 6 cô vừa ý làm vợ. Nghe nói ông rất chung thủy với cả 6 người vợ, nên tất cả đều hoan hỉ sống chung quây quần bên ông với 12 người con, thành một đại gia đình hiếm có thời nay. Cánh mày râu kháo nhau: Không biết lão Vũ có bảo bối gì mà làm cho 6 bà vợ cả Tây lẫn Ta lúc nào cũng vui tươi hơn hớn? Khối anh đàn ông có mỗi một mụ vợ mà cũng khốn khổ, khốn nạn không sao chiều nổi! PNV tài đến thế là cùng, đúng là một “dũng sĩ siêu hạng trên Tình trường”! Có nhiều quan chức, đại gia chức to, tiền nhiều, cũng máu gái lắm, nhưng chỉ giấu giấu giếm giếm, bồ nhí, vợ nhỏ, thì thà thì thụt, chứ đố anh nào dám công khai, đàng hoàng sống ung dung giữa 6 cô vợ và 12 đứa con như PNV. Đáng nể chưa? Mà chả cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp nào dám hỏi đến ông ta phạm Luật Hôn nhân - Gia đình của nước CHXHCNVN nhé. Thế mới kinh! Thấy PNV chả dại “học tập làm theo”, càng thương Cụ Hồ quá. Thì cứ xem Vũ Cà phê Trung Nguyên đi tu được ít bữa, về vợ chồng lục đục kiện tụng nhau ra tòa be bét, còn PNV vẫn đi tu, mà khi bị ra tòa, cô vợ Tây đại diện cho tập thể vợ, bênh vực chồng hết mức với tình cảm yêu thương, xót xa vô hạn, làm các quan tòa phải mủi lòng, rưng rưng… Thế có thần tình không? Vũ Cà phê Trung Nguyên thấy bái phục Đại ca PNV chưa? 3. PNV một Cư sĩ Phật giáo lừng danh. Tu theo đạo Phật thì phải giải thoát khỏi Tham, Sân, Si, Sát, Đạo, Dâm… để sống thanh tịnh, an lạc… Sân, Si, Sát, Đạo thì PNV không biểu hiện rõ, nhưng THAM thì rõ ràng ông ta tham TIỀN, tham ÁI quá lớn. Còn không DÂM sao có đến 6 vợ? Dân gian trêu mấy ông quan: “Ban ngày quan lớn như Thần/ Đến đêm quan lớn tần mần như Ma”… Trường hợp PNV thì: “Ban ngày mặc áo cà sa/ Đêm về phục vụ mấy bà vợ đây?” Thế mà vẫn TU được thành Cư sĩ lừng danh mới tài! “Trong một lần tiếp xúc với báo chí, Phạm Nhật Vũ giới thiệu mình là một cư sĩ ở ẩn, tu tại gia và theo đạo Phật. Ông là Phó Ban Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Nhiều năm nay, ông đã âm thầm đầu tư xây và sửa nhiều ngôi chùa trên nhiều địa phương trong cả nước”… (xem chú thích 1). Có như vậy ông Vũ mới truyền cảm hứng cho các “Công ty chùa” phát triển như nấm mùa xuân và xuất hiện nhiều “Tỉ phú Tăng” chứ! Cũng nhờ cái Duyên kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Phật giáo quốc doanh phất lên, biến thành thị trường béo bở, thành Tấn trò đời hấp dẫn, đủ cả Ái, Ố, Hỉ, Nộ, Lạc, Dục, Tham, Sân, Si… trong đời sống Phật giáo nước ta thời nay. "Tại sao 300 tổ chức xin khoan hồng cho kẻ ăn cắp 300 triệu đô la tiền thuế của dân, trong khi một thanh niên mua 3 con vịt ăn cắp thì lại bị công an truy nã ráo riết cả năm trời mà chẳng tổ chức nào xin khoan hồng cho? Công lý thuộc về quan chức, kẻ giàu hay dân nghèo? " 4. PNV và ma thuật dùng tiền. Qua mấy phiên Tòa xét xử vụ án MobiFone mua AVG mới thấy tài biến hóa của PNV. AVG thua lỗ “Tình trạng kinh doanh bết bát, AVG lỗ lũy kế đến 1.000 tỷ đồng và nợ gần 2.000 tỷ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng. (…) Giá trị thật sự của AVG được tính toán không đến 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên Lê Nam Trà đã ký quyết định mua lại 95% với giá 8.900 tỷ, cao hơn giá trị thực 8.000 tỷ đồng”… (2) Thế có tài tình không? Tất nhiên PNV phải lợi dụng được những mối quan hệ đặc biệt mới làm được như thế. Càng tài hơn, khi PNV đem hơn 6 triệu usd ra mua được cả bộ sậu Bộ TTTT và MobiFone dễ như bắt cua trong lỗ. Thế mới biết, nếu Trung cộng nó dùng 1 tỉ usd thì mua được bao nhiêu loại Son, Tuấn và to hơn nữa? Tất nhiên Tàu thì phải dùng lắm mưu sâu, kế hiểm để giăng bẫy, bắt mồi, chứ PNV cứ ngồi một chỗ, sai khiến TIỀN nó bò đến những nơi cần đến, thế là ok, đôi, ba, bốn bên đều hoan hỉ! Nhiều tiền như Kiên “bạc”, Đinh La Thăng hay Vũ “nhôm” ra Tòa có ai bênh vực đâu; có bao nhiêu người ký tên xin giảm án cho đâu. Vậy mà PNV cho TIỀN vào đâu là sai khiên được nơi ấy: Có “Hơn 2.000 tổ chức, cá nhân xin bảo lãnh, khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ”. (3) PNV là chủ AVG đem bán AVG cho MobiFone thì đương nhiên PNV phải là người trực tiếp chủ mưu, dù có ai chỉ đạo đi nữa... PNV lại là người trực tiếp đưa tiền đi mua cả một đàn quan chức Bộ TT TT cùng ê kip của MobiFone. Chính vì PNV đưa tiền HỐI LỘ mà cả lũ quan chức phải ra tòa, phải tù tội nhục nhã ê chề, thế mà hầu như cả đám quan chức này đều cảm ơn PNV và xin giảm án cho ông ta. Rồi nhiều Luật sư cũng van vỉ, nỉ non xin giảm án cho PNV vì có nhiều công lao và được hơn 2.000 tổ chức và cá nhân xin khoan hồng cho PNV. Tất nhiên bao nhiêu “tấm lòng” ấy đều có giá của nó cả. Nhưng vẫn đề là PNV điều khiển đồng Tiền thế nào mà hiệu quả đến thế, mới là ma thuật tài tình. Tiền thổi bay Công lý! Nhờ thế phiên tòa xử PNV vắng mặt mà vẫn là màn xôm trò nhất. TÓM LẠI, qua 4 màn của Tấn trò đời, PNV đều thể hiện vai diễn một cách thật xuất sắc, đủ các cung bậc của Hỉ, Nộ, Ái, Ô…gây tò mò, thích thú cho mọi khán giả. PNV quả là nhân vật điển hình cho một xã hội, mà mỗi cá nhân thường sống ẩn giấu trong nhiều bộ mặt khác nhau, tương phản đến lạ lùng. 27/12/2019 Mạc Văn Trang Chú thích: 1.https://vi.wikipedia.org/…/Ph%E1%BA%A1m_Nh%E1%BA%ADt_V%C5%A9 2.https://www.facebook.com/1850494479/posts/10212514395615478/). 3.”(https://vietnamfinance.vn/Ph%E1%BA%A1m+Nh%E1%BA%ADt+V%C5%A9…)  
......

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và nhạc phẩm bất hủ "Dư Âm"

Nguyễn Ngọc Đức| Tác giả của "Dư Âm", nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, vừa mới qua đời. Ai trong chúng ta mà chưa từng nghe hay từng ngâm nga những giai điệu bất hủ: "Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ. Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ..." Nhưng ít người biết vì những giai điệu lãng mạn này, cuộc đời của tác giả đã bị lao đao không ít. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác bài Dư Âm vào năm 1950 để nói lên tâm sự của ông về một mối tình không thành thời trai trẻ. Lời ca, âm điệu đậm nét lãng mạn của tình yêu đôi lứa. Nếu nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác tại Miền Nam sau 1954 hay ở thời đại này, thì bài hát của ông cùng lắm thì chỉ được phê bình hay so sánh về mức độ lãng mạn với Tình Bơ Vơ của Lam Phương hay Em Hiền Như Ma Soeur của Phạm Duy. Không may cho ông là Dư Âm lại ra đời ở Miền Bắc, ngay trong giai đoạn mà tình yêu đôi lứa và sự lãng mạn trong văn học nghệ thuật bị xem là đồi trụy, phản động. Ông bị đấu tố, bị buộc phải tự sỉ vả mình là đã sai lầm khi sáng tác bài Dư Âm và kêu gọi mọi người đừng hát, đừng nghe bài hát "cực kỳ phản động" này. Khổ cho ông là trong Miền Nam sau 1954, loại nhạc "cực kỳ phản động" này lại được quần chúng ưa chuộng và được tự do hát một cách thoải mái. Thế là ông tiếp tục bị đì. Để tồn tại trong xã hội "người không giống người", tác giả bài Dư Âm phải chuyển sang làm những bài hát theo đơn đặt hàng của ban tuyên giáo trung ương. Các bài như Bài Ca Năm Tấn, Em đi làm tín dụng, Màu áo chú bộ đội, Múa hát mừng chiến công ... đã ra đời vì hoàn cảnh này. Cuối đời, tiền nuôi sống ông vẫn là tiền tác quyền đến từ bài Dư Âm, khi mà chế độ không còn cách để kiểm soát thị hiếu của quần chúng và phong trào hát nhạc vàng, nhạc bolero nở rộ ở Việt Nam. Nghe nói trước khi qua đời, ông đã khẳng định rằng chỉ có bài Dư Âm là con đẻ của ông, còn các bài khác là ông đẻ giùm cho ban tuyên giáo trung ương. Người nghệ sĩ có khi chỉ cần một tác phẩm mà tên tuổi trở thành bất tử. Đây là trường hợp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Hậu thế sẽ mãi mãi nhớ đến ông và bài "Dư Âm". Còn các thứ mà ông đẻ giùm cho chế độ, thì cứ để nó lặng lẽ đi vào thùng rác của lịch sử. Xin thắp một nét nhang lòng thương tiếc một người nghệ sĩ tài hoa nhưng không sinh nhằm thời.  
......

Dân tộc sẽ đọa vì văn hóa ăn xin

VietTuSaiGon's blog - RFA| Nói văn hóa ăn xin là không ngoa. Và văn hóa ăn xin không phải ở người dân, nó nằm trong hệ thống công quyền. Người dân có thể tay bị tay gậy ăn xin, bôi mặt đen, cầm đầu gà vừa ăn xin vừa trấn lột hoặc đi xin đểu ngoài công viên. Nhưng, những kiểu ăn xin này không có tính phổ quát, nó cũng không làm cho xã hội sa đọa. Ngược lại, kiểu ăn xin, hay nói khác đi là thứ văn hóa ăn xin rất đáng sợ của hệ thống công quyền mới đáng bàn. Và cũng xin nói thêm, loại ăn xin công quyền có hai hướng, hướng tư lợi, dùng quyền lực cơ quan để gửi thư xin đểu cũng rất đáng sợ bởi nó khiến cho các doanh nghiệp nhận được thư gặp nhiều phiền phức. Nhưng bù vào đó, doanh nghiệp nào được nó xin đểu cũng có “bánh ít trao đi bánh qui trả lại”, nghĩa là dễ dàng trong thủ tục, phép tắc kinh doanh hoặc có thể toa rập với cơ quan đã xin xỏ mình để mua đất giá rẻ, hô biến bất động sản toàn dân… Nhìn chung, kiểu xin và cho này có tác động tiêu cực đến xã hội một cách đáng kể. Nhưng nó lại biến xã hội thành một sòng bạc và chơi theo qui luật sòng bạc. Bởi chí ít, nó cũng đáp ứng được một luật chơi xã hội, đó là sòng bạc thì gian lận, có kẻ trắng tay nhưng có kẻ cũng giàu sau một đêm, khác với nhà nông hay xã hội tử tế, quanh năm vất vả nhưng khó giàu. Và đương nhiên, tiền đổ vào sòng bạc bao giờ cũng nhiều gấp bội tiền đổ vào các nơi nghiêm túc. Có vẻ như dựa vào tâm lý này mà hầu hết các chùa nhà nước đều biến cửa Phật thành những sòng bạc tâm lý, hay nói khác đi là người ta bỏ tiền ra để mua những thẻ phước đức từ chùa và sau đó đánh bạc với nhau bằng thẻ phước đức này. Và nói cho cùng thì cách chơi của một sòng bạc mặc dù bất ổn, lưu manh, xảo trả nhưng chí ít nó cũng mang lại một lượng tài chính khá lớn cho sòng, tạo ra môi trường ăn tiêu, chơi bời, dư dả ngay trong sòng. Nó khác hẳn với kiểu ăn xin dựa trên qui định pháp luật của hầu hết cơ quan công quyền địa phương hiện nay. Vậy kiểu ăn xin, hay văn hóa ăn xin của cơ quan công quyền địa phương hiện nay ra sao? Sao gọi là ăn xin? Và mức độ tai hại của nó đến đâu? Nếu nói về mức độ tai hại của văn hóa ăn xin công quyền thì có lẽ, đích cuối của nó phải là giải thể chế độ. Vì lẽ, loại văn hóa này như những con bọ chét và loài ký sinh đáng sợ, truyền nhiễm, gây chết chóc cho cơ thể vật chủ. Thử tưởng tượng một bà vốn chưa bao giờ tham gia hoạt động Cộng sản, chưa bao giờ làm rừng, cha mẹ bà ấy cũng chưa bao giờ dính gì đến chiến trường hay từng đi qua nhưng nơi có rải Dioxin. Đùng một cái, nghe bà ta than thở về bệnh tật, hỏi ra mới biết bà ta bị chất độc màu da cam, bà đang điều trị và mỗi tháng phải nhận của nhà nước hơn 1,6 triệu đồng tiền nạn nhân. Và nghiêm túc mà nói thì trên đất nước này, những “nạn nhân” kiểu này nhiều vô kể, đó là chưa nói tới thân nhân liệt sĩ khai khống, một liệt sĩ có tới hai, ba người hưởng tiền tuất, thậm chí mẹ ruột của liệt sĩ suốt cả chục năm trời không biết tiền tuất của con là gì, trong khi đó, người họ hàng đã nhanh tay cấm lấy giấy tờ đi khai cho người thân của họ để hưởng mọi khoản tiền. Rồi thêm nữa là chuyện hộ nghèo, chuyện người tàn tật, thương binh… Thực ra, nếu bây giờ nhà nước, chính phủ chịu khó làm một cuộc tổng kiểm tra trên toàn quốc, phải có đến hơn 50% các đối tượng khai man, ăn gian tiền của nhà nước, nhân dân. Nhưng vì sao nó tồn tại? Có hai lý do để nó tồn tại. Thứ nhất, chính sách quản lý lỏng lẻo, thứ hai, chính sách ưu tiên vùng miền. Nghĩa là ngoài việc quản lý lỏng lẻo, cán bộ địa phương gian lận, người đi khai cũng gian lận thì các khoản thu, chi ở cơ quan trung ương cũng rất ầu ơ. Ví dụ như một xã có quá nhiều hộ nghèo, có quá nhiều đối tượng chính sách thì xã đó được miễn hoặc giảm sâu các khoản đóng vào ngân sách nhà nước, thậm chí được nhà nước rót ngân sách hỗ trợ. Chính sách này nhanh chóng tạo ra hàng triệu cơ quan, đoàn thể chuyên đi lùng sục cái nghèo và tàn tật. Thậm chí một người chả có dính dán gì tới chiến tranh hay rừng rú, cũng chả có tí Dioxin nào trong cơ thể, mọi thứ lành lặn nhưng vẫn được nằm trong danh sách nạn nhân chất độc màu da cam. Vì sao? Vì người này đồng ý khai man thì được hưởng lợi hằng tháng, trong khi đó cơ quan cấp xã tìm ra đủ đối tượng thì được nhiều thứ, được trên rót tiền xuống, được chấm mút, được miễn đóng vào ngân sách huyện, miễn các khoản đóng từ việc bán đất qui hoạch… Nói chung là được quá nhiều thứ cho một đơn vị xã nếu như đơn vị xã đó chịu khó lập cho được một danh sách hộ nghèo, tàn tật, đối tượng chính sách. Chính vì thứ động cơ lợi lộc từ việc xin xỏ này mà người dân cũng chấp nhận xin xỏ một cách dối trá, cơ quan công quyền địa phương thì xin xỏ một cách gian lận, man trá, đê tiện, và có bao nhiêu đồng ngân sách xã, tự ban bệ dùng với nhau, rửa bằng nhiều cách để lọt vào túi cán bộ. Trong khi đó, bọn chính quyền địa phương lại nhơn nhơn với nhân dân, tự xem mình là cán bộ tốt vì đã mang lại chén cơm cho nhiều đối tượng “khốn khó”. Trong khi đó, bọn họ không hề biết rằng chính họ gây ra tội ác, sự gian trá và chính họ đã đục khoét một cách kinh khủng nhất vào ngân sách quốc gia. Nếu không tin, thử làm một bài toán về tài chính quốc gia dành cho các trường hợp vừa nêu hằng năm thì sẽ thấy ngay mức độ tai hại của nó. Và, có thể nói đây là một loại ăn mày trá hình của các cơ quan công quyền địa phương, không có đơn vị trung ương nào mà chịu cho thấu cái gánh nặng này. Và nói cho cùng thì một khi ngân sách nhà nước chịu quá nhiều sức nặng, thì thuế phải tăng, nhân dân bị tận thu qua nhiều hình thức, và khi đã tận thu được của nhân dân thì mức độ chấm mút, tham nhũng cũng tăng tỉ lệ thuận. Chung qui, kiểu ăn xin của cấp địa phương vô hình trung đã tạo thành một thứ văn hóa công quyền. Và không có gì đáng sơ, đáng tởm hơn cho một dân tộc hoặc một thể chế chính trị bằng thứ não trạng ăn bám, ký sinh này!    
......

Luật pháp và công lý không phải là thứ để đổi chác

Nguyen Ngoc Chu| Một vụ bán – mua cần hai đối tác chính là người bán và kẻ mua. Trong vụ AVG phải khẳng định ông Phạm Nhật Vũ là người chủ động chào bán trước. AVG bị thua lỗ và ông Phạm Nhật Vũ cần phải bán. Nên ông Vũ phải rao bán và tìm người mua. Nếu ông Vũ không chào bán thì MobiFone không biết AVG. Nếu ông Vũ không bán thì MobiFone không thể mua AVG. Bởi thế, tội của người chủ động bán là tội của kẻ chủ mưu đầu tiên. Tội của người mua là tội của kẻ đồng lõa thứ 2. Đó là 2 người chơi chính trong thương vụ bán – mua AVG. MobiFone là người mua AVG. Nhưng MobiFone chỉ được mua AVG khi ông Nguyễn Bắc Son cho phép. Nên trong vụ AVG thì Mobione và ông Nguyễn Bắc Son là người mua. Lãnh đạo MobiFone và lãnh đạo Bộ 4T chịu tội của người mua – người chơi chính thứ 2 – mà thiếu người mua thì không có vụ án AVG. Phia người mua còn có một người nắm cái khác, đó là Chính phủ và các “trợ lý” là Bộ Kế hoạch & Đầu Tư, Bộ Tài Chính, Bộ Công An – tất cả các phía liên quan đến việc cho phép Bộ 4T mua AVG. Họ đều thuộc phía người mua. Như vậy người mua trong vụ AVG gồm 3 mắt xích: MobiFone, Bộ 4T, Chính phủ. Mặc dù MobiFone là người trực tiếp mua, nhưng quyết định mua lại nằm ở Chính phủ rồi mới đến Bộ 4T và sau cùng mới là MobiFone. Trong vụ án AVG có một người chơi phụ. Đó là người môi giới trung gian. Có nhiều khả năng đây là người đạo diễn – dẫn thương vụ AVG đi đến quy mô tội phạm to lớn. Nhưng người môi giới chỉ có thể tìm khách hàng và dàn dựng thương vụ sau khi biết ông Vũ rao bán AVG. Người môi giới cũng chỉ góp phần dàn dựng chỉ khi họ tìm được người chơi chính thứ 2 là người mua – MobiFone và Bộ 4T. Người môi giới có thể dàn đựng được chỉ trong trường hợp cả ông Vũ lẫn MobiFone và Bộ 4T đồng tình. Nếu người bán và kẻ mua không đồng ý, thì người môi giới không thể hành động. Vì thế, vai trò của người môi giới có thể là tổng đạo diễn, nhưng tiếc thay, không vượt quá vai trò của người bán và kẻ mua. Điều đặc biệt của vụ AVG là trong vai người đạo diễn có người mua, trong vai người mua có người môi giới, trong vai người môi giới có người mua, nên vai trò đạo diễn của người môi giới rất lớn. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy giá thành AVG lên cao, và đây cũng là cánh cửa bịt đường lần ra dấu vết cuối. Vụ AVG là một thương vụ được dàn dựng mưu toan cướp không 7000 tỷ đồng tiền của nhà nước. Tội lớn nhất là của 2 người chơi chính – kẻ bán và người mua. Sau mới đến tội của người môi giới. Muốn trị tội kẻ môi giới thì phải chứng minh được đó chính là kẻ chủ mưu mua trá hình. Theo lời khai thì ông Phạm Nhật Vũ đã đưa cho phía người mua bao gồm ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD. Tổng số tiền ước tính 136 tỷ đồng. Như vậy, theo số liệu công khai được biết thì ông Phạm Nhật Vũ sẽ chiếm đoạt một số tiền khổng lồ khoảng 6 800 tỷ đồng khi thương vụ trót lọt. Nhưng ông Vũ còn phải đưa cho các đại diện khác nữa của phía người mua. Và đặc biệt ông Vũ còn phải chi trả cho người môi giới. Cả 2 khoản đó là bao nhiêu? Để hoàn trả lại và giải quyết vụ AVG với mục đích tạo cớ để giảm tối đa tội trạng, ông Phạm Nhật Vũ đã trả cả lãi và các chi phí phát sinh. Khoản này là 329 tỷ đồng. Cộng với số tiền đã đưa 136 tỷ đồng – nhìn thấy được ông Phạm Nhật Vũ đã chi ngoài hợp đồng tối thiểu 465 tỷ đồng. Theo người vợ nước ngoài của ông Phạm Nhật Vũ cho biết thì gia đình còn khoản nợ khoảng 1000 tỷ đồng. Từ đó có thể giả thiết rằng, ngoài khoản 465 tỷ thì ông Vũ đã phải chi trả thêm cho người môi giới và phe người mua chưa nêu danh – khoảng 500 tỷ đồng nữa. Như vậy, ông Vũ đã thu về lợi nhuận ròng khoảng 6000 tỷ đồng từ thương vụ AVG sau khi MobiFone chuyển tiền. Một dự báo khác là ông Phạm Nhật Vũ phải chi cho kẻ môi giới và các đại diện khác của phía mua nhiều hơn 1000 tỷ đồng. Vì kẻ đạo diễn biết giá trị thực của AVG nên sẽ mặc cả ăn chia. Vậy số đó là bao nhiêu? Cho một dự báo cận trên rộng rãi. Đó là trường hợp ông Phạm Nhật Vũ phải chi đến 50% tiền lời cho phía mua và kẻ môi giới. Lúc đó ông Vũ phải chi 3500 tỷ đồng và ông đút túi 3 500 tỷ đồng. Ông Nguyễn Bắc Son dẫu giữ vai trò chỉ đạo trong vụ AVG thì ông cũng không thể hành động khi Chính Phủ không cho chủ trương. Chính phủ không đồng ý chủ trương thì Bộ Kế hoach & Đầu tư, Bộ tài chính, Bộ công An không thể đồng ý cho Bộ 4T mua AVG. Cho nên ông Nguyễn Bắc Son chỉ hành động khi nhận được thông báo đồng ý về chủ trương mua MobiFone từ Chính phủ. Không loại trừ, ông Nguyễn Bắc Son đã nhận được cái gật đầu trực tiếp, hay là “khẩu dụ”. Ông Nguyễn Bắc Son dẫu chỉ đạo quyết liệt cũng khó thực thi nếu MobiFone cương quyết phản đối. MobiFone có thể sợ bộ trưởng mà phải mua AVG. Nhưng MibiFone có thể khăng khăng phản bác giá trị nâng khống đến 5 lần – thành ra con số khổng lồ 8 900 tỷ đồng (theo một số chuyên gia đánh giá, thì giá trị của AVG chỉ khoảng 500 tỷ đồng, và trong trường hợp đó, giá đã được nâng khống lên 18 lần). Chắc chắn ông Nguyễn Bắc Son biết là giá được nâng cao hơn giá thực. Nhưng ông Son không có chuyên môn nên ông không thể ngờ rằng giá đã được nâng khống lên đến 5 lần. Nếu biết nâng khống đến 7000 tỷ – thì ông Son đã run tay. Ở mặt khác, dẫu ông Son không biết giá, nhưng ông Son lại biết chia, cho nên nếu ông Son biết nâng khống đến 7000 tỷ đồng thì dứt khoát ông Son không thể bằng lòng với 3 triệu đô tiền chia chác. Nêu ra điều này không phải để gỡ tội cho ông Nguyễn Bắc Son. Mà để thấy xuyên suốt một sự đồng ý nhất quán từ trên xuống dưới. Chính phủ đã đóng vai trò quyết định mở nút. MobiFonr đã đóng vai trò của người thực thi tích cực như một người mua chủ mưu. Ông Nguyễn Bắc Son chỉ là một khâu chính trong 3 khâu của phía người mua: Chính phủ – Bộ 4T – MobiFone. Từ đó tội ông Son chỉ nằm ở khoảng 1/3 tội của người mua chủ mưu. Ông Nguyễn Bắc Son nhận được 70 tỷ, trong khi ông Phạm Nhật Vũ có tối thiểu 3 500 tỷ (có khả năng đến 6000 tỷ). Ông Phạm Nhật Vũ đảm nhiệm vai trò trọn bộ của người bán chủ mưu. Còn ông Nguyễn Bắc Son chỉ giữ khoảng 1/3 vai trò người mua chủ mưu. Từ 2 nhân tố đó suy ra tội ông Phạm Nhật Vũ lớn hơn nhiều so với tội ông Nguyễn Bắc Son. Có thể cả ông Vũ lẫn ông Son còn thấy kẻ tội phạm lớn nhất mà chưa bị trừng trị. Cả 2 ông cay đắng khi mình là kẻ chủ mưu nhưng kết cục lại là nạn nhân của một kẻ chủ mưu khác lớn hơn. Cả ông Son lẫn ông Vũ đã từng khuynh đảo được pháp luật, và cả 2 hiểu rằng kẻ chủ mưu lớn không thể bị kết tội chính là do pháp luật bị khuynh đảo, như các ông đã từng khuynh đảo. Vụ AVG là một cuộc chơi được dàn dựng để cướp đoạt tiền bạc của nhà nước ở phạm vi kinh hoàng – ngoài trí tưởng tượng của kẻ mua người bán thông thường. Đó là một cuộc cướp đoạt để chia chác vô lương tâm. Đưa hối lộ và nhận hối lộ chỉ là một thành tố của cuộc chơi này. Đó chỉ là một tác nghiệp của cuộc chia chác nhiều tác nghiệp. Luận tội đưa hối lộ, nhận hội lộ như thế nào đi nữa thì rốt cục cũng nhỏ hơn tội chủ ý cướp đoạt để chia chác của toàn cuộc chơi. Nói cách khác, tội hối lộ và nhận hối lộ không phải là tội chính, cũng không phải là tội lớn nhất trong vụ AVG. Ông Nguyễn Bắc Son không oan với tội mà Tòa đang phán xét. Nhưng dù bề ngoài ông thừa nhận Tòa phán xét đúng, thì trong lòng ông cay đắng mà nức nở rằng ông bị bất công. Ông cho rằng ông bị bất công vì Phạm Nhật Vũ tội lớn hơn ông nhưng ông lại bị xử nặng hơn. Bất công không chỉ bị xử nhiều năm tù hơn, thậm chí không phải tù chung thân mà đến mức cao nhất là tử hình, thế mà Phạm Nhật Vũ dự kiến chỉ bị kết tội có 3 – 4 năm tù giam. Đã thế, lại đang có đến 2000 chữ ký của các cá nhân và các tổ chức tên tuổi xin tha bổng cho Phạm Nhật Vũ. Ông Nguyễn Bắc Son có chua xót không khi lúc ông quyền cao thì các đại gia khụy lụy ông, nhưng khi cùng sa cơ thì quyền sai khiến của ông lại không bằng một phần của họ? Ông Nguyễn bắc Son còn oan ức ở mặt khác nữa. Ông oan vì ông thấy có kẻ nặng tội không kém ông mà lại vô can. Những ngày qua ông đã lo nghĩ nhiều về cách thoát tội. Và từ đó ông mới thấm thía về cách thức xét xử cùng lúc của luật pháp, tiền bạc và quyền lực đã làm cho số phận công lý mong manh như tấm mạng nhện treo trong giông bão! Ông Nguyễn Bắc Son nghĩ gì khi ông Phạm Nhật Vũ đã hoàn trả toàn bộ tiền cho MobiFone kể cả tiền lãi? Về tài chính thì MobiFone không bị tổn thất. Vụ mua bán cuối cùng cũng bị hủy. Ông Son chắc đã hy vọng cả ông Vũ lẫn ông phải được hưởng tình tiết giảm tội. Nhưng ông Son đã không thể ngờ ông Vũ được giảm tội đến mức chỉ còn 3-4 năm tù, còn ông thì vẫn bị án tử. Và đó cũng là một nguyên nhân nữa làm cho ông chua xót. Nhưng nhiều người đã ký đơn xin tha cho ông Phạm Nhật Vũ chính dựa vào sự hoàn trả toàn bộ tiền, kể cả phát sinh, cho MobiFone. Như vậy là thương vụ không được thực thi và tiền của nhà nước không bị mất. Họ còn dựa trên những điều từ thiện mà ông Phạm Nhật Vũ đã làm trong quá khứ. Và sau hết là họ xuất phát từ những hàm ơn. Ông Đinh La Thăng, và bây giờ là ông Nguyễn Bắc Son đã chiêm nghiệm thế nào là công bằng khi đứng trước vành móng ngựa. Những ngày qua ông mới trải nghiệm được quá trình luận tội và xét xử. Ông muốn được đối xử công bằng. Không biết từ số phận mình ông Son có thương xót cho bao số phận phải chịu sự bất công, mà khi ở ngôi cao những người như ông không bao giờ để tâm đến? Chỉ khi người ta rơi vào hoàn cảnh bi đát, con người mới thấm thía thân phận. Luật pháp và công lý không phải là thứ để đổi chác. Nếu vì chịu ơn mà thay đổi khung hình phạt thì đâu là công lý? Nếu phạm tội mà dùng tiền để chuộc được, thì số phận dân nghèo sẽ đi về đâu? Một quốc gia mà hình phạt nặng nhẹ tùy theo ơn huệ, đổi chác bởi đồng tiền, đúng sai theo quyền lực – thì đó là một quốc gia tự xiềng xích. Còn nữa, nếu chữ ký có thể thay đổi được hình phạt, thì cũng nên công bằng mà loan báo và áp dụng cho tất cả. Lúc đó, không chỉ 2000 chữ ký, mà Đặng Văn Hiến sẽ có ngay 2 triệu chữ ký để trả lại công bằng cho anh – một công dân có dũng khí bảo vệ đất đai, chứ không phải kẻ đi cướp đoạt tiền bạc của nhà nước. Trước cảnh lao tù không ai không rơi nước mắt, vì cùng là đồng bào máu mủ của mình. Cuối cùng thì ông Son, ông Tuấn, ông Vũ, ông Trà cũng đều là nạn nhân của lỗ hổng cơ chế. Các ông đã từng hoan hỷ khi lợi dụng được lỗ hổng cơ chế. Và giờ đây các ông cay đắng vì chính lỗ hổng cơ chế đã đẩy các ông vào cảnh tù đày. Ở trong tù những người như ông Son ông Tuấn thường xuyên nghĩ đến ‘giá mà’ các ông đừng sai phạm. Nhưng các ông có bao giờ nghĩ đến tiêu diệt cái gốc rễ đã dẫn đến chữ ‘giá mà’ của các ông không? Đó là xây dựng một cơ chế mới không có lỗ hổng. Tiếc thay, ông Son và ông Tuấn từng đã nhiệt huyết bảo vệ cái cơ chế đầy những lỗ hổng. Và buồn hơn là còn nhiều người nữa đang tận hưởng lỗ hổng của cơ chế, nên đang nhiệt tình bảo vệ cái cơ chế với loang lổ các lỗ hổng. Kẻ đang nghiện thì không biết mình nghiện. Chỉ khi vào tù mới biết hậu quả. Chỉ khi xây dựng được một cơ chế mới không có lỗ hổng – để bất cứ ai cũng không thể lợi dụng được, ngay cả người ngồi ở ngôi cao nhất của quyền lực, thì lúc đó mới chấm dứt được chuỗi dài trăm ngàn vụ tương tự như AVG. Lúc đó không cần phải “đốt lò” nữa. Cái cơ chế không có lỗ hổng đó chính là niềm mơ ước của cả trăm triệu người Việt!  
......

Ấm lạnh Noel 2019 với các tù nhân lương tâm!

Hình minh hoạ. Tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn (trái) làm lễ ở nhà thờ nhân lễ Giáng sinh, ngoại thành Hà Nội hôm 24/12/2013 Nguyễn Hoàng - RFA| 24 tháng 12 năm nay vẫn như năm ngoái, quanh Nhà thờ Lớn Hà Nội người chặt như nêm cối. Tiếng ngân vang của những bản thánh ca bất hủ, những giai điệu về tình thương và sức mạnh của Chúa Hài đồng huyền diệu… Dẫu vậy, từ tối đến giờ, chúng tôi cùng một số cơ đốc nhân, không để bị chi phối bởi ngoại cảnh, chỉ tập trung mỗi cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm. Thấy còn sớm, cả hội lấy quyết định tiếp tục chương trình như đã dự kiến. Mọi người kéo về Nhà thờ Thái Hà. Mỗi lần về đây, chúng tôi có cảm tưởng như được trở lại thăm “chốn xưa”, nơi Chúa giáng sinh ở Bethlehem. Thánh đường Nhà thờ được trang trí với nhiều đèn, nến, hình ảnh Thiên Chúa trang nghiêm, trầm mặc, lan toả khắp không gian tạo nên một bầu không khí linh thiêng, thành kính. Tại đây, ký ức đưa chúng tôi quay về bao nhiêu hoài niệm... Chính chúng tôi cũng không nhớ nổi đã bao lần cùng với người dân xứ đạo ở đây vang vang các khúc thánh ca của những thiên thần mà chúng tôi coi như sứ điệp từ Chúa trong những năm gần đây: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người tù nhân lương tâm”. Những khúc hát giải bày tâm tình giữa đất với trời, như kết nối chúng tôi với 271 anh chị em đang bị đầy đoạ trong các nhà giam, từ Bắc chí Nam trên giải đất đau thương hình chữ S này. Chúng tôi tin rằng, từ trong ấy, anh chị em thấu cảm được “tiếng lòng” của chúng tôi, vơi đi phần nào những thương tổn và nỗi đau thể xác trong những đêm đông giá lạnh như thế này. Vẫn biết không phải tất cả các anh chị em đều là người công giáo, nhưng hết thảy chúng ta từng được hưởng hồng ân của Chúa, đồng thời các anh chị cũng không cần lắm những lời động viên, an ủi suông. Bởi hai lẽ: Thứ nhất, cảnh ngộ chúng ta như nhau, các anh chị em đâu có đứng một mình, chúng ta cùng đứng trên “chỗ sứt mẻ” cả; khác chăng, chúng tôi từ một trại tù lớn hơn ngoài xã hội, chia sẻ với các anh chị em hiện đang trong một nhà tù nhỏ hơn. Thứ hai, khi đã tình nguyện dấn thân vào con đường đấu tranh, các anh chị em đều thừa bản lĩnh, quyết tâm và lòng dũng cảm để đối mặt với mọi xông hãm, vây bủa và bắt bớ. Tuy chẳng cùng không gian, nhưng chúng ta cùng hoàn cảnh. Trong hoàn cảnh ấy, ta đâu có nghe thấy sự thù hận, nên hãy để cho nỗi buồn và sự cao thượng lan toả. Mọi người chắc còn nhớ giờ phút thầy Đinh Đăng Định yếu lã, lời ông dặn người chung quanh hãy đừng để hận thù chiếm lấy trái tim, mà hãy tha thứ. Tấm gương của thầy và những người đã ra đi trở thành những bằng chứng sáng lòa về một đất nước còn đầy những oan nghiệt. Và thật ấm lòng, khi nhờ các phương tiện truyền thông, ngay từ đầu năm nay, chúng ta đã được biết tinh thần của một Nguyễn Đặng Minh Mẫn thật đáng khâm phục. Mặc dầu trọng lượng cơ thể chỉ còn hơn ba mươi cân sau những lần tuyệt thực để phản đối bạo lực xảy ra với cô, Minh Mẫn tuyệt nhiên không bao giờ tỏ ra yếu đuối. Người con gái ấy tuyên bố ráo hoảnh: “Nếu được làm lại từ đầu, tôi vẫn nói ‘Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam’. Mẹ con chúng tôi không bao giờ hối tiếc. Mình chấp nhận con đường đã chọn và rất hãnh diện là được góp một phần nhỏ bé để thay đổi đất nước”. Nhiều lắm những Minh Mẫn như thế. Cũng như những Phạm Đoan Trang, Phan Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Huỳnh Thục Vy… kể sao hết hậu duệ của Hai Bà Trưng, Bà Triệu ở thế kỷ 21 này. Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam hiện là nước đứng thứ hai ở Đông Nam Á về số lượng tù nhân lương tâm bị giam hãm, khi mà tính đến nay, con số đã lên tới 271. Trong tù, các anh chị em đã và đang bị đánh đập, cách ly, tra tấn và từ chối thăm khám y tế đầy đủ. Nhân thân của mỗi người tham gia đấu tranh dù thiên hình vạn trạng, nhưng mục tiêu tranh đấu của các anh chị em thì chỉ là một. Cuộc đấu tranh vì sự công bình ấy ngời sáng bên cạnh sự tù mù, tăm tối của nền tư pháp “bỏ túi” đang xử những đại án tham nhũng nhiều triệu đô. Chúng là bóng tối còn anh chị em là Ánh sáng. Anh chị em đang chỉ ra con đường, mang lại chân lý và khát vọng tự do cho tha nhân… Những trái tim Danko ấy (The Flaming Heart of Danko) như ngọn đuốc trong đêm mãi mãi là nguồn cảm hứng bất tận hướng tới động lực giải phóng con người, soi sáng con đường tương lai, bắt đầu từ thế hệ hôm nay cho đến muôn đời sau. Dù bị đầy đoạ vì lương tâm, công lý và đức tin, anh chị em vẫn ngăn chặn thành công khi chúng muốn cướp lửa từ trái tim của những chiến sĩ dũng cảm mà không sao cướp được! Vì Ngọn lửa Thiêng trong cuộc dấn thân này chính là nguồn sáng từ Lẽ Thật hàng ngàn năm nay. Thật trớ trêu khi bọn cầm đầu như bí thư đảng gốc Tàu Hoàng Trung Hải, công an chìm Nguyễn Đức Chung (từng thông mưu cùng đô trưởng Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đốn hạ 15 ngàn cây cổ thụ hàng trăm tuổi chỉ trong có hai đêm), nay tuy đã bị tuyên bố kỷ luật, nhưng vẫn nhố nhăng tìm cách “diễn” trên Truyền hình nhân các sự kiện của công chúng. Trong khi đó, blogger Lê Anh Hùng, người từng hàng trăm lần, kiên trì và bền bỉ viết đơn gửi tới tất cả các cơ quan công quyền để tố giác kẻ phạm tội, đã bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam từ tháng 7/2018 đến nay và hiện đang bị hãm hại bí mật tại các bệnh viện Tâm thần. Các nhà hoạt động nhận định rằng, tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2019 rất tồi tệ và dự báo sang năm 2020 mức độ đàn áp các nhà tranh đấu sẽ nghiêm trọng hơn khi các quan chức tranh nhau nắm quyền giữa lúc diễn ra đại hội đảng các cấp. Những kẻ gieo điều ác hãy nhớ, tai hoạ bất ngờ sẽ giáng xuống đầu các ngươi, như lịch sử bao lần đã chứng minh. Còn tên tuổi của các anh chị em, những Huỳnh Anh Trí, thầy Đinh Đăng Định, những Trương Văn Sương, tu sĩ Cao Đài Trần Hữu Cảnh, tu sĩ Đoàn Đình Nam, những thầy tu Phật giáo, những linh mục Công giáo… sẽ được người đời và hậu thế vinh danh, dài không kể xiết từ 1975 đến nay. Từ Sài Gòn hoa lệ, chèn giữa những nhà thờ, những xóm đạo mừng Noel, đêm nay có một xóm đạo lọt thỏm vào nỗi buồn cô đơn của mùa đại lễ. Kẻ dữ đã dùng đến cả công an chìm đập vỡ ra từng mảnh những chòi dựng tạm bà con lấy cảm hứng từ túp lều thành Bethlehem. Lộc Hưng hơn một năm nay là cả trăm gia đình không cửa không nhà tứ tán tha phương. Là cả ngàn người ngồi giữa sương đêm, hay dưới cái nắng gay gắt bên câu khẩu hiệu “Chăm lo Tết cho bà con Vườn rau Lộc Hưng” như một sự mỉa mai đầy ai oán. Gần một năm rồi không công ăn việc làm, không nhà không cửa, bị xua đuổi, gần một năm rồi kêu oan khắp đất nước, ra tận thủ đô Hà Nội… Tha La hôm qua giặc tràn sang cướp phá, Vườn rau Lộc Hưng thì giặc nào tàn phá hôm nay? Từ những Nguyễn Thị Thuỳ Dương “tô-ma-dép” ở Thủ Thiêm (Sài Gòn), đến những Cụ Kình bị đánh què chân ở Đồng Tâm (Hà Nội)… lường gạt và đểu giả kéo dài nhiều năm như những bản án công khai tố cáo chế độ mà Nguyễn Ái Quốc có tái sinh cũng khó viết được hùng hồn hơn.   Hiện trường vụ đập phá hang đá và tượng Đức Mẹ tại Vườn Rau Lộc Hưng hôm 8/12/2019 Courtesy of FB Vườn Rau Lộc Hưng Hẳn bên trong tường cao cổng kín của các trại tù, anh chị em cũng biết rằng, chuyện bố trí để cướp tiền do các nhà hảo tâm gửi cho tù nhân lương tâm từng xảy ra. Đánh vào nguồn giúp đỡ tù nhân lương tâm là cả một tội ác, ấy vậy mà chính quyền này đâu có ngán. Chị Tươi vợ tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi, bị cướp khi vừa ở ngân hàng ra. Vụ này, anh Vi Đức Hồi đã đưa tin lên mạng. Vào thời gian này năm ngoái, một lần nhân viên ngân hàng hẹn anh Ngô Duy Quyền đến nhà giao tiền. Đến giờ hẹn thấy công an chìm quen và lạ lảng vảng quanh nơi ở nên Quyền từ chối nhận. Cảnh giác, sau đó anh Quyền đề nghị nhà hảo tâm chuyển sang một địa chỉ khác. Chị Nguyễn Thúy Hạnh cũng có lần sau khi nhận một khoản tiền khá lớn nhưng bị bọn “cá” âm mưu chặn, nhưng khi chúng đến thì chị đã kịp lên trên nhà, công an chỉ bắt được cô giao tiền để xét hỏi. Một lần khác, sau khi nhận tiền xong một tốp “cá chím” rượt đuổi theo nhưng Hạnh kịp chạy vào bên trong thang máy. “Quỹ 50K” của chị Thuý Hạnh đang rất phát huy tác dụng, mặc dù để duy trì nó, vợ chồng chị thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy. Một vụ án rúng động khác, theo blogger Tuấn Khanh, là vụ thầy Đào Quang Thực từng bị kết án 13 năm tù, mức án nặng đến ngạc nhiên dành cho một thầy giáo đau yếu và hay cười nói. Ngắm nhìn nụ cười trên di ảnh của thầy, chúng ta không thể không liên tưởng tới nụ cười nổi tiếng của chị Võ Thị Thắng. Ôi, nụ cười xưa những tưởng là vì chính nghĩa, đã từng bị dẫm đạp ngay từ trong lòng chế độ. Chị Võ Thị Thắng cũng suýt bị bắt và có lúc cũng đã nghĩ tự vẫn để giải thoát. Còn thầy Đỗ Quang Thực thì đã bị bỏ đói, bị đánh đập và khi đưa đi cấp cứu, cũng bị ngăn không cho gặp gia đình. Sau 3 năm, người thầy bị vu vạ “lật đổ chính quyền bằng nụ cười ấy”, đã qua đời đúng vào ngày 10/12 (ngày nhân quyền Quốc tế) trong một trại giam nổi tiếng tàn ác từ trong đến ngoài trại. Sau khi về với Chúa, thầy vẫn phải chịu “biệt giam” nơi bãi chôn tập thể của trại giam số 6 Nghệ An thêm 3 năm nữa – điều nhân đạo nhất mà chế độ có thể làm được. Đám tang của thầy Thực tại quê nhà tỉnh Hòa Bình, giống như một lễ dựng mộ gió của những người chết mất xác trên Biển Đông bị giặc Tàu hãm hại. Đâu đó, heo hút và khắc nghiệt của thời tiết và của cả trại giam số 6 Nghệ An, thầy Đào Quang Thực bị vùi lấp theo quy định của nhà nước CSVN. Không thể ghi danh hết tất cả 271 các anh chị, nhưng chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, một ngày không xa khi ánh sáng của nền Dân chủ được thắp sáng lên không chỉ các nơi thờ phượng, mà khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước, tên tuổi của các anh chị em sẽ được khắc trên những bảng bằng đồng hoặc đá hoa cương, để các thế hệ đời sau mãi mãi nhớ đến nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, vinh danh cuộc chiến đấu tuy không cân sức vào thời điểm hiện tại nhưng tất yếu sẽ chiến thắng dưới Niềm tin và Đức tin Thiên Chúa, dù không phải trong tất cả các anh chị em đều là Cơ đốc nhân. Chính phủ Hungary hậu cộng sản mới đây đã làm chuyện đó, mặc dầu Thủ tướng Hung cũng là một kẻ độc tài, một nhà “dân chủ phi tự do”. Xưa nay, lễ Chúa Giáng Sinh là mùa lễ của phẩm giá con người. Chúa xuống trần để nâng cao phẩm giá con người. Chúa làm người để con người được kính trọng. Con người cao quý vì đã được nâng lên làm con Thiên Chúa. Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của niềm vui. Vui vì con người được Thiên Chúa yêu thương. Vui vì con người được nâng lên địa vị cao trọng. Nhưng ở Việt Nam, mùa Giáng sinh bao năm qua vẫn lại là những ngày lễ đượm buồn… buồn nhưng vẫn lạc quan và tin tưởng. Hôm nay khi đọc Kinh Tin Kính đến câu “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”, ta hãy quỳ gối trước tình yêu thương cao cả của Chúa dành cho ta. Quỳ gối để suy niệm sự cao cả của các anh chị em vì đã được Chúa yêu thương. Vâng, các chế độ hưng rồi phế, nhưng tấm gương nghĩa hiệp về cuộc đấu tranh của các anh chị tù nhân lương tâm và cũng là của chúng ta, sẽ trường tồn theo năm tháng và lịch sử dân tộc!  
......

Một ổ tội phạm

Phạm Minh Vũ| Trong vụ AVG, Phạm Nhật Vũ bào đệ của Phạm Nhật Vượng (Vượng là sân sau của Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng) liên tiếp được báo chí “ưu đãi” đến ngạc nhiên. Khi bắt Vũ, Vũ được phe Phật giáo lên tiếng đòi trả tự do. Khi ra toà, hầu như có thế lực rất rõ là muốn xoá mờ đi hình ảnh của Vũ, tất cả phiên toà được dàn dựng nhắm vào Son-Tuấn là chủ yếu. Hình ảnh trước toà ngồi ở vành móng ngựa hay còng tay ra xe không có như Son- Tuấn. Cho tới khi 2000 tổ chức ma ký tên đòi trả tự do cho Vũ, viện kiểm soát đưa mức phạt 3-4 năm tù trong khi đó Son chỉ nhận tiền mà đòi tử hình. Thì hàng loạt báo chí đăng tải các bài viết trách móc kiểu mọi người làm quá lên, người ta khắc phục tiền rồi, được giáo hội phật giáo kêu gọi trả tự do abc... như ý nói rằng Vũ chỉ là nạn nhân. Vũ là em của Vượng, mà Vượng là sân sau của Bác Cả, Bác Cả dùng Vượng như là một cơ sở kinh tài cho Bác thực hiện các thủ đoạn chính trị của mình, cho dù Vũ là tác giả của AVG đương nhiên sẽ được đẩy tất cả tội cho thằng khác. Vừa lấy cơ hội để thanh trừng, vừa cứu được bào đệ của đệ tử mình, kế đó quả là cao thâm. Nói cho cùng, đảng viên cộng sản có đứa nào leo lên từ cấp huyện trở lên mà không ăn, không tham nhũng? Suy ra, đảng cộng sản là một ổ tội phạm cả, từ bán nước, mua dâm, trộm cướp, bảo kê, đâm chém buôn ma tuý, lũng đoạn tài sản của nhân dân, cướp của Ngân sách... chúng nó có chừa thứ gì đâu? ***** PHẠM NHẬT VŨ, THỦ PHẠM CHÍNH TRONG VỤ AVG Do Duy Ngoc Trong vụ án AVG, thủ phạm chính vẫn là Phạm Nhật Vũ. Có thể đàng sau Phạm Nhật Vũ còn có bóng ma trong bóng tối khác nữa điều khiển mọi chuyện. Thế nhưng Vũ vẫn là kẻ ở ngoài ánh sáng và là người móc nối, chủ động và là kẻ chung tiền cho cuộc mua bán này. Son, Tuấn hay những kẻ khác nữa đều là những người được chia chác lợi nhuận sau một vụ áp phe. Kẻ hưởng lợi nhiều nhất, hàng ngàn tỷ đồng vẫn là Phạm Nhật Vũ và những người trong bóng tối. Với giá bán 95% cổ phần của AVG là 8.898,3 tỷ đồng, Phạm Nhật Vũ đã bán cổ phần AVG cao hơn giá trị thật nhiều lần, mang lợi ích cho Vũ cùng các cổ đông AVG gần 6.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng bị cáo Phạm Nhật Vũ được hưởng hơn 5.850 tỷ đồng. Trong các cuộc trao đổi Phạm Nhật Vũ đã gọi cho Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son 85 cuộc điện thoại và gửi 206 tin nhắn, đề nghị Nguyễn Bắc Son chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa MobiFone với AVG. Còn bị cáo Nguyễn Bắc Son đã gọi cho Phạm Nhật Vũ 126 cuộc điện thoại và gửi 139 tin nhắn để trao đổi về tiến độ và thúc đẩy dự án sớm hoàn thành. Những chi tiết đấy cho thấy sự chủ mưu và điều hành áp phe này của Phạm Nhật Vũ Thế nhưng, Phạm Nhật Vũ- cựu chủ tịch hội đồng quản trị AVG, bị khởi tố, truy tố ra tòa về tội đưa hối lộ, quy định tại khoản 4, điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015. Viện Kiểm sát chỉ đề nghị mức án từ 3-4 năm tù do áp dụng "chính sách hình sự đặc biệt". Đã đành về mặt luật pháp, nếu thành khẩn khai báo, nếu khắc phục hậu quả thì sẽ được xem xét để có thể giảm tội chứ không thể thành kẻ vô tội được. Báo chí mấy hôm nay bênh vực cho Vũ, có thông tin cho biết có 2000 chữ ký đề nghị tha tội cho Vũ, trong đó có chức sắc của một số cơ quan nước ngoài và có cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Rặt một trò hề! Đại gia Vũ kiếm hàng ngàn tỷ, cúng cho chùa vài tỷ để mua danh từ thiện, để sám hối những việc làm ăn bất chính, đó không thể là những yếu tố để xét khi ra toà. Không thể dùng những mối quan hệ với những cán bộ nước ngoài để chạy bớt tội. Đã bảo là Pháp bất vị thân, và như thế vài ngàn chữ ký cũng không thể đổi trắng thay đen được. Biết bao nhiêu là án oan và nạn nhân bị kêu án tử hình, chưa bao giờ Giáo hội Phật giáo lên tiếng xin cứu xét hoặc bênh vực dù đó là chuyện nên làm. Thế thì hà cớ gì lại lên tiếng bảo vệ một kẻ phạm tội rành rành vì kẻ đó đã từng cúng tiền cho Giáo hội? Dân gian bảo tiền là Tiên là Phật, đúng thế chăng? Việc Vũ thành khẩn khai hết cho cơ quan điều tra có thể giúp cho Vũ được giảm án, điều đó phù hợp với luật định. Nhưng không vì thế mà Vũ được hưởng quá nhiều ưu tiên, kể cả vắng mặt khi toà xử. Xử sự như thế là bất công. Hiện nay cứ mỗi lần rằm, mồng một hay lễ Tết, biết bao kẻ cho vay nặng lãi, giết thuê chém mướn, nhiều kẻ làm chuyện bất nhân thất đức, lắm kẻ dùng quyền lực cướp đất, cướp nhà dân, nhiều người xô đẩy kẻ vô tội vào tù để kiếm chác, tất cả loại người đó lần lượt nối đuôi nhau lũ lượt vào chùa, cúng bái nhiều tiền cho chùa, đốt nhiều vàng mã, thắp nhang to, lễ vật nhiều, Phật có chứng giám cho chăng? Tội lỗi có nhờ vậy mà bớt hay chăng? Bây giờ Giáo hội muốn làm thay cho công lý đòi giảm tội cho kẻ có tội, điều đó có đúng với giáo lý nhà Phật chăng? Nguyễn Bắc Son sau khi chối quanh đã nhận tội. Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà cũng đã nhận tội. Phạm Nhật Vũ thì ngay từ đầu đã khai hết mọi chuyện. Chứng cớ đã rành rành, đã xử thì phải xử đúng người đúng tội. Tại sao báo chí lại có chiến dịch bênh vực cho Phạm Nhật Vũ? Tại sao lại dấy lên những thông tin ca ngợi Phạm Nhật Vũ, kẻ chủ mưu của cuộc mua bán với lợi nhuận khổng lồ này? Đàng sau những điều đó ẩn chứa điều gì? Công lý không thể vì vậy mà bị bịt mắt, toà án không thể vì thế mà bóp méo luật pháp. 25.12.2019 DODUYNGOC  
......

75 năm quân đội nhân dân Việt Nam

Chu Mộng Long| Chiều hôm qua, nhà trường tổ chức lễ tri ân các cựu quân nhân, sĩ quan dự bị, sĩ quan biệt phái nhân kỷ niệm 75 năm Quân đội nhân dân Việt Nam. Một cựu binh nói, nếu bây giờ có giặc, đồng chí ấy sẵn sàng cầm súng. Tôi cười và nghĩ, giặc trước mắt các đồng chí đấy, giặc nội xâm, tức giặc tham nhũng. Có dám bắn không? Án tử hình cho một người, xưa là đồng chí, nay là giặc, “đau lòng lắm”! Với tôi, giặc nội xâm còn nguy hiểm hơn ngoại xâm. Nó vơ vét tài nguyên, gây ra thảm họa môi trường, thực phẩm, giao thông, nó tàn phá đất nước, đầu độc và giết chết hàng triệu người, nó đẩy dân nghèo vào cảnh kiệt cùng phải bán thân nơi xứ lạ. Chiến tranh từng gây ra bao nhiêu mất mát tang thương. Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người em phải nuôi anh cụt chân, tàn phế. Nay hòa bình, không tiếng súng, nhưng ngày nào cũng có hàng bao nhiêu vụ tai nạn giao thông, ngày nào cũng có trăm người chết vì ung thư, chỉ mấy năm đã có vạn người chạy trốn vào thùng container và có hàng chục người đã chết đóng băng nơi đất khách. Những ai không mất một sợi lông, chưa chứng kiến cảnh mất mát tang thương mới hơn hớn tự hào. Riêng cá nhân tôi luôn canh cánh nỗi niềm đau vô hạn. Nếu thật lòng tri ân, hãy tri ân những gia đình đã đổ máu trong chiến tranh. Hãy nhỏ nước mắt cho những người tiếp tục ngã xuống và chịu nhiều đau đớn ngay trong thời bình. Xương máu con người không phải là niềm tự hào đến mức làm trò tiêu khiển hay lợi dụng kiếm ăn. Biết đau thương mới làm nên sức mạnh diệt thù, không chỉ chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc mà còn chiến đấu chống giặc nội xâm bảo vệ đời sống dân lành. Anh hùng với giặc ngoại xâm mà hèn trước giặc nội xâm thì sự anh hùng ấy ngang tầm trẻ trâu chỉ biết đánh trâu làm khí phách. Nhớ những năm chiến tranh, nhà tôi từ trên núi di cư xuống nhà bà nội gần Nhà Thờ Đá. Khi hai bên đánh nhau dữ dội, cả làng đã chui vào nhà thờ tránh đạn. Các cha đã nuôi cả làng. Khi chiều xuống êm tiếng súng, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên, hồn tuổi thơ của tôi như bay theo tiếng chuông vang khắp quê hương. Một niềm khao khát hòa bình đến vô hạn. Rồi hòa bình đến, cái chuông to nhất Đông Nam Á đó bị gỡ xuống và bán đồng nát. Suốt thời hợp tác xã, nhà thờ biến thành kho chứa thóc và chứa phân bón. Nay nhà thờ gần như bị san bằng, chỉ còn vách đá mặt tiền nham nhở đứng giữa hoang phế rong rêu và cỏ dại. Tôi không theo đạo Thiên Chúa, nhưng mỗi lần về quê đều ghé thăm nơi mẹ tôi lúc trốn giặc đã đẻ tôi trong đó. Nhìn cảnh hoang phế tiêu điều mà ngậm ngùi. Tôi từng cầm súng. Nhưng thay bằng tự hào về chiến tranh, tôi luôn khao khát hòa bình. Mong tương lai đất nước này sạch bóng giặc, không ngoại xâm lẫn nội xâm. Hãy dạy các con tôi và cả thế hệ tương lai những bài học đau thương để yêu hơn cuộc sống hòa bình. Đừng tự hào sáo rỗng!  
......

Người Trung Quốc tràn sang từng đoàn: Dân lo, chính quyền phản ứng chậm!

 Diễm Thi - RFA| Dân không tin Trung Quốc! Chỉ trong 10 ngày, ba đoàn khách Trung Quốc với số lượng từ hàng trăm lên đến vài ngàn sang Việt Nam tham gia các hoạt động văn hóa của riêng họ khiến nhiều người đọc báo ngỡ ngàng. Lý do theo họ chưa bao giờ có hiện tượng như vậy xảy ra. Trong khi đó cơ quan chức năng và chính quyền chỉ có biện pháp khi sự việc dường như đã rồi. Vụ việc đầu tiên diễn ra hôm 10 tháng 12, hơn 600 người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam theo hình thức “tour 0 đồng” qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) sau đó tập trung về thành phố Hạ Long, tụ tập tại Cung Quy hoạch – Hội chợ và Triển lãm tỉnh (Cung Cá heo), để biểu diễn trang phục, ca hát… Ngày 11 tháng 12, bà Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Ninh – cho báo chí biết đã đề xuất cho tạm dừng chương trình vì chưa được phép của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, ông Bùi Quang Nam, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Ninh, cho rằng doanh nghiệp chỉ cần gửi văn bản thông báo đến các cơ quan chức năng là được phép tổ chức mà không cần chờ cấp giấy phép hay có ý kiến phản hồi. Ngày 12 tháng 12, hơn 700 khách du lịch Trung Quốc, chủ yếu là khách nữ, đến Cung Cá heo quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh Quảng Ninh (thành phố Hạ Long) tụ tập chụp ảnh khiến chính quyền địa phương phải đưa khoảng 30 người đến giám sát. Hai vụ đó chưa kịp lắng xuống trong công luận thì sáng 20 tháng 12, hơn 2.000 người Trung Quốc di chuyển trên 60 xe khách từ tỉnh Quảng Ninh đến thành phố Hải Phòng để dự tiệc mà dư luận cho rằng họ dự định tổ chức hội thảo tại Trung tâm tiệc cưới Hải Đăng khiến dư luận không khỏi lo ngại. Theo TS Nguyễn Xuân Diện thuộc Viện Hán Nôm, thì theo lẽ thường, khi một nước, một tỉnh hoặc một vùng du lịch mà có khách du lịch đến ăn uống, tiêu xài, thuê mướn khách sạn, hội trường… thì đấy là một điều mừng chứ không phải điều lo, nhưng dư luận Việt Nam lại thấy lo ngại trước hiện tượng người Trung Quốc đến Việt Nam ồ ạt vì nhiều lý do. Ông giải thích: “Thứ nhất là họ ồn ào, mất vệ sinh, hung dữ. Thứ hai là họ đến tuyên truyền những điều không được phép như tuyên truyền về đường lưỡi bò; tuyên truyền lịch sử Việt Nam vốn là từ Trung Quốc tách ra; tuyên truyền Hoàng Sa, Trường Sa là của họ.” Tuy dư luận xã hội lo lắng trước hiện tượng này nhưng ông Lê Thế Hùng – Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Quảng Ninh, cho rằng việc hơn 600 du khách qua biểu diễn thời trang tại địa phương này chỉ là buổi sinh hoạt nội bộ của du khách, cũng giống như du khách trong nước đi du lịch thường mặc đồng phục để check-in, sau đó ăn uống, ca hát… Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, một trong những thành phố có đông khách du lịch Trung Quốc, phân tích lý do vì sao có hiện tượng trên: “Mình không ở trong ban tổ chức nên mình không biết chắc chắn họ có ý đồ gì không, nhưng tôi nghĩ nó có thể rơi vào mấy trường hợp sau: Thứ nhất họ coi chuyện đó là bình thường, không vi phạm luật pháp Việt Nam. Thứ hai là họ có sự cố ý. Họ làm vậy để thể hiện người Trung Quốc có quyền làm bất cứ điều gì trên lãnh thổ Việt Nam theo tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc”. Cô Trần Thị Tuyết, nhân viên công ty bảo hiểm Prudential cũng bày tỏ nỗi lo lắng của mình rằng người Trung Quốc họ không bao giờ đối xử tốt với người Việt Nam mà họ chỉ tìm cách hại người Việt Nam từ thực phẩm cho đến chủ quyền quốc gia. Cô nói thêm: “Người Trung Quốc họ đâu có tốt. Ở bên nước nó mà nó đã xấu rồi thì qua tới Việt Nam mình nó còn xấu tới cỡ nào nữa!” Chính quyền quản lý lỏng lẻo hay sợ Trung Quốc? Là một nước lớn lại nằm cạnh Việt Nam, từ hàng ngàn năm qua Trung Quốc lăm le xâm chiếm Việt Nam, coi Việt Nam như một nước chư hầu của mình. Gần nhất là cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc đem quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước. Chính vì thế, chuyện từng đoàn khách du lịch Trung Quốc hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tụ tập như những ngày qua khiến người dân không thể an lòng. Các cấp chính quyền cũng chỉ giám sát hoặc tạm ngưng các chương trình của họ khi “gạo đã nấu thành cơm” mà không thể ngăn cản ngay từ đầu. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận định: “Điều đó nói lên Việt Nam rất lỏng lẻo trong vấn đề để người Trung Quốc sang Việt Nam. Thứ nhất là sự lỏng lẻo của hệ thống chính quyền tại các địa phương đó. Thứ hai là không có sự chỉ đạo một cách nhất quán từ trung ương xuống đến địa phương. Thể hiện sự buông lỏng quản lý của cấp trung ương với hiện tượng này.” Theo lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng và Sở Du lịch thành phố Hải Phòng, sự có mặt của hơn 2.000 khách Trung Quốc như kể trên là hoạt động du lịch bình thường. Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, thật ra chính quyền chỉ lên tiếng khi công luận bức xúc lên tiếng trên báo chí hoặc trên mạng xã hội. Lúc đó họ mới giật mình rồi đổ qua đổ lại. Ông nói tiếp: “Tôi cũng ở trong bộ máy Nhà nước nhiều năm nên tôi biết. Họ vô tâm lắm, họ chả có ý thức chuyện đó đâu. Cán bộ cao cấp Việt Nam rất là sợ Bắc Kinh. Nếu làm phật ý Bắc Kinh là có thể bay ghế liền, cho nên hiện tượng người Trung Quốc sang Việt Nam ờ ạt như vậy chỉ có người dân là bức xúc mà thôi chứ cán bộ thì ít, đặc biệt cán bộ cao cấp nhiều khi còn tránh né sợ đụng chạm.” RFA hỏi chuyện một vài người dân rằng giả sử người Mỹ qua Việt Nam du lịch từng đoàn người đông như vậy và có những hoạt động tương tự các đoàn khách Trung Quốc thì họ có thấy lo lắng không? Cô Tuyết trả lời không do dự: “Không! Tôi không thấy lo vì người Mỹ họ qua họ giúp Việt Nam Từ hồi nào giờ tôi chỉ thấy người Trung Quốc là xấu thôi chứ Mỹ thì không!” Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cùng ý kiến. Ông nêu dẫn chứng chiếc tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018. Hải quân Mỹ trong ban nhạc Hạm đội 7 đã có một đêm nhạc sôi động thu hút hàng trăm người dân tham gia tại chân cầu Rồng. Ông nói: “Không hề lo ngại. Hoan nghênh và vui vẻ là đằng khác. Đó không phải là suy diễn mà là thực tế. Những chiếc tàu hải quân Mỹ đến Đà Nẵng hay Nha Trang tổ chức những sự kiện văn nghệ, người dân đến xem và tham gia vui vẻ. Họ đâu có ghét. Phải nói thẳng tâm lý của người Việt Nam là rất kỵ Trung Quốc.” Qua mấy vụ vừa rồi, mạng xã hội lan truyền lại bài thơ “Đường sang nước bạn” của Tố Hữu với hai câu: “Bên ni biên giới là mình Bên kia biên giới cũng tình quê hương…”    
......

Giáo dục và những chuyện buồn muôn thuở

Phạm Minh Hoàng - Web Viettan| Vào đầu Tháng Mười Hai, 2019, dư luận rất băn khoăn về một khoản vay 77 triệu đô la Mỹ để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó hơn 16 triệu đô la Mỹ để biên soạn một bộ sách giáo khoa. Dự án được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8 Tháng Tám, 2016 và kết thúc vào năm 2020. Đến Tháng Năm, 2019 Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (GD&ĐT) báo cáo là không thực hiện được việc này; nhưng chỉ khi dư luận băn khoăn về ngân khoản 16 triệu đô ấy đã chi vào việc gì, thì thông tin chính thức mới được loan báo vào ngày 1 Tháng Mười Hai, 2019. Trong một cuộc họp báo sau đó, Bộ GD&ĐT khẳng định số tiền 16 triệu USD vẫn chưa được tháo khoán và vẫn còn nằm nguyên trong quỹ của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank). Tạm thời cứ tin là như thế. Đến ngày 21 Tháng Mười Hai, 2019, báo điện tử Giaoduc.net chạy một hàng tít đọc nghe giật mình “Làm không nổi một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo Dục đang buông bỏ trách nhiệm!” Điểm “giật mình” trước tiên là việc biên soạn sách giáo khoa là nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT quy định trong luật. Vậy mà không hiểu vì sao Quốc Hội lại phải bó thời gian để ra một Nghị quyết giao cho Bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa từ lớp 1-12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Nghị quyết được ban hành ngày 28 Tháng Mười Một, 2014 nhưng không hiểu vì lý do gì 4 năm rưỡi sau (Tháng Ba, 2019) Bộ mới ra thông báo mời các nhà khoa học, nhà giáo tham gia xây dựng bộ sách giáo khoa tham dự biên soạn. Khi đó, ngày 19 Tháng Ba, 2019, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám Đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông – Bộ GD&ĐT đã khẳng định như đinh đóng cột về khả năng hoàn tất dự án như sau: “Thiếu nguồn nhân lực viết sách giáo khoa chỉ là suy đoán, vì nguồn nhân lực có khả năng viết sách giáo khoa không chỉ có vài trăm người. Việc mời tác giả viết bộ sách giáo khoa, ngoài việc đảm bảo các tiêu chí như quy định, Bộ sẽ không chỉ hướng đến việc mời các tác giả có trình độ đào tạo cao, có uy tín, kinh nghiệm viết sách giáo khoa mà sẽ mời những tác giả có khả năng tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, có khả năng ngoại ngữ tốt để tiếp cận các nguồn tài liệu.” Sự việc cả một đất nước mang danh thông minh, hiếu học, đất nước của 20 ngàn tiến sĩ và hơn 1 triệu giáo viên các cấp mà bao nhiêu năm trời không soạn nổi một bộ sách giáo khoa là một điều khó tưởng tượng. Nhưng điều còn phi lý hơn là khi nghe các cán bộ trách nhiệm lý giải. Lý do được Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra vào Tháng Năm, 2019 là: “Phương án trực tiếp tuyển chọn tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Hầu hết các tác giả có khả năng viết sách giáo khoa đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản nên không thể tham dự.” Vậy thì lý do không phải là thiếu người giỏi nhưng người giỏi lại “đầu quân” cho các nhà xuất bản và điều ai cũng biết là các nhà xuất bản trả thù lao cao hơn của Bộ rất nhiều. Nếu quả thực như thế thì đây là một điều đáng buồn vì những thầy cô có điều kiện và kinh nghiệm soạn sách đã tìm ra cho mình một con đường ưu tiên cho lợi nhuận và điều này cũng cắt nghĩa tại sao Nghị quyết 88 đã được ban hành từ năm 2014 mà 4 năm rưỡi sau cũng chưa tìm ra người soạn. Viết đến đây tôi mới thấm thía cái câu của Nguyễn Phú Trọng “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?” Sách giáo khoa và nhóm lợi ích Một vấn đề khác là theo Luật Giáo Dục 2019 thì việc lựa chọn sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giao cho… UBND cấp tỉnh quyết định thay vì các cơ sở giáo dục phổ thông như quy định trước đó. Vậy làm thế nào để việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm khách quan, công bằng, hạn chế được thấp nhất tình trạng tiêu cực, “lợi ích nhóm” đã và đang tiếp tục là vấn đề được dư luận xã hội đặt ra. Có ý kiến lo ngại tiêu cực, “lợi ích nhóm” có thể xảy ra trong việc chọn sách cũng như việc áp từ cấp Sở xuống trường sẽ làm mất quyền của giáo viên, bởi chỉ giáo viên mới biết loại sách giáo khoa nào là phù hợp nhất. Nguyên lãnh đạo một trường đại học sư phạm bày tỏ lo ngại rằng, nếu thẩm quyền chọn sách được giao cho UBND lựa chọn cho toàn tỉnh rất có thể sẽ nảy sinh tình trạng chọn sách do quan hệ, do lợi ích cá nhân, không phù hợp với yêu cầu giáo dục. Sự lo ngại của xã hội rất có cơ sở vì trong thời đại tham nhũng như rươi ngày nay thì các nhóm lọi ích trong giáo dục là chuyện đương nhiên. Nếu tôi không lầm thì lần thay sách giáo khoa này là lần thứ 4. Lần đầu là vào Tháng Mười, 1993 với kinh phí 73 triệu đô, lần 2 kéo dài từ năm 1996 đến 2008 với vốn vay 1 tỷ USD, lần 3 vào năm 2008 Bộ đề nghị một dự án xấp xỉ 3 tỉ đô nhưng bị dư luận lên án nên xin hạ xuống chỉ còn… 80 triệu đô. Đây mới chỉ nói đến sách giáo khoa (SGK), chứ nếu tính các dự án như thiết bị trường học hoặc đề án dạy và học ngoại ngữ (của ông Nguyễn Thiện Nhân) thì con số này phải xấp xỉ 7 đến 8 tỉ đô. Một con số khổng lồ, bằng 80% ngân sách giáo dục của cả nước. Nếu tính trung bình một giáo viên lãnh 200 đô/tháng, thì số kinh phí cho 4 lần thay SGK dư sức tăng gấp đôi lương của 1 triệu thầy cô, tạo cho họ có đủ điều kiện làm việc chứ không phải lo lắng về miếng ăn và về tình trạng hợp đồng bấp bênh như ngày hôm nay. Viết đến đây, tôi chợt nghĩ Việt Nam vẫn vỗ ngực xưng danh là một nước xã hội chủ nghĩa, tạm hiểu là xã hội (tương đối) bình đẳng hơn các nước “tư bản bóc lột”, nhưng thành phần được xã hội tôn trọng nhất là các người thầy lại dùng hết trí tuệ của mình chạy theo lợi nhuận thì họ sẽ đào tạo ra cái gì? Mới đây, ngày 30 Tháng Mười Một, 2019, các em học sinh Việt Nam đã đoạt 36 huy chương trong cuộc thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO), sẽ có bao nhiêu em dùng trí tuệ của mình để đóng góp cho đất nước hay rồi cũng như 20 khôi nguyên của Đường lên đỉnh Olympia, đang là những công dân xuất sắc của… nước Úc? Vào giờ phút này, chúng ta chỉ còn hơn một tuần nữa là sẽ trở thành một “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” theo tinh thần của Đại hội VIII của đảng Cộng Sản. Chẳng riêng gì tôi, nhìn những gì đã và đang xảy ra chỉ trong ngành giáo dục, chắc mọi người đều có cùng một kết luận rằng cụm từ này đang trở thành một trò hề vĩ đại. Phạm Minh Hoàng Chuyện dài giáo dục Đào tạo tồi thì cử nhân dở Báo động sự lãng phí nguồn lực trí thức trẻ tại Việt Nam  
......

Ung thư, nỗi đau nào của riêng ai

Nguyen Lan Thang| Mấy hôm trước, tôi có dịp về bệnh viện K - Tân Triều để tham gia hoạt động chụp ảnh chân dung từ thiện cùng Help Portrait VN. Help Portrait là cộng đồng tập hợp những người chụp ảnh trên toàn thế giới, tự nguyện cống hiến thời gian, thiết bị và chuyên môn của mình để chụp ảnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Help Portrait ở VN có bề dày lịch sử hoạt động từ 10 năm nay, với 9000 tay máy cùng các tình nguyện viên hỗ trợ, với 458 điểm từng chụp, đa phần là ở các bệnh viện, đa phần là bệnh nhân ung thư. Đã có khoảng hơn 73 ngàn bức chân dung được tổ chức này thực hiện. Những hình ảnh này rồi hầu hết sẽ là hình bóng cuối cùng của một ai đó đã từng sống ở trên cõi đời này. Và đáng buồn là có rất nhiều trẻ em trong những bức hình đó. Theo thông tin trên báo chí: Ông Trần Văn Thuấn - giám đốc Bệnh viện K, viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư - cho biết năm 2018 Việt Nam có thêm trên 164.000 người mắc ung thư và trên 114.000 người tử vong do ung thư. Theo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư ở trẻ em đang tăng ở mức báo động với khoảng 250.000 trẻ em mắc phải. Mỗi năm có thêm khoảng 160.000 trẻ em bị ung thư và 90.000 trẻ em chết vì ung thư. Những con số này thật là kinh hoàng, nhưng quả thật nó cũng chỉ là một con số thống kê khô khan, chưa đáng sợ bằng những hình ảnh mà tôi có dịp ghi lại khi đồng hành cùng Help Portrait Việt Nam. Phải nói ngay rằng nguyên tắc số một của chúng tôi khi tác nghiệp là không được khai thác những góc hình bi thương. Chúng tôi phải cố gắng cười nói, giao lưu với các bệnh nhân, đặc biệt là với các em nhỏ để sao cho hình ảnh là tươi vui yêu đời nhất. Nhưng mỗi khi về bình tĩnh xem lại từng khuôn hình, có đôi lúc tôi bắt gặp những ánh mắt, cái mím môi, bàn tay siết nhẹ... một nỗi đau hiện hữu bằng hình ảnh không lời nào tả được. Bé gái này đang trong quá trình truyền hoá chất, đã rụng hết tóc, phải cắt bỏ chân trái. Nhưng em vẫn nén cơn đau đang hành hạ mình để gắng gượng ngồi xe lăn ra chụp ảnh cùng nhiều bạn khác. Hãy nhìn sâu vào ánh mắt của nó đi, bạn có thấy điều gì trong đó không? Tương lai của em rồi sẽ ra sao? Tôi đã từng được ngắm nhìn trực tiếp dãy ảnh chân dung các nạn nhân trong nhà tù Tuol Sleng của Pol Pot. Tôi cũng biết ở đâu đó bên Châu Âu có một bộ sưu tập ảnh các nạn nhân lò hơi ngạt của phát xít Đức. Nếu bây giờ tập hợp được các bức chân dung mà Help Portrait Việt Nam thực hiện trong 10 năm qua thì chúng ta cũng sẽ có một bộ sưu tập thật là kinh dị về những nạn nhân ngay giữa thời bình. Đau đớn thay, nhiều người trong chúng ta còn chưa ý thức được rằng bệnh ung thư không tự dưng mà có. Nó đến từ một chính sách điên rồ, duy ý chí, bất chấp hậu quả môi trường, bất chấp hệ luỵ xã hội... ấy là chủ trương công nghiệp hoá hiện đại hoá từ cách đây hơn 30 năm. Ung thư về mặt tư tưởng. Đó mới là căn bệnh ung thư khủng khiếp nhất đang từng ngày huỷ hoại đất nước chúng ta. 30 năm phát triển công nghiệp, từ một đất nước nhiệt đới xanh tươi, cho đến nay chúng ta có gì ngoài một môi trường tan nát, những nhà máy thép khói bụi, những thuỷ điện phá nát rừng đầu nguồn, những nhiệt điện bụi mờ không khí, những đồng ruộng bờ xôi ruộng mật bị cưỡng chế cho công nghiệp rồi bỏ hoang hàng chục năm. Và trên hết là một lực lượng bệnh nhân ung thư hùng hậu nhất hành tinh. Không chỉ hủy hoại môi trường, chế độ này còn đàn áp và ngăn cản những nỗ lực nhằm minh bạch thông tin về môi trường một cách có hệ thống, có tổ chức. Mới gần đây, ngày 19/12/2019 Bộ Tài nguyên Môi trường đã ngang nhiên đuổi các nhà báo ra khỏi phòng trong cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Xa hơn nữa, chúng ta không khó để thấy trường hợp các nhà hoạt động môi trường bị bỏ tù như Đinh Đăng Định, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Thị Xuân... khi họ chỉ làm một việc duy nhất, ấy là đấu tranh bảo vệ môi trường. Có một điều an ủi là bệnh ung thư chia đều cho tất cả chúng ta. Các tác nhân gây ung thư có ở khắp nơi trong môi trường. Giàu hay nghèo. Sang hay hèn. Già hay trẻ. Ở đô thị hay nông thôn. Có yêu đảng yêu bác hay không... tất cả đều không quan trọng gì nữa khi chúng ta đều có cơ hội là ngang nhau để đón nhận căn bệnh tử thần này. Vì thế, các bạn dư luận viên bảo vệ chế độ nên bình tĩnh, đừng vội nhảy dựng lên mà chửi tôi như mọi khi nhé. Hãy từ từ mà tận hưởng "tính ưu việt" của chế độ, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ đâu. Còn đến lúc hiểu ra rồi thì vẫn chưa muộn, tôi sẽ vẫn chờ các bạn ở đây, để chúng ta cùng chung tay xóa bỏ chế độ khốn nạn vô nhân tính này. Yêu thương tất cả  
......

Từ ông Morrison đến ông Cờ Lờ Mờ Vờ

Thủ Tướng Úc, Scott Morrison (trái) - ông Cờ Lờ Mờ Vờ(phải) Đỗ Đăng Liêu - Web viettan.org| Ngày hôm nay ở xứ Úc này xảy ra một lúc 3 chuyện vừa thương cảm, vừa tội nghiệp vừa tức cười! Thương cảm là vì vụ cháy rừng ở tiểu bang New South Wales vẫn tiếp tục cháy, cháy đã mấy tuần nay, và vẫn còn tiếp tục cháy, và cháy dữ dội, và đã khiến cho 2 nhân viên cứu hoả thiện nguyện tử nạn. Điều mà nhiều người ở xa không biết, và có lẽ là không tưởng tượng nổi, là trong lực lượng cứu hoả tại tiểu bang này, ngoài các nhân viên cứu hoả chuyên nghiệp, có tới 72.491 nhân viên cứu hoả thiện nguyện. Chuyện thương tâm đã xảy ra, nước Úc ngày hôm nay treo cờ rủ để cảm ơn và tưởng nhớ đến 2 người đã hy sinh vì tha nhân. Tội nghiệp là tội nghiệp cho ông Thủ Tướng Úc, Scott Morrison. Tai nạn nói trên xảy ra đúng lúc ông Morrison rời nhà cùng vợ con đi nghỉ phép. Đây là những ngày nghỉ mà gia đình ông Morrison đã lên chương trình từ lâu. Thế là truyền thông, mạng xã hội, báo chí, đối thủ chính trị,… thi nhau nhào vào chê trách, xỉ vả ông Morrison, cho rằng trong lúc có người chết như thế mà Thủ Tướng đi nghỉ thì … không phải cách! Mặc dầu cũng có nhiều người mạnh dạn lên tiếng giải thích và biện hộ cho ông Morrison, nào là ngày nghỉ đã tính từ trước, nào là ông ấy làm việc quần quật suốt năm tháng (mà quả đúng như vậy vì chẳng có ngày nào mà người ta không thấy ông Morrison xuất hiện trên truyền hình để giải đáp những thắc mắc, khiếu nại của dân chúng) thì cũng phải được phép nghỉ chứ. Nhưng muốn nói gì thì nói, dân đã không bằng lòng thì không xong. Thế là ông Morrison phải cắt ngắn ngày nghỉ và lên tiếng xin lỗi, xin lỗi những ai đã phiền lòng. Dân chủ nó khổ thế đấy, chả trách lãnh đạo xứ ta rất ghét dân chủ! Thương tâm và tội nghiệp là như thế nhưng vẫn cảm thấy buồn cười (mếu máo) khi “trông người lại nghĩ đến ta”. Buồn cười vì không hiểu vì sao những người như ông Morrison lại chọn con đường làm Thủ Tướng để làm gì. Lương thì cũng chẳng thấm vào đâu so với những đại gia suốt đời chọn con đường làm giàu, có trong tay bạc tỉ đô, sống phè phỡn, cả đời xài không hết tiền, kẻ hầu người hạ như vua chúa, chẳng bao giờ bị ai moi móc mắng mỏ như ông Morrison. Buồn cười vì những người như ông Cờ Lờ Mờ Vờ nhà mình, đi không đi thẳng, nói không ra hơi, bụng không có chữ, đầu không có ý, cả đời làm Thủ Tướng không đối đáp với dân lần nào, chỉ huênh hoang độc thoại như thằng khùng. Đi họp với thế giới thì ngủ gật. Đi nghe nhạc thính phòng thì như vịt nghe sấm, lôi quạt ra quạt phành phạch đến xấu hổ. Vậy mà tiền rừng bạc biển trong tay, chỉ quanh năm suốt tháng ngửa bụng mà hưởng. Người như Ngài, nước ta xúc đổ đi không hết. Thương dân Úc thì thương, tội nghiệp ông Morrison thì vẫn tội nghiệp, nhưng nghĩ lại thì thấy dân Úc còn may mắn gấp vạn lần dân và nước mình! Đỗ Đăng Liêu  
......

Cho một người vừa chết, cho một người mỏi mòn

Ảnh thầy giáo Đào Quang Thực (trái) - TNLT Hồ Đức Hòa (phải) nhacsituankhanh| Đám tang của thầy Đào Quang Thực tại quê nhà của ông, tỉnh Hòa Bình, giống như một lễ dựng mộ gió của người chết mất xác trên biển miền Trung. Gia đình và bạn bè của ông đứng quanh một bàn hương án, có tấm băng-rôn ghi tên và ngày chết của ông, chứ không có thi thể. Ở đâu đó, heo hút và khắc nghiệt của thời tiết và của cả trại giam số 6 Nghệ An, thầy Đào Quang Thực bị vùi ở đó theo luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với lý do đơn giản là việc giao thi thể về nhà sẽ gây mất an ninh. Theo thông báo, 3 năm sau khi thầy Thực qua đời (tuổi 59), gia đình mới có thể lên trại giam số 6, Nghệ An để làm đơn xin cải táng. Thầy Đào Quang Thực bị kết án 13 năm tù, một mức án nặng đến ngạc nhiên dành cho một thầy giáo đau yếu và hay cười nói. Công an tỉnh Hoà Bình đặt tên cho thầy Thực là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, một tên gọi tự nhiên và đầy tính viễn tượng, như kiểu cha mẹ chọn cho con mình một cái tên thằng tèo, con tí, ngẫu hứng và may rủi. Nhưng thầy Thực là một đứa con không may mắn trên đất Việt. Từ khi tạm giam, ông đã bị đánh, bị bỏ đói và khi đưa đi cấp cứu, ông cũng bị ngăn không được gặp gia đình. Và rồi, cuối cùng thì 3 năm sau, người hoạt động lật đổ chính quyền bằng nụ cười ấy, qua đời trong một trại giam nổi tiếng tàn ác từ trong đến ngoài trại. Tưởng chừng như ông được giải thoát trước 10 năm giam cầm của mình, nhưng không, thầy Thực vẫn phải chịu biệt giam cùng bùn đất nơi bãi chôn của trại giam số 6 Nghệ An thêm 3 năm nữa: Điều nhân đạo nhất mà một chế độ có thể làm được. Đã đến lúc chúng ta cần nhớ đến những người đã đi qua giam cầm, đi qua những án tù quái lạ và chết nối, linh thiêng vào đời tự do mà họ mơ ước. Tôi nhớ những người như anh Huỳnh Anh Trí, thầy Đinh Đăng Định, ông Trương Văn Sương, tu sĩ Cao Đài Trần Hữu Cảnh, tu sĩ Đoàn Đình Nam, những thầy tu Phật Giáo, những linh mục Công giáo… danh sách thật dài, không kể xiết kể từ 1975 đến nay. Tôi không nghe thấy sự thù hận, chỉ có nỗi buồn và sự cao thượng tỏa lan. Tôi nhớ những giờ phút thầy Đinh Đăng Định yếu lã, lời dặn của ông với những người chung quanh là đừng để hận thù chiếm lấy trái tim, mà hãy tha thứ. Họ nối nhau ra đi, và trở thành những bằng chứng sáng lòa về một đất nước còn đầy những oan nghiệt. Còn nữa hay không, những người con của nước Việt như vậy sẽ ra đi, chỉ vì ước mơ nhìn thấy một quê hương đổi thay tốt đẹp hơn, ước mơ nhìn thấy một chính quyền thật sự vì tổ quốc và dân tộc? Danh sách đã dài lắm chưa trong tim bạn? Tháng 12 này, gia đình của anh Hồ Đức Hòa đi thăm nuôi về, và lặng đi khi thấy anh Hòa đã mang thêm chứng tê bại, có thể dẫn đến liệt người. Đây là điều dễ thấy nhất, trong số những chứng bệnh về đại tràng, trĩ, huyết áp cao, gan chai… mà anh đã chịu đựng suốt 8 năm qua. Hồ Đức Hòa là người chịu án nặng nhất trong số những người bị kết án trong vụ 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành vào năm 2013. Trong số đó, có 6 người tuyên bố không nhận tội do tòa án phán quyết, bao gồm Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Văn Oanh, Trần Minh Nhật. Riêng Hồ Đức Hòa bị án nặng nhất là 13 năm tù và 5 năm quản chế, bị coi là người đứng đầu trong nhóm. Con số 13, như định mệnh chung cho cả thầy Thực và anh Hòa. Sức khỏe của tù nhân Hồ Đức Hòa ngày càng suy sụp. Và lúc này thì càng ngày càng thấy rõ hơn, khi có nghi vấn là anh mắc bệnh ung thư gan thời kỳ đầu. Gia đình của anh Hồ Đức Hòa cho biết, vốn là một người can trường và thường giấu nhẹm tình cảnh khó khăn của mình để mẹ già không lo lắng, nhưng đến nay, anh bật nói ra với người nhà trong lần thăm nuôi mới vừa rồi, cho thấy anh không còn đủ sức chịu đựng như trước. Từ năm 2016, anh Hồ Đức Hòa không còn được nhận đồ thăm nuôi của gia đình, kể cả những loại thực phẩm trợ giúp cho các chứng bệnh của anh, thậm chí cả thuốc men. Trại giam Ba Sao, lừng danh với sự khắc nghiệt không kém trại 6 Nghệ An, chỉ cho gia đình gửi tiền vào lưu ký trong trại giam, để mua thức ăn hay nhu yếu phẩm của trại bằng giá đắt đỏ nhưng không kiểm soát được phẩm chất. Lý do trừng phạt là anh Hồ Đức Hòa có tư tưởng cải tạo không tốt. Gia đình cũng nhận được thư của trại giam, yêu cầu phải thúc đẩy anh Hòa nhận sự giáo dục tư tưởng của trại. Tù nhân ở Việt Nam trải qua 2 lần tù như vậy. Sau khi bị kết án và bị giam giữ, họ còn phải bị tra tấn tinh thần suốt thời gian thụ án, bằng cách phải xác nhận ăn năn và ra mặt cầu xin sự khoan hồng của đảng và nhà nước. Tù nhân Hồ Đức Hòa đã đi qua 8 năm với 2 lần tù tinh thần và thể xác như vậy. Không như thầy Đào Quang Thực phải qua đời trong im lặng. Hay như thầy Đinh Đăng Định, ra đi trong sự chứng kiến đầy bất lực của mọi người chung quanh, anh Hồ Đức Hòa là một thực thể sống và đang mỏi mòn. Vì Hồ Đức Hòa là một hình ảnh rõ nét của ý chí tự do, đầy nhân cách của một người tự do. Anh cần hơn hết sự quan tâm của mọi người, của công luận vào lúc này. Những người tù đã ra đi và được nhớ đến, là lý do để anh Hồ Đức Hòa cần được nhớ nhiều hơn hôm nay. Đừng để những danh sách đau thương ấy dài hơn, đáng nhớ hơn. Sự sống của mỗi con người bất cứ nơi nào đó trên đất Việt, không phải chỉ để nhớ đến, mà để hành động.  
......

Hiện tượng lạ về một bức ảnh thư giãn

4.000 người diễn tập chống khủng bố ở TP.HCM (15/12/2019) Le Anh| Trong vài ngày qua, có một hiện tượng rất lạ, nhiều post của dân cư mạng đã loan truyền về 1 bức ảnh biếm họa (không biết tác giả) với những Status mang tính “châm biếm” liên quan đến một số sự kiện, tình hình diễn biến trong nước. Bên cạnh đó cũng có người lồng vào những nội dung liên quan đến cá nhân mang tính thư giãn. Hình như nhiều người có vẻ thích thú về bức ảnh biếm họa này. Sự thích thú này là vì có thể đưa nội dung về những sự kiện trong nước mới vừa xảy ra do chính mình suy nghĩ và phản ảnh quan điểm qua bức ảnh. Nhìn lại các nội dung “châm biếm” qua bức ảnh biếm họa, có thể thấy đại đa số dân cư mạng rất bức xúc và không đồng ý về những gì mà đảng và lãnh đạo đang làm. Đây cũng là một trong những cách nói lên quan điểm của mình cho một vấn đề nào đó, cho dù một câu, một vài dòng. Dưới đây là 2 bức ảnh về 2 sự kiện đang được chia sẻ rộng trong cộng đồng mạng trong mấy ngày vừa qua. Nguyễn Đức Kiên phát biểu   1/ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Kiên giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.(12/12/2019,) Ông Kiên có học vị là tiến sĩ, có những phát ngôn rất "quái đản" và cũng là người có chủ trương ủng hộ Bot bẩn và Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc - Nam. 2/ 4.000 người diễn tập chống khủng bố ở TP.HCM (15/12/2019) Chắc chắn, bức ảnh biếm họa này sẽ được tiếp tục lan tỏa với những nội dung khác nhau, tuỳ thuộc vào sự suy nghĩ và quan điểm của mỗi cá nhân liên quan đến một vấn đề nào đó.    
......

Hà Nội ô nhiễm không khí có giải pháp như không có giải pháp

Le Anh|   Báo Zing dẫn lời ông Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong cuộc phỏng vấn hôm 17 Tháng Mười Hai, 2019: “Khẳng định Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất cũng chưa có cơ sở khoa học…”. Sau lời ông Chung, câu hỏi của một số người đặt ngược lại với ông Chung rằng, không biết ông dựa vào cơ sở nào mà ông cho rằng không có cơ sở khoa học. Theo báo cáo của World Air Quality Report, Hà Nội đứng thứ 12 trong số những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới’. Báo cáo trên được dựa trên dữ liệu của năm 2018 do AirVisual tổng hợp. Nếu dựa trên dữ liệu của 2019, đặc biệt là trong những ngày qua, chỉ số ô nhiễm không khí gia tăng ở mức xấu gây nguy hiểm đến sức khỏe khiến nhiều người dân đang hoang mang, lo lắng, có lẽ Hà Nội sẽ đứng đầu bảng các thủ đô 'ô nhiễm nhất thế giới' Một điều khôi hài nữa là ông Chung tự đánh bóng mình, và cho rằng Hà Nội ngày nay sạch hơn 3 năm trước kể từ khi ông nhậm chức. Ông Chung cũng cho biết, thời gian qua TP Hà nội đã có những hành động tích cực để giải quyết vấn đề “không khí ô nhiễm” như: trồng thêm cây xanh, chuyển từ việc hốt rác thành có xe rác. Ông Chung còn khoe đã giải quyết các hồ nước ô nhiễm và bây giờ cá có thể bơi tung tăng… Ngoài ra, còn giải pháp khuyến cáo người dân hạn chế ra đường. Nhiều người nhận thấy rằng, đây là giải pháp không khả thi, trong khi người dân cần nhu cầu ra ngoài để mưu sinh hằng ngày. Một số chuyên gia cho rằng, những giải pháp mà do ông Chung chỉ đạo, tiến hành chỉ là cách giải quyết cấp thời nhưng không giải quyết tận gốc của vấn đề. Tuy nhiên cách giải quyết đó có kết quả hay không lại là vấn đề khác. Câu hỏi được đặt ra là ông Chung nói đã tiến hành giải pháp trong thời gian qua, nhưng tại sao chỉ số không khí ô nhiễm gia tăng đến mức báo động? Như vậy, những điều ông Chung công bố về giải pháp liệu có đáng tin hay không? Nếu thật sự có, những giải pháp đó đã không có hiệu quả cho nên mới dẫn đến chỉ số không khí ô nhiễm gia tăng trong những ngày qua. Bạn nghĩ thế nào về những giải pháp của Tp Hà Nội như ông Chung nói?    
......

Lộ và chưa bị lộ

Nguyễn Hưng Quốc| Mấy ngày hôm nay, theo dõi phiên toà xét xử vụ án tham nhũng liên quan đến Tổng công ty Viễn thông MobiFone, tôi rất kinh ngạc. Kinh ngạc, trước hết, về những con số. Số tiền Phạm Nhật Vũ hối lộ cho Nguyễn Bắc Son là 3 triệu đô la (66.5 tỉ đồng), cho Trương Minh Tuấn là 200.000 đô la (4.45 tỉ đồng), cho Lê Nam Trà là 2,5 triệu đô la (55.6 tỉ đồng), và cho Cao Duy Hải là 500.000 đô la (11 tỉ đồng). Riêng Nguyễn Bắc Son thì còn được Lê Nam Trà “chia” cho thêm 700.000 đô la. Tất cả đều là tiền mặt. Và là đô la Mỹ. Tôi còn kinh ngạc ở thái độ của người đưa hối lộ và người nhận hối lộ. Trương Minh Tuấn kể là mình nhận được một phong bì; khi khách về rồi, mở ra, mới thấy đó là 200.000 đô la. Ông tưởng đó là tiền chúc Tết và mừng ông lên làm Bộ trưởng. Lê Nam Trà thì kể mình nhận được hai thùng các-tông, ông ngỡ là hai thùng hoa quả; đến khi khách về rồi, mở ra, mới thấy 2 triệu đô la. Còn Nguyễn Bắc Son thì kể để valise tiền 3 triệu đô la ngoài ban-công! Hơn nữa, theo lời khai trước toà, ông nói ông đưa cho con gái ông tất cả số tiền ấy, sau, ông đính chính, ông đã tiêu hết số tiền ấy nhưng không nhớ đã chi tiêu vào việc gì. Sao người ta kiếm tiền dễ và cũng rẻ rúng tiền đến thế nhỉ? Mà đó cũng chưa phải là toàn bộ sự thật. Còn bao nhiêu dự án khác thì sao? Hơn nữa, đó chỉ là vụ tham nhũng trong Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn bao nhiêu bộ khác nữa? Không có gì lạ khi tất cả các cán bộ các cấp ở Việt Nam đều giàu sụ. Chức càng cao thì càng giàu. Cứ nhìn nhà cửa của Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh thì biết. Bởi vậy, không nên chửi Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn quá. Họ chỉ rủi hơn những người khác, những người chưa bị lộ, thôi.    
......

Công Đoàn trong Luật Lao Động mới có thật sự độc lập?

Ca Dao - Bauxite Việt Nam| Ngày 20/11/2019, bộ Luật Lao Động mới đã được thông qua trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội thứ 14 với 90,06% đại biểu tán thành. Bộ Luật Lao Động được sửa đổi theo bộ Luật Lao Động năm 2012, sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2021, báo chí nhà nước đưa ra 10 điểm đáng chú ý: 1. Tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ 2. Quốc khánh được nghỉ 2 ngày 3. Tăng thời giờ làm thêm theo tháng lên 40 giờ 4. Cấm tuyển dụng lao động với mục đích mua bán người 5. Mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh 6. Đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do 7. Ghi nhận hình thức hợp đồng lao động điện tử 8. Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 1 năm/lần 9. Không can thiệp trực tiếp vào tiền lương của doanh nghiệp 10. Được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi Nhưng báo chí nhà nước không nhắc gì đến một thay đổi quan trọng mà đó mới chính là nguyên nhân của việc sửa đổi lại bộ Luật Lao Động này: đó là sự xuất hiện của cụm từ “Tổ Chức Đại Diện Người Lao Động” ở chương thứ XIII của bản dự thảo. Bộ Luật Lao Động mới gồm 17 chương và 220 điều. Chương XIII gồm có 8 điều: Bên cạnh Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (một công đoàn hợp pháp của nhà nước Việt Nam) xuất hiện một  tổ chức công đoàn khác mang tên “Tổ Chức Đại Diện Người Lao Động”. Trong đó, điều 170 quy định “Quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau: 1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn 2. Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này.” Rằng vui thì thật là vui! Một số mạng truyền thông hồ hởi đưa tin: Việt Nam đã cho phép thành lập công đoàn độc lập, Hoa Kỳ chúc mừng Việt Nam đã có một cải cách lịch sử, v.v. Một số người hoạt động nhân quyền trong nước reo vui dù vẫn cẩn thận chờ đợi xem Việt Nam có áp dụng hay không? Nhưng: Rằng vui thì thật là vui, Nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào (nhái Kiều) Quả đúng vậy, cái vui chưa kịp trọn vẹn thì cái nghẹn ập tới ở khoản 2 điều 170: “Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này.” Điều 172, 173 và 174 nói gì? Nói rằng: việc thành lập chỉ được hợp pháp sau khi được chính phủ cấp đăng ký. Nói rằng: trình tự, thủ tục đăng ký, số lượng thành viên, liên kết sẽ do chính phủ quy định. Nếu chính phủ xen vào nội quy, hoạt động của công đoàn thì liệu công đoàn đó có giữ được tính độc lập của mình? Trong toàn bộ văn bản Luật Lao Động mới, người ta không tìm thấy được một chữ “độc lập” nào cả, và người ta cũng không nhận thấy được tính “độc lập” của cái gọi là “Tổ Chức của Người Lao Động” trong bộ luật mới này. Công đoàn theo đúng hệ thống công đoàn quốc tế phải là một tổ chức độc lập: không lệ thuộc vào chính quyền, cũng không lệ thuộc vào chủ sử dụng lao động. Ngân quỹ hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện tại đóng góp từ 1% tiền lương người lao động, 2% từ chủ sử dụng lao động, và từ ngân sách nhà nước; cán bộ Tổng Liên đoàn Lao Động VN là những cán bộ cấp cao trong công ty. Do những liên hệ này, Tổng Liên đoàn Lao động VN không thể nào hoàn toàn độc lập để đại diện cho công nhân đòi hỏi quyền lợi cả. Cụ thể là 6000 cuộc đình công từ năm 1992 cho đến nay hoàn toàn do sự tự phát của công nhân. Tổng Liên đoàn Lao động VN chưa hề thực hiện được cuộc biểu tình nào cho công nhân. Hơn nữa, khoản 1 và 4 trong điều 172 ghi nhận: Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động của Tổ Chức Người Lao Động, điều này đi ngược với sự vận hành của các nghiệp đoàn tự do trên thế giới: Theo điều 2 của ILO (Bộ phận phụ trách về Lao động của Liên Hiệp Quốc) thì các Công đoàn độc lập đương nhiên có quyền được thành lập và hoạt động mà không cần phải xin phép trước, việc đăng ký chỉ là một thủ tục hành chánh. Nhà nước không có quyền loại bỏ sự hiện hữu của công đoàn này. Có thể so sánh với trường hợp một đứa bé mới sinh ra, việc đăng ký và làm khai sinh cho đứa bé chỉ là một thủ tục hành chính, nhà nước không có quyền nói «không» khi Cha Mẹ đi đăng ký khai sinh, cũng như không thể không chấp nhận sự hiện hữu của đứa bé trên trái đất này. Bất cập và mơ hồ Những điều bất cập trong Bộ luật lao động mới: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bị chi phối bởi Luật Cộng Đoàn: Điều 1 của luật Công đoàn và điều 10 của Hiến pháp Việt nam quy định Công đoàn là một tổ chức chính trị, nằm trong Mặt trận tổ quốc, hoạt động dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản. Vậy Tổ chức Đại diện Người Lao Động sẽ hoạt động theo Luật nào? Nếu theo Bộ luật Công đoàn hiện hành thì rõ ràng nó sẽ phải là một công cụ tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam, phải hoạt động dưới sự chỉ đạo của đảng, phải nằm trong Mặt Trận Tổ quốc và như thế dĩ nhiên sẽ không còn tính độc lập. Theo điều 3.1 của ILO, những công đoàn độc lập có quyền soạn Nội quy riêng cho mình và các thành viên chỉ tuân thủ theo Nội quy của tổ chức mình. Nếu Tổ chức Đại diện Người Lao Động lập ra một bộ Luật Công đoàn riêng cho mình, liệu Chính phủ có can thiệp như khoản 4 điều 172 trong bộ Luật Lao Động mới? Ngoài ra, có 2 chi tiết nhỏ cần chú ý: – Ngoài điều 170, Luật Lao Động dùng cụm từ “Tổ Chức Đại Diện Người Lao Động”, nhưng từ điều 171 trở đi, chữ “đại diện” đã biến mất, chỉ còn cụm từ “Tổ Chức của Người Lao Động”. – Bộ Luật Lao Động mới tránh dùng chữ “công đoàn” hay “nghiệp đoàn” mà dùng thuật ngữ: “Tổ Chức Đại diện Người Lao Động”. Họ chỉ dùng chữ “công đoàn” khi ám chỉ Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam. Trong khi chữ “công đoàn” là một danh từ chung, giống như chữ “nghiệp đoàn” để ám chỉ tất cả những tổ chức đại diện cho công nhân. Hai thiếu sót này là một sự vô tình hay cố ý để sau này dùng những thuật ngữ mơ hồ kết tội những người muốn thành lập công đoàn độc lập? Vẫn chưa có luật biểu tình Ở các nước Dân chủ: những cuộc đình công thường đi đôi với biểu tình. Đình công là để phản đối quyết định của giới chủ, để đòi hỏi quyền lợi cho công nhân. Biểu tình là để thể hiện cho xã hội thấy mong muốn của người xuống đường, để gây áp lực bên cạnh những thương thuyết giữa chủ và công nhân. Nhưng Bộ Luật Lao Động mới vẫn còn rụt rè với luật biểu tình. Mục 5 của bộ luật mới chỉ cho phép đình công với những thủ tục nhiêu khê và có cả sự can thiệp của chính phủ, nhưng biểu tình vẫn còn là một cụm từ nhạy cảm. Nhà nước XHCN VN vẫn coi các công đoàn độc lập là một mối đe doạ, họ luôn luôn bị ám ảnh bởi công đoàn Solidanos sẽ trở thành một cuộc cách mạng như ở Ba Lan. Vì thế: đình công thì được, nhưng biểu tình thì không! Cơn ác mộng của họ là hàng trăm ngàn người xuống đường sẽ làm lung lay chế độ! Vì thế Bộ Luật Lao Động mới có Điều 210 khoản 1 như sau: “Khi xét thấy cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe, trật tự công cộng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.” Như thế, mọi cuộc tụ tập – dù là đi xe đạp hàng đôi như bà Bùi thị Minh Hằng – cũng có thể bị coi là phá rối trật tự công cộng, hay hơn nữa: đe doạ đến an ninh quốc phòng. Những cánh cửa dẫn đến nhà tù? Hà Nội cho phép thành lập “Tổ chức Đại diện Người Lao Động” để trấn an thế giới, nhưng bên cạnh đó, bộ Luật Lao Động mới vẫn treo hai sợi dây thòng lọng vô cùng nguy hiểm: – Điều 174, khoản 9: Chính phủ quy định chi tiết Điều này – Điều 178, khoản 8: Các quyền khác theo quy định của pháp luật Với những điều khoản mở ngỏ như thế này sẽ tạo cho nhà nước những khoảng trống vô tận để xen vào và cản trở tất cả mọi hoạt động của các công đoàn độc lập mới nhen nhúm. Người ta cũng không quên 1 ngày sau khi bộ Luật Lao Động được thông qua thì nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt! Thiện chí của Hà Nội? Một điều cần rõ ràng là việc nhà nước VN sửa đổi luật lao động hoàn toàn không phải tự nguyện, hoàn toàn không phải vì lợi ích của người lao động mà là vì phải thực hiện các điều khoản đòi hỏi trong hai hiệp định thương mại sẽ đem lại rất nhiều lợi nhuận cho Việt Nam: Hiệp thương CPTPP và EVFTA. Sau khi tham gia ILO, Việt Nam đã ký 21 công ước, nhưng vẫn còn 3 công ước quan trọng chưa ký là công ước 87 (quyền tự do lập hội và quyền bảo vệ tổ chức), công ước 98 (quyền thương lượng tập thể), và công ước 105 (chống cưỡng bức lao động), mà đó là những điều khoản mà CPTPP và EVFTA bắt buộc VN phải cam kết thúc đẩy và thực hiện. Để làm hài lòng Uỷ Ban Thương Mại EU, Hà Nội vội vã thông qua công ước 98 ngày 14/6 và thế là ngày 30/6 Việt Nam và EU đặt bút ký thoả thuận EVFTA. Việc thông qua bộ Luật Lao Động mới này cũng là để xoa dịu những cặp mắt của các tổ chức Nhân quyền, các Dân biểu Nghị sĩ EU, các tổ chức Xã Hội Dân Sự độc lập đang soi rọi vào hai chữ “Nhân quyền” tại Việt Nam. Vẫn với những chiêu trò ma-mãnh, một lần nữa Hà Nội muốn qua mặt thế giới bằng bộ luật mới này. Thế nhưng, “cái áo không làm nên thầy tu”. EU không phải là Việt Nam nên vẫn có những dân biểu, nghị sĩ nhìn xuyên suốt qua bộ mặt gian xảo của cộng sản Việt Nam. Một vài thí dụ: – Dân biểu EU, (Bỉ) bà Saskia Bricmont đòi: Hãy đổi luật hình sự trước khi thay đổi luật lao động. – Dân biểu EU (Pháp) ông Emmanuel Maural, cũng đã nhận xét: Việt Nam thông qua công ước 98, nhưng không thông qua công ước 87 thì không có một ý nghĩa nào cả! Nếu không có công đoàn độc lập thì ai sẽ là người đại diện để thương lượng với giới chủ? – Dân biểu EU (Đức) Irina Von Weise nói rằng: cần nêu câu hỏi về sự độc lập của Tổ chức Đại diện Người Lao động khi mà điều 172 cho thấy Tổ chức của Người Lao động này bị chính phủ chi phối. Tại sao không cho liên kết? Luật lao động mới chỉ cho thành lập “Tổ Chức của Người Lao Động” tại cơ sở, nhưng không cho họ liên kết giữa các công ty với nhau (khoản 4 điều 172). Điều đó có nghĩa là họ cho thành lập, nhưng không cho phát triển, không muốn cho đứa bé sinh ra được lớn mạnh. Hà Nội đánh tiếng là đến năm 2023 mới thông qua công ước 87 của ILO, tức là quyền được liên kết. Nếu không liên kết thì các tổ chức này sẽ không mạnh, và nếu không mạnh thì việc thương lượng với giới chủ sẽ khó thành công, và như thế, sẽ không cạnh tranh được với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với 10,5 triệu thành viên. Những điều sẽ đến: Sau khi qua được ngưỡng cửa CTPP và EVFTA rồi, nhà nước Việt Nam sẽ làm gì? Điều này không khó để đoán: • Nhà nước Việt Nam sẽ đưa ra một số luật mới dưới bộ Luật Lao Động, một số nghị định mới để bổ sung cho bộ Luật Lao Động này với mục đích giới hạn sự phát triển của các Tổ Chức của Người Lao Động. • Những người hoạt động tin tưởng vào «thiện chí» của Hà Nội mon men thành lập nghiệp đoàn sẽ bị gán vào tội «có âm mưu chính trị» qua các nghị định này. • Những cuộc biểu tình đều sẽ bị kết vào tội làm mất trật tự an ninh, do thế lực thù địch xúi dục hoặc những mục tiêu chính trị khác. Và một điều chắc chắn sẽ xảy ra: hàng ngàn Công đoàn Cơ sở (thuộc Tổng Liên đoàn Lao Động VN)  sẽ chuyển mình thành cái gọi là «Tổ Chức Đại Diện Người Lao Động». Hoặc chính Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam sẽ liên kết với Chủ Sử dụng Lao động để thành lập «Tổ chức của Người Lao Động» tại các cơ sở. Và như thế sẽ có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn “Công đoàn Quốc doanh” sẽ ra đời, cũng như những tôn giáo quốc doanh đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Những “Công đoàn Quốc doanh” này cũng tương tự như những “Công đoàn Vàng” (Syndicats Jaunes/Yellow Unions) cuối thế kỷ 19, là những công đoàn giả hiệu do Chủ Sử dụng Lao động thành lập. Quốc tế có thể không khờ dại để không nhìn thấy những điều đó, nhưng vì những lý do kinh tế, chính trị, họ phải làm ngơ. Việt Nam biết điều đó nên tiếp tục dùng những trò ma mị để xoa dịu quốc tế. Nhưng may mắn trong những thế chế dân chủ vẫn còn có những cá nhân, những cơ quan thật sự độc lập sẵn sàng lắng nghe chúng ta. Những người hoạt động nhân quyền, những tổ chức xã hội dân sự độc lập sẽ là mắt nhìn, tai nghe để tiếp tục vạch trần những thủ đoạn dối trá của nhà cầm quyền XHCN VN ra trước công luận quốc tế. Ca Dao (Liên đoàn Lao Động Việt Tự Do – Free Vietlabor Federation) Ca Dao - Bauxite Việt Nam  
......

Nguyễn Đức Kiên - Một trí thức Xã Hội Chủ Nghĩa kiểu mẫu

Ảnh Nguyễn Đức Kiên Đỗ Ngà| Ông Nguyễn Đức Kiên đang là người rất nổi tiếng, ông này nổi tiếng không phải vì có những chính kiến đáng trân trọng như ông Lưu Bình Nhưỡng hay ông Trương Trọng Nghĩa, mà ông này nổi tiếng vì luôn bảo vệ tới cùng mọi cái sai trái của Đảng và của các quan chức lớn. Trước kia có ông nghị Hoàng Hữu Phước cũng thuộc loại này, nhưng về mức độ gian trá thì ông Phước không bằng ông Kiên. Thật ra thân phận của Hoàng Hữu Phước và Nguyễn Đức Kiên đều giống nhau, cả 2 con người này đều không phải là người có quyền lực trong bộ máy nhà nước CS. Mà như ta biết, để kiếm chác được thì anh phải có thực quyền, còn nếu không có thực quyền thì anh phải là kẻ xu nịnh siêu hạng để được ké phần với những kẻ có thực quyền. Nguyễn Đức Kiên hiểu được điều đó nên ông ta phải tự biến mình thành kẻ xu nịnh siêu hạng để được hưởng chút cháo mà thôi. Thật sự ông này là một cao thủ trong những kẻ xu nịnh hiện nay. Để bảo vệ nhà cửa nên tôi cần mua một con chó. Điều kiện là nó phải biết vâng lời chủ một cách tuyệt đối, nó phải biết sủa khi có ai đó đến nhà, nó phải biết tấn công kẻ nào dám tấn công tôi, nó phải biết câm mồm khi tôi muốn nó câm vv.. Và thế là tôi quyết định đến trại huấn luyện chó chọn hàng. Trong một lần quan xem hàng, người huấn luyện đã cho hàng loạt con trình diễn, và tôi đã chọn dược con ưng ý nhất. Và với một loại chó như vậy, tất nhiên nó xứng đáng được ăn khẩu phần ngon nhất và được hưởng sự chăm sóc đặc biệt nhất. Vâng! Cái cao thủ của ông Nguyễn Đức Kiên là khi đảng muốn ông ta sủa thì ông ta sẵn sàng sủa, khi đảng muốn ông ta cắn vào dân thì ông ta sẵn sàng cắn một cách điên cuồng, đảng muốn ông ta câm họng là ông ta lập tức câm họng. Nói thật với loại bề tôi như vậy thì làm sao lại không lọt được vào mắt xanh của “ngài” thủ tướng chứ? Thực ra ông Nguyễn Đức Kiên luôn muốn show hàng để tìm chủ và ông Phúc cũng đang cần một ưng khuyển hữu ích thì họ gặp nhau mà thôi. Chuyện Nguyễn Đức Kiên được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế cho thủ tướng thì không có gì lạ. Hiện nay chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang triển khai một số dự án mà rất dễ bị nhân dân phản đối. Ví dụ như việc âm thầm triển khai các dự án đặc khu kinh tế, hay việc thực hiện dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng vv.. nói chung hiện nay, những dự án bán mình cho Trung Cộng là không đếm xuể. Với những loại dự án như vậy, ông Phúc không chỉ cần 1 Nguyễn Đức Kiên mà cần đến rất nhiều Nguyễn Đức Kiên khác nữa. Thông thường người ta được tây học để trở thành người chính trực, nhưng với Nguyễn Đức Kiên thì dường như được tây học chỉ làm ông ta trở nên cao thủ trong hàng xu nịnh và nhờ đó mà tiến thân. So với Hoàng Hữu Phước thì Nguyễn Đức Kiên cáo già hơn và khốn nạn hơn nhiều. Sự khốn nạn lớn đến mức dân phải gọi ông ta là “thằng Kiên” kia mà?! Với Nguyễn Đức Kiên, bằng cấp chỉ là cái mác để được luồn sâu leo cao nhất có thể mà thôi. Loại như Nguyễn Đức Kiên, trong ĐCS có rất nhiều – đó là mẫu trí thức XHCN. -Đỗ Ngà-  
......

Chính sách "Kinh Hóa" một chính sách mọi rợ!

Người thượng biểu tình đòi đất. Phạm Minh Vũ| Ngày hôm qua, tại Xã Hoà Đông huyện Krông Pắk- Đắk Lắk diễn ra cuộc xuống đường đòi đất của người Dân đa số là người thượng. Lý do nhà cầm quyền thu hồi đất (cướp thì đúng hơn) để giao cho công ty Trung quốc. Hàng ngàn cảnh sát cơ động xuống bảo vệ để cho nhà cầm quyền ngang nhiên cưỡng chế, họ chặt cây dỡ nhà dân để lấy mặt bằng giao cho một doanh nghiệp Trung quốc. Cuộc xung đột đến khuya khi lực lượng cảnh sát cơ động ra tay đàn áp tình hình mới vãn hồi. Chính sách “Kinh hoá” người Thượng ở Tây Nguyên của đảng cộng sản là một chính sách của lũ mọi rợ. Sai lầm đó dẫn đến hậu quả rõ nhất là vụ bạo loạn năm 2001-2004. Năm đó Trần Đại Quang lùa quân vào giết và khủng bố người thượng để đến bây giờ nỗi đau tan nhà nát cửa vẫn day dứt, họ phải chạy tán loạn, số nhiều vẫn đang bị cầm tù. Khi khủng bố họ, Trần Đại Quang ra tay sát hại hàng trăm người thượng bằng cách gắn cho họ cái mác là Phỉ FULRO. Vua Bảo Đại biết người Miền xuôi ( ngày nay đảng gọi là người Kinh) nếu lên ở xen kẻ với người thượng chắc chắn sẽ có xung đột. Vì người xuôi với tính cách khôn lõi, lươn lẹo sẽ bắt nạt người Thượng, cho nên Vua lập Hoàng Triều Cương Thổ mục đích cách ly để bảo vệ người Thượng. Vậy mà sau này, cộng sản làm ngược lại là phải cho chung sống cùng nhau để dễ cai trị, không ngờ càng làm hiềm khích và xung đột ngày càng lớn hơn, trở thành xung đột sắc tộc thật sự. Cướp đất của người Việt giao cho doanh nghiệp Trung Quốc. Cái đau là đất đó ngày xưa chúng cướp của người Thượng, đất đó được đổi bằng hàng trăm người chết, hàng ngàn người vào tù và cả ngàn người chạy tị nạn sang Thái- Campuchia. Cướp- giết cứ diễn ra mãi, không biết bao giờ dừng! Fb Phạm Minh Vũ  
......

Trần Đức Hà có phải là Vũ Nhôm thứ hai?

Trần Đức Hà Lao Ta| Báo Vietnamnet là nơi đưa tin đầu tiên về vụ người đàn ông tên là Trần Đức Hà đánh cháu bé N.A bị chấn thương nghiêm trọng. Cũng theo báo này, các trích xuất camera cũng như người làm chứng, đều khẳng định thông tin trên là chính xác. Vẫn theo mô tả của tờ báo này, thì ông Đỗ Xuân Chung (bảo vệ khu vui chơi, nơi cháu N.A bị hành hung) còn cho biết chi tiết: "Cháu N.A ôm lấy tôi cầu cứu nhưng ông Hà vẫn giằng cháu ra khỏi người tôi. Ông này túm cổ áo, chân đá vào mông, tiếp tục dùng tay đánh vào thái dương cháu bé. Chúng tôi không thể ngăn cản được người đàn ông này”. Bệnh viện Hồng Ngọc kết luận “cháu N.A bị chấn thương sọ não, chấn thương ngực, chấn động não, chấn thương phần mềm vùng ngực”. Vụ việc xảy ra tại một trong những nơi được coi là văn minh nhất Hà Nội, nhân chứng, vật chứng, hình ảnh chứng minh Trần Đức Hà đánh dã man cháu N.A đều đủ cả. Cộng đồng mạng mấy ngày nay cũng đã sục sôi căm phẫn về hành vi này, của một kẻ mất hết nhân tính. Nhưng chả hiểu sao kẻ gây án cứ tiếp tục nhởn nhơ. Giả sử hắn ta lại thích thể hiện quyền lực côn đồ, hắn có thừa thời gian để biến vài cháu bé khác thành thân tàn ma dại. Có chuyện gì bí ẩn ở đây? Dư luận có vẻ không tin những lời khoe khoang của Trần Đức Hà khi anh ta luôn vênh váo xưng là người của Văn phòng Chính phủ, là cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng, có nhiều mối quan hệ với các cán bộ cao cấp, bàn tay có thể che được cả mặt trời? Nhưng bằng vào bài báo mới nhất, cũng trên Vietnamnet, cho thấy Trần Đức Hà đang trơ tráo ngang nhiên thách thức bố cháu bé muốn kiện đâu thì kiện (ý ông ta, kiện ở đâu thì gia đình cháu N.A cũng thua!), tôi cho rằng: 1-Rất có thể những gì Trần Đức Hà nói về bản thân anh ta là thật. Không thế, làm sao anh ta dám thách thức toàn xã hội (chứ chả riêng gì gia đình cháu N.A) 2-Rất có thể các cơ quan chức năng biết rõ mọi việc, có trong tay đủ chứng cứ để khởi tố Trần Đức Hà về tội gây thương tích cho người khác một cách đê hèn (tình tiết tăng nặng: Đối tượng bị hành hung là trẻ con) nhưng còn chờ chỉ đạo để xem có nên động vào ngài “con trời” này hay không? Rất có thể anh ta là một kiểu “Vũ Nhôm” khác (nhưng mà đang ở thời kỳ đỉnh cao quyền lực) thì no đòn? Bằng cớ là chưa có bất cứ cơ quan bảo vệ trẻ em cùng các Hội đoàn nào dám ho he lên tiếng. Một người phải thế nào mới dám lớn tiếng tuyên bố với một cháu bé: “Nếu mày không cầm vợt để tao quay làm bằng chứng tao sẽ đánh mày chết. Tao quay video xong sẽ đưa lên mạng để cho mày vào tù khi mày 18 tuổi”. Và với một kẻ như vậy thì các cấp các ngành “rén” cũng không có gì lạ ở đất nước này. Quý vị có thấy lời lẽ này giống với lời của đám cẩu quan trong truyện Thủy Hử? Chúng ta hãy cùng chờ xem.   Với tôi, nếu vụ việc này chìm xuồng, thì dư luận có quyền tin vào lời của Trần Đức Hà và khi đó nơi mang tiếng nhục nhã nhất rõ ràng là Văn phòng chính phủ và Văn phòng Trung ương đảng?  
......

Ước mơ hay mơ ngủ

Khách Huyền Đao   Nói thẳng thì chỉ là trò lường gạt niềm tin để kiếm chút cổ phiếu của Vượng Vin. Thị trường xe hơi của Mỹ hàng trăm năm nay, không phải muốn là có thể xâm nhập được. Mỹ có 3 ông lớn. Đức cũng có 3 thương hiệu lớn. Nhật cũng 3 tay chơi. Phía Đại Hàn thì Huyndai phải chật vật mãi từ năm 1985 tới giờ mà chỉ mới có thể há mồm ngoạm một miếng nhỏ trong dòng xe Sedan. Anh thì bán lai rai được vài chiếc làm kiểu cho vui. Ngoài ra thì Ý (Alfa Romeo, Fiat), Pháp (Peugeot, Citroen, Renault) chưa hề lén phén chen chân nổi vào thị trường khó tính này. Thụy Điển cũng chấp nhận chầu rìa, cho dù SAAB có khả năng chế tạo phản lực cơ. Tàu, với thế mạnh giá rẻ, cũng đành phải thúc thủ dù đã binh nhiều đường khác nhau, từ việc bỏ tiền mua lại một dòng xe đắc tiền của GMC (Hummer), cho đến mua lại nguyên một hãng của Thụy Điển (Volvo). Chú Sam vẫn một mực lắc đầu không cho phép bén mảng đến thị trường của mình. Cái hàng rào lớn nhất mà chú ba Thòong vấp phải là hàng rào khí thải và an toàn. Cú ngã xấp mặt này, xảy ra đâu khoảng chừng hơn chục năm về trước và cho đến giờ này thì giấc mộng đó coi như là phải xếp lại và cất vào viện bảo tàng. Tesla của Elon Musk là một hãng xe của Mỹ 100%. Elon Musk là một thương gia kiêm tương lai học (Futurist) đặc sắc. Anh này đang thay đổi thế giới với các dự án mang tầm vóc thái dương hệ. Thành công của Elon Musk vượt xa nhiều người và nhiều công ty khác, Elon qua mặt Google với kế hoạch internet vệ tinh. Elon bỏ xa Blue Origin của Jeff Bezos với các thành công trong việc chế tạo hỏa tiễn tái sử dụng và các hợp đồng đưa hàng hóa vào không gian. Elon Musk đang hăm he chiếm toàn bộ thị trường năng lượng mặt trời. Tháng rồi, Tesla của Elon Musk đã ra mắt kiểu xe thứ 4 của công ty, chiếc bán tải Cybertruck. Nhưng dù cho đã thành lập được 16 năm, dù đạt được những thành công vang dội, đã gầy dựng thương hiệu Tesla trở thành một thứ giáo phái, đã xây dựng và đưa vào hoạt động một nhà máy thuộc hạng "siêu" ... Tesla vẫn chưa thể vượt qua được cái rào cản chua cay và khổng lồ nhất của thị trường xe hơi tại Mỹ, đó là NADA, tức National Automobile Dealers Association (Hiệp Hội Quốc Gia các Hệ Thống Phân Phối Xe Hơi). "Ông lớn" này mà không gật đầu thì sẽ chẳng có bất kỳ một chiếc xe nào được bày bán ở các địa điểm phân phối cả! Cho nên mãi đến hiện giờ. Tesla vẫn chưa được phép có một cơ sở, một cửa hàng phân phối, một bãi bán xe để khách hàng có thể bước vào, sờ ngắm, lựa chọn và leo lên lái thử. Khách hàng của Tesla vẫn tiếp tục phải đặt hàng qua mạng internet. Dù cho đã xây dựng được hàng chục ngàn trụ sạc điện trên toàn thế giới, Tesla vẫn phải chấp nhận thu mình trong một vài cửa hàng trưng bày nhỏ bé ở chỉ một vài địa điểm lẻ loi trên toàn nước Mỹ và tình trạng bị cô lập này vẫn chưa hứa hẹn bất kỳ một dấu hiệu tiến bộ nào hơn trong vòng 10 năm tới đây. Trung cộng té sấp mặt khi vừa chạm vào hàng rào tiêu chuẩn môi trường và an toàn của Mỹ. Bèn biết thân biết phận, quay về làm xe cho dân khoái xì dầu. Vượng Vin đang ngủ, nửa đêm giật mình thức giấc, nghĩ ra cách vượt qua hàng rào tiêu chuẩn khí thải bằng cách làm xe điện. Còn rào cản an toàn và thằng khổng lồ NADA thì Vượng Vin không nhìn thấy trong giấc mơ của mình. Phạm Nhật Vượng chủ xe Vinfast tuyên bố. Anh Vượng tuổi gì và đang tính gạt ai đây khi tuyên bố bán xe sang Mỹ? Bỏ đi Tám.  
......

Chỗ đáng khinh bỉ của bóng đá

Ảnh minh họa: đánh tráo khái niệm Phạm Lưu Vũ| Chờ nguội bớt cơn cuồng si bóng đá đã tôi mới lên tiếng. Rằng bóng đá có nhiều cái đáng yêu, song cũng không ít điều đáng khinh bỉ. Một trong những điều đáng khinh bỉ đó là đánh tráo khái niệm. Việt Nam có vô địch không? Không hề, chỉ có đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam đoạt chức vô địch kỳ Sea Gam vừa rồi. Nói đầy đủ thì phải như thế. Dù có vô địch bóng đá trẻ thì cũng chỉ nằm trong vùng trũng nhất thế giới về mọi môn thể thao, ngoại trừ những môn ném đá giấu tay, đánh trống bỏ dùi, mồm miệng đỡ chân tay… thì thế giới người ta không thi. Danh hiệu vô địch ấy cũng vô thường, không phải là vĩnh viễn, nó chỉ tồn tại giữa 2 kỳ Sea Gam. Nó làm sướng tạm thời, tạm quên đi những trăm tỉ, ngàn tỉ tài sản của đất nước đã và đang bị ăn cắp, cả nước đang hàng ngày, hàng giờ bị móc túi… Thế cũng đủ đáng trách lắm rồi. Nhưng sướng đến nỗi ngủ quên một lèo không bao giờ dậy nữa, quên cả nỗi nhục mất đất liên, mất biển đảo, mất chủ quyền… vào tay Trung Quốc, bị Trung Quốc đầu độc môi trường, bị Trung Quốc tròng cổ dắt đi, khiến nền kinh tế không còn đường thoát… Tức là đã và đang thất bại thảm hại trước Trung Quốc, thì câu khẩu hiệu: “Việt Nam vô địch” là sự đánh tráo khái niệm đáng khinh bỉ của bóng đá. Cho nên cách đây 8 thế kỷ, trước họa giặc xâm lược phương Bắc, Hưng Đạo Đại vương đã cảnh cáo: “cựa gà trống không thể đâm thủng áo giáp của giặc, mẹo cờ bạc không thể làm mưu lược nhà binh…”. Lời hịch vẫn còn đó, nhưng rất nhiều kẻ cuồng si đã quên.    
......

Pages