Giáo viên không phải siêu nhân

Cô giáo Vân Anh Vân Anh Đỗ|   2 tuần học sinh phải nghỉ học vì dịch virus Corona, giáo viên chúng tôi nhận vô vàn lời “tỉ tê”: sướng nhỉ; giáo viên sướng thế; nghỉ vẫn có lương...vân vân và mây mây. Cá nhân mình thấy sướng thật, sướng cho các ông chồng có vợ là giáo viên, vì có 1 con mụ osin cực kì tin tưởng ở trong nhà; cơm ngon canh ngọt; con cái chăm bẵm tử tế; nhà cửa lau chùi tỉ lần và chẳng mất xu nào chả phí, vì nghĩ vợ vẫn có 3-5 củ tiền lương rồi, ăn sao hết! 2 tuần ở nhà thì tuần đầu trực; rồi mang sách vở; sổ sách về làm việc tại nhà; nhớ trường, nhớ học sinh, nhớ đồng nghiệp nhưng vì dịch, vì sự an toàn của con trẻ, vì cộng đồng mình hoàn toàn tán thành việc cho trẻ nghỉ học; nghỉ hết tháng 2 luôn; hè học bù! Thế mà mới đây các anh ở trên lại kêu 17/2 học sinh đi học; giáo viên ngoài việc dạy học còn kiêm cả việc theo dõi sức khoẻ của học sinh; xem học sinh có sốt không; có trường còn bảo Ban Phụ Huynh mua máy đo nhiệt độ cơ thể từ quỹ lớp của con họ vì trường không đủ kinh phí...thật nực cười! Hỡi những cái đầu ngồi máy lạnh đang làm trong cái bộ giáo dục mỗi năm cải cách quái đản 1 lần kia; hỡi anh Nhạ, ba hồn bảy vía anh ở đâu thì hiện lên đi; các anh nghĩ Giáo Viên chúng tôi là ai? Các anh trả thêm lương bác sĩ hay y tá cho chúng tôi à? Các anh mạo hiểm sức khoẻ của giáo viên, của học sinh thế ư??? Để tôi nói cho các anh nghe! 1 ngày dạy học 40 cháu của tôi thì tối về tôi còn không buồn nói chuyện với chồng; không đủ sức dạy con học; thế bây giờ ngoài dạy học lại thêm cả để ý xem học sinh có sốt không thì liệu tôi còn lết cái xác về nhà được không? Mà nếu có học sinh sốt, thì lại để tôi nói cho các anh nghe; bọn trẻ có khả năng ủ bệnh lâu rồi; thời gian ủ bệnh đang từ 14 ngày lên 24 ngày rồi đấy; vậy chờ chúng tôi phát hiện ra nó sốt, thì có nghĩa là 39 cháu còn lại và bản thân giáo viên chúng tôi cũng nhiễm rồi! 40 cháu là 40 gia đình sẽ lây nhiễm chéo; giáo viên sẽ mang mầm bệnh về nhà; lây cho người nhà và con cái...nếu kịch bản ấy xảy ra, các anh sẽ làm gì??? Lại “rút kinh nghiệm sâu sắc?”; khi đó nếu con của chúng tôi nhiễm từ chúng tôi thì các vị tính sao??? Ai trả lại sức khoẻ cho chúng tôi? Cho con chúng tôi? Cho gia đình chúng tôi??? Các anh nghĩ các anh to thế à??? Chúng tôi là giáo viên; không phải là siêu nhân, cũng không phải là “con tốt” hay “chuột bạch” để các anh đẩy vào đỉnh dịch để kiểm tra sức đề kháng! Nên xin phép, tôi sẽ khuyến cáo với Phụ huynh của mình nếu không yên tâm về dịch bệnh thì có thể cho con nghỉ; tôi sẽ dạy bù cho chúng theo đúng luật và Hiến pháp quy định: Chương II - điều 19, 20 của Hiến Pháp. Chương II - điều 12, 14, 16, 31 của Luật trẻ em. Còn thời điểm này, có 1 học sinh đi học chúng tôi vẫn phải đến trường! Ok, nhưng nó không là số đông! Và để cho cả thế giới nhìn vào cái sự hiếu học dở hơi của các anh bộ dục nước này nó như thế nào! Các anh bày vẽ tiêu độc khử trùng lớp học để đón học sinh, thế các anh nghĩ CloraminB của các anh diệt được virus à??? Các anh giỏi thế??? Riêng cái trò vệ sinh lớp trường học bàn ghế đón học sinh là đủ biết các anh hiểu như thế nào về dịch nCov rồi! Đấy Vĩnh Phúc cho đi học, cháu lớp 10 dương tính với Corona rồi để mấy chục cháu và giáo viên phải cách ly theo dõi đấy! Còn hiện tại Vĩnh Phúc có gần giống Vũ Hán chưa??? Học là cả đời, nhưng tính mạng chỉ có 1! Đẻ được 1 đứa con đã khó, nuôi chúng lớn để đi học tiểu học là cả 1 vấn đề! Tôi ngoài là 1 giáo viên tiểu học thì còn là 1 Phụ huynh của 2 đứa trẻ! Tôi cương quyết cho các con tôi nghỉ hết tháng 2 dù chả ai trông chúng; nếu phải đi làm, tôi sẽ cố lo cho chúng đủ đồ ăn thức uống trước khi đi làm; chúng cũng sẽ phải tự lo cho bản thân và qua đó hiểu sự vất vả của ba mẹ chúng! Tôi sẽ đề đạt với GVCN lớp của các con tạo điều kiện để bù bài cho con theo kịp bạn; nếu họ ko hợp tác, xin lỗi tôi sẽ kiện, dù họ là đồng nghiệp của tôi! Giáo viên chúng tôi không ngại dạy, càng ko sợ phải đi làm, nhưng chúng tôi không có chuyên môn nghiệp vụ của y tá hay bác sĩ để theo dõi sức khoẻ của học sinh; các anh đừng đổ trách nhiệm lên vai chúng tôi hay ban giám hiệu của các trường; nhỡ chẳng may 1 đứa trẻ nhiễm bệnh; chúng tôi lấy đâu 1 đứa trẻ để trả cho bố mẹ chúng; rồi sức khoẻ của chúng tôi thì sao??? Con cái chúng tôi cũng ko thể thiếu chúng tôi được, và chúng tôi ko thể mang bệnh về cho gia đình được! Nên GIÁO VIÊN là GIÁO VIÊN, GIÁO VIÊN KHÔNG PHẢI LÀ SIÊU NHÂN các anh bộ dục nhé, anh Nhạ nhé!  
......

Được phê chuẩn EVFTA xong rồi thì ráng giữ lời hứa

Trần Đình Thu|   ĐƯỢC PHÊ CHUẨN EVFTA XONG RỒI THÌ RÁNG GIỮ LỜI HỨA, MỞ MANG DÂN CHỦ NHÂN QUYỀN, CẢI CÁCH KINH TẾ, ĐỪNG TIẾP TỤC LỪA BỊP NỮA Tin sớm từ một nhà phây sáng nay đã cho biết khoảng 18h giờ Việt Nam, quốc hội EU sẽ bỏ phiếu đồng ý phê chuẩn EVFTA với Việt Nam và điều ấy đã thành hiện thực. Tôi đã viết bài này lúc 2h chiều định post lên nhưng chưa muốn post.  Với tư cách một công dân, tôi mừng vì điều ấy, mừng cho nhân dân Việt Nam có được một thị trường lớn để mua bán sản phẩm nhằm thoát khỏi cơn bế tắc kinh tế đang đến gần vì thể chế chính trị độc tài. Nhưng tôi sẽ không cám ơn những người đàm phán vì họ chẳng có công gì cả. Họ chỉ mặc cả nhân quyền với EU nên mới kéo dài đến nay, chứ còn nếu họ thành tâm thành ý thì EVFTA xong lâu rồi. Báo chí hãy dẹp những cái tựa bài kiểu như “Một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ” đi mà hãy gọi đúng bản chất vấn đề là “Một thập kỷ cò cưa trả giá nhân quyền” để kinh tế Việt Nam chậm đi mười năm hoặc hơn nữa. Tuy vậy dẫu sao thì nhân dân Việt Nam vẫn sẽ vui mừng cho vấn đề thương mại nước nhà từ nay có thêm một cơ hội mới, tạo điều kiện thoát bớt lệ thuộc Trung quốc phần nào. Bây giờ nói qua về dân chủ nhân quyền đã hứa trong EVFTA. Đã hứa rồi thì hãy thực hiện. Dân chủ nhân quyền là thứ tốt đẹp của loài người, và chỉ có loài người mới nhận ra giá trị của dân chủ nhân quyền. Còn như con thú trong rừng thì mới không cần thứ đó và con thú lớn không bao giờ chấp nhận quyền tự do sinh tồn của con thú nhỏ. Còn con người thì cần tôn trọng tự do và nhân quyền. Nhân quyền đã được trích trong Tuyên ngôn độc lập, đã đưa vào Hiến pháp, nhưng bao năm nay bị từ chối mãi. Nhưng nhân dân không khiếu nại được vì đảng nằm trên tất cả rồi. Nay ra quốc tế, hứa rồi thì thực hiện đi. Kể ra thì EU họ cũng là những người chơi được. Quý vị chỉ mới hứa thôi mà họ đã tin tưởng như vậy rồi thì là chơi đẹp. Vì vậy với sự tin tưởng đó, mai mốt quý vị chớ dùng thủ đoạn mà nuốt lời hứa với người ta. Vì người ta là những kẻ trọng nghĩa, và người ta cũng sẽ có đủ đồ chơi nếu quý vị nuốt lời. Thôi, chỉ xin nói chừng đó thôi, tôi mong quý vị còn có chút liêm sỉ. Tôi cũng cầu mong mọi sự suôn sẻ trong ngày đầu năm mới đang tang thương vì dịch bệnh này.  
......

Hiệp Định EVFTA và những cơ hội mới cho phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam

Ngô Đồng - Việt Tân| Hiệp Định Thương Mại Tự Do giữa Liên Minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) quy định những cơ sở pháp lý buộc nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng quyền thành lập công đoàn độc lập, quyền của người lao động và mở rộng không gian hoạt động của xã hội dân sự. Nghị Viện Châu Âu hôm 12 tháng Hai, 2020, đã chính thức thông qua hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Với tỉ lệ phiếu chống và phiếu trắng vẫn còn khá nhiều, cho thấy rõ ràng vấn đề đàn áp nhân quyền, ngăn cấm tự do ngôn luận tại Việt Nam vẫn đang tạo ra những nghi ngại và bất đồng nơi các nghị sĩ Liên Minh Châu Âu. Phát biểu về lý do thông qua EVFTA với Việt Nam, ông Bernd Lange, Chủ Tịch Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế (INTA) của Nghị Viện EU, nhấn mạnh: “Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia. Vì vậy Nghị Viện bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận thương mại với Việt Nam.” Cũng theo Chủ Tịch Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế của Nghị Viện EU, thì EVFTA sẽ đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong vùng, đồng thời đảm bảo rằng tiếng nói của EU có sức mạnh hơn trước, trong các vấn đề như mở rộng phạm vi để xã hội dân sự hoạt động. Đối với những người đang nỗ lực đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam, rõ ràng không ngây thơ để tin rằng EVFTA sẽ tự động đem lại nhân quyền cho Việt Nam. Chúng ta đã có quá nhiều bài học về sự lật lọng, tráo trở của chính thể Việt Nam, đơn cử như Hiệp Định WTO. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là EVFTA vô giá trị. Hiệp định này có thể giúp các nhà hoạt động có thêm đòn bẩy để gây sức ép với cả EU lẫn Việt Nam trong các cuộc đàm phán tương lai. Bên cạnh những lợi ích kinh tế, EVFTA có thêm những điều khoản về bảo vệ môi trường và thúc đẩy tiến bộ xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là củng cố quyền của người lao động. Ngoài ra, hiệp định thương mại này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính công ở Việt Nam. Trong đó có những cải cách liên quan tới mua sắm công, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Những cải cách này sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nền kinh tế và giúp bộ máy chính trị Việt Nam vận hành hiệu quả, minh bạch hơn. Một điểm đáng lưu ý, EVFTA có sự ràng buộc thực hiện rất khắt khe, và nếu một bên nào không tuân thủ thì sẽ có các biện pháp chế tài để buộc họ phải thực hiện những cam kết của mình hoặc hiệp định thương mại có thể bị đình chỉ. Đơn cử như trong vấn đề quyền lao động và nhân quyền, Nghị Viện Châu Âu đòi hỏi Việt Nam phải gia nhập Công Ước số 98 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), quy định về quyền tổ chức và thương lượng tập thể (hình thức công đoàn độc lập). Hai bên cũng thống nhất rằng Việt Nam sẽ phải phê chuẩn Công Ước số 87 – Tự do Liên kết và Bảo vệ Quyền Tổ chức, và Công Ước số 105 – Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức. Đối với lĩnh vực môi trường, Liên Minh Châu Âu cũng đã đàm phán với Việt Nam về vấn đề quản lý rừng bền vững, trong khuôn khổ thực hiện Thỏa Thuận Paris về Biến Đổi Khí Hậu. Với những ràng buộc của EVFTA nêu trên, ở một số khía cạnh, các nhà đấu tranh dân chủ có thể tận dụng để phục vụ cho việc thúc đẩy xã hội Việt Nam tiến bộ hơn. Thông thường trước những cuộc đàm phán, đối thoại với chính quyền Việt Nam, phía EU sẽ thường tổ chức tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự, nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội tốt để giới đấu tranh trong nước nói lên ý kiến và vừa khẳng định vị thế của mình. Quyền lao động là điểm nhấn trong EVFTA, các nhà hoạt động cũng nên nỗ lực giúp đỡ những công nhân tổ chức thành lập các công đoàn cơ sở, hướng dẫn họ đấu tranh và đòi quyền lợi chính đáng. Ngoài ra, EVFTA đã tạo ra một cơ chế giúp xã hội dân sự tác động vào quá trình thực thi hiệp định thông qua định chế DAG. Đối với những người đấu tranh “cộm cán” sẽ khó có thể tiếp cận cơ chế DAG do chính quyền Việt Nam cản trở. Tuy nhiên, mọi người có thể lập báo cáo về những vi phạm của nhà nước Việt Nam sau đó cung cấp cho nhóm DAG của phía EU, hoặc tạo ra những sức ép về mặt truyền thông. Liên Minh Châu Âu và Việt Nam đang ngày càng thắt chặt quan hệ, đây là xu thế được cả hai bên đồng thuận. Nhiệm vụ của các nhà đấu tranh sẽ cần linh hoạt, uyển chuyển vận dụng những lợi thế từ mối quan hệ này để đẩy các mục tiêu dân chủ và nhân quyền. Ngô Đồng  
......

Đừng giấu dịch như mèo giấu …

Chi Mai – Bauxite vn Hãy làm ơn thành thật với dân – minh bạch, đừng giấu dịch như “mèo giấu cứt” trước khi quá muộn! Hồng Kông nghi ngờ virus lây lan qua hệ thống ống thông gió Tính tới sáng ngày hôm nay, tại Hồng Kông đã xác nhận có 49 ca xác nhận nhiễm virus Corona và vẫn còn 142 ca đang được tiến hành xét nghiệm. Cũng sáng sớm hôm nay, 135 người dân trong 35 căn hộ ở Hồng Kông đã được sơ tán sau khi có 2 người trong toà chung cư nhiễm virus. Bệnh nhân thứ 42 là một phụ nữ 62 tuổi sống ngay bên dưới căn hộ của bệnh nhân nhiễm virus corona thứ 12 ở Hồng Kông. Giáo sư vi sinh Yuen Kwok-Yung cho rằng vi rút có thể đã phát tán thông qua ống thông hơi. Khi ống thông hơi không được niêm kín thì có thể sẽ phát tán virút vào các nhà vệ sinh khác theo đường quạt hút. Ông cho biết nếu như bật quạt thông gió bên trong nhà vệ sinh thì không khí bên trong hệ thống thoát nước có thể đi vào qua ống thông gió. Vì vậy tất cả những căn hộ nằm ngay bên dưới căn hộ của hai người bị nhiễm virus sẽ được di tản để cơ quan chức năng điều tra hệ thống ống thông gió. Trước đó, ngày 9/2/2020, một gia đình 9 người Hồng Kong đã cùng nhiễm bệnh sau khi cả gia đình tụ tập ăn lẩu và đồ nướng hôm 26/1/2020. Chín người này có độ tuổi từ 22-68. Anh Hai nhân viên y tế tại Anh đã bị lây nhiễm bệnh. Cơ quan chức năng Anh hiện đang yêu cầu những người đã tiếp xúc gần và lâu với những người đã được xác nhận nhiễm bệnh để được tư vấn cũng như hạn chế lây lan. Cơ quan chức năng cũng đang tiến hành điều tra xem có bệnh nhân và nhân viên y tế nào sẽ có nguy cơ bị phơi nhiễm do tiếp xúc gần với hai nhân viên y tế này. Dù con số lây nhiễm có thể rất nhỏ nhưng cơ quan chức năng vẫn yêu cầu những người dân thực hiện các bước cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho cộng đồng. Một doanh nhân Anh bay đến Singapore trong ngày 20-22/1/2020 để tham gia một sự kiện tại khách sạn Grand Hyatt Singapore, sau đó đã có 3 người nhiễm bệnh sau khi tham gia hội nghị ở đây. Ông doanh nhân Anh này sau đó đã lây nhiễm cho 5 người trong gia đình ở khu trượt tuyết ở Pháp trên dãy núi Alps sau khi ông ta trở về sau chuyến công tác ở châu Á. Cơ quan chức năng Anh từ chối tiết lộ thông tin của người được gọi là “siêu truyền nhiễm” nhưng họ đã liên lạc với tất cả các hành khách ngồi gần vị khách đặc biệt trên chuyến bay từ Geneva đến sân bay Gatwick – Luân Đôn hôm 28/1/2020. Nhật Bản với ổ dịch corona di động Tại cảng Yokohama (Nhật Bản), 3.700 du khách và nhân viên trên du thuyền Diamond Princess tiếp tục bị cùng cách ly từ một tuần nay. Sau khi ngày 10/02 đã có thêm 45 người bị lây virus corona, nâng tổng số bệnh nhân lên 130 trên du thuyền này. Du thuyền Diamond Princess, đã quá cảnh thăm viếng một số nơi ở Đài Bắc. Thứ Sáu tuần trước (07/02/2020), người dân Đài Loan nhận được thông cáo báo động trên điện thoại kèm theo bản đồ và danh sách các địa điểm mà du khách trên tàu Diamond Princess ghé qua. Có khoảng tất cả 30 điểm mà du khách trên du thuyền đã đặt chân đến. Hiện Đài Loan đã có tất cả 18 ca nhiễm bệnh. Không biết liệu số bệnh nhân sẽ có tăng hay không do bị lây nhiễm từ du khách trên du thuyền Diamond Princess?. Trước đó, du thuyền đã dừng và cho khách tham quan tại cảng Chân Mây (Huế) ngày 27-1 và cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 28-1. Thế nhưng có vẻ như người Việt thật gan dạ và kiên cường trong cuộc chiến chống siêu vi (!?) Siêu cường còn thua, huống gì siêu vi Có tất cả 21 hướng dẫn viên đã tiếp xúc với các du khách trên du thuyền Diamond Princess. Tuy nhiên không một ai có tự cách ly sau khi tiếp xúc với đoàn du khách này có lẽ cho rằng dịch từ Vũ Hán – Trung Quốc lục địa chứ dịch không đến từ du thuyền. Điều đáng nói, có những hướng dẫn viên vẫn đi làm, tiếp xúc bình thường với người thân. Và họ cho rằng đã gần 2 tuần trôi qua mà vẫn không có biểu hiện của dịch bệnh nên chắc có lẽ sẽ không sao?! Tỉnh Vĩnh Phúc đã có 5 người nhiễm bệnh, trong đó có người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, có người chỉ tiếp xúc có 1 giờ đồng hồ chúc Tết cũng đã lây nhiễm. 300 du học sinh Việt Nam trở về từ Vũ Hán đã biệt tích không biết đi đâu. Những du học sinh này chắc chắn là phần lớn là những người đi du học bằng ngân sách nhà nước và có thể nói đó là thành phần trí thức. Thế nhưng liệu tự họ có ý thức phòng chống lây nhiễm cho cộng đồng khi tự cách ly với gia đình và người thân cũng như những người xung quanh? Các quốc gia cách biệt hoàn toàn với Trung Quốc nhưng con số ca nhiễm bệnh đã qua mặt Việt Nam. Singapore 45 ca, Thái lan 32 ca, Hàn quốc và Đài Loan cũng 18 ca. Trong khi đó Việt Nam sông liền sông, núi liền núi với đàn anh thì hiện theo báo cáo chỉ mới có 14 trường hợp nhiễm bệnh . Báo chí nhà nước đã loan tin là Việt Nam đã chữa khỏi được cho người bị bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Những tin tức mị dân kiểu này đã làm cho người dân mất cảnh giác mà lơ là hoặc coi nhẹ việc phải phòng ngừa. Con số người chết đã lên hơn 1.018 người, số người lây nhiễm theo số liệu chính thức là 43.098. Các chuyên gia Hồng Kong dự đoán số người mắc bệnh ở Vũ Hán là 75.815 người. Hãy làm ơn thành thật với dân – minh bạch, đừng giấu dịch như “mèo giấu cứt” trước khi quá muộn! C.M. VNTB gửi BVN  
......

Bất Chính

Đỗ Ngà - Van Nga Do| Theo Hiến pháp CS Việt Nam năm 2013 thì các chức phó thủ tướng và bộ trưởng được thủ tướng đề nghị bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm, còn quyền quyết định bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm những người đó lại thuộc về quốc hội. Sự phân công này là hợp lý, vì giữa quyền giới thiệu và quyền quyết định không thể trao cho 1 đối tượng được. Lấy ví dụ như tôi vừa có quyền giới thiệu vị trí trưởng phòng mà vừa có quyền quyết định ai sẽ ngồi vào ghế đó thì tôi giới thiệu làm gì? Như vậy thì quyết định luôn cho gọn. Ông Vương Đình Huệ là một phó thủ tướng. Năm 2016 ông Huệ được Nguyễn Xuân Phúc trình đề cử chức phó thủ tướng và được Quốc hội bỏ phiếu chấp thuận. Như vậy khi bãi nhiệm chức phó thủ tướng của ông Huệ thì cũng phải đúng quy trình được pháp luật quy định chứ? Trước tiên là Nguyễn Xuân Phúc đề nghị và Quốc hội đồng ý chứ? Nhưng không! Bất chấp quy định của Hiến pháp, Bộ Chính Trị quyết định kéo ông Vương Đình Huệ đặt vào chức bí thư thành ủy Hà Nội. Bộ Chính Trị là một nhóm người tự cho mình cái quyền phớt lờ mọi quy định của luật pháp. Vâng! Có quyền lực đủ lớn thì có thể chà đạp lên luật pháp, đó tính đặc thù của cái gọi là “pháp quyền XHCN”. Wikipedia cho biết quyền của Bộ Chính Trị như sau: “Trong lĩnh vực nhân sự, Bộ Chính trị có quyền quyết định hay giới thiệu nhân sự cho các chức vụ quan trọng trong bộ máy đảng, Nhà nước và các đoàn thể, không kể các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương hay Ban Bí thư quyết định theo phân cấp”. Bộ Chính Trị vừa có thể giới thiệu vừa quyền quyết định một chức danh trong bộ máy chính phủ vậy đây là gì nếu không phải là vừa đá bóng vừa thổi còi thì là gì nhỉ? Rõ ràng pháp luật đã quy định thủ tướng nắm giữ quyền đề nghị và quốc hội nắm giữ quyền quyết định rồi, nhưng sao Bộ Chính Trị lại kiêm luôn cả 2 quyền đó nữa? Vậy có phải là chồng chéo không? Vâng! Đó là sự chồng chéo. Bên đảng và bên nhà nước cùng sử dụng một quyền như nhau, vậy thì phía nào có thực quyền phía nào là diễn kịch? Đảng có thực quyền, nhà nước là một sân khấu kịch. Nói đến trá hình là nói đến sự ngụy tạo. Để có thể trá hình thì đối tượng luôn tạo ra vẻ bề ngoài khác xa bản chất thật bên trong nhằm phục vụ cho mưu đồ bất chính. Chẳng hạn như, quán quán cà phê trá hình thì thông thường bên ngoài bán cà phê bên trong bán dâm hoặc bán ma túy. Hay như gần đây chúng ta thấy xuất hiện loại côn đồ trá hình, đó là những tên bề ngoài hành động như một côn đồ nhưng bên trong thì có thủ thẻ ngành vv… Nhà nước CS thực chất nó là một nhà nước phong kiến trá hình. Ở đây chúng ta thấy, trên thế giới, chỉ có các nước CS mới có 2 bộ máy quyền lực song hành, đó là là bộ máy đảng và bộ máy nhà nước. Bộ máy đảng là nơi ra mọi quyết định và bộ máy nhà nước là chỉ làm theo cho khớp những quyết định đó mà thôi. Bộ máy đảng thì nó vận hành y hệt như bộ máy nhà nước phong kiến: cũng cha truyền con nối, chúng quyết định kết án bằng chỉ thị vv.. Còn bộ máy nhà nước thì nhìn ban bệ cũng giống các nhà nước khác: cũng có hành pháp, có lập pháp, có tư pháp, cũng có bầu cử blah blah blah.. Nhưng dù cho đó là hành pháp, lập pháp tư pháp gì thì nó cũng được chỉ đạo bởi đảng. Dù có bầu cử màu mè thế nào đi chăng nữa thì kết quả bầu cử cũng là người được đảng quy hoạch mới trúng cử. Việt Nam - một đất nước bị dẫn dắt bởi nhà nước trá hình thì làm sao nhân dân hưởng được những giá trị tốt đẹp thật sự được? Chính vì thế mà những mỹ từ chúng ta thường nghe nghe như “độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc” hay “pháp quyền” vv.. tất cả đều giả tạo, chỉ có sự lừa dối là thật. CS được sinh ra là để lừa dối dân nhằm thực hiện những ý đồ bất chính đảng mà thôi. CS mà! Không thể thay đổi! -Đỗ Ngà-  
......

Phép thử Coronavirus

canhco’s blog – RFA ‘…Chưa có nước nào trên thế giới nghĩ tới biện pháp này vì nước người ta hiểu rõ càng in tiền ra nhiều thì lạm phát theo đó mà tăng cao. Hơn nữa cho dù có in tiền mới ra chăng nữa thì khi chúng lưu hành trên thị trường ngay lập tức sẽ trở thành cũ…’ Nhật có lẽ là nước đầu tiên gửi 1.000 nhân viên y tế sang giúp Trung Quốc đối phó với thảm họa Coronavirus. Thế giới ngưỡng mộ nước Nhật về những hành động thiết thực này nhưng ít ai để ý tới tầm nhìn của nước Nhật khi nhanh chóng tiếp cận với vùng bị dịch, trước nhất là trợ giúp y tế cho nạn nhân nhưng quan trọng hơn Nhật đang thực tập bài học chống dịch ngay trên vùng bị dịch hóa. Từ sự tiếp cận này Nhật sẽ có kinh nghiệm như chính bệnh dịch đang hoành hành tại Nhật để có thể biết đích xác nếu cùng trường hợp như vậy xảy ra tại Tokyo thì chính phủ và hệ thống y tế của Nhật sẽ phải làm gì trong ngắn và dài hạn. Nhóm chuyên gia này không những học hỏi được những gì mà nạn nhân của Trung Quốc cần mà họ còn có thể lên một phác thảo chính xác những việc cần làm hay những dụng cụ y tế cần phải có cho một trận dịch tương tự trong tương lai, hay thậm chí họ có thể áp dụng ngay khi Coronavirus hoành hành tại Nhật trong tương lai gần. Là một nước lớn Trung Quốc chưa bao giờ có những hoạt động tương tự như Nhật, chẳng hạn khi Nhật bị động đất hay sóng thần xảy ra Trung Quốc không hề gửi người sang trợ giúp và vì vậy những kinh nghiệm quý giá của Nhật không được Trung Quốc khai thác, học hỏi và khi những trận động đất xảy ra tại Trung Quốc người ta chứng kiến những hành động cứu cấp không thể gọi là hiện đại hay có tính hệ thống mà nó giống như cung cách đối phó thiên tai của những nước đang phát triển. Việt Nam cũng không thoát ra khỏi tư duy co cụm của Trung Quốc khi đối phó với dịch bệnh. Những quyết định gần đây của chính quyền Việt Nam cho thấy cách suy nghĩ rất đơn giản và duy ý chí. Trung Quốc đang ê chề vì sự cố bắt 8 y bác sĩ vì cho rằng những người này phát tán thông tin không chính xác về Coronavirus để rồi sau đó Tối cao pháp viện của Trung Quốc buộc công an đã sai trái trong việc cấm công dân phổ biến tin tức về bệnh dịch. Cho tới khi một trong tám người bị bắt, bác sĩ Lê Văn Lượng, qua đời vì Coronavirus cả Trung Quốc rúng động và mạng Weibo tràn ngập những lời lên án chính phủ và hàng triệu người công khai đòi tự do ngôn luận. Không học hỏi được kinh nghiệm của chính đàn anh trong cùng một vụ việc, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lại ký một chỉ thị dài ra lệnh cho các cơ sở trực thuộc Bộ TT&TT phải thắt chặt báo chí, truyền thông nhất là mạng xã hội không được đưa tin về Coronavirus để tránh hỗn loạn xã hội. Chỉ thị có tên: “Về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra” có đoạn: “Chủ động đấu tranh, đàm phán với Facebook và Google để yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ các video clips, thông tin sai sự thật về dịch bệnh, các tài khoản giả mạo đưa tin không đúng sự thật”. Người dân từ rất lâu khẳng định rằng mạng xã hội là nơi thông tin nhanh lẹ đa dạng nhất trong toàn bộ hệ thống thông tin của Việt Nam. Dĩ nhiên thông tin lúc nào cũng có sai lệch, ngay cả báo chí chính thống cũng không tránh khỏi tình trạng này huống hồ là mạng xã hội, nơi tập trung gần phân nữa công dân nước Việt. Vấn đề ở đây cần nêu ra là thế nào là sai sự thật? Ngay trên bình diện chuyên môn, các chuyên gia về y tế của Việt Nam hiện đang tranh cãi về một chữ có tính kỹ thuật là từ “aerosol” cũng như hiệu quả đích thực của việc dùng khẩu trang vậy thử hỏi Bộ TT&TT có dám đứng ra cấm họ không được thông tin sai lệch hay không? Người dân có quyền nghi ngờ con số người chết vì Coronavirus tại Trung Quốc là không chính xác vì thói quen che giấu thông tin của nước này đã thâm căn cố đế, vậy sự nghi ngờ ấy có thể bị Bộ TT&TT kết án là bóp méo sự thật để yêu cầu Google hay Facebook đóng cửa hay gỡ bỏ tài khoản của người lên tiếng hay không? Rồi nữa, bên cạnh những thông tin tiêu cực vẫn xuất hiện những lời lẽ, nhận xét đi ngược lại sự lo lắng của toàn xã hội khi cho rằng chỉ một ngày tai nạn giao thông của Việt Nam bằng cả dịch Coronavirus tại Vũ Hán thì lo lắng làm gì, cứ ăn no ngủ say không việc gì phải xoắn! Trước những thông tin này Bộ TT&TT có cho rằng nó đang phá hoại nỗ lực phòng chống Coronavirus hay không, nếu có thì phải xử lý thế nào? Trong khi Trung Quốc thử nghiệm dùng tia cực tím khử trùng tiền mặt để chống Coronavirus thì Việt Nam chơi sang hơn ra lệnh các ngân hàng “Cách ly tiền cũ, đưa tiền mới vào lưu thông phòng lây nhiễm” Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN giải thích rằng biện pháp nêu trên được ban hành là do “thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch ở Việt Nam trong lúc Ngân Hàng Nhà Nước chưa có đủ phương tiện để khử trùng tiền mặt.” Chưa có nước nào trên thế giới nghĩ tới biện pháp này vì nước người ta hiểu rõ càng in tiền ra nhiều thì lạm phát theo đó mà tăng cao. Hơn nữa cho dù có in tiền mới ra chăng nữa thì khi chúng lưu hành trên thị trường ngay lập tức sẽ trở thành cũ vì chúng phải qua tay người sử dụng, mà đã qua tay rồi thì làm sao tránh được chuyện mang mầm bệnh trên những tờ bạc mới phát hành ấy? Coronavirus có lẽ là phép thử để đời cho nhân dân Việt Nam khi nhìn cách đối phó của chính quyền. Dịch bệnh rồi sẽ trôi qua nhưng những hình ảnh mà chính quyền đang tạo ra nhằm lấy tiếng cho từng cá nhân sẽ không bao giờ được người dân tha thứ. canhco’s blog  
......

Về bài viết của báo CAND

Trần Kiên (VNTB)| Ngày 11-02, báo CAND tiếp tục bài viết phản ánh về sự kiện Đồng Tâm, tác giả Xuân Mai, mục Chống diễn biến hoà bình. “Số tổ chức, hội nhóm phải kể đến “Hội anh em dân chủ”, “Nhà xuất bản tự do”, “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Lập Quyền Dân”, “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng”, “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, “Văn đoàn Việt Nam” và 25 đối tượng chống đối ra bản “Tuyên bố Đồng Tâm”, kêu gọi các đối tượng, hội nhóm chống đối khác cùng ký tên qua địa chỉ email “tuyenbo…” và đã có một số tổ chức, cá nhân ký tên vào bản tuyên bố với 7 yêu sách…”. Tuyên bố Đồng Tâm không nhằm chống đảng hay nhà nước Việt Nam. Nếu đọc kỹ nội dung sẽ thấy rõ, chính văn bản này đã đề ra giải pháp để giải quyết vấn đề Đồng Tâm, một con đường, một lối thoát cho cả hai bên (mà một bên là chính quyền). “Chúng tôi – những tổ chức xã hội dân sự và cá nhân – có thảo ra Tuyên bố Đồng Tâm với mục đích cảnh báo và ngăn chặn bạo lực và muốn việc giải quyết tranh chấp đất đai là giải quyết hành chính thông qua luật pháp, chứ không thể dùng bạo lực”. Giải pháp cho Đồng Tâm nếu là bạo lực vũ trang, thì chính quyền đã thấy tác động của nó trong hơn 1 tháng qua. Khi mà xã hội bị phân rẽ trầm trọng, tính thiện – ác xã hội bị đưa lên đánh giá, chính danh của chế độ bị suy giảm,… Phương cách dùng lực lượng vũ trang, báo đài và toà án cho đến nay chưa chứng minh một tác dụng tích cực nào trong vấn đề Đồng Tâm, mà ngược lại chỉ rót dầu vào lửa, khiến Đồng Tâm vượt khuôn khổ của quốc gia, để tiếng kêu gọi công lý tìm đến các tổ chức nhân quyền, các Chính phủ Tây âu, và cả Tổ chức Liên Hiệp Quốc. Xuất bản các bài viết nêu trên, không chỉ khiến cho ‘đối thoại’ với những bất đồng chính kiến như ông Võ Văn Thưởng từng tuyên bố trước đó không được kiến lập, mà còn cắt đứt sợi dây này trong những người kỳ vọng nhất, lạc quan nhất. Vì nó là nội dung đấu tố hơn là đối thoại, dằn mặt hơn là thực tâm giải quyết vấn đề cốt lõi của Đồng Tâm. “Trên các trang mạng “Báo Tiếng dân”, “Nghiệp đoàn báo chí”, “Việt Tân”, “Việt Nam Thời báo”…, cho đăng tải một loạt bài viết với nội dung xuyên tạc chính quyền chỉ đạo lực lượng vũ trang tập trung tại xã Đồng Tâm nhằm đe dọa người dân phải trao 59 ha đất nông nghiệp cho chính quyền…” Nếu nhìn vào Việt Nam Thời Báo, Báo Tiếng Dân,… thực chất các bài viết đăng tải chính là tâm tư – suy nghĩ của người dân về Đồng Tâm, trong đó không ít bài nêu ra các nhóm giải pháp để giải quyết. Sự kiện Đồng Tâm chỉ được giải quyết thấu đáo khi mà bản thân chính quyền nắm được, hiểu được dư luận đang nghĩ gì. Mà những điều này không hề được thể hiện trên các báo đài, các trang nhóm xã hội, các cá nhân phục tùng chính quyền. Chính vì lẽ đó, nếu tiếp tục coi các thông tin phản ánh, bình luận trên các trang tin điện tử nêu trên là ‘xuyên tạc’ thì vĩnh viễn Đồng Tâm sẽ trở thành một vết đạn nằm sâu trong lòng chế độ, nơi mà lương tâm – trách nhiệm của chính quyền được đặt ra. Bài viết không hàm trách người viết bài, hay thậm chí trang báo CAND. Bài báo chú ý đến những người chỉ đạo thực hiện tin bài kiểu này, đặc biệt là vai trò của ông Võ Văn Thưởng – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Liệu ông có thực tâm nghĩ rằng, bằng những bài viết nêu trên, coi những người ủng hộ cụ Lê Đình Kình là ‘đối tượng’, coi các yêu cầu về điều tra độc lập, dựa trên luật pháp và minh bạch là ‘xuyên tạc, chống phá’, thì vấn đề Đồng Tâm sẽ được giải quyết trọn vẹn? Hay chính những bài báo như thế này, làm cho ‘nỗi đau Đồng Tâm’ tiếp tục dai dẳng? Một sự kiện gây chấn động nhân tâm dư luận xã hội phải được giải quyết bằng con đường đối thoại, điều tra minh bạch. Không còn con đường nào khác! Nhưng cho đến nay, ngoài ‘lời thú tội của các đối tượng’ trên truyền hình, những bài báo chụp mũ ‘khủng bố, xuyên tạc, chống phá’, những vị đại biểu quốc hội im lặng,… thì tinh thần giải quyết công bằng, đối thoại hoàn toàn vắng bóng. Chú thích http://m.cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Vu-Dong-Tam-Canh-giac-voi-nhung-thong-tin-sai-lech-tren-khong-gian-mang-581234/  
......

Chính trị vô lương và cái giá phải trả

Tân Phong - Web Việt Tân| Cái chết của Bác Sĩ Li, một trong tám bác sĩ đầu tiên ở Vũ Hán đã cố gắng cảnh báo về dịch bệnh cúm do chủng virút corona đột biến 2019-nCoV, đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ ngầm mạnh mẽ ở Trung Quốc. Người ta đau buồn và thương tiếc cho Bác Sĩ Li mà như một người thanh niên đến dâng hoa tưởng nhớ Bác Sĩ Li nói “Anh ấy không hề muốn trở thành người hùng, anh ấy chỉ muốn cảnh báo nguy hiểm cho cộng đồng và hết sức giúp đỡ mọi người. Đó là điều làm cho chúng ta thấy đau đớn.” Cho tới lúc chết, Bác Sĩ Li vẫn bị chịu sự giám sát của chính quyền và những cáo buộc của cảnh sát là “tung tin đồn sai trái”. Tờ quyết định khiển trách với những lời răn đe của cảnh sát cùng chữ ký và dấu vân tay của Bác Sĩ Li được anh công bố trên mạng xã hội sau khi nạn dịch bệnh đã tràn lan ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Vũ Hán. Cái chết của Bác Sĩ Li dấy lên các đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận, trả lại Công lý cho Bác Sĩ Li và minh bạch thông tin dịch bệnh. Song phản ứng từ phía chính quyền là hoàn toàn trái ngược. Nhà cầm quyền Trung Quốc lo sợ cái chết của Bác Sĩ Li trở thành ngọn đuốc Bouazizi – người đàn ông đã thắp lên “mùa xuân Arab” ở Trung Đông. “Ổn định chính trị là trên hết” Là chỉ đạo của quan chức thành phố Vũ Hán khi tiếp nhận các thông tin đầu tiên về bệnh dịch viêm phổi mới. Đó là lối suy nghĩ mặc định của giới chức cộng sản. Họ quan tâm đến vấn đề “ổn định chính trị” hơn bất cứ vấn đề nào khác và đánh giá thấp hoặc không nhận định được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Ngay cả khi tình hình đã mất kiểm soát thì biện pháp thường trực của chính quyền luôn luôn là khống chế, che dấu thông tin. Bất kể đó là thông tin trung thực. Khi một đoạn video quay các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, xác người và khung cảnh hỗn loạn đang diễn ra được đăng tải lên internet, cảnh sát an ninh mạng sẽ xác định ngay được số điện thoại, thuê bao của tác giả những thông tin đó và đến tận nhà để bắt giữ, thẩm vấn và tống giam. Việc phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc đã vượt qua mọi qui định luật pháp và đạo đức. Chính quyền TW cho phép cảnh sát có quyền hạn tối đa, đưa ra những qui định hà khắc nhất như cho phép tử hình đối với những người có thái độ chống đối hay cản trở nỗ lực phòng chống dịch bệnh của chính quyền. Người ta có thể thấy rằng, dù năng lực xây dựng của Trung Quốc thật đáng khâm phục song thực tế mức độ lây lan dịch bệnh đã vượt xa khả năng khống chế và đáp ứng của chính quyền. Hai bệnh viện dã chiến với qui mô tổng cộng hơn 3000 giường của Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn chỉ đủ cho số bệnh nhân nhiễm bệnh phát sinh mới trong một ngày ở Vũ Hán. Người ta đã sử dụng hàng trăm trung tâm thương mại, nhà ga, trường học, hội trường… lớn nhất để sử dụng làm nơi tập trung bệnh nhân. Lực lượng quân y của 26 tỉnh thành với hơn 10 ngàn nhân viên y tế, cùng với hơn 700 cơ sở y tế, bệnh viện các cấp của Vũ Hán đã không thể kiểm soát được tình hình dù đã làm việc đến kiệt sức. Ngay bây giờ, việc cung ứng thêm vật tư và nhân lực y tế cho Vũ Hán đã là “nhiệm vụ bất khả thi”. Tuy vậy, chính quyền Trung Quốc vẫn từ chối lời đề nghị của Hoa Kỳ cho chuyên gia tới giúp đỡ. Đơn giản, chóp bu lãnh đạo Trung Quốc Cộng Sản Đảng coi trọng “ổn định chính trị là trên hết”! Trong bài phát biểu gần đây, Tập Cận Bình tuyên bố sẽ phát động “chiến tranh nhân dân” để đánh bại con virus 2019-nCoV. Thông điệp này làm người ta vừa khó hiểu vừa buồn cười cứ như thể con virus viêm phổi cấp đã trở thành “kẻ thù của nhân dân” như trong cuộc cách mạng văn hóa kinh hoàng của thập kỷ 30-40 thế kỷ trước. Tuy vậy, nếu hiểu bản chất của đảng cộng sản thì người ta nên biết run sợ trước lời nói tưởng chừng vô nghĩa kia ông Tập. “Chiến tranh nhân dân” là một cuộc chiến coi nhân dân là đối tượng đấu tranh – những người bị nghi nhiễm bệnh, những người có rủi ro cao, những người có giá trị thấp với cộng đồng theo tiêu chuẩn chấm điểm của đảng… đều là đối tượng phải cách ly và loại bỏ. Đảng sẽ bỏ qua mọi qui định luật pháp, giá trị nhân quyền để thực hiện cuộc thanh lọc những đối tượng có khả năng làm lây lan bệnh tật trong bối cảnh các giải pháp y tế đã trở nên tuyệt vọng. Đó là một thảm kịch xã hội, một thảm họa kép. Thảm họa nhân đạo cận kề Số người chết bởi NCP (novel coronavirus pneumonia) – tên gọi mới của bệnh viêm phổi cấp do virus 2019-nCoV – tính tới ngày 9/2/2020 đã vượt số tử vong của đại dịch SARS năm 2003 theo như công bố của nhà cầm quyền. Trong khi đó, số lượng người nhiễm bệnh cao gấp 3 lần so với SARS và không hề có dấu hiệu giảm bớt bất chấp các nỗ lực ngăn chặn của chính phủ Trung Quốc. Cho dù, quan chức y tế Trung Quốc cho biết con số người nhiễm bệnh mới đã “ổn định” ở mức khoảng 3000 trường hợp nhiễm mới/ngày nhưng điều đó không có nghĩa họ đã hạn chế được mức độ lây nhiễm mà ở đây phải hiểu rằng khả năng tầm soát, xét nghiệm của hệ thống y tế Trung Quốc đã ở mức tới hạn. NCP rõ ràng đã chứng tỏ mức độ nguy hiểm vượt trội so với bất kể các loại siêu vi chết người nào xuất hiện trong vòng 5 thập kỷ qua. Nhìn vào số liệu thống kê và đánh giá của bác sĩ ở vùng trung tâm dịch, người ta nhận định rằng tỷ lệ tử vong của NCP (novel coronavirus pneumonia) là thấp khoảng 4-5% đối với các trường hợp đã ở tình trạng nguy kịch. Đa số những người khỏe mạnh bị nhiễm NCP sẽ tự khỏi trong vòng hai tuần đầu. Những người già, người bị bệnh mãn tính hoặc tình trạng sức khỏe không tốt thời gian hồi phục kéo dài hơn và một số sẽ bị chuyển thành nguy kịch ở tuần thứ 3. Khoảng 4-5% trong số này sẽ chết ở tuần thứ 3. Nhưng vấn đề mà chúng ta phải đối mặt là khả năng “siêu lây nhiễm” chưa từng có và bằng những cách thức lây nhiễm cực kỳ khó kiểm soát của NCP. Với con số lây nhiễm hoàn toàn có thể lên tới hàng triệu người thì dù tỷ lệ tử vong chỉ 0,1% cũng đã là thảm họa thực sự. Cái giá phải trả cho thứ chính trị vô lương Mức độ lây lan chết chóc của dịch bệnh kéo theo những hệ lụy kinh tế, xã hội khác nghiêm trọng không kém phần. Gần như toàn bộ Trung Quốc đang tê liệt, sản xuất, kinh doanh đình đốn chưa từng có. Những thành phố trống trơn, vắng lặng như trong những bộ phim giả tưởng về ngày tận thế của các nhà làm phim Hollywood bỗng trở thành sự thực. Nền kinh tế của siêu cường số 2 vốn đã chịu sự suy giảm chưa từng thấy trong vòng 30 năm trở lại đây kể từ khi xảy ra thương chiến với Hoa Kỳ. Tăng trưởng GDP tuy vẫn được công bố hơn 6,3% trong năm 2019, song thực tế, các chuỗi cung ứng khổng lồ được thiết kế tối ưu đã rệu rã bởi ngấm đòn thuế quan và các trừng phạt về gian lận thương mại, trộm cắp kỹ thuật và thao túng thị trường. Dịch viêm phổi cấp NCP bùng phát vào thời điểm kinh tế đã suy thoái không chỉ cướp đi hàng ngàn sinh mạng người dân mà còn “tàn sát” nền kinh tế Trung Quốc. Những đánh giá “khiêm tốn” nhất về ảnh hưởng của dịch bệnh ước đoán GDP có thể sẽ giảm 1% xuống còn 5% vào năm 2020 do virus 2019-nCoV. Nhưng thực tế sẽ thảm hại hơn rất nhiều so với nhận định lạc quan này. 85% số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc sẽ không thể trụ nổi thêm ba tháng nữa nếu tình hình dịch bệnh và nền kinh tế bị “hôn mê” kéo dài. Chính phủ trung ương yêu cầu hệ thống ngân hàng gánh vác tổn thất kinh tế và không tính lãi phát sinh đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời điểm khó khăn này. Song, biện pháp này chỉ giảm bớt phần nào khó khăn chồng chất của doanh nghiệp. Sản xuất đình đốn, thiếu hụt lao động, chuỗi cung ứng tê liệt gây ra những thiệt hại lớn hơn rất nhiều không chỉ là chi phí tài chính. Một phản ứng khác đáng lo ngại trên phương diện xã hội là làn sóng kỳ thị và xa lánh người Trung Quốc đang trở nên đáng lo ngại. Người dân khắp thế giới đang nhìn nhận về một Trung Quốc với tất cả những cảm giác và đánh giá tiêu cực. “Dối trá, tham lam, ăn cắp, bẩn thỉu, dịch bệnh, phạm pháp,…” đó là những từ ngữ thường trực mà người ta đang nói về Trung Quốc. Thế giới thay đổi quá nhanh, mới cách đây hai năm người ta đang nhìn về Trung Quốc như một siêu cường đang trỗi dậy đầy sức mạnh, đầy quyền lực, giàu có và quyến rũ với những “giá trị phương Đông” mờ ảo và khơi gợi. Giờ đây, người ta đang kinh sợ mọi thứ về Trung Quốc. Một người đàn ông Pháp hét lên “hãy giữ chặt con virus của mày, đồ Trung Quốc bẩn thỉu” khi thấy một thanh niên Châu Á đi xe hơi chạy qua một vũng nước trên phố. Những Chinatown vắng lặng khác hẳn với những gì ngươi ta thường thấy và mọi chính sách ngoại giao, kinh tế với Trung Quốc đang được chính phủ các nước trên thế giới xem xét lại một cách đầy thận trọng. Trung Hoa hùng mạnh, Trung Hoa vĩ đại với Vạn Lý Trường Thành nhìn thấy từ mặt trăng, với Bắc Kinh, Thẩm Quyến phồn hoa đô hội bậc nhất thế giới, với Tô Châu, Hàng Châu như thiên đường hạ giới… Trung Hoa với 5000 năm lịch sử đầy tự hào và một dân tộc có đầy đủ những đặc tính ưu việt nhất Châu Á đã trở thành một thứ quái vật y như con virus NCP. Người ta đang nhìn thấy một Trung Quốc bất lực ra sao, “mong manh dễ vỡ” và chính phủ tàn ác, vô lương đến thế nào. Đó là một thất bại thê thảm về toàn diện chứ không chỉ riêng chính trị. Có lẽ, đã đến thời điểm để người ta chuẩn bị tổng kết lại vai trò lịch sử của Trung Quốc Cộng Sản Đảng như một qui luật lịch sử biện chứng khách quan. Đó phải chăng cũng là cái giá phải trả cho một thứ chính trị vô lương đã tàn hại dân tộc Trung Hoa gần 1 thế kỷ. Còn với Việt Nam thì sao? 9/2/2020 Tân Phong https://viettan.org/chinh-tri-vo-luong-va-cai-gia-phai-tra/  
......

Đừng để người khác phải làm anh hùng

Ảnh: Reuters. Y Chan -Luật Khoa Tạp Chí|   ‘…Cho dù vẫn còn đó thói quen gửi gắm trách nhiệm làm “anh hùng”, làm “biểu tượng” ở người khác, đến một lúc nào đó, giống như Lý Văn Lượng, tự họ sẽ phải làm anh hùng cho chính mình…’ Căn cứ vào pháp luật, đối với hành vi phạm pháp, phát biểu sai sự thật của anh trên mạng, chúng tôi đưa ra cảnh cáo và khiển trách. Hành vi của anh gây rối loạn nghiêm trọng trật tự xã hội. Hành vi của anh vượt qua giới hạn cho phép của pháp luật, vi phạm các quy định liên quan trong điều lệ quản lý trị an, là một hành vi phạm pháp! Cơ quan công an hy vọng anh tích cực hợp tác, nghe theo sự khuyên bảo của cảnh sát, chấm dứt hành động vi phạm pháp luật. Anh có làm được không? Trả lời: Có Chúng tôi hy vọng anh bình tĩnh suy nghĩ rõ ràng, đồng thời trịnh trọng cảnh cáo anh: nếu anh vẫn cố chấp không biết hối cải, tiếp tục thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật, anh sẽ phải chịu chế tài của pháp luật! Anh nghe rõ chưa? Trả lời: Rõ Đó là nội dung của “Bản khiển trách” mà công an Vũ Hán buộc bác sĩ Lý Văn Lượng cùng bảy người bạn khác của anh phải ký xác nhận (cùng với việc ghi “rõ” và “có” như trên). “Hành vi phạm pháp” ở đây là việc bác sĩ Lý đã thông báo cho những bạn bè đồng nghiệp của mình về sự xuất hiện “các ca nhiễm virus corona đang bị cách ly”. Đó là ngày 30/12/2019. Ngay hôm sau, ảnh chụp màn hình tin nhắn của Lý được lan truyền trên các trang mạng xã hội khác. Một ngày sau đó, chính quyền thành phố mới thông báo chính thức về sự xuất hiện của các ca lây nhiễm viêm phổi không rõ nguồn gốc. Trong cùng ngày, công an tuyên bố trừng phạt tám người trong nhóm của bác sĩ Lý về tội “lan truyền tin đồn”. Tội của Lý là đã dám cầm đèn chạy trước ô tô: mở miệng nói trước khi lãnh đạo cho phép nói. Những gì diễn ra sau đó, nhiều người đã biết rõ. Dịch bệnh hóa ra không phải “có thể khống chế và kiểm soát” như lời các quan chức. Nó đã và đang trở thành một trong những đại dịch gây thiệt hại nặng nề nhất trong thế kỷ 21 của Trung Quốc, lan ra các nước khác, và vẫn chưa ai biết mức độ sẽ tới đâu. Những người như Lý Văn Lượng lại được tôn thành anh hùng, can đảm tiết lộ sự thật khi chính quyền bưng bít. Sự giận dữ của dư luận khiến cho cả Tòa án Tối cao Trung Quốc cũng phải ra mặt bênh vực nhóm bác sĩ Lý. Trong một động thái hiếm hoi đi ngược lại với chủ trương kiểm soát bóp nghẹt tự do ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tài khoản mạng xã hội của Tòa Tối cao nhận định “nếu lúc đó mọi người nghe theo ‘tin đồn’ này, chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, tiêu độc, không tiếp xúc với động vật hoang dã … lẽ ra sẽ là một chuyện may mắn, giúp công tác khống chế dịch bệnh được tiến hành tốt hơn nhiều”. Tuy không gọi thẳng tên chính quyền Vũ Hán, bài viết chỉ trích “quan chức các cấp không thể xem việc công khai tin tức là chuyện chỉ có mình mới được quyền làm”. Ngay cả khi hứng chịu nhiều búa rìu từ dư luận, các quan chức, đặc biệt là cơ quan công an, vẫn tiếp tục bám lấy cái cớ để trừng phạt bác sĩ Lý: đưa tin sai sự thật. Cái “sai sự thật” là Lý đã nói với bạn bè của mình đây là “dịch bệnh SARS”. Sau đó tất cả đều biết đây là một chủng virus corona mới, cùng họ hàng với SARS, với các triệu chứng gần như hoàn toàn tương tự. Vào thời điểm Lý Văn Lượng chia sẻ tin tức cho bạn bè, trên thế giới này có lẽ không có bất kỳ ai biết được sự tồn tại của chủng virus mới đó, nhất là khi tình hình dịch bệnh cố tình bị giấu nhẹm. Nhưng chính quyền một khi đã quyết tâm bắt lỗi, trừng phạt, và bịt miệng những người trái ý mình, bất kỳ một tiểu tiết vặt vãnh nào cũng có thể trở thành viên đạn đại bác nổ vang trời. Cái tên Lý Văn Lượng vào ngày đầu tiên của năm 2020 được “bêu danh” cả trên CCTV, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, trong một nỗ lực “trừng trị những kẻ lan truyền tin đồn” (thật giống với chị em VTV của Việt Nam). Hơn một tuần sau khi bị “cảnh cáo”, ngày 10/1/2020, bác sĩ Lý phát hiện mình có triệu chứng bệnh, nghi ngờ bị lây nhiễm từ ca phẫu thuật mắt cho một bệnh nhân. Cha mẹ và người vợ đang mang thai của anh cũng có triệu chứng tương tự. Lúc đó, các quan chức chính quyền vẫn một mực khẳng định “không có chuyện người lây người”. Phải mất đến ba tuần tiếp theo, với nhiều lần chẩn đoán xét nghiệm “âm tính”, vào ngày 31/1/2019, Lý Văn Lượng mới có kết quả dương tính với chủng virus corona 2019. Một tuần sau, anh qua đời. Cái chết bất ngờ của bác sĩ Lý kéo theo rất nhiều nước mắt và thổi bùng lửa giận trên khắp các diễn đàn ở Trung Quốc. Sự phẫn nộ lên đến đỉnh điểm khi nhiều người tiết lộ rằng, anh đã mất vào tối ngày 6/2, nhưng quan chức bệnh viện lại phủ nhận tin tức được lan truyền. Thay vào đó, lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo tiếp tục thực hiện các biện pháp hồi sinh tích cực, dùng máy kích điện áp liên tục suốt ba tiếng đồng hồ, khiến cuối cùng xương ngực của anh đều bể nát. Phải đến rạng sáng ngày 7/2, giới chức bệnh viện mới ra thông báo xác nhận, rằng “sau khi đã tận tâm tận lực cứu chữa”, bác sĩ Lý đã không may qua đời. Khi còn sống anh trở thành cái gai trong mắt lãnh đạo. Khi mắc bệnh anh không được chăm sóc cứu chữa kịp thời. Khi chết đi lãnh đạo sốt sắng dồn toàn tâm toàn lực biểu diễn trách nhiệm cùng năng lực phi phàm của họ. Câu chuyện ngắn ngủi của Lý Văn Lượng có lẽ là phiên bản rút gọn của đại dịch lần này. Khi các ca bệnh mới bộc phát, chính quyền bưng bít, trừng phạt bất kỳ ai hó hé “không theo chỉ đạo”. Khi dịch bệnh lan ra không còn giấu được, chính quyền vội vã phong tỏa, chứng tỏ trách nhiệm cùng năng lực kiểm soát của mình. Vài tháng nữa, nếu may mắn, dịch bệnh được khống chế, sau khi đã hại chết kha khá người, làm điêu đứng vô số gia đình, chính quyền sẽ lại hớn hở rêu rao về “thiên tài của đảng ta”. Bi kịch của bác sĩ Lý là bi kịch chung của người dân trong các chế độ độc tài. Nhiều người Trung Quốc tôn Lý là anh hùng, là biểu tượng cho quyền tự do ngôn luận của người dân. Sự thật là, Lý Văn Lượng không hề có ý định làm anh hùng. Ban đầu anh chỉ chia sẻ tin tức cho những người bạn trong một nhóm kín, không có ý định thông báo rộng rãi cho người dân. Lý còn dặn dò bạn bè không lan truyền ra ngoài, chỉ nên “báo cho gia đình người thân biết để cảnh giác”. Khi tin tức lộ ra, anh lo lắng sẽ bị trừng phạt (nỗi lo không thừa chút nào). Nhưng khi bản thân và người nhà đã nhiễm bệnh, chính quyền vẫn tiếp tục bưng bít, bác sĩ Lý không còn gì để kiêng dè. Trong những ngày trên giường bệnh, anh liên tục đăng bài trên mạng xã hội, công khai mọi thông tin mà trước đó chính quyền “cảnh cáo không được tiếp tục vi phạm”. Hình ảnh một bác sĩ trẻ thở oxy nằm trên giường bệnh trở thành biểu tượng có lẽ vì nhiều người nhìn thấy tương lai của chính mình trong đó. Những dòng hashtag # kiểu “Tôi muốn tự do ngôn luận” cùng với “Các quan chức phải đền tội” trên mạng xã hội Trung Quốc sau cái chết của Lý nhanh chóng được hàng triệu lượt chia sẻ. Nó cũng rất nhanh chóng bị chính quyền xóa bỏ. Ngay sau khi Lý qua đời, chính quyền trung ương lập tức cử chuyên viên cấp cao về Vũ Hán để “điều tra làm rõ”, nhưng có lẽ quan trọng hơn là để tìm cách làm dịu dư luận. Nhiều người liên tưởng cái chết của bác sĩ Lý có thể sẽ kích động một làn sóng đòi tự do tương tự như cách đây 30 năm. Năm 1989, Hồ Diệu Bang, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đột ngột qua đời. Cái chết của nhà lãnh đạo cải cách rất được lòng dân (nhưng hoàn toàn mất lòng đảng) đã gián tiếp dẫn đến phong trào đấu tranh dân chủ của giới sinh viên học sinh tại Thiên An Môn vào năm 1989. Những bạn trẻ tại Thiên An Môn ngày đó vẫn còn đủ ngây thơ để tin rằng chính quyền sẽ lắng nghe dân. Xét cho cùng, thứ họ yêu cầu chẳng có gì to tát: quyền tự do của chính mình. Họ không hề có ý định lật đổ chính quyền. Nhưng chính quyền độc tài thì luôn xem tự do là tử huyệt. Ba mươi năm sau, cho dù bị tẩy trắng hoàn toàn ký ức lịch sử bi thảm đó, có lẽ không còn mấy người Trung Quốc ngây thơ giống vậy. Sống đủ lâu trong chế độ độc tài, ai cũng phải khôn ra. Cho dù vẫn còn đó thói quen gửi gắm trách nhiệm làm “anh hùng”, làm “biểu tượng” ở người khác, đến một lúc nào đó, giống như Lý Văn Lượng, tự họ sẽ phải làm anh hùng cho chính mình. Họ phải trở thành những người hùng bất đắc dĩ. Đó không gì khác chính là sản phẩm của thể chế độc tài phi nhân tính. Một khi người ta không còn trông chờ ai khác làm người hùng, mọi thứ bạo quyền đều sẽ là vô nghĩa. Y Chan    
......

Nhà văn Nguyên Ngọc :”Vụ án Đồng Tâm là một tội ác trời không dung đất không tha”.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh - nhacsituankhanh| Hơn 120 năm trước, trong một xã hội nước Pháp còn lắm nhiễu nhương, nhà văn Emile Zola (1840-1902) đã từng mượn tờ báo L’Aurore để viết lá thư ngỏ gửi tổng thống Félix Faure và cho cả toàn dân Pháp, nhằm tố cáo một sự cấu kết giữa tòa án và quân đội để kết tội tù chung thân đối với một sĩ quan là Alfred Dreyfus. Lá thư đó, nằm ở trang nhất, có tiêu đề J’Accuse! (tôi tố cáo) đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong dân chúng về tình trạng ghép đặt tội trạng tùy tiện, sự đồi bại của giới cầm quyền và công an, quân đội khi chà đạp lên luật pháp và con người. Ở vị trí là một nhà văn, chỉ có cây bút, Emile Zola đã ra mặt thách thức cả quân đội và ngành tư pháp, kêu gọi họ trả lại công lý cho người bị hại. J’Accuse! vào năm 1898 trở thành bài học công chính, danh dự và quyền tự do ngôn luận cho chỉ cho nước Pháp, mà nhiều quốc gia khác, trăm năm về sau. Từ vụ án bất minh và bi thảm đối với ông Lê Đình Kình vào ngày 9/1/2020 tại Đồng Tâm, nhà văn Nguyên Ngọc cũng mượn ý của Emile Zola, đưa ra lá thư của mình, có tên Tôi Tố Cáo, nhằm đánh động lại sự kiện, yêu cầu nhà cầm quyền phải có một thái độ đúng của một nhà nước, phải cho điều tra việc giết hại một công dân 84 tuổi ngay tại nhà của ông ta. Lá thư của nhà văn Nguyên Ngọc được đưa ra vào ngày 4/2/2020, trong bối cảnh xã hội rối ren vì dịch bệnh, nhằm không để cho những kẻ giết người có thể tránh né được tòa án của nhân dân. Không những vậy, ông còn nhắn gửi “Là công dân Việt Nam, là nhà văn Việt Nam, tôi tố cáo tội ác trời không dung đất không tha này trước toàn dân Việt Nam và thế giới. Tôi thiết tha kêu gọi mọi bậc trí giả trong nước và trên thế giới cùng mọi người có lương tri lên án tội ác man dại này và ngăn chặn nó có thể tái diễn bất cứ ở đâu”. Trong cuộc trò chuyện kỷ niệm một tháng, ngày thảm nạn Đồng Tâm, nhà văn Nguyên Ngọc đã gửi chút tâm tình, giải thích về những lý do buộc ông phải viết lá thư này. Trên đất nước này rõ ràng đã có một vụ án giết ông Lê Đình Kình. Một mặt người ta đang cố để mọi thứ chìm dần, một mặt thì lại vu cáo ông ấy là kẻ ác. Nhưng việc tấn công vào làng Đồng Tâm lại không hề có một căn cứ pháp lý nào cả. Báo chí nhà nước thì đồng loạt đặt tên ông Kình cầm đầu nhóm phiến loạn, nhóm khủng bố… nhưng lại không có một cơ quan pháp luật nào khẳng định điều đó. Điều đó cho thấy 3000 cảnh sát cơ động không thể tổ chức tấn công và giết người từ những dư luận linh tinh, từ những tin đồn. Đã vậy 3 lần giải thích của Bộ Công An đều cho thấy cuộc tấn công vào thôn Hoành không hề có lệnh của tòa án, viện kiểm sát hay công an… vậy thì phải chăng mục đích cuộc tấn công đó chỉ để nhằm giết người có chủ đích? Kịch bản của cuộc tấn công cho thấy rõ: họ cô lập mọi gia đình chung quanh nhà ông Kình, dùng thuốc nổ phá cửa, tấn công bắt người và tra tấn, và giết. Người ta tìm thấy một cái bao đầy quần áo đầy máu, mà chúng dùng để lau dọn phi tang vụ tra tấn. Sau đó chúng dùng súng bắn vào ông. Cái phát súng bắn vào tim đó – tôi là bộ đội, tôi biết rõ – vết thương cho thấy phát súng đó bắn gọn, bắn rất gần, kê thẳng vào ngực mà bắn. Vết đạn sắc gọn, không nở toét ra như bắn từ xa. Họ còn bắn thêm vào đầu, bắn vào chân. Đó là lý do tôi nói rằng đã có một vụ án giết công dân. Điều đáng nói là 3 lần thông báo của Bộ Công an, nhằm giải thích cho vụ thảm sát này, đều là nội dung bất nhất. Lần đầu họ nói đang xây tường ở đồng Sênh thì bị lực lượng của ông Kình tấn công nên đã xung đột, và ông Kình chết tại đồng Sênh. Lần thứ hai, họ nói là đi tuần vào làng thì bị tấn công, và ông Kình chết. Lần thứ ba thì đến ông tướng công an Lương Tam Quang, mới nói thật là ông Kình bị giết chết tại nhà. Tất cả những chuyện này, rõ là ám muội. Đó là chưa nói vụ 3 người công an chết khi tấn công vào thôn Hoành, mà đến giờ này chỉ nghe đổ lỗi chứ không có một cuộc điều tra nào xừng đáng với cái chết của họ. Theo tôi, không cần biết như thế nào, vì có một vụ án làm chấn động dư luận nên chính quyền phải mở một cuộc điều tra minh bạch và công khai về vụ án này. Trước đây đã có nhiều lần các nhóm nhân sĩ trí thức lên tiếng, cùng ký thư… ông cũng đã có tham gia, vào vì sao, lần này lại là một mình ông? Tôi lấy danh nghĩa của một công dân, và là một nhà văn để lên tiếng, tương tự như Emile Zola với J’Acusse. Giữa tình hình truyền thông nhà nước đang đơm đặt và bẻ cong ý nghĩa về sự sát hại cụ Lê Đình Kình, tôi mong là lời tố cáo của tôi một lần nữa sẽ khuấy động được dư luận nhìn lại sự kiện này. Tôi cũng hy vọng giới nhân sĩ trí thức Việt Nam, với lương tâm của mình, cũng sẽ cùng hợp sức kêu gọi nhà nước phải mở một cuộc điều tra rõ ràng, độc lập và minh bạch trước tội ác này. Sự kiện chấn động này khiến dư luận hoang mang. Người ta nói với nhau không hiểu vì sao một việc làm càn quấy ở cấp nhà nước lại có thể diễn ra như vậy. Liệu đây có là hành động sai lầm của riêng một cá nhân hay một nhóm người không? Có rất nhiều thứ để người dân suy đoán từ sự kiện này. Người ta bàn tán khắp nơi, rằng lệnh này của ông Trọng hay của ông Phúc, hay của ông Tô Lâm? Có người nói ông Trọng không biết gì, bị đưa thông tin một chiều nên làm theo sự sắp xếp nào đó. Có người nói ông Phúc ba phải nên theo mà không đánh giá hết tình hình… Nhưng tôi không muốn bàn đến những chuyện như vậy. Mọi thứ lúc này cần là sự kiện đúng và rõ ràng từ nhà nước đưa ra cho người dân, chứ người dân thì không thể xác định chân dung nhà nước bằng những tin đồn. Tôi chỉ xác nhận rằng trên đất nước này đã xảy ra một vụ án tàn bạo mà không có dựa trên bất kỳ chứng cứ pháp lý gì cả. Cần phải có điều tra, phải có tòa án. Tôi muốn gửi lời tố cáo của mình đến người dân Việt Nam và cả thế giới. Mọi thứ không thể đi qua và trở thành hợp lý từ tuyên truyền một chiều. Đất nước này cần phải có luật pháp.  
......

Suối nguồn dân chủ

Người dân xếp hàng nhận khẩu trang miễn phí ở Hà Nội hôm 8/2/2020. Đông Phong - RFA| Những ngày vừa qua, đại dịch viêm đường hô hấp xuất phát từ Vũ Hán do virus Corona gây ra đã làm cho người dân Việt Nam lo lắng và hoang mang đến tột độ. Thế nhưng, nhà cầm quyền Việt Nam lại đang loay hoay và gần như không thể tự đóng được cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn đại dịch, vì cần phải có sự chấp thuận từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc. Điều đó vô tình gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh, rằng Việt Nam liệu hoàn toàn độc lập sau ngần ấy năm chiến tranh, mồ hôi, nước mắt và xương máu của cả dân tộc đã đổ xuống. Con số người nhiễm bệnh tại Việt Nam ngày một tăng, và có thể trở thành một ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Vậy nếu khi để xảy ra hậu quả như thế thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Hay sau đó cũng chỉ là một vài cá nhân đăng đàn với những lời tự phê bình và rút kinh nghiệm đầy sáo rỗng, mà người dân dường như đã quá chán ngán đến khinh miệt. Bất công xã hội vẫn đang lan rộng, và không còn là vấn đề giữa người dân với đảng viên, cán bộ nhà nước, mà nay còn là của những viên chức với nhau. Khi người không năng lực được dọn đường để thăng quan tiến chức một cách dể dàng, thần tốc, còn người có năng lực, có tài thì cho dù suốt đời phấn đấu cũng không thể lột xác để thoát ra khỏi một anh viên chức quèn, mạt hạng. Trong cùng một hệ thống giữa những đồng chí với nhau, khi “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. Đó là một bất công lớn đã và đang tồn tại. Vấn nạn môi trường đang dần đẩy dân tộc đến chỗ suy kiệt và diệt vong, khi đâu đâu cũng xả thải, đâu đâu cũng ô nhiễm, thức ăn, nước uống đầy độc, bụi mịn bao trùm... Sức khỏe và mạng sống của người dân ngày một bị đe doạ nghiêm trọng, nhưng những cơ quan chức năng thì luôn tỏ ra vô can. Tham nhũng do bà mẹ cơ chế độc đảng sinh ra đã trở thành một quốc nạn, mà ngày nay chỉ có đốt hết cả cánh rừng mới mong dọn sạch được lượng củi cần đốt ấy. Đó là một quốc nạn mà lịch sử Việt Nam chưa có triều đại nào để xảy ra nhiều với mức độ thiệt hại nghiêm trọng và rộng khắp đến vậy. Và hàng nghìn loại ung nhọt khác đang phát tán trên khắp "cơ thể" của guồng máy, một guồng máy đã hoàn toàn mất đi khả năng đề kháng để tự bảo vệ mình, một "cơ thể" đang rệu rã chỉ chờ đến ngày cáo chung. Lên tiếng và bắt bớ Nhìn lại nhiều năm trước, khi những vụ án mang tính chính trị một thời từng gây chấn động dư luận, như vào năm 2007 vụ của luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân; Năm 2009 vụ án của những người yêu nước gồm: Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, hay vụ "2 bao cao su" vào năm 2010 của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ... Chấn động không phải vì mức độ quy mô, sự nguy hiểm hay hậu quả của nó để lại, mà chấn động ở đây đơn giản chỉ vì tại thời điểm đó không có mấy ai dám tiếng hoặc dám hành động. Thế rồi liên tiếp những vụ án tương tự trong ngần ấy năm, từ đó cho mãi đến hôm nay, đã có hàng loạt người đấu tranh bị bắt bớ tù tội, người này ra người kia vào, dần dần làm cho độ hot của những vụ án chính trị ấy cũng không còn nữa, bởi có quá nhiều người bị bắt, bị tù đày. Điều đó đã lặp đi lặp lại một cách liên tục và ngày càng trẻ hoá dần những con người bị tù đày đến độ không thể không cảm thấy bình thường nhất có thể. Những nhà tranh đấu - mà mười mấy năm về trước bị bỏ tù còn là một hiện tượng kinh động xã hội, khiến mọi người sợ sệt xa lánh - nhưng nay họ là lớp lớp những người yêu nước dũng cảm. Xung quanh họ giờ đã có cả trăm, cả nghìn người dự bị và luôn dám cất lên tiếng nói của chính mình và sẵn sàng chịu cảnh tù tội. Trước đây việc ngồi chém gió vỉa hè, hay lên các trang mạng bàn về chính trị hay phê phán chính phủ được xem là một hành vi "ghê gớm" và động trời lắm, nhưng giờ gần như ai ai cũng có thể dám "xổ toạc" nơi đông người. Chính tôi, đôi khi còn bụm miệng không kịp cho những cậu đảng viên ngồi cạnh đang mắng đảng không một câu thương tiếc. Điều đó đánh dấu một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức và tâm tư của nhiều người dân, trong dòng chảy chung của sự thay đổi tất yếu và điều này đang diễn ra âm thầm từng ngày từng giờ trong lòng xã hội mà không một ai có thể ngăn cản được. Dòng người xuống đường Tôi nhớ vào năm 2011, khi sự kiện tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị các tàu Hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò, những người bất bình đã xuống đường, khi ấy đa số họ đều mặt áo đỏ, một số người trên tay cầm lá cờ đỏ sao vàng, và số lượng của dòng người ấy không quá 200. Rồi sau đó khi hàng loạt sự kiện xuống đường khác của người dân như: Phản đối vụ hạ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014; Phản đối Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam vào năm 2015; Bảo vệ cây xanh tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn, thì hình ảnh chiếc áo và lá cờ đỏ ấy cũng thưa dần theo năm tháng, tỷ lệ thuận với mức độ đàn áp của nhà cầm quyền, nhưng lại tỷ lệ nghịch với số lượng người tham gia ngày một tăng lên, mà đỉnh điểm của nó là sự kiện xuống đường phản đối Formosa (sự kiện cá chết) từ Bắc chí Nam vào năm 2016. Người ta đã không còn trông thấy bóng dáng của những chiếc áo và lá cờ đỏ ấy trong dòng người khổng lồ xuống đường. Đến năm 2018, một dấu mốc đã được tô lên, khi dòng người ấy lại bước xuống đường để lần đầu tiên phản đối một chính sách của nhà cầm quyền, cụ thể là dự Luật đặc khu. Khi ấy quy mô, số người tham gia và sự đồng nhất từ Bắc đến Nam đáng để cho nhà cầm quyền phải lạnh gáy, và chắc chắn tại những thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội, người ta đã hoàn toàn không nhìn thấy hình ảnh của lá cờ đỏ hay chiếc áo in hình cờ đỏ len lỏi vào dòng người kia. Suối nguồn bất tận Lịch sử của nhân loại luôn được vận hành theo đúng quy luật nhất định của nó, với từng giai đoạn lịch sử mà loài người phải trải qua: Thời kỳ nguyên thuỷ; Chiếm hữu nô lệ; Phong kiến; Tư bản... Mà Việt Nam trong giai đoạn nửa phong kiến nửa tư bản ấy chắc chắn cũng không thể có một ngoại lệ. Nếu quan sát xã hội Việt Nam ở góc độ vĩ mô thì những người có kiến thức thông thường cũng có thể dể dàng nhận thấy rất rõ trong lòng xã hội đang có một sự chuyển dịch, một dòng chảy âm thầm, như một quy luật tất yếu của lịch sử, đó là dòng chảy của dân chủ. Và khi nhìn lại những sự kiện đấu tranh liên tiếp của người dân trong mười mấy năm qua có thể nhận định, dù vui hay buồn, muốn hay không muốn thì tiến trình tự dân chủ hóa ấy vẫn đang diễn ra một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Bởi nó là sự vận động của lịch sử, của toàn xã hội mà không một thế lực nào có thể ngăn cản hay thay đổi được, đó là sự vận động của dòng chảy dân chủ tất yếu, một suối nguồn bất tận. Tác giả Đông Phong (Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP HCM)    
......

Bệnh viện cách ly hay mồ chôn tập thể?

 Nancy Hanh Vy Nguyen - Việt Tân| TQ đang gấp rút cho xây thêm nhiều bệnh viện dã chiến, sức chứa mỗi cái đến 1000 giường, 15 bệnh viện là 15k bệnh nhân. Điều đáng nói ở đây là 1 bệnh viện 1000 giường có thể xây trong 10 ngày, nhưng không thể đào tạo đủ bác sỹ, y tá cho 1000 người trong vòng 10 ngày, nói chi cất đến mười mấy cái bệnh viện. Tất nhiên họ tìm cách “lý giải” chuyện này bằng những câu chuyện cảm động rơi nước mắt của đội ngũ y sỹ làm việc cật lực nhiều giờ mỗi ngày. Vết khẩu trang hằn lên mặt, không dám tốn thì giờ đi vệ sinh và những bữa ăn chỉ qua loa bánh quy, mì gói. Nhưng thật ra, với tình trạng bệnh dịch, thì ngay tại các bệnh viện có sẵn, nhân viên y tế đã phải làm cật lực, tăng ca, không có dư nhân lực cho các bệnh viện mới xây. Thứ nữa, các bệnh viện dã chiến này về cấu trúc là được dựng lên từ các parts của nhà tù, tức là không có cơ chế để mở cửa từ bên trong phòng bệnh, chứ đừng nói đến cửa thoát hiểm. Các bệnh viện này lại được giao cho quân đội cai quản, định đoạt, dưới danh xưng bệnh viện quân y. Nàng nhớ lại truyện “Trại súc vật”, George Owell từng viết có con ngựa bị bịnh nặng, nó đã rất mừng rỡ khi được lãnh đạo cho chở đi chữa bệnh ở 1 bệnh viện to đẹp, hiện đại, chiếc xe chở nó đi in dòng chữ “lò giết mổ”. Xâu chuỗi lại thì có vẻ chính quyền TQ đã không có ý cứu những người bị nhiễm nữa. *Admin đặt tựa  
......

Vĩnh Phúc sẽ là Vũ Hán?

Phạm Minh Vũ| Tôi chắc chắn đến giờ này, nhà cầm quyền VN chưa hề tưởng tượng đến viễn cảnh là “kịch bản Vũ Hán” sẽ diễn ra ở VN trong nay mai. Nhà cầm quyền cho tới giờ phút này vẫn sử dụng biện pháp mị dân, ém tất cả thông tin và quy mô dịch thật sự ở VN. Số ca bị nhiễm ở VN cho tới giờ chỉ là 14 ca, số liệu do nhà nước cung cấp, mà ai cũng biết nó còn hơn thế về số 0. Một kịch bản “ Vũ Hán tại Vĩnh Phúc” chắc chắn sẽ diễn ra, vì Vĩnh Phúc không khác gì là ổ dịch ít nhất là 9 ca bị nhiễm, có cả lớp học và giáo viên đều bị giám sát theo dõi vì tiếp xúc với một ca bị nhiễm nhiều ngày, chú ý một số ca bị nhiễm chỉ chúc tết hàng xóm trong 1h về là bị nhiễm, rồi trong số đó tiếp xúc bao nhiêu người nữa? Vĩnh Phúc sẽ sớm bị phong toả như Vũ Hán mà thôi nếu không có Vacxin để điều trị, cảnh sát sẽ đi lùng bắt người bị dịch hay nghi ngờ nhiễm dịch không khác gì những gì đang diễn ra ở Vũ Hán. Nhà thì bị hàn cửa, người thì bị lùng bắt như con vật, nó sẽ không phải trong phim đâu, nay mai thôi. Triều Tiên là quốc gia độc tài, tuy độc tài cộng sản nên ác với dân nhưng không hề hèn với giặc. Triều Tiên đóng cửa sớm khi các chuyên gia y tế Triều Tiên thấy sự nguy hiểm của Corona đã cảnh báo cho Kim Béo nên giờ dân họ kê cao gối ngủ, chẳng nơm nớp lo sợ như VN mình vì có đảng quang vinh. Còn VN vừa ác với dân lại còn hèn với giặc, để bây giờ chúng ta thấy, từ cái gọi là cho báo chí đăng tải tin nói Corona không có gì nguy hiểm, ban đầu vẫn tự tin lắm, mời những Facebook đưa tin về dịch Corona, đe doạ họ, phạt tiền họ, dọa bỏ tù họ. Có khi cho những dlv định hướng là không thể đóng cửa biên giới vì nông sản VN sẽ chết... Từ tự tin tạo cảm giác Corona chẳng có gì sợ cả, đảng sẽ lo được, đến buộc cho học sinh nghỉ học dài hạn, đến bây giờ toan tính có nên đóng cửa Vĩnh Phúc như Bắc Kinh đóng cửa với Vũ Hán hay không. Rồi ngày mai, ngày mốt không biết nhà cầm quyền sẽ làm gì tiếp theo? Cách hành xử nhà cầm quyền VN chẳng giống chế độ độc tài nào, Triều Tiên hay Nga tuy độc tài đó, có ác với dân đó nhưng không hèn với giặc. Vừa ác với dân vừa hèn với giặc và vừa ngu dốt bảo thủ, cố chấp thì chỉ có thể là CSVN. Giờ sắp lãnh đủ vì cái ngu ấy, cứ ém tin cứ dấu nhẹm xem một thời gian nữa toang rồi sẽ ứng xử ra sao...  
......

Chính quyền Hà Tĩnh không nên “thử thách lòng dân”

Người Tây Yên - Thanh Niên Công Giáo| Sáng nay, 8/2/2020, người dân Tây Yên thuộc Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang biểu tình phản đối Công ty Năng lượng An Việt Phát và Công ty Tâm Viết Hải dùng hàng chục ngàn tấn chất thải độc hại của Formosa để san lấp mặt bằng nơi khu vực đông dân cư. *** Sau khi người dân Tây Yên tại Phường Kỳ Thịnh, Thị xã Kỳ Anh bắt quả tang Công ty Năng lượng An Việt Phát san lấp mặt bằng bằng chất thải nguy hại của Formosa, với diện tích lên đến 9,56 ha. Nhưng các cơ quan chức năng cho đó là chất thải không nguy hại. Người dân đang bức xúc đến tột cùng, còn chính quyền Hà Tĩnh dường như vẫn đang thử thách lòng dân? Chính quyền Hà Tĩnh trả lời người dân thiếu chính xác với nhiều lập luận giả dối, đánh tráo khái niệm. Ngày 23/12/2019 UBND Tỉnh Hà Tĩnh – Sở Tài Nguyên và Môi Trường có văn bản số 3949 trả lời rất thiếu tính chính xác, lấp lửng, đổ thừa và xảo trá về một sự thật rất thối nát và hèn hạ. Qua văn bản trả lời của Sở TNMT do ông Phó Giám đốc Sở Phan Lam Sơn là che đậy sự thật, thiếu trách nhiệm với nhân dân, bao che cho các cá nhân; cùng các công ty Năng lượng An Việt Phát, công ty chế biến lâm sản, Công ty Tâm Viết Hải, đặc biệt là che đậy tội ác tiếp tay cho công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tuồn chất thải độc hại ra ngoài. Người dân Tổ dân phố Tây Yên đang kêu cứu về việc một dự án san lấp mặt bằng với chất thải nguy hại lấy từ Formosa chưa qua xử lý là một sự thật, khó có thể chối cãi. Thật đáng tiếc là nhiều cá nhân, công ty và cơ quan chức năng thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm, lấp liếm vì những đồng tiền bẩn để tiếp tay cho Formosa giết chết môi trường mà không qua xử lý. Bởi vì khi các chất độc hại này thẩm thấu vào các dòng nước, qua thời gian sẽ là chất độc hại có thể gây chết người và hậu quả là không thể lường trước được. Trong lịch sử thế giới đã đưa ra nhiều cảnh cáo rằng, Formosa Hà Tĩnh như là một “sát thủ” giết môi trường tự nhiên. Cụ thể, Formosa Hà Tĩnh đang thải ra 14 nhóm chất thải với 64 danh mục của hàng nghìn tên chất thải nguy hiểm khác nhau. Thế nhưng cơ quan công an Hà Tĩnh cho biết, Formosa Hà Tĩnh không cung cấp các kết quả phân tích chất độc hại cho cơ quan chức năng để theo dõi, xử lý hoặc không đánh giá đủ các thành phần nguy hại như Cyanua, chì, Phenol, Hydroxit Sắt… trong bùn thải của khu công nghiệp nặng này. Người dân đang cho rằng các cấp lãnh đạo Hà Tĩnh cố tình làm ngơ cho sự việc rất nóng này. Dù cho các đơn vị sở, ban ngành đã có văn bản của ngành Công An về môi trường, theo dõi trinh sát và có báo cáo cụ thể. Cụ thể, đại tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn số 495/CAT-CSMTr về việc kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc xử lý chất thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Công an Hà Tĩnh đánh giá: “Quá trình hoạt động của dự án Formosa phát sinh rất nhiều loại chất thải, được phân thành 14 nhóm và 64 danh mục với hàng nghìn tên chất thải; tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hằng năm là 3.360.500 tấn. Trong đó, các loại bùn thải, xỉ thép phát sinh và tồn kho với khối lượng rất lớn, cụ thể: Bùn cán nóng phát sinh 35 tấn/ngày, lượng tồn kho 10.700 tấn; bùn phối trộn tồn kho 28.737 tấn; bùn lò cao phát sinh 200 tấn/ngày, lượng tồn kho 70.000 tấn; bùn lò chuyển phát sinh 303 tấn/ngày, từ khi đi vào hoạt động đến nay lượng bùn này phát sinh khoảng 128.000 tấn, được tái sử dụng sản xuất, xỉ thép phát sinh 2.500 tấn/ngày, lượng xỉ thép đang lưu trữ tại dự án (tồn kho) khoảng 780.000 tấn”. Giám đốc công an Hà Tĩnh nhấn mạnh trong công văn này: “Việc phân định các loại bùn bụi đều do Formosa thuê các đơn vị tư nhân (được Bộ TN-MT cấp phép) để phân tích các chỉ tiêu về môi trường và căn cứ vào đó để phân loại có nguy hại hay không. Các cơ quan chức năng không lấy mẫu đối chứng để kiểm tra tính chính xác trong kết quả phân tích, do đó việc phân định chất thải rất khó mang tính khách quan, chính xác (như việc bùn lò cao trước đây phân tích là chất thải nguy hại, nhưng sau đó phân tích lại kết quả là chất thải thông thường); Các kết quả phân tích vượt ngưỡng, Công ty Formosa không cung cấp cho cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý”. Nhưng tỉnh Hà Tĩnh không mấy quan tâm đến dân chúng, làm việc cho dân mà chỉ biết “chấm mút” lợi ích nhóm, bưng bê và bao che để đạt được lợi ích cá nhân và chà đạp lên sự sống của người dân. Vậy là đã rõ, chất thải nguy hại trong Formosa hiện nay đang ở mức quá tải. Họ đang dùng mọi cách, mọi thủ đoạn để tuồn chúng ra ngoài như hình thức san lấp mặt bằng. Mà người dân Tây Yên là những người gánh chịu hậu quả trực tiếp và họ hiểu rất rõ về sự nguy hiểm này. Cho nên, người dân đang hoang mang, lo lắng và bất an là hoàn toàn dễ hiểu. Công an Hà Tĩnh đã đánh tráo khái niệm, tên các loại chất thải trong các phương án tái chế, các loại chất thải rắn và tạp liệu từ Công ty Formosa là chưa chính xác, nếu không muốn nói là hoàn toàn giả. Cụ thể như, gọi các loại bùn thải là “bùn quặng”, “bùn khoáng”… không thể hiện đúng bản chất sự việc. Theo ngôn ngữ thông dụng của Việt Nam thì “bùn khoáng” là loại bùn thiên nhiên được hình thành do những biến đổi của địa chất; còn “quặng” là các loại đá chứa khoáng chất kim loại hoặc đá quý được khai thác từ mỏ. Trong lúc đó, các loại bùn của Formosa là chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất nên không thể dùng từ như vậy, dẫn đến sai lệch bản chất của chất thải. Các cấp chính quyền Hà Tĩnh, cụ thể cơ quan chức năng Sở TNMT trả lời văn bản với người dân bằng cách ngụy biện, dối trá rằng “chất thải của Formosa là không nguy hại”, một sự đê tiện không thể chấp nhận được. Thế mà ông Phan Lam Sơn vẫn ung dung đặt bút ký, kiểu như làm sạch chất thải bằng “mồm và các văn bản”. Nếu không độc hại, ông Sơn nên mang các “bùn khoáng” đó về đổ trong vườn nhà ông thử xem. Nếu ông bận quá thì để chúng tôi tự nguyện làm việc đó thay ông. Sức dân chịu đựng là có giới hạn Quang cảnh người dân Tây Yên, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh biểu tình phản đối việc dùng hàng chục ngàn tấn chất thải độc hại của Formosa để san lấp mặt bằng nơi khu vực đông dân cư hôm 8/2/2020. Ảnh: FB Thanh Niên Công Giáo Formosa từng cúi đầu nhận tội trên truyền hình Việt Nam là thủ phạm gây nên thảm hoạ môi trường biển lớn nhất lịch sử nước Việt vào năm 2016, sự việc này đã làm cho cá chết hàng loạt của bốn tỉnh miền Trung. Những vùng như Tây Yên và những người làm nghề biển là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất. Kể từ đó, cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn, mọi thứ trở nên đen tối hơn bao giờ hết. Khi đưa nhân dân vào bước đường cùng họ sẽ đứng lên đấu tranh là một điều tất yếu. Chúng ta đã từng biết đến một Formosa thất thủ sau đó. Dĩ nhiên, cả hệ thống chính quyền đặc biệt là lực lượng Công an bảo vệ cho thủ phạm cũng đã từng thất thủ đấy thôi. Vì sức mạnh của lòng dân là không thể cản! Giống như “con giun bị xéo lắm cũng quằn”. Đặc điểm của dân tộc chúng ta luôn yêu chuộng hoà bình, rất thương nòi giống và chấp nhận hy sinh để bảo vệ quốc gia, chủ quyền. Sinh ra trên đời không ai muốn đau khổ, máu phải đổ; nhưng khi tàn tâm ép họ vào đường cùng thì họ sẽ nguyện sống chết để bảo vệ cho quê hương và tương lai con cháu của họ. Họ vẫn đang chờ đợi một quyết định sáng suốt về sự việc này. Hãy nhanh chóng khoanh vùng, nạo vét các khối chất thải nguy hại khỏi vùng đất của tổ tiên của họ, trả lại môi trường trong sạch vốn có của nó. Chúng ta biết rằng, Công ty Tâm Viết Hải là một trong những công ty sản xuất bê tông tươi thành phẩm, nó hoạt động ngay gần khu dân sinh. Công ty này thường xả thải theo bờ kênh xuống Sông Quyền, nhiều người dân nơi đây đã từng phản ánh. Nay lại tiếp tục tiếp tay cho công ty khác để phá hàng rào, tập kết trong bãi sau đó đổ chất thải độc hại từ Formosa để san lấp mặt bằng. Việc này là khẩn cấp vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Thế nhưng có chăng là chính quyền vẫn đang quyết tâm bảo vệ cho những thế lực đen tối để đưa dân đi đến chỗ chết? Hãy thể hiện đúng trách nhiệm, vai trò và lương tri của con người khi còn chưa muộn. Đừng đợi đến khi mọi sự được tỏ tường, và sự thật được thực thi; thì đến lúc đó sẽ không có nhà tù nào chứa nỗi nữa đâu, thay vào đó là “một án tử” từ lòng dân là điều chắc chắn.      
......

Ngụy biện!

Ngô Trường An| Trong lúc người dân đang lo lắng, sợ hãi về bệnh dịch, thế mà nhà nước còn tung thêm tin đổi tiền, gây hoang mang rất lớn trong mọi tầng lớp nhân dân. Cứ cho rằng, virus lây lan qua vật dụng thì nhà nước có quyền thu hồi tiền cũ (vì nghi ngờ trong những đồng tiền cũ có chứa virus) đổi ra tiền mới. Như vậy, vật dụng nhân dân tiếp xúc hằng ngày đâu phải chỉ có mỗi đồng tiền? Thu hồi hết tiền cũ để cách ly thì có thu hồi hết hàng hóa cũ trong siêu thị để cách ly rồi đưa hàng hóa mới vào thế không? Bởi hàng hóa trong siêu thị, thì người nào không thò tay vào chọn lựa? Mà khi đã chọn lựa thì virus lây qua vật dụng đó, mà người sau cầm vào là người lãnh đủ! Còn xe khách, xe bus, taxi, máy bay, tàu hỏa và hàng vạn cây ATM có thu hồi, cách ly được không? Ghế ngồi trong công viên, ghế ngồi trong phi cảng, trong bến phà, bể bơi …có thu hồi cách ly được không? Thang máy, thang bộ trong chung cư, trong bệnh viện, khách sạn….có thu hồi cách ly được không??? Tất cả các loại đó đều là vật dụng mà virus có thể bám vào. Ước tính trong toàn dân có hàng triệu tỷ. Với hàng triệu tỷ này thì thu hồi khi nào mới xong, nếu, không tổ chức đổi tiền một cách quy mô như những năm 75, 78, 85 ở thế kỷ trước? Và ai cũng biết, mỗi lần đổi tiền đều kéo theo lạm phát nối dài. Là người dân, làm sao khỏi lo lắng khi đồng tiền ngày càng mất giá? Nhà nước có quyền thì cứ việc in tiền và bơm tiền ra thị trường. Cứ ngậm miệng mà làm như xưa nay đã vốn dĩ. Đừng biện hộ vì dịch bệnh, vì lo cho sức khỏe nhân dân mà đổi tiền thì khó nghe lắm ạ! Trên thế giới, chẳng có nước nào phòng chống dịch bằng cách đổi tiền kiểu trời ơi đất hỡi như thế này đâu! Phòng dịch, là, phải đóng toàn bộ cửa khẩu ở biên giới phía bắc, nơi mà ổ dịch phát nguồn từ bên ấy. Ngăn chặn và cách ly hoàn toàn người TQ ra khỏi cộng đồng người Việt. Đó mới là cách phòng dịch hữu hiệu, và, đó mới là cách lo cho tính mạng của toàn dân. Đổi tiền mà là cách phòng chống dịch bệnh sao? Ngụy biện!  
......

Đồng Tâm, một tháng sau thảm sát

Lê Thiên – baotiengdan| Nhớ thời “bao cấp”, Phùng Gia Lộc nổi danh với bài “Cái đêm hôm ấy đêm gì” (Báo Văn Nghệ 23/1/1988) vì dám huỵch toẹt tố cáo trước công luận sự tàn nhẫn, gian ác của “đảng” trong chính sách bao vây kinh tế, bần cùng hóa và gây đói cả nước. Họ Phùng đã phải lẫn trốn khỏi quê nhà Thanh Hóa của mình để được toàn mạng! Tuy nhiên, những hình tượng trong “cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc chẳng thấm vào đâu so với cảnh tượng đổ máu đêm 09/01/2020, “cái đêm hôm ấy đêm gì” nơi thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà nội mà hôm nay 09/02/2020 là ngày giỗ giáp tháng. Biến cố Đồng Tâm đêm 09/01/2020 được truyền thông lề dân như Dân Làm Báo, Dân Luận, Bauxite VN đề cập đến có lẽ nhiều hơn bất cứ biến cố nào khác đã xảy ra chỉ trong một đêm tại Việt Nam. Riêng báo TIẾNG DÂN chúng tôi thử đếm, có gần 200 bài! Hôm nay, ngày 09/02/2020, tròn một tháng biến cố Đồng Tâm đau thương, xin thắp một nén hương dâng lên vong linh cụ Lê Đình Kình, người bị thảm sát tàn nhẫn đêm 09/01 ấy. Gợi nhắc biến cố Đồng Tâm Hồi tháng 4/2017, ông già Lê Đình Kình bị phía nhà cầm quyền đánh gãy chân chỉ vì dám thay dân Đồng Tâm đấu tranh trong vụ tranh chấp đất đai. Dân Đồng Tâm buộc phải ra tay tạm giữ 38 Công an cùng cả ủy viên tuyên giáo huyện làm con tin. Tướng CA Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã phải lê thân xuống tận Đồng Tâm, thương lượng (năn nỉ) với dân. Ông Chung ngoan ngoãn tự tay viết tờ cam kết, rồi ký tên mình lên bản cam kết ấy… dưới sự chứng giám 2 đại biểu Quốc Hội: Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng cùng ký tên. Tờ cam kết như vậy là loại văn bản có bảo chứng, chứ không là thứ tờ rơi có cánh, khiến Nguyễn Đức Chung không dễ lật lọng. Mọi người tin là cuộc tranh chấp đất đai sẽ sớm được giải quyết! Nhưng sự vụ vẫn còn nhập nhằng. Phía đảng và nhà nước lật lọng. Rồi đột nhiên, giữa đêm 09/01/2020, khi người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm đang yên ổn trong giấc ngủ, cuồng phong bỗng nổi lên. Không phải là thiên tai, mà là nhân họa: Trận bão “biển người” vũ trang cấp Trung đoàn với hơn 3.000 quân Cảnh sát cơ động, trang bị tận răng ập vào thôn Hoành sau khi cắt hết mọi hệ thống liên lạc kể cả điện thoại lẫn internet, kèm theo là nghiêm lệnh, nội bất xuất, ngoại bất nhập! Hoàn toàn bất ngờ đối với dân làng. Trận tập kích vô tiền khoáng hậu Người ta áp dụng chiến thuật “đánh úp” bằng vũ lực quân sự thần tốc thời chiến, có xe bọc thép yểm trợ! Y hệt trận Tổng công kích Huế hồi Tết Mậu Thân 1968! Nhưng dân quân Huế thời ấy đã đánh đuổi được quân cướp, khác với Đồng Tâm ngày nay chẳng phải là phe đối địch mà cũng chẳng được trang bị bất cứ vũ khí gì để đối phó! Họ không là phe địch phe ta gì cả. Thật vậy. Thôn Hoành, xã Đồng Tâm có bao giờ là sào huyệt địch cấp trung đoàn hay lữ đoàn thời chiến chống đảng đâu, để khiến Đảng ta tung lực lượng cực lớn tấn công thô bạo giữa đêm hôm? Để rồi cuối cùng đảng ta chỉ hạ sát được có mỗi một ông già Lê Đình Kình, 84 tuổi đời và 58 tuổi đảng, phụng sự đảng tận tình. Trong khi đó, “phe ta” đã phải “hy sinh” oan uổng đến 3 mạng Công an cấp hàm kẻ Thượng tá, người Thượng Úy và thấp nhất là Thiếu úy. Không do hỏa lực chống trả của phía bị tấn công, mà là do “từ sân thượng rơi xuống giếng trời”! Đánh trộm, giết lén tàn nhẫn một ông già đã tàn hơi, rồi lại bày trò “bàn giao” cái xác chết máu me đầy thương tích của ông… cho bà vợ đang đau khổ tột cùng! Bàn giao phi thủ tục, không biên bản, không chứng cứ pháp y! Luật rừng, rừng rú man rợ! Rồi thì coi như hoàn thành sứ mạng, cuộc hành quân kết thúc đột ngột, rút quân âm thầm. Vài chục người dân bị bắt cóc mang đi, không biết đi đâu, số phận ra sao! Tận trung với đảng, đảng giết tất tưởi Tội nghiệp ông lão Lê Đình Kình! Ông chất phác “tận trung với đảng” mà không hề nuôi tham vọng “trèo cao luồn sâu” trong đảng của ông, suốt đời chỉ biết an phận ẩn mình nơi thôn dã, phục vụ bà con dân làng và phụng sự đảng, từ vai ông Chủ nhiệm HTX Nông Nghiệp xã tới chàng Công an xã, rồi Chủ tịch xã, cuối cùng là Bí thư Xã ủy! Đều loay hoay bên trong vòng rào xã nhà,  ăn ngay, nói thật và tận tình giúp dân, nên ông được dân tín nhiệm trao cho cái trọng trách “nói lên tiếng nói thay họ”. Để rồi… vì đó mà vào cái đêm định mệnh 09/01/2020, ông bị sát hại tàn nhẫn ngay tại nhà ông ở thôn Hoành, trong khi bản thân ông vẫn một lòng trung với đảng. Và thực sự ông chưa hề bị tuyên bố khai trừ khỏi cái đảng của ông! Quả như lời chứng của vợ ông, ông già 84 tuổi Lê Đình Kình đến cuối đời vẫn một lòng “tin vào ông Trọng, ủng hộ ông Trọng, ủng hộ Đảng tuyệt đối. Ai ngờ đâu!”. Bà vợ góa tội nghiệp của ông, bà Dư Thị Thành đã vật vã thổn thức thốt lên như vậy khi được hãng truyền thông BBC hỏi (BBC 30/01/2020, vụ Lê Đình Kình: Lời kể của bà Dư Thị Thành từ thôn Hoành). Phi thân xuống giếng trời… bảo vệ TQ Trở lại chuyện ba ngàn quân công an tràn vào Đồng Tâm giữa đêm 09/01/2020, trang bị đủ loại vũ khí nặng nhẹ với xe bọc thép yểm trợ mà không hề bị cản trở bởi sức chống trả nào. Điều không ai ngờ là chẳng biết do “ngoại lực” nào đã xui khiến 3 CA trong lực lượng kéo nhau rơi tỏm xuống cái giếng trời nhà dân, chết oan mạng như đã nêu trên! Nghe đâu, sau khi vào làng, các chiến sĩ anh hùng cách mạng đã tranh thủ “yếu tố bất ngờ” bằng hành quân trên sân thượng nhà dân thay vì dàn quân lùng sục dưới đất. Đêm hôm tối trời, hồn ma nào đó đã xô 3 chiến sĩ cùng lọt giếng… giếng trời! (Sự thật, đến bây giờ, cái chết của 3 CA vẫn còn là một ẩn số vì phía cơ quan công quyền, ông nói gà, bà nói vịt… ù ù cạc cạc). Nhưng rồi cả ba đều được nhanh chóng truy tặng huân chương, truy cấp quân hàm và truy phong anh hùng liệt sĩ! Lễ tang, truy điệu tưng bừng! Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến “viếng xác”… những xác 3 liệt sĩ đã thành tro từ lúc nào rồi, bởi lẽ đó là những xác không “bàn giao”. Tượng đài Lê Lai liều mình cứu “chúa” Người ta nói ba chiến sĩ anh hùng đạt kỳ tích “cứu nước” kỷ lục, “liều thân phóng người xuống giếng trời cứu Đảng” không thua những anh hùng cách mạng thuở nào, từng “lấy thân mình lấp lỗ châu mai!”, “lấy thân chèn pháo!”, “tẩm xăng tự làm đuốc sống chạy vào diệt trọn đồn giặc…” Với công lao anh hùng vượt bậc ấy, lẽ ra 3 liệt sĩ anh hùng phải được đúc tượng dựng đài, lập đền tôn thờ mới tương xứng! Chỗ đặt tượng phù hợp và ý nghĩa nhất không nơi nào xứng đáng hơn là chỗ sân thượng có giếng trời mà 3 đồng chí đảng ta đã  phi thân, hy sinh tất tưởi, không do bị đe dọa hay uy hiếp, không do bị sát hại bởi một cuộc tấn công nào từ phía “địch”! Nhưng rõ ràng ba cái chết trên đây đã làm nên công trạng là đưa đảng ta đạt tới mục tiêu giải cứu thanh danh của đảng bị dân Đồng Tâm hạ nhục hồi tháng 4/2017! Còn thể thống gì nữa cho cái đảng lừng danh “kẻ thù nào cũng đánh thắng”, mà lại đi thua lão già làng Lê Đình Kình và cái thôn Hoành của ông, đến nỗi lãnh đạo đảng phải cúi đầu viết và ký cam kết! Như vậy, ba đồng chí liệt sĩ kia đích thị là những Lê Lai thời hiện đại liều mình cứu đảng, cứu các đồng chí lãnh đạo đảng từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc xuống Tô Lâm, Nguyễn Đức Chung, … thoát khỏi cái nhục qui hàng trước cái nhúm dân Đồng Tâm quê mùa cùng lão già làng đã một lần bị đánh què chân kia! Cái chết của 3 đồng chí liệt sĩ anh hùng cũng đã oanh liệt xé toang tờ cam kết oan khiên kia cùng với hồ sơ đất đai tranh chấp liên hệ hầu bảo đảm tính chính danh chủ quyền đất đai đích thực thuôc về đảng ta vậy. Kết Ngày 09/01/2020 đối với bè lũ Cộng sản lưu manh và gian ác, đó là ngày vẻ vang giết chết lão già làng ương ngạnh! Nhưng với những người Việt Nam sống có lương tri, đứng về phía lẽ phải thì hôm nay đích thị là ngày sôi sục tinh thần quật khởi Lê Đình Kình, vì nước, vì dân, chống lại độc đảng, độc tài, gian ác, ức hiếp dân lành. Càng gợi nhắc đêm thảm sát Đồng Tâm 09/01/2020, càng xót thương Đồng Tâm, xót thương cụ Kình, xót thương người dân cả nước sống dưới gông cùm Cộng đảng, chờ ngày chết thảm dưới búa liềm CS hiểm độc! Đã một tháng sau biến cố đẫm máu ở Đồng Tâm, phía nhà cầm quyền CSVN vẫn im hơi lặng tiếng về những gì đã xảy ra! Tại sao nhân dân trong nước không mạnh mẽ vùng lên đòi tội ác phải được xét xử? Tại sao không ai lôi đầu tập đoàn gây ác ra trước Tòa Công lý, để được xét xử nghiêm minh và chịu trừng trị đích đáng? Lê Thiên (09/02/2020)  
......

Dưới chế độ độc tài, người dân không được tự do...chết

Amy Truc Tran| Ngoài việc không có quyền tự do ngôn luận thì người dân dưới chế độ cs còn không có quyền được “chết”. Như trường hợp của bác sĩ Lý Văn Lượng dưới đây. Một bức ảnh xúc động đang được loan truyền trên mạng xã hội sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một bác sĩ ở Trung Quốc đã tử vong do nhiễm virus Corona. Bức ảnh mô tả hình ảnh một thiên thần đeo khẩu trang đang dìu bác sỹ Lý bay lên trời, giữa không trung có một chiếc kéo thò ra cắt phăng đôi cánh thiên thần. Đó là chiếc kéo kiểm duyệt, chiếc kéo của nhà cầm quyền CSTQ chưa cho phép bác sỹ Lý ra đi, buộc anh phải lưu lại trần thế vài tiếng nữa, để cứu chữa cho sinh mệnh chính trị của họ. Bác sỹ Lý Văn Lượng, một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra ở Vũ Hán và bị cảnh cáo về việc này, anh đã từ trần vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 6/2. Thế nhưng, nhà cầm quyền CSTQ đã cố che giấu cái chết của anh, mãi đến rạng sáng ngày 07/02 mới chịu công bố, hòng kéo dài thời gian để tìm cách đối phó với sự phẫn nộ của dư luận. Trần Khánh Khánh, cô phóng viên yêu đảng thuần thành của tờ Hoàn Cầu Thời báo trong tâm trạng gần như nổi loạn đã giận dữ viết trên mạng: “Bác sỹ Lý không có tự do để nói lên sự thật. Không có cả tự do để chết”. Thương và cảm thông cho những số phận nhỏ nhoi sống trong lòng chế độ độc tài, cái chế độ coi dân như cỏ rác. Ngay cả 1 bác sỹ đang độ tuổi khỏe mạnh mà cũng phải ra đi vì virus Corona thì có thể hiểu được thực tế số lượng người chết do virus này nhiều thế nào ở Trung Quốc! Có điều con số thật thì không được công bố. Nếu bạn im lặng thì dối trá thành sự thật, nếu bạn không đấu tranh thì sự thật thành dối trá. Đảng độc tài luôn biết cách định hướng dư luận giữa sự thật và dối trá. Hãy hành động trước khi bạn và người thân trở thành nạn nhân.    
......

Sự nguy hiểm của chế độ công an trị

Ảnh bác sĩ Lý Văn Lượng và vợ| Mạc Van Trang|   Sự kiện bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang, 34 tuổi), một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi do virus corona gây ra ở Vũ Hán, đã qua đời vì chính căn bệnh này, đã gây rung động xã hội Trung quốc. Chế độ độc tài công an trị bị lên án mạnh mẽ. 1. BỊT MỒM, ĐE DOA BÁC SĨ, BẮT NÓI THEO CÔNG AN Sự phẫn nộ bùng lên trong dân chúng, bởi vì từ tháng 12/2019 bác sĩ Lý đã viết trên mạng cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch Coronavirus. Nhưng ngày 3/1/2020, cảnh sát Vũ Hán đã triệu tập bác sĩ Lý và một số đồng nghiệp đến “làm việc”, cáo buộc ông "tung tin đồn thất thiệt". Cảnh sát bắt BS Lý ký vào văn bản thừa nhận "đưa ra bình luận sai lệch làm xáo trộn trật tự xã hội". Công an còn đe dọa: “Chúng tôi cảnh cáo anh, nếu anh ngoan cố, không tuân theo yêu cầu và tiếp tục việc làm này, anh sẽ bị xử lý theo pháp luật”, bác sĩ Lý kể lại. “Một tuần sau đó, bác sĩ Lý điều trị cho một phụ nữ bị tăng nhãn áp, người này bị nhiễm virus corona chủng mới. Bác sĩ Lý lúc này không mặc đồ bảo hộ vì không cần thiết theo quy trình khám bệnh thông thường. Bệnh nhân nữ lúc đó cũng không có biểu hiện sốt. Ngày 10-1, bác sĩ Lý xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho và phải nằm viện. Trên giường bệnh, bác sĩ Lý kể lại câu chuyện của mình trên mạng xã hội Weibo… Ngày 6-2, bác sĩ Lý qua đời vì chính loại virus mà ông cố gắng cảnh báo cộng đồng. Bác sĩ Lý ra đi bỏ lại 1 con nhỏ, cùng người vợ đang mang thai, dự sinh vào mùa hè này, theo báo Guardian. Cha mẹ bác sĩ Lý cũng đã ngã bệnh và đang nhập viện. Bài của bác sĩ Lý đăng trên Weibo nhận được hàng trăm nghìn lượt tương tác và những lời ca ngợi bác sĩ là anh hùng “đáng ngưỡng mộ”. (https://tuoitre.vn/1-trong-8-bac-si-dau-tien-canh-bao-virus…) 2. CHO DÂN ĐƯỢC THƯƠNG XÓT, NHƯNG CẤM PHẪN NỘ! “Cái chết của bác sỹ Lý như một cơn địa chấn buồn thảm trong dư luận Trung Quốc. Hàng triệu lời than khóc, hàng triệu nỗi phẫn uất và hàng triệu dấu hỏi tuôn ra như núi lửa phun trào. Tiếc thay, những nỗi phẫn uất, những dấu hỏi ấy nhanh chóng mất hút trong mạng lưới kiểm duyệt khổng lồ ở Trung Quốc. Người dân Trung Quốc chỉ được than khóc, chứ không được phép phẫn nộ trước cái chết của bác sỹ Lý. Khi còn sống, hệ thống ấy đã một lần bịt miệng bác sỹ Lý. Và nay, cả khi ông đã qua đời, họ một lần nữa bịt miệng người khác về cái chết của ông. Hệ thống ấy không thể tự sửa chữa!” (https://baotiengdan.com/…/hoang-yen-duoi-ham-da-chet-that-…/), 3. KẾT LUẬN Chế độ công an trị ở Trung quốc đang ngày càng được áp dụng ở Việt Nam, vì sao, mọi người đều biết. Chế độ đó chuyên bưng bít, che giấu sự thật, tuyên truyền dối trá, lừa mị dân chúng u mê và đàn áp những người nói lên sự thật. Báo Tuổi Trẻ mạnh dạn cũng chỉ dám nói 1/2 sự thật về cái chết của BS Lý (trích ở đoạn trên); phải trích tiếp đoạn dưới từ báo Tiếng Dân, mới biết 1/2 sự thật còn lại. Chế độ công an trị bưng bít sự thật đã đưa xã hội đến những hậu quả khôn lường, như đại họa do dịch nCOv hoành hành ở Trung quốc và lan ra khắp thế giới. Nhưng những kẻ gây ra tai họa như vậy, lại được chế độ độc tài, toàn trị bảo kê, để tiếp tục “còn Đảng còn mình”! 7/2/2020 MVT  
......

Học sinh miền núi mang khẩu trang giấy tự chế để chống dịch lây lan

Le Anh| Các bạn nghĩ gì khi thấy bức ảnh do chính giáo viên chụp tại buổi học của một trường học ở huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An? Các em học sinh đeo khẩu trang bằng giấy vào sáng 6/2/2020. Và hình ảnh Hải Quan Việt Nam tặng 55.000 khẩu trang cho Hải quan Trung Quốc. Theo thông tin từ một số giáo viên cho biết, những cửa hàng ở xã đều hết khẩu trang, nhà trường cũng đã ra trung tâm huyện tìm mua khẩu trang cho các em nhưng không có. Vì vậy mà các em học sinh phải tự sáng chế khẩu trang làm bằng giấy để sử dụng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Điều đáng giận là người dân có nhu cầu cấp thiết cần cung cấp khẩu trang để phòng ngừa bệnh dịch lây lan, đặc biệt là các em học sinh miền núi và các gia đình nghèo. Đáng lý ra, nhà nước phải quan tâm ưu tiên cho người dân. Đằng này, Đảng xem trọng tình hữu nghị hơn nên đã tài trợ 55 ngàn khẩu trang cho Trung Quốc, trong khi các em thì không có để sử dụng. Theo các chuyên gia cho biết, ngoài những hướng dẫn cách phòng bệnh, mang khẩu trang là một trong những cách phòng ngừa để tránh việc để bệnh dịch lây lan. Tuy nhiên phải sử dụng những loại khẩu trang đúng tiêu chuẩn quy định thì mới có thể ngăn chặn được dịch bệnh. Nếu để 55 ngàn khẩu trang cung cấp cho các em học sinh thì hay biết mấy! TÍNH MẠNG CỦA CÁC EM HỌC SINH LÀM SAO BẰNG TÌNH HỮU NGHỊ.    
......

An ninh chính trị nội bộ - khởi nguồn từ sự bất ổn

Phạm Minh Vũ| Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, công tác tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Người liên tục cập nhật những tin tức cảnh báo cho mọi người khi số đông người Việt chưa biết tới Corona. Những cảnh báo của Ông kêu gọi mọi người nâng cao ý thức về sự nguy hiểm thật sự của Corona. Đúng như cảnh báo, Corona ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng khi nhiều người dân chưa hề biết tới nó. Hiện tại, số người nhiễm và chết ở TQ ngày càng rất lớn. Người Việt cũng không nằm ngoài sự lây lan và đang đối mặt một cuộc đại dịch bệnh quy mô chưa từng có. Có thể nói, về nguyên tắc những cảnh báo của Ông về mặt chuyên môn là rất cần thiết khi báo chí VN không làm tròn trách nhiệm của báo chí. Ông chia sẻ lên mạng xã hội là việc nhà nước nên hoan nghênh. Nhưng không, thời gian gần đây Ông liên tục bị nhà cầm quyền sách nhiễu ở cơ quan thì gây áp lực. Công an Đà Nẵng giao cho phòng an ninh chính trị nội bộ trực tiếp mời ông Bác sỹ Tuấn lên để đe doạ là chính. Cụ thể trong giấy mời dưới đây ngày 7-02 Bác sỹ sẽ lên làm việc với phòng an ninh chính trị nội bộ. Nhà cầm quyền Vn một mặt mở toang cửa biên giới để người TQ ào ạt qua lây lan dịch bệnh mà không có biện pháp nào ngăn chặn. Không đưa ra biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, nhà cầm quyền còn đe doạ những ai đưa thông tin về sự việc đang diễn ra ở VN. Xử lý người đưa tin sai thì không nói, đằng này xử lý các chuyên gia có chuyên môn về Y khoa hẳn hoi mới thấy sự tàn bạo của nhà cầm quyền. Các quốc gia Tây phương như Đức, Hoa Kỳ, Úc... đang cố gắng nghiên cứu để tìm ra Vacxin mong ngăn chặn và dập tắt dịch. Nhật Bản đang cố gắng cử chuyên gia qua TQ để tìm cách ngăn dịch lây lan. Thế mà VN lại dập dịch bằng cách cho phòng an ninh chính trị nội bộ mời những ai đăng tải thông tin Corona lên đe doạ. Không ai viết là không ai biết, như vậy là dập tắt dịch. Nhưng hệ lụy của nó sẽ đổi lại hàng trăm ngàn hàng triệu sinh mạng sẽ gặp nguy hiểm. Việt Nam, trước những sự việc bất ổn gây xáo trộn xã hội đều do hành động bọn tay sai bán nước gọi là phòng an ninh chính trị nội bộ gây ra. Thay vì hợp tác cùng các tổ chức đoàn thể trong nước, cũng như ngoài nước minh bạch thông tin chính xác để tìm cách ngăn chặn thì nhà cầm quyền VN lại ém tin. Để khi mọi thứ ngoài tầm kiểm soát thì buông tay đầu hàng. Khi buông tay thì xã hội bất ổn và loạn lạc là điều đương nhiên. Thực tế, VN nhiều lần bất ổn như xung đột Formosa, Tàu HD981... thay vì tìm cách đối phó với kẻ gây ra nguyên nhân, nhà cầm quyền VN ra tay đàn áp người dân. Hành động này không phải là của người đứng đắn, mà là của bọn bán nước hại dân.    
......

Một chính quyền khôn ngoan cần làm

Luân Lê| Như tôi đã phải nói trước đó, việc đưa thông tin không chính xác về mặt y học là rất nguy hại cho cộng đồng và toàn xã hội. Có thể nói ngay rằng không có vắc xin hay thuốc đặc trị nào cho loại vi rút thuộc chủng mới này. Và trong số ca nhiễm và phát bệnh, có nhiều người khỏi vì kháng thể tốt cộng thêm sự hỗ trợ, chăm sóc y tế đặc biệt nên làm cho vi rút không hoạt động được (ngủ, và xét nghiệm thành âm tính). Cũng tương tự, như trường hợp của Brown, nhiễm HIV, sau khi thay tuỷ, xét nghiệm thấy âm tính và cho rằng đã chữa khỏi (bằng cách diệt vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch) bệnh HIV, nhưng chưa đầy một năm sau xét nghiệm lại cho kết quả dương tính. Tuần trước, khi báo chí đăng tin với sự hồ hởi rằng đã điều trị khỏi bệnh cho một bệnh nhân người Trung Quốc ở TP.HCM, tôi đã phải cảnh báo và chỉ ngay ra đó là một sự không chính xác về mặt y học. Và trong tình cảnh bệnh dịch mới bắt đầu bùng phát, nó khiến cho xã hội nhầm tưởng rằng chúng ta có thể chữa trị được loại vi rút gây ra đại dịch này và nó làm tăng nguy cơ lây lan cho toàn xã hội khủng khiếp hơn. Hiện số người chết ở Trung Quốc đã tăng lên thành 492 người, với hơn 20.600 ca nhiễm. Ở Việt Nam đã chính thức công bố 10 trường hợp dương tính với vi rút Corona, còn việc lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh thì không một ai có thể biết hoặc thống kê hay kiểm soát được. Một chính quyền thông minh và vì nhân dân, lúc này phải công khai cụ thể và chi tiết từng thông tin một liên quan tới bệnh dịch, đồng thời có các biện pháp y tế cũng như quản lý triệt để, khoa học nhất để tránh hậu quả lớn mà thời gian tới nó mới thực sự bùng phát ra ngoài (đỉnh dịch sau thời kỳ ủ bệnh và lây nhiễm thụ động). Không có chính quyền nào khôn ngoan hơn được con vi rút nhỏ tới hàng trăm nano mét, vì nó không chịu tác động của quyền lực hay mục đích chính trị, nó tấn công và phá hoại tất cả các cơ thể sống mà nó ký sinh vào. Vì vậy, một chính quyền khôn ngoan phải là công khai kịp thời và toàn bộ các dữ liệu dựa trên sự thật diễn ra để có những biện pháp hữu hiệu nhất trong việc ngăn, phòng thứ đại dịch có tính toàn cầu này. Một chính quyền khôn ngoan thì cũng không thể đặt niềm tin vào một chính quyền lưu manh đã gây ra đại dịch cho hàng tỷ dân của mình./.  
......

7 tuần và 5 triệu người

Vu Kim Hanh| Xin cập nhật vài số liệu trước … -Hôm nay, 4-2, ở TQ, có thêm 64 người chết, nâng số ca tử vong lên 425 người và số người nhiễm ở Trung Quốc đến nay là 20.438 . -Phát hiện ổ dịch corona ngay trong bệnh viện ở Bắc Kinh: 5/9 ca nhiễm là y bác sĩ. Có 3 ca nhiễm virus corona trên siêu du thuyền Trung Quốc từng ghé Việt Nam. Việt Nam: Chuẩn bị cách ly 950 người Việt trở về từ vùng dịch ở Trung Quốc -Theo Tân Hoa Xã, hôm qua, ngày 3/2, Thường Vụ Bộ Chính Trị TQ đã họp, nhận định “Đã có những thiếu sót và khó khăn” trước nạn dịch corona và yêu cầu cải tiến “Hệ thống quản lý khẩn cấp quốc gia” -Ông Tập cũng nói: “Tất cả nỗ lực hiện dồn để kiểm soát dịch bệnh” và yêu cầu quốc tế trợ giúp. -Trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai 3/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cáo buộc “hành động của Mỹ là tạo ra và lan truyền nỗi sợ hãi thay vì trợ giúp TQ. Mỹ là quốc gia đầu tiên cấm người TQ nhập cảnh và cũng là nước đầu tiên đòi rút một phần nhân viên sứ quán tại Bắc Kinh” (Vậy mà TT Trump gọi ông Tập là người bạn thân, thật đáng trách?) -Hôm qua, theo qui trình, bệnh viện dã chiến đầu tiên của TQ cũng bắt đầu hoạt động, sau 8 ngày xây dựng. 7 TUẦN VÀ 5 TRIỆU NGƯỜI Khi lãnh đạo TQ nhận “thiếu sót”, người ta nhắc ngay đến thời gian vàng 7 tuần quí giá đã bị bỏ qua trước ngày 23/1/2020. Nạn bưng bít thông tin không xa lạ với TQ (từ dịch bệnh SARS đã rất nặng) mà đã thành ra không còn là chuyện riêng của TQ, vì sau đó, dịch lan tràn và thế giới phải chịu vạ lây. Bệnh nhân đầu tiên bị phát hiện ngày 1/12/2019, sau đó, 8 bác sĩ cảnh báo dịch bệnh đã bị công an TQ bắt (rồi sau đó, thả ra dần), ngày 20/1 ông Tập mới công nhận nạn dịch và 23/1 thì phong tỏa toàn Vũ Hán khi hầu hết dân chưa biết gì về nạn dịch này, và nguy hiểm hơn, 5 triệu người Vũ Hán đã rời TP đi khắp nơi mùa Tết. Con số 5 triệu này ở đâu ra? Ngày 26/1, chính thị trưởng Vũ Hán đã công bố con số này. 5 ngày sau khi ông thị trưởng Vũ Hán nói, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Xuân Oánh đã thống báo ngày 31/1: những người Hồ Bắc và Vũ Hán còn đi các nước, nhất là du khách TQ rõ ràng là đang gặp « nhiều vấn đề khó khăn thực tế » nên chính phủ sẽ nhanh chóng gởi máy bay chở họ về tận Vũ Hán. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde của RFI phân tích : « Không chắc những người này thật lòng muốn hồi hương. Nhưng theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tình cảnh của du khách Hồ Bắc và nhất là dân thủ phủ Vũ Hán, là họ bị xem là những ổ dịch tiềm tàng. Vì vậy phải đưa họ về”. Cơ quan quản trị hàng không dân dụng bố trí hai chiếc máy bay của China Airlines sang Bangkok, Thái Lan và Kota Kinabalu ở Malaysia. Tập Cận Bình & Aung San Suu Kyi Mà hãy thử nhớ lại, 3 ngày trước khi công nhận tình trạng dịch toàn quốc,ông Tập còn hồ hỡi đi thăm Myanmar, chuyến đi thăm cấp cao nhất của TQ sau 19 năm. Trong chuyến thăm này, ông Tập dự kiến ký một loạt thỏa thuận về cơ sở hạ tầng khổng lồ với Myanmar, cụ thể là cảng nước sâu trị giá 1,3 tỉ USD để dễ dàng tiếp cận Ấn Độ Dương trong sáng kiến “Vành đai con đường”. Lúc đó, giữa giấc kê vàng bá chủ thế giới với “nhất đới nhất lộ”, liệu ông Tập có mảy may nghĩ gì về con virus Corona? Để rồi 3 ngày sau ông công bố dịch và cả nước TQ quay cuồng với nó, cho đến giờ? CẠN TÌNH CHƯA TỪNG THẤY Sự phong tỏa bất ngờ khiến nhiều người dân không kịp chuẩn bị, và có người yếu kém sức khỏe rơi vào ngặt nghèo. Một cậu thiếu niên 17 tuổi bị bại não đã chết vì đói và cảm lạnh do cha mẹ cậu, những người chăm sóc cậu đều bị cách ly. Hôm qua, viên chức quản lý thị trấn này đã bị cách chức.   Tại nhiều nơi ở Trung Quốc, người dân thành phố Vũ Hán, đang bị truy lùng như thể họ là tội phạm. Chính quyền nhiều địa phương ban hành biện pháp khuyến khích để lấy thông tin ngăn ngừa “xâm nhập của người Vũ Hán” bằng cách thưởng tiền, xây bờ bao khu dân cư… Tuần trước, Ủy ban Vệ sinh – Y tế Trung Quốc kêu gọi các địa phương phải xác minh xem người dân trong khu vực đã từng đi đến đâu và có thể nếu có người đến từ tỉnh Hồ Bắc thì …trục xuất. Ở Bắc Kinh, một số quận đã tự rào chắn, buộc du khách hoặc những người quay lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán phải cung cấp thông tin về hành trình đi lại của họ. AFP đưa tin, một nhân viên an ninh nói, những ai đến từ Hồ Bắc phải thông báo cho nhà chức trách khu vực, và nếu là người Hồ Bắc hoặc Vũ Hán sẽ bị theo dõi chặt chẽ, không thể tự ý ra, vào một khu phố, thậm chí còn không được đi mua thức ăn. Bí thứ đảng ủy một khu phố ở Bắc Kinh cho biết nếu cần, khu phố sẽ cử người đi mua thực phẩm giúp. Đây là tình hình ở Bắc Kinh. Một khu vực ở Thạch Gia Trang, phía tây nam Bắc Kinh thì treo thưởng 2.000 nhân dân tệ cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về những người đến khu vực khi họ đã ở Vũ Hán trong 2 tuần qua. Còn tại huyện Chính Định (Zhengding) ở miền Bắc Trung Quốc thì treo tiền thưởng trị giá 1000 nhân dân tệ, tương đương 145 USD, cho những ai trình báo sự hiện diện của bất cứ người nào đến từ Vũ Hán mà không đăng ký. Đài truyền hình địa phương đưa tin hôm thứ Hai 27/1 và công bố hai đường dây nóng trên tài khoản Weibo, tại văn phòng các cơ quan nhà nước. Nhiều người ở địa phương hoan nghênh và một dân mạng viết: “Nếu không tự khai báo thì đừng quy lỗi cho người khác phải phát hiện, báo cáo. Chúng tôi muốn sống.” Huyện Chính Định tại tỉnh Hà Bắc chỉ cách Bắc Kinh có 3 giờ đồng hồ trên xe lửa. Địa danh này nổi tiếng vì là nơi Chủ tịch Tập Cận Bình từng làm Bí thư Huyện ủy trong thời gian từ 1982-1985. Thiệt là chỉ vì con “ác quỷ” Corona (cách ông Tập gọi) mà người TQ cạn tình với nhau đến vậy. Và rồi bạn bè thế giới cũng…can tình quá đáng. Ngay cả các “đồng chí” như Bắc Triều Tiên, Nga cũng quá thẳng tay. Nhìn chung, hình như chỉ còn VN mình là “tận tình” nhất. Bất chấp bà con dân tộc các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, các tỉnh biên giới…cuộc sống còn rất khó khăn, hàng trăm người TQ vào VN những ngày (chỉ ngưng các đường bay, tiếp tục mở đường sắt, đường bộ và mọi thứ đường khác) được thuyết phục về, mà nếu họ “em chả” không về thì được mời ăn ở, chăm sóc xét nghiệm miễn phí. Ôi, tình bạn…  
......

Virus Vũ Hán hay Virus Cộng sản đáng sợ hơn

Hình minh hoạ. Cảnh sát đeo khẩu trang bảo vệ đứng canh tại một nhà ga xe lửa ở Bắc Kinh hôm 27/1/2020 Trần Tuệ An - RFA| Trung Quốc vĩ đại Trung Quốc thời Tập Cận Bình đã có nhiều “ảo vọng” về việc “cai trị” thế giới với nhiều kế hoạch khổng lồ. Một trong những kế hoạch đó là “Made in China 2025”. Kế hoạch này nhằm giúp chính quyền Trung Quốc chi phối hoạt động sản xuất công nghệ cao trên toàn cầu. Kế hoạch thì rất vĩ đại, tuy nhiên, đầu năm 2020 cả thế giới đã chứng kiến, cái mà Trung Quốc đã xuất khẩu ra toàn thế giới không phải là công nghệ gì cao sang mà là một thảm hoạ y tế toàn cầu với tên gọi - Coronavirus Vũ Hán. Một số chuyên gia đã so sánh sự kiện virus Vũ Hán khởi phát từ Trung Quốc với sự kiện lây nhiễm virus bệnh than từ thành phố Sverdlovsk của Liên Xô năm 1979. Việc bùng phát bệnh than tại thành phố này đã khiến ít nhất 66 người tử vong. Khi nhà chức trách tới mở cuộc điều tra, họ tuyên bố rằng nguyên nhân do người dân ăn phải gia súc đã nhiễm mầm bệnh than. Tuy nhiên, đó chỉ là lời nói dối. Năm 1992, các nhà khoa học của trường đại học Harvard của Hoa Kỳ đã khám phá ra đó là một thử nghiệm vũ khí sinh học bí mật của quân đội Liên Xô. Năm 1986, tuy xảy ra thảm hoạ Chernobyl, nhưng chính quyền Xô Viết cũng ém nhẹm mọi thông tin và bằng chứng về tác hại của vụ nổ. Vũ khí sinh học Cho đến hiện nay, với sự bùng phát của loại coronavirus Vũ Hán, cũng đã có người nghi ngờ đó không phải là thiên tai, mà “nhân tai” từ các kế hoạch chế tạo vũ khí sinh học của quân đội Trung Quốc. Các nghi vấn về việc Trung Quốc thử nghiệm các vũ khí sinh học không phải là không có cơ sở. Chuyên trang về quân sự Defense One có điểm lại các thông tin mà phía Trung Quốc có tiết lộ về các ưu tiên cho các kế hoạch quân sự mà trong đó vũ khí sinh học luôn được coi là ưu tiên hàng đầu. Hình minh hoạ. Ống nghiệm có tên virus Corona. Hình chụp hôm 29/1/2020 Reuters Theo đó, năm 2010, một giáo sư đại học quân y của Trung Quốc là Guo Jiwei đã viết bài về ảnh hưởng của vũ khí sinh học tới các cuộc chiến trong tương lai. Năm 2015, Tướng He Fuchu - lúc đó là Giám đốc Học viện Quân y, sau này giữ chức Phó Giám đốc Học viện Quân sự Trung Quốc cũng cho rằng vũ khí sinh học sau này sẽ trở thành đỉnh cao tác chiến chiến lược. Năm 2017, Zhang Shibo - Tướng về hưu và cũng là Cựu Giám đốc Học viện Quốc phòng Trung Quốc có xuất bản một cuốn sách, trong đó kết luận rằng “Sự phát triển của công nghệ sinh học hiện đại là chỉ dấu cho thấy tính chất đặc biệt của một cuộc tấn công”. Năm 2017, trên tạp chí Khoa học về chiến lược quân sự - Một tạp chí chuyên ngành của Học viện Quốc phòng Trung Quốc cũng thể hiện quan điểm “sinh học là một lĩnh vực của chiến tranh quân sự”. Tình báo Trung Quốc núp bóng Trong thực tế, Trung Quốc cũng tìm nhiều cách để thúc đẩy việc phát triển công nghệ sinh học bằng nhiều cách khác nhau. Một cách nhanh nhất là tìm cách “tuyển dụng” các giáo sư đại học danh tiếng từ bên ngoài. Mới đây, một giáo sư danh tiếng của đại học Harvard đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cáo buộc là đã vi phạm luật pháp Hoa Kỳ khi không khai báo trung thực về việc tham gia dự án với Trường đại học Vũ Hán của Trung Quốc cùng với việc nhận các khoản lương và tài trợ nghiên cứu từ đại học Vũ Hán lên đến con số cả triệu USD. Mặc dù khó có bằng chứng cụ thể, nhưng chúng ta nên biết rằng, có bàn tay của Cơ quan Tình báo Hoa Nam đằng sau việc “tuyển dụng” giáo sư này. Từ hồi cuối năm ngoái, Cơ quan Điều tra Liên Bang (FBI) đã phải ra thông báo về việc thận trọng trước các kế hoạch tuyển dụng người tài từ các Viện nghiên cứu và các Trường đại học tại Hoa Kỳ của Trung Quốc. Trong đó không loại trừ các chuyên gia về công nghệ sinh học. Coi rẻ sinh mạng người dân Bài học từ sự bùng phát bệnh than ở Liên Xô năm 1979 cho thấy rằng, các chính quyền cộng sản dường như không quan tâm tới sinh mạng người dân của chính họ, miễn là đạt được các mục đích họ mong muốn. Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 26/1/2020: nhân viên y tế đứng canh chống sự lan rộng của virus corona ở điểm kiểm soát tại tỉnh Sơn Đông. AFP Các cách hành xử của chính quyền Liên Xô và Trung Quốc trước các thảm hoạ đều có điểm giống nhau. Đối với thảm hoạ bệnh than 1979 và Chernobyl 1986 thì do chính quyền Liên Xô gây ra. Đối với virus Vũ Hán, chưa có bằng chứng chính thức nên đây chỉ là nghi vấn. Tuy nhiên, cả chính quyền Liên Xô trước đây và Trung Quốc bây giờ đều giống nhau ở cách “ém nhẹm” thông tin về thảm hoạ, cho dù nó có thể đe doạ tính mạng của người dân đất nước họ. Khi thông tin về dịch virus mới xuất hiện, truyền thông Trung Quốc đã tìm cách ém nhẹm thông tin và giảm nhẹ độ nguy hiểm của dịch bệnh. Thậm chí công an địa phương còn truy tố 8 bác sĩ đã tìm cách thông tin về dịch bệnh. Thị trưởng thành phố Vũ Hán - ổ dịch, đã lên truyền hình Trung Quốc phân bua là tình trạng dịch bệnh muốn được thông báo phải có sự chuẩn thuận của cấp trên. Trung Quốc sau cùng cũng thừa nhận là phản ứng quá chậm trễ, khiến cho nhiều nạn nhân bị chết và số người bị nhiễm đã lan rộng. Chính việc che giấu thông tin bệnh dịch đã khiến nhiều người trên thế giới lo ngại về tính trung thực của Trung Quốc trước các vấn đề quốc tế. Chính vì vậy, mới đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hiện hình như trung tâm của các đe doạ của thời đại chúng ta”. Thế còn Việt Nam? Việt Nam thì đang bị nhiễm cả hai loại virus Vũ Hán và Cộng sản. Nhiều người rất ngờ vực khi lẽ ra Việt Nam phải là quốc gia bị nhiễm nhiều nhất, vì Việt Nam có 6 tỉnh phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc với rất nhiều cửa khẩu trên bộ. Các cửa khẩu này một ngày có ít nhất hàng ngàn người qua lại. Chưa kể lượng khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam dịp Tết Nguyên Đán rất nhiều, cả trăm ngàn người. Hệ thống y tế Việt Nam thì không thể nói là tiên tiến và hiện đại như các nước phát triển được. Thế nhưng con số người Việt Nam bị nhiễm virus được nhà chức trách Việt Nam thông báo rất ít. Điều này khiến nhiều người rất ngạc nhiên, cho dù người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới có nhắc tới Việt Nam như 1 trong 4 quốc gia có tình trạng lây nhiễm bệnh từ người sang người đáng lưu ý. Và vừa mới đây, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phải chính thức công bố dịch Corona, điều đó cho thấy nguy cơ nhiễm virus Vũ Hán ở Việt Nam rất nguy hiểm. Một số chuyên gia cho rằng, khả năng Việt Nam cũng “ém nhẹm” thông tin chính xác về số người nhiễm bệnh, giống như “ông anh” Trung Quốc vì cả hai cùng có sẵn virus Cộng sản như nhau. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu ngưng các chuyến bay tới và từ Trung Quốc. Tuy nhiên, còn các cửa khẩu trên bộ thì chưa có động thái gì, mặc dù đó là nguồn đe doạ lây nhiễm rất lớn. Trả lời báo chí, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết là Việt Nam có ký kết Hiệp định về cửa khẩu với Trung Quốc cho nên không thể muốn đóng cửa biên giới là đóng mà phải có sự đồng ý của Trung Quốc. Tuy nhiên câu này sau đó đã bị xoá khỏi báo chí Việt Nam như chưa từng tồn tại. Kết luận Cũng có nhiều quốc gia đã từng bị dịch bệnh. Dịch bệnh là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh biến đổi khí hậu và toàn cầu hoá như hiện nay. Tuy nhiên, cái mà quốc tế lo ngại là thái độ thiếu minh bạch về thông tin, lạm quyền, coi rẻ tính mạng của người dân thường mới là điều đáng lên án. Mà các căn bệnh này, chúng ta lại chỉ gặp ở những quốc gia Cộng sản mà Trung Quốc và Việt Nam đang là đại diện tiêu biểu. Vậy tại sao các nước cộng sản lại có căn bệnh này? Đó là sự độc tài được dung dưỡng trong cơ chế tập quyền. Xã hội thiếu vắng các cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực. Chính trong môi trường như vậy, nên mới dẫn tới căn bệnh này. Và cho dù virus Vũ Hán bị tiêu diệt thì sẽ có ngày xuất hiện một virus khác một khi virus Cộng sản chưa bị tiêu diệt. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/which-virus-more-scary-02022020092921.html
......

90 năm đảng búa liềm

Phạm Đình Trọng - Bauxite Việt Nam|   Đảng búa liềm Việt Nam chọn ngày 3.2.1930 là ngày khai sinh tổ chức của họ. Từ đó, sau khi cướp được chính quyền và cướp được một vùng lãnh thổ để vỗ ngực xưng hùng xưng bá và ngạo ngược cưỡi đầu cưỡi cổ dân, hàng năm, cứ đến ngày sinh của đảng búa liềm, cả hệ thống truyền thông dối trá, lừa bịp của nhà nước búa liềm lại chạy hết công suất kể công lao tưởng tượng của họ. Nhờ có đảng, đất nước mới có độc lập, người dân mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Tác giả Phạm Đình Trọng (cựu đại tá QĐND) thăm Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh mới ra tù Ngoài những tội ác man rợ với người dân, đảng búa liềm khát máu đã để lại những trang đau thương đẫm máu nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngoài những tội tày trời với quá khứ dựng nước và giữ nước vẻ vang của cha ông, đảng búa liềm ô nhục đã xẻ hàng ngàn cây số vuông đất biên cương, hàng vạn hải lí biển dâng cho vương triều búa liềm Đại Hán. Đảng búa liềm Việt Nam còn tội ác thăm thẳm không thể định lượng, không thể cân đo bằng đại lượng vật chất mà chỉ có thể tính bằng đại lượng vô giá là thời gian, bỏ phí thời gian vàng phát triển, giết hại, đọa đày, uổng phí những thế hệ vàng người Việt. 1. TRĂM NĂM PHÁP THUỘC BIÊN CƯƠNG VIỆT NAM MỞ RỘNG VÀ BỀN VỮNG, VĂN HÓA VIỆT NAM ĐƯỢC BẢO TỒN TRỌN VẸN VÀ PHÁT TRIỂN, QUYỀN CON NGƯỜI ĐƯỢC BẢO ĐẢM. THỜI VƯƠNG TRIỀU BÚA LIỀM, ĐẤT ĐAI CỦA CHA ÔNG BỊ MẤT, QUYỀN CON NGƯỜI CỦA NGƯỜI DÂN KHÔNG CÒN. Là thuộc địa của Pháp, nhưng nước Pháp xâm lược vẫn coi Việt Nam là một dân tộc có bản sắc văn hóa độc đáo riêng và rất coi trọng bảo tồn nền văn hóa đặc sắc Việt Nam. Cùng với việc mở đường sắt, đường nhựa, xây nhà máy phát điện, xây nhà hát, Pháp còn xây những tòa lâu đài ánh sáng làm bảo tàng, thư viện lưu giữ nền văn hóa đặc sắc Việt Nam. Nước Pháp còn có những nhà khoa học lớn giành cả cuộc đời khoa học cho việc sưu tầm, ghi chép, lưu trữ bản sắc văn hóa Việt Nam như nhà dân tộc học Georges Condominas (1921-2011). Nước Pháp cũng rất có trách nhiệm trong việc bảo toàn lãnh thổ Việt Nam đã được xác định trong lịch sử. Năm 1887, Pháp đã kí công ước với nhà Thanh xác định biên giới, dựng cột mốc phân chia rạch ròi giới hạn quốc gia hai nước Việt Nam – Trung Hoa. Tám năm sau, năm 1895, Pháp lại đòi nhà Thanh kí công ước biên giới Việt – Trung lần thứ hai. Với lí lẽ của lịch sử Việt Nam, với tầm văn hóa của nhà nước đang quản lí đất nước Việt Nam, người Pháp đàm phán và kí công ước biên giới 1895 đã giành lại cho Việt Nam một dải đất lưu lạc đang thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Hoa quản lý, nay là đất gồm các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường thuộc tỉnh Lai Châu, các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên. Một điều cần khắc ghi là: Cả hai công ước 1887 và 1895 đều xác định biên giới Việt – Trung cách xa thác Bản Giốc về phía Bắc 12 km. Kế tục triều nhà Nguyễn, người Pháp quản lí giữ gìn nguyên vẹn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dựng bia chủ quyền mang tên nước Việt Nam, đặt trạm khí tượng ở Hoàng Sa và Trường Sa. Pháp cũng xây dựng lại cổng nước bề thế, uy nghiêm trấn giữ phía Bắc ở Lạng Sơn, nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử của cha con Nguyễn Trãi. Cha bị giặc Minh bắt đưa sang đất giặc. Con dừng lại ở vạch giới hạn biên ải đau đớn nhìn theo cha rồi mang mối thù giặc trở về làm lên trang lịch sử chói lọi, cùng Lê Lợi dấy binh đánh tan giặc Minh xâm lược. Nay vương triều búa liềm Hà Nội đã cắt nửa thác Bản Giốc ở Cao Bằng và toàn bộ cổng nước ở Lạng Sơn dâng cho vương triều búa liềm Bắc Kinh. Thừa hận thù giai cấp, thiếu vắng lòng yêu nước, không đủ tầm quản lí đất nước và nhân cách thấp hèn của vương triều búa liềm Hà Nội đã giúp cho vương triều búa liềm Bắc Kinh dễ dàng thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần trọng yếu trong quần đảo Trường Sa. Là một nền văn hóa lớn, nước Pháp đã đi đầu trong triết học Ánh Sáng với những nhà tư tưởng lớn Montesquieu (1689-1755), Voltaire (1694-1778), Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) đã mở ra một thời kì sáng lạn cho loài người: Xác nhận sự có mặt của mỗi cá thể con người. Tách cá nhận khỏi bầy đàn. Khẳng định quyền con người: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nước Pháp cũng đi đầu trong cách mạng công nghiệp khởi đầu từ cách mạng tư sản dân quyền 1789. Thuộc địa Việt Nam bị thực dân Pháp cai trị vô cùng hà khắc nhưng trí tuệ Việt Nam tiếp nhận nền văn hóa Pháp đã tạo ra một đội ngũ trí thức lớn và đông đảo chưa từng có. Không có văn hóa Pháp, không có lớp học giả sừng sững trong thời gian như Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường… và lớp văn nghệ sĩ để lại dấu ấn vàng son trong lịch sử văn hóa Việt Nam như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Phạm Duy,… Lòng yêu nước và ý chí tự cường Việt Nam gặp cách mạng công nghiệp Pháp đã khích lệ những ý chí chấn hưng đất nước Việt Nam, tạo ra những nhà tư sản dân tộc và những doanh nhân công nghiệp, mở ra nền kinh tế công nghiệp Việt Nam với những nhà máy tư nhân, hãng buôn tư nhân, hàng trăm tờ báo và hàng chục nhà xuất bản tư nhân. Hãng buôn Bạch Thái Bưởi. Hãng sơn Nguyễn Sơn Hà. Các nhà xuất bản Đông Kinh Ấn Quán, Mai Lĩnh. Đời Nay. Tân Dân, Hàn Thuyên, Lê Cường… Những nhà tư sản dân tộc càng giầu tiền bạc, càng giầu lòng yêu nước như Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Thị Năm… Đông Pháp Thời Báo, Đuốc Nhà Nam, Phụ Nữ Tân Văn, Gia Định Báo, Nhựt Trình Nam Kì, Lục Tỉnh Tân Văn, Thông Thoại Khóa Trình, Đại Nam Đồng Văn, Đại Việt Tân Báo, Nông Cổ Mín Đàm, Đăng Cổ Tùng Báo, Nam Kỳ Tuần Báo, Đông Dương Tạp Chí, Tiếng Chuông, Buổi Sáng, Ánh Sáng, Sài Gòn Mới, Công Luận, Nam Phong, Thần Chung, Ngày Nay, Khai Hóa Nhật Báo, Việt Nam Hồn Báo, Tinh Hoa, Hà Nội Báo, Thời Mới,… Không thể liệt kê xuể hàng trăm tờ báo giấy của tư nhân ra hàng ngày, hàng tuần ở các đô thị Việt Nam thời Pháp thuộc. Những tờ báo, tạp chí tư nhân phát hành rộng rãi trên cả nước mang ánh sáng văn minh công nghiệp đến với người dân vừa rời đồng ruộng ra thị trấn, thành phố. Sự có mặt của hàng trăm tờ báo tư nhân trong đời sống xã hội và những cuộc biểu tình hàng chục, hàng trăm ngàn người rầm rộ diễn ra trên cả nước suốt thời Pháp thuộc còn xác nhận một điều hiển nhiên của lịch sử và là sự đối chứng với xã hội Việt Nam thời búa liềm mông muội. Dù là kẻ xâm lược nhưng nước Pháp của văn minh công nghiệp, của cách mạng tư sản dân quyền cai trị Việt Nam đã bảo đảm quyền con người của người dân Việt Nam bị trị với những quyền cơ bản: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do biểu tình. Trong khi nhà nước cộng sản Việt Nam cai trị người Việt Nam, những quyền con người cơ bản đó chỉ có trong giấc mơ của người dân. Vài chục người chỉ có tờ giấy, mảnh vải băng rôn trong tay tập hợp ôn hòa bộc lộ ý nguyện bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường sống, lập tức bị vu là thế lực thù địch, bị đánh đổ máu, gãy chân, chấn thương sọ não và phải nhận những bản án hàng chục năm ngục tù. 2. CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP ĐƯA TƯ BẢN HOANG DÃ ĐẾN TƯ BẢN NHÂN VĂN, TẤT YẾU CŨNG ĐƯA XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI TỪ NÔ LỆ SANG ĐỘC LẬP Con đường tất yếu của xã hội công nghiệp là đi từ tư bản hoang dã đến tư bản nhân văn. Công nghiệp tạo ra nhà tư sản. Nhà tư sản tích lũy tư bản ban đầu bằng bóc lột người lao động trong nước và đi xâm lược mở thị trường, vơ vét nguyên liệu ở thuộc địa. Đó là nanh vuốt của con thú tư bản hoang dã. Khoa học kĩ thuật khai sinh ra công nghiệp và công nghiệp lại thúc đẩy khoa học kĩ thuật phát triển. Tác động qua lại đó dẫn đến sản xuất công nghiệp ngày càng tinh xảo đến kì diệu vừa giải phóng con người khỏi dây chuyền công nghệ, vừa cho năng suất lao động rất cao, lợi nhuận rất lớn. Những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật nối tiếp đã đưa loài người bước những bước dài tới xã hội giầu có, văn minh, lương thiện. Lợi nhuận tư bản có được không phải từ bóc lột sức lao động nữa mà từ khoa học kĩ thuật và từ tài năng con người. Với khoa học kĩ thuật, cả thế giới đã là một thị trường rộng mở và với tài năng con người, mọi người đều có thể trở thành ông chủ, bà chủ, trở thành tư bản và là những tư bản nhân văn với hai bàn tay sạch và tâm hồn rộng lớn bao dung với số phận cả loài người và yêu thương, chia sẻ với thân phận từng con người như Bill Gates, Warren Buffett, Jeff Bezos, George Soros, Michael Bloomberg, Paul Allen, James Simons, Philip Anschutz, Dustin Moskovitz…, những ông chủ tư bản đã dốc túi ra hết tỉ đô la này đến tỉ đô la khác làm từ thiện khắp thế giới. Tính người được đánh thức trong xã hội công nghiệp văn minh. Sự bóc lột, ngược đãi với con người, với thiên nhiên trở thành tội ác trong luật pháp các nước văn minh và bị hiến chương Liên Hợp Quốc lên án, loại bỏ. Quyền con người của mỗi cá thể và quyền tự quyết của mỗi dân tộc được nhìn nhận. Từ giữa thế kỉ 20, thời tư bản nhân văn đã thực sự đến với xã hội loài người. Ngày 1.4.1960, Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết 1514 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đòi hỏi các nước có thuộc địa phải trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa. Nghị quyết xác định: “Sự nô dịch các dân tộc xuất phát từ ách cai trị, sự đô hộ và bóc lột của ngoại bang cấu thành sự phủ nhận các quyền cơ bản con người là trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc và là một sự cản trở đối với việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác trên thế giới. Tất cả các dân tộc có quyền tự quyết xuất phát từ quyền này, các dân tộc tự do quyết định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa… Tất cả các quốc gia phải tuân thủ một cách nghiêm túc và chặt chẽ các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới và Tuyên bố này trên cơ sở bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và tôn trọng chủ quyền của tất cả các dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ”. Bước vào xã hội công nghiệp, loài người bước vào thời phát triển rực rỡ, nhanh chóng đi đến giầu có, văn minh, đáp ứng mọi nhu cầu của con người, nâng con người lên tầm vóc khổng lồ làm chủ cả vũ trụ. Nhưng xã hội Việt Nam vừa bước vào công nghiệp, vừa bước vào văn minh đô thị thì đảng búa liềm Việt Nam ra đời đã dìm Việt Nam vào biển lửa bạo lực cách mạng và chiến tranh, dìm Việt Nam vào biển máu hận thù đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, tách Việt Nam khỏi dòng chảy cuồn cuộn của thế giới trong cuộc sống công nghiệp đi đến ánh sáng văn minh, tròng ách nô lệ cộng sản vào thân phận người dân Việt Nam. Một thảm họa khủng khiếp và oan nghiệt đã giáng xuống đầu đàn cháu chắt lam lũ và đau khổ của các vua Hùng hiển hách. 3. CHẶN ĐỨNG BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI VIỆT NAM ĐANG TRONG DÒNG CHẢY ÀO ẠT CỦA LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI ĐI TỚI XÃ HỘI CÔNG NGHIỆP VĂN MINH, ĐẢNG BÚA LIỀM ĐƯA XÃ HỘI VIỆT NAM VỀ THỜI PHONG KIẾN TRUNG CỔ Đầu thế kỉ trước, một nhịp sống công nghiệp, một nền văn minh đô thị đang hình thành ở xứ sở của nền văn minh lúa nước Việt Nam. Là thuộc địa của nước Pháp công nghiệp, Việt Nam đang bước những bước đi đầu tiên vào xã hội công nghiệp, vào văn minh đô thị thời tư bản hoang dã. Theo tiến trình lịch sử, đã bước vào tư bản hoang dã tất sẽ đi đến tư bản nhân văn, đi đến quyền dân tộc tự quyết theo Nghị quyết 1514 ngày 1.6.1960 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, nước xâm chiếm thuộc địa phải trao trả độc lập cho nước thuộc địa. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng là quá trình tất yếu khai dân trí, chấn dân khí. Nhưng ngọn lửa cách mạng vô sản do đảng búa liềm thổi bùng lên khởi đầu bằng cuộc bạo loạn của nông dân Xô Viết Nghệ Tĩnh “Trí Phú Địa Hào đào tận gốc, trốc tận rễ” đã dìm giống nòi Việt Nam vào biển máu hận thù giai cấp. Từ thảm họa Xô việt Nghệ Tĩnh 12.09.1930 đến thảm họa Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội 09.01.2020, suốt 90 năm ròng cai trị bằng bạo lực, bằng chia rẽ, hận thù, chưa khi nào đảng búa liềm ngừng kích động người Việt giết người Việt. Giương ngọn cờ giải phóng dân tộc lừa dối để tập hợp người dân. Dùng sức mạnh nhân dân giành quyền thống trị. Nắm được quyền thống trị xã hội, đảng búa liềm hiện rõ chân tướng là một vương triều phong kiến. Vua phong kiến chỉ truyền ngôi cho con cháu trong dòng dõi nhà vua. Đảng búa liềm chỉ chuyển giao quyền lực cướp được của dân cho người trong đảng để đảng đời đời kiếp kiếp nắm quyền cai trị. Ở các nước dân chủ, mỗi nhiệm kì chuyển giao quyền lực là một dịp người tài trong dân được phát hiện và người dân lại được sử dụng quyền lực của mình chọn người tài trong dân quản trị đất nước. Với nhà nước búa liềm, quyền lực của dân là quyền ứng cử và bầu cử vào bộ máy nhà nước đã bị đảng búa liềm cướp mất, Chỉ người trong đảng mới được đảng búa liềm qui hoạch, phân chia cho chiếc ghế quyền lực. Những trò qui hoạch cán bộ của đảng búa liềm là sự ngang nhiên cướp đoạt quyền dân, là sự khinh bỉ miệt thị, xỉ nhục thậm tệ với người dân. Trong xu thế thời đại dân chủ, nhà nước búa liềm phải ghi vào hiến pháp quyền tự do bầu cử, ứng cử, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền lập hội, quyền biểu tình nhưng thực tế người dân Việt Nam hoàn toàn không có những quyền đó. Không còn những quyền con người cơ bản, không còn cá nhân, người dân chỉ là “quần chúng cách mạng”, là bầy đàn như thời Trung cổ. Phủ nhận những quyền con người cơ bản của người dân, đảng búa liềm đã đi ngược tiến trình lịch sử, chống lại Hiến chương Liên Hợp Quốc, chống lại Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới. Lí tưởng xuất phát của học thuyết Mác xóa bỏ bất công, bóc lột, giải phóng con người là lí tưởng nhân văn. Nhưng những kẻ thực hiện học thuyết Mác bằng chuyên chính vô sản dùng bạo lực nhà nước tước đoạt quyền con người của người dân, người dân không còn cá nhân chỉ là bầy đàn nô lệ thời hồng hoang. Chủ nghĩa tư bản đi từ tư bản hoang dã đến tư bản nhân văn thì chủ nghĩa cộng sản đã đi con đường ngược lại, từ lí tưởng cộng sản nhân văn đến xã hội cộng sản hoang dã. Đưa dân tộc Việt Nam đi con đường ngược với tiến trình lịch sử loài người, đảng búa liềm đã kéo xã hội Việt Nam thụt lùi về thời phong kiến. Không chỉ đưa xã hội Việt Nam về thời phong kiến, đảng búa liềm còn đưa giống nòi Việt Nam vào thời Bắc thuộc đau thương, tủi nhục và tăm tối. 4. LẤY HẬN THÙ GIAI CẤP ĐÁNH TAN RÃ, LI TÁN KHỐI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC, ĐẢNG BÚA LIỀM ĐÃ VIẾT NHỮNG TRANG Ô NHỤC NHẤT TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM Sát nách một đất nước khổng lồ ở phương Bắc, một nhà nước xâm lược mà lịch sử mấy ngàn năm tồn tại chỉ là liên tiếp những cuộc chiến tranh xâm lược, thôn tính lân bang và đất nước Việt Nam bé nhỏ, dân tôc Việt Nam hiền hòa luôn là nạn nhân của những cuộc chiến tranh xâm lược thảm khốc từ phương Bắc. Bí quyết duy nhất để dân tộc Việt Nam bé nhỏ vượt qua những cuộc chiến tranh xâm lược khốc liệt để tồn tại đến hôm nay là nhờ nền văn hóa Việt Nam đã kết dính dân tộc Việt Nam thành khối yêu thương đùm bọc, đoàn kết giống nòi giữ nước. Ngàn năm Bắc thuộc, dù tàn bạo chém giết, dù quyết liệt đồng hóa nhưng quân Hán, quân Tống, quân Minh, quân Thanh xâm lược không hủy diệt được văn hóa làng xã tạo nên tâm hồn người Việt, là chất keo gắn kết khối cộng đồng người Việt, tạo nên sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt. Lấy giai cấp thống trị dân tộc, dùng người Việt mang hồn lạc loài cộng sản đấu tố, bắn giết người Việt không cộng sản, chỉ mấy chục năm cầm quyền, đảng búa liềm đã đánh phá, li tán tan tác khối đoàn kết dân tộc Việt Nam. Văn hóa Việt Nam là tiếng Việt được người dân sáng tạo, trau chuốt lên, là câu ca dao “Cô kia tát nước bên đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”, là những tài hoa trong dân gian đã sáng tao ra cả nền nghệ thuật đồ sộ, phong phú và độc đáo Việt Nam. Văn hóa Việt Nam hội tụ, kết tinh lại đã tạo nên tầng lớp tinh hoa của đất nước thời nào cũng có. Tháng Chín, năm 1930 mới bảy tháng tuổi, đảng búa liềm Việt Nam đã tắm máu người Việt trong cuộc bạo loạn Xô Viết Nghệ Tĩnh “đào tận gốc trốc tận rễ” tầng lớp tinh hoa, Trí, Phú, Địa, Hào ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Cải cách ruộng đất 1953 – 1955 không phải chỉ tắm máu tầng lớp tinh hoa ở làng quê Bắc Bộ mà còn hủy diệt cả nền văn hóa làng xã ở chiếc nôi của nền văn minh sông Hồng. Rồi cải tạo tư sản, rồi tù đày trí thức trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm đều là những đòn chí tử đánh vào tầng lớp tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Và đòn đánh vào khối đoàn kết dân tộc Việt Nam nặng nề, rộng lớn và đẫm máu nhất là chia đôi đất nước Việt Nam thành hai trận tuyến, chia đôi khối đoàn kết dân tộc Việt Nam thành hai phe đối kháng thù địch, bắn giết nhau suốt 20 năm trời từ 1955 đến 1975. Một dân tộc nhỏ bé phải đùm bọc, thương yêu nhau để giữ nước thì đảng búa liềm lại mang hận thù giai cấp chia đôi dân tộc thành hai chiến tuyến giết nhau. Đúng vào thời điểm cuộc nội chiến Nam Bắc lên tới đỉnh điểm, một mất một còn, là thời điểm kẻ thù truyền kiếp, nhà nước phương Bắc xâm lược cất quân đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của tổ tiên người Việt Sau cuộc nội chiến Nam Bắc tương tàn hàng triệu người không chấp nhận hồn lạc loài cộng sản lại bị đảng búa liềm tù đày mỏi mòn không án, không xét xử, khoét sâu thêm sự hận thù, li tán dân tộc. Trong xã hội loài người, khác biệt nhận thức, khác biệt trình độ tiến hóa, khác biệt lí tưởng thẩm mĩ, khác biệt tư tưởng là tất yếu. Nhưng với nhà nước búa liềm, công an, tòa án, nhà tù là ngôn ngữ đối thoại của nhà nước với những người dân không chấp nhận hồn lạc loài cộng sản, những người bộc lộ khác biệt chính kiến với nhà nước cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản đã gây tội ác lớn nhất, khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người, đã bị quốc hội của văn minh châu Âu ra nghị quyết lên án, đã bị loại bỏ khỏi đời sống chính trị thế giới. Sự thật hiển nhiên như vậy, chỉ những kẻ nhân cách thấp kém, đầu óc tối tăm mới cố bám víu vào tội ác cộng sản để mưu lợi riêng. Nhà nước búa liềm Việt Nam hiện nay là nhà nước của những người như vậy. Yếu kém, bàn bạo, mất lòng dân, nhà nước của một nhóm người đứng đầu đảng búa liềm đang triệt để chia rẽ li tán tan tác dân tộc Việt Nam để dễ bề cai trị. Dựa vào sức mạnh của đảng búa liềm Đại Hán để duy trì quyền cai trị vĩnh viễn, đảng búa liềm Việt Nam đang đưa dân tộc Việt Nam vào tăm tối nô lệ Bắc thuộc. 5. COI ĐẤT NƯỚC VIẾT NAM NHƯ TÀI SẢN RIÊNG CỦA NHÓM LÃNH ĐẠO, ĐẢNG BÚA LIỀM CHỈ LÀ LỰC LƯỢNG CHIẾM ĐÓNG LÃNH THỔ VIỆT NAM Với ý thức hệ giai cấp, lấy giai cấp thống trị dân tộc, đảng búa liềm đã thực sự là lực lượng chiếm đóng lãnh thổ Việt Nam, cướp đoạt giang sơn gấm vóc của dân tộc Việt Nam. Cướp được chính quyền nhà nước trong tay, họ liên tiếp viết Hiến pháp và hối hả làm luật để hợp pháp hóa việc cướp quyền dân và biến giang sơn gấm vóc của tổ tiên người Việt thành tài sản riêng của nhóm người đứng đầu tổ chức đảng. Từ đó tổ chức đảng mặc sức mang đất thiêng của tổ tiên ra cống nạp, đổi chác cho vương triều búa liềm Đại Hán đàn anh và quan chức đảng thì tha hồ vơ vét, cướp đoạt đất đai của dân, tài nguyên của nước. Đất nước phần mất đứt cho nước ngoài, phần còn lại thì bị băm nát, tan hoang bởi những nhóm lợi ích búa liềm, bởi Formosa, bởi Bauxite Tây Nguyên. Đất nước quặn đau những vết chém như ở đường sắt Cát Linh – Hà Đông, lở loét những vết thương như ở nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận, như ở nhà máy đạm Ninh Bình… Người dân mất nhà cửa ruộng vườn, mất chốn dung thân, mất nguồn sinh sống, bơ vơ lưu vong ngay trên quê hương mình từ đời cha sang đời con, từ thế hệ ông bà sang thế hệ cháu chắt. Người dân Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đổ mồ hôi biến bãi hoang, sình lầy thành đồng ruộng màu mỡ, hết thế hệ này đến thế hệ khác đổ máu giữ gìn dải đất Việt Nam yêu thương. Đó là những người chủ đích thực của đất nước, của lịch sử Việt Nam. Với chuyên chính vô sản, đảng búa liềm cầm quyền đã dùng bạo lực sắt máu công an, tòa án, nhà tù cai trị, nô dịch người dân Việt Nam. Người dân Việt Nam không còn tư cách chủ thể đất nước, không còn được coi là con người, mà chỉ là kho máu để đảng búa liềm say mê làm cách mạng và hối hả làm chiến tranh giành và mở rộng quyền cai trị, là kho sức người để đảng bóc lột và kho công cụ để đảng sử dụng. Đảng búa liềm từ nhóm năm, bảy người bơ vơ lang bạt lén lút tụ tập ở bãi cỏ vắng nơi xứ người thành lập đảng năm 1930 đến bốn triệu đảng viên ngạo nghễ cầm quyền hôm nay đều là người Việt Nam. Nhưng là những người Việt Nam mang hồn lạc loài cộng sản, mang dòng máu sôi sục hận thù giai cấp. Hồn lạc loài cộng sản và máu hận thù giai cấp đã làm cho họ trở thành giống người khác máu tanh lòng với người dân Việt Nam, coi người dân Việt Nam không chấp nhận cộng sản lạc loài là “thế lực thù địch”, là đối tượng để bạo lực chuyên chính vô sản đàn áp, tiêu diệt. Tội ác đảng búa liềm lạc loài để lại cho đất nước, cho giống nòi Việt Nam còn ghê tởm và khủng khiếp hơn tội ác của tất cả mọi loại giặc ngoại xâm đã từng dày xéo đất nước Việt Nam./.
......

Vi rút Cộng Sản nguy hiểm nhất

Ngô Nhân Dụng -  Người Việt| Hôm Thứ Sáu, 31 Tháng Giêng, 2020, có hai biến cố quan trọng. Ở Washington, Thượng Viện Mỹ đã bỏ phiếu không gọi thêm nhân chứng trong vụ Tổng Thống Donald Trump bị đàn hặc. Ở London, Anh Quốc đã chính thức rút ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, ba năm sau khi trưng cầu dân ý. Ở Mỹ thì người ta biết chắc chắn trong tuần tới Tổng Thống Trump sẽ được Thượng Viện tha bổng. Còn bên Anh thì chưa ai biết cuộc thương lượng trong vụ ly dị này sẽ đưa tới đâu. Riêng ở Trung Quốc không có biến cố nào mới. Nhưng một sự kiện quan trọng đang diễn ra bên ngoài nước Trung Hoa đáng chú ý hơn cả: Khắp thế giới, người ta đang muốn tránh không muốn gặp người Tàu. Vì bệnh dịch do virus Corona gây ra, phát lên từ Vũ Hán. Tại New York (Mỹ), Toronto (Canada), Tokyo (Nhật), Manila (Philippines), người ta tránh không tới Phố Tàu. Không tới cả những nơi người Tàu hay tới. Người da vàng, kể cả người Việt, cũng bị vạ lây. Báo Le Courrier Picard, ở miền Bắc nước Pháp đã viết tựa lớn, “Báo động Vàng,” sau đó phải xin lỗi. Một bà người Việt kể với báo Le Monde rằng có người lái xe qua đã la vào mặt bà rằng: “Tàu nhơ bẩn! Giữ lấy vi rút ở nước Tàu! Nước Pháp không hoan nghênh!” Sau đó hắn ta vọt xe qua vũng nước, bắn tung tóe lên bà này. Tại ngoại ô thành phố Toronto, Canada, phụ huynh yêu cầu một học khu đông trẻ em gốc Trung Hoa, hãy cấm con cái những gia đình mới từ Trung Quốc về không được đến trường trong 17 ngày. Năm 2003, bệnh dịch SARS, cũng phát xuất từ Trung Quốc, đã lan đến đây, làm 44 người thiệt mạng. Hội đồng học khu và nhiều tổ chức đã phải lên tiếng: “Mặc dù giống virus này xuất phát từ Trung Quốc, nhưng… trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta phải đoàn kết như các công dân nước Canada và tránh tất cả các hành vi kỳ thị, đổ lên đầu những người gốc Á Đông và người Trung Quốc.” Nhưng ngay tại Á Đông, người dân cũng sợ không muốn gặp người Trung Quốc! Ông Ralph Recto, một dân biểu Philippines, đã hô hào tạm treo tấm bảng “Xin đừng bước vào” đối với tất cả du khách từ Trung Quốc tới. Dân Việt Nam, Nam Hàn, Nhật, và cả Hong Kong cũng vậy. Trên mạng Twitter, một danh mục “Người Tàu đừng tới Nhật” (#ChineseDon’tComeToJapan) mới xuất hiện đã có bao nhiêu người theo. Nhiều người gọi các du khách Trung Hoa là bọn “khủng bố sinh học” (bioterrorists). Ở Hong Kong, các tiệm ăn trong nhóm Kwong Wing đã thông báo trên trang Facebook của họ rằng cửa hàng sẽ chỉ tiếp các thực khách nói tiếng Anh hoặc tiếng Quảng Đông – tẩy chay không tiếp các người nói tiếng “phổ thông” tức ngôn ngữ chính thức của Bắc Kinh. Con virus hình vương miện (vì thế mang tên La Tinh là Corona), làm cho người Trung Hoa bị thiên hạ “tránh như tránh hủi.” Cái vương miện này đang đội trên đầu ông Tập Cận Bình, chủ tịch nước Trung Hoa. Ông đang đóng vai một hoàng đế, nắm quyền cả đảng và nhà nước, có thể cai trị suốt đời. Nhưng người Trung Hoa bị mang tiếng, bị xa lánh và khinh rẻ không phải vì có một ông hoàng đế ở nước Tàu. Thời nhà Đường, nhà Minh, cho đến đời Hoàng Đế Càn Long nhà Thanh, người Trung Hoa ra ngoài vẫn được thiên hạ kính nể. Tội nghiệp dân Trung Hoa lục địa bây giờ là họ đang phải sống trong chế độ Cộng Sản! Thành ra cái con virus hình vương miện phải gọi tên là vi rút Cộng Sản! Lý do: chính chế độ Cộng Sản bưng bít tin tức khiến bệnh dịch lan ra như “bất ngờ!” Người dân Trung Hoa và thế giới bên ngoài không kịp đối phó có hiệu quả nên nhiều người đã chết oan! Chính quyền thành phố Vũ Hán chịu trách nhiệm khi không loan tin bệnh dịch ngay khi mới phát hiện. Nhưng họ hành động đúng các quy trình do chế độ Cộng Sản đặt ra. Thị Trưởng Chu Tiên Vượng (Zhou Xianwang, 周先旺) nói trên đài truyền hình rằng sẵn sàng từ chức. Nhưng ông ta thanh minh rằng ông đã muốn loan báo tin có bệnh dịch sớm, ngay khi phát hiện, nhưng phải chờ cấp trên có cho phép hay không! Ai chết thì cứ chết. Phải chờ lệnh mới được nói! Nếu lệnh tới chậm trễ làm cho nhiều người thiệt mạng thì đó là cái số họ không may mắn! Tám người đã bị công an bắt giam. Họ bị kết tội loan tin đồn thất thiệt về bệnh dịch mới xuất hiện. Trong đó có các bác sĩ mới khám bệnh nhân xong, muốn báo tin cho đồng nghiệp! Bây giờ họ đã được tha, và nhiều người Tàu thấy mình may mắn. Vì sau khi được nghe các “tin đồn thất thiệt” này họ đã phòng ngừa sớm được mấy tuần lễ! Họ che miệng và mũi. Họ tránh không tới những chợ bán cầm thú hoang. Thoát chết! Trong lúc đó thì ông Tập Cận Bình vẫn kêu gọi các “chiến sĩ kiểm duyệt” phải “tăng cường hướng dẫn dư luận nhân dân” theo đúng chỉ thị của Trung Ương! Sống trong chế độ Cộng Sản là như vậy đó! Tập Cận Bình cố bưng bít thông tin để trưng bầy một bộ mặt tốt đẹp giả dối, nhưng chính con virus Corona đang lật mặt nạ đảng Cộng Sản. Trên bề mặt, Trung Cộng trổ tài cho cả thế giới kinh ngạc và thán phục tài kiểm soát dân chúng của họ. Bằng cách xây dựng một bệnh viện trị bệnh mới tối tân, chỉ trong hai ngày đã hoàn tất và hoạt động. Và cũng chỉ trong hai ba ngày đã giam giữ được 56 triệu người nghi ngờ mang bệnh! Nhưng bên trong hậu trường, là cảnh nhân viên của Bệnh Viện Công Đoàn, uy tín nhất ở Vũ Hán, đang thiếu thốn phải lên mạng kêu gọi cả nước gửi cho các thứ thuốc men, băng, bông, kim chích, thuốc chủng, vân vân. Ngay cả các bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh cũng kêu gọi dân đem tặng mạng che mặt và áo choàng đã khử trùng, Trung Cộng muốn thế giới thấy dân chúng trong nước đoàn kết chống bệnh. Nhưng người dân Vũ Hán và dân tỉnh Hồ Bắc đi tới đâu cũng bị đồng bào của họ xua đuổi! Không cho lên máy bay, lên xe buýt, không được vào khách sạn, quán ăn. Nghe giọng nói biết ngay là dân Hồ Bắc! Mời quý khách đi chỗ khác! Nhà báo ở nước Tàu cũng không thể xoay trở. Một cô phóng viên báo Tài Kinh (Caixin) nói rằng cả bọn cô gọi điện thoại từ Bắc Kinh xuống Vũ Hán xin nói chuyện với nhân viên một bệnh viện. Không ai muốn trả lời! Dù đã hứa sẽ giữ kín tên tuổi, cũng không ai dám nói! Vì họ sợ “sai đường lối” của Bộ Chính Trị! Bây giờ thì chúng ta hiểu tại sao dân chúng Hong Kong đã kéo nhau hàng triệu người biểu tình phản đối một dự luật dẫn độ, vì sợ sẽ bị đem vào trong lục địa xét xử trước các tòa án Cộng Sản! Và cũng hiểu tại sao dân Đài Loan đã nô nức bỏ phiếu tái nhiệm Tổng Thống Thái Anh Văn, vì bà tỏ thái độ cứng rắn hơn trong việc giao tiếp với Trung Cộng, so với ứng cử viên đối lập! Không ai muốn sống trong cảnh như dân lục địa! Cái con virus Cộng Sản nguy hiểm hơn tất cả các loại vi khuẩn khác. Tuy vậy phải biết rằng người dân lục địa cũng không vừa. Một người đặt câu hỏi trên trang mạng của mình: “Chúng ta hy sinh những quyền tự do của mình để đổi lại sẽ được (đảng Cộng Sản) bảo vệ. Nhưng bảo vệ cái gì như thế này? Chúng ta sẽ được họ đưa đi tới đâu nếu cứ chịu đựng mãi?” Câu “post” trên đã được 27.000 người bấm “thích, like” và đem chuyển đi hơn 7.000 lần trước khi bộ máy kiểm duyệt biết và xóa mất biến. Cái con virus Cộng Sản vẫn thống trị trong nước Trung Hoa!    
......

Chứng nhân của những điều bất khả

Hòa thượng Thích Thanh Tịnh Tuấn Khanh - nhacsituankhanh| Hòa thượng Thích Thanh Tịnh viên tịch ngày 30-1-2020, mang theo mình một phần lịch sử của Phật giáo chân chính Việt Nam, cũng như mang theo một phần đời biểu trưng cho rất nhiều người, trước một bước ngoặt trầm luân của người dân miền Nam Việt Nam. Tại ngôi chùa Phước Bửu tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi mà ngài đã tìm đển để nương náu, chọn cho mình một cuộc sống lặng lẽ từ năm 2002 đến nay, ngài chống chọi với đủ các vết tích hằn thù trên thân thể mình, và cả những âm mưu hiểm độc của một thời kỳ đen tối sau năm 1975 mà nhà nước cộng sản Việt Nam nhắm vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và các nhân sĩ, tăng sĩ Phật giáo. Lần cuối cùng mà hòa thượng Thích Thanh Tịnh lên tiếng, xuất hiện trước truyền thông đại chúng là vào năm 2006, lúc đó, chùa Phước Bửu, một trong những chùa hiếm hoi còn lại, trung kiên và sừng sững với danh hiệu cơ sở thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sự tồn tại của nơi này, và cả việc cho hòa thượng Thích Thanh Tịnh nương nhờ đã là cái gai trong mắt nhiều người có quyền thế. Hai lần trong đêm của năm 2006, chùa Phước Bửu bị đốt nhưng may sao cứu được. Là người luôn thức từ 2 giờ sáng để tụng kinh, hòa thượng Thích Thanh Tịnh nhận biết rõ sự kiện nên đã tham gia lên tiếng tố cáo âm mưu này, thành một trong những hồ sơ quan trọng được chuyển ra thế giới. Cũng như nhiều tu sĩ, trí thức, thương gia… của miền Nam, mà cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được là vì sao mình phải chịu kiếp nạn, phải chịu tù đày, hòa thượng Thích Thanh Tịnh cũng đã bị biệt giam nhiều năm, rồi bị kết án 15 năm tù vì tội danh chống chính quyền. Nhưng năm 2000 rồi ông được thả ra sớm vì lúc đó ngài sống như đã chết, thương tật và yếu ớt. Nhưng may sau, ông lại hồi sinh với đời. Năm 1981, sau khi Giáo hội Phật giáo nhà nước, hay được người dân gọi là Phật giáo quốc doanh, được thành lập, các chuỗi kế hoạch nhằm xóa sổ các nhân sĩ, tăng già diễn ra quyết liệt. Trước tháng 9/1988, ngày mà nhà nước cộng sản Việt Nam kết án tử hình với các ngài Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát… đã có hàng loạt các cuộc bắt bớ, tra tấn và ép cung để ngụy tạo chứng cứ Giáo hội Phật giáo Thống nhất âm mưu lật đổ chính quyền. Hòa thượng Thích Thanh Tịnh là một trong những đích ngắm cho việc tra tấn, ép cung như vậy. Có lẽ những kẻ chủ mưu thấy sự hiền lành và cam chịu của ngài là một yếu tố dễ hoàn thành hồ sơ. Thế nhưng nhiều tháng liền, với hình thức tra tấn hàng đêm, treo đèn cao áp cách đầu có vài mươi phân, đánh đập để buộc nhận rằng Giáo hội Phật giáo Thống Nhất có tàng trữ vũ khí, âm mưu liên kết các nhóm phục quốc để lật đổ chính quyền cộng sản, hòa thượng Thích Thanh Tịnh vẫn nhất định không chịu khai gian. Dẫn đến khi ngài được trả tự do, mắt đã lòa, mọi hoạt động cần đến hệ thống thần kinh đều khó khăn. Chỉ mới mùa thu năm ngoái, khi ngồi nắm tay Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, hỏi về chuyện xưa, ông gật, và nói bằng tiếng nói đã bị vặn vẹo không rõ do trải qua quá nhiều cơn thập tử nhất sinh “Đúng rồi, con”. Ông hướng đôi mắt nhìn về một khoảng xa xăm nào đó của ký ức, rồi nói “buồn lắm”. Một giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt đầy những vết hằn, mà tôi tự hỏi không biết là tuổi già hay những khổ nạn đã khắc dấu muôn lối trên mặt ông.    Chỉ thị số 20 của ông Lê Duẩn, dù được ký từ năm 1960, với sự thù ghét tôn giáo và chủ trương tiêu diệt tín ngưỡng, nhưng vẫn là tinh thần nòng cốt của các hoạt động thanh trừng, tiêu diệt sau 1975. Chùa chiền bị tịch thu, kinh sách bị đốt, các hòa thượng như Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ bị bắt giam, những người bất phục như Tuệ Sỹ thì bị tuyên án tử hình. Tương tự như hòa thượng Thích Thanh Tịnh, nhưng kém may mắn hơn là hòa thượng Thích Thiện Minh, đã bị tra tấn đến chết Trại thẩm vấn X4, đường Nguyễn Trãi, nay là Bộ Công An. Ông Đỗ Trung Hiếu, người nhận nhiệm vụ giải quyết số phận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, theo lệnh của Xuân Thuỷ, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Dân Vận, vì không chịu nổi gánh nặng này nên về sau, năm 1994, đã kể lại mọi thứ trong cuốn “Thống Nhất Phật Giáo” của ông ta. Như các hòa thượng Thích Quảng Độ hay Thích Không Tánh, việc không có một mảnh giấy tờ tùy thân nào để chứng minh mình là một công dân trên đất Việt, cũng là tình trạng của hòa thượng Thích Thanh Tịnh. Viện vào các chi tiết pháp lý để gây khó, để không cấp cho bất kỳ loại giấy tờ nào cho việc an sinh, vốn vẫn thường thấy ở các hệ thống chính quyền địa phương lẫn trung ương, như một cách trả thù hèn mọn luôn dành cho các vị hòa thượng của Phật giáo không muốn bị thế quyền giam cầm tinh thần. Ngày hòa thượng Thích Thanh Tịnh viên tịch, việc chứng tử cho ngài khởi đầu đã gặp không ít khó khăn do toàn bộ chính quyền địa phương nơi chùa Phước Bửu từ chối, bởi ngài không được cấp bất kỳ giấy tờ tùy thân nào khi bị đẩy ra khỏi nhà giam với tình trạng thoi thóp. Những lúc ngồi hầu chuyện hòa thượng Thích Thanh Tịnh, ông hay rơi nước mắt, và cười khi nghe kể về bạn bè, ngày xưa, và cuộc đời khi chưa phải qua kiếp nạn cộng sản. Tôi cứ hay nghĩ về một con người dễ mềm lòng và yếu đuối như vậy, sao lại có thể chịu đựng ngày qua ngày, vô vọng với những đòn tra tấn tàn bạo như vậy mà không ngã quỵ. Buổi chiều lần cuối cùng gặp ngài, sau khi ngồi một lúc lâu im lặng ngắm nhìn, tôi từ biệt ra về. Chợt ông nắm tay tôi, hỏi “cộng sản còn ác với dân không con?”. Không phải ông, mà tôi, nước mắt cứ chảy xuống, mà tôi sợ ông biết. Tôi cứ định viết về ông, và những lần gặp mặt hữu duyên đó, nhưng không kịp. Khi nghe tin ông mất, thì chỉ còn biết viết vài dòng, kể lại những gì mình biết về hòa thượng Thích Thanh Tịnh như một lạy chào. Mà không chỉ lạy riêng ông, còn là lạy một phần lịch sử và khổ nạn của đất Việt, người Việt đã bước qua những chương bất khả tư nghị không bao giờ cũ.      
......

Về chuyện rèn luyện những “hạt giống đỏ”?

Phạm Nhật Bình - Web Viettan| Bài báo đề ngày 22 tháng Giêng, 2020 của báo Tiền Phong, tiếng nói của Trung Ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản HCM mở đầu bằng lời “giáo huấn” của ông Hồ lúc còn sống: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.” Dĩ nhiên, các đệ tử cộng sản đời sau rất trân trọng những gì ông Hồ để lại, dù trong đó cái xấu nhiều hơn cái tốt. Còn lời nói của ông Hồ cũng chẳng có gì cao siêu vì sự thành công của các chế độ dân chủ Tây phương trong suốt một thế kỷ qua không bắt nguồn từ những cán bộ lão luyện về lý thuyết chủ nghĩa cộng sản mà ông Hồ học được từ Mạc Tư Khoa. Mặt khác các nhà lãnh đạo danh tiếng trên thế giới đều hiểu biết thật sâu sắc, muốn phục vụ và xây dựng đất nước thành công phải có cán bộ đầy đủ năng lực, kiến thức, thành tâm, nhất là biết tôn trọng dân chủ. Ngày xưa ông Hồ nhấn mạnh yếu tố cán bộ, nhưng ngày nay cán bộ đảng Cộng Sản chính là nguồn gốc của mọi sự đổ nát và tụt hậu của đất nước Việt Nam. Nguyên do, cán bộ đảng Cộng Sản thay nhau nắm quyền lực thật lớn nhưng không hề thông qua bất cứ một cuộc bầu cử nào có người dân tham dự, lại càng ngày càng thoát ly dân chủ hay nói khác đi họ thực hiện dân chủ trá hình. Sắp tới đây, vào đầu tháng Giêng, 2021 đại hội 13 của đảng CSVN khai mạc, vấn đề nhân sự trung ương càng làm cho Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tốn nhiều công sức âu lo. Vì chính ông, ngoài chiếc 2 ghế tổng bí thư và chủ tịch nước, còn nắm giữ trong tay “Tiểu ban nhân sự” của đại hội 13. Lần này theo đánh giá của ông Trọng, Tiểu ban Nhân sự có một vai trò vô cùng quan trọng là chuẩn bị nhân sự cho đại hội, một yếu tố đưa đến thành công. Sẽ có một lớp cán bộ cũ về vườn và một lớp người mới được “đề bạt” vào trung ương, do đó đương nhiên mở ra một cuộc chạy đua giữa các phe phái, điều đã diễn ra từ những kỳ đại hội trước. Lớp cán bộ mới này sẽ được nâng lên từ những “hạt giống đỏ”, được đảng rèn luyện, o bế lâu nay. Hạt giống đỏ là một từ ngữ của đảng đặt ra để chỉ một giai cấp cộng sản kế thừa, là con em cháu chắt của những đảng viên đang nắm quyền bính tuyệt đối hiện nay. Hạt giống đỏ như tên gọi của nó, chẳng những đỏ từ đầu đến chân mà còn được rèn luyện trong bộ máy chính quyền, các học viện chính trị Mác-Lê, nơi xuất thân của tầng lớp tinh hoa xã hội chủ nghĩa. Ưu thế của các hạt giống đỏ là tương đối còn trẻ, có chỗ dựa vững chắc từ gia đình và được chọn lựa kỹ càng từ các địa phương. Theo bài báo của Tiền Phong, trong nhiệm kỳ sắp tới, có khoảng 180 hạt giống loại này chọn ra từ con số 250 cán bộ trẻ. Họ đã được địa phương “sát hạch” rèn luyện “đúng quy trình và đã được phê duyệt vào quy hoạch uỷ viên trung ương” hoặc chức vụ bí thư tỉnh uỷ, cấp trưởng các bộ, các ban, các ngành trung ương. Phải thừa nhận qua một quá trình cầm quyền hơn 70 năm trên đất nước Việt Nam, đảng CSVN đã đào tạo giai cấp kế thừa có bài bản từ chính gia đình, thân nhân đảng viên các cấp. Giai cấp kế thừa này không cần kiến thức, tài năng trong lãnh vực mà họ được bố trí, mà chỉ cần lòng trung thành tuyệt đối với đảng, nói cách khác đảng thực hiện đúng chân lý “hồng hơn chuyên”, cây kim chỉ nam trong vấn đề nhân sự. Tính liên tục của chế độ mà nền móng là sự cai trị độc tài theo chiều hướng ngày càng siết chặt, khiến người dân bị buộc phải chấp nhận đó là điều hợp lý theo câu “con vua thì được làm vua”. Tuy nhiên sự thành công của đảng CSVN trong việc rèn luyện, đề bạt hạt giống đỏ vào thành phần lãnh đạo cao cấp không suôn sẻ, tốt đẹp như người ta tưởng. Thử nhìn lại hai khoá trung ương gần đây nhất, rất dễ thấy các hạt giống đỏ của đảng sau thời gian ngắn đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, đa số trở thành những “hạt giống thối” từ trong ra ngoài. Theo thống kê của Ban chỉ đạo trung ương chống tham nhũng, thành tích đốt lò của ông Trọng từ 2016 đến 2019 đã biến gần 70 cán bộ thuộc hàng lãnh đạo thành củi. Chẳng lẽ sau con số 70, đảng đã trở nên trong sạch và vững mạnh với nền độc tài của mình? Mà chuyện đó có lẽ nên gọi là thành tích đánh dẹp của phe tổng bí thư Trọng để đưa người phe mình vào những vị trí béo bở cả về kinh tế lẫn chính trị, hơn là chấn chỉnh nhân sự. Trong số những hạt giống thối này người ta thấy nổi bật nhất có những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, hai cựu bộ trưởng Bộ 4T và một số cán bộ cao cấp khác của quân đội và công an, là vai chính trong những vụ án đốt lò. Đây là những hạt giống đỏ được mô tả là sáng giá mà đảng kỳ vọng và bố trí vào những chức vụ quan trọng trong bộ máy cầm quyền, có người leo lên đến uỷ viên Bộ Chính Trị. Nhưng sau đó họ nhanh chóng rơi vào vòng xoáy của hệ thống tham nhũng, cuối cùng làm củi cho ông Trọng đốt lò. Điều đó cho người ta thấy dù là hột giống đỏ được đảng chọn mặt gởi vàng, khi đạt tới đỉnh cao quyền lực thì lập tức trở thành những “cán bộ vua”. Không mấy chốc họ sa vào những đỉnh cao tối tăm khác đưa đến vành móng ngựa. Vậy phải chăng quy hoạch nhân sự “chiến lược” của đảng đã không thành công và công tác nhân sự với 180 hạt giống đỏ mà ông Trọng và Ban Tổ Chức Trung Ương đang ra sức xây dựng cho nhiệm kỳ tới cũng chỉ là công tác mang tính tuyên truyền nhiều hơn là thực chất. Cho dù ông Trọng lạc quan tuyên bố, đại hội 13 “là một dịp để ta sàng lọc cán bộ… Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ, không thiếu người tận trung với đảng, tận hiếu với dân”. Sự xứng đáng mà ông Trọng kỳ vọng nơi cán bộ của mình, cũng chính là kỳ vọng lò ông sẽ không thiếu củi đốt. Ông Trọng có quá lạc quan không khi sự “sàng lọc cán bộ xứng đáng” chỉ là cơ hội loại trừ lẫn nhau và đẩy những thành phần con ông cháu cha vào vị trí cầm quyền để quyền lực cộng sản tồn tại muôn đời. Cũng trong ý chí đó mà một bà phó chủ tịch Thành Hồ trước đây, đã diễn tả việc “con cháu các cụ” nắm quyền cai trị muôn dân bằng những lời lẽ đầy tự hào “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”. Nếu nhìn vào giang sơn của Lê Thanh Hải, một thời làm “vua cán bộ” Thành Hồ thì những Lê Trương Hải Hiếu, Lê Trương Hiền Hoà hay Tất Thành Cang, Nguyễn Hữu Tín được đánh giá là tấm gương soi, là hạnh phúc của dân tộc. Họ được công khai cất nhắc lên hàng lãnh đạo đảng và chính quyền Thành Hồ để điển hình mạnh mẽ nhất cho sự suy thoái đạo đức, và cách mạng biến chất. Đó cũng là trường hợp của hạt giống đỏ Nguyễn Bá Cảnh, con trai của Nguyễn Bá Thanh, người được đàn em ở Đà Nẵng đánh giá là “kiệt xuất”. Sự thất bại của công tác nhân sự thật ra cũng đã được báo trước bằng Nghị quyết Trung ương 4 khoá 12 ngày 30 Tháng Mười, 2016. Nghị quyết này nêu lên 27 “biểu hiện suy thoái” của cán bộ được phân loại thành 3 nhóm một cách khá thẳng thắn. Thứ nhất, trong nhóm đầu tiên, 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị sau đây, chỉ lược kê 3 điều quan trọng nhất: – Phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; – Xa rời tôn chỉ, mục đích của đảng, phụ hoạ theo những nhận thức sai lệch, quan điểm sai trái; – Lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh v.v… Thứ hai, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức trong đó người ta thấy có: – Cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo thu vén cá nhân. – Cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh quyền tranh chức. – Kê khai tài sản , thu nhập không trung thực v.v… Thứ ba, 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đó có thể ghi nhận: – Phản bác và phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hố Chí Minh, đòi thực hiện đa nguyên đa đảng. – Phản bác và phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đòi thực hiện thể chế tam quyền phân lập, phát triển xã hội dân sự. – Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp của đảng đối với lực lượng vũ trang, đòi phi chính trị hoá quân đội và công an v.v… Như vậy qua Nghị quyết 4 khoá 12, 27 biểu hiện suy thoái của cán bộ chính là 27 cái tội nặng mà hầu hết đảng viên đều mắc phải, không loại trừ những hạt giống đỏ kế thừa của đảng. Với những tội trạng do chính đảng thừa nhận, hầu hết cán bộ trong đảng và chính quyền CSVN xứng đáng để nhân dân luận tội. Nghị quyết 4 khoá 12 cũng báo hiệu một tương lai không mấy sáng sủa cho đại hội 13, hay nói cách khác, chuyện rèn luyện những “hạt giống đỏ” của đảng chỉ mang tính tuyên truyền mà thôi. https://viettan.org/ve-chuyen-ren-luyen-nhung-hat-giong-do/  
......

Cần dạy cho Phạm Bình Minh hiểu Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền

 Phạm Bình Minh Phạm Minh Vũ| Chiều ngày 30/1, tại phiên họp Chính phủ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương”. Phạm Bình Minh lên cót tiếp rằng: “Việc đóng cửa biên giới phải liên quan đến 2 tình hình là an ninh và dịch bệnh nhưng phải có thỏa thuận 2 nước, báo trước 5 ngày”. Tôi không biết hiệp ước mà Phạm Bình Minh nhắc tới là cái hiệp ước nào, vì VN và TQ ký kết quá nhiều hiệp ước, Mật ước cũng có, hiệp ước công khai cũng có. Nhưng, nếu căn cứ theo pháp lý hiện nay, thì Theo Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc là có căn cứ và có cơ sở nhất. Nhưng Phạm Bình Minh cố tình hiểu sai hoặc là kiến thức về pháp luật, về điều khoản ký kết trong hiệp định này rất kém, nếu không muốn nói là chẳng hiểu gì về luật cả. Tại Khoản 3 Điều 5 của Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc nêu rõ: “Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một Bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ.” Nghĩa là căn cứ vào quy định này, trong trường ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch truyền nhiễm do virus Corona gây ra, phía Việt Nam hoàn toàn có thể đơn phương đóng cửa biên giới với Trung Quốc, với điều kiện chỉ cần thông báo cho phía Trung Quốc biết trước không được ít hơn một ngày, chứ không cần phải theo thỏa thuận với phía Trung Quốc thì mới được phép đóng cửa biên giới như thông tin mà Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã nêu. Đó là theo luật đã ký kết mà Minh còn hiểu sai, còn hiểu theo cách một Ngoại trưởng mà phát ngôn kiểu không quan tâm hàng triệu sinh mạng người Dân như thế thì liệu ngồi vào chức vụ đó liệu có xứng đáng? Quốc gia VN là quốc gia có chủ quyền, có độc lập, dù bất cứ trường hợp nào mà người dân bị nguy hiểm cho dù phải vi phạm hiệp ước thì một chính phủ tốt, một chính phủ vì dân sẽ hành động là làm theo ý nguyện của nhân dân. Chứ không phải theo cái hiệp ước nào đó do các ông ký kết. Theo tôi nghĩ cần dạy lại cho Phạm Bình Minh hiểu VN là một quốc gia có chủ quyền. Chứ không phải là một đặc khu của TQ mà muốn đóng cửa biên giới phải có sự đồng ý của TQ. Cha Minh sẽ cảm thấy nhục nhã vì có đứa con như Minh đấy.    
......

Bộ công an giỏi đến đâu?

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an (mặc sắc phục) và Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM (mặc thường phục) Phạm Minh Vũ| Đây là Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an (mặc sắc phục) và Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM (mặc thường phục) có mặt tại thực địa vào chiều ngày hôm qua cũng là chỉ huy chiến dịch truy bắt tên khủng bố đảng viên cộng sản, thượng uý công an Lê Quốc Tuấn. Duy Ngọc bay từ Hà Nội vào. Tay súng khủng bố Lê Quốc Tuấn là người gây ra vụ khủng bố đẫm máu gây chết tổng cộng 5 mạng người và một người bị thương tại sới bạc Củ Chi, và cướp luôn tài sản trưa ngày 29-01-2020 và khuya đó gây thêm vụ nổ súng. Đến hiện tại, tung tích Tuấn biệt danh là Tuấn Khỉ vẫn đang là ẩn số. Bộ công an đã thật sự thất bại trong trận vây bắt trưa ngày hôm qua tại rừng Tràm Củ Chi với sự có mặt của Thứ trưởng bộ công an từ Hà Nội vào, kết hợp là xe bọc thép khoảng 600 quân mang theo khí tài quân sự hạng khủng. Nên sáng nay Bộ công an phải nhờ Bộ quốc phòng đem quân đội vào truy sát tên khủng bố đảng viên công an Tuấn Khỉ cùng với đó là phát lệnh truy nã.   Câu hỏi đặt ra tại sao Thứ trưởng bộ công an kéo quân vào mà không tìm ra tung tích của Tuấn? Thực sự mà nói, Chỉ huy chiến dịch là Đại tướng Tô Lâm ở Hà Nội, Duy Ngọc vào có mặt cho hoành tráng, với cú lừa là gây ra một vụ nổ súng cướp tài sản đêm 29 rạng sáng 30 ở Củ Chi, Tuấn khỉ bỏ chiếc điện thoại IPhone lại giữa rừng với tình trạng máy mở nguồn. Công an dùng nghiệp vụ theo dõi thì tín hiệu phát đi với vị trí là ở giữa rừng Tràm Củ Chi. Thực ra đó là nghiệp vụ của Tuấn đã học được trong trường công an, mà cơ bản ai cũng biết. Tuấn đánh lừa cả bộ công an với một thủ thuật đơn giản. Nhưng thực ra đêm đó Tuấn khỉ gây nổ súng là dồn quân về đó để đánh lạc hướng. Nổ súng giữa đêm thực ra vụ nổ súng là Tuấn tính toán cả, là đã tẩu thoát ngay lúc đó, chứ không phải ở giữa rừng mà chờ thứ trưởng vào bắt đâu. Nghĩa là nghiệp vụ tình báo của VN quá kém. Tuấn Khỉ học được món nghiệp vụ cơ bản đó cũng nhờ bộ CA dạy, giờ Tuấn đem làm màu với Bộ công an, làm Tô Lâm chới với. Người ta tưởng Tuấn có phép thần thông mà thoát khỏi vòng vây 600 công an với đầy đủ khí tài quân sự, thực ra Tuấn có ở đó đâu, chó nghiệp vụ thả ra mà có tóm được sợi tóc của Tuấn đâu? Bộ công an dạy Tuấn nghiệp vụ, Tuấn dùng nó để trêu ngươi, người cay cú nhất là Thứ trưởng Duy Ngọc mất công từ Hà Nội vào tưởng Tuấn ở trong rừng thật, tưởng món hời nên sốt sắng ngồi chờ để lập công trạng dâng bộ chính trị mong sau trận này sẽ được lên hàm. Ai ngờ... Tuấn khỉ lừa bằng cách quá đơn giản! Quá quê nên Duy Ngọc về Hà Nội sáng nay và rút quân khỏi Củ Chi. Cái này giống cái cách Vũ Quang Dũng học khoá huấn luyện mật vụ ở Đức vào năm 2001, đến 16 năm sau Dũng đem nghiệp vụ đó ra để phạm pháp trên nước Đức trong vụ bắt cóc TXT. Cùng với Tướng Đường Minh Hưng móc 800€ ra thanh toán khách sạn ở Berlin sau khi phạm pháp, mới thấy nghiệp vụ tình báo VN phải gọi là cười ra nước mắt. Nhưng sát hại một Ông già 58 tuổi đảng chưa hề bị kỷ luật thì ra tay cực kỳ giỏi và chuyên nghiệp. Đem cả mấy ngàn quân đi tiêu diệt một gia đình lão thành cách mạng rất giỏi, rất đẹp. Để trả lời câu hỏi ở đề bài , nếu nói bộ công an VN giỏi thì không đúng, nói dở càng không đúng. Câu trả lời chuẩn là giỏi đàn áp dân nhưng với giặc thì...    
......

Xung đột lợi ích

Ảnh Gs Charles Lieber Thanh N. Truong| Sáng thứ 3 ngày 28-1-2020 khi báo Bloomberg đăng tin này đầu tiên thì hầu như tất cả các GS ngành Hóa ở Mỹ và các nhà nghiên cứu về hóa học trên thế giới đều biết tin này. Là người trong cộng đồng hóa học ở Mỹ, cá nhân tôi biết Charles. Đây là một tin chấn động trong cộng đồng khoa học vì Charles Lieber là một nhà hóa học nỗi tiếng trên thế giới. Nhiều đồng nghiệp đặt vấn đề 'Tại sao phải làm vậy?' 'Bộ ông ta cần tiền đến thế sao?', .... Để cho người đọc hiểu rỏ một tí xíu về vấn đề, tôi xin chia sẻ thêm một tí thông tin. GS Đại học nghiên cứu Mỹ thường là hợp đồng lao động 9 tháng/năm (9 tháng dạy, 3 tháng hè không dạy nên không nhận lương). Nếu GS có tiền từ các đề tài NCKH thì có thể rút từ đó ra 3 tháng lương nữa. Cho nên cho dù GS có một đề tài vài trăm ngàn USD hay vài chục triệu USD từ nhiều đề tài, GS ấy chỉ có thể rút ra 3 tháng lương từ mức lương của mình mà thôi và không thể hơn. Yêu cầu của quỹ NCKH là GS ấy phải có mặt ở Mỹ trong mùa hè (ngoại trừ các chuyến đi hội nghị QT) để thực hiện nghĩa vụ quản lý NCKH đó. Nếu có hợp tác với các phòng lab ở nước ngoài trên hướng nghiên cứu của đề tài cũng phải nêu. Hai mục cuối là điều mà Charles bị nghi phạm tội chứ không phải từ việc nhận lương $50,000/tháng và hơn $150,000/năm tiền chi phí ăn ở từ ĐH CN Vũ Hán. Tuy nhiên với số tiền lớn như thế thì lòng tham của con người thật sự không có giới hạn. Tôi từng nghe từ vài người bạn 'Ở VN các gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được nó bằng rất nhiều tiền!' Có thể câu nói đó đúng ở đây. Năm 2009 tôi cũng có một cựu postdoc từ Bắc kinh qua Utah thăm và có nêu vấn đề về việc xây dựng phòng lab ở TQ nhưng tôi từ chối. Năm 2007 tôi về VN giúp thành phố HCM xây dựng Viện Khoa Học và Công Nghệ Tính Toán. TP không trả lương cho tôi mà chỉ trả chi phí đi lại và ăn ở vì lúc bấy giờ thật sự TP không có một cơ chế về lương nào cho VK và nếu có thì không thể nào ở mức lương ở Mỹ. Nếu như thế thì không đáng để 'bị lĩnh đủ' như ông Lieber. Hahaha còn nếu TP chấp nhận trả $50,000/tháng thì không chừng lòng tham của tôi cũng nỗi dậy à!!!!! Nhưng để tránh vị phạm cơ chế sử dụng kinh phí NCKH tôi đã không trích một phần nào trong quỹ NCKH để trả 3 tháng lương. Nói cách khác về hợp tác với VN tôi chấp nhận mất 3 tháng lương/năm!!!! Và dần dần tôi cũng đóng dần các đề tài NCKH ở trường và dần mất đi vị thế trong cộng đồng khoa học thế giới --> Đây là cái giá mà cá nhân tôi phải trả từ năm 2007 đến cuối 2017 khi quyết định về hợp tác với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo TP HCM không biết sự hy sinh này. Không phải tôi muốn kể công ở đây nhưng nói ra để các bạn hiểu rằng để một GS VK Mỹ giúp một tổ chức NCKH ở nước ngoài nào có tính dài hạn thì có rất nhiều hạn chế và chỉ có người đó biết những hạn chế đó và cái giá phải trả. Tôi chấp nhận trả cái giá bằng việc mất rất nhiều thu nhập cho cá nhân hàng năm và chấp nhận mất nhiều uy tín khoa học trên diễn đàn thế giới để không để mình bị rơi vào những nguy cơ như ông Lieber bị ngày nay. Chắc chắn ông Lieber sẽ phải đi tù và cũng sẽ mất vài triệu tiền luật sư biện hộ. Nhưng cái ông thật sự mất mà là vô giá - đó là danh dự và lòng tự trọng. Thật đáng tiếc cho một tài năng! ***** Một giáo sư Harvard bị truy tố tội che giấu cộng tác với Trung Quốc Sân trường Đại Học Harvard. (Hình: AP Photo/Charles Krupa) BOSTON, Massachusetts (AP) – Một giáo sư Đại Học Harvard vừa bị truy tố về tội nói dối về mối quan hệ với một chương trình tuyển mộ tài năng thế giới của chính quyền Trung Quốc, đồng thời cũng che giấu các món tiền nhận được từ Bắc Kinh, trả cho các công trình nghiên cứu của ông này, theo nhà chức trách liên bang hôm Thứ Ba, 28 Tháng Giêng. Giáo Sư Charles Lieber, khoa trưởng khoa Hóa Học và Sinh Hóa của trường Harvard, bị cáo buộc là che giấu sự can dự của ông vào chương trình “Ngàn Tài Năng” (Thousands Talents Plan) của Trung Quốc, được thành lập nhằm mục đích tuyển mộ những người ở ngoại quốc có liên hệ tới hay có hiểu biết về những kỹ thuật tân tiến và các tài sản trí tuệ. Ông Lieber bị bắt vào sáng Thứ Ba trong văn phòng tại trường Harvard, theo giới hữu trách. Ông dự trù sẽ phải trình diện trước tòa để nghe cáo trạng trong ngày Thứ Ba. Nhà chức trách cũng loan báo việc truy tố một nhà nghiên cứu ở đại học Boston University, người bị cáo buộc là nói dối về mối quan hệ với quân đội Trung Quốc. Nguồn tin này nói rằng cô Yanqing Ye, một thiếu úy trong quân đội Trung Quốc, đã có các hoạt động có lợi cho quân đội quốc gia này khi theo học tại trường Boston University, gồm cả việc tiến hành nghiên cứu và gửi các hồ sơ tài liệu về Trung Quốc. Biện Lý Liên Bang Hoa Kỳ Andrew Lelling gọi hai vụ này chỉ là một thí dụ nhỏ trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bòn rút sự hiểu biết khoa học kỹ thuật Hoa Kỳ để làm lợi cho Trung Quốc. Một nhân viên FBI ở Boston, ông Joseph Bonavolonta, nói: “Không quốc gia nào là mối đe dọa lớn hơn, trầm trọng hơn hoặc có tính cách lâu dài hơn là Trung Quốc.” Ông Bonavolonta nói thêm: “Mục đích của chính quyền Cộng Sản Trung Quốc, nói một cách giản dị, là thay thế Hoa Kỳ ở vị trí siêu cường thế giới và họ sẵn sàng có hành vi phạm pháp để đạt được điều này.” Theo cáo trạng, giao kèo của Giáo Sư Lieber với chương trình “Ngàn Tài Năng” của Trung Quốc là mỗi tháng ông được trường Wuhan University of Technoglogy trả $50,000, cùng thêm các chi phí sinh sống lên tới $158,000. Ông cũng được cấp cho hơn $1.5 triệu để thành lập một phòng nghiên cứu tại trường này. Các giới chức Đại Học Harvard nói Giáo Sư Lieber hiện đang được tạm thời cho nghỉ dạy, và nhà trường cũng cộng tác với FBI trong cuộc điều tra. (V.Giang) - nguoi-viet.com  
......

Bệnh dịch Tập Cận Bình?

Ngô Nhân Dụng -  Người Việt| Gọi tên bệnh dịch Vũ Hán thì tội nghiệp cho 11 triệu dân thành phố này, nơi mà du khách có thể tới thăm Hoàng Hạc Lâu với cả một bức tường chép bài thơ Thôi Hiệu, và nhìn thấy cả bãi Anh Vũ và Hán Dương ở bờ bên kia dòng Trường Giang. Đề nghị gọi bệnh dịch mới bùng phát ở nước Tàu là bệnh dịch Tập Cận Bình, chủ tịch đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bởi vì chính guồng máy bưng bít thông tin của chế độ Cộng Sản đã làm cho cơn bệnh bùng lan nhanh chóng và nguy hiểm hơn. Chính quyền Cộng Sản loan tin vào cuối Tháng Mười Hai, 2019, họ mới phát hiện căn bệnh mới, do một loài virus Corona (coronavirus) gây ra. Nhưng sự thật là họ đã biết từ Tháng Mười Một, kéo qua Tháng Mười Hai sang giữa Tháng Giêng, 2020. Lúc đó Ủy Ban Y Tế Toàn Quốc mới xác nhận đây là virus Corona, vì nếu không thì sẽ chết nhiều người hơn vì không thể ngăn bệnh lan truyền. Năm 2002, một loài virus cùng loại virus Corona đã gây cơn bệnh dịch viêm phổi SARS khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm mất 2% (từ 11,1% xuống 9,1%). Vậy mà khi nhận diện “chính nó” rồi họ vẫn còn giữ kín! Chắc họ hy vọng sẽ chạy nhanh hơn loài virus! Vì bưng bít thông tin hàng tháng trời nên chính các nhân viên trong nhà thương cũng không được đề phòng. Một bệnh nhân ở Vũ Hán đã truyền bệnh cho 14 người khác kể cả các bác sĩ, y tá. Vì tin tức được đưa ra quá trễ, chỉ trong một tuần lễ sau khi chính quyền công nhận có bệnh dịch thì số bệnh nhân đã tăng gấp mười lần! Nếu không phải vì Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản của ông ta, thì không nhiều người chết oan như vậy. Tại Quận Cam, California, khi khám phá ra một người từ Vũ Hán bay về, được đưa vào bệnh viện vì mang virus Corona thì tất cả các cơ quan truyền thông công và tư đều loan tin. Chưa đầy một ngày, lại có tin thêm một người nữa. Muốn ngăn ngừa bệnh dịch thì phải thông tin nhanh chóng và đầy đủ. Một chính quyền bưng bít tin tức bệnh dịch là phạm tội giết người hàng loạt. Năm 1918, thế giới đã trải qua một bệnh dịch khủng khiếp, thường gọi tên là Bệnh Cúm Tây Ban Nha (Spanish flu). Thực ra bệnh phát xuất từ Trung Quốc, Mỹ, và Pháp đã làm chết hàng trăm ngàn người nhưng chính quyền các nước đó giữ bí mật vì đang dự cuộc chiến tranh chống Đức và Vương Quốc Áo Hung. Họ đều sợ nếu loan tin thì dân chúng và binh lính hoang mang! Tới khi Alphonse XIII, vua Tây Ban Nha là một nước trung lập trong cuộc chiến, bị ngã bệnh, lúc đó thế giới mới biết có một bệnh dịch đang lan ra toàn cầu. Biết quá trễ, trong vòng một năm có 50 triệu người chết khắp thế giới, nước Mỹ cũng mất 700.000 người. Tập Cận Bình vẫn kiên trì kiểm soát thông tin để bảo vệ uy quyền của chính mình và của đảng Cộng Sản. Việt Nam cũng như Bắc Hàn và Trung Quốc không có một cơ sở truyền thông tư nhân, độc lập nào. Tất cả đều chỉ để phục vụ đảng Cộng Sản. Hàng triệu người Uighurs đang bị giam trong các trại cải tạo sẽ làm mồi cho virus Corona. Bắc Kinh còn tàn nhẫn không cho phái đoàn y tế Đài Loan tới dự một hội nghị tìm cách ngăn chặn căn bệnh mới của WHO (Tổ Chức Y Tế Thế Giới). Đến các mạng xã hội cũng bị kìm kẹp. Cảnh sát Trung Cộng đã theo dõi và cảnh cáo các công dân mạng, tố cáo họ “loan truyền tin giả” về loài virus. Chính sách bưng bít thông tin này sẽ giết người! Hai ngày trước khi chính quyền thành phố Vũ Hán thú nhận bệnh đã phát khởi, họ còn tổ chức một “đại yến” cho 100.000 người, mỗi người đem phần ăn của mình tới dự! Trong khi 100 ngàn người lo ăn nhậu thì những con virus Corona cũng đang mở dạ yến trong khí quản và buồng phổi của nhân dân Vũ Hán! Tờ báo bán chạy nhất ở Vũ Hán không dám đăng một bản tin nào về bệnh dịch lên trang nhất, suốt ba tuần lễ, cho tới khi Tập Cận Bình lên ti vi chính thức báo động! Ngày 10 Tháng Giêng, 2020, đài truyền hình nhà nước vẫn “lạc quan” loan tin bệnh dịch lần này rất nhẹ, được kiểm soát chặt chẽ, trước khi Tập Cận Bình lên ti vi kêu gọi thế giới hỗ trợ ngừa bệnh. Ngoài chính sách bưng bít thông tin có thể giết người ra, đảng Cộng Sản Trung Quốc còn phạm một tội ác khác: Duy trì một guồng máy thư lại trung thành nhưng bất lực. Một tập đoàn tham nhũng không ai lo tới sức khỏe, của người dân cũng như các gia súc dân nuôi để sống. Trong năm ngoái, một bệnh dịch mang tên “Phi Châu” đã giết chết một nửa số heo trong nước Tàu (tức một phần tư heo thế giới). Tất cả chỉ vì chính quyền không có một hệ thống báo động kịp thời và không chuẩn bị các phương pháp ngăn ngừa! Các cán bộ phát tiền cho nông dân nếu họ giết cả đàn heo đem chôn nếu một con heo bị bệnh. Nhưng dân trốn tránh! Vì các quan đã ăn bớt tiền bồi thường, dân lén đem heo bệnh ra chợ bán vẫn được trả giá gấp bốn lần! Trong cuộc chiến tranh mậu dịch, Trung Cộng đã cấm nhiều thứ thịt mua từ Mỹ, lấy lý do ngừa bệnh. Nhưng họ vẫn thả lỏng cho các chợ bán cầm thú hoang, một cái ổ đầy các vi khuẩn bệnh mới lạ mà gia súc chưa bao giờ tiếp xúc, nhưng lại được dân nhậu hoan nghênh. Chính người đầu tiên bị bệnh viêm phổi mới lần này đã nhiễm virus Corona trong một “chợ cá” ở Vũ Hán. Tính theo đầu người thì dân nhậu trong lục địa có thể mua cầm thú hoang gấp ba lần dân Mexico, cũng có tiếng là dân nhậu. Người dân Trung Quốc, trung bình, chỉ có 80% số bác sĩ mà dân Mexico được hưởng. Đặc biệt số bác sĩ tổng quát (GP) bên Trung Quốc khiếm hụt 70% so với tiêu chuẩn của WHO! Một lý do là trong hệ thống y tế mà nhà nước kiểm soát, lương bổng các bác sĩ tổng quát được ấn định thấp quá. Cho nên gây nghịch cảnh: Trong 100 bác sĩ ở nước Tàu, 96 người làm chuyên khoa, chỉ có bốn người khám tổng quát! Bệnh viện thiếu thốn đủ thứ, đến nỗi tại Vũ Hán, ngay cả cái khẩu trang che miệng khi khám bệnh cũng bị hạn chế, theo chế độ tem phiếu. Nhiều bác sĩ tỉnh Hồ Bắc, thủ phủ là Vũ Hán, không có áo khoác phải mặc áo mưa trùm đầu (ponchos) khi làm việc. Mỗi ngày các bệnh viện cần 100.000 bộ áo khoác để thay đổi, nhưng chỉ sản xuất 30.000 bộ. Tất cả chỉ vì đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn kiểm soát toàn thể xã hội ngõ hầu duy trì quyền bính mãi mãi. Năm nay, Trung Cộng đã rút tỉa bài học bệnh SARS cho nên phản ứng nhanh hơn; vì giới lãnh đạo biết họ cần thế giới giúp. Nhưng ảnh hưởng trên nền kinh tế Trung Quốc hiện chưa ước tính được. Những năm 2002-2003 tỷ lệ tăng trưởng Tổng Sản Lượng Nội Địa nước Tàu đã bị thiệt hại 2%; năm nay có thể chỉ giảm 1%. Nhưng hồi bệnh SARS thì tốc độ đang lên tới 11%, bây giờ chỉ còn tăng thêm 6% một năm, mất 1% sẽ đau hơn. Thành phố Vũ Hán sản xuất 4% Tổng Sản Lượng Nội Địa cả nước Tàu, sẽ ngưng hoạt động, không biết bao lâu! Trong thành phố có xưởng ráp xe của General Motors và chế rượu bia của Anheuser-Busch! Tệ hại nhất là bệnh phát ra đúng vào dịp Tết. Hơn 14 thành phố lớn đã bị phong tỏa, 50 triệu người bị cô lập. Họ không sản xuất và cũng bớt tiêu thụ. Mỗi năm Tết đến có thêm 10 triệu dân Trung Hoa di chuyển. Năm nay không biết còn bao nhiêu, nhưng các công ty vận tải sẽ ngưng nghỉ! Ngày Mùng Một Tết năm nay, các rạp chiếu bóng trong toàn quốc thâu được gần hai triệu đồng nguyên (1,81 triệu). Cùng ngày đó, năm ngoái, số thu là 1,45 tỷ đồng nguyên! Các công nhân được phép kéo dài thời gian nghỉ Tết thêm ba ngày! Chúng ta hy vọng bệnh dịch Tập Cận Bình năm nay sẽ nhẹ nhàng hơn bệnh SARS trước đây 17 năm. Bởi vì cũng trong ngày Thứ Ba, 28 Tháng Giêng, thị trường chứng khoán ở New York đã lên, sau khi tụt xuống quá nhiều ngày hôm trước, chỉ vì giới đầu tư lo con vi khuẩn Tập Cận Bình sẽ tác hại cả kinh tế thế giới! Té ra hãng Apple có 775 cơ xưởng làm ăn bên Tàu, nhưng chỉ có hai xưởng nằm ở Vũ Hán! Thị trường chứng khoán là nơi người ta theo dõi tin tức sát nhất, cập nhật, và thường chính xác nhất! Cho nên cứ hy vọng! Ngày mai, các tin tức mới có thể sẽ khác!    
......

Ai tiếp tay cho Corona?

Mặc Lâm – VOA Mùng Hai Tết năm con chuột có lẽ là ngày đáng nhớ trong những cái tết của Việt Nam. Đáng nhớ vì dịch bệnh Corona đã ám ảnh cả nước khi nguồn tin từ các phương tiện truyền thông quốc tế cho biết virus Corona có thể lây sang đường hô hấp và nó có thể gây chết người hàng loạt. Ủy ban Sức khỏe Trung Quốc và WHO đã xác nhận vi rút mới gây ra bệnh viêm phổi Vũ Hán thuộc chủng Corona, vốn gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Dịch bệnh SARS đã cướp đi sinh mạng của gần 650 người khắp Trung Quốc đại lục và Hồng Kông trong năm 2002 – 2003. Chứng bệnh này phát tán nhanh và rộng khắp khiến cho cả hệ thống y tế của một nước có thể sụp đổ dễ dàng và vì vậy nó đang tấn công Trung Quốc, đặc biệt là tại thành phố Vũ Hán, nơi căn bệnh lạ này được tìm ra. Mặc dù nổi tiếng là đất nước có thông lệ che giấu thông tin nhưng lần này Bắc Kinh không thể tiếp tục lấy vải bọc lửa như những năm trước bởi người dân Trung Quốc ngày càng thông hiểu cách truyền tải thông tin dù đang bị bao vây một cách chặt chẽ nhất. Vì vậy mặc dù cả thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân bị phong tỏa nghiêm ngặt nhưng những video clip vẫn thoát ra ngoài chỉ rõ thảm trạng bên trong với những hình ảnh kinh hoàng gây cho người xem có cảm giác đang xem một cuốn phim ma của Holywood. Một bài báo của VTC cho biết dân Vũ Hán nhiễm virus Corona đổ bệnh ‘như zombie’, thi thể bị bỏ trên hành lang bệnh viện “người dân ở Vũ Hán được yêu cầu tránh các đám đông và các cuộc tụ họp công cộng sau khi tất cả các liên kết giao thông trong thành phố 11 triệu người bị đóng cửa. Bên trong thành phố, người dân hoảng loạn về tình trạng thiếu lương thực. Các cảnh quay xuất hiện cho thấy xe tăng và sĩ quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã di chuyển vào thành phố, nơi được mệnh danh là “zombieland”. Trung Quốc cũng đã bổ sung thêm bốn thành phố vào lệnh cấm di chuyển, khiến 41 triệu người bị cách ly”. Với thông tin rất đơn giản về dịch bệnh quái ác này người dân có thể tìm thấy qua công cụ tìm kiếm Google như: Tránh ở chung phòng với một hệ thống máy lạnh, tránh đi máy bay dân dụng hay xe bus công cộng, tránh đám đông, không đụng chạm thân thể với người khác, dùng khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay bằng xà phòng nhiều lần, tránh người bị tình nghi là nhiễm bệnh, khi có triệu chứng sốt cao, đau cổ họng và ho liên tục phải khai báo ngay với cơ quan y tế… Vì virus Corona không có thuốc đặc trị nên Trung Quốc rất lo bị phát tán trên diện rộng nếu tình trạng lây lan không thể kiểm soát thì số người chết không ai tưởng tượng nổi là bao nhiêu. Trong khi đó tại Việt Nam, chính phủ rất chậm chạp trong việc phòng tránh và có những biện pháp mạnh mẽ nhằm không chế dịch bệnh. Hàng đoàn khách du lịch từ Vũ Hán vẫn tiếp tục vào Đà Nẵng rồi đi Nha Trang mà không bị bất cứ biện pháp ngăn ngừa nào. Cửa khẩu các tỉnh phía Bắc mở toang bất kể sự lo âu của người dân. Chính phủ không tin rằng dịch bệnh sẽ nguy hiểm như Bắc Kinh đang lo sợ và vì vậy những hành vi tiếp tay lây nhiễm đang xảy ra mọi nơi nhất là tại các cơ quan du lịch. Tình đến ngày mùng hai tết đã có 6.700 du khách Trung Quốc đã đến Quảng Ninh du xuân 3 ngày Tết Thông tin do Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thuỷ cho biết khi trao đổi với VietNamNet. Theo ông Phạm Ngọc Thuỷ, ngày 30 Tết Nguyên đán có 3.000 khách Trung Quốc nhập cảnh theo đường bộ, hàng không và đường biển. Ngày mùng 1 Tết có khoảng 1.900 khách và hôm mùng 2 Tết có 1.800 khách từ Trung Quốc nhập cảnh vào Quảng Ninh. Lạ một điều là Tổng cục Du lịch không yêu cầu dừng các đoàn khách tới Việt Nam từ các vùng có nguy cơ viêm phổi Vũ Hán cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp đưa khách ra nước ngoài đã nhận được yêu cầu “không tổ chức tour du lịch cho khách đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm vi rút nCoV cao theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế”. Cách đối phó này của Tổng cục du lịch đã là tiền đề cho một hành động khác xảy ra tại Đà Nẵng. Chủ khách sạn Danang Riverside vừa lên Facebook cá nhân cho biết khuya giao thừa 24-1, bà Trương Thị Hồng Hạnh – giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng – đã đến khách sạn này yêu cầu gỡ tờ giấy không tiếp khách Trung Quốc mà khách sạn đã công khai đặt trước quầy tiếp tân vì sợ bị lây nhiễm virus Corona. Chủ khách sạn cho biết ông đã hủy đặt phòng trước đó, trả tiền lại và không tiếp khách Trung Quốc mới – những người đến từ vùng dịch Corona. Thế nhưng bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc sở du lịch thành phố Đà Nẵng đã đến gây áp lực gỡ tấm biển đó. Việc làm của bà Hạnh vừa vi phạm quyền kinh doanh của doanh nghiệp vừa tiếp tay cho virus Corona tràn lan nếu có một người khách nào từ Vũ Hán đến lưu trú trong khách sạn mà không được kiểm tra xem có bị lây nhiễm hay không. Hành vi này không thể được xem là vì lý do kinh tế. Chưa hết. Một vụ “Tu Tập Hồi Hướng Hóa Giải Nạn Dịch Virus Corona” được Chùa Ba Vàng phát động có lẽ hậu quả sẽ rất kinh hoàng nếu hàng ngàn Phật tử nghe và tin theo những lời lẽ phản khoa học từ một sư thầy mang tai tiếng trước đây là ông Thích Trúc Thái Minh. Sư thầy viết: “Kính thưa đại chúng Hiện nay tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp tính do chủng virus Corona mới tại Trung quốc đang diễn biến phức tạp và lan nhanh đến nhiều nước trên thế giới. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus Corona biến chủng gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắn xin phòng bệnh Đức Phật dạy mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian đều có nguyên nhân của nó. Mọi thiên tai dịch bệnh gốc là do ác nghiệp của chúng sinh, đặc biệt là từ việc phá diệt Tam bảo, hủy hoại Phật pháp. Nạn dịch virus Corona cũng không ngoài nguyên nhân trên. Theo lời Đức Phật dạy muốn nạn dịch hóa giải được phải bằng công đức phát nguyện Bồ Đề, tu tập chân thật của tăng ni, Phật Tử và tất cả chúng ta. Được sự chỉ dạy trên Sư trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức chương trình tu tập tại chùa và phát động nhân dân, Phật tử tinh tấn tu tập 49 ngày để hồi hướng cho nạn dịch sớm được tiêu trừ.” Thích Thúc Thái Minh Có thật là giáo lý nhà Phật có Tu tập hồi hướng để tiêu diệt dịch bệnh hay thiên tai dịch họa như lời của sư thầy Thái Minh hay không? Theo web site của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cho biết thì “Hồi hướng (Paridanayati) là hành động chuyển về, trao đến, nhận về và trao đến. Hồi hướng công đức (Pridana) nghĩa là bố thí (Dana) khắp cả (Pari), tức bố thí công đức của mình cho hết thảy chúng sanh. Sách Đại thừa nghĩa chương phân biệt ba ý nghĩa của hồi hướng công đức: a/mong cầu trí tuệ; b/đem thiện pháp do mình tu được ban cho chúng sanh và c/đưa thiện căn của mình đến pháp tánh bình đẳng như thật. Có thể hiểu hồi hướng công đức là công hạnh tu hành vừa là lởi lạc, là sự thể hiện của từ bi (cũng là một công hạnh tu tập), thiện nguyện của người hồi hướng; và theo lý bình đẳng thì mọi chúng sanh đều được hưởng công đức hồi hướng. Cũng trong ý nghĩa bình đẳng, vô chấp, vô phân biệt, kinh Tiểu phẩm Bát-nhã ghi: “Hồi hướng mà không có một pháp nào được gọi là hồi hướng mới gọi là hồi hướng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (…), vì chư Phật dạy rằng hồi hướng thì không được chấp tướng”. Rõ ràng ông thầy trụ trì chùa Ba Vàng một lần nữa phỉ báng đạo Phật bằng cách biến những lời Phật dạy thành bùa chú chữa bệnh lấy tiền của dân chúng. Nếu người dân tin vào lời của ông ta kéo đến ngồi chung với nhau và bị virus tấn công thì ai là người chịu trách nhiệm cho hậu quả thấy trước này? Họ bắt tay nhau lợi dụng con virus Corona để làm tiền thiên hạ. Chính quyền nếu thấy mà làm ngơ trước những hành vi bẩn thỉu này thì khác gì quay mặt lại với dân đen vì những đồng tiền bất chính?  
......

Phải thay đổi!

Nguyễn Ngọc Đức| DÂN CHỦ KHÔNG ĐẾN TỪ SỰ THAY ĐỔI CỦA CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI, MÀ ĐẾN TỪ SỰ THAY ĐỔI CỦA CHÍNH CHÚNG TA ! Câu nói trên của ông Jeliou Jelev, người tổng thống dân chủ đầu tiên của nước Bungaria hậu cộng sản. Ông cũng là người viết cuốn sách "chế độ phát xít" mà nội dung cho thấy sự rập khuôn giữa phát xít và cộng sản. Người dịch ra tiếng Việt cuốn sách này cách đây hơn 20 năm là ông Phạm Văn Viêm, đã một thời bị lao đao, vì đã cả gan dịch cuốn sách cấm kỵ này. Trở lại câu nói của ông Jeliou Jelev vào thời điểm 1989, khi Khristov Jivkov bị đảng cộng sản Bungaria hạ bệ sau hơn 30 năm cầm quyền. Lúc đó, đảng cộng sản Bungaria gặp rất nhiều khó khăn, do đòi hỏi dân chủ ngày một cao của quần chúng. Tập đoàn này buộc phải thay đổi, từ người cầm quyền cho đến tên đảng, với mục tiêu bất di bất dịch là tiếp tục cầm quyền ! Phía những người tranh đấu dân chủ cũng gặp khó khăn, do sự rời rạc và chia rẽ. Jeliou Jelev đã cảnh giác quần chúng là không nên tin tưởng vào thiện chí thay đổi của đảng cộng sản. Sự thay đổi phải đến từ hàng ngũ dân chủ bằng sự đoàn kết và chủ động đấu tranh áp lực chế độ. Qua cố gắng của ông Jeliou Jelev và phe đối lập, tổ chức Liên Minh Các Lực Lượng Dân Chủ (SDS) ra đời và đã góp phần đẩy chế độ cộng sản tại Bungaria sụp đổ. Đây là bài học cho chúng ta. Xin đừng chờ đợi dân chủ đến từ sự thay đổi của đảng cộng sản. Hãy thay đổi chính chúng ta ! 25/01/2016 Nguyễn Ngọc Đức  
......

Năm Chuột Nói Chuyện Cá

Tưởng Năng Tiến| Thuyền nhân, cái danh từ có một âm tượng mà mỗi khi chính quyền Hà Nội nghe đến nó thì họ nghĩ ngay đến từ đồng ‘đô la’. Thế nhưng cho đến bao giờ người ta mới biết hết được những bất hạnh xẩy ra cho danh từ đó. - Michelle Tauriac (Viet Nam Le Dossier Noir Du Communism) Trước hết, để tránh mọi ngộ nhận, xin nói ngay rằng đây là chuyện của cá hồi, và chỉ riêng có cá hồi mà thôi. Nói theo tiếng Mỹ là cá hồi only. Chớ còn cá chim, cá chuồn, cá chép, cá chốt, cá lóc, cá lạt, cá lìm kìm, cá mập, cá mú, cá măng, cá cơm, cá cam, cá cờ, cá trê, cá trích, cá trẻm, cá heo, cá hương, cá hố, cá lù đù, cá lìm kìm, cá lia thia, cá đổng, cá đối, cá đèn cầy, cá bè, cá bẹ, cá bống – bất kể là bống kèo, bống dừa, hay bống đá – hoặc bất cứ một loại cá thổ tả nào khác đều hoàn toàn (và tuyệt đối) không có dính dáng gì tới vụ này. Cá hồi sinh ở sông nhưng sống phần lớn thời gian sống ở biển. Ðặc điểm của loài cá này là dù có rong chơi phiêu du ở chân trời góc biển nào chăng nữa, thế nào cũng tìm về nơi chôn nhau cắt rốn để sinh nở. Cá hồi Thái Bình Dương (Pacific salmon), sau khi từ giã nếp sống hải hồ, sẽ không bao giờ trở lại biển cả nữa. Lý do giản dị chỉ vì chúng sẽ chết sau khi đẻ và cho thụ tinh lứa trứng đầu tiên. Cá hồi Đại Tây Dương (Atlantic salmon) thì khác. Chúng có thể đi đi về về từ sông ra biển và ngược lại nhiều lần mà không hề do dự hay nao núng, dù khoảng cách phải vượt qua có thể dài đến hàng ngàn dặm, với vô số khó khăn và chướng ngại. Bản năng về nguồn của cá hồi, tất nhiên, đã được loài người ghi nhận và khai thác từ lâu. Riêng người Nhật, dân tộc đứng thứ nhì về kỹ nghệ cá hồi, vẫn đều đặn sản xuất ra thị trường mỗi năm cỡ một trăm ba mươi ngàn tấn. Xét về số lượng, mức sản xuất của người Nhật không hơn người Nga bao nhiêu và thua xa người Mỹ. Tuy nhiên, cách thức mà dân Nhật bắt cá hồi mới là điều cần phải được lưu tâm và học hỏi. Họ thiết lập nhà máy đóng hộp cá hồi ngay ở ven sông. Cũng chính nơi đây cá được nuôi nấng, đẻ trứng, thụ tinh để mỗi cặp sẽ cho từ hai đến mười ngàn chú cá hồi con ra đời. Sau đó, chúng sẽ được cho phiêu lưu vào đại dương, để bắt đầu cuộc đời… tha phương cầu thực. Tùy theo từng loại, cá hồi sẽ sống ở biển từ sáu tháng đến năm năm. Nhờ vào khả năng “cảm” được từ trường của lòng đất và sự chuyển động của hải lưu, nó sẽ tìm được về chốn cũ. Khi vào gần đến bờ, giác quan đặc biệt của loài cá này giúp chúng nhớ được đúng hương vị quê nhà – tức sông xưa bến cũ – và cứ theo đó mà lần về nguồn cội, đến tận nơi sinh nở. Người ta đặt sẵn nhiều dụng cụ từ cửa sông để giúp cho cá hồi dễ dàng và mau chóng vào đến nhà máy. Tại đây, họ sẽ tạo ra một loại chướng ngại vật giả khiến chúng phải phóng lên cao và khi rơi xuống thì rớt ngay vào một mạng lưới. Mạng lưới này chuyển động không ngừng, qua nhiều khâu chế biến, để đưa cá từ sông vào… hộp! Nói tóm lại là người Nhật thả cá hồi con ra biển, theo kiểu đem con bỏ chợ, để biển cả nuôi nấng. Rồi khi chúng theo bản năng trở về, họ dụ cho cá vào nhà máy để đóng hộp và mang bán. Cách họ kiếm tiền ngó bộ dễ và (chắc) là nhiều. Bởi vậy, có kẻ bắt chước. Nhà Nước CHXHCNVN cũng học theo cách làm ăn không vốn gần như vậy. Chỉ khác có chút xíu xiu là họ dùng người để kinh doanh, thay cá. Từ năm 1978 cho đế năm 1990, bằng hình thức này hay hình thức khác, Việt Cộng đã “thả” ít nhất là hai triệu người dân ra biển. Người ta ước tính rằng trên bước đường lưu lạc cứ ba con cá hồi rời bến sông ra đi thì ít nhất cũng có một con bỏ mạng. Nó trở thành mồi săn cho loài người, cho loài chim, hoặc những loài cá khác. Tương tự, trong số hai triệu người Việt phiêu lưu vào biển cả – tối thiểu – cũng phải một phần ba đã vong mạng. Họ chết vì bão tố, vì hải tặc, hay vì bị xô đuổi một cách lạnh lùng tàn nhẫn tại bến bờ của những quốc gia lân cận. Nơi đây thuyền bè của họ thường bị lôi kéo trở ngược ra khơi. Họ sẽ lênh đênh giữa trời nước bao la cho đến chết vì không còn tìm được nơi để đến, và cũng không còn đủ lương thực (cũng như nhiên liệu) để tiếp tục đi. Những kẻ may mắn thoát nạn đều sẽ biến thành cá hồi (theo tinh thần của Nghị quyết 36) của nhà đương cuộc Hà Nội. Đám dân trôi sông lạc chợ này sẽ bị tận tình khai thác, và khai thác dài dài, cho đến khi tắt thở, bằng nhiều cách. Nếu cá hồi Thái Bình Dương chỉ hồi hương một lần rồi chết thì những thuyền nhân rời khỏi Việt Nam sau ngày 19 tháng 6 năm 1988 – đã có thời gian dài sống tạm trú ở những quốc gia Ðông Nam Á – cũng mang số phận y như vậy. Họ bị cưỡng bách hồi hương và không bao giờ còn có dịp ra đi nữa. Riêng với những thuyền nhân ở Hồng Kông (khi phần đất này còn thuộc Anh) Anh Quốc đã thoả thuận trả sáu trăm hai chục Mỹ kim mỗi đầu nguời để Hà Nội chịu nhận họ trở về, cùng với lời hứa hẹn là họ sẽ không bị hành hạ hay ngược đãi! Số người Việt may mắn hơn, hiện đang phiêu bạt tứ tán khắp bốn phương trời, có thể được coi như là cá hồi Ðại Tây Dương – giống cá có khả năng đi đi về về nhiều lần từ sông ra biển và ngược lại. Những kẻ này vẫn tiếp tục kiếp sống tha phương cầu thực, chăm chỉ cặm cụi kiếm và để dành tiền, rồi hàng năm làm đơn “xin phép” được hồi hương. Mỗi Việt kiều về thăm quê nhà chắc chắn đều chi trải một số tiền không phải chỉ là sáu trăm Mỹ kim mà có thể là đến sáu ngàn đô la, hay nhiều hơn nữa. VOV vừa hớn hở loan tin: “Kiều hối về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỉ USD, tăng 800 triệu USD so với năm 2018.” Hà Nội có lý do để hãnh diện về thành quả này – thành quả kinh tế duy nhất (thực sự) vượt chỉ tiêu – về kỹ nghệ xuất và nhập cảng người, sau hơn nửa thế kỷ mà họ đã nắm được quyền bính ở Việt Nam. Họ đẩy ra khỏi nước những con nguời cùng quẫn và sôi sục bất mãn, rồi “thu về” những Việt kiều yêu nuớc và giàu sang. Thiệt khoẻ!  
......

Vài lời ngày đầu năm

Đỗ Ngà| Ngày đầu năm người Việt hay gởi sự mong muốn vào lời chúc. Kết quả có được của một con người là sự hòa nguyện của thời thế và nỗ lực cá nhân. Thật sự mà nói, ở tầm quốc gia cũng vậy, số phận đất nước là kết quả của thời thế và nỗ lực của dân tộc ấy. Một đất nước mà tầng lớp thấp cũng có được đời sống ấm no thì điều đó cũng nói lên rằng, đất nước đó đang thái bình thịnh vượng. Như nhạc sỹ Phạm Đình Chương đã viết: "Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi Người thương gia lợi tức Người công nhân ấm no Thoát ly đời gian lao nghèo khó"   Đấy là đoạn đầu trong bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sỹ ấy, một sáng tác năm vào năm 1952, khi mà xã hội chưa định hình được cái xấu của CS và cái ưu việt của dân chủ. Hiện nay hầu hết những nước dân chủ, với an sinh xã hội tốt người ta đã hiện thực hóa ước mơ "người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nhèo khó". Nhưng thật đáng buồn, ước mơ nhỏ nhoi đó mãi đến năm 2020, nghĩa là sau ngày sáng tác bài Ly Rượu Mừng thì người Việt vẫn chưa với tới. Tại sao?   Vì đơn giản, đất nước này bị CS ngự trị, và chắc chắn mãi mãi người dân Việt sẽ không thể nào đạt được giấc mơ "người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nhèo khó" dưới sự cai trị của ĐCS. Đất nước nghèo nàn là vì ai? Vì sự bất tài của ĐCS, nhưng đã bất tài mà còn bảo thủ thì có thể nói đất nước này bất hạnh làm sao. Hằng ngày trên báo, chúng ta vẫn chứng kiến ông quan này, ông tướng nọ rút rỉa trăm tỷ rồi ngàn tỷ tiền thuế của dân thì đất nước làm sao thoát nghèo được? Khi đất nước bị rút rỉa như thế thì lấy gì có được kết quả "người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nhèo khó" được? Vậy nên, nói thẳng ra nếu còn CS thì giấc mơ đơn giản ấy vẫn mãi xa vời.   Mấu chốt của vấn đề đất nước hiện nay là nhân dân phải giành lấy sự tự do cho mình. Có tự do thì con người mới có sáng tạo, có tự do thì toàn dân mới trổ tài đóng góp cho xã hội và cho bản thân. Nói cho cùng, để có kết quả "người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nhèo khó" thì trước hết đất nước này phải có tự do. Mà để đất nước có tự do rõ ràng nhân dân Việt Nam phải đuổi được CS. Thực tế hiện nay chính CS đã và đang bất chấp luật pháp nó viết ra để ăn cắp hoặc ăn cướp trên đầu người dân nghèo khổ. Nếu không chấm dứt được tập đoàn chính trị này thì ước mơ "người công nhân ấm no, thoát ly đời gian lao nhèo khó" vẫn cứ xa vời. Có thể nói, hiếm có đất nước nào bất hạnh như nước Việt, khi mà thế giới chỉ còn 4 nươc độc tài CS thì trong đó có Việt Nam.   Đây không biết là năm thứ mấy đã chúc cho Việt Nam một "ngày mai sáng trời tự do". Nhưng nói thật, tự do có đạt được hay không là bởi chúng ta giành lấy chứ không thể đợi chờ CS trao cho chúng ta được. Cái đáng buồn là, dường như qua bao nhiêu năm bị cai trị bởi CS, người dân Việt Nam không hề nâng cao nhu cầu của mình cao hơn chén cơm. Đến ngày nay, tự do dân chủ với đại đa số người dân là gì đó rất mơ hồ không có giá trị bằng chén cơm mà họ đang ăn. Đó chính là bất hạnh lớn nhất của dân tộc ta.   Tự do dân chủ là nền tảng cho thái bình thịnh vượng, đó là đều không cần phải bàn cãi. Những dân tộc nào biết đầu tư vào những giá trị này thì con cháu của họ sẽ được hưởng phúc ngay trên quê hương của mình chứ không cần phải đổ núi tiền để đưa con cái đi tị nạn kinh tế hay tị nạn giáo dục đến một nơi xa lạ nào đó.   Phải nói rằng đã đến 1/5 thế kỷ 21 rồi mà ở đất nước nầy còn có rất nhiều kẻ đặt câu hỏi "tự do dân chủ có ăn được không?". Cái gì dân ta cũng đem so sánh với miếng ăn nên thành ra dân tộc chúng ta trở thành một dân tộc mọi rợ thuộc loại bậc nhất thế giới, thấy của người cứ muốn chiếm hữu. Kẻ có quyền thì chiếm hữu tài sản toàn dân nên đất nước trở nên nghèo mạt, kẻ không có quyền cứ muốn của người thành của mình nên sinh ra trộm cướp tràn lan. Đấy là một thực tế đáng buồn.   Năm mới, tôi mong rằng ngày tàn của CS sẽ đến sớm hơn để đất nước này thoát khỏi kiếp trầm luân. Bản thân dân tộc ta không phải là dân tộc ngu muội, sự ngu muội có chăng là bởi CS gieo rắc mà ra. Dẫu biết CS thế nào cũng sẽ đến ngày sụp đổ, nhưng nó mau sụp vẫn tốt hơn lâu sụp. Vì nó nếu nó còn cai trị lâu dài thì có thể nói, rất nhiều thế hệ người Việt phải trả giá cho nó. Mong rằng, năm mới, vận nước sẽ đổi để dân tộc này thoát kiếp trầm luân. Mong lắm thay!  
......

Tâm sự ngày xuân

Tho Nguyen| Những ngày cuối năm Kỷ Hợi tôi có nhiều niềm vui nhỏ. Lần đầu tiên chúng tôi thành ông bà. Sự nghiệp kỹ thuật của tôi cũng đạt những thành tích nhỏ vào tuổi gần 70. Rồi tôi lại gặp lại Má tôi, được chăm sóc bà như một osin. Việc nhà không khó, nhưng vì „trái nghề“ nên tôi mất khá nhiều thời gian và chứng mất ngủ làm tôi không có tâm trí để kể về những niềm vui trên. Chúng chỉ âm ỷ trong lòng. Những niềm vui nhỏ đó không át được nỗi buồn tê tái về những gì đang xảy ra ở mảnh đất này. Tôi buồn không chỉ vì máu người Việt đã đổ ở Đồng Tâm. Suốt 45 năm sau chiến tranh, máu người Việt vẫn đổ: Ở Biên giới Campuchia, Biên giới phía Bắc, ở Gạc Ma, trên BIển Đông, rồi ở Thủ thiêm, ở Ecopark Hưng Yên, Tiên Lãng... Nay là Đồng Tâm. Người Việt vẫn chết trên những con đường vượt biên. Mỗi một cái chết, dù là của ai đều gây đau khổ, tang tóc. Điều làm tôi buồn hơn cả là: 45 năm sau chiến tranh, chúng ta vẫn bị xua vào chỗ coi nhau là địch, vẫn bị kích động hằn thù. Những người lính của lực lượng CSCĐ bắn vỡ đầu gối rồi bắn xuyên tim cụ Kình chắc cũng biết yêu thương, cũng có cuộc đời như tôi và bạn. Nhưng khí bắn vào một cụ già 84 tuổi như vậy, họ phải được giáo dục lòng căm thù cao độ. Họ đã coi đối tượng của cuộc hành quân đêm 9.1 nguy hiểm hơn bất cứ tên lính xâm lược Mỹ hay Trung Quốc nào. Thời chiến tranh, tôi cũng từng được giáo dục như vậy. Tôi không một lời đàm tiếu về cái chết của các anh khi rơi xuống giếng trời, mặc dù cả vạn người cười chê sự vụng về của lực lượng đặc nhiệm Việt Nam khi tác chiến ngay trên quê nhà. Máu của các anh cũng là máu của đồng bào. Một cô em họ mà tôi rất yêu quý nói với tôi rằng: Cuối cùng chính phủ cũng phải chấm dứt những nguy cơ bất ổn xã hội. Tôi không giận em, chỉ nói để em rõ là: Nguyên nhân của bất ổn xã hội không nằm ở sự phản kháng của người nông dân mất đất, dù là họ muốn sử dụng bạo lực. Nguyên nhân của sự bất ổn nằm ở sự bất công trong chính sách, mà trầm trọng nhất là trong luật đất đai. Ở đâu có bất công, thì ở đó có phản kháng. Ở đâu có trấn áp thì ở đó sẽ sinh ra bạo lực. Em có nghe tôi hay không thì không rõ, vì anh em chỉ gặp nhau mỗi năm một lần, còn em nghe VTV, VOV hàng ngày. Cách đây 2 năm, thành tích của đội U23 đã làm nức lòng nhiều người Việt. Cuối cùng, chúng ta cũng có cái gì đó để cùng tự hào. Đọc những lời bình: „Bóng đá làm con người xích lại gần nhau..“, „Các em U23 đã làm cho chúng ta yêu thương nhau hơn…“, tôi đã kể những giấc mơ của tôi, trong đó có Đồng Tâm. https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2043796408971755 Giấc mơ đó đã không thành. Nhưng cuộc đời mà không có những giấc mơ thì quả là vô vị. Tôi đã chia sẻ bài viết của chi Sao Mai, vì liên hệ đến những gì tôi nghe từ họ hàng. Chị buồn và cảm thấy cô đơn vì con trai chị nói: Giết một người để bảo vệ yên lành cho cả xã hội là cần thiết. Giá như vài năm trước, chị có thể im lặng nuốt nước mắt vì những ý nghĩ ghê sợ đó bị cài cắm vào đầu đứa con trai yêu quý. Nay chị chia sẻ nỗi đau trên FB và có gần ngàn người like bài biết của chị. 210 người đã chia sẻ bài viết. Số người đọc và âm thầm đau xót còn lớn hơn rất nhiều. Con trai chị chắc sẽ nghĩ lại. Người như chị nay đang nhiều lên, vì vậy chị không còn cô độc. https://www.facebook.com/sao.mai.56027281/posts/2642961615924769 Máu của cụ Kình đã không trở thành vô ích. Cái chết của cụ đã làm nhiều người nhìn ra chân lý: Chỉ „Chống tham nhũng" không giải quyết được cái gốc của các vấn nạn đang đè chặt lên đất nước này. Cái gốc nằm ở một thể chế dân chủ, một nền pháp luật minh bạch, một hệ thống báo chí tự do và lành mạnh.... Cái gốc quan trọng còn là một xã hội nhân đạo, văn minh mà ở đó nông dân không trồng rau bẩn để làm giàu, doanh nghiệp không phá họai thiên nhiên để hốt bạc, tăng lữ không bán lòng tin để kiếm tiền, người cầm bút không viết láo để thăng tiến… Đặc biệt không người Việt nào cổ vũ nhau giết người để mình sống yên lành. Tôi vẫn mơ về ngày đó. 25.1.2020 - Ngày đầu năm Canh Tý. *** Lời tựa đặt thêm.  
......

Cụ Lê Đình Kình – Nhập Cuộc và Ra Đi

Nguyệt Quỳnh| Tiếng khóc ai oán của chị Nhung con cụ Lê Đình Kình – người bị lực lượng cưỡng chế giết chết ở Đồng Tâm – như một nhát dao xuyên suốt tất cả trái tim những ai lắng nghe nó. Cho dù họ là người của chính quyền hay các nhà hoạt động, những người khác hẳn nhau về chính kiến. Ở giữa những nức nở ấy là hình ảnh hãi hùng của cụ Kình: bị bắn gãy rời chân trái, đầu be bét máu, bị trúng một viên đạn ngay tim, máu me đầy giường cụ nằm. Cụ ra đi đúng 3 giờ sáng hôm 9 Tháng Giêng, ngay tại nhà của mình. Trong cái cảm giác thương xót tận cùng, câu hỏi trong đầu mọi người vẫn là: Tại Sao? tại sao lại vào lúc này, ngay những ngày cận Tết? Ai có thể biện minh cho hành động huy động công an, quân đội xông vào nhà riêng của dân, đánh giết họ như đánh úp kẻ thù vào lúc 3 giờ sáng? Câu hỏi dẫn đến những biến cố thương đau như một diễn trình của lịch sử. Từ Văn Giang, Dương Nội cho đến Hưng Yên, … cũng ào ạt quân đội, công an, cũng mịt mù khói súng và tiếng gào khóc. Những vụ cưỡng chế tiếp nối cưỡng chế, những quy hoạch và đền bù rẻ mạt, … Đó là số phận thảm thương của dân nghèo Việt Nam. Nhưng cách hành xử của chính quyền, những gì tiếp nối sau đó mới là bi kịch của đất nước này. Bi kịch của những người tiếp tục phải sống với cái giả dối, tàn nhẫn đến trần trụi của chúng: – Thông Báo: Sau khi xông vào nhà dân vào nửa đêm, giết chết cụ Kình và bắt đi một số người, Bộ Công An ra thông báo trên giấy trắng mực đen rằng “những người dân này đã tấn công lực lượng chức năng, trong quá trình họ đang tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn vào sáng ngày 9/1;” – Xử Lý: Với vẻ mặt thất thần, cụ bà Dư Thị Thành vợ cụ Lê Đình Kình kể lại với người phóng viên cung cách lấy cung của công an: “Người ta bắt khai là ở nhà cầm lựu đạn, tôi bảo là tôi không biết quả lựu đạn thế nào, tôi không biết bom xăng là thế nào, thì tôi không khai được. Thế là nó tát, cứ thế nó tát, nó đá, tát suốt, hết bên nọ sang bên kia, xong rồi nó đá vào hai bên ống chân …”; và – Tuyên Dương: Giữa những đau thương, tang tóc của gia đình nông dân Lê Đình Kình, nguyên thủ quốc gia truy tặng ngay huân chương chiến công hạng nhất cho ba chiến sĩ công an bất hạnh. Chẳng có tên giặc xâm lược biển đảo nào bị giết vì họ. Cái chết phí hoài, vô nghĩa và những huân chương trên xác của người dân chỉ mang đến một sự sỉ nhục lớn đối với lực lượng công an và đối với linh hồn người đã khuất! Để bôi xoá danh dự của một người đã khó, nói chi đến một làng. Dân Đồng Tâm đã một thời hy sinh bảo vệ đất nước bằng máu của chính họ, đâu thể nào chỉ qua một đêm lại trở thành những kẻ gây rối, một bọn xì ke ma tuý. Sự thật luôn luôn là một vũ khí mạnh mẽ nhất, và chính nó đang xoá sạch thanh danh, nhân cách của những kẻ đã xuống lệnh bôi nhọ họ. Tôi không khóc cụ Kình, tôi nghĩ nhiều người cũng thế, nỗi đau làm cho nước mắt con người khô cạn. Tôi cúi đầu trước một công dân đáng kính, một thủ lĩnh tinh thần của Đồng Tâm. Không thể nào tìm kiếm công lý và công bằng trên một đất nước dẫy đầy oan sai dành cho số phận người dân thấp cổ bé miệng. Cụ Kình đã chọn cuộc chiến cuối với thái độ rất rõ ràng và quyết liệt. Những video trên mạng còn ghi lại những tâm huyết của cụ qua một số các chia sẻ: “… vì chúng ta là người dân sống có trình độ và có văn hóa nên chúng ta vẫn tôn trọng số hecta đất quốc phòng. Nếu họ cứ xây trên 47,36 hecta thì chúng ta đồng tình ủng hộ và giúp đỡ họ. Còn nếu họ nhích ra bên ngoài cái 47,36 hecta đó, mặc dù chỉ 1 mét vuông, thì chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất của chúng ta. 59 hecta của chúng ta to thật nhưng danh dự danh sự phẩm chất con người của xã Đồng Tâm là quê hương anh hùng thì cái danh dự đó còn lớn hơn. Và chúng ta phải bảo vệ đến cùng,”   Và cụ đã bị giết chết, một người mà cho đến tận cuối đời vẫn trung kiên với dân tộc và đất nước, một người chọn sống với phẩm giá và sẵn sàng chết cho điều mình lựa chọn. Cụ Kình đã ra đi, công dân Lê Đình Kình đã nhập cuộc và ra đi như thế giữa cuộc đời này. Tôi không tin rằng bất cứ một thế lực nào có thể làm vấy bẩn một con người như vậy. Sáng ngày 13 tháng Giêng, tất cả người dân thôn Hoành đã chít trắng khăn tang tiễn đưa cụ. Người ta bảo rằng không chỉ riêng toàn bộ người làng Đồng Tâm mà người dân ở các làng lân cận cũng đeo tang trắng. Số phận của dân làng Đồng Tâm coi như đã được định đoạt. Nhưng tôi lại có cái cảm giác rằng Đồng Tâm bỗng dưng trở thành cuộc chiến riêng của mỗi người – Những cái tát trên mặt cụ bà Dư Thị Thành; gương mặt méo mó, thâm tím vì bị tra tấn cùng những lời thú tội của con cháu cụ Kình; Những thông tin bất nhất từ Bộ Công An;… – Tất cả đã phơi bày một chế độ cực quyền cùng phẩm chất của nó đối với người dân. Và cái kết thúc của của nó khiến người ta rùng mình ghê sợ! Vô hình chung nó đánh thức phần lương tâm sâu thẳm nhất trong mỗi con người. Thực ra cụ Kình đã không chết, nếu coi cái chết là một sự chấm dứt. Một cụ già ở tuổi 84 vẫn tuyên chiến với cái ác và bạo lực đã như một tiếng chuông cảnh tỉnh. Chính viên đạn xuyên suốt vào trái tim hào hiệp của cụ đã khiến người ta trăn trở về xã hội Việt Nam, về phẩm chất cuộc sống của riêng mình. Số phận 22 người dân đang chờ bị khởi tố đang nằm trong bàn tay của chính quyền. Cái sống và cái chết của họ tuỳ thuộc vào nhóm lãnh đạo CS, nhưng nó cũng tuỳ thuộc vào thái độ hành xử của tất cả mọi người, từ các cán bộ quan chức trong bộ máy chính quyền, các nhân sĩ trí thức, các tổ hợp luật sư, các tổ chức chính trị, các nhà hoạt động, … cho đến người dân bình thường. Sự “im lặng” kéo dài quá lâu đã là đồng phạm trên biết bao thảm cảnh của người dân, liệu nó có còn tiếp tục trên thảm kịch của Đồng Tâm? Câu hỏi này xin dành cho tất cả chúng ta, những người có thể vô can nhưng không hẳn đã là vô tội.
......

Khi những ngọn gió làm nên bão tố

Trần Trung Đạo| Việt Nam không phải là Miến Điện, không phải là Ai Cập, không phải là Libya, không phải là Tunisia và không phải là Venezuela. Việt Nam là CSVN và mũi khoan của bộ máy độc tài toàn trị này đã khoan rất sâu vào lịch sử dân tộc, đục thủng nhận thức của nhiều thế hệ người Việt và gây tác động quyết định vào chọn lựa cuối cùng của những người Việt có khả năng làm thay đổi xã hội. Đó không phải chụp mũ chung chung mà là thực tế. Đừng hỏi ai xa lạ. Thử hỏi những nhân vật có tiếng tăm, có khuynh hướng chống Trung Cộng và đang đóng vai trò phản biện như tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, giáo sư Tương Lai rằng họ thật sự muốn một cuộc cách mạng toàn diện xảy ra tại Việt Nam như đã xảy ra tại Nga và các nước Đông Âu trong giai đoạn 1990 không. Người viết tin rằng họ sẽ trả lời là không. Bởi vì, dù có phản biện trong chừng mực nào đó về các chính sách kinh tế, xã hội họ đều phản biện với mục đích vun xới để đảng CS sống lâu chứ không nhằm thay đổi. Bà Phạm Chi Lan ca ngợi việc tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng kiêm chủ tịch nước là một chủ trương đúng. Theo bà “nhất thể hóa” “giúp nhiều cho chính phủ đỡ khó khăn hơn trong các hoạt động. Trên thực tế hiện nay thì nhiều khi các hoạt động theo quyết định của bên Đảng, bên chính quyền thì có những cái song trùng và bộ máy trở lên lớn hơn rất nhiều… Nếu các cơ quan được đơn giản hóa như vậy thì nhiệm vụ giữa 3 nhánh quyền lực cũng có thể được xác định lại rõ hơn. Hiện nay thì cả 3 nhánh quyền đều chịu sự lãnh đạo của một đảng, nhiều khi không phân định được rõ trách nhiệm giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp.” Còn hơn bà Phạm Chi Lan nữa, 15 năm trước Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã ca ngợi “nhất thể hóa” theo quan điểm Lenin: “Nhất thể hóa nó có cái lợi, tức là người đứng đầu có một danh nghĩa của toàn dân. Như trên tôi nói, trong giao lưu quốc tế, tự nhiên sinh ra một cái ông dân không bầu lên mà đi ra với mọi người thì ngoại giao vất vả lắm chứ không phải đơn giản đâu. Nhưng làm thế rồi thì phải có một bộ máy giám sát. Tôi thấy mô hình Uỷ ban Kiểm tra Trung ương như thời Lênin, do đại hội bầu ra, có quyền giám sát, được quyền thông tin, được quyền có một bản sao, được quyền phân tích, góp ý kiến, có một cơ chế để giám sát rất rõ ràng.” Chẳng lẽ cả hai vị đều không hiểu một kiến thức chính trị công quyền căn bản nhất mà mọi sinh viên học lớp chính trị học 101 nào cũng hiểu, rằng dù nhất thể, lưỡng thể hay tam thể hóa thì dưới chế độ CS không bao giờ có sự “phân định được rõ trách nhiệm giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp” như bà Phạm Chi Lan phát biểu. Tương tự, không thể có “một cơ chế để giám sát rất rõ ràng”như ông Lê Đăng Doanh đồng ý với chính sách của Lenin trước 1924. Mục đích tối hậu của đảng CSVN trong “nhất thể hóa” là hòa tan đảng và nhà nước thành một để người dân không còn thấy sự khác biệt giữa đảng cai trị và nhà nước lãnh đạo, giữa đảng CSVN và tổ quốc Việt Nam, giữa pháp trị và pháp quyền. Những nhân vật như Ts Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan là những tiếng nói có trọng lượng, có ảnh hưởng trong các lãnh vực chuyên môn cũng như lý luận tại Việt Nam nhưng tại sao đầu thế kỷ 21 rồi mà họ vẫn tiếp tục cổ võ cho chế độ độc tài mà gần cả thế giới đã xem như một khối u phải được cắt bỏ và đã được cắt bỏ tại nhiều nơi trong tiến trình phát triển của văn minh nhân loại? Họ vun xới đảng CS có thể vì tư lợi, vì danh vọng, vì bị nhồi sọ và có thể vì cả ba lý do vừa nêu nhưng không thể vì thiếu kiến thức. Chắc chắn những vị đó biết các nguyên tắc tam quyền phân lập, kiểm soát và thăng bằng (check and balance) giữa các ngành và minh bạch chính quyền (công khai, trách nhiệm, trung thực) là vô cùng cần thiết để một xã hội phát triển theo hướng văn minh và hiện đại. Chắc chắn các vị đó biết lý do Nam Hàn phát triển quá xa so với Bắc Hàn, Tây Đức phát triển quá xa so với Đông Đức, Tây Âu phát triển quá xa so với Đông Âu. Nguồn thúc đẩy chính là từ cơ chế và do đó để thay đổi hướng đi của một đất nước, không có chọn lựa nào khác hơn là phải thay đổi cơ chế như Đông Đức, các nước Đông Âu, các nước Baltics đã làm. So sánh giữa những thành phần học cao, hiểu rộng, có ý thức phân biệt, có lý luận đúng sai, đi nhiều nơi trên thế giới đang tiếp tay với chế độ độc tài và những bà cụ già buôn gánh bán bưng, những bác nông dân đầu tắt mặt tối, những cô gái trẻ cởi truồng đi bão sau những trận banh, ai đáng trách và ai đáng thương? So sánh giữa những người nô lệ phải sống đời nô lệ vì họ không có chọn lựa nào khác và những người tự nguyện làm nô lệ để đem sự hiểu biết của mình giúp cho chủ nô đày đọa đồng bào, ai đáng cảm thông và ai đáng khinh khi? Cuộc cách mạng nào cũng cần phải có một thành phần tiên phong xuất phát. Họ không nhất thiết phải học cao hiểu rộng nhưng là những người hiểu được nguyện vọng sâu xa của dân chúng, thấy được hướng đi của thời đại và dứt khoát đồng thuận với các nguyên tắc tiền đề (thôi thúc bởi lòng yêu nước, không trông chờ bàn tay ngoại quốc, có thái độ chính trị dứt khoát, có mục đích cụ thể trong mỗi thời kỳ). Xây dựng thành phần này là nhu cầu bức thiết nhất trong tiến trình cách mạng dân chủ tại Việt Nam. Thay vì ngồi chờ các ông bà phản biện có giấy phép kia đứng lên làm cách mạng, hãy tập trung vào việc xây dựng lực lượng cách mạng bằng học hỏi, trau dồi kiến thức, chịu đựng và hy sinh. Chỉ có thành phần tiên phong và dứt khoát mới là lực lượng có khả năng tác động trực tiếp vào sự thay đổi của xã hội, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để mọi tầng lớp dân chúng phát huy tiềm năng và chủ động được cuộc sống của họ, độc lập, và khi cần, đương đầu trực tiếp với chế độ. Việt Nam không phải là Miến Điện, không phải là Ai Cập, không phải là Libya, không phải là Tunisia và lại càng không phải là Venezuela. Việt Nam là CSVN, một cơ chế độc tài được chỉ đạo bằng một đội ngũ tuyên truyền tinh vi, thâm độc với 90 năm kinh nghiệm và một nhà tù trải trộng 331.699 km² . Cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam, vì thế, khó khăn hơn nhiều, phức tạp hơn nhiều. Nhưng nhân dân Việt Nam và nhân dân Venezuela cũng chia sẻ chung một khát vọng được sống trong tự do, dân chủ. Đó là khát vọng của con người dù đang sống ở Đông hay Tây Bán Cầu. Hình ảnh những thanh niên nam nữ Venezuela đang xuống đường ở thủ đô Caracas và hình ảnh những thanh niên nam nữ Việt Nam xuống đường chống Trung Cộng vào 10 tháng 6, 2018 đều gây xúc động. So với những ngày tăm tối của những năm sau 1975, ánh sáng của cuộc cách mạng tin học, còn giới hạn nhưng đang giúp cho các thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội trực tiếp hay gián tiếp thu nhận các tư tưởng dân chủ để qua đó nhận thức được hướng đi đích thực của dân tộc trong thời đại. Lực lượng cách mạng còn khá ít ỏi, một số bị tù đày, một số tản mác khắp nơi nhưng đã có và họ đã lên đường. Một nhắc nhở lịch sử dành cho đảng CS và “thành phần phên giậu”. Tháng Ba, 1990, để cứu Liên Sô, Mikhail Gorbachev đã đưa chức vụ đảng hòa tan vào chủ tịch nước thành “nhất thể” trong đó ông ta là lãnh tụ đảng đầu tiên trong lịch sử Liên Sô kiêm nhiệm hai chức vụ đảng và nhà nước. Nhưng dù cố gắng, nỗ lực cứu đảng của Mikhail Gorbachev quá trễ tràng và Liên Sô cáo chung chỉ hơn một năm sau đó. CSVN đang bước lên vết xe đổ của Liên Sô. Không hẳn ngọn gió nào cũng làm nên bão tố nhưng chỉ vì bức tường CS rêu phong, rệu rã nhiều năm nên những ngọn gió dù không quá lớn cũng có thể làm nên bão tố, xô ngã bức tường chuyên chính CSVN. Năm mới trao cho nhau niềm tin vì niềm tin là sức mạnh./.  
......

Mùa xuân kể chuyện xưa: những chuyến vượt biên để trở về.

Ông Nguyễn Ngọc Đức. Ngoc Duc Nguyen| Năm hết, Tết đến, tôi bồi hồi nhớ chuyện đã qua. 2 tháng 9 năm 2017, tôi công tác tại Campuchia cùng một số anh em. An ninh Việt Nam đã phục kích tạt axít chúng tôi. Một hình thức khủng bố hèn hạ mà tôi không hề ngờ trước. Tôi là đích nhắm nên đã lãnh gần như trọn vẹn. Anh em khác bị không đáng kể và đó là điều may, vì những anh em này không có quốc tịch nước ngoài như tôi, nếu bị nặng, thì sẽ nguy hiểm vô cùng. Hơn 2 năm chữa trị, tôi đã có thể đi lại, nhưng nhiều vấn đề sức khỏe vẫn phải giải quyết. Ảnh: ông Nguyễn Ngọc Đức mới đây, sau khi bị Việt cộng khủng bố tại Campuchia. Có bạn thương hỏi sao qua đó làm chi để bị như vậy? Tôi nói tôi đang đi theo con đường lý tưởng mà tôi đã chọn. Tôi đến Pháp năm 1978, sau một chuyến vượt biển tìm tự do. Tôi đi học, ra trường vào làm cho một hãng điện toán lớn nhất nước Pháp lúc đó. Lấy vợ, sinh con, việc làm và đời sống tương đối ổn định. Nhưng, như nhiều sinh viên Việt Nam khác, tôi vẫn muốn đóng góp để đất nước thay đổi. Tôi tham gia hoạt động trong giới sinh viên, đi làm thiện nguyện giúp người tỵ nạn, biểu tình đòi nhân quyền tại Việt Nam, tranh đấu cho những người bị cầm tù như giáo sư Đoàn Viết Hoạt, bác sĩ Nguyễn Đan Quế,...   Đầu thập niên 80, sự kiện anh Trần Văn Bá, rồi đến các ông Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh làm bùng lên trong chúng tôi ngọn đuốc yêu nước chói sáng. Bạn bè tôi, người thì đi theo tổ chức của anh Bá, người ủng hộ ông Võ Đại Tôn. Một không khí phấn chấn khó tả bao trùm sinh hoạt của anh em sinh viên Việt Nam tại Paris thời đó. Riêng tôi và vài người bạn khác đã chọn tổ chức ông Hoàng Cơ Minh. Hai người đàn anh dẫn dắt tôi lúc đó là anh Trần Đức Tường và anh Nguyễn Ngọc Danh. Đây cũng là những người, có vợ anh Tường và vợ anh Danh, làm chứng đám cưới vợ chồng tôi. Nhờ phúc của các anh chị, gia đình tôi sống hạnh phúc cho đến ngày nay. Tham gia vào Việt Tân được một thời gian, tôi quyết định bỏ việc làm tại hãng Bull để dành trọn thời gian đóng góp cho tổ chức. Đây là quyết định mà nhiều bạn bè cực lực ngăn cản. Điều may mắn là tôi được sự ủng hộ hay đúng hơn là không ngăn cản của vợ tôi. Thế là tôi "thoát ly" nói theo cách lãng mạn của các nhà cách mạng thời chống Pháp. Sau biến cố Nam Lào 1987, tổ chức chúng tôi bị thiệt hại nặng nề. Nhiều lãnh vực, một số địa bàn phải xây dựng lại từ đầu. Tôi được giao trách nhiệm gầy dựng lại các con đường giao liên ra vào Việt Nam, xây dựng một số hạ tầng cơ sở ở các nước Đông Nam Á và Việt Nam. Với trách nhiệm này, tôi phải tìm cách ra vào Việt Nam, tới lui các nước chung quanh, móc nối lại những anh em cũ, vận động sự hợp tác, liên kết với những người cũng lý tưởng. Tôi lặng xuống một thời gian, hy vọng an ninh Việt Nam bớt chú ý, để có thể về bằng con đường chính thức. Nhưng vô phương. Sau nhiều lần thử, tôi biết là tôi không thể về bằng con đường này. Trước đây, tôi là người vượt biển trái phép tìm tự do. Cả triệu người Việt Nam khác cũng như tôi, vì khát vọng tự do đã vượt biên, vượt biển, làm nên làn sóng boat people chấn động lương tâm nhân loại. Vậy tại sao tôi không thể vượt biên, vượt biển trở về Việt Nam để tranh đấu cho khát vọng tự do của dân tộc tôi ? Đó là sự chọn lựa của tôi trong những năm qua, để có mặt trên đất nước những khi cần thiết. Cái gì đầu tiên bao giờ cũng là kỷ niệm khó quên. Chuyến vượt biên trở về đầu tiên đã ghi đậm trong ký ức của tôi. Tôi trở về quê hương vào buổi bình minh, trên một con đê làng. Hình ảnh mà tôi đã mất từ lâu nay, bỗng được thấy lại trong bồi hồi, xao xuyến. Đó là hình ảnh các nữ sinh mặc áo dài trắng nối đuôi nhau đạp xe đến trường, trong ánh mặt trời mới lên, chiếu xuyên qua các tàng dừa, nhảy múa trên các tà áo trắng. Đây là hình ảnh mà tôi mong sẽ luôn hiện hữu trên quê hương ta. Chuyến đi đầu tiên hoàn tất tốt đẹp. Từ đó, tôi vượt biên về nước nhiều lần. Mỗi chuyến đi là một thử thách để vượt qua những rũi ro. Nhưng mỗi chuyến đi cũng là cơ hội tôi được bơm thêm "xăng dầu" để ngọn lửa của niềm tin lúc nào cũng bừng sáng trong tôi. Không bừng sáng niềm tin sao được khi mình được gặp anh em, được gặp những người cùng lý tưởng, cùng tầng số. Mỗi cuộc gặp gỡ là một kỷ niệm in sâu trong ký ức. Như lần đầu gặp Đài, ngay tại nơi anh bị quản chế. Mặc dù rũi ro bị bắt lúc nào cũng có, nhưng hai anh em hàn huyên không còn nhớ thời gian, khi chia tay thì đã quá giờ dự định. Như lần gặp một người bạn khác mà tôi chưa tiện nêu tên, trong một nhà thờ, vào buổi lễ chiều. Bạn đưa tôi leo lên sát nóc nhà thờ, ngồi trên những cột kèo nói chuyện. Bên dưới tiếng kinh cầu, tiếng thánh ca vang vang. Hai anh em ngồi đó nói chuyện mãi mê, đến khi chợt tĩnh, chung quanh hoàn toàn im lặng, không tiếng người, không cầu kinh, không nhạc. Nhìn đồng hồ thì đã 23 giờ đêm. Như lần gặp gỡ nhà giáo Phạm Toàn tại Hà Nội. Ông ôm tôi rươm rướm nước mắt. Vì ông không nghĩ rằng tôi có thể có mặt ngay tại lòng thủ đô Hà Nội, cùng với ông ngồi uống cà phê Thủy Tạ. Tôi kính nhà giáo Phạm Toàn như thày tôi, mặc dù ông không dạy tôi một giờ nào. Nhưng tôi đã học rất nhiều ở ông, đặc biệt là lập trường không phân biệt "Nam Bắc, trong ngoài hay Việt Tân, Việt Tiết gì hết", miễn là đang làm lợi cho phong trào dân chủ là ông chơi. Thày Toàn và tôi đã kết bạn vong niên, nhưng tiếc rằng thày đã ra đi vĩnh viễn.   Như những lần gặp gỡ thày Thiện Minh, Cha Phan Văn Lợi và những người mà tôi luôn tôn kính, ngưỡng mộ. Không bừng sáng niềm tin không được, khi họ đã cho tôi sức nóng niềm tin của họ, niềm tin về một đất nước thật sự tự do, dân chủ và thái hòa. Như chuyến đi ra đảo Lý Sơn để thăm và tặng quà cho những gia đình ngư phủ nạn nhân của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Như cuộc kỳ ngộ với người nhạc sĩ đường phố Tạ Trí Hải bên bờ hồ Hoàn Kiếm và sau đó cả hai đã cùng hợp ca "Nỗi lòng người đi" và "Áo lụa Hà Đông", giữa lòng Hà Nội về đêm. Tất cả đều là những kỷ niệm mà tôi luôn trân quý, gìn giữ.   Tôi đi như vậy hơn 10 năm. Nhiều lần tưởng đã bị an ninh bắt. Nhưng tôi vẫn thoát trong đường tơ, kẽ tóc. Vừa là may mắn, vừa là nhờ những người thương quí tôi, đã giúp tôi thoát hiểm, bất chấp hậu quả sau đó có thể xảy ra cho họ. Tôi vẫn nhớ người cô của tôi đã qua đời. Sau khi rời Việt Nam, tôi không hề liên lạc, vì sợ liên lụy đến cô. Nhưng trong một chuyến công tác bị bại lộ, an ninh giăng lưới khắp nơi để bắt. Tôi không còn nơi an toàn nào. Tôi chợt nhớ đến cô. Hôm đó trời mưa rất lớn. Cô đội mưa ra đầu ngõ đón tôi. Vào nhà, cô không hỏi gì, mà chỉ bảo tôi lên lầu, vào căn phòng thờ của cô. Trên bàn thờ, là hình những người thân nhất của tôi đã qua đời. Cô nói "con thắp nhang cầu nguyện tổ tiên phù hộ cho con đi". Cô và tôi cùng cầu nguyện trước bàn thờ. Bên ngoài mưa lớn, nhưng tôi không còn nghe gì, ngoài tiếng thì thầm của cô cầu nguyện ông bà, đặc biệt là chị cả của tôi, "có linh thiêng xin phù hộ cho thằng Đức tai qua, nạn khỏi". Mắt tôi cay cay và trong tiếng rào rào của những hạt mưa rơi, tôi nghe như có tiếng vỗ về, an ủi của những người thân đã khuất. Tôi vẫn nhớ một nữ tu. Bà đã đón tôi về nơi bà và đồng đạo sinh hoạt, dù chưa biết tôi là ai, chỉ biết đây là người đang bị công an truy bắt và cần được giúp đỡ. Tại đó, tất cả đã ngồi xuống cầu nguyện cho tôi. Trong thinh lặng, chỉ có tiếng lâm râm nguyện cầu. Tôi cảm được sự mầu nhiệm của đấng thiêng liêng, cảm được hơi ấm của tình người và lấy lại sự tự tin, sau mấy ngày bị công an truy bắt. Tôi vẫn nhớ chuyến đi xuyên đêm để vượt biên trở ra. Tối hôm đó trời tốt, nhưng rất tối. Người nữ tu đưa tôi đến bờ sông, một con thuyền nhỏ đang chờ sẵn. Chúng tôi chia tay nhau trong tiếng rì rào của gió nước. Người nữ tu đứng trên bờ nhìn theo tôi vượt biên trở về nơi ánh sáng, trong khi bóng bà mờ dần trong đêm. Ngày xuân bồi hồi nhớ chuyện xưa, tôi thấy mình đã nhận được rất nhiều ân sủng của Thượng Đế trong cuộc đời này. Ân sủng đến từ những chiến hữu cật ruột của tôi, ở trong cũng như ngoài nước, đang được tự do hay đang bị giam cầm, vẫn tiếp tục giúp tôi hâm nóng ý chí đấu tranh bằng "tình chiến hữu" thiêng liêng mà chỉ có chúng tôi, những anh em trong Việt Tân, mới cảm nhận được. Ân sủng đến từ vợ và các con của tôi, từ những người ruột thịt và họ hàng thân thích, dù còn sống hay đã mất, luôn luôn ủng hộ, bảo bọc và phù hộ tôi trong "những ngày đi hoang" vì lý tưởng của mình. Ân sủng đến từ những người Việt Nam ở đó đây, mà trên con đường tranh đấu tình cờ tôi quen biết, hay do cảnh ngộ đưa đẩy mà quen nhau. Như anh B, em H, em Q,... những người đã cùng chia với tôi nhiều hoạn nạn. Như người nữ tu bên bờ sông. Như vị mục sư cả đời đấu tranh cho công lý đã tự tay làm một con gà mọi, rồi ngồi lai rai tâm sự với tôi về chuyện mình, chuyện ta. Những ân sủng này, tôi giữ mãi trong lòng. Vì đó là gia tài quý giá nhất mà tôi có được, đang giúp cho tôi ngày một giàu niềm tin hơn, trong cuộc chiến đấu vượt qua chính mình để tiếp tục hữu ích cho quê hương. Ngày xuân, xin được gửi hai chữ "TẠ ƠN" đến tất cả những người mà tôi đã nhận được ân sủng trong cuộc đời này. Mừng Xuân Canh Tý. Mừng chị tôi đi thêm một vòng 12 con giáp. Chúc chị luôn vui khỏe, sống đời với con cháu. Nguyễn Ngọc Đức https://www.facebook.com/ngocduc78/posts/3020659281287342  
......

Thấy gì qua hai cuộc quyên tiền phúng điếu cụ Lê Đình Kình?

Nguyễn Hùng -  VOA| Sau khi cụ Lê Đình Kình bị bắn chết tại nhà riêng ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, hai cuộc vận động quyên tiền phúng điếu và giúp đỡ gia đình cụ bà Dư Thị Thành đã diễn ra. Ngoài mất chồng, hai con và hai cháu bà Thành hiện đang bị giam cầm và khả năng bị tra tấn là khó tránh khỏi. Bản thân bà cũng đã bị tát vào hai má và đá vào hai chân khi bị công an truy vấn hôm 9/1. Cuộc vận động thứ nhất do nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh đứng ra nhận tiền quyên góp trong hai ngày 13 và 14/1. Gần 700 người dân đóng góp cả thảy hơn nửa tỷ đồng để gửi tới gia đình cụ Kình nhưng ngân hàng Vietcombank đã phong toả tài khoản của bà Hạnh khi bà tới rút tiền hôm 17/1. Làn sóng chỉ trích và tẩy chay Vietcombank đã khiến ngân hàng này phải thúc giục Bộ Công an ra thông báo ngay trong ngày 17/1 về lý do phong toả tài khoản. Ngay lập tức gần 700 người đóng góp bị Bộ Công an vu “tài trợ khủng bố” mặc dù không ai ở Đồng Tâm bị truy tố về tội danh này. Cuộc vận động thứ hai bắt đầu từ ngày 18/1 mà một trong những người đứng ra tổ chức là nhà hoạt động Phạm Đoan Trang. Chỉ sau 32 giờ, số tiền quyên góp đã vượt quá mục tiêu 20.000 đô la mà các nhà tổ chức đề ra. Sang ngày 20/1, số tiền phúng điếu đã lên trên 30.000 đô la nhờ đóng góp của hơn 700 người hảo tâm. Số tiền này nhiều hơn chừng 200 triệu so với số tiền quyên góp được trong lần đầu. Vậy có thể thấy gì qua hai lần quyên góp với sự tham gia của khoảng 1.400 người này? Tốc độ và số tiền quyên được từ cả hai đợt vận động cho thấy nhiều người dân thực sự hành động theo phương châm “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Họ thấy đau lòng khi chứng kiến các hình ảnh thi thể ông Kình lỗ chỗ vết đạn, chân trái gãy lìa và có vết mổ dài từ ngực xuyên xuống bụng. Cho tới khi chết ông vẫn là đảng viên từng bị đảng vô cớ đánh gãy chân, chưa bị toà án nào kết tội và đang ở tư gia lúc 4h sáng. Bản thân tôi cũng đóng góp chút ít để giúp cụ bà Dư Thị Thành vượt qua những mất mát vô cùng lớn và vô vàn khó khăn trước mắt. Một số dư luận viên ngay lập tức xông vào cắn xé, văng tục và lý sự cùn trong chia sẻ của tôi trên Facebook mà tôi cũng dẫn mấy câu thơ: “Những bàn tay nắm những bàn tay Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt, Buồn ở đâu hơn ở chốn này…” Những lời lẽ chày cối của dư luận viên trong mấy ngày qua cũng cho thấy tâm thức cam chịu làm kiếp cừu, thậm chí tệ hơn nhiều của một bộ phận trong xã hội. Họ cho rằng nhà nước luôn phải đúng và phải là cha mẹ dân trong khi điều ngược lại mới là hợp lý trong xã hội dân chủ. Dân luôn có trước, nhà nước có sau và nhà nước không tự nhiên vì dân mà chỉ bị buộc phải làm như vậy khi được dân giám sát hiệu quả qua quốc hội, tư pháp và báo chí độc lập. Cả ba cơ chế giám sát này đều không có hoặc vô cùng yếu ở Việt Nam. Lý sự thứ hai của dư luận viên là những người như cụ Kình và các thành viên trong gia đình cụ Kình không phải là dân. Có toà án nào tước quyền công dân của họ chưa hay chỉ mới có sự kết tội của truyền thông, lực lượng sống nhờ tiền thuế của dân và đáng ra phải trung lập chứ không phải ngả hẳn về chính quyền như hiện nay. Thậm chí cụ Kình còn chưa bị khai trừ đảng và là một trong những đảng viên ít ỏi bị đảng giết một cách dã man. Một lý luận nữa là đất nhà nước muốn lấy từ tay dân Đồng Tâm là đất quốc phòng nên người dân bắt buộc phải trao cho nhà nước. Chưa kể việc đây là lý luận cùn, có lẽ họ chưa đọc bài “những dự án nghìn tỷ từng là đất quốc phòng”. Lý luận khác nữa của dư luận viên trong chuyện không nên ủng hộ gia đình cụ Kình là họ có chủ trương bạo lực. Mặc dù có thành viên trong gia đình cụ Kình tuyên bố như vậy, họ chưa từng có bất kỳ hành động nào cho tới khi lực lượng cảnh sát cơ động xông vào bắt họ mà không hề có lệnh của Viện Kiểm sát. Cái cớ truy đuổi tội phạm chỉ được Bộ Công an nặn ra về sau này và cũng chỉ là nói khơi khơi chứ không có “bằng chứng” video như những video “nhận tội” mà VTV đã chiếu một cách trơ trẽn. Trong một nền tư pháp nghiêm minh, tất cả các cơ quan truyền thông đưa ra thông tin có thể khiến thẩm phán có phán quyết thiên vị cho các bị can đều có thể bị truy tố tội phỉ báng toà án. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi xã hội phải đối xử với các bị can như những người vô tội cho tới khi toà phán khác đi. Ngoài đóng góp ủng hộ gia đình cụ Kình, tôi cũng quảng cáo cho trang quyên góp tiền phúng điếu qua Facebook. Điều tôi rút ra từ hai quảng cáo, một nhắm vào người Việt trong nước và một nhắm vào Việt kiều ở Hoa Kỳ là người dân thực sự quan tâm tới vụ tấn công ở Đồng Tâm hôm 9/1. Dĩ nhiên nhiều người trong nước quan tâm hơn và điều gây ngạc nhiên là những người ở độ tuổi 16-17 (tôi chọn chỉ gửi quảng cáo tới những người từ 16 tuổi trở lên) quan tâm tới vụ việc và dám tương tác với chia sẻ của tôi nhiều hơn hẳn so với các độ tuổi còn lại. Có tới trên 30% các bạn nữ và chừng 45% các bạn nam ở độ tuổi 16-17 tương tác theo thống kê của Facebook. Đối với người Việt ở Hoa Kỳ, tôi chọn những người biết tiếng Việt để nhờ Facebook gửi bài tới và đương nhiên những người có tuổi chiếm phần lớn số tương tác có được. Lực lượng dư luận viên và những người đã bị phơi nhiễm thông tin tuyên truyền từ nhiều năm sẽ không thể hiểu nổi tại sao người dân sẵn lòng giúp gia đình cụ Kình. Lý do thì có nhiều nhưng tựu chung lại là họ đã tan cửa nát nhà trong khi chưa làm điều gì ác cho tới khi bị tấn công. Còn chính quyền thì đã làm nhiều điều ác và dối trá về những việc làm xấu xa của họ từ nhiều năm nay rồi. Những ai muốn tìm hiểu thêm chỉ cần vào google tìm “cải cách ruộng đất”, “nhân văn giai phẩm”, “thảm sát Mậu Thân”… hay xem lại video tôi phỏng vấn Tướng Lê Minh Đảo cách đây vài năm.    
......

Ai cho quyền đại diện cho 4,5 triệu kiều bào?

Van Nga Do| Hiện nay Việt Nam có 4,5 triệu người đang sinh sống và làm việc tại 110 quốc gia trên khắp thế giới. Và từ năm 2015 số người xuất khẩu lao động là 115.000 người và tăng đều, cho đến năm 2019 thì đã có 148.000 người. Theo thống kê từ năm 2003 đến 2008 thì có đến 8,54% số người xuất khẩu lao động bỏ trốn. Từ năm 2009 đến nay không thấy chính quyền CS đưa ra tỷ lệ người bỏ trốn, có lẽ tỷ lệ tăng nên họ đã giấu con số chăng? Năm 2019 vừa qua nổi lên 2 vụ bỏ trốn nghiêm trọng: vụ thứ nhất là hồi tháng 9 năm 2019, báo chí Hàn Quốc phanh phui 9 người theo chuyên cơ của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trốn lại nước này từ cuối năm 2018; vụ thứ 2 là 39 người chết trong xe đông lạnh khi vượt biên sang Anh Quốc. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng, những người trốn ở lại rất nhiều mà chỉ có phía chính quyền CS mới biết chính xác. Đây là bức tranh người Việt đang phải cố chạy trốn khỏi quê hương bằng cách này hay cách khác, cho dù đất nước đã thông nhất đến 45 năm rồi. Chính điều đó đã gián tiếp tố cáo rằng, ĐCS đã không mang lại lợi ích gì cho dân cả. Mà một khi đã không mang lại lợi ích gì cho dân thì lấy gì gắn kết giữa dân với ĐCS mà hòa hợp? Từ năm 1999 thì đa phần những người trốn sang các nước phương Tây hầu hết là tị nạn CS. Sau này, từ khoảng năm 2000 trở lại đây, thì số tị nạn CS giảm dần và những kẻ ra đi là con cháu quan chức CS bắt đầu tăng dần. Con cháu những người CS họ ra nước ngoài không phải tị nạn gì cả mà họ đi với mục đích là tẩu tán tài sản mà chính họ hoặc cha ông họ đã bòn rút của nhân dân Việt Nam. Vì thế nên thành phần này rất giàu có, và tất nhiên họ mang ơn ĐCS. Cho nên, hiện nay tại Mỹ hay nhiều nước Phương Tây khác, đã hình thành nên tầng lớp Việt Kiều thân CS đối nghịch với lớp Việt Kiều chống cộng. Người Việt sống và làm việc ở nước ngoài có thể tạm chia làm 3 thành phần: Thành phần thứ nhất là nạn nhân của CS; thành phần thứ 2 là người xuất khẩu lao động; thành phần thứ 3 là con cháu quan chức CS. Trong đó thành phần chống cộng vẫn phải giởi tiền về vì họ còn người thân trong nước, thành phần xuất khẩu lao động chắc chắn phải mang ngoại tệ về nước. Còn thành phần thứ 3, những Việt kiều là con cháu CS thì sao? Có thể nói, thành phần này chuyên ôm tiền từ trong nước ra ngoài sống phè phỡn. Như vậy trong 16,7 tỷ đô kiều hối năm 2019 thì chủ yếu là của Việt kiều chống cộng và của người dân đi xuất khẩu lao động, còn những Việt kiều thân cộng chủ yếu là móc lấy tiền đô trong 16,7 tỷ kiều hối đó mang ra nước ngoài “đầu tư” để kiếm thẻ xanh định cư. Ngày 20/07/2017 trên báo Đất Việt có bài viết “Người Việt bỏ tỷ USD mua nhà Mỹ: Biết rõ ai mua” đã cho biết người Việt chuyển tiền ra nước ngoài từ 8 đến 9 tỷ đô mỗi năm. Và tất nhiên trong thành phần chuyển tiền đi như thế này, chỉ có giới doanh nhân và con cháu của quan chức CS. Mà con cái của quan chức tiền đâu ra? Đó là tiền ăn cướp trên đầu nhân dân rồi sau đó mua đô và ôm đô ra nước ngoài định cư. Ngày 19/01/2020 trên báo Sài Gòn Giải Phóng có đăng bài “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến bà con kiều bào”, trong bài này cho biết, Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức gặp mặt kiều bào đại diện cho 4,5 triệu người Việt đang sinh sống và làm việc tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Giới Việt kiều mà họp với Nguyễn Xuân Phúc ở đây chắc chắn là lớp Việt kiều thân Cộng. Lớp này không thể là những người đại diện cho 4,5 triệu người Việt được. Vì sao? Vì chính họ chưa chắc gì là kẻ đóng góp vào hàng chục tỷ đô kiều hối mỗi năm, mà rất có thể, rất nhiều trong họ là những kẻ đã móc lấy tiền trong đống kiều hối kia để mang ra ngoài và sống cuộc đời giàu có. Hãy hỏi những Việt kiều chống cộng ở Mỹ xem, liệu họ có chấp nhận cho những Việt kiều thân cộng đang họp với Nguyễn Xuân Phúc kia làm đại diện cho họ không? Những ngày giáp tết, chính quyền CS cũng dựng nên bức tranh “hòa hợp hòa giải dân tộc” để mị dân. Họ đã chọn ra những Việt kiều thân cộng để vẽ nên bức tranh dối trá ấy. Nếu hòa hợp được thì trước hết hãy hòa hợp với đồng bào mình ở Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Văn Giang, Dương Nội, Vườn Rau Lộc Hưng đi. Tay thì ăn cướp mà miệng thì nói hòa hợp hòa giải chắc chắn đó là vở kịch hòa hợp hòa giải giả tạo./.  
......

Hiệp định EVFTA - Cuộc chiến mới của các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam

Việt Tân| Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu (INTA) hôm 21 Tháng Một, 2020 đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam. Ý kiến của INTA có vai trò quan trọng để Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu thông qua hiệp định nêu trên vào phiên họp tháng 2 ở Strasbourg, Pháp. Với tỉ lệ phiếu 29 thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng, rõ ràng vấn đề đàn áp nhân quyền, ngăn cấm tự do ngôn luận tại Việt Nam vẫn đang tạo ra những nghi ngại và bất đồng nơi các nghị sĩ Liên minh Châu Âu. Mong muốn của chúng ta, những tổ chức đang nỗ lực đấu tranh cho tương lai Việt Nam phải là dân chủ và nhân quyền. Rõ ràng sẽ ngây thơ khi cho rằng EVFTA sẽ đem lại nhân quyền cho Việt Nam, hoặc khiến nhà cầm quyền CSVN thay đổi. Chúng ta đã có quá nhiều bài học về sự lật lọng, tráo trở của chính thể Việt Nam, đơn cử như Hiệp định WTO. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là EVFTA vô giá trị. Hiệp định này có thể giúp các tổ chức nhân quyền thêm đòn bẩy để gây sức ép với EU lẫn Việt Nam trong các cuộc đàm phán tương lai. Bên cạnh những lợi ích kinh tế, EVFTA có thêm những điều khoản về bảo vệ môi trường và thúc đẩy tiến bộ xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là củng cố quyền của người lao động. Ngoài ra, hiệp định thương mại này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính công ở Việt Nam. Trong đó có những cải cách liên quan tới mua sắm công, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Những cải cách này sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nền kinh tế và giúp bộ máy chính trị Việt Nam vận hành hiệu quả, minh bạch hơn. Một điểm đáng lưu ý, EVFTA có sự ràng buộc thực hiện rất khắt khe, và nếu một bên nào không tuân thủ thì sẽ có các biện pháp chế tài để buộc họ phải thực hiện những cam kết của mình hoặc hiệp định thương mại có thể bị đình chỉ. Đơn cử như trong vấn đề quyền lao động và nhân quyền, Nghị viện châu Âu đòi hỏi Việt Nam phải gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), quy định về quyền tổ chức và thương lượng tập thể (hình thức công đoàn độc lập). Hai bên cũng thống nhất rằng Việt Nam sẽ phải phê chuẩn Công ước số 87 - Tự do Liên kết và Bảo vệ Quyền Tổ chức, và Công ước số 105 - Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức. Đối với lĩnh vực, Liên minh Châu Âu cũng đã đàm phán với Việt Nam về vấn đề quản lý rừng bền vững, trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu. Với những ràng buộc của EVFTA nêu trên, ở một số khía cạnh, các nhà đấu tranh dân chủ có thể tận dụng để phục vụ cho việc thúc đẩy xã hội Việt Nam tiến bộ hơn. Thông thường trước những cuộc đàm phán, đối thoại với chính quyền Việt Nam, phía EU sẽ thường tổ chức tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự, nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội tốt để giới đấu tranh trong nước nói lên ý kiến và vừa khẳng định vị thế của mình. Quyền lao động là điểm nhấn trong EVFTA, các nhà hoạt động nên nỗ lực giúp đỡ những người công nhân tổ chức thành lập các công đoàn cơ sở, hướng dẫn họ đấu tranh và đòi quyền lợi chính đáng. Ngoài ra, EVFTA đã tạo ra một cơ chế giúp xã hội dân sự tác động vào quá trình thực thi Hiệp định thông qua định chế DAG. Đối với những người đấu tranh “cộm cán" sẽ khó có thể tiếp cận cơ chế DAG do chính quyền Việt Nam cản trở. Tuy nhiên, mọi người có thể lập báo cáo về những vi phạm của nhà nước Việt Nam sau đó cung cấp cho nhóm DAG của phía EU, hoặc tạo ra những sức ép về mặt truyền thông. Liên minh Châu Âu và Việt Nam đang ngày càng thắt chặt quan hệ, đây là xu thế được cả hai bên đồng thuận. Nhiệm vụ của các nhà đấu tranh sẽ cần linh hoạt, uyển chuyển vận dụng những lợi thế từ mối quan hệ này để đẩy các mục tiêu dân chủ và nhân quyền. Ngô Đồng  
......

Tuổi cao nhưng ông Trọng...chưa trưởng thành!

Phạm Minh Vũ| Ngày 20 tháng giêng mới đây trên báo Quân Đội Nhân Dân có đăng bài phỏng vấn với TBT Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trả lời cuộc phỏng vấn có đoạn Ông Trọng cho rằng “hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến Đảng cầm quyền, nhân dân lại dành cho một sự trân trọng, tự hào, yêu thương như dân tộc Việt Nam đối với Đảng Cộng sản Việt Nam”. Tôi cho rằng Ông Trọng với tư cách một vị lãnh tụ đảng nhìn nhận như thế là quá phiến diện, lố bịch, sai trái và hoàn toàn vu khống, nhét chữ vào mồm Nhân Dân. Vì những điều đó, cá nhân Tôi cho rằng Ông Trọng mặc dù tuổi đã cao, nhưng suy nghĩ vẫn còn non nớt, nếu không muốn nói là chưa trưởng thành. Lấy cuộc trưng cầu ý kiến Toàn dân hay thăm dò nào để đánh giá Nhân dân VN lại có cảm tình với đảng của ông? Ông nên thử mở cuộc thăm dò lấy ý kiến nhân dân rồi kết luận cũng chưa vội Ông Trọng. Ông thử hỏi trong 4 triệu đảng viên đảng cộng sản có ai thật sự vì lý tưởng mà gắn bó mà yêu mến đảng của Ông? Chắc chắn số ít là người ít học, ít tiếp cận thông tin mới tin vào đảng, còn lại tất cả vì quyền lợi bản thân mà sinh hoạt đảng. Chưa kể số nhiều tôi quen biết họ bày tỏ công khai trên mạng xã hội là bỏ đảng, nhiều quan chức tôi quen biết họ cảm thấy xấu hổ khi cầm thẻ đảng trong tay. Nhưng vì nhiều quyền lợi nên cố giữ. Đó là đảng viên còn cảm thấy tởm lợm cái đảng của ông, huống gì là Nhân dân hở Ông Trọng? Nhân Dân nào yêu mến? Nhân Dân Đồng Tâm? Thủ Thiêm? Lộc Hưng? Long Hưng? Hay Dương Nội hả Ông Trọng? Dân nào mà yêu thương nổi đảng của ông? Tôi là dân tôi chắc chắn sẽ nói không, và ở đây bạn bè tôi đều là dân cũng sẽ nói là không hề. Đảng cộng sản khi cầm quyền bằng hành động cướp là bất chính, không chính danh đã gây ra sự bất ổn cho xã hội từ năm 1945 tới bây giờ. Sau năm 1975 đảng của ông giữ quyền cai trị độc tôn bằng họng súng đã đẩy toàn dân bước vào cuộc chiến đấu toàn dân với đảng của ông. Sự bảo thủ, tham quyền cố vị, ít học kém hiểu biết đã biến đảng cộng sản là một chế độ sắt máu, tự biến mình thành kẻ thù với nhân dân. Trong vô số bất công do đảng của Ông gây ra, chính sách đất đai do nhà nước quản lý là một chính sách đã đẩy nhân dân và đảng ông thành 2 chiến tuyến. Bên này đều xem bên kia là kẻ thù, vì nhân dân không sở hữu súng đạn nên chấp nhận thua, Đồng Tâm mới đây là một ví dụ. Đảng của Ông đang trở thành kẻ thù với Dân tộc này, yêu là yêu cái gì chứ? Ông Trọng tuy tuổi đã cao, nhưng cách nhìn nhận như thế này thì tôi cho rằng chưa đủ trưởng thành để lãnh đạo một quốc gia. Nếu ông đánh giá đúng, đánh giá đủ bằng cuộc trưng cầu ý dân thì tôi cho rằng ông mới khôn lớn, lúc đó ông sẽ biết Nhân dân có yêu mến đảng Ông hay không, có tin đảng của ông hay không? Có thể, lúc đó Ông mới thay đổi quyết sách để có cái nhìn về cách quản trị cho hợp thời đại, hợp lòng dân. Chỉ ngồi bàn tự phê tự sướng như thế thì chỉ có đi từ sai lầm này tới sai lầm khác. Có chăng, không thay đổi gì cho đảng cho nhân dân mà càng Khoét sâu thêm vết thương trong nhân dân do đảng ông gây ra mà thôi. Có người tuy ít tuổi nhưng họ làm những việc mà cho người lớn phải ngưỡng mộ, còn có người tuy nhiều tuổi, nhưng chưa chắc họ trưởng thành, Ông Trọng là một trong số đó.    
......

Nghề Truyền Thống

 ông Nguyễn Thiện Nhân bí thư thành phố HCM chổng khu quét rác trong dịp tết. Luân Lê| Lãnh đạo thành phố đi kéo bèo, quét rác. Trong khi ở tỉnh Bình Dương hàng trăm công nhân bị nợ lương phải do một ca sỹ từ thiện số tiền tới 1 tỷ đồng để có tiền về quê ăn tết. Nhìn vào đấy để thấy điều gì? Một sự vô dụng trước thực tại của đời sống và họ chỉ chăm chút cho hình ảnh cá nhân (như Karl Marx nói là bộ lông) của mình. Tầng lớp công nhân, lực lượng nòng cốt của người cộng sản, đang rơi vào những tỉnh cảnh bấp bênh và hết sức bi đát. ***** Ngô Trường An Tôi đưa hình ông Nguyễn Thiện Nhân chổng khu quét rác, nói với vợ: - Bà xem, lão này là ủy viên BCT, là thủ lĩnh của một thành phố lớn. Công việc của lão là dọn dẹp rác rưởi trong xã hội chứ không phải quét dọn rác rến ngoài môi trường. Vậy mà lão lại đi làm chuyện trái nghề như này, bà thấy có nản không? Mụ hỏi: - Rác rưởi trong xã hội là sao? Tôi đáp: - À, ừm...đại loại là bọn xì ke ma túy, bọn cờ bạc, cướp giật, đĩ điếm... hoặc bọn tham quan đục khoét ngân sách, cướp đất của dân....Đúng ra, lão phải tìm cách dọn dẹp bọn rác rưởi này để môi trường xã hội trong lành. Đằng này lão lại ra đường quét rác, đó là làm trái nghề chứ gì nữa! Mụ bước tới giật chiếc điện thoại trên tay tôi zoom lên hết cỡ, săm soi một lúc rồi buông một câu gọn lỏn: - Ông ấy làm đúng nghề chứ trái nghề gì! - Sao? - Tui là đàn bà thường quét dọn nên tui biết, nhìn tư thế quét rác của ông ấy rất chuyên nghiệp. Từ thao tác cầm chổi đến cách khom lưng, tư thế dạng chân...đều thuộc cốt cách nhà nghề. Có thể đây là nghề truyền thống của cụ kỵ dòng họ ông ta để lại, nên nó đã ăn sâu vào máu của ông ấy rồi, thành ra, mới có thao tác chuyên nghiệp như thế. - Bà nói tào lao quá đi! - Tào lao thế nào? Với tư duy ấu trĩ như vậy thì gia phả dòng tộc của ông ấy không ở đợ thì cũng quét chợ! Ờ, mà tổ chức vinh quang đó cũng chỉ tập hợp những thành phần kiết xác ấy thôi! Tinh hoa, tinh khôi dân tộc dễ gì thò chân được vô băng đảng đó. Thành ra, dù có đi Tây về Tàu thì cốt cách bần cố nông đâu có dễ dàng gì thay đổi? Quét rác là đúng với nghề truyền thống của lão rồi, trái gì nữa? - Nhưng dù sao ông ta cũng là một chính khách mà ra đường quét rác như thế thì đúng nghề sao được? - Quét rác là để mị dân đó ông ơi! Mị dân cũng là nghề truyền thống của chúng nó đấy! - Á đù!!  
......

Tại sao Bộ Công An bối rối trong biến cố Đồng Tâm?

Trung Điền - Web Viettan.org| Tính từ lúc Bộ Công An huy động 3000 công an cơ động tấn công vào nhà và giết chết cụ Lê Đình Kình, đồng thời bắt giữ 22 người của thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào lúc 4 giờ sáng ngày 9 tháng Giêng, 2020 cho đến nay, đã 10 ngày trôi qua; nhưng lãnh đạo Bộ Công An đã không thể nào thuyết phục được dư luận trong và ngoài nước về mục tiêu đích thực của cuộc tấn công đầy man rợ này. Thông thường, khi đưa lực lượng cảnh sát tấn công vào một nơi nào để khống chế những kẻ gọi là đang gây ra nguy hiểm cho xã hội, chính quyền phải đưa ra lý do rõ ràng và để cho giới truyền thông được tiếp cận các diễn biến, hầu nhanh chóng cung cấp cho công luận. Đó là việc làm bắt buộc của những chính quyền “vì dân, do dân và của dân.” Nhưng nhà cầm quyền CSVN thì ngược lại. Sau khi cắt hết tất cả Internet và đặt xã Đồng Tâm trong tình trạng “nội bất xuất- ngoại bất nhập” từ nhiều ngày trước, Bộ Công An đã đưa 3000 công an cơ động chia làm 16 toán, tấn công thôn Hoành vào lúc 4 giờ sáng – giờ mà người dân còn đang ngủ. Điều này cho thấy đây là một cuộc hành quân trấn áp có chủ đích đánh úp, nhằm tiêu diệt một số người để bịt miệng vụ tranh chấp đất đai kéo dài hàng chục năm trời ở đây, chứ không hề là một vụ đối phó lại việc một số người đang chống phá vụ xây bờ tường sân bay Miếu Môn như công an đưa ra. Sau khi bị dư luận phản đối kịch liệt về cuộc hành quân đánh úp này, hai ngày sau, tức ngày 11 tháng Giêng, Bộ Công An cho phổ biến một đoạn video chiếu hình ảnh “thú tội” của một vài người đang bị bắt, mặt mày bầm tím, sưng vù và nói rằng họ đã nhận được tiền giúp đỡ từ bên ngoài để mua vũ khí sát thương. Dựa vào lời ép cung này, Bộ Công An lập tức dán nhãn cuộc tranh đấu của bà con xã Đồng Tâm là nhận tài trợ từ một vài tổ chức “khủng bố” ở hải ngoại. Từ đó Bộ Công An quy chụp khơi khơi rằng cụ Lê Đình Kình và bà con xã Đồng Tâm đã dính đến khủng bố. Không ai tin vào sự cáo buộc phi lý này, nhưng Bộ Công An chỉ còn biết dựa vào những yếu tố bịa đặt để khỏa lấp tội giết dân nên một mặt, trưng ra bằng chứng với vài quả lựu đạn, vài chai bom xăng và một số cây gậy bịt sắt nhọn, mặt khác chỉ thị đám dư luận viên tập trung cáo buộc là cụ Lê Đình Kình và những người liên hệ đã nhận tiền từ các tổ chức khủng bố. Nhưng điều tổ trác bất ngờ đối với Bộ Công An là đã để cho chị Nguyễn Thúy Hạnh nhận tiền phúng điếu cụ Lê Đình Kình qua account của mình ở Vietcombank. Số lượng người đông đảo vào đóng góp phúng điếu đã như một cái tát tai nẩy lửa vào chế độ. Khi thấy số tiền lên quá cao – khoảng nửa tỷ đồng đóng góp từ 700 người trong vòng vài ngày, cho thấy sự thương mến của người dân dành cho cụ Kình, Bộ Công An đã lập tức ra lệnh cho Ngân hàng Vietcombank phong tỏa không cho chị Nguyễn Thúy Hạnh rút tiền phúng điếu để đưa cho gia đình nạn nhân. Biện minh cho việc làm sai trái này, Bộ Công An ra thông báo quy chụp rằng “tiền phúng điếu cụ Kình là tiền tài trợ khủng bố.” Các nạn nhân thôn Hoành tay không chống lại âm mưu cướp đất của bạo quyền đã bị vu khống là kẻ giết người và chống người thi hành công vụ, trong khi chính người dân mới là phía bị công an tấn công tàn bạo, đánh đập và giết chết. Vậy ai mới đích thực là “khủng bố” thì dư luận cũng đã rõ. Thi thể 3 công an gọi là bị tử nạn không thấy đâu mà chỉ thấy xác của một cụ già 84 tuổi đời, 55 tuổi đảng, từng bị quân cướp đất đánh gẫy chân năm 2017 tới độ phải ngồi xe lăn, nằm đau thương với những vết đánh tím bầm cơ thể. Hình ảnh người dân bạo động, khủng bố không thấy đâu mà chỉ thấy một rừng giáo mác, súng ống của kẻ cướp cậy quyền đàn áp dân, chỉ thấy những người bị vu khống là “nhận tiền của khủng bố để mua vũ khí” xuất hiện trên truyền hình với cơ thể tiều tụy, bị đánh vùi dập. Trong đó có cả cụ bà góa phụ Lê Đình Kình, bị đánh tơi tả vì không thể nói dối là chồng mình có trong tay quả lựu đạn như Bộ Công An muốn bà “thú nhận.” Ngần ấy vu cáo kèm theo cả một bộ máy truyền thông gian trá của chế độ để dựng chuyện về các nạn nhân thôn Hoành, đã không che khuất được sự thật và không lừa dối được người dân từ trong nước ra tới hải ngoại. Với những hành vi “lấy vải thưa che mắt Thánh” nói trên, Bộ Công An tưởng rằng họ đã kiểm soát được nội vụ xảy ra ở Đồng Tâm, nhưng rõ ràng là vụ việc đang chuyển biến vô cùng bất lợi. Dư luận chung đang đứng về phía gia đình cụ Lê Đình Kình và các nạn nhân đang bị bắt giữ và không ai tin vào những điều giải thích loanh quanh, lúng túng của Bộ Công An để khỏa lấp những sai lầm trầm trọng sau đây. Thứ nhất, Bộ Công An đã sai lầm trong việc huy động lực lượng 3000 công an cơ động, với xe thiếp giáp và súng đạn sát thương, trấn áp những nạn nhân vô tội, không có vũ khí trong tay vào lúc 4 giờ sáng mà không hề có một lý do hợp lý hay rõ ràng, minh bạch, trong khi vụ tranh chấp đất chỉ là vụ án dân sự chứ không phải hình sự để sử dụng đến bạo lực trấn áp. Thứ hai, Bộ Công An đã sai lầm trong việc mập mờ, không rõ ràng về sự tử nạn của 3 công an, dẫn đến việc vội vã truy tặng huân chương chiến công hạng nhất, đã trở thành một trò hề và bị đàm tiếu trong dư luận rằng Bộ Công An đã dùng cái chết của đồng đội để tìm sự đồng tình trong nội bộ. Thậm chí, Bộ Công An còn tung ra cái gọi là chiến dịch học tập “gương dũng cảm hy sinh”, càng cho thấy sự lố bịch trong trò tuyên truyền một chiều của bộ máy độc tài. Thứ ba, Bộ Công An cũng đã sai lầm trong việc chỉ thị Vietcombank phong tỏa hơn nửa tỷ đồng của 700 người phúng điếu cụ Lê Đình Kình với lý do “tiền tài trợ cho khủng bố”. Tức là Bộ Công An đã trắng trợn quy chụp cụ Lê Đình Kình, gia đình và các nạn nhân xã Đồng Tâm liên hệ đến khủng bố. Trò khủng bố tinh thần quen thuộc này của chế độ đã trở nên nhàm chán đối với người dân, mục tiêu để triệt hạ chính nghĩa đấu tranh của người dân, cô lập và vu cáo các tổ chức có chính nghĩa, đồng thời khỏa lấp hành vi bạo lực của chính mình. Sai lầm này cũng nói lên hình ảnh của một kẻ cướp đã không từ nan cả việc cướp tiền phúng điếu, chà đạp lên trên truyền thống “nghĩa tử là nghĩa tận” của dân tộc. Từ con người lật lọng, tiểu tâm Nguyễn Đức Chung đến guồng máy bạo lực của Bộ Công An đều nói lên một điều: Họ không hề có lương tâm và danh dự trong việc giải quyết những nguyện vọng chính đáng của bà con xã Đồng Tâm, và đã biến một chuyện nhỏ thành vấn nạn lớn – không chỉ cho thành phố Hà Nội mà còn cho chính chế độ. Sự việc này lại nhắc nhở chúng ta vụ cướp đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng năm 2012, vụ cướp đất của nhà thờ Thái Hà năm 2011, vụ cướp đất và phá hoại vườn rau Lộc Hưng vào dịp Tết năm ngoái … Năm nay, máu lại đổ trước thềm năm mới tại xã Đồng Tâm! Sự việc đã không chỉ đem đau thương tới cho bà con trong làng, mà còn làm rỉ máu hàng triệu trái tim người Việt. Trung Điền https://viettan.org/tai-sao-bo-cong-an-boi-roi-trong-bien-co-dong-tam/  
......

Đối thoại im lặng

Nhạc sĩ Tuấn Khanh - nhacsituankhanh| Lịch sử của những cuộc quyên góp giúp đỡ ở Việt Nam, đặc biệt là đối với một người bị nhà nước Việt Nam đặt tên là “khủng bố”, đã có một kỷ lục chưa từng có: chỉ hơn 2 ngày kêu gọi giúp cho gia đình ông Lê Đình Kình, đã có hơn nửa tỷ đồng gửi vào từ hàng trăm người. Lê Đình Kình là ai? Một cụ già 84 tuổi bị lực lượng công an hơn 3000 người bao vây nơi ông ở, tra tấn và bắn chết chỉ vì ông trước sau như một: Đất của nông dân, phải thuộc về nông dân. Nếu không có lời nhắn ra từ cụ bà thều thào trong đau đớn và mệt mỏi về hành động dũng mãnh của những “chiến sĩ” công an, không ai hình dung được cụ Kình đã ra đi như thế nào. Nhà nước đã vận hết lực lượng truyền thông lẫn trấn áp thực tế để giải quyết hậu kỳ, chuyện bê bết của một đạo quân trang bị đáng sợ như hải chiến với Trung Quốc, đã tấn công bắt, đánh, giết… vào một ngôi làng khoảng hơn 250 người. Sau đó, phía Nhà nước phải gồng lên, gán nhiều tội danh cho cụ già và những đứa con của ông là quân khủng bố, có trang bị gì đó và chuẩn bị hành động nguy hại đến an ninh quốc gia. Hàng chục ngàn dư luận viên, tức các thành phần tay sai về đả kích ngôn luận bất cần danh dự được lệnh tìm và diệt bất kỳ hình ảnh, bài viết, video… có cảm tình đứng về phía người dân bị cướp đất ở Đồng Tâm. Đã có những người bị bắt làm gương. Đã có những bài viết hay bình luận đã bị Đài truyền hình của công an điểm tên như tù nhân dự bị. Phải kể như vậy, để biết rõ hơn về một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra trong người dân. Trước bối cảnh xã hội căng thẳng, đến mức Bộ trưởng Công an phải xuất tướng chụp ảnh, làm thơ cùng cháu bé, con một công an viên té giếng qua đời, nhằm nâng tinh thần chiến sĩ cứu quốc, rồi thủ tướng phải đăng đàn nói rằng xét lại mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân… vẫn có rất nhiều người đã đứng lên, công khai tên mình để gửi tiền giúp cho một gia đình nông dân bị thảm nạn – mà từ nay chắc sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn bình yên nữa. Trước đó, chỉ share hay like trên các trang facebook về chuyện Đồng Tâm, cũng ít người dám làm. Nhắn cho nhau về chuyện này cũng ngại bởi Nhà nước và Bộ Công an đã bày tỏ một thái độ rất quyết liệt. Ấy vậy, mà giờ thì người ta không ngại việc giúp đỡ, và cũng không ngại nói với nhau, thậm chí còn dấy lên một làn sóng tẩy chay ngân hàng Vietcombank, nơi đã phối hợp với công an để khóa, chặn không cho rút tiền những phần tiền giúp đỡ những người nông dân, và dù là phúng điếu cho đám tang cụ Kình, cũng nhất quyết không. Lòng dân đã rõ. Họ không buồn nói đến nhà cầm quyền và những lời đe dọa. Họ hành động với mục đích cụ thể, như một đối thoại im lặng của phản kháng.  Những bài bản hôm nay diễn ra từ phía nhà cầm quyền, rất quen thuộc với những gì đã diễn ra ở Trung Quốc. Và người dân Việt Nam cũng – rất bất ngờ – đã làm giống như những gì người dân Trung Quốc từng im lặng đối thoại với Bắc Kinh. Năm 2011, Bắc Kinh tức giận trước thái độ phản kháng của nghệ sĩ Ngải Vị Vị (Ai Wei Wei), đã kiếm cớ phạt ông khoảng 2,4 triệu Mỹ kim, và buộc phải đóng một số lớn, nếu không sẽ bị bỏ tù. Dù Ngải Vị Vị là một nghệ sĩ tầm thế giới, nhưng số tiền đó với ông là quá sức, thậm chí quá sức tưởng tượng. Chuyện không ngờ xảy đến, là người dân Trung Quốc lâu nay vẫn lầm lũi làm ăn, luôn cúi đầu vâng-dạ với chính quyền, bỗng im lặng cùng nhau đến góp tiền cho ông Ngải Vị Vị, giúp ông đóng mức phạt bắt buộc ban đầu. Theo ghi nhận của báo chí, có đến 20.000 người đến góp tiền trong một thời gian rất ngắn, lên đến 800.000 Mỹ kim. Dĩ nhiên giới tay sai tuyên truyền cũng được lệnh mở chiến dịch mạt sát, nguyền rủa Ngải Vị Vị là “phản động” và những ai giúp đỡ cho ông là “đu bám bọn phản động”. Công an địa phương cũng cử lực lượng đến gác trước cửa để ngăn chận nguồn tiền đầy sỉ nhục với nhà cầm quyền như vậy. Sợ, nhưng người dân vẫn gửi đến. Có những người gấp tiền thành hình máy bay và ném vào nhà ông. Có những người quăng bao tiền đồng gom góp được, kèm theo dòng chữ “xin cho tôi là chủ nợ của ông”. Trở lại với làng Đồng Tâm, nơi cuộc giết người kỳ quái diễn ra, chỉ còn cách Tết Nguyên Đán Canh Tý hai tuần. Người dân Việt Nam đã quên cả việc chuẩn bị Tết bằng cách chuyền tay nhau tin tức, tự mình ra mặt đáp trả các ngôn luận hèn mạt của bọn tay sai tuyên truyền, và gửi tiền giúp cho gia đình ông Kình. Cũng giống như cách mà người Trung Quốc không muốn Ngải Vị Vị phải nợ nần gì với Bắc Kinh, hàng triệu người dân Việt Nam cũng thay nhau, dùng sự thật để đáp trả cuộc chiến nối tiếp mà thế lực nào đó đang điên cuồng chà đạp và hủy diệt người dân Đồng Tâm và cụ Lê Đình Kình. Cuộc đối thoại đó im lặng đó, đang diễn ra từng ngày, âm thầm dữ dội trên bề mặt rất nhẹ nhàng của xã hội. Cuộc đối thoại đó giới thiệu một đất nước Việt Nam khác: Người dân vẫn mỉm cười và cúi chào nhà cầm quyền, nhưng nụ cười đó và cái cúi đầu mang nội hàm gì, thì khó mà biết được.  
......

Cần tẩy chay ngân hàng ăn cướp - Vietcombank

Đỗ Ngà| Hôm  14/01/2020 tổng Thống Donald Trump phàn nàn về việc hãng công nghệ Apple không mở khóa điện thoại iPhone được bảo vệ bằng mật mã của nghi phạm vụ xả súng xảy ra tại căn cứ Hải quân ở Pensacola, Florida hồi tháng 12 vừa qua. Nhưng cho dù có phàn nàn thì Apple không sai chính phủ Hoa Kỳ chẳng làm gì được. Trước đó, vào năm 2016, Apple từng từ chối thẳng thừng một yêu cầu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) không mở khóa chiếc iPhone của Syed Farook, kẻ gây ra vụ xả súng ở San Bernadino, California khiến 14 người thiệt mạng. Vì Apple không làm gì sai luật cả. Họ không thể hy sinh uy tín của mình để làm mất lòng hàng tỷ khách hàng của họ trên toàn thế giới. Nếu Apple làm thế, nghĩa là Apple đã xem những bí mật của khách hàng họ là một trò chơi không hơn không kém. Đấy là với bọn tội phạm còn không được phép nói chi đến những người không phạm tội? Đấy là chuyện xứ Mỹ, còn tại Việt Nam thì xảy ra chuyện ngược lại. Ngân hàng Vietcombank đã nhận lệnh của Công An CS phong tỏa tài khoản của chị Nguyễn Thúy Hạnh một cách vô cớ, trong khi chị không vi phạm bất kỳ một quy định nào của ngân hàng đưa ra. Nói trắng ra, Vietcombank đã nghe lời một kẻ nào khác cướp lấy tiền khách hàng của mình. Đây là một hành động ăn cướp trắng trợn không thể chấp nhận được. Số tiền này là của khách hàng, cớ sao Vietcombank giữ lấy số tiền này theo lệnh kẻ khác? Đây không phải là hành động ăn cướp là gì? Thật ra tài khoản của chị Nguyễn Thúy Hạnh là tài khoản nhận tiền phúng điếu Cụ Kình do mọi người thương mến cụ gởi về. Cụ Kình là người mà chính quyền đã căm thù đến mức bất chấp pháp luật nửa đêm vào nhà giết cụ, mang xác về phanh thây rồi sau đó mới trả xác lại cho gia đình. Nhiêu đó chính quyền vẫn cảm thấy chưa đủ, lợi dụng cái chết của cụ, chính quyền này còn muốn chặn luôn tiền phúng điếu người ta gởi cho cụ. Tài khoản của chị Nguyễn Thúy Hạnh là nơi mà bà con tỏ lòng thương nhớ bằng cách gởi tiền phúng điếu cho gia đình chị đã bị phong tỏa. Nếu có lương tri, có ai chấp nhận hành động ăn cướp tiền khách hàng mình của Vietcombank không? Hãy đối chiếu cách ứng xử của Apple với chính phủ Hoa Kỳ để ta thấy Vietcombank đã xem thường khách hàng như thế nào?! Sống trong một xã hội mà chính những kẻ nhân danh luật pháp lại lấy công trả thù riêng, lồng ý đồ trả thù riêng với dụng ý ăn cướp thì mỗi người cần phải thức tỉnh và góp một phần nhỏ bé nào đó để điều xấu này nó không có đất sống. Những người chịu thiệt hại trực tiếp thì cần phải khởi kiện, những người dù không chịu hậu quả trực tiếp thì cũng cần phải góp một tay tẩy chay mọi dịch vụ ngân hàng này. Hành động tẩy chay như là một thái độ cần thiết của một con người có lương tri. Chúng tôi trả tiền để anh cung cấp dịch vụ cho chúng tôi chứ không phải chúng tôi trả tiền để anh tước đoạt tài sản của chúng tôi nên khi anh cướp tiền khách hàng vô cớ, tôi phải tẩy chay anh. Nếu chúng ta im lặng nghĩa là ta đã tiếp tay cho ngân hàng này bất chấp đạo đức kinh doanh. Và khi đó chính chúng ta đã góp một tay có cái xấu lớn mạnh và cái khốn nạn tồn tại. Cần yêu cầu lãnh đạo Vietcombank công khai giải thích vì sao chặn tài khoản giam tiền của khách hàng, trong khi khách hàng không hề phạm pháp? Nếu không cho ngân hàng này thấy hậu quả của việc chặn tài khoản cướp tiền khách hàng thì nó sẽ tiếp tục ngang nhiên làm điều đó với bất kỳ ai./.
......

"Tư tưởng Hồ Chí Minh“

Trần Trung Đạo Một trong những đặc điểm nổi bật cấu thành “Tư tưởng Hồ Chí Minh” mà các đảng viên CSVN nên học là “rước voi về giày mả tổ”. Bao nhiêu đất đai phía Bắc bị mất vào tay Trung Cộng phát xuất từ “tư tưởng” này. Không ít đảng viên CS binh vực Hồ cho rằng trong giai đoạn từ sau đại hội III của đảng Lao Động (CS) Việt Nam 1960, nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh củng cố quyền lực trong bộ chính trị, Hồ Chí Minh chỉ còn là một bù nhìn. Nhiều tài liệu cho thấy không đúng. Chính trị CS tại Trung Quốc và Việt Nam dù là CS vẫn đậm nét phong kiến quân thần trong cách lãnh đạo. Giống như tại Trung Quốc trong những ngày Mao sắp chết, những tranh chấp quyền lực trong lớp đàn em luôn có nhưng các chính sách quan trọng và mục tiêu trường kỳ của đảng như “vị trí của đảng CSVN trong tranh chấp quốc tế CS”, “CS hóa toàn bộ Việt Nam” vẫn phát xuất đầu tiên từ chủ trương của Hồ. Các bằng chứng về tội “rước voi về giày mả tổ” của Hồ Chí Minh rất nhiều và đang lưu trữ tại nhiều trung tâm nghiên cứu quốc tế. Tài liệu dưới đây cũng cho thấy Mao đã xem CSVN là một phần của Trung Cộng khi y bày tỏ ý định mở rộng đường lên tận biên giới Thái Lan. Biên bản buổi họp giữa Mao, Hồ Chí Minh có sự hiện diện của Tao Zhu, Bí thư Thứ Nhất BCHTU đảng CSTQ, được lưu trữ tại Woodrow Wilson International Center for Scholars: MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ HỒ CHÍ MINH Tại Trường Sa (Hồ Nam) ngày 16, tháng Năm, 1965 Hồ Chí Minh: Chúng ta nên cố gắng xây dựng những con đường mới. Chúng tôi đã thảo luận với đồng chí Tao Zhu [1] về vấn đề này. Nếu Trung Quốc có thể giúp chúng tôi xây dựng một số con đường ở miền Bắc, gần biên giới với Trung Quốc, chúng tôi sẽ gửi các lực lượng dành cho công việc này đến miền Nam. Mao Trạch Đông: Đó là chính sách hay. Tao Zhu: Tôi đã báo cáo với Đồng chí Chu Ân Lai qua điện thoại. Đồng chí Chu nói rằng điều đó Trung Quốc có thể thực hiện được. Hồ Chí Minh: Trước hết, chúng tôi cần Trung Quốc giúp chúng tôi xây dựng 6 con đường từ các khu vực biên giới. Những con đường chạy về phía nam thông qua phía sau của chúng tôi. Và trong tương lai chúng sẽ được kết nối với phía trước. Hiện tại, chúng tôi có 30 nghìn người xây dựng những con đường này. Nếu Trung Quốc giúp, những người đó sẽ được gửi vào miền Nam. Đồng thời chúng tôi còn phải giúp các đồng chí Lào xây dựng những con đường từ Samneua đến Xiengkhoang và sau đó từ Xiengkhoang đến Hạ Lào, và đến miền Nam Việt Nam. Mao Trạch Đông: Bởi vì chúng ta sẽ chiến đấu trong các trận chiến quy mô lớn trong tương lai, sẽ rất tốt nếu chúng ta cũng xây dựng đường đến Thái Lan. Hồ Chí Minh: Nếu Mao Chủ tịch đồng ý Trung Quốc sẽ giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa người của chúng tôi vào miền Nam. Mao Trạch Đông: Chúng tôi đồng ý với yêu cầu của đồng chí. Chúng tôi sẽ thực hiện. Không có vấn đề gì. [2] ------------------------ [1] Tao Zhu là ủy viên Bộ Chính Trị và Bí Thư Thứ Nhất của BCH TƯ Đảng CSTQ. Ông ta bị thanh trừng trong Cách Mạng Văn Hóa. [2] Tại Hà Nội vào ngày 13 tháng 4, Tao Zhu đã nói với Hồ Chí Minh rằng “Trung ương Đảng CSTQ và Mao Chủ tịch Mao đã chỉ thị bốn tỉnh biên giới Trung Quốc chịu trách nhiệm làm hậu phương trực tiếp cho Việt Nam. Dĩ nhiên, Trung Quốc nói chung là hậu phương cho Việt Nam. Nhưng bốn tỉnh này đại diện ngay tức khắc trong giai đoạn này. Trần Trung Đạo  
......

Xung đột chết người vì đất đai ở Việt Nam để lại những câu hỏi không có câu trả lời

Hoàng Tứ Duy| Nguyên bản tiếng Anh: Vietnam’s Deadly Land Clash Leaves Questions Unanswered, The Diplomat, 15/1/2020 https://thediplomat.com/2020/01/vietnams-deadly-land-clash-leaves-questions-unanswered/ Bản dịch của Hoàng Trường Cuộc tranh chấp bạo động về đất đai gần đây đã làm nổi bật nhiều vấn nạn trầm trọng cần giải quyết. Rạng sáng ngày 9 Tháng Giêng, một lực lượng nhiều ngàn công an đã đột kích một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội. Chẳng khác gì tấn công một lãnh tụ khủng bố, lực lượng an ninh phong toả kín làng Đồng Tâm, chiếu sáng rực đêm đen với lựu đạn sáng, xả đạn vào nhà của cụ già 84 tuổi Lê Đình Kình. Theo báo cáo thì lực lượng an ninh đã giết Cụ Kình cùng với con trai của Cụ và đứa cháu trai mới 3 tháng tuổi. Nhưng Cụ Kình không phải là một kẻ khủng bố hay một người đang trốn chạy. Là một đảng viên kỳ cựu của Đảng CSVN, Cụ là tộc trưởng của một gia đình được mọi người kính trọng, và là người lãnh đạo tinh thần của phong trào chống tham nhũng. Đã nhiều năm qua, chính quyền TP Hà Nội đã muốn chiếm đoạt một phần đất của Đồng Tâm bằng cách dọa nạt về cả thể chất và luật pháp. Tháng Tư 2017, chính quyền địa phương bắt đầu cắt xén mảnh đất theo lịch sử thuộc về Đồng Tâm. Khi Cụ Kình đến hiện trường để phản đối thì an ninh đã tấn công và đánh gãy chân Cụ. Tình hình xoay chuyển bất ngờ, dân làng quay lại bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động trong suốt một tuần lễ. Để giải quyết bế tắc, Chủ Tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp gặp gỡ dân địa phương. Ông Chung, là cựu Trưởng Công An Hà Nội, đã hứa không trả đũa và hứa giải quyết việc tranh chấp trong ôn hoà. Vào Tháng Mười Hai, 2019, ông Chung đã ra quyết định thúc ép Đồng Tâm phải từ bỏ đất đai của họ. Dân làng Đồng Tâm đã tổ chức một buổi họp sôi nổi và tố cáo Chung thuộc nhóm lợi ích. Dân làng chống đối quyết định buộc họ phải giao đất cho Viettel, là tập đoàn viễn thông lớn nhất của Việt Nam. Dân làng tuyên bố quyết tâm giữ vững lập trường, hưởng ứng lời kêu gọi chống tham nhũng của nhà nước. Trong những ngày tiếp theo cuộc tấn công, truyền thông nhà nước đã cáo buộc là dân làng đã vũ trang và cản trở việc xây dựng hàng rào phi trường gần đó. Truyền thông nhà nước nói Cụ Kình chết khi “chống đối người thi hành công vụ.” Nhà cầm quyền cũng nói rằng 3 nhân viên an ninh đã thiệt mạng khi công tác. Khi không thể truy cập một cách độc lập vào Đồng Tâm thì khó có thể thẩm định những báo cáo của nhà nước. Điều được biết là ngay trước cuộc đột kích cûa an ninh hệ thống internet chung quanh Đồng Tâm đã bị cắt. Những đoạn video thu được bằng điện thoại cầm tay mà sau đó được phát trên mạng cho thấy nhiều đoàn xe đổ dồn về xã, và sau đó là những tiếng nổ lớn. Thân nhân của Cụ Kình được nhận xác của Cụ vào ngày hôm sau. Theo video ghi lại thì dường như Cụ Kình đã bị bắn vào đầu và vào tim. Nhà nước đã cố ngăn chặn không cho tin tức thoát ra từ Đồng Tâm. Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã chỉ trích Facebook đáp ứng chậm chạp yêu cầu của chính phủ đòi gỡ bỏ những nội dung liên quan đến vụ tấn công. An ninh cũng cô lập những blogger nổi tiếng, ở cách xa Hà Nội cả 40 cây số, không cho tường trình về sự kiện. Một nhà dân báo nổi tiếng là Trịnh Bá Phương đã bị quản thúc tại gia vì ngày trước đó đã tường trình sự việc. Ngay lúc này, tình hình vẫn rất căng thẳng, và không biết đã có bao nhiêu dân Đồng Tâm đã bị thương và bao nhiêu người còn bị giam giữ. Nhà cầm quyền đã cấm không cho ra vào Đồng Tâm. Biến cố Đồng Tâm được coi là một trong những hành động đàn áp người bất đồng chính kiến trong nước trầm trọng nhất của an ninh trong những năm gần đây. Các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi sự minh bạch. Ông Phil Robertson thuộc Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) nói “Nhà cầm quyền Việt Nam phải tiến hành ngay việc điều tra khách quan và minh bạch về sự việc để biết rõ chuyện gì đã thực sự xảy ra, ai trách nhiệm việc bạo động, và an ninh có sử dụng bạo lực quá mức hay không.” Tuy nhiên, vấn nạn lớn hơn đưa đến việc tranh chấp đất đai ở Việt Nam là tình trạng vô trách nhiệm và tham nhũng của quan chức. Người ta tin rằng Đảng và quan chức nhà nước làm giàu bằng cách cấp quyền sử dụng đất. Theo Luật Sư Lê Công Định “Việc tranh chấp đất đai bắt nguồn từ nguyên tắc sử dụng đất cho phép Nhà Nước chiếm đoạt, sở hữu và kiểm soát tất cả đất đai trên toàn quốc dưới danh nghiã ‘nhân dân.’” Có lẽ việc làm nhà cầm quyền khó chịu nhất là việc Cụ Kình tổ chức làng xóm của Cụ để đòi công lý. Tại một trong những buổi họp cuối cùng của dân làng, được phổ biến rộng rãi trên mạng, các diễn giả đã bác bỏ những cáo buộc của quan chức Hà Nội là dân làng bị kiểm soát bởi các thế lực bên ngoài. Đây là đất của chúng tôi, họ nói, và chúng tôi sẵn sàng chết ở đây. Việc sát hại Cụ Kình đã dấy lên một làn sóng phẫn uất trong cộng đồng mạng và nhiều buổi cầu nguyện đã diễn ra tại các nhà thờ ở Hà Nội và Nghệ An. Cuộc tấn công bạo động ở Đồng Tâm – nghĩa là “đoàn kết các con tim” – trên nhiều phương diện, đã làm nổi bật cuộc khủng hoảng to lớn hơn về sự chính danh của nhà nước Việt Nam. Hoàng Tứ Duy là một nhà lãnh đạo của Đảng Việt Tân, một tổ chức chính trị tranh đấu cho dân chủ bị cấm hoạt động ở Việt Nam. *****   Nguyên bản Anh ngữ: Vietnam’s Deadly Land Clash Leaves Questions Unanswered The recent violent land dispute spotlights serious issues that remain to be addressed. By Duy Hoang January 15, 2020 Thousands of Vietnamese security police stormed a village on the outskirts of Hanoi in the early hours of January 9. As if moving against a terrorist leader, security forces sealed off the commune of Dong Tam, illuminated the night with flash grenades, and in a hail of bullets burst into the home of 84-year-old Le Dinh Kinh. Security forces reportedly killed Kinh, along with his son and his 3-month-old grandson. But Le Dinh Kinh was not a terrorist or fugitive. A long-time member of the Communist Party, he was the patriarch of a respected family and leader of a local protest movement against corruption. For several years, the Hanoi municipal authorities had been trying to seize a portion of the Dong Tam commune through physical intimidation and legal threats. In April 2017, local authorities began to section off land that historically belonged to the commune. When Le Dinh Kinh arrived on the scene to object, police physically attacked the elder and broke his leg. In a twist, local residents then converged on the officials and somehow detained 38 officials and police officers for a week. To resolve the standoff, the chairman of the People’s Committee of Hanoi, Nguyen Duc Chung, personally met with the local residents. Chung, who was the former police chief of Hanoi, promised no reprisals and to resolve the land dispute peacefully. In December 2019, Chung issued an order further pressuring Dong Tam to relinquish their land. Residents of Dong Tam organized a spirited town hall in which they accused Nguyen Duc Chung of being part of a corrupt faction. The local residents opposed the decision by authorities to give their land to Viettel, Vietnam’s largest telecommunications group. Residents said they would stand their ground, heeding the public calls by Vietnamese leaders to resist corruption. In the days following the police attack, Vietnamese state media accused the residents of being armed and interfering with the construction of a nearby airport fence. State media said Le Dinh Kinh died “resisting officials carrying out their public duty.” Authorities also claimed that three security officers lost their lives during the action. Without independent outside access to Dong Tam it is hard to evaluate the claims in state media. What is known is immediately prior to the police assault, internet service around Dong Tam was suspended. Video footage taken on mobile phones and later uploaded online showed police convoys heading into the commune followed by sounds of explosions. Relatives were able to recover the body of Le Dinh Kinh the subsequent day. According to video footage, he appears to have been shot through the head and heart. Authorities have tried to suppress the news coming out of Dong Tam. Vietnam’s Ministry of Information and Communications criticized Facebook for being slow to respond to government requests to take down content surrounding the attack. Police also isolated leading bloggers, based 25 miles away in Hanoi, from reporting on the incident. One well known citizen journalist, Trinh Ba Phuong, was effectively put under house arrest for his live reporting the day before. Currently, tensions remain high and it is unclear how many residents from Dong Tam were harmed and how many remain in police detention. Authorities have reportedly prevented freedom of travel to and from the commune. The incident is believed to be one of the highest-profile security actions taken against domestic opponents in recent years. Human rights groups have called for transparency. “Vietnam’s national authorities must launch an impartial and transparent investigation of these events that gets to the bottom of what happened, who is responsible for the violence, and whether police used excessive force,” said Phil Robertson of Human Rights Watch. But the larger issue driving land disputes in Vietnam is official corruption and lack of accountability. It is widely believed that party and government officials enrich themselves by granting land usage. According to Vietnamese lawyer Le Cong Dinh, “Those land disputes are originated from the regime of land use rights, which allows the State to acquire, possess and control all lands within the Vietnamese territory in the name of the ‘people.’” Perhaps what spooked the authorities the most is that Le Dinh Kinh organized his neighbors to seek justice. In one of the commune’s final public meetings, which went viral online, the speakers refuted the accusations by Hanoi officials that local residents were being controlled by external forces. This is our land, they said, and we are willing to die here. The killing of Le Dinh Kinh has sparked an outpouring of grief among Vietnamese netizens and prayer vigils in activist churches in Hanoi and Nghe An. In many ways, the violent crackdown in Dong Tam — which means “united hearts” – spotlights the broader crisis of legitimacy for Vietnam. Duy Hoang is a U.S.-based leader of Viet Tan, an unsanctioned pro-democracy political party in Vietnam.  Source: https://thediplomat.com/2020/01/vietnams-deadly-land-clash-leaves-questions-unanswered/
......

Đồng Tâm: Có một huy chương từ nhân dân

Mặc Lâm| Khi lực lượng chính phủ tấn công vào làng Đồng Tâm vào khuya ngày 9 tháng 1, người dân khắp nước nghe tin với tâm trạng hoang mang. Nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một vụ cưỡng chế đất bình thường như xưa nay vẫn xảy ra trên khắp mọi miền đất nước nhưng tới khi nghe tin có người chết và nhất là lực lương tấn công cũng có ba công an tử thương thì dư luận vỡ ra những đồn đoán chung quanh những cái chết này. Không ít người cho rằng công an bị người dân Đồng Tâm tấn công khi bị bao vây nhưng nhiều người chứng minh ngược lại khi cho rằng không có người dân nào dám tấn công lực lượng công an đông đào và hùng hậu như vậy ngoại trừ họ bị lâm vào đường cùng như vụ án anh em Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng với “trận đánh đẹp” của Đại tá công an Đỗ Hữu Ca. Cho tới sáng cùng ngày thì người dân bên ngoài Đồng Tâm biết thêm một ít thông tin nhờ… hệ thống Công an. Mọi tờ báo không có tin tức riêng mà được một bản tin do Bộ Công an phát ra và vì vậy người dân lại càng bị bao vây giữa bốn bức tường thông tin. Bất kể lực lượng đông đảo của người sử dụng Facebook chăm chăm vào Đồng Tâm, chính quyền tỏ ra rất cao tay khi phong tỏa mọi con đường vô hình lẫn hữu hình để thâm nhập vào bên trong Đồng Tâm nơi có gần 9.000 người sinh sống và làm việc. Rồi báo chí được thêm tin từ Bộ Công an cho biết có ba công an tử thương trong trận tấn công này. Tên tuổi của cả ba người được công khai và sáng ngày 11 tức hai ngày sau khi tử thương cả ba được truy thưởng huân chương chiến công hạng nhất từ Chủ tịch nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Công an về việc phong liệt sĩ, truy thăng quân hàm trước thời hạn cho 3 người đã hy sinh. Ba người được truy tặng Huân chương gồm: đại tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động); trung úy Dương Đức Hoàng Quân (cán bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô) và thượng úy Phạm Công Huy (cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 3, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an Hà Nội). Theo thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết quyết định này dựa trên đề xuất của Bộ Công an. Trước hết là truy thăng quân hàm vượt cấp với 3 chiến sĩ. Hai là công nhận 3 người hy sinh là liệt sĩ. Ba là đề nghị truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. Và bốn là tổ chức lễ tang 3 chiến sĩ theo nghi thức Công an nhân dân tại Nhà tang lễ Quốc gia. Cùng lúc đó là cái xác của cụ Lê Đình Kình được cơ quan công an giao trả về cho gia đình. Khi những cơn sóng bất mãn về các tấm huân chương trao đi thì cái chết của cụ Kình tiếp tục làm chúng trở thành sóng thần, ít ra trên mạng xã hội, hầu như không ai là không biết đến cái tên Lê Đình Kình cùng hình ảnh của ông tràn ngập hệ thống mạng xã hội Việt Nam. Người ta công khai buồn bã, khóc than và nhất là lên án kẻ đã bắn vào ông, một cụ già 84 tuổi đời với 58 tuổi đảng. Một cụ ông minh mẫn đến kỳ lạ, nhớ và kể vanh vách những diễn biến về Đồng Tâm từ bao nhiêu năm qua mà không cần liếc qua một trang giấy nào. Có xem video của ông Andre Menras khi về chính ngôi nhà của cụ quay lại những gì mà cụ nói người ta khó tin đây là một con người của bạo loạn. Trong từng lời từng chữ, cụ khẳng định việc làm của mình là chống lại bất công, sai trái của những ai cố tình lèo lái vụ Đồng Tâm vào ba chữ “tranh chấp đất”. Cụ khẳng định ý đồ của nhiều người chức quyền muốn lấy đất Đồng Tâm vì nó liên quan tới tập đoàn Viettel, nơi từng có một sĩ quan làm việc cho Viettel khẳng định với cụ là đất Đồng Tâm đã được chính quyền huyện Mỹ Đức bán cho tập đoàn này. Dưới cái nhìn của rất nhiều người quan tâm tới vụ Đồng Tâm thì cụ Lê Đình Kình là một anh hùng thực sự. Anh hùng vì cụ dám đứng ra chống lại cả hệ thống. Vời gần 60 năm sinh hoạt đảng cùng với những chức vụ nhỏ nhất là Chủ tịch Hợp Tác xã, rồi Trưởng công an, rồi Bí thư UBND Xã Đồng Tâm cụ Kình không lạ gì tâm ý của đảng trước các vấn nạn gai góc về đất đai. Biết nhưng cụ không sợ hãi, cụ đứng lên trước người dân Đồng Tâm năm lần bảy lượt bị khủng bố, bắt giữ, đánh đập, thương tồn thân xác đến tàn tật nhưng cụ không chùn chân. Đã vậy cụ còn cho phép cả nhà mình từ con đến cháu, quây quần chung quanh cụ như những con chim nhỏ bé núp dưới đôi cánh đại bàng để cùng nhau sống còn với miếng đất của mình và của nhân dân. Cái chết của cụ kéo theo sự tù tội của con cháu cùng hệ lụy không đếm hết của người dân Đồng Tâm. Có lẽ đây là cái chết của một đảng viên gây thương tổn xã hội nhiều nhất. Nó khiến người dân thương cảm bao nhiêu thì hệ thống đảng lại bị dằn xóc bấy nhiêu. Người đứng trong đảng còn lương tri thì chắt lưỡi tiếc cho một hành động được họ đánh giá là “nông nỗi’. Người có chức phận lên án cụ là kẻ phản động chống đảng… cũng không hiếm người nhanh chóng bị cào vào làn sóng dư luận viên cho rằng cụ bị mua chuộc…Mọi biểu hiện đều cho thấy hình ảnh của cụ không những sẽ biến mất sau cái chết như chính quyền mong đợi mà nó lại bùng lên như ánh đuốc trong đêm tối soi rọi những góc khuất nhất của vụ án Đồng Tâm. Người dân nhắc tới cụ Kình luôn đi kèm tới lời lẽ không hay về ba công an tử thương trong vụ tấn công Đồng Tâm. Có người nhắc tới như một sự đáng tiếc vì dù sao ba người cũng thi hành công vụ mà chết, có người giận cá chém thớt cho rằng hành vi tấn công nhân dân vào đêm tối sẽ chuốc hậu quả không thể khác hơn, nhưng một luồng dư luận khác lại công phẫn với người ký quyết định trao tặng huân chương mà không để ý tới sự bất mãn của nhân dân trước cái chết của cụ Kình. Ba cái huân chương này không khác gì là vật hối lộ cho một quyết định nông nổi. Nó chứng tỏ hành vi chữa cháy, an tâm những người có mặt trong trận càn Đồng Tâm và nhắn nhủ với lực lượng vũ trang rằng dù gì đi nữa thì họ cũng sẽ được đảng bao che nếu họ biết vâng lời đảng. Cụ Lê Đình Kình là một nỗi đau của đảng vì cụ không vâng lời đảng và vì vậy cụ được nhân dân tôn kính. Không có bất cứ thứ huân chương nào đáng tôn quý bằng những cái cúi đầu thinh lặng tưởng nhớ của người dân. Cụ được người dân cả nước đồng lòng nhớ tới và vì vậy cụ vĩnh viễn là một biểu tượng nhân cách trong thời đại mà sự luồn cúi được tôn vinh trong cả hệ thống./.  
......

Pages