Xã hội Việt Nam sẽ đi về đâu khi mà rất nhiều người dân đã mất luôn cảm giác tội lỗi?

Duy Lê

Tôi xin nhắc lại, tôi đưa hình ảnh của em lên không phải để lên án cá nhân em, nhưng để minh chứng cho một hiện trạng đen tối của một phần lớn xã hội.

Chúng ta chỉ được biết đến sự gian dối trong việc mua điểm ở Hoà Bình, Sơn La ... qua việc phanh phui của báo chí. Vậy những tỉnh khác có tệ nạn này không?

Cá nhân tôi tin rằng không chỉ Hoà Bình hay Sơn La mà hầu như tỉnh nào cũng có, không chỉ mua điểm thi tốt nghiệp mà còn mua điểm ở tất cả các lớp qua việc biếu xén giáo viên với mục đích không trong sáng, qua việc cho con đi học thêm tối mặt tối mũi.

Và không chỉ việc mua điểm, việc gian dối hầu như đã diễn ra trong tất cả các vấn đề của xã hội. Nhân viên lừa tiền công ty, giám đốc lừa tiền công nhân, người trồng cây bơm hoá chất, người bán hàng tẩy rửa thực phẩm thúi, người sản xuất dùng hoá chất công nghiệp, công viên chức gây khó dễ để nhận tiền bôi trơn, bác sĩ kê toa để nhận tiền hoa hồng ...

Hầu như không nơi nào không có sự gian dối nhưng gian dối nhiều như lá mùa thu thì e rằng chỉ có ở Việt Nam.

Và cái đáng sợ hơn cả sự gian dối đó chính là con người ta mất luôn cảm giác tội lỗi khi gian dối mà xem đó là sự khôn ngoan và tự hào về nó.

Người mua điểm lên báo để kể về sự cố gắng học tập của mình, người bán hàng giả lên báo kể về khả năng kinh doanh thiên phú, kẻ cướp đất thì dạy kinh doanh bất động sản ...

Khi con người ta còn biết đúng sai, còn có mặc cảm tội lỗi thì người ta còn hạn chế hay ít nhất là lén lút thực hiện. Khi người ta không còn cảm giác tội lỗi mà ngược lại tự hào về nó thì quả thực rất kinh khủng. Họ có thể làm nó ở bất kỳ đâu, bất kỳ việc gì và dạy cho con cháu mình cùng thực hiện.

Gian dối chồng gian dối, gian dối dạy gian dối, gian dối khuyến khích gian dối - Đó chính là bi kịch của dân tộc.

___

Ở một đất nước văn minh không phải không có người tham, không phải không có sự gian dối, nhưng ở đó có một hệ thống pháp luật và pháp luật được thực hiện nghiêm minh để ngăn chặn, răn đe và hạn chế những hành động sai trái này.

Ở Việt Nam thì khác hẳn, ở Việt Nam không có đúng sai mà chỉ có tiền và không có tiền, có nhiều tiền hay ít tiền, có đảng và không có đảng.

Trước thực trạng như vậy chúng ta không thể chỉ hy vọng người dân tự hoán cải mà phải nhờ tới hệ thống pháp luật tác động thêm vào.

Tuy nhiên, một hệ thống pháp luật công bằng, nghiêm minh chỉ có thể xảy ra khi người dân tham gia giám sát người thực thi pháp luật, phẩn nộ trước các hành động sai trái của công chức.

Và mấu chốt vấn đề là tính cạnh tranh quyền lãnh đạo và thực thi pháp luật.

Đó là lý do vì sao đa số những nước dân chủ thì văn minh và công bằng.