Nói láo là văn hóa của cộng sản Trung quốc

Timothy Trinh|

Trong khi gian manh là truyền thống, nói láo đã trở thành văn hóa của nhà nước cộng sản Trung Quốc.

Chưa qua hai tuần sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết giữa 15 quốc gia kể cả Trung Quốc và Úc, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố đơn phương áp thuế chống bán phá giá lên tới 212,1% đối với rượu vang nhập khẩu của Úc bắt đầu hiệu lực từ thứ Bảy (28/11). Công bố bất ngờ này đã khiến nhà xuất khẩu rượu vang lớn nhất của Úc, Treasury Wine Estates (TWE), phải tạm ngừng giao dịch khi cổ phiếu của tập đoàn này giảm mạnh đến 13%.

Hành động này của Bắc Kinh có thể được xem là một sự trả đũa chính phủ Úc đã từng kêu gọi Trung Quốc minh bạch về xuất xứ của vi-rút Corona và gần đây gia nhập bộ tứ Mỹ-Úc-Nhật-Ấn.

Chưa hết, hôm nay hai phát ngôn viên chính thức của Trung Quốc đã thay phiên nhau nói láo, ngụy tạo chứng cớ và tiếp tục nói láo, biểu hiệu cho một nền “văn hóa” bẩn thỉu của cộng sản Trung Quốc.

Một hình ảnh ghép giả tạo bởi Trung Quốc, trong đó một người lính Úc tay cầm con dao đẫm máu kề cổ một đứa bé người Afghanistan, đã được đăng vào thứ Hai trên tài khoản Twitter chính thức của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian; 赵立坚).

Ảnh chụp một người lính mặc quân phục Úc đã được chỉnh sửa và ghép vào trước lưỡi dao của anh ta là một đứa bé Afghan bị bịt mắt và bị cắt cổ trong khi em đang ôm con cừu trong tay. Bên dưới sàn nhà có trải lá quốc kỳ của Úc.

Tối nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đưa ra một tuyên bố trên truyền hình trực tiếp về tấm ảnh do đồng nghiệp đăng tải.

Không đề cập gì cả đến sự giả tạo của tấm ảnh, bà Hoa đã tiếp tục cáo buộc cho rằng: “Một số binh sĩ Úc đã phạm tội nghiêm trọng ở Afghanistan. Các chi tiết kinh hoàng và gây sốc bao gồm cả những người đàn ông và bé trai bị bắn chết, tất cả đều bị rạch đứt cổ họng trong khi bị bịt mắt.”

Sử dụng cùng một ngôn ngữ theo kiểu “Black Lives Matter” (có nghĩa là “mạng sống của người da đen cũng đáng giá”), bà Hoa cho rằng: “Afghan Lives Matter” (mạng sống người Afghan cũng đáng giá) để lên án chính phủ Úc vi phạm “tội ác chiến tranh”.

Thủ tướng Úc Scott Morrison đã lên tiếng yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ Trung Quốc vì đã đăng những gì ông gọi là một hình ảnh “xúc phạm, thái quá và đáng trách”.

Ông Morrison đã triệu tập một cuộc họp báo đột xuất vào chiều nay để phản hồi về hình ảnh ghép giả tạo, được đăng trên một tài khoản chính thức của Trung Quốc.

Phát biểu trước báo chí, Thủ tướng Úc đã nói: “Đó là một hình ảnh sai lầm và một sự sỉ nhục khủng khiếp đối với lực lượng phòng thủ vĩ đại của chúng ta và những người đàn ông và phụ nữ đã phục vụ trong bộ đồng phục đó hơn 100 năm.”

“Bài đăng đáng phẫn nộ hôm nay về một hình ảnh giả mạo người lính Úc dùng dao đe dọa một đứa trẻ, trên một tài khoản chính thức của nhà nước Trung Quốc, thực sự đáng trách. Nhà nước Trung Quốc nên hoàn toàn xấu hổ về bài đăng này.”

Sự kiện cho thấy Bắc Kinh nhắm đúng cơ hội Báo cáo Brereton của Úc được công bố vào đầu tháng 11 vừa qua.

Báo cáo Brereton là kết quả cuộc điều tra của một Ủy ban độc lập do Tổng thanh tra Lực lượng Quốc phòng Úc khởi xướng để điều tra các tội ác chiến tranh có thể bị vi phạm bởi Lực lượng Phòng vệ Úc trong chiến tranh ở Afghanistan từ năm 2005 đến năm 2016.

Khi căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng giữa Úc và Trung Quốc, ông Morrison cho biết bài đăng bệnh hoạn trên Twitter của Triệu Lập Kiên không phải là con đường đi về phía trước.

Thật ra ở phía trước, chẳng có con đường nào đi chung được với một bá quyền mà truyền thống là gian manh và văn hóa là nói láo./.

Người Đà Lạt Xưa