Góp ý với bài của GS Vũ Quý Kỳ về Black Lives Matter

Lê Mỹ Dung|

... Chính những cuộc biểu tình ôn hòa đầy chính nghĩa, từ phong trào dân quyền của Martin Luther King và nay tiếp nối với BLM, đã là nền tảng để tạo ra những thay đổi tốt đẹp trong xã hội, và vì thế đã được đủ mọi sắc dân, kể cả những người Mỹ da trắng, những người Việt Nam, và người dân mọi sắc tộc trên khắp thế giới ủng hộ nhiệt liệt. Nhiều cảnh sát trên toàn quốc ... nhiều giới chức chính quyền cao cấp, các cựu tổng thống lưỡng đảng, tướng lãnh, doanh gia, đại công ty và hàng loạt những người nổi tiếng cũng đã lên tiếng ủng hộ BLM.
Các chính quyền địa phương tại Mỹ, kể cả Tổng thống Donald Trump, đã phải ban hành những biện pháp cải tổ. Ngày 16/6/2020, ông Trump đã ký đạo luật hành pháp đưa ra một số các gợi ý cho việc cải tổ cơ chế cảnh sát.

Thưa bác Vũ Quý Kỳ, cháu là bạn sinh hoạt với con trai bác và luôn cả Hoàng Tứ Duy. Cuối tuần qua cháu đọc được bài viết của bác nói về phong trào tranh đấu “Black Lives Matter (BLM)” (Mạng Sống của Người Da Đen cũng Quan Trọng), dưới tựa đề “Vài nhận định về BLM qua bài phỏng vấn ông Hoàng Tứ Duy.” Là một người sinh hoạt trong cộng đồng và rất quan tâm đến những vấn đề liên quan đến công bằng và bình đẳng trong xã hội Hoa Kỳ, cháu có theo dõi tìm hiểu về BLM và xin chia xẻ nhận định của cháu cùng với bác.

1/ Vụ cảnh sát giết ông George Floyd: đây không phải là một trường hợp đơn lẻ hay duy nhất. Đã có nhiều người Mỹ, kể cả gốc Mễ, da đen hay da vàng bị giết oan uổng, phi lý, kể cả những người Mỹ gốc Việt như bà Trần Thị Bích Câu (San Jose, 2003), Sonny Lam (Sacramento, 2013), cả hai đều là bệnh nhân tâm thần và không có súng. Theo nhóm nghiên cứu Mapping Police Violence, trong năm 2019, có hơn 1,000 người bị cảnh sát giết trong lúc bắt giữ: 28% là người Mỹ da đen, trong khi họ chỉ chiếm 13% dân số tại Hoa Kỳ. Con số đó cho chúng ta thấy là tỷ lệ xảy ra cho người Mỹ da đen rất cao.
Khi hiện tượng xử dụng bạo lực làm chết người xẩy ra với con số hằng ngàn mỗi năm (và cao nhất trong số các quốc gia tân tiến) vậy thì nó không còn là hiện tượng đơn lẻ nữa mà cho ta thấy hệ thống cảnh sát Mỹ cần sửa đổi, cải thiện. Chúng ta phải đặt vấn đề là tại sao phải bắn tới chết các đối tượng thay vì chỉ bắn vào chân khi họ bỏ chạy? Tại sao lại đè họ tới chết ngạt? Tại sao dùng bạo lực khi họ không hề chống cự? Thêm vào vấn đề, 99% cảnh sát giết người từ 2013-2019 đều không bị buộc tội.
Ngoài ra, hiện tượng cùng một tội trạng mà người Mỹ da đen bị án phạt nặng nề hơn cũng nói lên vấn đề racism/kỳ thị ngay trong hệ thống pháp lý, và còn nhiều vấn đề khác mà cháu không thể đi hết ở đây, mong sẽ có dịp chia sẻ thêm cùng bác trong lần tới.

2/ Phong trào BLM tranh đấu cho quyền của người Mỹ da đen được bình đẳng, mạng sống được tôn trọng và bảo vệ như người Mỹ da trắng. Đây là phong trào đòi hỏi nhân quyền và nhân phẩm không khác với những phong trào chống áp bức, độc tài khắp nơi trên thế giới, kể cả phong trào của người Việt Nam và người dân Hồng Kông chống độc tài cộng sản. Trong trường hợp tại Mỹ là “bạo lực cảnh sát” và hệ thống pháp lý bất công. Vì nhìn thấy sự bất công này, cháu không thể làm ngơ mà phải lên tiếng ủng hộ BLM.
Bác viết là hiện tượng kỳ thị vẫn còn ở mọi nơi trên trái đất. Does it make it right? Như vậy là ta phải chấp nhận nó là đúng? Chúng ta bó tay và không làm gì cả? Chúng ta đang ở thế kỷ 21, khi mà loài người tiếp nhận công bằng và bình đẳng, không phân biệt chủng tộc là những giá trị cần thiết và phù hợp với đạo lý con người, thì chúng ta không thể chấp nhận kỳ thị với bất cứ hình thức nào và ở bất cứ nơi nào trên thế giới này nói chung.
Cháu chợt nhớ đến câu mà cháu đọc được tại Martin Luther King Memorial ở WDC: "Injustice anywhere is a threat to justice everywhere. We are caught in an inescapable network of mutuality, tied in a single garment of destiny. Whatever affects one directly, affects all indirectly." ("Bất công ở bất cứ một nơi nào cũng là mối đe dọa cho công lý ở mọi nơi. Chúng ta cùng vướng trong một mạng lưới hỗ tương không thể thoát, gắn liền trong một tấm áo định mệnh duy nhất. Bất cứ điều gì ảnh hưởng trực tiếp đến một người, đều ảnh hưởng gián tiếp đến mọi người.")

Tại Hoa Kỳ, tuy đã có những chính sách và luật lệ bảo vệ nhân quyền và tự do, chống bất công kỳ thị, nhưng hiện tượng kỳ thị vẫn còn khá phổ thông tại đây, từ công khai đến ngấm ngầm. Chúng ta phải nhìn ra sự kỳ thị chủng tộc (racism) đối với người Mỹ da đen tại Hoa Kỳ, và hiểu thấu đáo qua nhiều sự việc đã xảy ra - từ những diễn biến lịch sử/chính trị tại Mỹ suốt 400 năm qua, ngay cả sau khi chế độ nô lệ chấm dứt (1865), tới những thập niên gần đây để thấy là: tuy đã có nhiều cải thiện nhưng thực sự racism vẫn còn tồn tại, và là một hiện tượng có hệ thống với những biến dạng qua thời gian, để đừng nhầm lẫn rằng những trường hợp kỳ thị chỉ là cá lẻ và “không còn kỳ thị da đen” tại Hoa Kỳ nữa. Khi nhìn rõ vấn đề như vậy, chúng ta mới thấy cần phải cùng góp sức triệt để hơn nữa để chế phục kỳ thị chủng tộc, và tác hại của nó sẽ không chỉ dừng ở người Mỹ da đen mà sẽ/đang lan tỏa vào những cộng đồng thiểu số khác, trong đó có cả Việt Nam.

3/ BLM với hàng triệu người biểu tình, trong đó có người da trắng, da đen và nhiều chủng tộc cùng đồng hành vì tiếng gọi của lương tâm, đều chủ trương ôn hòa: họ là Protesters/Demonstrators. Chúng ta phải phân biệt rõ ràng: Protesters (những người biểu tình ôn hoà) vs. Looters (những người ăn cướp, phá hoại). Protesters ôn hòa gồm rất nhiều người có địa vị, danh phẩm, và chức vụ. Những thành phần bạo động hoặc lợi dụng để hôi của, cướp các cửa tiệm là những thành phần bất hảo lợi dụng cơ hội để ăn cắp, hoặc những thành phần cực đoan (gồm cả cực hữu lẫn cực tả) lợi dụng để bôi nhọ chính nghĩa của những người biểu tình. Các cơ quan tình báo và an ninh Hoa Kỳ đã kết luận là những thành phần cực hữu như Boogaloo, Proud Boys, Patriot Prayer, các nhóm chủ trương “da trắng thượng đẳng” ... đã đứng sau phần lớn các cuộc bạo động.
Chúng ta không nên đồng hoá đại đa số biểu tình ôn hoà với một thiểu số tội phạm lợi dụng hôi của hay bạo động hầu xuyên tạc chính nghĩa của phong trào để rồi kết luận BLM là phong trào của những kẻ xấu hay phạm pháp.

4/ Giáo sư VQK viết “Đồng sáng lập viên BLM Patrisse Cullors cho biết rằng bà và các bạn ‘đồng chí’ được học tập chủ thuyết Karl Marx”. Đúng là bà Cullors đã nói câu này 5 năm trước đây (2015) khi phong trào tranh đấu BLM còn phôi thai, và bà muốn ám chỉ đến lý tưởng của chủ thuyết Marx (ideological theory). Cháu rất thông cảm khi bác VQK e ngại về câu phát biểu của bà Cullors bởi chúng ta đã quá ớn chủ nghĩa cộng sản - dựa trên lý tưởng của Marx, và được Stalin bạo lực hóa để cướp chính quyền và thành lập hệ thống độc tài phi nhân cộng sản. Điều quan trọng là hãy nhìn vào những điều BLM chủ trương và hành động mà bà Cullors đã chia sẻ trong buổi phỏng vấn ngày 25/1/2018 là BLM chủ trương hòa bình và không bạo động. BLM không phải là một tổ chức cộng sản, cũng không phải là một tổ chức chính trị mà chỉ là một phong trào quần chúng. Và phong trào với nhiều chục triệu người trong suốt nhiều tuần lễ đã thực hiện rõ tinh thần đấu tranh bất bạo động của Mục sư Martin Luther King.

5/ Bác viết “Phần lớn những người biểu tình đã bị lừa. Có những thành phần cực kỳ thiên tả và bạo động, trương cờ đỏ búa liềm của cộng sản, như Antifa ở Portland và Seattle.” Kết luận này làm cháu ngạc nhiên quá đỗi, nhất là từ bác! Những hình ảnh “cờ đỏ, búa liềm” được các thành phần cực hữu ngụy tạo đã được chứng minh là photoshop. Biểu tượng của Antifa là hai lá cờ đen đỏ, không phải búa liềm. Họ chủ trương chống những thành phần phát xít, cực hữu da trắng bạo động, nhưng Antifa lại cũng dùng bạo lực, do đó nhiều người (trong đó có cháu) không ủng hộ. Và BLM không phải là Antifa.

6/ Kế tiếp, bác đã viết “Một phần lớn khác đã đi biểu tình vì được chi tiền... đảng chính trị lớn đứng ngoài lợi dụng chiêu bài ‘kỳ thị chủng tộc’ vì mục tiêu chính trị đảng phái, nhất là trong năm bầu cử tổng thống... Nhập bọn với những người biểu tình mà không cẩn thận tìm hiểu chính nghĩa của cuộc biểu tình đó, thì thật là thiếu khôn ngoan.”
Viết như vậy có phải là bôi nhọ động lực và chính nghĩa của người biểu tình không? Nếu là tiền thì là bao nhiêu vậy, thưa bác ? Cháu không nhận được một đồng nào từ một tổ chức chính trị nào cả, và cũng không có tổ chức nào gởi thư mời cháu tham gia biểu tình. Thưa bác, chúng ta đã thấy phương cách tấn công tuyệt vọng như vậy của các thể chế độc tài, như Cộng sản Việt Nam đã làm đối với người dân đứng lên tranh đấu cho tự do, công lý và nhân bản tại quê nhà.
Chính trị hóa nguyện vọng được sống an lành của phong trào BLM (cho rằng họ bị các thế lực chính trị thao túng) là vô tình chúng ta cũng tiếp tay cho luận điệu “chính trị hóa” việc đòi đất của dân oan mà CSVN nói là họ bị các thế lực “phản động” xúi giục.
Tóm lại, chê người biểu tình thiếu khôn ngoan là xem thường những con người can đảm có lòng này, và sỉ nhục họ khi nói họ đã nhận tiền để biểu tình. Cháu mong bác tìm hiểu thêm và xét lại, vì trong số người biểu tình có rất đông tuổi trẻ Việt Nam được hấp thụ tinh thần lý tưởng của cha mẹ, ông bà mình, và cùng góp tay xoa dịu những vết thương đau của đồng loại.
7/ Về những thống kê bác đã dùng để minh chứng không có nạn kỳ thị : cháu có fact check và xin thưa như sau. Theo nguồn FBI 2013 mà bác trích dẫn về tỷ lệ người Mỹ da đen và da trắng giết nhau, thì fact check của Reuters cho biết nguồn chính là từ Facebook của Malcolm Jackson-Miller (MJM) và trong đó có biểu đồ nói là dựa trên tài liệu FBI 2013; những con số từ biểu đồ này đã được bác trích dẫn là phần trăm, thí dụ 9.83%, nhưng trên biểu đồ viết là 9.83 người bị giết trên 1.000.000 dân số, tức 0.000983% - sai số lớn tới 10.000 lần.
Reuters cũng kết luận những con số và lý luận của MJM là “misleading” - tức sai lầm. Thông tấn xã uy tín này đã tham vấn với hai tiến sĩ toán học của Hội Thống Kê Hoa Kỳ là Regina L. Nuzzo, Ph.D., và Lucas Mentch, Ph.D. Hai vị này cho biết kết luận sau đây dựa vào dữ kiện của FBI, 2013:
* Năm 2013, một người da trắng có xác suất bị giết (bởi bất cứ ai) là 13 phần triệu, da đen là 62 phần triệu, tức xác suất một người da đen bị giết (bởi bất cứ ai) cao hơn người da trắng gấp 5 lần. 

* Năm 2013, xác suất một người da trắng bị giết bởi một người da trắng là 11 phần triệu và bởi một người da đen là 2 phần triệu. Trong khi đó xác suất một người da đen bị một người da đen giết là 56 phần triệu và bị một người da trắng giết là 5 phần triệu. Như vậy, hiện tượng người Mỹ da trắng giết da đen cao gấp 3 xác suất người da đen giết da trắng phản ảnh sự kỳ thị. 


8/ BácVQK còn cho biết “Tôi rất lấy làm xấu hổ khi thấy đám tuổi trẻ Việt Nam đi biểu tình ủng hộ ông Floyd, và sau đó đi đập phá và hôi của.”
Chắc bác đã đọc bản tin có tựa “Cảnh sát Chicago xác nhận du học sinh Việt hôi của bị chủ bắn gục tại King Nail & Spa” ngày 5/6/2020, mà không biết đây là bản tin giả đã được báo Người Việt phanh phui trong bài “Nguồn gốc những bản tin ‘Fake News’ lan truyền trong cộng đồng Việt” ngày 16/6/2020.
Vấn nạn tin giả đã khiến không biết bao nhiêu người Việt mình trở thành nạn nhân trong thời gian vài năm qua. Chính cháu cũng suýt bị lừa trong bản tin nêu trên, nhưng nhờ đọc nhiều nguồn khác nhau cháu có được sự thật là muốn chia sẽ với bác.
Còn vấn đề những người trẻ Việt Nam đi biểu tình ủng hộ BLM, cháu thật sự rất cảm động khi thấy những người trẻ này mạnh dạn đứng lên vì công bằng và bình đẳng, vì quyền lợi của người khác, và vì họ thực hiện hành động cần thiết của một công dân khi đất nước này vẫn còn sự bất công, thay vì thụ động ở nhà chơi games, đi clubs, hoặc có những hành động hưởng thụ khác và lãnh cảm, không biết rung động trước sự đau khổ của những người chung quanh mình.

Cuối bài, một lần nữa cháu kêu gọi chúng ta không nên đồng hoá đại đa số biểu tình ôn hoà với một thiểu số tội phạm lợi dụng hôi của hay bạo động hầu xuyên tạc chính nghĩa của phong trào, để rồi kết luận BLM là phong trào của những kẻ xấu hay phạm pháp.
Chính những cuộc biểu tình ôn hòa đầy chính nghĩa - khởi đi từ phong trào dân quyền của Tiến Sĩ Martin Luther King và nay tiếp nối với BLM, đã là nền tảng để tạo ra những thay đổi tốt đẹp trong xã hội, và vì thế đã được đủ mọi sắc dân, kể cả những người Mỹ da trắng, những người Việt Nam, và người dân mọi sắc tộc trên khắp thế giới ủng hộ nhiệt liệt.
Nhiều cảnh sát trên toàn quốc cũng đã ủng hộ qua việc cùng quỳ xuống để biểu lộ đồng tình với BLM, một hành động đã bị xuyên tạc hay hiểu lầm là quỳ xuống để ủng hộ cá nhân ông Floyd. Nhiều giới chức chính quyền cao cấp, các cựu tổng thống lưỡng đảng, tướng lãnh, doanh gia, đại công ty và hàng loạt những người nổi tiếng cũng đã lên tiếng ủng hộ BLM.
Các chính quyền địa phương tại Mỹ, kể cả Tổng thống Donald Trump, đã phải ban hành những biện pháp cải tổ. Ngày 16/6/2020, ông Trump đã ký đạo luật hành pháp đưa ra một số các gợi ý cho việc cải tổ cơ chế cảnh sát.

Kính thưa bác,
Cháu mong những góp ý thẳng thắn này sẽ mở ra cơ hội trao đổi để tạo cảm thông, không chỉ giữa hai bác cháu mình, mà cả với đồng bào khắp nơi về những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm trong tinh thần cởi mở, tương kính, tôn trọng sự thật và lòng nhân bản.

Lê Mỹ Dung
16/7/2020

https://vietbao.com/…/viet-bao-phong-van-ong-hoang-tu-duy-v…