Hòa bình luôn luôn là khát vọng sống còn

Nguyen Khan|

Theo các nhà khoa học, vi khuẩn là một vi sinh vật đơn bào không nhân, sinh sản bằng nhân bản vô tính, tức tự nhân đôi, sống tự lập được trong cơ thể sống và ngoài môi trường, là loài sinh vật đông đảo nhất hành tinh. Chúng vừa có hại cho con người vì gây ra nhiều loại bệnh tật tùy theo độc tính của từng loại vi khuẩn, Song cũng vừa có lợi cho người, tỉ như vi khuẩn đường ruột giúp tiêu hóa.

Trái lại, virus, gọi khác là siêu vi khuẩn, chỉ nhỏ bằng 1/10-1/100 vi khuẩn, là một dạng sống đơn giản nhất mà con người từng biết. Bởi virus chỉ là những tiểu phần không có cấu trúc tế bào, tức không có bào quang, gồm những chuỗi đơn hoặc chuỗi kép acid Nucleic và một vỏ protein bao quanh vật liệu di truyền AND (acid deoxyribonucleic) hay ARN (acid Ribonucleic). Chúng phải sống trong những tế bào của các cơ thể sống như người, động vật, thực vật. Các cơ thể này là vật chủ giúp chúng nhân bản và sống sót. Chúng không thể tồn tại và sinh sản nếu không bám vào...để cộng sinh hoặc "cướp" cơ chế sống của tế bào vật chủ.

Các nhà khoa học cũng cho biết, virus gây hại nghiêm trọng cho người, không đem lại bất cứ lợi ích nào, ngoài một vài ứng dụng rất hạn hẹp trong công nghệ ghép gene, hay sử dụng rất hạn chế trong kỷ thuật tiêu diệt khối u cơ thể người.

Năm 1960 người ta biết đến dòng virus có ngoại hình giống vương miện nên đặt tên là virus corona (vương miện), từ bấy đến nay loại vi sinh vật chưa hoàn thiện, chỉ là những tiểu phần không có tế bào này, đã thể hiện "uy lực vương miện" vô song của chúng khi làm những kẻ đang đội vương miện trên cõi đời này chết khiếp. Suýt chút nữa thủ tướng Anh đã bị virus corona lột mất vương miện, tổng thống Nga Putin, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều nguyên thủ quốc gia khác sợ sốt vó, không chỉ sợ mất vương miện... mà còn sợ mất gáo... Bởi một khi nguyên thủ nào lúa đời bị virus corona bám vào xài ké cơ chế sống của tế bào cơ thể mình, thì virus corona cũng tìm cách xài ké luôn vương miện của nguyên thủ, đẩy nguyên thủ vào lò thiêu mất gáo. Thủ tướng Anh may mắn thoát nạn. Virus Corona không từ một ai, từ già đến trẻ, từ mạnh đến yếu... Tất tần tật thượng vàng hạ cám đều bị chúng đeo bám... để tồn tại, vì chúng không thể tự sống ngoài tế bào vật chủ.

Cũng từ khi được biết đến vào thập niên 60 thế kỷ trước, người ta nhận ra virus corona có nhiều chủng loại, sống ký chủ trong cơ thể loài dơi và một vài loài hạn hữu khác, chúng có thể tự biến đổi để xâm nhập vào tế bào người gây ra dịch bệnh. Nếu sau khi vào cơ thể người chúng tự biến đổi để lây từ người sang người sẽ gây ra đại dịch.

Năm 2002 một dòng virus corona ở Phật Sơn Trung Cộng gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp SARS, lây nhiễm hơn 8000 ca, tử vong ít nhất 774 người.

Năm 2012 một chủng virus corona khác ở Ả Rập Xê Út gây hội chứng hô hấp Trung Đông MERS, lây nhiễm 2494 ca, 858 người tử vong.

Cuối năm 2019 một dòng virus corona có họ hàng gần với virus corona SARS gây đại dịch cúm Wuhan hãi hùng, làm tan nát và tang thương khắp thế giới.

Các nhà khoa học hi vọng dịch cúm Tàu có chung quy luật với các loại cúm là bùng phát mùa đông tan biến mùa hè. Song mùa hè đang trôi qua, cúm Tàu không những không suy yếu mà còn bùng phát trở lại, có thể mùa đông sắp tới sẽ gây hại dữ dội hơn nữa ?

Cho nên cần theo dõi cúm Tàu ở các nước Nam bán cầu, Australia chẳng hạn, đang vào mùa đông để biết virus cúm Tàu hoạt động ra sao, dịu xuống hay bùng phát, giúp các nước Bắc bán cầu có hướng đối phó khi mùa đông đến.

Tính đến ngày 8/7/2020, dịch cúm Tàu lây nhiễm 11.957.736 ca trên toàn thế giới. Điều trị khỏi 6.904.182 ca. Tử vong 546.791 người. Hiện chưa biết đến khi nào hết dịch.

Như vậy, chỉ trong vòng 17 năm, từ 2002 đến 2019, các chủng virus corona đã gây ra 3 trận dịch, bình quân gần 9 năm một trận dịch, trận dịch sau gây tử vong nhiều hơn trận dịch trước. Riêng trận dịch cúm Tàu đang diễn ra, lây nhiễm và tử vong quá lớn, chưa biết lúc nào dừng, làm không ít người hoang mang nghĩ đến dịch cúm H1N1 Tây Ban Nha năm 1918 làm hơn 50 triệu người thiệt mạng. Lẽ nào?

Câu hỏi đặt ra, virus corona chỉ là một nửa cơ chế sống, phải tìm nửa còn lại trong tế bào vật chủ để hoàn thiện cơ chế sống, để nhân bản và tồn tại. Chúng như một bóng ma vô hình con người không nhìn thấy bằng mắt thường nên không biết khi nào chúng "viếng thăm" mình.

- Chỉ đến khi nằm phì phèo máy thở, buông xuôi sự sống cho rủi may...

- Chỉ đến khi doanh nghiệp điêu đứng, bó tay mong chờ hên xui.

- Chỉ đến khi người lao động mất việc, theo lời khuyên của thủ tướng Trung Cộng mò ra đầu đường xó chợ kiếm sống.

- Chỉ đến khi thế giới tràn ngập khăn sô, đong đầy nước mắt, thừa thãi khóc than... Xẻ nghé tan đàn...

- Chỉ đến khi quốc gia suy sụp, thế giới tan hoang v.v...

Khi ấy chắc con người mới nhận ra :

- Đâu cần đến phi đạn tầm ngắn tầm trung tầm xa.

- Đâu cần đến súng to súng nhỏ súng dài.

- Đâu cần đến xe tải xe bọc thép xe tăng.

- Đâu cần đến tàu ngầm tàu nổi tàu sân bay.

- Đâu cần đến chiến đấu cơ hạng nhẹ hạng trung hạng nặng.

- Đâu cần đến bom áp nhiệt, bom hạch nhân, bom hợp nhân v.v...

Chỉ cần một dòng virus corona như virus Wuhan, đủ để làm địa cầu tan nát và tang tóc, cần gì đến những công cụ chiến tranh hiện đại nói trên, nên việc phát triển vũ khí hiện đại thêm nữa cũng chẳng có nghĩa lý gì nếu không ngăn được virus corona ?

Và nếu trong vòng 17 năm đã xuất hiện 3 lần dịch cúm corona thì:

- Tần suất xuất hiện đại dịch Corona khá dày.

- Đại dịch sau khủng khiếp hơn đại dịch trước

- Và tỉ như chủng virus corona Wuhan hiện nay liên tục biến đổi để gặm nhấm dần dần nền văn minh hiện nay, cướp đi sự sống của con người nhanh hơn số sinh ra, thì tương lai nhân loại sẽ đi về đâu?

Những cổ máy chiến tranh hiện đại một ngày nào đó nằm chỏng chơ không còn người điều khiển thì sản xuất quốc phòng thêm nữa làm gì?

Sao các nước, nhất là các siêu cường không giảm ngân sách quốc phòng, ngân sách an ninh, ngân sách mật vụ v.v... Để nghiên cứu chống dịch ?

Bởi rồi đây, hậu quả của việc tàn phá thiên nhiên cho tăng trưởng và lòng tham không đáy của con người, môi trường bị ô nhiễm, môi sinh bị thu hẹp, cân bằng sinh thái bị rối loạn, vật ký chủ và môi trường ký chủ của các loài virus và vi khuẩn bị thu hẹp, sự chung đụng giữa con người và các loài vi khuẩn, virus trở nên gần kề và thường xuyên hơn, xác suất virus xâm nhập vào cơ thể người trở nên dày hơn, thì đại dịch sẽ diễn ra gần kề hơn, dữ dội hơn...

Cho đến khi con người bị trả giá nặng nề, dân số giảm sút kinh khủng để cân bằng sinh thái, thì cuộc sống con người mới có thể an bình hơn.

Cho nên, hãy ngưng tàn phá thiên nhiên, giảm ngân sách quốc phòng để gia tăng đầu tư cho môi trường, phục hồi môi sinh, trả lại sinh thái, kiếm soát dịch bệnh, thì Trái Đất này mới có thể phát triển an bình./.