Hôm qua, tôi đã thấy gì?

Tân Phong - Web Việt Tân|

Thế giới chỉ cần vài trăm người đàn ông, đàn bà Quả Cảm. Thực hành Quả Cảm đó là những người dám tin vào Chân Lý, dám diễn đạt Chân Lý trong cuộc sống. Những người không run sợ trước Cái Chết. Hơn nữa, còn đón mừng Cái Chết…” – Thụy An

Hôm qua, tôi thấy những “con thú mặt người,” sang trọng bảnh bao đến xem kịch của anh.

Hôm qua, tôi thấy anh lướt trên khán phòng của cái Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh đứng trước mặt bà chủ tịch quốc hội đang lim dim đôi mắt lá răm, ngả tấm thân phồn thực trên hàng ghế VIP, khoái trá cười anh kép Xuân Bắc trong vai “Văn Sửu.”

Tôi thấy Vũ đứng đó, hét lớn, vung tay đầy giận dữ nhưng chúng chẳng nghe thấy gì. Chúng cười nói như không, điệu bộ tỏ ra đúng kiểu “thượng lưu tôn quí.” Chúng không thấy anh ở đó, gương mặt và chiếc áo sơ mi trắng đẫm máu.

Và trên sân khấu, Xuân Quỳnh rũ rượi, mái tóc bết máu, ôm bé Lưu Quỳnh Thơ. Quỳnh cứ câm lặng, mắt trân trân nhìn lũ ngợm người ở phía dưới. Tất cả họ đều có mặt ở trên cái sân khấu ngày hôm qua, ở Nhà hát lớn Hà Nội, trong buổi diễn vở kịch mang tên “Bệnh Sĩ”.

Đám người mắt thịt ngồi xem kịch, vỗ tay, cười nói rôm rả. Bà Chủ tịch, nghe nói từng học dang dở năm 2 Văn Khoa Saigon trước 1975, hẳn cũng đã từng xem kịch của Vũ trong những năm 80s của thế kỷ trước. Ở thời đại đó, phim ảnh truyền thông và internet chưa phổ biến. Trong một xã hội như cái nồi cám lợn vữa nát, hôi thối, thì thơ của Vũ đúng là một làn gió mới trong lành, một thứ ánh sáng tinh khôi, một khung cửa nhìn ra bầu trời xanh. Kịch của Vũ thì lại cuồn cuộn sức sống, gai góc, phản ánh thực tế trần trụi, diễu cợt, cay nghiệt, lên án cái hủ bại, giả tạo, độc ác ở cái xã hội được gọi là “thiên đường cộng sản.” Vũ đánh thức những người còn Lương tri và làm hoảng sợ những kẻ đang cầm quyền.

Thế rồi VŨ bị đe dọa, bị qui chụp, bị kỷ luật và cô lập. Nhưng tất cả không làm cho Vũ nản lòng, Vũ vẫn viết, sáng tác miệt mài. Để rồi, vụ tai nạn đột ngột, oan nghiệt, đầy mờ ám trên chiếc cầu Lai Vu, Hải Dương ngày 29 tháng Tám, 1988 đã cướp đi sinh mạng cả ba người gia đình Vũ, chấm dứt cùng một lúc hai tên tuổi lớn, hai nghệ sĩ thực sự của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam những thập kỷ 80s- 90s, Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Kể từ đó, Biển thôi rì rào và Thuyền tan vỡ.

30 năm trước cái chết của Vũ và Quỳnh, cần phải nhắc đến một cuộc trấn áp tàn bạo, vô sỉ tận cùng mà đảng CSVN khởi xướng, nhắm vào những trí thức hàng đầu trong Nhân Văn Giai Phẩm. Cuộc khủng bố và bôi nhọ giới trí thức tiến bộ được ông Hồ dùng bút danh Trần Lực, bắn phát súng hiệu đầu tiên bằng bài viết “Đập tan tư tưởng hữu khuynh” với thông điệp sắt máu “Chúng ta không thể cho phép bất kỳ ai lợi dụng tự do dân chủ và tự do ngôn luận để tách rời nhân dân khỏi Đảng,” đăng trên báo Nhân Dân ngày 16 tháng Chín, 1957. Ít lâu sau đó, Bộ Chính Trị CSVN ra Nghị quyết số 30 về Văn Nghệ ngày 6 tháng Giêng, 1958.

Nghị quyết số 30 có nội dung như một bản đấu tố, đậm đặc sự hận thù “Sự hoạt động của những phần tử phá hoại trong giới văn nghệ là một hiện tượng hết sức nguy hiểm, một vấn đề cấp bách cần giải quyết (…) Chúng truyền bá những tài liệu và những báo chí phản động. Dưới chiêu bài ‘chống giáo điều, máy móc,’ chúng gieo rắc những nọc độc của chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ, nhằm lôi kéo văn nghệ sĩ đi vào con đường nghệ thuật tư sản suy đồi…”

Những gì diễn ra sau đó là bắt bớ, tra tấn, tù đày, bôi nhọ, phong tỏa, cô lập… tất cả những văn nghệ sĩ đã từng tham gia vào phong trào văn nghệ của Nhân Văn Giai Phẩm. Rất nhiều người đã không thể chịu hết án tù dài hơn thập kỷ và chết trong trong những xà lim lạnh lẽo, bẩn thỉu, thây vùi những nghĩa trang vô danh của nhà tù CSVN. Những cái tên mà lịch sử sẽ nhắc lại mãi như Thụy An, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang… Số phận bi thảm của những trí thức tiên phong đòi dân chủ hóa, xây dựng văn hóa khai minh cho dân tộc, giải phóng con người… đã bị đảng nghiền nát dưới gót giày “chuyên chính vô sản” như thế.

Ba mươi năm sau, những trí thức như Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh tiếp nối con đường của nữ sĩ Thụy An hay Nguyễn Hữu Đang năm xưa. Một lần nữa lịch sử nhơ nhớp, ô nhục của đảng được tái diễn. Máu của những tri thức yêu nước, của những tinh hoa đất nước lại nhuốm đỏ “búa liềm.” Sau cái chết của VŨ và Quỳnh, người ta không diễn những vở kịch của Vũ viết nữa.

Rất lâu, phải gần hai chục năm sau, những vở kịch của anh mới được diễn lại, nhưng với sự chống lưng, chỉ đạo của bộ máy chính trị nhằm đưa ra thông điệp thể hiện rằng đảng đang nỗ lực “đổi mới, chống hủ hóa, giả dối…” Chẳng phải những kẻ cầm quyền thích kịch của Vũ mà chỉ vì 30 năm qua không có một tên tuổi nào, một cây viết nào trong toàn bộ hệ thống văn nghệ theo định hướng của đảng có thể “nặn” ra một tác phẩm có hồn.

Hôm nay, cũng như thế, trước thềm đại hội đảng các cấp lần thứ 13, bà chủ tịch quốc hội cùng với hai ông bộ trưởng đi xem kịch của Vũ và ngồi nghe đám kép, đào mới diễn lại vở kịch cũ mà cười cợt khoái trá “Mọi người bây giờ yêu của rởm hơn của thật” “Mình không bịp bợm, mình chỉ bốc phét… Cả nước người ta bốc phét chứ đâu riêng chỉ ông,” “Tôi nghiệm rồi, cứ lúc nước sôi lửa bỏng là thuyền trưởng biến mất,”  “Mang khoa học công nghệ đến cho đồng nát đâu có đơn giản”…

Chẳng phải những điều Vũ nói 30 năm trước, giờ đã và đang hiển hiện khắp hang cùng ngõ hẻm, trở thành thứ “văn hóa đương đại” đấy sao?

Chúng cười cái gì nhỉ? Cái “thành tựu khốn nạn” đó chẳng phải là do mấy chục năm qua, chúng miệt mài tụng niệm thứ triết thuyết ma quỉ, cổ xúy học tập thứ “đạo đức, tư tưởng” của “cha già dân tộc” đó sao?

Chúng cười cái gì nhỉ? Khi lớp lớp những trí thức, nghệ sĩ như Thụy An, Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán rồi đến Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đã chết đầy oan khiên, rũ xác ở chốn tù đày bởi những bàn tay lông lá, bởi những kẻ không muốn người dân “mở miệng.”

Chúng sợ Lương tri người dân được đánh thức bởi những con người Quả Cảm và dám thi hành sự Quả Cảm đó trong việc bày tỏ Chân Lý. Và bây giờ, chúng lại đến đây, xem kịch của Vũ, tán dương anh như thể chúng là “người tử tế,” cũng ghét giả dối, cũng ghét bệnh sĩ diện, háo danh. Đúng là lũ lưu manh đốn mạt!

Hôm kia, Nguyễn Tường Thụy bị cả chục công an ập vào nhà bắt khẩn cấp. Anh bị chúng khởi tố với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Việt Nam”  theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự 2015. Anh Thụy trước khi cầm bút, đã là một người lính cầm súng, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979. Cũng giống như anh Trần Đức Thạnh, từng là cựu binh của chiến trường “giải phóng miền Nam,” sau đó trở thành nhà văn.

Liên tiếp trong mùa dịch chưa dứt, chúng đã bắt hàng loạt những trí thức phản tỉnh như Phạm Chí Dũng, Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Trần Đức Thạnh… đều là những người từng đứng trong hàng ngũ “bên thắng cuộc,” cống hiến tuổi thanh xuân cho chế độ và giờ họ là người đứng ra ngoài hệ thống đó, lên tiếng đòi phải thay đổi, cải cách chế độ, đòi dân chủ hóa. Họ là những người tiếp nối con đường mà Thụy An, Trần Dần,  Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đã đi qua. Và rồi, ngục tù là nơi họ tới.

Đảng chưa bao giờ thay đổi. Trong mắt của lớp “răng hô, mã tấu” cầm quyền năm xưa và giờ là lớp “thượng lưu quí tộc Đỏ” cai trị, Trí Thức chỉ là món trang sức rẻ tiền của chế độ và khi cần chúng có thể vứt bỏ không thương tiếc. Nói như Mao “trí thức không bằng cục phân.” Một thể chế “đẻ ra từ họng súng” thì cần gì tới trí thức?

Chúng chỉ cần đám nô văn để tán dương, bôi vẽ bộ mặt chế độ, cần đám lưu manh đầu trâu mặt ngựa để cai trị dân chúng và giờ đây cần thêm đội ngũ con buôn thất đức để kiếm tiền phục dịch cho giới “quí tộc Đỏ.” Những con thú mặt người, sẵn sàng xé xác lẫn nhau đừng nói gì chuyện nhai nuốt đám dân đen con đỏ. Và cứ khi nào tổ chức đại hội đảng, thì để yên dư luận cho tiện bề chia chác ghế bàn, thì đảng lại tống những thành phần trí thức phản tỉnh vào tù. Cho đám trí thức “trói gà không chặt” ấy đi “chăn kiến” cũng đã là nhân đạo lắm rồi. Còn nếu không thì vài cái tai nạn hay một cuộc “Nhân văn Giai Phẩm” mới xem chừng cũng chẳng khó khăn gì đối với đảng. Bây giờ, việc bắt và bỏ tù đám nhà văn, báo chí còn đơn giản hơn thời Nhân Văn Giai Phẩm nhiều lắm. Cứ khoác cho tụi nó cái tội danh Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật Hình sự… là cũng đủ cho chúng nó mọt gông.

Thời gian qua, người dân bàn tán nhiều về câu chuyện “thoát Trung” và cơ hội “ngàn năm có một” mà đợt dịch cúm Tàu mang đến. Trung Quốc đang nhanh chóng mất đi sức mạnh kinh tế và bị cả thế giới Phương Tây tẩy chay, cô lập. Người ta thấy một Đài Loan nhỏ bé vươn lên như một biểu tượng của tinh thần Độc Lập. Người ta thấy một Hong Kong kiên cường như thế nào trong cuộc đấu không cân sức chống lại ách cai trị của Bắc Kinh. Tứ Cường thường trực ở biển Đông, bao vây các cứ điểm quân sự của Trung Quốc, xiết chặt “vòng kim cô” với con rồng Trung Hoa hung hãn. Người dân mong ngóng một cuộc thay đổi ở Việt Nam, thoát khỏi nanh vuốt bấy lâu nay của Bắc Kinh. Những nhà văn, nhà báo, nhà đấu tranh xã hội lên tiếng. Nhưng câu trả lời từ Hà Nội là gì? Đàn áp, bắt bớ tàn độc hơn, âm thầm nhưng sắt máu hơn.

Một mặt, Hà Nội lên án Bắc Kinh chiếm biển đảo, đâm tàu cá ngư dân Việt Nam trong khi ngấm ngầm xin viện trợ, vũ khí và sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Nhưng mặt khác, công an tăng cường bắt bớ các nhà đấu tranh dân chủ, nhà văn, nhà báo độc lập, các facebooker có tiếng nói phản biện trên mạng xã hội.

Hãy nhớ rằng, đảng có thể “xoay theo chiều gió” tùy thời thế, nhưng sẽ luôn luôn nắm chắc “quyền độc tài cai trị.” Và có lẽ, đối với giới chức Hoa Kỳ, chỉ cần Hà Nội ý thức và hiểu đúng hai chữ “Độc lập,” có chút dũng khí để tự bảo vệ cho chủ quyền của chính mình trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc, cũng đã là đủ cho thế cờ địa chính trị của Mỹ tại biển Đông. Câu chuyện, “độc tài” hay “dân chủ” ở nước Đông Lào, đã không nằm trong sự quan tâm của Washington. Câu chuyện đó, đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ mà đã được Ronald Reagan nhận xét đầy đau đớn “Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho loại hòa bình đó là ngàn năm tăm tối cho các thế hệ sinh tại Viêt Nam về sau.”

Bạn nghĩ rằng tôi tuyệt vọng ư? Không, tôi không tuyệt vọng nhưng muốn có một cuộc thay đổi thực sự ở Việt Nam thì cần nhiều hơn “vài trăm người đàn ông, đàn bà Quả Cảm” như bà Thụy An từng nói.

Tân Phong