Tham vọng quá tầm của Tàu cộng

Đỗ Ngà|

Một vành đai một con đường là dự án mà Trung Cộng muốn xây dựng một chuỗi những quốc gia Á- Âu phụ thuộc vào Trung Quốc bằng thứ bẫy nợ nguy hiểm. Và đó cũng là cách mà Trung Quốc muốn gây ra sức ảnh hưởng của mình lên các nước trên thế giới. Bẫy nợ nó khó phát tác với những nước trong sạch, nhưng là công cụ rất hữu hiệu cho những quốc gia tham nhũng. Chính vì vậy, Trung Cộng muốn vét những nước tham nhũng trói vào sợi dây “vành đai” của nó là một dự án khả thi. Đây là sáng kiến của Tập Cận Bình, quả thật cái đầu ông này rất cao thâm chứ không phải vừa.

Với dân số gấp 2 lần dân số nước Mỹ và EU cộng lại, thế nhưng GDP của Trung Cộng thấp hơn 2 nền kinh tế kia khá xa. Dân số đông là một lợi thế, nếu nâng tầm mức sống lên 2 lần hiện nay thì Trung Cộng có thể đe dọa vị trí thống trị của 2 nền kinh tế lớn kia. Như ta biết, để tiệm cận GDP của Mỹ và EU thì Trung Cộng phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình trước đã. Tuy nhiên, với tham vọng to lớn của mình, Trung Cộng quyết bằng mọi giá phải đánh bại sự thống trị của Mỹ trên mọi phương diện chứ không riêng gì kinh tế.

Được biết mới đây người đứng đầu Sàn giao dịch vàng Thượng Hải, ông Wang Zhenying, không giấu diếm tham vọng của Bắc Kinh khi phát biểu rằng “Sự phát triển của thương mại quốc tế đòi hỏi một loại tiền tệ mới, không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào”. Tham vọng này đã được chính phía Trung Cộng trước đó cũng đã nhiều lần nhắc đến, chẳng qua nay ông này chỉ nhắc lại. Được biết ngay năm 2014, Tập Cận Bình đã lôi kéo được 4 nước lớn khác gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi thành lập Ngân hàng Phát triển Mới New Development Bank (NDB) và một quỹ dự trữ 100 tỷ đô la. Trung Quốc đóng góp hơn 40% vào quỹ đó như muốn lập nên một cuộc chơi mới. “Quân tử trả thù, 10 năm chưa muộn” là câu nói cửa miệng của người Trung Quốc, và tất nhiên Trung Cộng cũng muốn đồng Yuan của mình sẽ lật đổ đồng đô la Mỹ. Đây quả là tham vọng rất lớn, trước mắt 20 năm thì không thể nhưng xa hơn thì khó nói. Vậy nên, Mỹ cần phải làm gì để Trung Cộng không thể lật đổ mình chứ nếu nuông chiều nó thì có ngày phải ôm hận. Chính vì lẽ đó nước Mỹ mới cần tổng thống Trump.

Thực tế kích thước GDP của Trung Quốc lớn thật, nhưng làm chủ cuộc chơi trên thị trường giao dịch ngoại hối và thanh toán quốc tế từ xưa đến nay vẫn là đồng đô la Mỹ. Hiện nay đồng Đô la Mỹ chiếm 88% lượng giao dịch trên thị trường ngoại hối trên toàn cầu nhưng đồng Yuan Tàu thì chỉ chiếm 2,12%. Rất khiêm tốn.

Trước khi đồng nhân dân tệ có thể trở thành một loại tiền tệ toàn cầu, thì nó phải thành công như một loại tiền tệ dự trữ trước đã. Trung Cộng biết thế nên họ đã nỗ lực và ngày 30 tháng 11 năm 2015, IMF đã công nhận đồng Yuan là đồng tiền thứ 5 trong rổ tiền tệ quốc tế sau đồng đô la Mỹ, đồng EURO của EU, đồng Bản của Anh Quốc, và đồng Yen của Nhật. Được biết cho đến nay trong kho dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng Trung ương trên toàn cầu tương đương 6.700 tỷ đô nhưng trong đó có đến 62,25% là đô la Mỹ, 20,26% là đồng EURO, và đồng Yuan Tàu chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn với 1,84%, thua cả đồng Yen Nhật với 4,97%. Như vậy, để đồng Yuan tàu lật đổ đồng đô la Mỹ thì có thể nói khó vô cùng, nếu không muốn nói là không thể. Thế nhưng Trung Quốc vẫn muốn lật, chứng tỏ nước Tàu có tham vọng rất lớn và chắc chắn họ sẽ vạch ra lộ trình lâu dài để đạt được mục đích này.

Khi mỗi người muốn chuyển tiền liên ngân hàng từ nước này đến nước khác, thì thông thường ngân hàng chuyển sẽ hỏi mã SWIFT code của ngân hàng nhận. Ai gởi tiền cho con ăn học ở nước ngoài, hay ở nước ngoài gởi tiền về Việt Nam cũng vậy, cũng đều phải biết mã SWIFT code này. Vậy SWIFT là gì? Đó là Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunications – SWIFT). Nó là sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước ở Âu Châu. Được thành lập vào năm 1973. SWIFT sử dụng một nền tảng truyền thông độc quyền được tiêu chuẩn hóa để tạo điều kiện cho việc truyền thông tin về các giao dịch tài chính. Hiện nay SWIFT kiểm soát đến 40% giao dịch toàn cầu và có khoảng 16 triệu lượt yêu cầu thanh toán quốc tế mỗi ngày, trong đó hết 90% là lệnh giao dịch bằng đồng đô la. Như vậy trong 3 nền kinh tế lớn là Mỹ, EU và Trung Quốc thì hiện Mỹ và EU đang chơi chung. Đang nắm phần lớn dòng chảy tiền tệ trong thanh toán quốc tế trên thê giới, nếu muốn lật đổ kết cấu này phải nói khó vô cùng đối với Trung Quốc.

Công cụ SWIFT rất lợi hại, Mỹ có thể dùng nó để chặn ngay việc mua bán của các chính quyền độc tài một cách dễ dàng. Ví dụ như Iran muốn mua lương thực, thế nhưng Mỹ lại cấm SWIFT nhận lệnh giao dịch bằng đô la của quốc gia này thì xem như Iran có đô cũng khó mà mua được gì. Đó là một trong những công cụ giúp Mỹ cấm vận nhiều nước độc tài thù địch. Còn Trung Cộng thì họ không thể nào có công cụ này để làm chủ cuộc chơi.

Hiện nay có đến 50% lượng đô la đã phát hành được sử dụng bên ngoài nước Mỹ, và có gần 40% nợ của thế giới được phát hành bằng đô la. Vì thế nên các ngân hàng nước ngoài cần rất nhiều đô la để tiến hành kinh doanh. Được biết trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các ngân hàng ngoài nước Mỹ có khoản nợ tương đương 27 nghìn tỷ đô la phải thanh toán quốc tế bằng ngoại tệ thì đã có đến 18 nghìn tỷ đô la là bằng đô la Mỹ. Như vậy cuộc khủng hoảng tài chính thế giới không những không khiến đồng đô la ít sử dụng mà ngược lại, nó còn khiến cho đồng tiền này được sử dụng rộng rãi hơn. Năm 2018, các ngân hàng của Đức, Pháp và Anh nắm giữ nhiều khoản nợ bằng đô la hơn so với tiền tệ của chính họ. Điều này đồng Yuan Tàu không thể nào có được.

Đứng trước khủng hoảng kinh tế vì COVID-19, lo sợ thế giới lại một lần nữa phụ thuộc đồng đô la hơn nên chính quyền Trung Quốc muốn kêu gọi thế giới từ bỏ đô la tham gia vào cuộc chơi mới với Yuan Tàu của họ chăng? Khó lắm, đó chỉ là hoang tưởng.
-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://vn.sputniknews.com/…/202005018994890-sang-giao-dic…/

https://www.thebalance.com/world-currency-3305931

https://www.scmp.com/…/chinas-yuan-more-popular-reserve-cur…