Các chương trình học ở nước ngoài bị hủy vì virus corona

Cổng chính trường đại học Duke ở Durham, North Carolina. (ảnh chụp ngày 28/1/1019) Trường hợp tác với trường đại học Vũ Hán để mở một chi nhánh tại Kunshan.

AP - VOA|

Giữa những lo ngại về việc bùng phát virus tại Trung Quốc lan rộng, các trường đại học đang vội vã đánh giá những rủi ro đối với chương trình của họ, và một số trường đã hủy các cơ hội học tập tại nước ngoài trong khi chuyện cấm du hành đã ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn sinh viên.

Từ châu Âu đến Australia và Hoa Kỳ, các trường đại học tại những nước có sinh viên Trung Quốc đã duyệt xét lại các chuyến đi qua Trung Quốc hoặc từ Trung Quốc sang liên quan đến học tập-giảng dạy. Tại Mỹ, việc này làm tăng thêm căng thẳng giữa hai chính phủ mà mối quan hệ vốn đã xấu đi.

Lo sợ virus đã gây nên những thiệt hại lâu dài đối với những chương trình trao đổi sinh viên đang ngày càng tăng và đã đạt được đỉnh cao mới trong một thập niên rưỡi qua, các chuyên gia nói.

Việc hạn chế đi lại cũng làm phức tạp thêm kế hoạch họp hội nghị và những sinh hoạt đại học khác tại Mỹ mà các học giả Trung Quốc có thể tham dự.

Sau khi các giới chức Mỹ khuyến cáo hủy bỏ những chuyến đi không cần thiết đến Trung Quốc, nhiều trường đại học đã hạn chế đi đến nước này, trong đó có trường đại học Duke, hiện có một chi nhánh tại Trung Quốc trong khuôn khổ đối tác với Trường đại học Vũ Hán là thành phố trung tâm của vụ bùng phát dịch bệnh.

Trường đại học Duke Kunshan đóng cửa chi nhánh tại Kunshan đối với những nhân viên không cần thiết cho đến ngày 24/2. Trường cũng giúp sinh viên mới đây đệ đơn xin cư trú tại Trung Quốc có được hộ chiếu do các giới chức địa phương cấp để họ có thể trở về nhà và bắt đầu phát triển kế hoạch học trên mạng.

Hai trong số 12 ca lây nhiễm virus corona tại Mỹ có liên hệ đến trường đại học. Một chẩn đoán được xác nhận tại Trường đại học Tiểu bang Arizona và một ca khác tại Trường đại học Massachusetts ở Boston, theo đó sinh viên bị lây nhiễm vừa mới đến Vũ Hán.

Virus làm gián đoạn chưa từng có trước đây các mối quan hệ học thuật giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông Brad Farnsworth, phó chủ tịch về giao dịch toàn cầu của Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ, nhận xét.

Ông nhớ lại cuộc khủng hoảng SARS vào năm 2002 và 2003, khi triệu chứng hô hấp cấp tính trầm trọng xuất phát từ Trung Quốc đã làm gần 800 người thiệt mạng.

“Toàn thể mối quan hệ cao học chưa bao giờ phức tạp như lúc này,” ông Farnsworth nói. “Càng ngày chúng ta càng có nhiều sinh viên qua lại cả hai hướng.”

Nhiều sự hợp tác về học thuật có thể phải điều chỉnh lại nếu cuộc khủng hoảng tiến triển nhanh chóng, nhưng kéo dài càng lâu thì thiệt hại càng sâu rộng, ông nói.

Trung Quốc gởi nhiều sinh viên đến Mỹ hơn bất cứ nước nào khác—hơn 369.000 người trong niên khoá trước, theo Viện Giáo dục Quốc tế. Hoa Kỳ gởi hơn 11.000 sinh viên đến Trung Quốc hàng năm. Mới đây, mối quan hệ trở nên căng thẳng vì những khó khăn về visa, tranh chấp thương mại và những quan ngại của Mỹ về an ninh do các sinh viên Trung Quốc gây ra.

Tổng lãnh sự Trung Quốc tại New York, ông Huang Ping, tại một cuộc họp báo ngày 4/2 nói các sinh viên từ tỉnh Hồ Bắc trở về, là tỉnh có thành phố Vũ Hán, nên trình diện các giới chức y tế để được theo dõi. Ông thúc đẩy cộng đồng quốc tế cùng nhau làm việc để chống căn bệnh này. Ông nói “Virus là kẻ thù, chớ không phải người Trung Quốc.”

Tại Đức, Đại học Berlin Tự do và Viện Công nghệ Berlin đều nói không cho phép những chuyến viếng thăm từ Trung Quốc đến hay chấp thuận những chuyến đi đến Trung Quốc cho đến khi được thông báo. Trường đại học Paderborn cho biết đang xét lại bất cứ kế hoạch nào của sinh viên hay nghiên cứu sinh tiến sĩ đến Trung Quốc.

Phát ngôn viên Trường đại học Silesian, nước Cộng hòa Czech, nói trường hoãn lại những chương trình trao đổi sinh viên đối với 38 sinh viên Trung Quốc. Một vài trường khác đưa ra những hủy bỏ tương tự, nhưng Trường đại học Masaryk tại thành phố Brno của Cộng hòa Czech, cho biết sẵn sàng nhận 24 sinh viên từ Trung Quốc trong hai tuần nữa.

Hàng chục ngàn sinh viên Trung Quốc ghi danh vào các trường đại học Australia bị kẹt tại nước họ. Trường đại học Monash đã kéo dài kỳ nghỉ hè để cho sinh viên và nhân viên của trường có nhiều thời gian để trở lại. Các lớp học dự trù bắt đầu vào ngày 2/3.

Hầu hết sinh viên Trung Quốc học tại Mỹ đã nhập học khi khủng hoảng corona bùng phát, nhưng lo ngại về bệnh dịch đã khiến cho nhiều trường bỏ kế hoạch đưa sinh viên Mỹ đến Trung Quốc cho học kỳ tới.

Tại Trường đại học Arkansas, nơi Trung Quốc là điểm đến được ưa chuộng để theo học, đặc biệt là những sinh viên ngành kinh doanh, có khoảng 60 sinh viên đã có kế hoạch đến Trung Quốc bắt đầu vào tháng 5 nhưng chương trình của họ bị hủy.

Trường đại học quyết định việc này cách đây một tuần, trước khi sinh viên cam kết về tài chánh, và trường đã làm việc để dàn xếp những cơ hội đối với những phần khác của thế giới cho những sinh viên bị ảnh hưởng, bà Sarah Malloy giám đốc chương trình học tại nước ngoài và trao đổi quốc tế nói.

Những lo ngại về virus cũng làm thay đổi sinh hoạt tại trường đại học, trong đó có việc hủy bỏ lễ hội Tết Nguyên đán tại Trường đại học Akron và Trường đại học Arizona. Tuy nhiên nhiều trường đại học cho biết họ nhấn mạnh đến những phương pháp cẩn thận như rửa tay thường xuyên.

Ông Andrew Thomas, Phụ trách y tế tại trung tâm Y khoa Mexner, Trường đại học Tiểu bang Ohio, nói trường đang theo dõi tình hình nhưng cố không quá mức để không gây nên lo ngại và sợ hãi thêm, ngoài việc bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Trường đại học Illinois ở Urbana-Champaign, có khoảng 5.500 sinh viên Trung Quốc theo học, nói một số sinh viên từ Vũ Hán trở về nhà nghỉ đông đã chọn cách tự cô lập hay đeo khẩu trang đi học để bảo vệ các sinh viên khác. Một vài định chế yêu cầu sinh viên trở về từ Trung Quốc tự cô lập trong hai tuần.

Tại Trường đại học Northeastern, sinh viên cao học Lele Luan nói dù một số sinh viên Trung Quốc đồng học đã đeo khẩu trang trong trường ở Boston nhưng anh thấy không cần thiết.

Tại Trường đại học California, Berkley, Trung tâm Tang chuyên lo về dịch vụ y tế hồi tuần trước đã cố chia sẻ những chỉ dẫn về cách xử lý những lo âu về virus. Tuy nhiên, Trung tâm gặp phản ứng ngược khi cho rằng tình trạng sợ hãi và “sợ giao tiếp với những người có thể đến từ Á châu” là “những phản ứng bình thường.”

Người Mỹ gốc châu Á nhanh chóng bày tỏ giận dữ trên truyền thông xã hội, khiến Trung tâm xin lỗi về “bất cứ sự hiểu lầm nào có thể gây ra” và thay đổi cách dùng từ ngữ.”