Hiệp định EVFTA - Cuộc chiến mới của các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam

Việt Tân|

Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu (INTA) hôm 21 Tháng Một, 2020 đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam. Ý kiến của INTA có vai trò quan trọng để Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu thông qua hiệp định nêu trên vào phiên họp tháng 2 ở Strasbourg, Pháp.

Với tỉ lệ phiếu 29 thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng, rõ ràng vấn đề đàn áp nhân quyền, ngăn cấm tự do ngôn luận tại Việt Nam vẫn đang tạo ra những nghi ngại và bất đồng nơi các nghị sĩ Liên minh Châu Âu.

Mong muốn của chúng ta, những tổ chức đang nỗ lực đấu tranh cho tương lai Việt Nam phải là dân chủ và nhân quyền. Rõ ràng sẽ ngây thơ khi cho rằng EVFTA sẽ đem lại nhân quyền cho Việt Nam, hoặc khiến nhà cầm quyền CSVN thay đổi. Chúng ta đã có quá nhiều bài học về sự lật lọng, tráo trở của chính thể Việt Nam, đơn cử như Hiệp định WTO. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là EVFTA vô giá trị. Hiệp định này có thể giúp các tổ chức nhân quyền thêm đòn bẩy để gây sức ép với EU lẫn Việt Nam trong các cuộc đàm phán tương lai.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế, EVFTA có thêm những điều khoản về bảo vệ môi trường và thúc đẩy tiến bộ xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là củng cố quyền của người lao động.

Ngoài ra, hiệp định thương mại này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính công ở Việt Nam. Trong đó có những cải cách liên quan tới mua sắm công, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Những cải cách này sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nền kinh tế và giúp bộ máy chính trị Việt Nam vận hành hiệu quả, minh bạch hơn.

Một điểm đáng lưu ý, EVFTA có sự ràng buộc thực hiện rất khắt khe, và nếu một bên nào không tuân thủ thì sẽ có các biện pháp chế tài để buộc họ phải thực hiện những cam kết của mình hoặc hiệp định thương mại có thể bị đình chỉ.

Đơn cử như trong vấn đề quyền lao động và nhân quyền, Nghị viện châu Âu đòi hỏi Việt Nam phải gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), quy định về quyền tổ chức và thương lượng tập thể (hình thức công đoàn độc lập). Hai bên cũng thống nhất rằng Việt Nam sẽ phải phê chuẩn Công ước số 87 - Tự do Liên kết và Bảo vệ Quyền Tổ chức, và Công ước số 105 - Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức.

Đối với lĩnh vực, Liên minh Châu Âu cũng đã đàm phán với Việt Nam về vấn đề quản lý rừng bền vững, trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu.

Với những ràng buộc của EVFTA nêu trên, ở một số khía cạnh, các nhà đấu tranh dân chủ có thể tận dụng để phục vụ cho việc thúc đẩy xã hội Việt Nam tiến bộ hơn.

Thông thường trước những cuộc đàm phán, đối thoại với chính quyền Việt Nam, phía EU sẽ thường tổ chức tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự, nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội tốt để giới đấu tranh trong nước nói lên ý kiến và vừa khẳng định vị thế của mình.

Quyền lao động là điểm nhấn trong EVFTA, các nhà hoạt động nên nỗ lực giúp đỡ những người công nhân tổ chức thành lập các công đoàn cơ sở, hướng dẫn họ đấu tranh và đòi quyền lợi chính đáng.

Ngoài ra, EVFTA đã tạo ra một cơ chế giúp xã hội dân sự tác động vào quá trình thực thi Hiệp định thông qua định chế DAG. Đối với những người đấu tranh “cộm cán" sẽ khó có thể tiếp cận cơ chế DAG do chính quyền Việt Nam cản trở. Tuy nhiên, mọi người có thể lập báo cáo về những vi phạm của nhà nước Việt Nam sau đó cung cấp cho nhóm DAG của phía EU, hoặc tạo ra những sức ép về mặt truyền thông.

Liên minh Châu Âu và Việt Nam đang ngày càng thắt chặt quan hệ, đây là xu thế được cả hai bên đồng thuận. Nhiệm vụ của các nhà đấu tranh sẽ cần linh hoạt, uyển chuyển vận dụng những lợi thế từ mối quan hệ này để đẩy các mục tiêu dân chủ và nhân quyền.

Ngô Đồng