Công Đoàn trong Luật Lao Động mới có thật sự độc lập?

Bauxite Việt Nam|

Ngày 20/11/2019, bộ Luật Lao Động mới đã được thông qua trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội thứ 14 với 90,06% đại biểu tán thành.

Bộ Luật Lao Động được sửa đổi theo bộ Luật Lao Động năm 2012, sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2021, báo chí nhà nước đưa ra 10 điểm đáng chú ý:

1. Tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ

2. Quốc khánh được nghỉ 2 ngày

3. Tăng thời giờ làm thêm theo tháng lên 40 giờ

4. Cấm tuyển dụng lao động với mục đích mua bán người

5. Mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh

6. Đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do

7. Ghi nhận hình thức hợp đồng lao động điện tử

8. Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 1 năm/lần

9. Không can thiệp trực tiếp vào tiền lương của doanh nghiệp

10. Được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi

Nhưng báo chí nhà nước không nhắc gì đến một thay đổi quan trọng mà đó mới chính là nguyên nhân của việc sửa đổi lại bộ Luật Lao Động này: đó là sự xuất hiện của cụm từ “Tổ Chức Đại Diện Người Lao Động” ở chương thứ XIII của bản dự thảo.

Bộ Luật Lao Động mới gồm 17 chương và 220 điều.

Chương XIII gồm có 8 điều: Bên cạnh Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (một công đoàn hợp pháp của nhà nước Việt Nam) xuất hiện một  tổ chức công đoàn khác mang tên “Tổ Chức Đại Diện Người Lao Động”. Trong đó, điều 170 quy định “Quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như sau:

1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn

2. Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này.

Rằng vui thì thật là vui!

Một số mạng truyền thông hồ hởi đưa tin: Việt Nam đã cho phép thành lập công đoàn độc lập, Hoa Kỳ chúc mừng Việt Nam đã có một cải cách lịch sử, v.v. Một số người hoạt động nhân quyền trong nước reo vui dù vẫn cẩn thận chờ đợi xem Việt Nam có áp dụng hay không?

Nhưng:

Rằng vui thì thật là vui,
Nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào (nhái Kiều)

Quả đúng vậy, cái vui chưa kịp trọn vẹn thì cái nghẹn ập tới ở khoản 2 điều 170:

“Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này.”

Điều 172, 173 và 174 nói gì?

Nói rằng: việc thành lập chỉ được hợp pháp sau khi được chính phủ cấp đăng ký.

Nói rằng: trình tự, thủ tục đăng ký, số lượng thành viên, liên kết sẽ do chính phủ quy định.

Nếu chính phủ xen vào nội quy, hoạt động của công đoàn thì liệu công đoàn đó có giữ được tính độc lập của mình?

Trong toàn bộ văn bản Luật Lao Động mới, người ta không tìm thấy được một chữ “độc lập” nào cả, và người ta cũng không nhận thấy được tính “độc lập” của cái gọi là “Tổ Chức của Người Lao Động” trong bộ luật mới này.

Công đoàn theo đúng hệ thống công đoàn quốc tế phải là một tổ chức độc lập: không lệ thuộc vào chính quyền, cũng không lệ thuộc vào chủ sử dụng lao động.

Ngân quỹ hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện tại đóng góp từ 1% tiền lương người lao động, 2% từ chủ sử dụng lao động, và từ ngân sách nhà nước; cán bộ Tổng Liên đoàn Lao Động VN là những cán bộ cấp cao trong công ty. Do những liên hệ này, Tổng Liên đoàn Lao động VN không thể nào hoàn toàn độc lập để đại diện cho công nhân đòi hỏi quyền lợi cả. Cụ thể là 6000 cuộc đình công từ năm 1992 cho đến nay hoàn toàn do sự tự phát của công nhân. Tổng Liên đoàn Lao động VN chưa hề thực hiện được cuộc biểu tình nào cho công nhân.

Hơn nữa, khoản 1 và 4 trong điều 172 ghi nhận: Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động của Tổ Chức Người Lao Động, điều này đi ngược với sự vận hành của các nghiệp đoàn tự do trên thế giới: Theo điều 2 của ILO (Bộ phận phụ trách về Lao động của Liên Hiệp Quốc) thì các Công đoàn độc lập đương nhiên có quyền được thành lập và hoạt động mà không cần phải xin phép trước, việc đăng ký chỉ là một thủ tục hành chánh. Nhà nước không có quyền loại bỏ sự hiện hữu của công đoàn này. Có thể so sánh với trường hợp một đứa bé mới sinh ra, việc đăng ký và làm khai sinh cho đứa bé chỉ là một thủ tục hành chính, nhà nước không có quyền nói «không» khi Cha Mẹ đi đăng ký khai sinh, cũng như không thể không chấp nhận sự hiện hữu của đứa bé trên trái đất này.

Bất cập và mơ hồ

Những điều bất cập trong Bộ luật lao động mới:

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bị chi phối bởi Luật Cộng Đoàn: Điều 1 của luật Công đoàn và điều 10 của Hiến pháp Việt nam quy định Công đoàn là một tổ chức chính trị, nằm trong Mặt trận tổ quốc, hoạt động dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản.

Vậy Tổ chức Đại diện Người Lao Động sẽ hoạt động theo Luật nào? Nếu theo Bộ luật Công đoàn hiện hành thì rõ ràng nó sẽ phải là một công cụ tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam, phải hoạt động dưới sự chỉ đạo của đảng, phải nằm trong Mặt Trận Tổ quốc và như thế dĩ nhiên sẽ không còn tính độc lập.

Theo điều 3.1 của ILO, những công đoàn độc lập có quyền soạn Nội quy riêng cho mình và các thành viên chỉ tuân thủ theo Nội quy của tổ chức mình. Nếu Tổ chức Đại diện Người Lao Động lập ra một bộ Luật Công đoàn riêng cho mình, liệu Chính phủ có can thiệp như khoản 4 điều 172 trong bộ Luật Lao Động mới?

Ngoài ra, có 2 chi tiết nhỏ cần chú ý:

– Ngoài điều 170, Luật Lao Động dùng cụm từ “Tổ Chức Đại Diện Người Lao Động”, nhưng từ điều 171 trở đi, chữ “đại diện” đã biến mất, chỉ còn cụm từ “Tổ Chức của Người Lao Động”.

– Bộ Luật Lao Động mới tránh dùng chữ “công đoàn” hay “nghiệp đoàn” mà dùng thuật ngữ: “Tổ Chức Đại diện Người Lao Động”.

Họ chỉ dùng chữ “công đoàn” khi ám chỉ Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam. Trong khi chữ “công đoàn” là một danh từ chung, giống như chữ “nghiệp đoàn” để ám chỉ tất cả những tổ chức đại diện cho công nhân.

Hai thiếu sót này là một sự vô tình hay cố ý để sau này dùng những thuật ngữ mơ hồ kết tội những người muốn thành lập công đoàn độc lập?

Vẫn chưa có luật biểu tình

Ở các nước Dân chủ: những cuộc đình công thường đi đôi với biểu tình. Đình công là để phản đối quyết định của giới chủ, để đòi hỏi quyền lợi cho công nhân. Biểu tình là để thể hiện cho xã hội thấy mong muốn của người xuống đường, để gây áp lực bên cạnh những thương thuyết giữa chủ và công nhân.

Nhưng Bộ Luật Lao Động mới vẫn còn rụt rè với luật biểu tình.

Mục 5 của bộ luật mới chỉ cho phép đình công với những thủ tục nhiêu khê và có cả sự can thiệp của chính phủ, nhưng biểu tình vẫn còn là một cụm từ nhạy cảm.

Nhà nước XHCN VN vẫn coi các công đoàn độc lập là một mối đe doạ, họ luôn luôn bị ám ảnh bởi công đoàn Solidanos sẽ trở thành một cuộc cách mạng như ở Ba Lan. Vì thế: đình công thì được, nhưng biểu tình thì không! Cơn ác mộng của họ là hàng trăm ngàn người xuống đường sẽ làm lung lay chế độ!

Vì thế Bộ Luật Lao Động mới có Điều 210 khoản 1 như sau: “Khi xét thấy cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe, trật tự công cộng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.”

Như thế, mọi cuộc tụ tập – dù là đi xe đạp hàng đôi như bà Bùi thị Minh Hằng – cũng có thể bị coi là phá rối trật tự công cộng, hay hơn nữa: đe doạ đến an ninh quốc phòng.

Những cánh cửa dẫn đến nhà tù?

Hà Nội cho phép thành lập “Tổ chức Đại diện Người Lao Động” để trấn an thế giới, nhưng bên cạnh đó, bộ Luật Lao Động mới vẫn treo hai sợi dây thòng lọng vô cùng nguy hiểm:

– Điều 174, khoản 9: Chính phủ quy định chi tiết Điều này

– Điều 178, khoản 8: Các quyền khác theo quy định của pháp luật

Với những điều khoản mở ngỏ như thế này sẽ tạo cho nhà nước những khoảng trống vô tận để xen vào và cản trở tất cả mọi hoạt động của các công đoàn độc lập mới nhen nhúm.

Người ta cũng không quên 1 ngày sau khi bộ Luật Lao Động được thông qua thì nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt!

Thiện chí của Hà Nội?

Một điều cần rõ ràng là việc nhà nước VN sửa đổi luật lao động hoàn toàn không phải tự nguyện, hoàn toàn không phải vì lợi ích của người lao động mà là vì phải thực hiện các điều khoản đòi hỏi trong hai hiệp định thương mại sẽ đem lại rất nhiều lợi nhuận cho Việt Nam: Hiệp thương CPTPP và EVFTA.

Sau khi tham gia ILO, Việt Nam đã ký 21 công ước, nhưng vẫn còn 3 công ước quan trọng chưa ký là công ước 87 (quyền tự do lập hội và quyền bảo vệ tổ chức), công ước 98 (quyền thương lượng tập thể), và công ước 105 (chống cưỡng bức lao động), mà đó là những điều khoản mà CPTPP và EVFTA bắt buộc VN phải cam kết thúc đẩy và thực hiện.

Để làm hài lòng Uỷ Ban Thương Mại EU, Hà Nội vội vã thông qua công ước 98 ngày 14/6 và thế là ngày 30/6 Việt Nam và EU đặt bút ký thoả thuận EVFTA.

Việc thông qua bộ Luật Lao Động mới này cũng là để xoa dịu những cặp mắt của các tổ chức Nhân quyền, các Dân biểu Nghị sĩ EU, các tổ chức Xã Hội Dân Sự độc lập đang soi rọi vào hai chữ “Nhân quyền” tại Việt Nam.

Vẫn với những chiêu trò ma-mãnh, một lần nữa Hà Nội muốn qua mặt thế giới bằng bộ luật mới này. Thế nhưng, “cái áo không làm nên thầy tu”. EU không phải là Việt Nam nên vẫn có những dân biểu, nghị sĩ nhìn xuyên suốt qua bộ mặt gian xảo của cộng sản Việt Nam. Một vài thí dụ:

– Dân biểu EU, (Bỉ) bà Saskia Bricmont đòi: Hãy đổi luật hình sự trước khi thay đổi luật lao động.

– Dân biểu EU (Pháp) ông Emmanuel Maural, cũng đã nhận xét: Việt Nam thông qua công ước 98, nhưng không thông qua công ước 87 thì không có một ý nghĩa nào cả! Nếu không có công đoàn độc lập thì ai sẽ là người đại diện để thương lượng với giới chủ?

– Dân biểu EU (Đức) Irina Von Weise nói rằng: cần nêu câu hỏi về sự độc lập của Tổ chức Đại diện Người Lao động khi mà điều 172 cho thấy Tổ chức của Người Lao động này bị chính phủ chi phối.

Tại sao không cho liên kết?

Luật lao động mới chỉ cho thành lập “Tổ Chức của Người Lao Động” tại cơ sở, nhưng không cho họ liên kết giữa các công ty với nhau (khoản 4 điều 172). Điều đó có nghĩa là họ cho thành lập, nhưng không cho phát triển, không muốn cho đứa bé sinh ra được lớn mạnh. Hà Nội đánh tiếng là đến năm 2023 mới thông qua công ước 87 của ILO, tức là quyền được liên kết.

Nếu không liên kết thì các tổ chức này sẽ không mạnh, và nếu không mạnh thì việc thương lượng với giới chủ sẽ khó thành công, và như thế, sẽ không cạnh tranh được với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với 10,5 triệu thành viên.

Những điều sẽ đến:

Sau khi qua được ngưỡng cửa CTPP và EVFTA rồi, nhà nước Việt Nam sẽ làm gì? Điều này không khó để đoán:

• Nhà nước Việt Nam sẽ đưa ra một số luật mới dưới bộ Luật Lao Động, một số nghị định mới để bổ sung cho bộ Luật Lao Động này với mục đích giới hạn sự phát triển của các Tổ Chức của Người Lao Động.

• Những người hoạt động tin tưởng vào «thiện chí» của Hà Nội mon men thành lập nghiệp đoàn sẽ bị gán vào tội «có âm mưu chính trị» qua các nghị định này.

• Những cuộc biểu tình đều sẽ bị kết vào tội làm mất trật tự an ninh, do thế lực thù địch xúi dục hoặc những mục tiêu chính trị khác.

Và một điều chắc chắn sẽ xảy ra: hàng ngàn Công đoàn Cơ sở (thuộc Tổng Liên đoàn Lao Động VN)  sẽ chuyển mình thành cái gọi là «Tổ Chức Đại Diện Người Lao Động».

Hoặc chính Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam sẽ liên kết với Chủ Sử dụng Lao động để thành lập «Tổ chức của Người Lao Động» tại các cơ sở.

Và như thế sẽ có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn “Công đoàn Quốc doanh” sẽ ra đời, cũng như những tôn giáo quốc doanh đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Những “Công đoàn Quốc doanh” này cũng tương tự như những “Công đoàn Vàng” (Syndicats Jaunes/Yellow Unions) cuối thế kỷ 19, là những công đoàn giả hiệu do Chủ Sử dụng Lao động thành lập.

Quốc tế có thể không khờ dại để không nhìn thấy những điều đó, nhưng vì những lý do kinh tế, chính trị, họ phải làm ngơ. Việt Nam biết điều đó nên tiếp tục dùng những trò ma mị để xoa dịu quốc tế.

Nhưng may mắn trong những thế chế dân chủ vẫn còn có những cá nhân, những cơ quan thật sự độc lập sẵn sàng lắng nghe chúng ta.

Những người hoạt động nhân quyền, những tổ chức xã hội dân sự độc lập sẽ là mắt nhìn, tai nghe để tiếp tục vạch trần những thủ đoạn dối trá của nhà cầm quyền XHCN VN ra trước công luận quốc tế.

Ca Dao (Liên đoàn Lao Động Việt Tự Do – Free Vietlabor Federation)