Quốc Tế Nhân Quyền - Tri ân Tù Nhân Lương Tâm Trần Thị Nga

Việt Tân|

Bà Trần Thị Nga (Thúy Nga) sinh ra trong một gia đình nghèo khó, và là người con thứ ba trong bốn anh chị em. Mẹ mất khi bà mới lên 10 tuổi. Vì gia cảnh nghèo khó, học hết lớp 7 bà phải nghỉ học và đi làm thuê để kiếm sống.

Đầu thập niên 2000, bà Nga là công nhân xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Tại đây bà bị chủ và môi giới lừa đảo, bóc lột sức lao động. Không lâu sau đó bà bị tai nạn giao thông phải nằm bệnh viện chữa trị trong suốt 3 năm. Trong thời gian dưỡng bệnh (2005), bà Nga đã tự trau dồi thêm các kiến thức về luật lao động và quyền lợi của người lao động.

Bên cạnh đó, bà cũng tìm hiểu về tình hình chính trị-xã hội của đất nước, thông qua các trang báo “lề trái” trên mạng Internet. Bà hiểu rõ thêm về dân chủ, nhân quyền, về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, và các vấn đề đất đai, chủ quyền biển đảo. Từ đó bà đã nhìn ra thực trạng của xã hội, và bắt đầu dấn thân đấu tranh để Viêt Nam phải có một sự thay đổi.

Sau khi về lại Việt Nam vào năm 2008, bà bắt đầu lên tiếng cho quyền lợi của những người xuất khẩu lao động bị bóc lột, đặc biệt tranh đấu cho những phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài.

Từ năm 2011, bà tham gia các cuộc biểu tình tại Hà Nội chống bá quyền Trung Cộng. Cùng lúc, bà cho in ấn và phổ biến nhiều tài liệu, giải thích về Quyền Con Người. Từ thời điểm này trở đi, bà Nga đã khai dụng các mạng xã hội như Facebook và Youtube để lên tiếng một cách công khai và mạnh mẽ, chống tham nhũng, chống bất công và những hành vi lạm quyền của các quan chức địa phương.

Trong suốt 10 năm qua, bà Trần Thị Nga đã đấu tranh trên nhiều lãnh vực:
● biểu tình chống bá quyền Trung Quốc
● tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội
● đòi hỏi điều tra nguyên nhân thảm họa môi trường miền Trung
● chống công an bạo hành
● ngăn chặn việc thi hành những án tử hình oan uổng
Trong hai năm 2014-2015, với tinh thần hết lòng bảo vệ nhân quyền và công lý, đấu tranh cho đến cùng vì quyền con người, đã khiến bà Nga cùng những người bạn của bà, tạo được tiếng vang lớn liên quan đến ba vụ án xử tử hình Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh. Bà Nga cùng những người đấu tranh đã góp phần ngăn chặn việc thực thi ba bản án tử hình, trong những vụ án mờ ám và đầy dẫy những sai phạm về tố tụng.

Từ khi trở về nước, nhất là kể từ khi bắt đầu tham gia biểu tình vào năm 2011, cho đến trước khi bị bắt vào ngày 21/1/2017, bà Trần Thị Nga đã bị công an hành hung, bắt vào đồn hàng chục lần. Ngày 25/5/2014, bà đã bị 6 thanh niên dùng tuýp sắt đánh gãy xương bánh chè.

Với tính cách mạnh mẽ cùng phương cách đấu tranh trực diện, các hoạt động trong gần một thập niên qua của bà Nga đã trở thành một sự thách đố quyết liệt đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Đoán trước tình trạng cầm tù có thể xảy ra, ngay trước khi bị bắt bà Nga đã chia sẻ cùng mọi người:

“Nếu như ngày hôm nay tôi bị công an bắt, công an giết, thì mọi người đừng lo lắng cho tôi mà hãy lấy tôi như viên gạch lót đường để mà tiếp bước cho quý vị.”

Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã bắt giam bà từ ngày 21/1/2017. Phiên tòa phúc thẩm ngày 22/12/2017 tại Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Hà Nam đã tuyên án bà Trần Thị Nga 9 năm tù giam và 5 năm quản chế, với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.