Bức tường Berlin sụp đổ và một vài kỷ niệm nhỏ

Đỗ Trường|

(Nhân 30 năm ngày sụp đổ bức tường Berlin dẫn đến thống nhất nước Đức vào ngày 3-10. Bài này, tôi viết đã lâu, bác nào chưa đọc, đọc cho biết cái không khí ngày ấy)

Năm 2009 nước Đức và châu Âu, kỷ niệm hai mươi năm, ngày bức tường Berlin sụp đổ. Ngăn cách đông, tây đã được xoá bỏ. Người Đức đang dựng tượng đài kỷ niệm ngày này với kinh phí nhiều triệu Euro tại thành phố Leipzig, chiếc nôi khởi xướng của các cuộc biểu tình thứ hai hàng tuần, đòi tự do, dân chủ và phá bỏ hàng rào đông, tây. Chúng tôi, những công nhân lao người Việt cư ngụ tại thành phố này, đã may mắn được chứng kiến những giờ phút sục sôi đó.

Ngày đó đã bước vào tuổi ba mươi, nhưng quả thật tôi rất thờ ơ, mù mờ về chính trị, xã hội. Nói môt cách dân dã và bỗ bã hơn, về khoản này tôi vào dạng “chậm hiểu, ngu lâu khó đào tạo “. Tôi làm ở nhà máy giết mổ gia súc, một bộ phận nặng nề nhất dây chuyền xẻ, lọc thịt heo, bò. Ngày thứ hai hàng tuần, là ngày làm nặng nhọc nhất, tôi rất sợ làm việc vào ngày này, bởi thịt để ở nhà lạnh qua hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Dao chọc vào đùi heo, để lấy xương, lọc thịt, giời đất ạ, cứ như là chọc vào đá vậy. Nhiều khi trượt dao đâm vào tay mình máu chảy đầm đìa, sẹo đầy tay mà cứ cho là chuyện vặt. Bình thường những ngày này, nhà máy phải điều thêm người về phân xưởng giúp chúng tôi. Nhưng không hiểu sao mấy thứ hai đầu tuần gần đây, người đã không được thêm, những gã thợ chính người Đức lại đi đâu mất tiêu, chỉ còn trơ lại mấy ông làm thuê người Cuba, Việt Nam ngơ ngác nhìn nhau. Không có người làm, mấy ông thợ cả, quản đốc phân xưởng cũng phải xắn tay vào làm việc. Không kịp, dây chuyền vẫn chạy thịt tồn đống, tiếng quát tháo inh ỏi.

Mệt quá tôi chửi bậy:

– Mấy thằng Đức chết đâu hết rồi!

Người bạn da đen Cuba cạnh bàn nghe thấy tôi chửi, dừng dao, lôi chai Vodka giấu ở trong ủng ra, tu ừng ực, đưa tay quẹt miệng, bảo:

–  Mày không biết gì à! Chúng nó đi biểu tình hết rồi.

Tôi ngẩn ngơ hỏi lại:

– Hôm nay là ngày gì, mà chúng nó đi mít tinh,với biểu tình vậy? (vì ở quê hương tôi,từ bé đến lớn tôi chỉ thấy có mit tinh để chào mừng đảng, chào mừng quốc khánh, chứ có thấy ai đi biểu tình đâu).
Ông bạn da đen đùa chửi, rồi giải thích:
 
–  Việt Nam, đồ nhà quê. (tiếng lóng đùa nhau của công nhân VN và Cuba ở nhà máy chúng tôi) Chẳng phải ngày gì cả, chúng nó biểu tình đòi tự do dân chủ, thống nhất nước  Đức. Mày chờ đó, thế nào cũng có ngày chúng ta sẽ được sang Tây Berlin chơi. Đồ nhà quê. Ông bạn da đen kéo dài chữ nhà quê bằng tiếng Việt không dấu, không hiểu sao hôm nay tôi cảm thấy hài ước, gần gũi đến lạ lùng.
Cũng vào chủ nhật tuần đó, đội lao động người Việt chúng tôi được thông báo có cuộc họp bất thường, có Sứ vùng về nói chuyện. Những người lao động chúng tôi được quản lý rất chặt chẽ. Ngoài sứ quán ra, chúng tôi chịu sự giám sát của Ban quản lý lao động, rồi đến sứ vùng, thấp nhất là ban quản lý đội. Hộ chiếu của chúng tôi, đội trưởng thu ngay khi đặt chân xuống sân bay của Đức, nộp lên sứ quán. Ngày hôm sau, chúng tôi được đưa ra cảnh sát sở tại, làm thẻ thông hành có giá trị 5 năm, nghĩa là hết hợp đồng lao động.

Buổi nói chuyện của Sứ vùng không có gì mới, ngoài sự răn đe, lên gân, uốn nắn đầy sáo rỗng là quán triệt. (Lại quán triệt, nghe sởn hết cả người). Cấm tuyệt đối không môt ai được tham gia biểu tình, kể cả đi xem. Người đội trưởng run cầm cập khi Sứ vùng quát, nghe nói, đội tôi có một số công nhân đi xem biểu tình (sau này đội trưởng than thở với tôi  – Đ.mẹ thằng nào tâng hót với lão An – (tên sứ vùng) Tao biết, sẽ vặt lông nó).

Tôi biết, đội trưởng và sứ vùng An không cùng cạ, nên luôn luôn bị Dr. An đì ức lắm. Tôi biết Dr. An qua một người bạn khi còn ở Việt Nam. Dr. An người Quảng nam, hay Quảng ngãi gì đó, ra Bắc tập kết khi còn nhỏ. Nghe nói, sứ vùng An đã nghiên cứu sinh tại Đức.  Mấy ông cựu nghiên cứu sinh lấy vợ người Đức ở lại, buồn buồn thường vào chỗ tôi ăn tiết canh, uống rượu, khật khừ bảo:

–  Bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ ở Đức này cấp cho người Việt, có rất nhiều bằng hữu nghị đấy, đừng tin tất cả là thật nhé.

Chẳng biết Dr.An có nằm trong cái dạng hữu nghị như mấy ông bạn tiến sĩ rượu của tôi nói không? Nhưng khi phát biểu chỗ đông người, ông đốc sứ nói ấp á ấp úng, hết quán triệt, rồi đến quan điểm, đường lối, chẳng biết đâu là đầu đâu là cuối cả. Ấy vậy mà khi dân chúng đục tường Berlin, đốc An chui “lỗ chó“ trốn sang tây Berlin đầu tiên (trước ngày mở cửa biên giới đông, tây khoảng 2 tháng người dân hai bên, mang búa đục tường cho thành những lỗ vừa người chui qua. Người Việt cũng trốn qua bằng con đường này. Mọi người gọi đùa đó là những lỗ chó. Người viết không có dụng ý bôi bác Dr.An hoặc người nào khác, chỉ muốn nói đó là sự thật như vậy).

Sáng hôm sau báo Bild, một tờ báo phát hành nhiều nhất nhì Tây Đức, đăng một tít lớn giật gân, ảnh  Dr .An, kèm lời bình, một cán bộ cỡ bự sứ quán VN, từ bỏ cộng sản đặt đơn tị nạn chính trị tại Berlin.(thực ra đốc An, người của Ban quản lý lao động, thuộc Bộ lao động, chứ không phải người của Bộ ngoại giao). Cái tin làm mọi người hốt hoảng, giật mình, riêng tôi, tôi chẳng hiểu ra làm sao cả. Nhưng của đáng tội, nhìn đốc An trên báo tôi thấy oai phong, tươi tắn lắm, chứ mặt không méo mó như mọi khi.

Đầu năm 1989 Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga Xô gặp nhau tai cổng Brandenburg Berlin, nơi có bức tường ngăn cách đông và tây. Các kênh truyền hình của Đức có tường thuật tại chỗ. Người ta thấy một đoạn băng, Tổng thống Mỹ chỉ tay vào bức tường cười hỏi Tổng thống Nga Xô:

– Ông có dám phá bức tường này không?

Tổng thống Nga Xô, cười xã giao, nhưng im lặng. Sau đó một thời gian; người dân Đông Đức đi du lịch sang Hungari rất nhiều,vì biên giới Hung-Áo đã được mở vào mùa hè năm này. Từ Hung, người Đông Đức tràn vào Sứ quán Tây Đức ở Áo xin tị nạn. Tại đây, chính phủ Tây Đức tiếp nhận và đưa người anh em về nước. Đến cuối mùa hè năm 1989, phong trào ngày thứ hai cho tự do dân chủ, không chỉ còn đóng khung ở thành phố Leipzig, nó đã lan rộng đến Berlin và các thành phố khác.

Mùa thu năm nay, dường như đến sớm hơn với người Đức. Mới đầu tháng mười, lá vàng đã rụng đầy lối vào cư xá. Cái rét sớm cắt da cắt thịt, từng đợt gió như bão táp thổi về, làm cho ngọn cờ Cộng hoà dân chủ Đức trước sân nhà vít xuống như sắp gẫy. Cư xá vắng teo, mọi người hình như đã đổ về trung tâm thành phố, và một số có lẽ đã tụ về Berlin. Tivi trong phòng tôi như muốn vỡ tung, vì tất cả các kênh truyền hình đều tường thuật trực tiếp những cuộc biểu tình trên toàn nước Đức. Dường như, cả thế giới đang hướng về nước Đức. Nóng người quá, tôi đứng dậy tắt lò sưởi, dù ngoài trời nhiệt độ đang dưới âm. Tiếng hò reo của những người biểu tình ở ngoài trung tâm dội về chỗ tôi ngồi, át cả tiếng chuông gọi cửa. Thì ra, bà chủ nhà đưa cho tôi bức thư nhanh, miệng cằn nhằn vì gọi mãi mà tôi không chịu mở cửa. Tôi cảm ơn, giải thích cho bà hiểu vì tiếng biểu tình ở ngoài to quá, và mải xem tường thuật trên Tivi, nên không nghe thấy. Bà cười bảo, chồng và các con bà cũng đi tham gia biểu tình từ sớm. Nếu không phải làm việc bà cũng đi cùng.

Ồ! ra thư điện của Tân bạn học cũ của tôi. Bặt tin nhau gần chục năm nay, không hiểu lọ mọ thế nào, ông bạn này lại tìm ra địa chỉ của tôi. Trước khi sang Đức, tôi có nghe tin Tân đã vượt biên sang Hongkong, sau đó định cư ở Tây Đức. Đọc thư, biết tin bạn đang cư ngụ ở Tây Berlin, tôi rất phấn khởi. Hồi đó ở Đông Đức điện thoại không phải ai cũng có, mà phải xếp hàng chờ đến lượt mới được lắp đặt, cũng như ôtô vậy. Một số mặt hàng cao cấp của tư bản phải cỡ cán bộ cấp Tôn Đản hay Nhà Thờ như ở Việt Nam mới được dùn. Hình như tiêu chuẩn phân chia đẳng cấp hưởng thụ này đi ngược đường lối cụ Mác thì phải. Không biết, ở dưới suối vàng cụ có ý kiến gì hay không?
Do vậy, ông bạn cho số điện thoại, nhưng tôi đành chịu. Nếu muốn gọi, tôi chỉ còn cách là ra trung tâm bưu điện đăng ký, ngồi chờ đến lượt, phiền hà lắm. Thôi cứ viết thư cho chắc ăn vậy.
 
Tôi và Tân thân nhau từ khi cùng học trung học. Nhưng ông bạn này có tính hơi lập dị. Ấy là mọi người nghĩ như vậy. Tôi và hắn cùng thi Đại học y khoa. Tôi học yếu kém các môn tự nhiên nên rớt chỏng ngọng, chuyển sang sư phạm. Tân đỗ với điểm khá cao. Nếu ông bố không mắc tội xỏ nhầm giầy Tây, chắc hắn sẽ được du học ở các nước xã hội chủ nghiã anh em là cái chắc. Đang học ykhoa ngon lành, chẳng hiểu thế quái nào, hắn đùng đùng xin chuyển sang học khoa trồng trọt, của trường Đại học nông lâm. Ngày đi thực tập ở Tây nguyên, tý toáy tý mẻ thế nào, hắn lại ẵm luôn một cô công nhân lâm trường, rinh nàng về Sàigòn trong thời kỳ bao cấp, ngăn sông cấm chợ, muốn có hộ khẩu ở thành phố khó như chọc sao trên trời. Ông bố mắt tròn mắt dẹt nhìn ông con cứ như là người trên trời rơi xuống, chưa kịp có ý kiến gì, ông con đã rinh ngược nàng về Tây nguyên, quyết xây tổ ấm cùng nàng. Đùm đúm, dắt díu nhau sang Tây Đức, được một thời gian, nàng lặn một hơi không sủi tăm với một gã đàn ông giầu có khác, để lại cậu con trai làm kỷ niệm. Buồn chán hắn dẫn con dạt về Tây Berlin theo học lớp thợ cả..

Gió mùa thu đã quật đổ bức tường Berlin. Tân hẹn đón tôi ở cạnh cổng Brandenburg. Hôm đó không phải ngày cuối tuần, trời mưa , nhưng dòng người qua lại đông như chảy hội. Bức tường đã bị phá nham nhở. Cảnh sát hai bên đông và tây vẫn đứng gác. Khuôn mặt họ không còn hằn sâu những ngăn cách, đằm đằm soi mói như trước đây. Những nụ cười đôi khi đã hiện về trên khuôn mặt họ. Thực sự, họ đang chứng kiến những ngày đoàn tụ, có cả những nụ hôn và những giọt nước mắt. Tôi hoà mình vào dòng người ấy. Sợ tôi không nhìn thấy, Tân trèo hẳn lên tường cao vẫy. Đến gần chục năm không gặp nhau, nhìn Tân, tôi thấy, thay đổi không nhiều. Chúng tôi ôm nhau, mừng mừng tủi tủi, một cảm giác thật lạ lùng chạy dọc cơ thể. Tôi và Tân, mỗi người nhặt một cục gạch nhỏ dưới chân tường cho vào túi. Tân đập đập vào túi bảo:

– Biết đâu sau này bán ra tiền đấy. Mày sang muộn. Tháng trước, ai sang cũng được nhận một trăm DM đấy.

Qủa thật cảm giác lần đầu tiên đặt chân đến Tây Berlin, dù đã trên hai mươi năm qua, nhưng đến hôm nay vẫn còn tươi rói trong tôi. Nó cứ như là trong chuyện cổ tích khi còn bé thường hay đọc vậy. Hai bức tranh sống động thật sự tương phản, ngăn đôi là một bức tường vô tri vô giác. Dù  Đông Đức là một nước có thu nhập, đời sống cao đứng đầu trong khối xã hội chủ nghiã. Mải nhìn, tôi đập đầu vào cửa kính trong suốt trước mặt. Ngước mắt lên, thấy đó là cửa hàng bạt ngàn quần bò, áo da. Mắt tôi hoa lên, bất chợt tôi nhìn vào bàn tay còn dính đầy hoá chất (thuốc tím) của mình, bởi mài quần bò mốc giả, bán cho dân Đông Đức.

Không hiểu ông bạn đồng nghiệp Cuba của tôi lúc này đang ở đâu? Bây giờ tôi thèm đưọc nghe câu nói cửa miệng của ông, mỗi khi gặp nhau: Việt Nam, đồ nhà quê.
Anh tên Dũng có biệt danh Dũng gù. Anh lớn hơn tôi và Tân chừng sáu, bảy tuổi. Sau này quen thân, anh  kể về quê Phan Thiết của anh. Anh nguyên là phi công lái trực thăng của Quân đội Việt Nam cộng hoà. Một lần máy bay trúng đạn, anh bị thương ở cột sống, nên bây giờ lưng hơi bị gù. Cái danh Dũng gù có từ thuở ấy. Hàn huyên với nhau được một đêm, hôm sau phải đi học và làm việc, nên Tân bàn giao tôi cho Dũng gù. Anh vui vẻ nhận lời đưa tôi đi chơi, vì anh cũng còn độc thân và đang thất nghiệp. Anh bảo, thời gian này đang giúp đỡ anh em tị nạn từ Đông Đức và Đông Âu sang. Anh hỏi tôi có muốn đặt đơn tị nạn không, anh giúp. Tôi bảo từ từ cho em chơi ít ngày, vì em còn hai tuần phép nữa. Anh gật đầu: Thế cũng được.

Trưa hôm đó, tôi theo xe anh chở thực phẩm của Hội người Việt vào cho anh chị em trong trại tị nạn gần Spandau. Xe chạy vòng qua cửa sau của nhà ăn. Thấy mấy anh em người Việt đang quây lại, túm áo một người đồng hương, trực đánh. Anh Dũng gù dừng xe lại, chạy đến can ngăn:

–  Cùng anh em với nhau, định làm gì thế này.

Tôi nhận ra mấy gã thuộc đội dệt, người Sài gòn ở Grünau- Leipzig. Chúng tôi quen nhau, vì các gã thường đến chỗ tôi xin tiết canh heo và đồ nhậu.

Một gã phân bua:

– Thằng cha này nguyên là Sứ vùng Dresden-Leipzig. Sang đến đây nó vẫn còn tính khệnh khạng làm cha, làm ông người khác. Đến giờ ăn, mọi người đều xếp hàng chờ. Đến muộn nó cứ trèo tuốt lên trên, lần nào cũng vậy. Hôm nay phải cho nó một bài học.

Nhấc chiếc mũ đang sụp xuống hết cả mặt ra, đúng đốc An rồi.  Ối! sao hôm nay ông lại nhếch nhác, xộc xệch thế này. Oai phong mọi khi của ông biến đâu hết cả rồi. Tôi và Dũng gù nói mãi các anh mới chịu buông tay. Chia hàng cho mọi người xong, Dũng gù bảo:

– về nhà cu Tân nấu cơm ăn, tối nay đến nghe cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói chuyện.

Qủa thật, hôm đó chúng tôi đến, nhưng không nghe được gì. Bởi, tiếng ồn, tiếng vỗ tay tán thưởng, tiếng chửi phản đối át cả tiếng người diễn thuyết trước Mikro. Một lúc sau ào ào,cà chua, trứng gà, trứng vịt ném tới tấp lên bục diễn đàn. Chịu không nổi, cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được ban tổ chức đưa chạy ra cửa sau, với những vết loang lổ trên áo. Theo Dũng gù, phần đông những người phản đối Tổng Thống Thiệu là các anh em Cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Đó là vào dịp Noel năm 1989.

Bức tường Berlin tuy đã bị đập phá, dân chúng hai miền đã thông thương. Nhưng đồn bót canh gác của hai bên vẫn còn. Những người nước ngoài, hoặc người Việt sống ở phía Đông muốn sang Tây Berlin chơi, hoặc xin tị nạn vẫn phải trốn. Đi cổng chính, hoặc chui tường, nếu như cảnh sát Đông Đức nhìn thấy vẫn có thể bị giữ lại, không cho qua. Tôi có người bạn gái, hẹn đón bao lần ở cổng Brandenburg, nhưng không qua được. Cứ chiều xuống, tôi lại đứng dưới mưa nhìn dòng người qua lại, mong có bạn tôi trong đó. Nhưng chờ mãi, chờ mãi không thấy bạn đâu, để rồi:
“……ngoài trời mưa tầm tã
Lòng anh lạnh như mưa
chỉ một bức tường kia
hai trái tim ly biệt….
……Hỡi bức tường kia ơi !
Ngươi vô tri vô giác
Sao mà ngươi độc ác
ước mơ em nho nhỏ
ngươi nỡ bóp tan tành…
….    Em vẫn ở đằng đông
Anh thì ở bên tây
Hai khoảng trời cách biệt….

Đó là những đoạn thơ ngắn, nói thật tâm trạng của tôi trong những ngày này.

Không hiểu tại sao năm ấy, gió và rét đến như vậy.
.
Leipzig- mùa thu 2009
Đỗ Trường