Máu đã đổ vì đất, giềng mối cuối cùng đã bị cắt đứt

VietTuSaiGon’s blog|

Trong tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, có đoạn kể về người bộ đội lái xe tăng. Sau rất nhiều phen vào sinh ra tử, nhuộm đỏ khói và máu chiến trường, người lính thiết giáp giải ngũ và về lái xe tải, hội chứng sát máu sau chiến tranh là thứ làm anh khổ. Trong chiến tranh, lái tăng, cứ thấy quân đối phương là rồ ga để tông, cán, chần… Đến khi im khói lửa, ra đường chạy xe tải, cứ thấy người là muốn đạp ga tông thẳng, chần thẳng… Cuối cùng, anh phải đi bệnh viện tâm thần… Thời bây giờ, sau chiến tranh đã lâu, khi kinh tế có phần khấm khá, người ta lại cầm dao giết người hàng loạt, mà giết chính người thân. Đây là hội chứng gì?

Một gã đàn ông Hà Nội đã cầm dao sang nhà em trai ruột, chém liên tục làm 5 người chết, những người tử vong sau nhát chém của y chính là em ruột, em dâu, cháu ruột của y. Sau đó, y thản nhiên vào nhà uống nước trà. Công an dẫn độ, y nói to và vẫy tay chào tạm biệt hàng xóm. Tại đồn công an, y đã kể chuyện giết người (thân) của mình nghe còn tỉnh táo và lạnh lùng hơn cả việc đập chết một con gián. Mọi thứ đều có nguyên nhân từ tranh chấp đất đai!

Chuyện tranh chấp đất đai đang là đề tài nóng tại Việt Nam. Từ những cuộc tranh chấp giữa chính quyền địa phương với người dân cho đến tranh chấp giữa hàng xóm với nhau, và đỉnh điểm điên cuồng là tranh chấp, xảy ra án mạng giữa anh em ruột thịt với nhau. Tại sao?

Có hai thứ tật thuộc về tập khí của người Việt mà một khi mắc phải hai thứ tật này thì khó mà tiến bộ, đó là tính hiếu chiến và tính không tôn trọng hợp đồng quân tử. Nói về tính hiếu chiến, một phần do đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhưng phần quan trọng nhất chính là nội chiến, huynh đệ tương tàn. Từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh cho đến chiến tranh hai miền Nam – Bắc, dường như khái niệm giết tróc đã thành một thứ gì đó thuộc về tập khí, không còn phân biệt đâu là bạn, đâu là anh em, đâu là thù, hay nói khác đi là nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.

Và vấn đề hợp đồng quân tử, người Việt Nam chưa bao giờ có khái niệm hợp đồng quân tử. Thời phong kiến, luật vua và lệ làng chi phối mọi thứ, dân chỉ được phép tuân thủ, hôm nay vua bảo sống thì sống, mai vua bảo chết thì chết. Và nếu có cái gọi là hợp đồng quân tử thì lại nằm ở các lời thề trước đấng vô hình, nhân danh ông Trời. Hôm nay thề trung thành và có Trời chứng giám thì ngày mai ta phải phản ngươi, phải giết ngươi vì ý Trời… Không hề có sự tôn trọng lời hứa hay hợp đồng quân tử. Hôm nay hứa cho và ngày mai thấy tăng giá, thấy có lợi cho mình thì lấy lại, nếu người nhận vui vẻ trả thì thôi, không vui vẻ thì viện dẫn hợp đồng, vì lời hứa miệng, không có văn bản hợp đồng nên xem như vô giá trị.

Chính vì không tôn trọng lời hứa mà mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân xuống đến mức thấp nhất, có nhiều dân oan ra đời. Theo qui định của luật đất đai thì người nào khai phá đất hoang, canh tác và ở liên tục hai mươi năm trở lên mà không có tranh chấp, không có dấu hiệu trái pháp luật (tức không chiếm giữ đất của người khác đã có nghiệp chủ nhưng vắng mặt hoặc đất công đã được qui hoạch) thì được cấp quyền sử dụng đất. Thế nhưng nhiều mảnh vườn đã khai thác, sử dụng từ năm 1960 của thế kỉ trước đến nay, không có tranh chấp nhưng vì chủ vườn nghèo quá, không có điều kiện để làm sổ đỏ, khi giải tỏa, chính quyền không đền bù. Có rất nhiều trường hợp như vậy khắp đất nước này bởi chính quyền địa phương không tôn trọng nguyên tắc lãnh đạo, không tôn trọng pháp luật và thiếu sự liêm chính nên dẫn đến hệ quả cứ thấy ngon là đớp, không cần biết phải trái.

Với người anh em trong nhà, tôi từng thử làm một thống kê nhỏ thì có quá nhiều, phải nói là đếm không xuể trường hợp gia đình có đông anh em, những người em hoặc những người anh, người chị trong gia đình đi ra ngoài làm ăn, kiếm sống vì ở quê quá nghèo khổ. Ra ngoài làm ăn cũng thành đạt, có chút vốn rồi mua nhà xứ người, ổn định xứ người. Khi Tết, giỗ gặp nhau thì anh em tay bắt mặt mừng và đương nhiên là mặc định với nhau về căn nhà, mảnh vườn sẽ dành cho người ở lại vì người ở lại phải gánh nặng cha mẹ già, gánh giỗ quảy, gánh nhiều thứ khi cha mẹ đau ốm, gánh cả chuyện mồ mả gia tiên, ông bà… Những lúc như thế, thi thoảng người đi xa còn gửi tiền về để giúp người ở nhà vì thấy người ở nhà tội nghiệp, cực khổ…

Nhưng đùng một cái, khi cha mẹ qua đời, mọi thứ tưởng như đã ổn định, đâu vào đấy, người ở nhà thừa tự và có toàn bộ chủ quyền sau một quá trình dài gánh chịu các phần trách nhiệm của người đi. Thì không, giá đất bỗng dưng tăng vọt, những người đi xa nghĩ đến số tiền đôi ba trăm triệu đồng, đôi ba tỉ đồng được chia nếu bán đi mảnh vườn, căn nhà của cha mẹ. Vậy là quên mọi lời hứa trước đây, không nói không rằng, mang đơn nộp tòa đòi chia đất hoặc quay về lời qua tiếng lại với người ở nhà để chia phần.

Chuyện này diễn ra khắp từ Nam chí Bắc, khi đất đai tăng giá, mối quan hệ gia đình trở nên căng thẳng và khủng hoảng. Trước đây, người con gái nghĩ mình “có chồng thì xuất giá” và không có quyền lợi gì trong gia đình, mọi thứ giao lại cho người ở nhà, kể cả trách nhiệm, bổn phận làm con. Đùng cái, biết luật qui định mình có quyền lợi và nghe tin phần thừa kể tăng giá bạc tỉ, vậy là về đòi chia phần. Đương nhiên, hầu hết các trường hợp trở nên căng thẳng là do những nhập nhằng về luật đất đai và do chủ quan, tin tưởng vào lời hứa nên người ở nhà chẳng hề nghĩ tới chuyện đi làm thủ tục sang tên cho bản thân lúc cha mẹ còn sống, tỉnh táo. Và khi cha mẹ qua đời, hệ quả của nó thì đã thấy rồi, phải nói là “quần ngư tranh thực”.

Một khi hợp đồng quân tử bị phá vỡ, đương nhiên sẽ có chuyện xáo trộn nội bộ. Nhưng sự xáo trộn này nhẹ hay nặng thì tùy thuộc vào mức độ căng thẳng và sự hiểu biết, hay nói khác đi là tính người trong nội bộ. Nhưng, với người Việt, hầu hết đã trải qua một quá trình đói vĩ đại dưới thời kinh tế tập trung bao cấp, bị đè đầu cởi cổ, bị làm nhục vì miếng ăn nhưng vẫn cố cắn răng chịu đựng… Nên miếng ăn, tài sản vô hình trung trở thành cứu cánh của đại bộ phận nhân dân. Và khi kinh tế thị trường phát triển, cơ hội kiếm tiền mở cửa, từ chỗ đói ăn, chịu nhục, người ta chuyển sang thần tượng vật chất, tôn sùng vật chất làm thước đo chân lý và thước đo phẩm hạnh. Người ta không cần biết nhân cách, đạo đức của người kia như thế nào nhưng người ta chỉ cần nhìn vào căn nhà, biệt thự hay nhà cấp bốn, chiếc xe, hạng siêu xe, xe khủng hay xe bình dân để mà định danh, gọi đại gia và tôn sùng. Thứ tư duy kim tiền nhanh chóng phủ sóng xã hội.

Một khi đồng tiền lấn lướt mọi thứ, thì chắc chắn một điều, ai đụng vào đồng tiền của ai cũng trở thành thù hận, kẻ thù. Một khi mọi giá trị được qui đổi bằng tiền, thì tình cảm anh em, gia đình sẽ nhanh chóng bị lu mờ vì tiếng gọi đồng tiền. Hiếm, rất hiếm hoi những gia đình đủ tỉnh táo để nghĩ đến những lời hứa, những mặc định trước đây, hay còn gọi là hợp đồng quân tử, hay nghĩ đến tình anh em, lá lành đùm lá rách… Và khi hợp đồng quân tử bị phá vỡ thì các tranh chấp tiểu nhân hình thành, nhẹ thì mang nhau ra tòa, nặng hơn thì cãi vã, đánh nhau, và đến mức cuối là giết nhau. Hiện tại, giềng mối Việt Nam đã ở mức cuối của các tranh chấp tiểu nhân xoay quanh tài sản cha mẹ, xoay quanh chuyện đất đai, tài sản!

Phải chăng đó là dấu hiệu lụi tàn, đi đến diệt vong của một quốc gia, mà ở đó, giặc ngoài đang lăm le bờ cõi và chờ đợi những người trong nước tự cầm dao giết nhau cho đến lúc máu chảy thành sông, cho đến lúc không còn sức để giết, để tranh giành nữa thì họ ung dung bước vào bắn nốt những phát cuối cùng để chiếm lấy?! Đây là điều rất có thể xảy ra cho Việt Nam trong tương lai rất gần nếu như con người Việt Nam tiếp tục tranh ăn từng miếng, bất chấp tình cảm, nhân tính và huyết thống như hiện tại!

Ảnh: https://chantroimoimedia.com/2019/09/04/mau-da-do-vi-dat-gieng-moi-cuoi-...