Cháy nhà ra mặt chuột

NhanHoa’s blog – RFA| Ngày 20/7/2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức lên tiếng trước các tường thuật rộ lên từ thượng tuần tháng 7 đến nay về việc Trung Quốc can thiệp một cách vô luân vô pháp vào hoạt động dầu khí của Việt Nam tại Bỉển Đông, bao gồm cả các hoạt động thăm dò, khai thác mà Việt Nam đã tiến hành từ lâu nay. “Rats desert a falling house” có lẽ chưa hẳn là cách chuyển ngữ chuẩn nhất theo nghĩa bóng đối với thành ngữ “cháy nhà ra mặt chuột”. Nhưng ở đây không bàn về câu chuyện diễn ngôn (discourse), status này chỉ đề cập đến Tuyên bố chắc nịch của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cuối tuần qua, khi Mỹ đòi Trung Quốc phải dừng ngay thái độ bắt nạt nước khác trên Biển Đông. Gián tiếp ủng hộ vấn đề chủ quyền của Việt Nam, Washington phê phán Bắc Kinh: “Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào hoạt động dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông đang đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực, đồng thời làm suy yếu thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Tuyên bố kịp thời của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói rằng việc Trung Quốc gia tăng áp lực lên các nước ASEAN nhằm hạn chế quyền của các nước này đối với việc hợp tác với các bên thứ ba, cho thấy Bắc Kinh đang muốn xác quyết quyền kiểm soát của mình đối với hầu hết các nguồn trữ liệu dầu khí tại Biển Đông. Với Tuyên bố đầu tiên và cho đến nay là duy nhất từ The State Department, Hoa Kỳ đã phê phán những chiều kích chống lại pháp lý và luật quốc tế, đồng thời vạch rõ các hoạt động che giấu dã tâm bành trướng của Bắc Kinh. Bởi vì, “đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”. Chính bà Thu Hằng, phát ngôn viên của Hà Nội cuối cùng cũng buộc phải công khai cái lập trường tù mù, sau khi “vòng vo tam quốc” trong một tuyên bố “thừa lời mà thiếu ý chí” trước đấy mấy ngày. Theo phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế, phụ lục VII của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Toà đã khẳng định Trung Quốc không có quyền lịch sử tại Biển Đông và quan trọng nhất, các thực thể tại quần đảo Trường Sa không thể có các vùng biển rộng hơn 12 hải lý xung quanh, hay thậm chí không có việc cả quần đảo Trường Sa tạo ra một vùng biển rộng lớn xung quanh nó. Vị trí Trung Quốc cho tàu có vũ trang hạng nặng quần thảo với các tàu cảnh sát biển của Việt Nam lâu nay quyết không thể là vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc chồng lấn lên của Việt Nam. Do đó, nếu Trung Quốc cho rằng khu vực này nằm trong vùng thuộc quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán của Trung Quốc từ các thực thể tại Trường Sa, thì đây là một lập luận hoàn toàn không có cơ sở trong luật quốc tế. Thế mà hôm 17/7, giữa thanh thiên bạch nhật, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trâng tráo đe doạ Việt Nam. “Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam thực sự tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại các vùng biển có liên quan và không có những hành động làm phức tạp tình hình,” ông Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo định kỳ ở Bắc Kinh. Tương tự, trước đây mấy năm, vào tháng 7/2017, một dự án dầu khí quan trọng khác của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó công ty Repsol (từ Tây Ban Nha) là đối tác, buộc phải ngưng bỏ. Tin thời ấy cho hay, giới lãnh đạo Repsol khi đó được Hà Nội thông báo, Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò. Còn vừa rồi thì sao? Mãi cho tới hôm 19/7/2019, chính quyền Việt Nam mới chính thức cáo buộc tàu thăm dò khảo sát của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống đã vi phạm chủ quyền với việc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa ở phía nam Biển Đông. Giả sử không có Tuyên bố ngang ngược của Bắc Kinh, liệu Hà Nội đã dám công khai kêu cứu, sau khi, theo nếp truyền thống “bị bóng đè” từ xưa tới nay, thực hiện chính sách “hèn với giặc, ác với dân”. Quỵ luỵ, chửi đổng Bắc Kinh, nhưng tuyệt đối không cho dân mở miệng, với một lý sự cùn, “đã có đảng và nhà nước lo”. Một ngày sau khi Hà Nội cầu cứu, Washington lập tức lên tiếng. Ở đây chưa hẳn đã là “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Bộ Ngoại giao Mỹ “giữa đường thấy sự bất bình mà tha” hẳn phải là vì “Nước Mỹ trước tiên” (lời của Trump). Nhưng rõ ràng sự cộng hưởng lợi ích hiện nay giữa cuộc đấu “bất cân xứng” Hà Nội – Bắc Kinh với tầm nhìn Indo-Pacific của Washington là một cơ hội kim cương cho Việt Nam. Nhưng “thời gian và thuỷ triều lại không chờ đợi ai”. Liệu Việt Nam còn “lửng lờ con cá vàng” đến bao giờ, theo kiểu của tướng Vịnh. “Chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bảo vệ môi trường hòa bình và lợi ích chung của Biển Đông với cộng đồng quốc tế”. Than ôi, “cỏ nào đến miệng voi”, cộng đồng quốc tế nào đến với Việt Nam mà ông tướng ba hoa này “há miệng chờ sung” hoài vậy? Người Việt từ xa xưa đã mượn hình ảnh con chuột và sự cố hoả hoạn để nói về những kẻ xấu xa trong cộng đồng thường ẩn mình không lộ diện. Chỉ khi gặp nguy nan chúng ta mới biết được, thứ nhất, bộ mặt thật của những những kẻ hiểm ác và thứ hai, ai là người vì mình đã “mang ô đến khi trời mưa” (Friend in deed is a friend in need). Chân lý giản dị này khi nào mới được giới lãnh đạo Hà Nội “ngộ” ra? NhanHoa’s blog  
......

Cuối cùng, nạn nhân bị cướp đã bớt ‘hèn với giặc’!

Ẳnh: Hải Dương 981 ngoài khơi biển Việt Nam, tháng Năm, 2014. Phạm Chí Dũng - VOA Phải mất đến hai tuần lễ ‘cân nhắc đại cục’, đến chiều ngày 19/7/2019 Bộ Chính trị đảng Việt Nam mới chỉ đạo cho Bộ Ngoại giao của chế độ này mở miệng: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông”. Lần mở miệng hiếm muộn Lần mở miệng trên là một dịp quá hiếm muộn mà giới chóp bu Việt Nam dám gọi đích danh cái tên Trung Quốc, thay cho não trạng suy sụp về ‘tàu lạ’ và ‘người lạ’ trong rất nhiều lần trước. Trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 xông thẳng vào vùng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông vào tháng 5 năm 2014 như một cái tát nảy đom đóm vào mặt Bộ Chính trị Việt Nam, Hà Nội đã chỉ dám hé môi ‘càm ràm’ đích danh cái tên Trung Quốc với độ trễ sau đó đến cả tháng trời. Còn trong hai lần tàu Trung Quốc vây bọc và gây sức ép tại Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018 để buộc Repsol - một công ty Tây Ban nha là đối tác liên doanh khai thác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - phải rút lui khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đã hầu như chẳng thấy ‘người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam’ vung tay về phương Bắc, dù chỉ để ấp úng ‘phản đối’ như một lối đọc vẹt chẳng cần tới sách vở. Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan nổi tiếng với biệt danh “vòng kim cô” – cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc” lẫn và hiện tại “mười sáu chữ vàng”. Vẫn chưa hết run sợ Sau vụ “giương cờ trắng” lần đầu ở Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017, trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, Hà Nội đã một lần nữa phải “cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam – được giao nhiệm vụ sang Washington để thuyết phục Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis hỗ trợ hải quân. Thế nhưng những gì mà hải quân Mỹ đã tiếp cận Biển Đông vào tháng 3 năm 2018 vẫn không khiến cho giới chóp bu Việt Nam hết run sợ trước Trung Nam Hải. Ngay sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ rút về nước và công ty Repsol của Tây Ban Nha cùng đối tác của nó ở Việt Nam một lần nữa thử khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ, nỗi nhục Bãi Tư Chính lại nổ ra lần thứ hai và phủ đầy khắp bộ mặt chính thể Việt Nam: tháng 3 năm 2018, một lần nữa Repsol phải tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này sau khi Trung Quốc lại ra tay dọa dẫm. Và đó là lần mà Repsol có vẻ ‘một đi không trở lại’. Còn ‘bản lĩnh Việt Nam’ đã chỉ hiển hiện đến mức cúi đầu chấp nhận bồi thường cho Repsol hơn 200 triệu USD chi phí ban đầu (có ước tính cho biết con số này còn cao hơn, có thể lên đến hơn 300 triệu USD), nhưng đã không thể, và trong thực tế là còn lâu mới dám hó hé trước sức ép ngày càng thô bạo của Trung Quốc. Trong suốt thời gian trên, giới chóp bu Việt Nam còn bị hành hạ không ngớt bởi cái bóng của Vương Nghị - ngoại trưởng Trung Quốc với gương mặt lạnh như tiền - và lời đề nghị như thể chiếu chỉ của họ Vương về ‘Trung Quốc và Việt Nam cùng hợp tác khai thác dầu khí trên biển’. Nếu chấp nhận đề nghị này, giới chóp bu Việt Nam đương nhiên phải mời kẻ cướp vào nhà mình và tự nguyện dâng hiến tài sản cho y. Chưa bao giờ ‘bản lĩnh Việt Nam’ bị thách thức và đe dọa đến thế: tiền nằm ngay trong túi mà không làm sao lấy ra được. Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng ngân sách trước những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông. Có cầu cứu Mỹ một cách thực chất? Hiện tượng Bộ Ngoại giao, mà đằng sau đó là bộ Chính trị Việt Nam, rốt cuộc đã phải và dám gọi đích danh Trung Quốc “đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông” trùng với những tin tức về việc tàu Hải Dương - 8 và những tàu cảnh sát biển vẫn ung dung ngự trị ngay gần đảo Trường Sa Lớn và vẫn tiếp tục ‘thăm dò dầu khí’ như chốn không có chủ quyền, phát ra chỉ dấu Bắc Kinh không hề có ý định rút tàu Hải Dương - 8 về nước, mà còn có thể thi hành chiến thuật ‘vờn tàu’ với phía Việt Nam trong một thời gian nữa - tương tự cái cách mà Hải Dương 981 và nhiều tài hải giám đã xung sát với tàu Việt Nam vào năm 2014. Cú vỗ mặt trên lại xảy ra ngay trong và sau chuyến thăm Trung Quốc của Nguyễn Thị Kim Ngân - chủ tịch quốc hội - như một thông điệp không thể cởi mở hơn của Bắc Kinh về việc muốn biến Việt Nam thành chư hầu và biến giới quan lại Việt thành một đám quần thần thành ‘ngựa xe mấy cỗ quân hầu vài tên’. Rốt cuộc, những chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh đã một lần nữa nắm thóp được tâm lý sợ hãi đến mức ‘đái ra quần’ của giới chóp bu Việt Nam. Vụ Trung Quốc cho tàu thăm dò địa chất Hải Dương - 8 xâm nhập vào khu vực bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2019 chỉ là bước thăm dò ‘bản lĩnh Việt Nam’ thêm một lần nữa, để nếu Hà Nội vẫn không có nổi một động tác ngả mạnh về Mỹ thì Bắc Kinh sẽ tiếp tục những đòn gây hấn mới hơn và khó chịu hơn nhiều, với hai mục tiêu song hành: vừa buộc Việt Nam phải chia bôi nguồn dầu khí khai thác được ở Bãi Tư Chính, vừa chặn lối chuyến đi Mỹ sắp tới của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng. Vậy vào lần này, khi bị ‘đồng chí tốt’, hay còn gọi là ‘bạn vàng’ và cũng là ‘đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất’ hung hãn bắt nạt ở Bãi Tư Chính - khu vực ‘thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, giới chóp bu Việt Nam sẽ phản ứng thế nào? Liệu sẽ vẫn chịu ‘nuốt nhục’, mà thực chất là ‘hèn với giặc’ như nhiều lần trước, hay sẽ tỏ ra can đảm hơn chạy sang Mỹ để cầu cứu hỗ trợ, nhưng phải là hỗ trợ tác chiến chứ không còn là ‘giao lưu hải quân’ như trước đây, từ Hạm đội Thái Bình Dương? Từ tháng 7 năm 2017, ‘cầu cứu Mỹ’ đã trở thành một triết lý sống còn và cũng là logic không có thì chết của chính thể Việt Nam. Chính thể này, trong khi khư khư ôm trọn quyền hành ‘đã có đảng và nhà nước lo’ để không những không chấp nhận tinh thần yêu nước và biểu thị phản đối Trung Quốc của người dân Việt, mà còn cho công an lao vào đoàn người biểu tình - hệt cảnh bầy cho dữ lao vào cắn xé những con mồi của chúng, thì chỉ còn nhìn thấy ở Mỹ như một cứu cánh duy nhất, trong khi cả Nga và hàn chục ‘đối tác chiến lược toàn diện’ khác đều thản nhiên quay lưng trước cơn nguy khốn nguy cơ chiến tranh Việt - Trung. Thế nhưng sự thể tồi tệ là não trạng đu dây chính trị vẫn bị nén chặt trong những cái đầu bí bách và bế tắc. Từ năm 2017 đến nay đã chẳng có bước tiến đáng kể nào trong mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ, trong khi vấn đề sự hiện diện của hải quân và không quân Hoa Kỳ tại quân cảng Cam Ranh lẽ ra đã phải được ưu tiên số một. Thái độ vặn vẹo gần đây của Donald Trump với Việt Nam cho thấy ông ta có vẻ không hài lòng với tiến trình ‘hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ’ như rùa ấy.  
......

Sở Giáo Dục tỉnh Long An ra lệnh bán ‘áo lót’ cho nữ sinh

Theo lệnh của Sở Giáo Dục tỉnh Long An, Phòng Giáo Dục huyện Cần Đước gửi công văn đến các trường học địa phương kiêm nhiệm luôn cả việc tiếp thị “áo lá kháng khuẩn” cho nữ sinh. Văn bản của Phòng Giáo Dục huyện Cần Đước tỉnh Long An gửi các trường “tiếp thị” áo lá “kháng khuẩn” cho nữ sinh.. Vụ này được báo Giáo Dục Việt Nam đề cập từ ngày Thứ Sáu, 19 Tháng Bảy, sang ngày Thứ Bảy, 20 Tháng Bảy cho là “một chuyện khôi hài.” Nhiệm vụ của trường học là truyền dạy kiến thức nhưng các trường học bị lợi dụng để bán các loại hàng hóa từ nồi niêu song chảo đến “máy sục khí khử độc,” nay thấy tiếp thị cả áo lót cho nữ sinh của một công ty quảng cáo là “áo lá kháng khuẩn.” Tin tức bị rò rỉ được tờ Giáo Dục Việt Nam nói hôm 18 Tháng Bảy, ông Đặng Minh Tấn, phó trưởng Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Cần Đước, tỉnh Long An, ký văn bản gửi các trường trong huyện thúc giục “phối hợp, hỗ trợ Công ty dệt may Nguyên Dung triển khai kế hoạch giới thiệu dòng sản phẩm ‘ao lá kháng khuẩn.’” Không phải Phòng Giáo Dục Cần Đước tự làm mà đã nhận chỉ thị từ cấp trên, tức Sở Giáo Dục–Đào Tạo của tỉnh Long An để bán áo lót. Điều này cho thấy có một kế hoạch ăn chia qua nhiều cấp nên cái món “áo lá kháng khuẩn” không biết tác dụng “kháng khuẩn” thế nào hay chỉ quảng cáo láo, mà đã được “hét giá” tới 129,000 đồng (khoảng $5.54 theo hối suất hiện tại). Theo tờ Giáo Dục Việt Nam dẫn lại một bài viết trên tờ Tiền Phong kể rằng “Lâu nay, một số trường học vẫn bị phê bình vì biến lớp học thành cái chợ khi tiếp thị bán đủ các loại đồ ‘thượng vàng hạ cám’ như sách vở rồi ép học sinh mua tăm, mua sách báo hay đồ dùng học tập… Nhiêu thầy cô giáo, các em học sinh phải méo mặt khi phải mua hàng theo kiểu gượng ép.” “Không biết có phải ngành Giáo dục của tỉnh nhà làm thay việc của cha mẹ học sinh nữ hay không khi rất nhiệt tình khi ra hẳn công văn giới thiệu hàng ‘áo lá diệt khuẩn,’” tờ Giáo Dục Việt Nam đặt nghi vấn. Theo tờ Giáo Dục Việt Nam, “Chắc ngành giáo dục của tỉnh Long An biết công văn là phương tiện giao tiếp chính thức của cơ quan nhà nước với cấp trên, cấp dưới và với công dân và có công văn nghĩa là có tiếng nói chính thức của ngành” nay cái phương cách truyền đạt mệnh lệnh giáo dục đó lại được dùng cả vào việc bán hàng, mà lại bán cả áo lót cho nữ sinh “thì đúng là chịu thật rồi.” Đầu Tháng Giêng năm 2017, người ta thấy tờ Giáo Dục Việt Nam đăng tải ý kiến của một độc giả và cũng là một giáo viên tên Trần Văn Tám kêu rằng “việc tiếp thị sản phẩm trong trường học không chỉ gây phiền toái cho nhà trường mà thậm chí có không ít thầy cô bị lừa bởi những chiêu tiếp thị như thế.” Ông Tám nói: “Tôi tin chắc một điều tất cả các trường học trên cả nước ít nhiều các vị hiệu trưởng đã từng tiếp nhân viên tiếp thị khi thì họ đến chào bán sách tham khảo, lúc thì bán tăm, bán bút bi, vé xem ca nhạc, treo bảng quảng cáo, tour đi tham quan du lịch cho giáo viên hay học sinh.” Khi tin tức bị xì ra, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, trưởng Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Cần Đước, “thừa nhận, việc giới thiệu sản phẩm này đúng là hơi nhạy cảm, và Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện sẽ rút kinh nghiệm,” tờ Giáo Dục Việt Nam kể lại. (TN)    
......

Chết đâu phải là hết

Đỗ Cao Cường Mấy đời bánh đúc có xương Mấy đời Tàu khựa lại thương dân mình. Tôi không sợ Trung Quốc mạnh, tôi chỉ sợ đồng bào mình ngu. Khi một trận bóng đá giải “ao làng” diễn ra, rất nhiều “nghệ sĩ” cho tới các em học sinh, sinh viên lao ra đường hô to “Việt Nam, Việt Nam” rồi họ ôm nhau khóc, như để khẳng định mình tử tế, yêu nước lắm Nhưng khi Trung Quốc coi Việt Nam là bãi rác không thể tái chế, đầu độc chúng ta hàng ngày, kéo đến xâm lược nhiều lần (số lần xâm lược của tất cả kẻ thù gộp lại cũng không bằng Trung Quốc) mang theo tư tưởng trọng nam khinh nữ, chia rẽ vùng miền, những khoản vay khổng lồ không dám công bố cùng các nhà thầu, công nghệ lạc hậu gây thua lỗ, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… thì tuyệt nhiên chỉ có vài người khóc. Cái đau đớn nhất không phải là chúng ta bị Trung Quốc xâm lược, cái đau đớn nhất là chúng ta bị Trung Quốc sai bảo, làm theo ý chúng, sự thật che đi, báo chí im lặng, người yêu nước bị đối xử tàn nhẫn, nhiều người đã chết vẫn không hề biết sự thật. Rất nhiều thế hệ người Việt không biết đến sự kiện Gạc Ma, thác Bản Giốc cùng nhiều câu chuyện bệnh hoạn, mất hết tính người như cưỡng hiếp trẻ em, dùng búa đập chết bà già trong cuộc xâm lược biên giới phía bắc của Trung Quốc. Thất bại trong chuẩn bị là chuẩn bị để thất bại, người đưa tin đến chậm vài phút cũng có thể khiến cả dân tộc chết chìm trong biển máu, người miền Trung chết chìm trong lũ. Khi Trung Quốc kéo đến bãi Tư Chính làm loạn, vài tuần sau mới thấy báo đài trong nước loan tin, vậy còn hy vọng gì vào những kẻ nô lệ, đặt lợi ích dân tộc không bằng lợi ích đảng phái? Bãi Tư Chính nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 200 hải lý (1 hải lý = 1.852 m), trong khi cách Trung Quốc trên 600 hải lý, chúng chạy hết dải đất hình chữ S Việt Nam, còn vài trăm hải lý nữa mới tới được bãi Tư Chính thì làm gì có cơ sở để chúng khẳng định chủ quyền. Bãi Tư Chính nằm giáp Malaysia và Brunei, theo luật biển quốc tế bãi này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Việt Nam đang khai thác dầu khí, có quyền chủ quyền và quyền tài phán… Chỉ có những kẻ cướp đê hèn cố tình không hiểu, không từ thủ đoạn nào như Trung Quốc mới nghĩ tới việc xâm lược bãi Tư Chính. Chúng gọi đó là một phần của “lưỡi bò” trong khi chả có cái lưỡi bò nào mà lại chạy hết miền Bắc Việt Nam, miền Nam Việt Nam kéo xuống tận Malaysia rồi mới tới đầu lưỡi. Chỉ có những kẻ cướp mất hết tính người mới nghĩ ra câu chuyện phi thực tế, khốn nạn đến thế này! Tôi cũng đã tới nhiều ngôi làng có nhiều người chết vì ung thư, dị tật do sống cạnh các nhà máy sử dụng công nghệ Trung Quốc. Nếu lãnh đạo nước này còn tiếp tục sử dụng nhà thầu Trung Quốc thì không có gì biện minh cho hành động bán nước. Mong các “nghệ sĩ” nổi tiếng nhờ biết nghe lời, cùng con dân nước Việt hãy che đi những giọt nước mắt cá sấu, giả tạo của mình để hoà vào nỗi đau của dân tộc. Chết đâu phải là hết, đời này còn có đời sau, hãy làm một điều gì đó dù nhỏ nhoi để con cháu các bạn không phải sống cuộc đời nô lệ, để một ngày nào đó chúng không bị lưu vong, lưu vong trong oán hận, lưu vong trên chính quê hương mình.  
......

Chuyện Bãi Tư Chính

Bạch Hoàn   “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.   Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”. Phải 13 ngày sau khi tàu Hải Dương địa chất 8 thực hiện thăm dò địa chấn tại Bãi Tư Chính - khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng và báo chí trong nước mới bắt đầu được mở miệng. Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho thấy, Chính quyền Việt Nam đã khai thác hết các kênh đối thoại chính thức cũng như không chính thức để giải quyết sự việc, nhưng Trung Quốc vẫn không dừng lại hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Đó là lý do cho đến 19-7, Bộ Ngoại giao Việt Nam buộc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực. Nhưng, dù ngoài khơi bão nổi, dù chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, dù những người lính nơi đầu sóng ngọn gió phải căng mình chiến đấu với ngoại bang, nhưng báo chí lại im lặng suốt hai tuần đằng đẵng. Điều đó cho thấy, hai tuần qua, Chính quyền chọn cách âm thầm thực hiện đối thoại với Trung Quốc, đã tự tách ra khỏi dân, đã không dựa vào lòng dân, không dựa vào sức mạnh của Nhân dân khi đối diện với kẻ muốn xâm phạm chủ quyền của đất nước mình. Trong bất cứ tranh chấp nào, dẫu lớn, dẫu nhỏ, dù chỉ dừng lại ở thăm dò, khiêu khích hay là trắng trợn xâm phạm, thì Chính quyền đều có nghĩa vụ phải thông tin cho người dân. Bởi vì, nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra, thì người dân phải nhận lãnh hậu quả. Bởi vì, nếu tài nguyên quốc gia bị cướp đoạt, trời biển bị xâm lấn, thì mất mát nào, hi sinh nào cũng là của Nhân dân. Vì lẽ đó, Nhân dân có quyền được biết. Và nhân dân cũng phải có trách nhiệm với từng tấc đất biên cương, từng đầu sóng ngọn gió của đất nước mình. Đất nước này là của Nhân dân. Biển đảo này cũng là của Nhân dân. Nhân dân cần biết chuyện gì xảy ra ngay khi ngoại bang gây hấn, chứ không phải sau hai tuần lễ mới được biết biển khơi đang có gió bão. Chỉ có Nhân dân đồng lòng đoàn kết mới cho Chính quyền sức mạnh để đuổi được kẻ ngoại bang xâm lấn. Chính quyền nào cũng vậy, nếu không dựa vào dân ắt sẽ chuốc lấy thất bại. Chế độ nào cũng vậy, nếu không dựa vào dân ắt sẽ có ngày suy tàn. Suy cho cùng, Chính quyền được lập ra để thực hiện ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, chứ không phải Nhân dân lẽo đẽo làm theo chỉ thị của thiểu số người. Nếu Nhân dân phải thụ động theo ý chí của thiểu số nắm giữ quyền lực, thì đó là một triều đại phong kiến, chứ không phải Nhà nước pháp quyền.  
......

Sự hình thành và cái chết của một Viện Nghiên cứu

Các thành viên IDS: (Từ phải sang) Phạm Chi Lan, Hoàng Tuỵ, Tương Lai, Việt Phương, Trần Đức Nguyên, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh Nguyễn Đình Cống  -  (bản có hiệu đính của báo Tiếng Dân) Nhân dịp tiễn GS Hoàng Tụy về Trời, xin kể chút ít về Viện Nghiên cứu Phát triển, viết tắt là IDS (Institutes of Development Studies), mà ông là Chủ tịch Hội đồng Viện. Đó là một Viện nghiên cứu tư nhân, không nhận lương và bất kỳ một trợ cấp nào của Nhà nước và không chịu sự lãnh đạo của ai cả. GS Hoàng Tụy Hàng trăm nhà khoa học, trí thức, học trò đã đến viếng, tiễn đưa tang lễ Giáo sư Hoàng Tụy Viện có 16 thành viên. GS Hoàng Tụy được bầu làm Chủ tịch Hội đồng viện. TS Nguyễn Quang A làm Viện trưởng. Các thành viên còn lại gồm: Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Phan Đình Diệu, Chu Hảo, Tương Lai, Phạm Duy Hiển, Vũ Quốc Huy, Tương Lai, Phan Huy Lê, Nguyên Ngọc, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương, Nguyễn Trung, Vũ Kim Hạnh, Huỳnh Sơn Phước. Viện được thành lập vào tháng 9 năm 2007, theo Giấy phép hoạt động của Sở Khoa học Hà Nội. Mục đích chính của Viện là Nghiên cứu phương pháp luận xây dựng chiến lược kinh tế xã hội.Theo TS Nguyễn Quang A, một trong những mục đích được đặt ra ngay từ khi thành lập Viện, đó là “đào xới vấn đề lên, khuấy động được thành một phong trào, để người dân, đặc biệt các trí thức trẻ có thể hiểu và cùng tham gia là một việc rất quan trọng. Nếu những người có trách nhiệm hoạch định chính sách lắng nghe hay tham khảo những kết quả thì rất tốt, còn nếu không, chúng tôi cũng không vì thế mà buồn. Chúng tôi mong tham gia phản biện, cảnh báo. Chúng tôi không đặt mục tiêu họ nghe mình bao nhiêu“. Trong 2 năm tiếp theo, Viện đã có nhiều hoạt động khoa học khá nổi tiếng, nghiên cứu nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội VN, đặc biệt là vấn đề giáo dục Viện đã có những kiến nghị rất khoa học. Viện được sự đồng tình, cổ vũ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng gặp sự phản đối kịch liệt của TBT Nông Đức Mạnh và nhiều người trong Bộ Chính trị ĐCSVN. GS Tương Lai cho biết: Mạnh gọi điện cho Hà Nội hoạnh hoẹ: “Ai cho phép thành lập viện nghiên cứu tư nhân này?” Khi được trả lời là chẳng ai cho phép cả mà do Luật Khoa học và Công nghệ đã ban hành về quyền đăng ký lập một tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ. Kẻ chỉ thạo cầm rìu chặt cây kia ráo hoảnh hạ lệnh: “Nếu là Luật thì sửa Luật”! Thế là người ta ra quyết định bắt giải tán Viện. Ngày 24-7-2009 Nguyễn Tấn Dũng với tư cách là Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg, ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ để dẹp Viện IDS. Quyết định 97 có hiệu lực kể từ ngày 15-09-2009. GS Hoàng Tụy, TS Nguyễn Quang A và các thành viên không chấp nhận được nỗi nhục bị người ta bắt giải tán nên đã tuyên bộ tự giải thể vào ngày 14 tháng 9 năm 2009, trước khi quyết định 97 có hiệu lực một ngày. Viện IDS tự giải thể trước sự ngỡ ngàng của các nhà khoa học trong nước và trên thế giới, là một tổn thất to lớn của đất nước. Nó chứng tỏ sự thiếu trí tuệ và kiêu ngạo của lãnh đạo ĐCS mà không chỉ riêng một mình Nông Đức Mạnh phạm phải. Nguyễn Đình Cống 
......

Bộ Y Tế cần làm gì để giải quyết tình trạng bệnh viện công bị quá tải?

  RFA Thực trạng bệnh viện công Dân chúng tại Việt Nam trong những ngày tháng Bảy sôi sục sự phẫn nộ đối với ngành y tế qua các bản tin liên tục được đăng tải, như bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt trực chính ca đỡ đẻ cho sản phụ để cuối cùng trẻ sơ sinh bị kéo đứt cổ tử vong tại Bệnh Viện Đa Khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; hay một bệnh nhân chết do không được bác sĩ thăm khám sau 4 giờ được chuyển vào phòng cấp cứu ở Bệnh Viện Chợ Rẫy; và một trường hợp khác cũng xảy ra tại Bệnh Viện Chợ Rẫy là bệnh nhân gãy đốt sống ngực nhưng bác sĩ đã khoan nhầm cẳng chân dù bệnh nhân lên tiếng cho biết chân không bị gãy… Các trường hợp vừa nêu được truyền thông loan đi trong thời gian gần đây chỉ là ví dụ điển hình của vô số những ca điều trị bệnh, mà dư luận cho rằng bởi do bệnh viện bị quá tải và nhân viên y tế quá tắc trách dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí khiến bệnh nhân mất mạng. Lướt qua trang fanpage của các báo mạng chính thống, Đài RFA ghi nhận không ít ý kiến đòi hỏi và yêu cầu phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với giới chức ngành y tế do lơ là, coi thường mạng sống của bệnh nhân. Quá tải và tắc trách “Từ lúc đào tạo thì người ta đã nói nhiều đến trách nhiệm của người thầy thuốc, bác sĩ là rất cao, phải bám chắc, nắm sát từng phút, từng giờ chứ không thể lơ là chủ quan được bởi vì chủ quan thì xảy ra biến chứng và hậu quả lớn thậm chí đe dọa tính mạng hay ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.” Trên đây là chia sẻ của Bác Sĩ Dũng, đang làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội. Từng công tác trong bệnh viện công, Bác Sĩ Dũng giải bày rằng dù giới y khoa nhớ nằm lòng về y đức mà mình đã được học, tuy nhiên thực trạng điều trị bệnh tại bệnh viện công ở Việt Nam không thể cải thiện được. Bởi vì: “Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm của thầy thuốc là chính. Bởi vì, người ta vừa phải mưu sinh cộng với làm cả công, cả tư bị cả hai chi phối nên người ta không chú tâm vào trách nhiệm của mình khi khám trị bệnh cho bệnh nhân. Mỗi người bớt đi một ít trách nhiệm thì sẽ gây ra hậu quả thôi. Thứ hai nữa là tình trạng quá tải ở bệnh viện.” Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hồi năm 2014 từng lên tiếng xác nhận nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân phần lớn là do sự non kém tay nghề, sự thờ ơ vô trách nhiệm, bỏ mặc bệnh nhân của y bác sĩ trong bệnh viện. Theo số liệu thống kê không chính thức của Bộ Y Tế tính đến năm 2018, Việt Nam với hơn 1.000 bệnh viện công có 345 ngàn nhân viên y tế, trong đó số lượng bác sĩ trên 55 ngàn người, tương ứng tỷ lệ 7,2 bác sĩ/một vạn dân. Bộ Y Tế cho biết tỷ lệ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân ở Việt Nam tuy thấp hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng vẫn thuộc nhóm có tỷ lệ cao trên thế giới. Mặc dù được ghi nhận như vậy, thế nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y khoa tại các bệnh viện công luôn là một câu chuyện dài không có hồi kết. Và đây là nguyên nhân chính của tình trạng bệnh viện công ở Việt Nam bị quá tải. Tiến Sĩ-Bác Sĩ Trần Tuấn, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu và Đào Tạo Phát Triển Cộng Đồng (RTCCD) đưa ra nhận định của ông với RFA về tình trạng bệnh viện công bị quá tải: “Tôi nhìn thấy tình trạng quá tải ở bệnh viện công hiện nay, nguồn gốc sâu xa là đã để cho tình trạng chăm sóc sức khỏe ban đầu bị bỏ bê. Hay nói khác là chất lượng chăm sóc y tế của tuyến dưới đã không đáp ứng được nhu cầu của người dân, gây sự hoang mang lo lắng về chất lượng chuyên môn buộc người dân đổ dồn lên tuyến trên và tình trạng đẩy y tế công sang công – tư lẫn lộn, tự chủ một phần để lo kinh phí đã khiến các bệnh viện công quay sang tổ chức hình thức dịch vụ thu tiền cho mục tiêu kinh tế và do đó để thu được tiền thì cần có bệnh nhân cho nên dẫn đến có tình trạng quá tải ở bệnh viện công.” Bác Sĩ Trần Tuấn gọi thực trạng đó là “một sự thật đau lòng” qua dẫn giải một thảm cảnh hồi năm 2014 ở Bệnh Viện Nhi Trung Ương đã để xảy ra dịch sởi, gây chết hàng trăm trẻ em do bởi bệnh viện này cứ thu nhận bệnh nhi mắc bệnh sởi vào chữa trị vì mục tiêu kinh tế của bệnh viện. Lỗi tại cơ chế? Xét về phương diện nguồn nhân lực, Bộ Y Tế cho biết tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế trầm trọng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các bệnh viện tuyến dưới tại các địa phương. Bên cạnh đó, mặc dù hàng năm sinh viên tốt nghiệp ngành y từ 600 đến 1.000 người nhưng vẫn không đáp ứng đủ do thời gian đào tạo khá dài, mất từ 5 đến 6 năm mới có nguồn nhân lực bổ sung cho sự thiếu hụt. Thêm vào đó, sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã thu hút cán bộ y tế thuộc hệ thống y tế công sang làm việc với mức lương cao hơn. Cụ thể, mỗi ngày bác sĩ tại các bệnh viện công phải điều trị bình quân 100 đến 150 bệnh nhân từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều; trong khi đó tại bệnh viện tư nhân, bác sĩ điều trị mỗi ngày khoảng 10 bệnh nhân nhưng thu nhập gấp đôi hoặc gấp ba. Bác Sĩ Dũng cho RFA biết nhiều bác sĩ mới ra trường thường chọn về công tác tại những bệnh viện ở các thành phố lớn, bệnh viện tuyến trên bởi vì các bệnh viện đó có đầy đủ trang thiết bị y tế và có cơ hội để thu nhập cao hơn so với bệnh viện tuyến dưới. Và một bác sĩ muốn được vào làm việc ở những bệnh viện tuyến trên, bệnh viện trung ương thường phải “chạy việc” với số tiền lên đến cả tỷ đồng. Do đó, không ít nhân viên y tế chọn làm việc ở cả bệnh viện công và bệnh viện tư nhân để kiếm thêm thu nhập trả “phí lo lót”. Bác Sĩ Dũng còn nêu lên tình trạng gọi là “lạm dụng” trong điều trị cho bệnh nhân để nhằm thu lợi kinh tế về cho bệnh viện và nhân viên y tế: “Ví dụ như vừa rồi tại Bệnh Viện 108, trường hợp bệnh nhân 5 tuổi đấy. Trên lý thuyết được học đối với trường hợp trẻ em bị chấn thương thì phải luôn luôn ưu tiên phương pháp bảo tồn cố định, bó bột. Hiện tại có nhiều phương pháp hiện đại chứ không hạn chế can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật xương trên đứa bé vì đặc điểm xương của trẻ em rất nhanh liền, chỉ mất tầm 2 tuần là liền thôi. Nhưng bệnh nhân 5 tuổi mà bị đè ra mổ là lạm dụng. Bó bột chỉ mất mấy trăm ngàn, xong rồi ra viện. Trong khi mổ thì phải gây mê và phải có ê-kíp mổ thì mổ lại thành quy trình rồi. Gia đình bệnh nhân phải đưa phong bì cảm ơn cho người mổ chính, người mổ phụ… Có như thế thì mới có thêm tiền được.” Trong một cuộc phỏng vấn với báo mạng Infonet.vn hồi cuối tháng Sáu, 2016 xoay quanh chủ đề thu nhập của bác sĩ ở Việt Nam, Tiến Sĩ-Bác Sĩ Võ Xuân Sơn, làm việc tại Phòng khám Quốc tế EXSON cho biết giới bác sĩ ở Việt Nam thu nhập từ 3 nguồn, bao gồm lương từ ngân sách, các loại phụ cấp và các khoản làm việc ngoài giờ. Bác Sĩ Võ Xuân Sơn nhấn mạnh ngoài mức lương theo hệ số ngân sách cấp tương đối giống nhau, các khoản thu nhập còn lại bị ít dần ở các tuyến càng thấp và càng xa thành phố lớn và khoản thu nhập làm ngoài giờ vắt kiệt sức của bác sĩ. Bác Sĩ Võ Xuân Sơn cũng khẳng định các khoản thu nhập từ “phong bì”, từ “hoa hồng” là các khoản thu nhập “không vui vẻ gì” đối với đa số các bác sĩ. Giải pháp Qua tìm hiểu, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận giới chuyên môn trong ngành y cho rằng tình trạng bệnh viện công quá tải và nhân viên y tế tắc trách là một cái vòng lẩn quẩn kéo dài suốt nhiều năm qua. Bác Sĩ Trần Tuấn nêu vấn đề: “Tại sao bệnh nhân đổ lên tuyến trên? Tại sao họ phải mất tiền, mất của, mất thời gian công sức đi lại kéo nhau lên bệnh viện tuyến trên? Chính vì bị mất lòng tin ở các bệnh viện ở tuyến dưới. Tại sao như thế? Chỉ có những người trong ngành y, những người lãnh đạo hệ thống hiểu được, trả lời được và giải quyết được vấn đề này. Nhưng tôi thấy dường như có một bộ phận chịu trách nhiệm vận hành hệ thống y tế này đang đi theo hướng là muốn cho thấy rằng hệ thống bệnh viện công cần phải được tư nhân hóa để giải quyết những tình trạng hiện nay.” Tiến Sĩ-Bác Sĩ Đinh Đức Long, nguyên Trung Tá Quân Đội Nhân Dân Việt Nam khẳng định với RFA rằng xu hướng tư nhân hóa bệnh viện công tại Việt Nam là cần thiết: “Xu hướng tư nhân hóa thì Việt Nam đang đi theo lộ trình của thế giới. Vấn đề là bước đầu làm có thể có bỡ ngỡ, có va vấp nhưng con đường đó là con đường chắc chắn là phải tư nhân hóa, không chỉ bệnh viện mà còn nhiều cái khác nữa.” Đối với xu hướng tư nhân hóa của các bệnh viện công, Bác Sĩ Trần Tuấn nói về ghi nhận của ông: “Hiện tại, người ta đã bắt đầu bằng một phương án gọi là công-tư hợp tác (PPP-Public Private Partnership). Thế nhưng, chúng ta biết rằng hợp tác công-tư để chăm sóc y tế lại thiếu vắng hệ thống giám sát, đánh giá độc lập về mặt chất lượng dịch vụ; chất lượng ở đây bao gồm cả chất lượng chuyên môn và vấn đề chi phí y tế; rồi lại trong tình trạng vấn đề hành lang pháp lý còn thiếu và việc thực thi pháp lý lại còn rơi vào tình trạng thiếu minh bạch, cộng với tiếng nói của bệnh nhân hay nói khác là của các tổ chức đại diện cho người bệnh không được nhìn nhận thì trong hòan cảnh đó nếu cứ tiếp tục mô hình công-tư hợp tác hoặc tăng quyền tự chủ cho bệnh viện công như đang định làm cho 4 bệnh viện đầu ngành (Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy và Bệnh viện K), tôi e rằng không tránh khỏi con đường đi vào tư nhân hóa bệnh viện công, mặc dù với tên gọi là công-tư hợp tác hay bệnh viện công tự chủ hoàn toàn.” Bác Sĩ Trần Tuấn nhắc lại kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị Định 43 năm 2006 trao quyền tự chủ cho các cơ sở công lập có thu, thì hơn một thập niên qua với nguồn ngân sách của nhà nước rót xuống các bệnh viện công dần hình thành cơ chế vận hành tài chính với nguồn thu tạo riêng, thực chất trở thành cơ sở chăm sóc y tế “chả phải công, chả phải tư”. Và bây giờ với Nghị quyết 33 của Chính phủ, cho “tự chủ hoàn toàn” thí điểm tại 4 bệnh viện công đầu ngành, Bác Sĩ Trần Tuấn kêu gọi các giới chức ra chủ trương này cần phải rất cẩn thận xác định mục tiêu tự chủ sẽ dẫn dắt các bệnh viện đi đến đâu và, liệu có khắc phục được tình trạng quá tải hiện nay lại mở ra một mô hình nào khác nữa? Trong khi đó, Bác Sĩ Đinh Đức Long nói rằng mô hình thí điểm theo Nghị quyết 33 chưa diễn ra nên ông không thể nào nhận xét được hiệu quả hay hậu quả của nó. Tuy nhiên, Bác Sĩ Đinh Đức Long xác nhận giải pháp đang thực hiện của Bộ Y Tế là hướng đi đúng: “Trên thực tế thì Bộ Y Tế đang làm. Tôi nói ví dụ ở Hà Nội có Bệnh Viện Bạch Mai có các bệnh viện vệ tinh, Bệnh Viện Việt Đức có các bệnh viện vệ tinh ở tỉnh hay Bệnh Viện Ung Bướu Hà Nội có mấy bệnh viện cơ sở vệ tinh để giảm tải… Vấn đề về phía quản lý vĩ mô thì họ tạo thêm các bệnh viện vệ tinh và cho các bác sĩ ở bệnh viện trung ương luân phiên xuống bệnh viện cơ sở để nâng cao trình độ bác sĩ tuyến dưới. Họ làm nhiều năm rồi và họ đi đúng hướng. Nhưng vấn đề còn là tâm lý của người bệnh nữa. Người bệnh thường có tâm lý không tin ở bệnh viện cơ sở và bệnh gì cũng đi lên tuyến trên. Cho nên chính vì thế tuyến trên bị quá tải. Tôi nghĩ rằng họ đang triển khai là đúng. Tất nhiên không thể làm một lúc được vì phụ thuộc ngân sách, phụ thuộc mặt bằng mà không thể xây dựng bệnh viện trong ngày một ngày hai, phải mất vài năm và còn trang thiết bị nữa. Nhưng họ đang làm theo hướng đó và tôi nghĩ rằng hướng đi là đúng.” Còn theo quan điểm của Bác Sĩ Trần Tuấn cho rằng không thể trao quyền tự chủ cho các bệnh viện công, theo Nghị quyết 33 để rồi đi vào con đường tư nhân hóa, bởi đó mà theo cách gọi của Bác Sĩ Trần Tuấn là “một cách chiếm đoạt nguồn lực công và như vậy sẽ để lại rất nhiều hậu quả trong ngành chăm sóc sức khỏe cho người dân ở Việt Nam.” Bác Sĩ Trần Tuấn khẳng định mục tiêu chắc chắn là phải cải tổ hệ thống y tế công hiện nay của Việt Nam, nhưng phải đảm bảo có được đủ 3 yếu tố chủ thể “công, tư, ngoài nhà nước nhân đạo phi lợi nhuận”, bằng ngược lại cứ “công, tư” lẫn lộn thì “sẽ là yếu tố cản trở sự phát triển chất lượng chuyên môn, cản trở tính hiệu quả của chăm sóc y tế và hậu quả cuối cùng là người dân cùng đội ngũ cán bộ y tế đều bị thiệt.”    
......

8 năm tù không hối tiếc vì khẩu hiệu “HS.TS.VN”

Sự kiện Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông vẫn là bí mật được dấu kín. Như bao nhiêu chuyện mà giới lãnh đạo đảng cầm quyền cho là “nhạy cảm”, những sự thật về biên giới hải đảo là một trong số cấm kỵ đó. Ngay thời điểm này mà những tin tức về cuộc chiến bảo vệ tổ quốc đó vẫn bị che dấu, ít người được biết đến, thì thật là thương xót cho những người cả chục năm trước lên tiếng vì tình yêu quê hương đất nước biết bao. Theo dõi những diễn biến thời sự gần đây đã làm tôi nhớ đến Nguyễn Đặng Minh Mẫn – một người phụ nữ trẻ bước vào tù ở tuổi thanh xuân 26 tuổi, chỉ vì dám khẳng định “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, cách đây 8 năm. Chỉ vì viết những khẩu hiệu như “HS.TS.VN” mà Minh Mẫn đã bị bắt vào tháng Bảy năm 2011, và bị kết án 8 năm tù giam với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Sắp tới đây người thanh nữ yêu nước đó mãn hạn tù sau những năm tháng bị đoạ đày. Nhiều người có thể nghĩ rằng tại sao chỉ nói lên sự thật về chủ quyền của tổ quốc mà lại bị quy tội. Thật trớ trêu thay, chính chị Minh Mẫn là nhân chứng rằng tuyên bố “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” lại là điều cấm kỵ đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cứ nhìn cách mà báo chí và giới cầm quyền hành xử với những blogger hay facebooker trước nguy cơ Trung Quốc hoàn toàn chiếm trọn Biển Đông là có thể hiểu phần nào. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm biển đảo bị chính công an Việt Nam vùi dập trong máu và dùi cui. Khẩu hiệu HS.TS.VN được dùng sơn xịt lên tường để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Những cuộc xuống đường chống Trung Quốc năm 2011, đã khiến không ít người bị tù đày. Nhưng đáng chú ý hơn là nhà hoạt động trẻ Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị quy tội vì viết những dòng chữ “HS.TS.VN”. Sự thật thì chính cáo trạng đã ghi rằng chị Minh Mẫn dùng bình sơn xịt các khẩu hiệu “HS.TS.VN” (Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam) như là hành vi tội phạm. Có thể coi việc bỏ tù chị Minh Mẫn như là bằng chứng mà Hà Nội thừa nhận sự tùng phục của họ đối với Bắc Kinh. Tôi vẫn còn nhớ như in khi thẩm phán phiên toà hôm tháng Giâng năm 2013, đã hỏi đi hỏi lại về động cơ của chị Nguyễn Đặng Minh Mẫn khi xịt sơn với dòng chữ “HS.TS.VN” lên tường. “Bị cáo làm như vậy (viết chữ ‘HS.TS.VN’ để làm gì?” Hay “bị cáo hãy cho biết động cơ của bị cáo khi làm như vậy?”… 8 năm sau, chính thể cộng sản Việt Nam vẫn không thay đổi thái độ “hèn với giặc, ác với dân”. Họ vẫn cố tình bịt tai quân đội, bịt mắt nhân dân, bịt miệng báo chí. Cả hệ thống tuyên giáo vẫn coi người đòi xoá “đường lưỡi bò”, đòi dân chủ nhân quyền là “phản động”, trước sự kiện Bắc Kinh đang xua tàu chiến đến chiếm Bãi Tư Chính. 8 năm sau người dân đã dần nhìn rõ những hành vi phản trắc của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đã có thêm những người trẻ bất chấp nỗi sợ hãi liệt kê tên mình vào danh sách những tù nhân lương tâm. Nhưng cũng là thêm những năm sự hy sinh của những người như chị Minh Mẫn vẫn chưa được đền đáp tương xứng. Nhà nước này lại tiếp tục để mất thêm những vùng tiền tiêu của tổ quốc. 8 năm tù không một ngày giảm án, không một lần hối tiếc vì hành động của mình. Những điều đó có làm cho chúng ta bận tâm suy nghĩ? Chúng ta có đủ can đảm để khẳng định chủ quyền quốc gia bất chấp bị coi là “phản động”, bất chấp bị đoạ đày vì lòng yêu nước của mình? Tôi không tin người Việt của chúng ta hèn nhát và tôi cũng không oán trách nếu như còn nhiều người chưa lên tiếng. Tôi vững tin rằng Việt Nam có rất nhiều những anh thư như chị Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Tôi cũng tri ân bao người trẻ vẫn miệt mài dâng hiến tuổi thanh xuân cho Đất Mẹ Việt Nam. Khi chị Nguyễn Đặng Minh Mẫn ra khỏi nhà tù nhỏ chắc chắn chị sẽ nhập dòng cùng với dân tộc để tiếp tục sứ mang phá đổ nhà tù lớn, chấm dứt những ngày nô lệ phương Bắc để vĩnh viễn cất cao lời thề “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” mà chị đã bị đẩy vào nhà tù cách nay 8 năm. Trong niềm tin đó, tôi tự hỏi chúng ta đã và sẽ cùng nhau làm gì để dải đất chữ S này thoát khỏi gọng kềm phương Bắc? Chúng ta sẵn sàng làm gì để dân tộc này thoát khỏi gông cùm của chế độ độc tài? Bình Lâm https://viettan.org/8-nam-tu-khong-hoi-tiec-vi-khau-hieu-hs-ts-vn/  
......

Các bạn Nhật khổ rồi

Lương Ngọc Huỳnh - Chú Tễu Ở Hà Nội có một hội mà giới chuyên môn hay gọi là " Hội Quỷ Môn Quan" gồm có hơn chục giáo sư, tiến sĩ tạm gọi là hội đồng khoa học. Hội này không có thiện chí với những công nghệ mới nếu họ không được tham gia bàn và cãi, thứ nữa là các hệ thống quản lý ngành vô cùng lắt léo và đều có vấn đề trong đó. Cuối năm 2009 đến đầu năm 2010 tôi đã vấp phải muôn vàn khó khăn khi đưa công nghệ xử lý nước thải bằng từ tính của Nga kết hợp với Israel về định bụng làm sạch sông tô lịch và các hồ nước không sạch để chào mừng 1000 năm thăng long. Ngoài công nghệ của chúng tôi ra thì còn có nhiều công nghệ khác của nhiều nước cùng đưa về, trong đó có cả vợ của các đồng chí lãnh đạo, và một đồng chí đương nhiệm là đại sứ ở nước ngoài lúc bấy giờ, cũng đưa công nghệ từ Bỉ, Hàn Quốc, và một vài trường hợp khác của Việt Nam cùng tham gia mong muốn cống hiến. Chúng tôi họp lên họp xuống, báo cáo các loại báo cáo, và tất cả các nhóm muốn tham gia đều phải "biểu diễn thí nghiệm" để cho Hội quỷ môn quan này xem xét! Trong thời điểm ấy chúng tôi là đơn vị đưa ra giá thành rẻ nhất nghĩa là 8 ngàn đồng cho 1 mét khối nước thải được làm sạch đạt chất lượng từ B2 trở lên, nghĩa là loại nước có thể sử dụng trong sinh hoạt như tắm rửa... còn lại tất cả các công nghệ khác thì đều báo giá từ 25 ngàn đến 45 ngàn cho việc làm sạch 1 mét khối nước thải. Các công ty khác chủ yếu xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh, hoặc hoá chất, chỉ có mỗi chúng tôi là không dùng bất kỳ loại hoá chất nào. Tất cả chúng tôi lao vào như thiêu thân nào họp nào bàn nào làm thử.... tốn tiền tốn của mất gần 6 tháng lăn lộn, nhưng vẫn không thể làm hài lòng hội quỷ môn quan này! Cuối cùng chúng tôi chết sặc tiết, tôi thiệt hại mất hơn 4 tỷ tiền đầu tư máy móc, tiền chi phí các loại....! Nhưng có nhóm còn mất nhiều hơn chúng tôi! Mặc dù lúc bấy giờ thứ trưởng bộ khoa học công nghệ Nguyễn Văn Lạng rất nhiệt tình giúp đỡ và mong đưa các công nghệ tiên tiến vào để xử lý môi trường, anh Lạng ngày đêm cùng chúng tôi ra hiện trường những nơi thử nghiệm để trực tiếp kiểm tra đánh giá kết quả khách quan. Nhiều lãnh đạo nhà nước lúc bấy giờ cũng rất quan tâm và ủng hộ. Nhưng "Hà Nội Không Vội Được Đâu" đã trở thành cái đầu lâu xương chéo nhiều năm nay rồi! Ở đó có hoàng thành kiên cố phòng thủ vững chắc, có những con người có thể gọi là bố của các loại ma, họ không thích chia sẻ quyền lực và lợi nhuận! Tôi xin làm thí điểm ở một đoạn sông Kim Ngưu, tôi cũng đã đến để báo cáo với anh cả một thành viên này rồi, mấy ngày đầu làm tốt, tiến triển từng ngày, thậm chí có lãnh đạo cao cấp của đảng, nhà nước vì thương anh em vất vả đêm đến còn đưa cho tôi bánh nói rằng mang ra cho anh em ăn đỡ đói. Đến ngày thứ 3 tự nhiên nước dâng lên đột ngột, các loại nước bẩn ầm ầm kéo đến tràn vào khu vực thực nghiệm!!! Xong phim.... thằng bé chỉ còn biết chửi thề thôi! Điện thoại báo cáo với anh Lạng rồi điều tra thì biết anh cả cấp thoát nước mở cống?! Chiều hôm sau gặp anh Tuân lúc đó là tổng giám đốc Vinaconex anh ấy nói: "Huỳnh ạ em muốn yêu nước thì em phải làm đơn"! Nghe xong câu nói đó tôi buồn hẳn và thất vọng hoàn toàn. Tôi cũng báo cáo toàn bộ sự thất bại đó cho chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thường trực ban bí thư Trương Tấn Sang, và phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biết, đồng thời xin rút lui toàn tập vì không thể chọc thủng hàng phòng thủ của thủ đô Hà Nội! Cho nên tôi rất thương các bạn Nhật Bản, các bạn cứ từ từ chiến đấu và cảm nhận, tôi rất mong có một ngày dòng sông Tô Lịch và các dòng sông chảy qua Hà Nội trong xanh hiền hoà, nam thanh nữ tú bơi thuyền thiên nga vui đùa té nước cùng những tiếng sáo diều và tiếng cá nhảy lõm bõm trên những dòng sông thơ mộng uốn lượn trong lòng thủ đô ngàn năm văn hiến. Tôi chia buồn cùng các bạn Nhật!  
......

Bàn chuyện cái lu!

Lê Thị Kim Dung| Sau một tuần “dậy sóng” vụ cái lu chống ngập lụt của bà Phó Giáo sư – Tiến Sĩ, đại biểu HĐND Thành Hồ Phan Thị Hồng Xuân, dư luận vẫn tiếp tục đề cập về bà không chỉ là chuyện cái lu mà còn liên quan đến một số phát biểu linh tinh trên báo chí sau đó. Phải nói là “sáng kiến” của bà Tiến Sĩ Xuân lập tức gây ra một trận bão chế giễu của công chúng không chỉ là sự ngớ ngẩn mà còn mang tính ngụy biện không xứng với một trí thức có học vị cao như bà. Để biện minh cho đề nghị của mình, bà tiến sĩ cho biết đây là từ sự gợi ý của một chuyên gia Nhật Bản trong tổ chức JICA (Japan International Cooperation Agency – Tổ chức Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản) một tổ chức chuyên lo công việc hợp tác đầu tư có văn phòng tại Việt Nam. Biện minh của bà Xuân càng làm lộ ra thêm sự thiếu hiểu biết của mình. Vì chuyện các gia đình người Nhật có cái lu chứa nước mưa để có nước ngọt khi trời mưa là một truyền thống; nghe qua ai cũng hiểu vì đây là một đảo quốc với gần 7.000 hòn đảo lớn nhỏ. Nhưng từ ý kiến có cái lu chứa nước mưa, bà Tiến Sĩ Xuân lại bám lấy như một hình thức đáng noi theo từ một xứ văn minh để đưa ra đề nghị dân thành Hồ nên sắm lu nhằm chứa nước mưa chống ngập lụt. Đây quả là một chuyện không những khôi hài mà nó còn cho người ta thấy những đầu óc trống rổng, ngờ nghệch của thành phần cán bộ lãnh đạo trong guồng máy độc tài. Bà Xuân còn nguỵ biện thêm, bà dùng chữ “cái lu” vì muốn nhấn mạnh khía cạnh “tri thức bản địa” theo dân gian. Đến đây thì bà tỏ ra đi quá xa chuyện chống ngập vì sẽ không ai hiểu nổi cái “tri thức bản địa” trong chuyên chống ngập của bà. Là một đại biểu HĐND, bà tiến sĩ lại quên một thực tế là trong hơn 10 năm qua cứ mỗi cơn mưa, thành Hồ nhanh chóng biến thành một cái hồ vĩ đại, chẳng những chứa nước mưa mà còn chứa đủ loại nước cống rãnh và rác rưởi. Những dự án chống ngập lụt mùa mưa đã chi ra trên 22.000 tỷ đồng nhưng hoàn toàn thất bại, đến nổi có lúc cán bộ Sở Giao Thông Vận Tải phải lấp liếm “chỉ tụ nước sau cơn mưa”. Và nghe đâu tới năm 2020, nhà nước còn bỏ tiền chống ngập tới 120.000 tỷ đồng! Với cương vị là đại biểu HĐND đồng thời là một trí thức có học vị cao hơn người, lẽ ra bà Xuân phải thấy rõ đề nghị của mình không khả thi chút nào. Vì lẽ khi trời mưa, độ nước đổ xuống ào ạt làm sao các lu có thể hứng kịp khi phân tán từng nhà. Chỉ nghĩ đến điều đơn giản ấy thôi, ai cũng thấy đề nghị của bà tiến sĩ là không thể thực hiện. Thế nhưng tại sao bà đưa nó ra diễn đàn của những đày tớ dân, hẳn cũng có lý do thầm kín nào đó… Giả sử “sáng kiến” của bà Xuân được áp dụng, ai sẽ là người bỏ tiền ra mua hàng triệu cái lu, hay áp dụng chính sách “nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm trước nhà nước theo sau…”? Rồi nước mưa hứng được trong tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng như hiện nay ở Việt Nam thì ai dám dùng nước này, hay chỉ để nuôi trứng muỗi để phát triển bệnh sốt xuất huyết. Nhưng điều quan trọng hơn hết là qua đề nghị khôi hài của bà Xuân, người dân thấy được cách chuyển hướng dư luận của chế độ toàn trị CSVN khi họ đang rơi vào bế tắc của vụ án cướp đất Thủ Thiêm. Cùng lúc dư luận cũng đang vô cùng chú ý vào vụ Lê Tấn Hùng em trai cựu bí thư Lê Thanh Hải bị tống giam ở Hà Nội làm cho nội bộ thành uỷ thành Hồ lâm vào bối rối. Trước nay đối với Lê Tấn Hùng dù tội trạng không còn che giấu được, thành uỷ cũng chỉ giơ cao đánh khẽ… Về phía người dân thì đang chờ xem liệu con sâu chúa Lê Thanh Hải chừng nào biến thành củi. Cạnh đó đây cũng là thời điểm mà dư luận cả nước đang hướng về Biển Đông với vụ đảng mang tàu cảnh sát biển rụt rè đối đầu tàu Trung Cộng ở bãi Tư Chính. Nói cách khác với đề nghị ngớ ngẩn của mình, bà Xuân được dùng như một vụ “xả xú-bắp” của đám thành uỷ thành Hồ để giải vây cho những bế tắc vô phương cứu vãn. Cho nên trong tinh thần cảnh giác âm mưu lừa bịp của cộng sản, ta phải coi vụ chọc cười của bà tiến sĩ Hồng Xuân không đơn thuần chỉ là sự ngờ nghệch làm trò hề của một đề nghị bất khả thi, mà nó còn chủ đích điều hướng dư luận có lợi cho chế độ. Lê Thị Kim Dung  
......

Lý giải sóng ngầm tại bãi Tư Chính

Nguyễn Quang Dy - Viet-Studies “Muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh” (Si vis pacem, para bellum). Những gì đang diễn ra tại bãi Tư Chính là dư chấn như sóng ngầm tiếp theo khủng hoảng lần trước (7/2017 và 3/2018). Vì vậy, tuy không bất ngờ nhưng cũng đừng chủ quan. Theo báo SCMP (12/7/2019), Trung Quốc đã điều tầu HD-8 đến vùng biển gần bãi Tư Chính (Vanguard Bank) để thăm dò dầu khí (từ 3/7/2019). Tàu HD-8 được hộ tống bởi 2 tàu hải cảnh số 3901 (12.000 tấn) và số 37111 (2.200 tấn), được trang bị trực thăng và pháo. Cảnh Sát Biển Việt Nam đã điều 4 tàu CSB đến ngăn chặn các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền. Ngoài 4 tàu CSB Việt Nam và 2 tàu hải cảnh Trung Quốc trực tiếp đối đầu (stand-off) suốt tuần qua tại vùng biển gần bãi Tư Chính (cách Vũng Tầu khoảng 440km), có hàng chục tàu khác của hai bên hoạt động ở ngoại vi. Sự kiện này xảy ra bất chấp cam kết (5/2019) của bộ trưởng Quốc phòng hai nước nhằm giải quyết tranh chấp qua đàm phán. Theo báo chí chính thống (11/7/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển. Theo nguồn tin không chính thức, Thủ tướng đã nói chuyện qua điện thoại với các tàu CSB đang hoạt động tại vùng biển bãi Tư Chính. Tuy nội dung cụ thể không được thông báo, nhưng chắc Thủ tướng đã chỉ đạo CSB nâng cao cảnh giác để tránh bị động và bất ngờ trước các tình huống khó lường có thể xảy ra trên biển. Bối cảnh cũ Cuộc đối đầu lần này tiếp nối cuộc khủng hoảng lần trước tại bãi Tư Chính (7/2017 & 3/2018) cũng như sự kiện dàn khoan HD-981 (5/2014). Trong cuộc khủng hoảng lần trước, Trung Quốc đã huy động hàng trăm tàu để hộ tống dàn khoan HD-760 tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ đã đe dọa Việt Nam để buộc Repsol phải dừng khoan tại lô 136/03 (Cá Kiếm Nâu) và lô 07/03 (Cá Rồng Đỏ) nằm trên thềm lục địa của Việt Nam. Theo các chuyên gia, Exxonmobil (Mỹ) ký hợp đồng với PVN để khai thác khí tại lô 118 (Cá Voi Xanh) có thể làm Bắc Kinh tức giận. Nhưng chắc họ tức giận hơn khi PVN và Repsol (Tây Ban Nha) định khai thác dầu khí tại lô 136/03 và lô 07/03 tại khu vực bãi Tư Chính. Lô 136/03 và 07/03 kề bên (overlaps) một lô dầu khí lớn mà Trung Quốc đã bán quyền khai thác cho Crestone (từ năm 1992) nay thuộc quyền Brightoil (Trung Quốc). Tháng 4/2017, kế hoạch khai thác dầu khí tại cụm Cá Rồng Đỏ được chính phủ Việt Nam chấp thuận, theo đó 12 giếng dầu sẽ lần lượt được đưa vào hoạt động (từ cuối năm 2019) có tổng công suất khai thác mỗi ngày từ 25.000 đến 30.000 thùng dầu và 60 triệu m3 khí thiên nhiên. Vì lô 07/03 (Cá Rồng đỏ) nằm gần bờ nhất nên được ưu tiên triển khai trước. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần triển khai sớm dự án Cá Voi Xanh (là ưu tiên cao nhất). Theo nguồn tin khả tín từ giới kinh doanh dầu khí quốc tế, việc hủy bỏ kế hoạch khai thác dầu khí tại mỏ Cá Rồng đỏ khiến các bên tham gia phải chịu thiệt hại lên tới 200 triệu USD. Nguyên nhân chính là do áp lực của Trung Quốc đòi chủ quyền theo đường “lưỡi bò”, và đe dọa tấn công các đảo do Việt Nam kiểm soát tại Trường Sa và bãi Tư Chính. Nhưng theo quan điểm của Việt Nam (và quốc tế), việc Bắc Kinh không cho Việt Nam và các đối tác thăm dò và khai thác dầu khí tại lô 136/03 và 07/03, hay lô 118, là vô lý và ngang ngược. Tuy lô 118 nằm ngoài đường “Lưỡi bò”, nhưng Trung Quốc vẫn lập luận rằng khi ExxonMobil khai thác họ có thể hút cạn kiệt bể khí “nằm dưới đường Lưỡi Bò”. Thời điểm mới Theo Stratfor (12/7/2019) “Trung Quốc và Việt Nam đều không thông báo công khai về đối đầu lần này vì họ không muốn tình trạng căng thẳng đó leo thang vào lúc này”. Báo chí hai nước cũng không lên tiếng (trừ báo SCMP tại Hong Kong). Nhưng từ năm ngoái, ông Jack Ma, chủ của Alibaba đã trở thành cổ đông lớn của báo này, nên SCMP không còn độc lập như trước. Tuy nhiên, người ta biết rằng ngày nay mọi hoạt động trên biển không qua được mắt vệ tinh, và mọi diễn biến không thể dễ dàng bưng bít được thông tin như trước. Nhưng điều đáng lưu ý là thời điểm xảy ra sự kiện đối đầu tại Bãi Tư chính lại trùng hợp với chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Tiếp theo thỏa thuận “hưu chiến” Mỹ-Trung tại G-20 Osaka summit (29/6/2019), Mỹ đã quyết định đánh thuế 456% lên thép của Việt Nam có nguồn gốc từ Đài Loan hay Hàn Quốc. Bắc Kinh có thể nghĩ rằng lúc này Hà Nội đang ở thế bất lợi, nên họ cần gây sức ép mạnh hơn. Trong khi tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân tại Bắc Kinh (11/7/2019), Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói “hai nước nên bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển bằng hành động cụ thể” (safeguard maritime peace and stability with concrete actions). Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cũng đã nói với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là “hai bên nên cộng tác để xây dựng bộ quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông”. Trước đó, khi G-20 Osaka summit đang họp thì Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông (phía Bắc Trường Sa, từ 29/6 đến 3/7). Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc đã bắn thử tên lửa diệt hạm YJ-12 từ Trường Sa, đe dọa tự do hải hành tại Biển Đông. Gần đây, (6/2019) Hải quân Trung Quốc đã tăng cường hoạt động tại khu vực đảo Thị Tứ, và đâm chìm một tàu đánh cá Philippines tại bãi Cỏ Rong (mà không cứu người). Có thể nói, trong khi Mỹ-Trung “vừa đánh vừa đàm”, Trung Quốc tăng cường gây sức ép và bắt nạt các nước khu vực (như Philippines và Việt Nam). Một là để thử phản ứng của Mỹ và đồng minh. Hai là để phân hóa ASEAN và giữ Việt Nam không ngả theo Mỹ, trước chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Việt Nam. Ba là để trấn an nội bộ trong nước, vì mỗi khi nội bộ bất ổn thì Bắc Kinh thường gây chuyện với bên ngoài để kích động tinh thần dân tộc. Khả năng chiến tranh Theo Graham Allison (Belfer Center/Harvard), Mỹ và Trung Quốc dễ sa vào “bẫy Thucydides”, và chiến tranh tại Biển Đông khó tránh khỏi. Allison khảo sát 16 trường hợp tranh chấp trên thế giới, có 12 trường hợp dẫn đến chiến tranh. Với đa số áp đảo (3/4), Allison lập luận rằng đó là “quy luật tất yếu” (inevitable). Nhưng lập luận đó có lẽ không ổn. Theo Alexander Vuving (APCSS/Hawaii), 12 trường hợp Allison cho là đã xảy ra chiến tranh có đặc điểm như “prisoner’s dilemma”, trong khi 4 trường hợp còn lại (không xảy ra chiến tranh) có đặc điểm như “chicken game”. Theo lý thuyết trò chơi, 2 loại đó có đặc điểm khác nhau, nên kết cục khác nhau, không thể “vơ đũa cả nắm”. Trong tranh chấp tại Biển Đông, khả năng xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung “rất thấp” (unlikely) vì giống “chicken game”. Tại Biển Đông, Trung Quốc triển khai chiến lược “tầm ăn dâu” để “thay đổi thực địa” (change facts on the ground) như một “chuyện đã rồi” (fait accomli). Trong khi người Trung Quốc coi Biển Đông như một “vùng xám” (grey area) để họ chơi cờ vây và vận dụng Binh pháp Tôn Tử (không đánh mà thắng), thì người Mỹ thường chơi cờ vua và vận dụng binh pháp Clausewitz. Đó là hai cách tư duy theo hệ quy chiếu khác nhau, không nên lẫn lộn. Tại Biển Đông, Trung Quốc thường dùng kế sách “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) để bắt chẹt đối phương phải nhân nhượng. Trong trò chơi “brinkmanship”, muốn hòa bình phải sẵn sàng chiến tranh. Winston Churchill đã nói “Một dân tộc tìm cách tránh chiến tranh bằng cái giá của sự nhục nhã thì cuối cùng sẽ nhận lấy cả sự nhục nhã và chiến tranh”. Cụ Hồ cũng từng nói “chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới”. Nay Trung Quốc là “thực dân mới” (lời ông Mahathir), nếu càng nhân nhượng, họ càng lấn tới. Dưới thời ông Obama, Mỹ không dám đương đầu với Trung Quốc như thời ông Trump hiện nay. Trung Quốc đã nắm được chỗ yếu đó, nên đã lấn tới. Tuần tra FONOP tại Biển Đông theo cách “đi qua vô hại” (innocent passage) đã vô hình trung khuyến khích Trung Quốc càng hung hăng hơn. Trung Quốc đã tranh thủ bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm tại Hoàng Sa và Trường Sa thành các căn cứ quân sự như hiện nay. Đối tác chiến lược Nhưng tại sao Trung Quốc lại tập trung gây sức ép tại bãi Tư Chính mà không gây sức ép tại mỏ khí Cá Voi Xanh (lô 118) của Exxonmobil. Đơn giản vì bãi Tư Chính là khâu yếu nhất, khó bảo vệ vì cách xa bờ (cách Vũng Tầu 440km). Tháng 7/2017 và 3/2018, Việt Nam và Repsol (Tây Ban Nha) đã phải ngừng khoan dầu khí và chịu thua Trung Quốc do đơn độc và yếu hơn (không có đồng minh bảo vệ). Trong khi đó, Cá Voi Xanh (lô 118) của ExxonMobil chỉ cách Đà Nẵng 88km, và đụng vào ExxonMobil là đụng vào Hải Quân Mỹ. Nếu Trung Quôc bắt nạt được Việt Nam và Tây Ban Nha (tại lô 136/03 và 07/03), thì họ có thể gây sức ép với Ấn Độ (tại lô 128) và Mỹ (tại lô 118) để nhổ ba cái gai nhọn cắm vào “lưỡi bò” của họ. Nếu nhổ được ba cái gai đó, họ sẽ kiểm soát được Trường Sa và làm chủ Biển Đông. Cũng như Scarborough, bãi Tư Chính là “làn ranh đỏ” (red line), có ý nghĩa địa chiến lược. Nếu Việt Nam (và Mỹ) để mất bãi Tư Chính vào tay Trung Quốc như Philippines (và Mỹ) đã để mất Scarborough (năm 2012) thì đó sẽ là một sai lầm chiến lược lớn. Các sự kiện diễn ra liên quan đến lô 136/03 (Cá Kiếm nâu) tháng 7/2017, lô 118 (Cá Voi xanh) tháng 11/2017, và lô 07/03 (Cá Rồng đỏ) tháng 3/2018, đã làm bộc lộ bản chất và thái độ ngang ngược của Trung Quốc. Họ dựa trên sự áp đặt đường lưỡi bò bất hợp pháp tại biển Đông để ngăn cản tất cả các đối tác quốc tế nào muốn hợp tác dầu khí với Việt Nam. Điều đó nhất quán với “Tam chủng Chiến pháp” (Three War Doctrine) của Trung Quốc. Nhưng liệu Mỹ dưới thời ông Trump có bảo vệ Việt Nam không, khi hai bên chưa phải là đồng minh và đối tác chiến lược? Theo chuyên gia Bonnie Glaser (CSIS) “có rất ít khả năng Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Việt Nam chống lại Trung Quốc, vì Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ”. (What would the U.S. have done differently? I find it unlikely that the U.S. would militarily defend Vietnam against China. Vietnam isn’t an ally). Nếu Mỹ không can thiệp vào tranh chấp tại Biển Đông và không sẵn sàng bảo vệ đồng minh hay đối tác (như Philippines hay Việt Nam), thì đúng ý Trung Quốc, vì họ chỉ muốn loại Mỹ ra khỏi Biển Đông. Nếu ASEAN cũng không can thiệp và khoanh tay đứng nhìn khi Việt Nam bị bắt nạt và đe dọa thì cũng đúng ý Trung quốc. Họ chỉ muốn phân hóa làm suy yếu ASEAN bằng cách tách bó đũa ra để bẻ từng chiếc, nên không đàm phán đa phương. Alexander Vuving đã nhận xét rằng quan hệ Trung-Việt nay tách xa hơn “nhưng không quá xa”, còn quan hệ Mỹ-Việt nay gần hơn “nhưng không quá gần”. Tuy nhiên, sau khi tổng thống Obama đến thăm Việt Nam (5/2016), bỏ cấm vận vũ khí, và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Mỹ (6/2017), gặp Tổng thống Donald Trump, thì quan hệ Mỹ-Việt hầu như đã trở thành đối tác chiến lược “trên thực tế” (de facto). Thế cân bằng tĩnh đang bị phá vỡ, biến tam giác cân “Mỹ-Trung-Việt” trở thành tam giác “bất cân xứng”, đầy biến số. Làm sao giữ nước Vấn đề cốt lõi (bottom line) là Trung Quốc muốn áp đặt đường “lưỡi bò” để thâu tóm Biển Đông như cái ao của họ. Trung Quốc không muốn Việt Nam (hay Philippines) hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông với bất kỳ đối tác nào khác (như Tây Ban Nha, Mỹ, Ấn Độ, Nga) mà không phải Trung Quốc. Họ chỉ muốn Việt Nam cùng Trung Quốc khai thác chung theo cách của họ mà ông Mahathir có lần chỉ trích là “thực dân kiểu mới”. Trong bối cảnh trật tự thế giới ngày càng mất trật tự (disorder) như hiện nay, nước nào cũng cần có đồng minh chiến lược để không bị cô độc. Những nước nhỏ yếu hơn là hàng xóm của một siêu cường (như Trung Quốc) càng cần có đồng minh chiến lược để làm đối trọng khi cần thiết (hedging strategy). Nhưng đừng nên ảo tưởng trông chờ vào cường quốc khác bảo vệ mình, nếu không biết phát huy nội lực để tự cường và độc lập. Muốn vậy, phải nâng cao dân trí, đổi mới thể chế và điều chỉnh hệ quy chiếu để không bị lạc hậu và tụt hậu. Dư luận cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư để nâng năng lực của Cảnh sát Biển (nói riêng) và Hải quân (nói chung). Điều đó tuy đúng nhưng có lẽ chưa đủ, và có thể là “quá ít và quá muộn” (too little too late). Tuy phải làm mọi cách để nâng cao năng lực CSB, nhưng năng lực chiến đấu không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh cứng (như khí tài và hỏa lực) mà còn phụ thuộc vào sức mạnh mềm (như dân trí và dân khí). Ngày trước, khi thực dân Pháp đem chiến hạm đến cửa biển Thuận An để dọa nạt, triều đình chỉ muốn yên lặng để “giữ hòa khí”, trong khi người Việt chỉ ham uống rượu và ngâm thơ. Dân trí như vậy, làm sao không mất nước? Ngày nay, khi Trung Quốc đem chiến hạm đến bãi Tư Chính để bắt nạt, Việt Nam cũng muốn yên lặng để giữ hòa khí và đại cục, trong khi tranh cãi sôi nổi nên làm đường sắt cao tốc 200km/h hay 350km/h, nên cho “mở lon Viêt Nam” và “dùng lu” để chống lụt hay không. Dân trí như vậy, làm sao giữ được nước? Trong khi hy vọng tranh chấp tại bãi Tư chính có thể dàn xếp được (trước mắt), Việt Nam cần chuẩn bị cho mọi tình huống (lâu dài). Trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư/Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (nếu sức khỏe cho phép), việc ký kết hay bàn bạc về một thỏa thuận hợp tác chiến lược (như với các đồng minh/đối tác khác) là thiết yếu để tạo ra một đòn bẩy chiến lược đủ sức răn đe đối với các tham vọng của Trung Quốc. Điều này phù hợp với “chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển” (theo Nghị quyết 36-NQ/TW). Tham khảo “China and Vietnam in standoff over Chinese survey ship mission to disputed reef in South China Sea”, Liu Zhen, South China Morning Post, July 12, 2019 “China, Vietnam: Reports Suggest Maritime Standoff Near Spratly Islands”, Stratfor, situation report, July 12, 2019 “Tensions Bubble to the Surface in China-Vietnam Spat”, Murray Hiebert & Gregory Poling, CSIS AMTI update, June 28, 2017 “Khủng hoảng Biển Đông lần thứ hai”, Nguyễn Quang Dy, Viet-studies, July 31, 2017  
......

Dư luận nghi ngờ số tiền chênh lệch Đường Cao Tốc Bắc Nam

Việt Tân| Dự án cho tuyến đường cao tốc tiếp tục nổi sóng khi truyền thông trong nước loan tin về tổng số tiền đầu tư. Theo sự tính toán của Bộ Giao thông Vận tải do Ông Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lãnh đạo cho biết, số tiến đầu tư lên đến 58,7 tỷ USD, trong khi Bộ Kế họach và Đầu tư cho rằng tổng số vốn chỉ khoảng 26 tỷ USD. Số tiền đầu tư chênh lệch 32 tỷ USD. Qua bài toán của BKH/ĐT đã làm cho dư luận nghi ngờ về số tiền chênh lệnh quá lớn? Trong quá khứ, nhiều dự án khi tiến hành đều có những sự nhũng lạm của những người trách nhiệm! Có những dự án số tiền đầu tư rất lớn nhưng cuối cùng nhận lại những kết quả thua lỗ, thậm chí dang dở. Những cán bộ lãnh đạo đã không tìm cách giải quyết rồi cuối cùng bỏ luôn, không một lời lên tiếng để truy cứu trách nhiệm. Thậm chí có những dự án kéo dài từ năm này qua năm nọ rồi tiếp tục đi vay để châm thêm tiền, đội vốn ngày càng lớn mà vẫn chưa hoàn thành, điển hình là dự án Đường sắt Cát Linh. Vì thế, sự nghi ngờ của nhiều người dân có cơ sở về số tiền chênh lệch quá lớn. Về mặt lý thuyết, khi đề xuất một dự án thì luôn luôn có bảng kế hoạch tính toán chi tiết. Tuy nhiên những khoản chi được nêu trong bảng kế hoạch, liệu có đáng tin không? Đây là câu hỏi của nhiều người thắc mắc? Liệu số tiền sai biệt 32 tỷ có vào túi của các cán bộ lãnh đạo và các nhân sự trách nhiệm liên hệ đến dự án không? Sự nhũng lạm sẽ được cắt xén qua từng giai đoạn của dự án? Hiện nay, có nhiều người phản đối dự án vì nhiều lý do. Tựu chung là nợ nần ngập đầu, không tiền trả nợ lại đẻ ra dự án rồi tiếp tục vay nợ. Thứ hai là không tin tưởng các nhà thầu Trung Quốc. Một Kỹ sư cầu đường nhận định: Việt Nam chưa nên làm đường sắt cao tốc vì: Tiền ở đâu? Có nên xem đường sắt cao tốc là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh như hiện nay? Theo nhà báo độc lập Lê Nguyễn Hương Trà dẫn hàng loạt số liệu cho thấy, nợ nần quốc gia tăng không ngừng và chắc chắn sẽ còn tăng nữa bởi hàng loạt đại dự án mà vốn đầu tư tính bằng tỷ Mỹ kim (hệ thống metro ở Hà Nội và TP.HCM - 40 tỉ Mỹ kim, phi trường Long Thành - 16 tỉ Mỹ kim, đường bộ cao tốc xuyên Việt – 15 tỉ Mỹ kim,…). Cứ thế, tương lai ra sao? Đưọc biết, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam chạy 320 km/giờ sẽ hoàn thành vào năm 2050 (theo kế hoạch của Bộ GTVT). Dư luận cho rằng đây là suy nghĩ ảo tưởng.  
......

Cái đồ trâu ngựa

“Chủ nghĩa xã hội Venezuela”: người dân phải bới rác tìm đồ ăn. Ảnh & chú thích: phamnguyentruong Hóa ra trên đời này không chỉ có Việt Nam, Cu Ba, Bắc Triều Tiên mà còn có thêm một dân tộc khác cũng ngu là Venezuela. Ngứa Ngáy – độc giả Dân Luận Tương tự như vô số những người đàn ông (không ra gì) khác, tôi cũng hay chửi thề, rượu chè và cờ bạc. Tựa như đường vào tình yêu, đường vào trường đua (và đường vào bầu cua) có trăm lần thua có một lần huề!   Tôi thua đều đều, tất nhiên, kể cả những lần tin tưởng một trăm phần trăm là mình sẽ thắng. Mới đây chớ đâu, trong trận banh giữa Venezuela và Argentina, có cha liều lĩnh chấp trước hai trái. Thấy ăn là cái chắc nên tôi bắt liền. Kết quả, nói chính xác hơn là hậu quả: Argentina thắng với tỉ số 4/1. Ðụ cái con đĩ mẹ nó, tôi thua đậm, và thua đau mà không hiểu vì răng? Ðội Venezuela chơi đâu có dở, cớ sao tôi bị một cú nặng nề như Trời giáng (nguyên cả tháng lương hưu) vậy cà? Coi đi coi lại trận bóng đôi lần, tôi mới tìm ra được nguyên nhân. Té ra không phải vì đấu pháp, hay đội hình gì cả mà chỉ vì cái tâm lý bất an của những cầu thủ “phe tui” thôi. Họ ra sân với nét mặt âu lo, và muộn phiền, thấy rõ. Cuộc tranh tài diễn ra tại vận động trường Foxborough, Massachusetts, vào hôm 18 tháng 6 năm 2016. Trước đó ba hôm, tờ Guardian đã buồn bã đi tin: “Thành phố Venezuelan thiết quân luật sau nạn trộm cướp tập thể” (Venezuelan city under effective curfew after mass looting). Qua ngày hôm sau, cũng The Guardian (lại) ái ngại cho hay tiếp: “We are like a bomb: food riots show Venezuela crisis has gone beyond politics.” Ðội tuyển của quốc gia Venezuela còn lòng dạ nào mà thi tài khi biết rằng đất nước đang ở trong tình trạng như một quả bom… sắp nổ. Họ thua là phải. Tui… cũng vậy luôn! Cùng lúc, trên trang Fee Foundation for Economic Education, tác giả Jeffrey Tucker đưa ra nhận xét: “Chỉ cần đi theo con đường của Venezuela. Tấn công vào quyền sở hữu và thương mại, cướp bóc những người giàu có, bãi bỏ hệ thống giá cả, bắt tù những người bất đồng chính kiến, nghiền nát phe đối lập, phá hủy hệ thống tự do tự nhiên, tức là hệ thống đã nuôi sống thế giới này. Ðấy là chủ nghĩa xã hội.” (How To Create Starvation in 2016”. Bản dịch của Phạm Nguyên Trường “Làm sao tạo ra được nạn đói vào năm 2016”). Ô thì ra Venezuela cũng theo C.N.X.H. (y) như nước ta vậy. Thảo nào mà Wikipedia tiếng Việt (giọng Hà Nội) dành cho “đất nước anh em” những lời lẽ vô cùng tốt đẹp: “Venezuela là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao nhất Mỹ Latinh. Ða phần dân cư Venezuela tập trung sinh sống tại những thành phố lớn phía bắc. Caracas là thủ đô và đồng thời cũng là thành phố lớn nhất Venezuela. Ngày nay, đất nước Venezuela nổi tiếng khắp thế giới với thiên nhiên tươi đẹp, nguồn dầu mỏ dồi dào và những nữ hoàng sắc đẹp đoạt nhiều giải cao tại những kỳ thi quốc tế.” Trang Bảo Tàng Phụ Nữ Việt Nam còn có nhiều lời tình nghĩa (thắm thiết) hơn nữa: Trong thời kỳ đất nước ta còn chìm trong khói lửa chiến tranh, phong trào đoàn kết và ủng hộ Việt Nam diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới và đặc biệt là trên đất nước Venezuela (Nam Mỹ) xinh đẹp. Tiêu biểu cho tình đoàn kết ấy là sự kiện du kích quân Venezuela đã bắt sống trung tá tình báo Mỹ Michael Xmolen năm 1964 để đòi Mỹ – Nguỵ đánh đổi và thả Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi của Việt Nam. Từ những năm 1989, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao và lần lượt mở các đại sứ quán ở tại Việt Nam (2005) và Venezuela (2006). “Việt Nam và Vê-nê-xu-ê-la là hai nước anh em, tuy xa cách về địa lý nhưng gần gũi về tấm lòng. Nhân dân hai nước luôn có tình cảm hữu nghị và gắn bó bởi nhiều điểm tương đồng về lịch sử, chính trị và xã hội. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/12/1989 và đã nhanh chóng phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực. Ðặc biệt việc duy trì thường xuyên các cuộc thăm viếng và tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã cho phép đạt được nhiều hiệp định và thoả thuận hợp tác song phương quan trọng. Nhiều dự án hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội đã và đang được triển khai tích cực và hiệu quả, góp phần bổ trợ nhau trên con đường phát triển của mình.” Phe đối lập Venezuela biểu tình đòi truất phế Tổng Thống – Ảnh: CBC Tuy nói vậy (“bổ trợ nhau trên con đường phát triển”) chớ không phải vậy đâu. Giữa lúc ở Venezuela “người dân phải bới rác tìm đồ ăn” thì không thấy Việt Nam, và những nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, “bổ trợ” gì ráo trọi. Bày tỏ chút tình cảm quan ngại cũng không luôn. Sợ mình sơ sót, và cũng ngại sự xuyên tạc (của những thế lực phản động nước ngoài) nên tôi tìm vào trang mạng của Ðại Sứ Quán Việt Nam Tại Venezuela để xem thêm tin tức. Tiếc thay, tôi không tìm được gì khác ngoài “Lời chào của Ðại sứ Ðặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Vê-nê-xu-ê-la,” với những lời lẽ vô cùng hoa mỹ như sau: Việt Nam và Vê-nê-xu-ê-la là hai nước anh em, tuy xa cách về địa lý nhưng gần gũi về tấm lòng. Nhân dân hai nước luôn có tình cảm hữu nghị và gắn bó bởi nhiều điểm tương đồng về lịch sử, chính trị và xã hội. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/12/1989 và đã nhanh chóng phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực. Ðặc biệt việc duy trì thường xuyên các cuộc thăm viếng và tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã cho phép đạt được nhiều hiệp định và thoả thuận hợp tác song phương quan trọng. Nhiều dự án hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội đã và đang được triển khai tích cực và hiệu quả, góp phần bổ trợ nhau trên con đường phát triển của mình.  Trên tinh thần đó, Ðại sứ quán Việt Nam tại Vê-nê-xu-ê-la luôn là địa chỉ tin cậy và cầu nối quan trọng giúp nhân dân hai nước ngày càng hiểu biết nhau hơn về đất nước và con người, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước và hai dân tộc chúng ta…  đại sứ Ngô Tiến Dũng Tuy ông Dũng khẳng định “Ðại sứ quán Việt Nam tại Vê-nê-xu-ê-la luôn là địa chỉ tin cậy và cầu nối quan trọng giúp nhân dân hai nước” nhưng khi vào phần tin về Vê-nê-xu-ê-la thì chỉ thấy vỏn vẹn có bốn chữ, cùng một cái chấm than thôi: Không có tin nào! Thiệt là quá đã và quá đáng. “Nhân dân hai nước luôn có tình cảm hữu nghị và gắn bó bởi nhiều điểm tương đồng về lịch sử, chính trị và xã hội”; vậy mà Ðại sứ quán Việt Nam tại Vê-nê-xu-ê-la hiện nay “không có tin nào” trong khi nước bạn sắp nổ tung toé đến nơi (“ready to explode”)  theo như cách dùng chữ của BBC! Sự kiện này khiến tôi nhớ đến bảng xếp hạng, về chỉ số tử tế (GCI) hồi năm 2014. Blogger Nguyễn Văn Tuấn đã có nhận xét khá thú vị xét rằng: “Bảng xếp hạng gọi là ‘Good Country Index’ (GCI) cho thấy VN đội sổ trong số các nước tử tế trên thế giới. Bảng xếp hạng này cho thấy VN đứng hạng 103 (trong số 124 nước) về đóng góp cho hoà bình và an ninh thế giới. Còn về đóng góp vào các quỹ từ thiện và cung cấp nơi nương tựa cho người tị nạn thì VN đứng hạng 123, tức áp chót! Tính chung, thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng áp chót (124/125). Ðiều đáng nói hay cũng có thể xem là nhục là thứ hạng tử tế của VN chỉ đứng chung bảng với mấy nước ‘đầu trâu mặt ngựa’ như Lybia, Iraq, Zimbabwe, Yemen!”   Trong đám “đầu trâu mặt ngựa” này (ngó bộ) tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn còn bỏ sót hơi nhiều, trong đó có Venezuela – hạng thứ 117/125. Thiệt là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Thời đại này không có chỗ cho đám đầu trâu mặt ngựa (ngu xuẩn, ác độc, tham lam, bất nhân và bất nghĩa) nắm quyền. Nay mai là ngày tàn của CNXH ở Venezuela. Ngày mốt sẽ đến lượt VN thôi! TNT Fb Tưởng Năng Tiến.  
......

Chương trình tặng 1.000 cuốn sách “Phản kháng phi bạo lực”

Nhà Xuất Bản Tự Do thông báo: CHƯƠNG TRÌNH TẶNG 1.000 CUỐN SÁCH “PHẢN KHÁNG PHI BẠO LỰC” Ngày 12 tháng Bảy, 2019 vừa qua, một nhóm khoảng hơn 20 người gồm các nhà hoạt động và gia đình các tù nhân lương tâm đã đến Trại giam số 6 ở Nghệ An để thăm và đồng hành cùng các tù nhân lương tâm đang tuyệt thực vì phản đối điều kiện giam giữ hà khắc. Đoàn đã bị an ninh Nghệ An đàn áp tàn khốc dù đa số họ đều là người già, có người trên 70 tuổi như nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, con gái tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Vợ chồng nhà văn, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh – Nguyễn Thuý Hạnh dù cũng trên dưới 60 tuổi vẫn bị chúng đánh đập tàn bạo. Trước thực tế này, chúng ta nhận ra rằng đã đến lúc phong trào đòi dân chủ – nhân quyền và các hoạt động phản kháng cần phải có chiến lược và có tổ chức một cách bài bản hơn để tránh những thiệt hại về người và tài sản. Phản kháng phi bạo lực không có nghĩa là để yên, để mặc kệ và chịu trận cho đối phương ra đòn. Ngược lại, chúng ta cần phải có sự tính toán cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hành động. Cần phải có những kế hoạch bài bản và kín kẽ, cần phải lựa chọn các chiến thuật phù hợp cho từng hành động cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất và tổn thất thấp nhất . Cần phải có cả sự chuẩn bị cho các hành động tự vệ một cách chính đáng mà vẫn giữ được tính chất phi bạo lực. Nhìn sang phong trào biểu tình của người dân Hong Kong, ta có thể nhận ra những cuộc biểu tình, dù ở quy mô lớn hay nhỏ đều rất bài bản. Mọi hành động đều chuẩn mực và hiệu quả, mọi sự phối hợp đều nhịp nhàng, ăn khớp, mọi phát ngôn đều chính xác và chừng mực… Nhưng, chúng ta đều hiểu rằng, để có được những cuộc xuống đường quy mô và bài bản như vậy, giới trẻ Hong Kong đã phải trải qua quá trình học tập và rèn luyện các phương thức ứng xử đúng đắn, các kỹ thuật đấu tranh chuyên nghiệp. Hành động của họ có thể nói là mang tính chuẩn mực của đấu tranh phi bạo lực. Vậy những chuẩn mực đó là gì và được xây dựng như thế nào? Để giải đáp điều này, chúng tôi muốn TẶNG CHO BẠN – NHỮNG NGƯỜI KHAO KHÁT TỰ DO và DÂN CHỦ, NHỮNG NGƯỜI QUAN TÂM ĐẾN HIỆN TRẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM – cuốn sách “Phản kháng phi bạo lực” của tác giả Pham Đoan Trang Cuốn sách gồm 8 chương và một phụ lục, đem đến cho bạn những nguyên tắc cơ bản và thực dụng của đấu tranh phi bạo lực (hay “bất bạo động”, theo cách dịch lâu nay ở Việt Nam). Hiểu được các nguyên tắc đó, người thực hành chúng sẽ biết kiềm chế hơn, biết hành động có chiến lược và bài bản hơn để tránh rơi vào hỗn loạn và bế tắc, cũng như tránh được những cái bẫy gian hiểm mà đối phương tung ra. Đây là một cuốn cẩm nang ngắn, gọn, dễ hiểu nhằm mục đích hướng dẫn về cách thức hành động để thay đổi xã hội theo hướng phi bạo lực. Cuốn sách này sẽ hữu ích cho bất kỳ ai muốn đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình (ví dụ như dân oan) hoặc đấu tranh chống các tệ nạn (ví dụ như nhóm đánh BOT, phản đối ấu dâm, bảo vệ môi trường…) hoặc muốn thay đổi xã hội một cách toàn diện để xây dựng một thể chế dân chủ trong tương lai. Chương trình tặng sách “Phản kháng phi bạo lực” được khởi động từ hôm nay, 14 tháng Bảy, 2019, cho đến khi tặng hết 1.000 cuốn sách, không giới hạn đối tượng nhận sách. Sách dày 107 trang, nhiều hình ảnh và in màu. Hãy nhanh tay liên hệ với chúng tôi hoặc các nhà hoạt động, các facebooker chính trị nổi tiếng để sớm được sở hữu cuốn sách này. SÁCH ĐƯỢC TẶNG MIỄN PHÍ, bạn chỉ phải thanh toán tiền ship (vận chuyển) khi nhận sách. Nhà xuất bản Tự Do Nguồn: FB Nhà xuất bản Tự Do  
......

Chuyện cái lu và Biển Đông

Diễm Quỳnh| Chuyện lu chống ngập Trong phiên họp kỳ thứ 15 của HĐND thành Hồ khóa IX tổ chức vào ngày 12 tháng Bảy vừa qua, bà PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân, Chủ Tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Thư Ký Hội Dân tộc học – Nhân học TP. HCM đưa ra đề xuất “dùng lu chống ngập”, khiến hội trường xôn xao. Bà Xuân cho rằng ở góc độ khoa học xã hội và nhân văn, có thể tìm ra giải pháp chống ngập đơn giản, thay vì chờ các giải pháp chống ngập hiện nay. Bà Xuân lấy dẫn chứng rằng người nông dân thường trang bị các lu nước rất to để mỗi lần mưa xuống là hứng nước mưa. Một phần nào nước mưa được chứa lại trong lu sẽ hạn chế nước ra ngoài đường. Vì thế, bà Xuân đề xuất: “nên trang bị cho mỗi nhà một lu nước để chống ngập cho thành phố khi các công trình lớn chưa hoàn thành. Đây cũng là một giải pháp chống ngập bên cạnh các công trình chống ngập khác; là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa.” Về lợi ích của đề xuất này: Trên trang Wiki, dân số ở Sài Gòn hiện là 8,637 triệu người trên diện tích đất là 2.061 km². Trong đó có 7,087 triệu người sống trong 19 quận nội thành với diện tích tổng cộng là 494,70833 km². Nếu trang bị cho mỗi hộ nội thành một cái lu, bình quân dân số một hộ là bốn người như vậy chúng ta cần 1,772 triệu cái lu. Còn nếu trang bị mỗi người một cái sẽ là 7,087 triệu cái lu. Như vậy, mỗi người trang bị một cái lu 1 m³ thì tổng số nước có thể chứa là 7,087 triệu m³ còn mỗi nhà một cái lu sẽ chứa được 1,772 triệu m³. Lượng mưa trung bình thành phố hàng năm khoảng 2.000 mm/năm, trong khoảng 155 ngày có mưa. Ngày có mưa nhiều khoảng 200 mm. Tạm tính là những ngày có thể gây ngập lụt là lượng mưa khoảng 100 mm/ngày. Suy ra tổng lượng nước mưa vào quận nội thành ngày mưa 100 mm sẽ là 41,8 triệu m³ nước. – Nếu mỗi nhà một cái lu 1 m³, thì lượng nước chứa 1,772 triệu m³ = 4,24 % lượng nước mưa. – Nếu mỗi người có một cái lu thì tổng lượng nước mưa chứa được khoảng 7,087 triệu m³ tức chứa được 17% lượng nước mưa. Về chi phí của đề xuất này: Thứ nhất, chi phí mua lu giá thị trường có thể thay đổi tùy thời điểm và chất liệu, nhưng tính chung là một triệu đồng, thì khi trang bị mỗi người môt cái lu chi phí sẽ là 7.087 tỷ đồng, tức hơn 7 ngàn tỷ đồng. Còn trang bị mỗi hộ một cái lu thì chi phí sẽ là 1.772 tỷ đồng, gần 2 ngàn tỷ. Một con số khá lớn vào thời điểm hiện tại. Thứ hai, diện tích và vị trí đặt lu. Ngoài việc trang bị lu, việc đặt lu sẽ trở thành một vấn đề lớn vì các gia đình nội thành có nhà rất chật chội nên đặt trong nhà là không khả thi. Nếu đặt tại các vỉa hè sẽ bị chiếm dụng lề đường vì vậy cần quy hoạch khu vực đặt lu chung và với diện tích đáy lu chiếm là 1 m² thì diện tích đất cần đặt lu sẽ là 7,087 triệu m² tức hơn 700 ha. Nếu mỗi hộ một cái lu thì cần 178 ha đất. Giả sử giá tiền đất là 10 triệu đồng/m² thì chi phí đất đặt lu là khoảng 70,87 nghìn tỉ đồng, hoặc 17,72 nghìn tỷ đồng tiền đất nếu đặt 1 lu/hộ. Thứ ba, để hứng được nước mưa cần có hệ thống mái che hứng và gom nước mưa. Tùy theo thiết kế chi tiết nhưng chi phí này cũng không thể nhỏ được. Thứ tư, về cách sử dụng. Khi không có mưa người dân phải được huấn luyện để đổ nước mưa ra, khi mưa phải mang lu ra hứng nước điều này dẫn đến chi phí vận hành cần nhân sự để làm việc này. Thứ năm, bảo đảm tính công bằng đặc biệt những hộ gia đình sống trên chung cư, những hộ sống trong hẻm nhỏ hay những hộ có nhà mái ngói biệt thự…, đều phải được trang bị và vận hành đầy đủ. Thứ sáu, để bảo đảm người dân được trang bị lu sử dụng đúng mục đích, phải cần hệ thống vận hành và giám sát. Việc này đòi hỏi tuyển dụng và bổ nhiệm một hệ thống cán bộ với biên chế nhà nước lại tiếp tục phình to. Như vậy chi phí tính ra cao hơn rất nhiều lần lợi ích mang lại, tuy nhiên rõ ràng việc chống ngập đang rất cấp thiết vì diện tích ngập đang tăng cao và chiều sâu cũng không dừng lại. Được biết, thành Hồ đã có 97 dự án chống ngập lụt và số tiền chi phí đến 33.200 tỷ đồng nhưng ngập thì vẫn ngập, mưa xuống là bị tắc đường, dân không đi được. Tất nhiên, đề xuất giải pháp chống ngập bằng cách trang bị cho mỗi hộ dân thành phố một cái lu là đáng ngạc nhiên, đáng xem xét. Có lẽ cái lu của PGS. TS. Trưởng Khoa đô thị học, Đại Học KHXH & NV TP. HCM Phan Thị Hồng Xuân phải to lắm. Chuyện tàu Hải Dương 8 vào Biển Đông Xem ra, cái đáng quan tâm thì lại không mấy quan chức quan tâm. Đó là Trung Quốc đang gây hấn ở khu vực bãi Tư Chính có thể gây căng thẳng đến khu vực Nhà giàn DK1. Báo chí trong nước không đăng, nhưng cư dân mạng lại đang âu lo, tranh cãi quyết liệt về một nguy cơ chết người trên biển: liệu căng thẳng có bị đẩy thành xung đột vũ trang giữa hải quân hai nước hay không? Tàu Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Cộng đã vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện cuộc khảo sát địa chấn từ ngày 3 tháng Bảy 2019. Ảnh: Ryan Martinson Trang mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post – SCMP) chiều 12 tháng Bảy có đăng bài của tác giả Liu Zhen, cho biết: “Hôm thứ Tư tuần trước (3 tháng Bảy), tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa chấn 8 (Haiyang Dizhi 8 – Marine Geology) đã vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn. Hộ tống nó gồm tàu hải cảnh vũ trang số hiệu 3901, tải trọng 12.000 tấn, có trang bị máy bay trực thăng và tàu 37111, tải trọng 2.200 tấn.” Các thông tin này được Ryan Martinson, trợ lý giáo sư Trường Chiến Tranh Hải Quân Hoa Kỳ (Naval War College) tại Newport, Rhode Island đăng trên tài khoản Twitter của mình. Các nguồn tin cho biết: có 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã thường xuyên bám đuổi các tàu Hải cảnh và tàu HD 8 của Trung Quốc. Tàu Việt Nam cũng đã có những hành động chấp pháp kiên quyết. Hai bên đã có những đối đầu căng thẳng, rượt đuổi và phun nước vào nhau. Trong khi đó, chiều 11 tháng Bảy, ở cách không xa khu vực căng thẳng, Lữ đoàn hải quân 162 đã tiến hành tập trận “nâng cao chất lượng bắn đạn thật trên biển”, không rõ là trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý về mặt thời điểm. SCMP đã đưa ra nhận định: “Có nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ lớn nhất giữa hai quốc gia trong vòng 5 năm qua” (tính từ sự kiện đẩy đuổi giàn khoan HD – 981 năm 2014). Chuyện biển đảo chắc chắn quan trọng và đáng quan ngại hơn nhiều so với chuyện cái lu to hay bé để có thể chống ngập cho thành Hồ. Việt Nam rồi sẽ đi về đâu? Dưới biển giặc đang chiếm đảo Trên bờ dân lên tiếng phản đối thì nó mang Lu Lon ra lấp liếm Bên kia chủ tịch Quốc Hội tay bắt, ôm thắm thiết với tướng giặc Trên mặt báo thì lũ bút nô im re. Diễm Quỳnh https://viettan.org/chuyen-cai-lu-va-bien-dong/  
......

Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam: Một Bộ Giao Thông Vận Tải chưa thức tỉnh

Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam không phải là việc mất còn như chống giặc ngoại xâm cứu nước; Cũng không khẩn cấp như chống dịch bệnh, hỏa hoạn, lụt lội; Cũng không cấp thiết như cứu đói. Nguyen Ngoc Chu| Tính hệ trọng của Đường bộ cao tốc Bắc – Nam đã được đông đảo người dân kêu lên Chính phủ và Quốc hội. Trong đó kiên quyết đề nghị không để các nhà thầu Trung Quốc tham gia xây dựng Đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Một nước đang chiếm biển đảo của Việt Nam thì không thể tham gia xây dựng tuyến đường chiến lược huyết mạch của Việt Nam. Nhưng đọc danh sách các nhà thầu, thì ở tất cả các gói thầu, nhà thầu Trung Quốc chiếm số đông áp đảo. Cho nên xin gửi đến Lãnh đạo Bộ GTVT những điều sau đây. 5 ĐIỀU CỐT LÕI Đường bộ cao tốc Bắc – Nam không đòi hỏi những công nghệ đặc biệt. Người Việt Nam thừa khả năng tự mình xây dựng được đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Đó là điều mang tính nguyên tắc thứ nhất. Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam không phải để cho không. Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam để thu phí. Đó là điều chiều khóa thứ hai. Người trả tiền cho Đường bộ cao tốc Bắc – Nam là nhân dân Việt Nam thông qua quá trình thu phí. Người xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam chỉ là người ứng vốn xây dựng trước, rồi thu phí hoàn vốn, và lấy lời. Nhân dân Việt Nam lưu thông trên Đường bộ cao tốc Bắc – Nam là người bị bóc lột. Đó là điều bản lề thứ ba. Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam không phải là việc đắt đỏ. Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam là việc có thể kiếm lời. Nên xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam có thể không quá khó huy động vốn. Nên xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam cũng không nhất thiết phải vay vốn nước ngoài. Đó là điều góc cạnh thứ tư. Xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam không phải là việc mất còn như chống giặc ngoại xâm cứu nước; Cũng không khẩn cấp như chống dịch bệnh, hỏa hoạn, lụt lội; Cũng không cấp thiết như cứu đói. Cho nên, không phải huy động mọi tài lực để làm bằng được, không phải đi vay, đi xin viện trợ để thực hiện bằng xong. Mà phù hợp lúc nào thì xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam lúc ấy; Có tiền đến đâu thì xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam đến đấy. Đó là điều hạt nhân thứ năm. 3 HỆ QUẢ Từ 5 điều cốt lõi trên, rút ra 3 hệ quả sau đây: Có tiền đến đâu xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam đến đó. Không phải đi vay nước ngoài để cấp tốc làm cho hết ngay toàn bộ tuyến Đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Hãy để cho người Việt Nam kiếm lời từ xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Không để người nước ngoài làm chủ đường sá Việt Nam, rồi bóc lột nhân dân Việt Nam. Các nhà thầu nước ngoài trúng thầu thì rồi cũng người Việt Nam thi công. Các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu thì mang người Trung Quốc sang sinh con đẻ cái. Gói thầu nào mà chưa có các nhà thầu Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện thi công, thì dừng lại. Không ai có thể bắt Việt Nam phải kết thúc tất cả các gói thầu xây Đường bộ cao tốc Bắc – Nam trong năm nay hay vài năm sau nữa. HY VỌNG Tuy đã thất vọng nhiều lần với lãnh đạo Bộ GTVT. Nhất là khi cả dàn lãnh đạo gồm bộ trưởng lẫn 4 thứ trưởng bị nhúng chàm. Nhưng vẫn le lói trông cậy vào lòng yêu nước còn di truyền trong dòng máu mỗi người Việt Nam. Không phải lúc nào tiền bạc cũng là trên hết. Không phải lúc nào cũng bị khuất phục trước áp lực. Dẫu biết xác suất rất nhỏ, nhưng vẫn hy vọng Lãnh đạo Bộ GTVT biết cách kết thúc các gói thầu lỡ mở đúng với nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam. CẢNH TỈNH Tài nguyên quốc gia không phải là sở hữu riêng của một người hay một nhóm người, mà có thể đem đi đánh đổi, hứa cho người này hay người kia qua các hiệp định hay nghị định như một món quà. Phàm những điều liên quan đến chủ quyền và sở hữu của đất nước đều là việc tối thiêng liêng mà nghiệp nhiều đời không gánh đặng. Lỡ sơ sẩy điều chi, thì không chỉ cá nhân mình có tội với tổ tiên, mà làm liên lụy cả muôn đời mai sau của con cháu. Nên phải nghĩ nát óc đêm ngày, trước khi xin ý kiến quốc dân đồng bào. Quyền lực che hết tầm nhìn. Khi có quyền thường là bất chấp, lại ngộ nhận mang lại lợi ích cho quốc dân, không biết là đang rước họa nhiều năm sau cho hậu thế. Không phải Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc xa xôi; Mà gương Võ Kim Cự còn lù lù ngồi đó. Không ai rỗi hơi mà xía vào việc của người khác. Chẳng qua bởi liên đới đến số phận muôn dân mà phải cất lời. Hãy thức tỉnh! P/S: Kèm theo là danh sách các nhà thầu nước ngoài dự 8 gói thầu Đường bộ cao tốc Bắc – Nam: Cao tốc Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Diễn Châu (Nghệ An) có 6 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 4 doanh nghiệp đến từ nước ngoài, liên danh. Đó là Công ty Cơ khí Cảng Trung Quốc; Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Daewoo (Hàn Quốc); Liên danh Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc – Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc – Công ty CP TASCO; Liên danh Cầu đường Sinohydro-Powerchina (Trung Quốc). Cao tốc Diễn Châu (Nghệ An) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) có 10 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 7 đơn vị nước ngoài, gồm: Công ty Cơ khí Cảng Trung Quốc; Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Hyundai (Hàn Quốc); Liên danh Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc – Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc – Công ty CP TASCO; Liên danh Cầu đường Sinohydro – Powerchina (Trung Quốc); Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Lotte (Hàn Quốc); Công ty Kỹ thuật & Xây dựng POSCO (Hàn Quốc); Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam (Trung Quốc). Cao tốc Mai Sơn (Ninh Bình) – quốc lộ 45 (Thanh Hóa) thu hút 11 nhà đầu tư nộp hồ sơ, trong đó có 9 nhà đầu tư nước ngoài. Đó là một doanh nghiệp Việt Nam liên danh với nhà đầu tư Trung Quốc; 2 nhà đầu tư Hàn Quốc, 5 nhà đầu tư Trung Quốc và một nhà đầu tư đến từ Pháp. Đoạn quốc lộ 45 – Nghi Sơn (Thanh Hóa) không có nhà đầu tư trong nước tham gia, chỉ có 5 nhà đầu tư, liên danh nước ngoài, gồm: Daewoo E&C Co., Ltd. (Hàn Quốc), China Railway 16th Bureau Group Co., Ltd. (Trung Quốc), liên danh China Road and Bridge Corporation, Metallurgical Corporation of China Ltd. Dự án này cũng thu hút một nhà đầu tư Pháp là Liên danh Vinci Highways – Horizon Invest JV. Đoạn Nha Trang – Cam Lâm (Khánh Hòa), có 8 đơn vị tham gia, trong đó có có 4 nhà đầu tư, liên danh nước ngoài. Đó là Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Vân Nam (Trung Quốc), Tập đoàn Cầu và Đường Trung Quốc và hai liên danh giữa công ty Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc. Cao tốc Cam Lâm (Khánh Hòa) – Vĩnh Hảo (Bình Thuận) có 6 đơn vị nộp hồ sơ, trong đó 4 doanh nghiệp, liên danh nước ngoài tham gia là Công ty Cơ khí và Xây dựng POSCO E&C Việt Nam, Công ty TNHH China Harbour Engineering, Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư và thi công Vân Nam, Liên danh Công ty China National Machinery Import & Export Corp – Công ty Đường sắt 21 Trung Quốc (China Railway 21 Bureau Group) – Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập. Dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết (Bình Thuận) có 5 nhà đầu tư nộp hồ sơ, trong đó có 3 doanh nghiệp, liên danh với nước ngoài gồm: Tổng công ty Cầu và Đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation); Liên danh Công ty China National Machinery Import & Export Corp – Công ty Đường sắt 21 Trung Quốc – Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập; Liên danh Công ty TNHH China Gezhouba Group – Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 – Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620.  
......

Học đến khi nào?

Ls. Luân Lê Các bài học sâu sắc của các ông nhưng là mồ hôi nước mắt, xương máu và sự sống của nhân dân và cũng gồm cả tương lai của các thế hệ sau này. Các ông học đến bao giờ và đợi đến hậu quả nào thì dừng lại, và khi nào thì sức chịu đựng của người dân mới kịch ngưỡng của nó? Chính vì các bài học hầu như không phải trả giá gì ngoài việc rút kinh nghiệm hết lần này tới lần khác với nhau, nên các vị cứ học hết bài học nọ tới bài học kia, nhưng nhân dân thì chỉ có một hậu quả là phải gánh lấy những sự thiệt hại trực tiếp của nó. Có tới 12 dự án và thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ của dân, những con số khổng lồ so với nền kinh tế nhỏ bé của chúng ta (khoảng hơn chục tỷ đô-la so với tổng sản phẩm quốc nội khoảng 200 tỷ đô-la, thâm thụt tương đương hơn 5% GDP). Và đó mới chỉ là các con số điển hình được thống kê và chỉ trong việc đầu tư, kinh doanh của nhà nước mà chưa kể tới các tệ trạng nghiêm trọng khác (tham nhũng, lãng phí, chi thường xuyên (quá lớn)…). Có ai học dông dài và chỉ trong một lần tổng kết các bài học đã qua, hậu quả đã là những con số khổng lồ đến thế hay không? *** Lễ bàn giao 12 dự án ngàn tỉ thua lỗ: 2 bên đều cười tươi hạnh phúc. Bên thì tham nhũng xong, bên thì sắp được tham nhũng   http://m.danviet.vn/kinh-te/bo-truong-tran-tuan-anh-12-du-an-thua-lo-nghin-ty-la-bai-hoc-kinh-nghiem-sau-sac-995293.html?fbclid=IwAR3yobHz7C5E72cIpSQftVjwXQm3vKw3hDsWqVb5jtq0d1h001nARMIaQBY  
......

Không ai bị truy tố ở Sơn La

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân Sau cuộc điều tra của công an kéo dài gần một năm, câu chuyện sửa điểm thi trong mùa thi Trung học phổ thông năm 2018 ở tỉnh Sơn La lại biến thành chuyện đầu voi đuôi chuột: Không ai bị truy tố vì không tìm ra người đút lót lẫn kẻ hối lộ. Tức là công an không tìm ra ai là thủ phạm nhúng tay vào vụ nâng điểm thi của các học sinh. Được biết trong kỳ thi này, từ phó giám đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh đến trưởng phòng khảo thí và một số nhân viên của Sở đã cấu kết nhau, chủ động rút bài thi trắc nghiệm để sửa và nâng điểm thi cho ít nhất 44 thí sinh. Dĩ nhiên họ làm như thế không phải vì thương các thí sinh điểm kém, muốn vớt vát cho một số em vượt qua sự kém may mắn. Động cơ của họ là nhắm vào số tiền “đền công” được môi giới thoả thuận. Những thí sinh tốt số này được báo chí khám phá ra đều là con ông cháu cha hay thuộc những gia đình giàu có. Cuộc điều tra đã chỉ ra có trường hợp phụ huynh phải chi từ hàng trăm triệu đồng tới 1 tỷ đồng để được nâng điểm tốt nghiệp. Có 8 bị can đã bị truy tố “tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Nhưng Viện Kiểm Sát tỉnh Sơn La cũng chỉ xác định 4 bị can chính “có dấu hiệu” nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ mà thôi. Ngoài ra, kết quả điều tra còn cho thấy các phụ huynh học sinh có liên quan đều không thừa nhận chuyên hối lộ tiền để được sửa điểm thi, và ngoài ra công an không có chứng cứ nào khác. Thật khôi hài khi Viện Kiểm Sát cũng cho rằng “không có căn cứ” để truy tố 4 cán bộ Sở Giáo Dục Sơn La tội danh nhận hối lộ Đường đi của pháp luật xã hội chủ nghĩa thật vòng vèo nhưng không khó hiểu bởi sự nguỵ biện của những người được phép độc quyền cầm cán cân công lý. Do đó lò không đốt được ở Sơn La vì gặp phải củi mục, không phải củi khô hay củi tươi như các nơi khác. Lý do dễ thấy nhất để gọi đây là củi mục xuất phát từ cơ quan giữ quyền công tố. Viện Kiểm Sát tỉnh Sơn La đã bằng cách nào đó mà không tìm thấy ai là thủ phạm vụ sửa điểm thi cho dù hồ sơ điều tra của công an dầy cộm. Nhất là 44 phụ huynh có thí sinh được nâng điểm cho tới lúc này vẫn không có ai thừa nhận mình đút lót tiền cho cán bộ Sở Giáo Dục Sơn La. Đã vậy sao không trả hồ sơ điều tra bổ túc? Phải chăng ngay trong các cơ quan thi hành luật pháp cũng có chiều hướng giảm nhẹ tội trạng từ “hối lộ” xuống “lợi dụng chức vụ”? Như thế cũng có thể nói, đây là một vụ án có dấu hiệu là một “vụ án ma”, hay nói khác đi các số điểm trong 44 bài thi tuy không có cánh mà đã bay đi được. Thật tài tình vì lúc bay đi với con số 2, 3 điểm khiêm nhường mà lúc bay về thì điểm thi lớn lên đáng kinh ngạc. Sửa điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 này đâu chỉ xảy ra ở Sơn La. Sự kiện gian lận của các nhà làm công tác giáo dục còn diễn ra ở Hà Giang, Hoà Bình liên quan tới ít nhất 19 cán bộ và trên 300 bài thi của 222 thí sinh. Nghĩa là nó khá phổ biến như “chuyện thường ngày ở huyện”, bởi lẽ còn nhiều nơi chưa bị khám phá. Xem ra điều này chỉ có ông Hồ Chí Minh biết được mà thôi. Sở dĩ nói ông Hồ biết là vì chỉ có người cõi trên mới thấy ai đã “tàng hình” vào phòng khảo thí của Sở Giáo Dục để ra tay sửa điểm, nâng điểm cho 44 thí sinh. Chứ Sơn La hay Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ người trần mắt thịt làm sao có khả năng thần thánh nào tìm ra bằng chứng, cho dù là đã bắt và truy tố 4 cán bộ gọi là tình nghi nhận tiền lên đến bạc tỷ. Công an đã không tìm thấy bằng chứng cũng không có ai nhận đã đưa tiền thì cũng có thể nói Viện Kiểm Sát ra một lệnh truy tố ma mà thôi. Phải nói vụ án này thật ly kỳ và ma quái vì không những không tìm ra người nhận tiền và người đưa tiền trong khi trên thực tế bài thi tốt nghiệp của 44 thí sinh đã bị sửa một cách bài bản do những người chuyên nghiệp. Tóm lại chuyện nhận cả tỷ đồng gian lận điểm thi mà vẫn thoát tội hối lộ này rất đáng tin vì nó đã xảy ra dưới pháp luật thiên đường xã hội chủ nghĩa. Và đó cũng là vì tính chất ly kỳ không thể tưởng tượng của ngành giáo dục Việt Nam. Phạm Nhật Bình  
......

Hồng Kông : Đi vào thế giới ngầm của cuộc nổi dậy không thủ lãnh

Tuổi trẻ Hồng Kông xuống đường tại khu phố du lịch Vượng Giác (Mongkok) phản đối dự luật dẫn độ, ngày 07/07/2019.REUTERS/Tyrone Siu Thụy My - RFI| Đặc phái viên của La Croix tiết lộ những chuyện « Ở trung tâm cuộc nổi dậy không có thủ lãnh ở Hồng Kông », theo lời kể của J.H., một thiếu nữ đấu tranh giấu tên, giấu mặt trên báo. Nhà báo Pháp gặp người nhân viên xã hội 30 tuổi, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ Hồng Kông, ở gần Nghị Viện trước cuộc biểu tình hôm 01/07/2019 nhân kỷ niệm 22 năm trao trả cho Trung Quốc. Cô phân phối những chai nước suối và khăn mặt để đối phó với khí hậu nóng ẩm hết sức khó chịu. Tổ chức hết sức chặt chẽ nhưng đều ẩn danh J.H. cho biết : « Tôi có mặt ở đây ngay từ hôm 9/6, trong cuộc biểu tình đầu tiên với 1 triệu người chống dự luật dẫn độ, và buổi tối lúc hàng ngàn thanh niên bao vây Nghị Viện cũng thế. Trong số những người trẻ từ 16 đến 22 tuổi ấy, tôi hầu như là già nhất ; và hệ thống tổ chức của các bạn trẻ không hề giống như cuộc Cách mạng Dù hồi năm 2014 ». Với chiếc điện thoại trên tay, cô mở nhiều ứng dụng tin nhắn và tham gia các diễn đàn. J.H. giải thích : « Thật là choáng ngợp, rất nhiều nhóm đã được tổ chức một cách quy củ. Về hậu cần, có những người lo nước uống, khẩu trang, kính lặn, nón bảo hộ, người thì lo kiếm xe tải nhẹ, xe hơi…Về truyền thông, các bạn làm ra những video với đội ngũ thiết kế, họa sĩ. Về y tế có các bác sĩ, y tá và thuốc men ; còn hỗ trợ luật pháp thì đã có các luật sư tình nguyện ». Người biểu tình tham gia thế giới ngầm của các mạng lưới mã hóa như Telegram, Wire hay Signal – vô danh và không có số điện thoại nên không thể truy ra được. J.H. cho biết : « Những nhóm cảnh giới gởi đi các video thông tin về sự hiện diện của cảnh sát trên toàn lãnh thổ đặc khu : vào giờ nào, ở đâu, như ở trạm métro hay nhà ga nào đó có ba, bốn cảnh sát chẳng hạn. Mỗi nhóm như vậy có từ 30.000 đến 50.000 thành viên, chưa kể đến các nhóm cảnh giới của các khu phố ». Cuộc nổi dậy không thủ lãnh và chiếc điện thoại Tất cả đều nằm trong chiếc điện thoại ! Đặc điểm của các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là ở dạng phản kháng mới mẻ, hầu như độc nhất trên thế giới này ; mà những người trên 30 tuổi khó thể hiểu, còn phụ huynh lại càng khó hơn. Thế hệ này không hoạt động như cha mẹ mình hay chính giới hiện nay. « Các bạn trẻ không muốn có thủ lãnh, không muốn bị lợi dụng về chính trị, không có lý tưởng chính trị. Họ tranh đấu vì những gì họ cho là đúng đắn. Rất đơn giản đồng thời cũng đáng ngại, vì các bạn ấy sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả mạng sống, để đạt được mục đích ». Cha mẹ của J.H. vốn rất bảo thủ, cho rằng có thế lực nước ngoài giựt dây, nhưng cô khẳng định : « Trên thực tế, chính chúng tôi chi phối những người khác ». Chẳng hạn chiến dịch quyên góp để mua các trang quảng cáo trên một số tờ báo quốc tế lớn trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. « Đó là ý tưởng tuyệt vời, được một trong các nhóm đưa ra. Nhưng những người trẻ vây quanh Nghị Viện không đọc, cũng như không biết G20 là gì ! » J.H. nhìn nhận có những bất đồng về cách đấu tranh ôn hòa hay bạo lực, nhưng không có chia rẽ trong phong trào. Cô nói : « Tôi không đồng ý với việc chiếm Nghị Viện, nhưng tôi vẫn ủng hộ các bạn ». Các bài học của năm 2014 đã được rút ra, và những thủ đoạn của chính quyền để bôi xấu phong trào không có tác dụng. Đối với cô gái, không có thất bại và cũng chưa đạt được chiến thắng. « Chưa hết đâu, chính quyền sẽ còn đàn áp. Đây là lúc để nghỉ ngơi đôi chút, không nên lao lực thái quá để rồi ngã quỵ, vì cuộc chiến đấu còn lâu dài ».
......

Điều phi nghịch

Luân Lê Nhà nước dùng tiền thuế của dân để duy trì các hoạt động của mình, nếu nhà nước tạo ra nợ hoặc tham nhũng thì nhân dân chính là người gánh nợ và chịu các sự thiệt hại về các chính sách phúc lợi, điều kiện sống mà đáng ra sẽ được thụ hưởng, nhưng khi nó lại bắt chúng ta im miệng lại và trả nợ đi, thậm chí vẫn phải biết ơn nó, thì rõ ràng, nói như ngôn ngữ của giới trẻ hiện đại, ở đây có cái gì đó sai sai. Đúng lẽ ra, nhà nước, hay chính quyền, phải phục vụ nhân dân và phải biết ơn nhân dân vì họ đã đóng góp tài sản để nuôi sống mình, và khi không còn xứng đáng với sự ủy nhiệm của nhân dân thì nó sẽ phải từ bỏ quyền lực hoặc bị phế truất để một lực lượng khác xứng đáng lên điều hành và quản lý đất nước và xã hội. Đó là nguyên lý thiết cấu và nền tảng vận hành của mọi hệ thống chính trị dân chủ trên thế giới. Có khi nào mà, một chính quyền tạo ra nợ, rồi lại bắt người dân gánh nợ và biết ơn nó không? Và nếu có ai đó có phản đối điều này hoặc buộc nó phải chịu trách nhiệm với các hành động của mình thì lại bị coi, hoặc ít nhất bị quy cho, là “thế lực thù địch” hoặc “thành phần phản động” hay “những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị với âm mưu phá hoại đất nước”. Đó có phải là sự phi nghịch của điều thường lẽ hay không?  
......

Hà Nội lại đổ thêm tiền vào dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Diễm Thi - RFA| Hôm 8 tháng Bảy, 2019, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua kế hoạch vay hơn 98 triệu USD (khoảng 2.300 tỉ đồng) với mục đích được nêu ra là nhằm vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Đây là khoản vay lại phần vốn vay nước ngoài của dự án. Người dân bất bình, mất niềm tin Tiến Sĩ Nguyễn Văn Khải từ Hà Nội phản đối việc vay thêm tiền như vậy. Ông cho rằng dân phải è cổ đóng thuế trả nợ nước ngoài trong khi người dân không hề được hỏi ý kiến, và người dân cũng không hề được biết chi tiết dùng số tiền 2.300 tỷ đồng để vận hành, khai thác như thế nào và thời gian cụ thể ra sao. Ông nói: “Tại sao họp Hội Đồng Nhân Dân không có một ông, một bà nào hỏi ý kiến của dân? Với tư cách là một người Hà Nội, tôi thuộc lòng đường từ nhà tôi đến Hà Đông, trước hết tôi phản đối việc làm đường sắt trên cao tuyến Cát Linh. Cái thứ hai là ai ký kết, tiền là bao nhiêu, thời hạn là bao nhiêu tại sao không công bố ngay lúc đầu. Bây giờ đề nghị thêm 2.300 tỷ chúng tôi không chấp nhận vì cái gì cũng phải có thời hạn.” Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có chiều dài khoảng 13km. Chi phí đầu tư ban đầu của dự án là 553 triệu USD, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng Mười Một, 2013. Sau đó được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng Sáu, 2014; chạy thử từ tháng Mười, 2014 đến tháng Sáu, 2015 và chính thức khai thác thương mại từ ngày 30 tháng Sáu, 2015. Đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 868 triệu USD, nghĩa là đội vốn lên tới hơn 315 triệu USD. Trong đó, phần vốn vay ODA của Trung Quốc là gần 670 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Thị Trường Giá Cả Bộ Tài Chính nói với RFA từ Hà Nội rằng, thời gian chậm tiến độ quá lâu đã tác động rất tiêu cực đối với hiệu quả kinh tế xã hội, và làm mất lòng tin của người dân: “Nó chậm thì nó làm cho tiền tăng lên. Theo tính toán của các chuyên gia thì nếu mà ùn tắc thì mỗi ngày Hà Nội mất chi phí khoảng 4 tỷ đồng Việt Nam thì một năm không biết là bao nhiêu?” Đến hôm nay tuyến đường sắt này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động và bị đội vốn lên hơn 200% (từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng). Bà Tâm, một người dân gốc Hà Đông, sinh sống tại Hà Nội, thường xuyên đi đoạn đường này, ngán ngẩm khi nghe tin lại vay thêm tiền đổ vào dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Theo bà thì nhiều lần đội vốn rồi. Bây giờ phải xem xét bên nào làm sai thì phải đền bù thiệt hại chứ cứ đổ thêm tiền rồi vẽ ra cho đẹp, chỉ khổ dân: “Tiền thuế của dân trả nợ chứ có phải của ai đâu. Thôi đừng vay nữa, đừng tiếp tục nữa, đừng cố đấm ăn xôi nữa. Chỉ có Việt Nam và Trung Quốc nữa chứ có ai vào đây. Mang ra tòa án phân định xem ai sai. Những ông bên chính phủ, bên Bộ Tài Chính hãy làm bằng tâm đi. Dân biết hết, dân không ngu đâu!” Là một kỹ sư xây dựng cầu đường, ông Trần Bang nhận định nếu vay thêm tiền thì chắc nó sẽ vận hành được, nhưng lại đội vốn thì chết dân phải trả nợ. Với những dự án như thế này thì nhà nước cũng rất khó xử vì nếu ngưng luôn thì nhà nước mất mặt, mà để thì cũng ‘dở dở, ương ương’ chẳng ra làm sao. Nguyên nhân từ đâu? Tại buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 vào chiều 5 tháng Bảy, 2019, ông Trần Hải Đông, đại diện Kiểm Toán Nhà Nước cho biết dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đội vốn lên hơn 200% vì đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên nên mất nhiều thời gian nghiên cứu, xác định. Quá trình lập dự án chưa có sự nghiên cứu kỹ, lại thay đổi phương án, làm tăng chi phí. Mặt khác, do bàn giao mặt bằng chậm, dẫn tới tiến độ thực hiện kéo dài, tăng chi phí nhân công, vật liệu… Cùng với đó, tiến độ thực hiện dự án cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố nước ngoài, nhất là về vốn, dẫn đến nhiều bất cập. Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải phân tích “yếu tố nước ngoài” ở đây: “Tôi không đồng ý nói rằng cứ nhà thầu Trung Quốc là kém, bởi vì người ta có thể làm (đường sắt trên cao) từ Bắc Kinh đến Tây Tạng, từ Quảng Châu đến Nam Ninh mấy trăm cây số, chỉ trong hai năm. Tôi đã đi tên tàu đó, 210km/giờ. Đây họ làm với mục đích gì để kéo dài để phá hoại để gây khổ. Không có chuyện sập bẫy ở đây.” Theo Kỹ Sư Trần Bang thì cái quan trọng là việc quản trị. Quản trị bài bản, tốt thì mọi thứ sẽ tốt, sẽ đâu vào đấy ngay, nhưng ở Việt Nam thì rất khó bởi kẹt cơ chế: “Cái cơ chế nó ràng buộc nhau lắm. Người thẳng thắn và có trình độ chuyên môn thì lại không được làm quản lý. Mà nếu có tham gia quản lý thì cũng “bị” không làm được việc. Việc chọn nhà thầu đã dở, việc quản lý thi công thì do tham nhũng, dính đến chuyện ăn phong bì nên bị nhà thầu gài rất nhiều điều bất lợi cho chủ đầu tư. Ví dụ không tăng vốn thì nó để tiến độ chậm lại. Cái khó nữa là những dự án như thế này thì thật sự không ai dám quyết làm gì nữa hết.” Sáng 20 tháng Chín, 2018, 5 đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã chạy thử với tốc độ trung bình 32km/h, tối đa 65km/h. Nhìn bề ngoài, hệ thống đường ray và các nhà ga gần như hoàn thiện, nhưng bên trong các nhà ga khu vực Cát Linh, Thanh Xuân, Hà Đông, nhiều hạng mục đã hư hỏng, nhếch nhác. Rất nhiều hạng mục công trình vẫn đang được công nhân gấp rút hoàn thiện, chắp vá. Nhiều khu vực như nhà ga Cát Linh, cầu thang lên xuống, hệ thống dây điện, dưới gầm đường sắt vẫn ngổn ngang vật liệu, rác thải. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một trong những dự án trọng điểm tại Hà Nội. Lãnh đạo Bộ Giao Thông yêu cầu dự án vận hành thương mại vào trước Tết Nguyên Đán 2019 nhưng lại tiếp tục lỗi hẹn. Diễm Thi - RFA  
......

Vùng đất hung

Đỗ Văn Ngà| Mảnh vườn mà trồng cây gì cũng tốt, nuôi con gì cũng khỏe, người xưa gọi đó là miếng đất có nhiều vượng khí. Ngược lại mảnh đất mà trồng cây cây chết hoặc còi cọc, nuôi gia súc thì gia súc chết hoặc bệnh tật liên miên, mảnh đất đó nói theo cách người xưa là mảnh đất hung. Đó là ngôn ngữ người xưa, còn nói theo ngôn ngữ thời nay cho dễ hiểu thì, vượng có nghĩa là môi trường sống ấy nó bảo vệ và nuôi dưỡng cây trồng vật nuôi và cả con người. Ngược lại, môi trường sống mà tấn công cây trồng, vật nuôi và con người, làm những thực thể sống phải này phải héo mòn rồi chết thì người ta gọi đó là vùng đất hung. Hung hay vượng nó chỉ đơn giản là vậy. Nói rộng ra ở bình diện quốc gia cũng vậy, muốn biết sự vượng phát hay hung hiểm của một quốc gia là nhìn vào đời sống người dân và tuổi đời của các doanh nghiệp. Cuộc sống người dân khốn cùng vì họ luôn bị tấn công từ mọi hướng thì đó là vùng đất hung. Người dân bị cướp đất oan mà phản đối thì bị bắt. Việc đã ít mà lao động tay nghề cũng không đáp ứng, hoàng loạt cử nhân chạy xe ôm kiếm sống. Giá cả các mặt hàng thiết yếu thì lúc nào cũng tăng làm đời sống nhân dân ngột ngạt vv.. Đã là vùng đất hung, thì cuộc đời doanh nghiệp thì cũng rất ngắn. Ngày trước, công ty Minh Phụng cũng được kỳ vọng là những Deawoo Việt Nam nhưng cuối cùng doanh nghiệp này sớm nở tối tàn. Hoàng Anh Gia Lai bùng lên một thời rồi cũng đang lịm dần. FLC và Vingroup thì đang lớn như Thánh Gióng vì hưởng rất nhiều đặc ân chính trị, thì đó là một triệu chứng cho thấy sẽ không thọ. Doanh nghiệp sống nhờ đặt ân của thế lực chính trị nó như anh chàng chơi chất kích thích vậy, khi được tiêm thuốc thì cơ thể hưng phấn, sức mạnh của nó được thể hiện. Nhưng khi không còn thuốc giải cơn nghiện thì nó vật vã rồi lụi tàn nhanh chóng. Tình hình chính trị của Việt Nam sẽ thay đổi mỗi kỳ đại hội 5 năm, khi thế lực đỡ đầu cho những doanh nghiệp thân hữu mất hết quyền lực thì doanh nghiệp đó sẽ xìu như quả bóng xì hơi. Và cứ như vậy, hàng loạt doanh nghiệp sinh ra trên mảnh đất chữ S này cứ sớm nở tối tàn. Vài chục năm với doanh nghiệp là tuổi đời còn rất trẻ. Trong 33 năm “đổi mới” nền chính trị CS đã nuôi được doanh nghiệp tỷ đô nào lớn được 30 tuổi chưa? Không thấy! Trên một vùng đất dữ cho đời sống người dân và cho cuộc đời của các doanh nghiệp, mà lại có những doanh ngiệp lớn nhanh như thổi, thì rõ ràng đó là hiện tượng bất thường. Đó là dấu hiệu cho thấy, doanh nghiệp đó được bơm chất kích thích cho tăng trưởng nhanh trong thời gian ngắn, rồi khi không còn chất kích thích để bơm nữa nó tàn. Ngày nay, Nguyễn Kim rơi vào tay người Thái, Sabeco rơi vào tay Thái vv.. tại sao chúng lần lượt rơi vào tay nước ngoài? Vì đơn giản, nó không sống nổi trên mảnh đất chữ S đầy hung hiểm này nữa nên phải bị bứng đi trồng chỗ khác, thế thôi. Môi trường chính trị được ví như là đất đai nuôi sống những gì mọc trên nó, kinh tế mọc trên nó, y tế mọc trên nó, giáo dục mọc trên nó, đạo đức xã hội cũng mọc lên từ nền đất chính trị ấy vv.. Nhưng cuối cùng thì sao? Cây kinh tế thì èo uột, xuất khẩu thì FDI chiếm đến 70%, và doanh nghiệp chân chính sống vật vờ rồi cũng chẳng thọ bao lâu. Y tế thì nát không thể nào tả, bệnh viện quá tải, nhập thuốc ung thư giả hủy thuốc ung thư thật, tiêm vắc xin thì trẻ chết, mổ nhầm bệnh nhân vv.. Giáo dục thì khỏi liệt kê nữa, vì cái nát của giáo dục được báo chí nói nhiều lắm rồi. Còn đạo đức xã hội thì cũng quá rõ, xuống quá thấp. Những cây trên nền đất chính trị CS ấy đã không thể phát triển. Thì đấy rõ ràng, đất nước Việt Nam là một vùng đất hung, cái hung đó nó đến từ thể chế chính trị độc đảng do ĐCS cầm đầu. Nguyên nhân gây ra cái hung cho đất nước cần phải bị đào thải, nó không thể tồn tại mãi được. Không thể để hết thế hệ này đến thế hệ khác của Việt Nam gánh sự hung hiểm bởi ĐCS được./.  
......

Năm năm vượt thác của những người làm báo tự do

tuankhanh’s blog – RFA Ngày 4/7/2019 là một ngày đáng nhớ với nhiều người làm báo tự do, có chân trong tổ chức XHDS, dưới cái tên Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam. Đây là tổ chức tập hợp những người bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, lên tiếng cho công lý và vận động cho một xã hội không độc tài cộng sản. Nhân kỷ niệm năm năm của Hội, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam đã dành ít thời gian để nói về mình, về những anh em trong Hội, đã sống sót như thế nào qua những cuộc đàn áp, sách nhiễu… suốt thời gian qua. Nhà báo Phạm Chí Dũng: Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam (HNBĐLVN) giống như một con thuyền vượt thác, đã suýt chìm trong năm đầu tiên, gượng dậy trong năm thứ hai, tạm bình ổn trong những năm kế, và đến năm thứ năm thì có vẻ đã khởi sắc. Có thể hình dung như vậy. Anh em trong HNBĐLVN cũng đã trải qua nhiều rủi ro, không khác gì những anh chị em đấu tranh dân chủ trong nước. Tức là các Hội viên cũng đã bị công an liên tục triệu tập, sách nhiễu, đánh đập, bắt cóc… nhưng cho đến nay thì không có ai bỏ cuộc cả. Nói tóm lại là, chúng tôi hoạt động ôn hòa, mang sự thật khách quan đến cho người dân. Chúng tôi tự nhận thấy rằng cũng đã đạt được những điều tương đối trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, bên cạnh đó sự trả giá, cũng không là quá nhiều. Năm 2017, được coi là khởi đầu của đỉnh cao đàn áp. Nhiều người đã bị bắt bớ, bỏ tù… HNBDLVN cũng bị sứt mẻ nhưng vẫn duy trì được cho đến nay. Trong suốt năm năm, trang báo điện tử của HNBĐLVN vẫn làm việc đều đặn, trong tình trạng bị tường lửa bao vây, vẫn luôn lên tiếng từng ngày, cũng không để thiếu nhuận bút với ai. So với năm đầu, lúc này thì số Hội viên đã tăng lên gấp đôi, gần 70 người. Đó là con số chắt lọc của giới cầm bút tự do có tiếng nói thuyết phục và tâm huyết. Trong tình hính mới hiện nay của Việt Nam, dù vẫn xiết bức nhân quyền, nhưng đang lộ khuynh hướng ngã dần sang quỹ đạo của phương Tây, thì chúng tôi cho rằng đây là cơ hội để đẩy mạnh sự đòi hỏi về quyền thành lập hội nhóm XHDS, quyền tự do ngôn luận. Đặc biệt với việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, lại là một cơ hội lớn cho người lao động xây dựng Công đoàn độc lập. Chúng tôi cũng coi đây là một phần nhiệm vụ quan trọng của mình, vì trên trang Việt Nam Thời Báo (IJAVN), đã có hẳn một mục riêng để thông tin, cổ xúy về vấn đề này. Sẽ còn những khó khăn, nhưng với những gì đã qua, HNBDLVN tin rằng con thuyền của mình dù có chòng chành, nhưng vẫn tiến về phía trước. Điểm lại trong 2 năm vừa qua, HNBĐLVN đã liên tục đưa đến các đề tài phản biện đối với luật an ninh mạng, cũng như rất sát sao mọi chuyển động liên quan đến luật cho phép thành lập các nhóm XHDS, công đoàn độc lập… Nhà báo Phạm Chí Dũng: Trước tiên, nói về luật an ninh mạng, thì đó là một đạo luật chống lại quyền tự do ngôn luận, và công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà nhà nước Việt Nam đã ký vào năm 1982. Chúng tôi đặt trọng tâm vào việc phản biện luật này, vì nó đi ngược lại xu thế của thời đại. Không chỉ phản biện, mà chúng tôi muốn chấm dứt nó. Còn đối với quyền tự do thành lập các nhóm, hội XHDS là điều phải đến. Ngay cả ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng của chính thể độc tài tại Việt Nam, khi nói về các cột trụ giúp cho kinh tế ở Việt Nam như doanh nghiệp, cơ sở kinh tế nhà nước và xã hội. Ông Phúc không dám nói rõ về “xã hội” tức là XHDS, mà chỉ nói mấp mé vậy. Ai cũng hiểu đó là một phần của cái kiềng ba chân của lý thuyết phát triển, là XHDS. Nên trong thời gian tới, Nhà nước Việt Nam không còn cách nào khác ngoài việc phải công nhận sự có mặt của hệ thống XHDS trong đời sống. Và đó cũng là cam kết mà Việt Nam đã ký về quyền dân sự và chính trị trước Liên Hợp Quốc. Đó là hai điều rất quan trọng của xã hội Việt Nam lúc này, nên chúng tôi đặt mọi trọng tâm vào đó. Là một tổ chức XHDS có lẽ là duy nhất còn hoạt động lúc này, giữa bối cảnh nhà nước CSVN đã truy cùng đuổi tận tất cả các nhóm, cá nhân có khuynh hướng khác biệt với chủ trương độc tài, ông có nghĩ rằng HNBĐLVN cũng đang trong tầm ngắm và cũng sẽ bị triệt tiêu bằng cây gậy An ninh mạng, sắp tới đây hay không? Nhà báo Phạm Chí Dũng: Về bản chất mà nói, luật An ninh mạng (ANM) cũng như nghị định 72 được ban hành trước đây, mọi thứ đều phản tác dụng và vô nghĩa trước Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị. Nhưng với quan điểm của tôi, thì tôi không đặt nặng chuyện luật ANM như là một mối hiểm nguy đối với HNBĐLVN nói riêng, và giới hoạt động cho dân chủ nhân quyền nói chung. Lý do là thế này, không cần đến luật an ninh mạng, mà chỉ cần nghị định 72 (năm 2013) về quản lý internet, điều 88, trong bộ luật hình sự cũ, tức điều luật mơ hồ về “tuyên truyền chống nhà nước” thì cũng đã quá đủ cho công an xiết bức, bóp cổ bóp họng giới đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Luật ANM chỉ màng một sự nối dài của nghị định 72, của luật về an toàn thông tin của ngành công an để kiểm soát về an ninh mạng mà thôi. Và luật ANM không thể phát triển đến mức tối đa mục tiêu của nó về vấn đề chế tài ANM. Vì nếu triệt tiêu hoàn toàn hệ thống thông tin này, tức sẽ triệt tiêu luôn môi trường đấu đá nội bộ, phương tiện để đấu đá nội bộ mà phe phái ở trong đảng đã tận dụng từ năm 2012 cho đến nay. Do đó, tôi không đặt nặng những rủi ro từ luật ANM. Mà nói thật ra thì có một luật ANM hay hàng chục luật ANM cũng không có ảnh hưởng gì đáng kể đến giới đấu tranh dân chủ nói chung, và cho quyền tự do ngôn luận nói riêng. HNBĐLVN dù đứng trên vị trí là phát triển quyền tự ngôn luận và phản biện xã hội, nhưng thật ra tiêu chí ấy chưa bao giờ được chấp nhận ở trong một xã hội – ngày càng độc tài như ở Việt Nam. Trải qua năm năm của HNBĐLVN, theo ông, liệu tiêu chí này của HNBĐLVN có tạo được nên được các tác động tích cực nào với nhà cầm quyền không? Hay HNBĐLVN vẫn là “những giọng điệu đánh phá của thế lực thù địch?” Nhà báo Phạm Chí Dũng: Có một ví dụ, như một bằng chứng, như thế này. Mới đây tôi đưa ba mình đi khám bệnh ở một nơi có tên nguyên văn là Ban bảo vệ sức khỏe Thành ủy TPHCM. Có một cụ già đến gặp tôi. Cụ trước đây là cán bộ của Ban Tuyên huấn Thành ủy. Cụ nói với tôi rằng “Dũng ơi, những bài của Dũng viết, không chỉ có tôi mà có cả những người trong nội bộ đảng đã đọc. Nhưng theo tôi, đòi bỏ điều 4 Hiến pháp về độc đảng là khó lắm. Nên bây giờ cần kêu gọi đảng phải dân chủ và chống Trung Quốc”. Tôi kể chuyện này như một ví dụ để thấy rằng ngay cả những người công tác lâu năm trong đảng cộng sản, đã nói trực tiếp với tôi điều đó. Điều đó cho thấy rằng – một cách nào đó như anh đã nêu ra –  thì công việc cổ xúy cho tự do ngôn luận, khai dân trí của HNBĐLVN hay của chúng ta nói chung, không chỉ tác động đến người dân mà tác động đến cả nội bộ đảng cộng sản. Và công việc đó, đã nhận được sự đồng tình, đồng cảm và kể cả yêu thương của những người ở trong nội bộ đảng cộng sản. Rõ ràng điều chúng ta làm có hiệu quả, nhưng hiệu quả như thế nào thì tôi không dám nói là quá lớn, nhưng chắc chắn là có hiệu quả. Và theo phản ánh của nhiều nguồn dư luận, nhiều anh em, kể cả các đảng viên, rằng nhiều bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo đã nhận được sự đồng thuận tương đối. Tức có những đảng viên theo dõi thường xuyên. Thậm chí cánh công an cũng vậy. Những người công an về hưu tiết lộ cho tôi biết. Không đâu xa, ngay cả một sĩ quan công an về hưu ở ngay phường tôi cư trú cũng cho biết ông theo dõi thường xuyên bài vở trên Việt Nam Thời Báo và đồng tình với những luận điểm khách quan của HNBĐLVN. Hiệu quả là như vậy. Nhưng với những luận điểm phản biện hay chỉ trích mang tính ôn hòa, không có nghĩa là HNBĐLVN đang đi tìm con đường thỏa hiệp với đảng cộng sản. Chúng tôi – HNBĐLVN – không bao giờ có quan điểm đó. Tôi luôn yêu cầu anh em trong Hội là phải luôn đặt vấn đề có tính chiến đấu. Mỗi bài viết là một viên đạn phản biện xã hội, viết bằng sự bức bối của mình, bằng tình cảnh của mình, đó là việc ưu tiên. Sau đó mới nâng dần bài viết lên bằng chuyên môn của mình. Trong HNBĐLVN, có những bạn trẻ khởi đầu tham gia, viết còn rất ngô nghê, thì nay đã hoàn toàn chuyên nghiệp. Bằng giác quan của một nhà báo tự do, những cây viết đó đã dần dần có được chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Chấp nhận những thách thức để xiển dương quyền tự do ngôn luận, HNBĐLVN đã có được những niềm kiêu hãnh riêng của mình qua chặng đường năm năm, thay mặt cho các cây viết của HNBĐLVN, ông có lời gì muốn nhắn gửi đến những người đang dõi theo những thông tin từ trang Việt Nam Thời Báo? Nhà báo Phạm Chí Dũng: Tôi chân thành biết ơn rất nhiều độc giả đã công khai lẫn thầm lặng ủng hộ, trong đó có những mạnh thường quân đã giúp để trang Việt Nam Thời Báo vượt qua sóng gió. Tôi vẫn nói với anh em rằng chúng ta đã nhận được những nguồn giúp đỡ, những đồng tiền nhuận bút đáng tự hào. Đó là những đồng tiền đóng thuế cho tiền đề của một xã hội tiến bộ, và chúng ta đã không phung phí nó. Chúng ta sẽ trân trọng và sử dụng nguồn lực đó để khai dân trí, để đóng góp thêm sức sống tự do về trong lòng dân tộc. Nói về báo chí tự do, không thể không nhắc đến Câu lạc bộ Báo chí Tự Do của anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Anh và những người bạn của mình đã đặt những viên gạch đầu tiên cho báo chí tự do trong lòng chế độ độc tài, và từ tiền đề đó cho HNBĐLVN tiếp tục phát triển, chuẩn bị cho một xã hội tự do báo chí, dân chủ, mà tôi tin rằng sẽ không còn quá xa nữa. Xin cám ơn anh, và những anh chị em của HNBĐLVN. Tuấn Khanh (ghi)  
......

Điểm yếu nhất trên thanh trụ lịch sử

Đỗ Văn Ngà| Lịch sử bất kỳ một đất nước nào cũng vậy, có lúc thịnh, có lúc suy. Nó như là một quy luật muôn đời. Lúc thịnh thì không nói gì, nhưng lúc suy thì rất nguy hiểm cho sinh mệnh của đất nước đó. Vì đó là lúc sức mạnh quốc gia suy yếu. Tựa như một kết cấu trụ nâng đỡ, nếu kết cấu bị sụm thì nó sẽ bị sụm bởi chỗ nào yếu nhất trên thanh trụ ấy. Lịch sử nhân loại không thiếu những quốc gia bị khai tử, và tất cả những quốc gia bị khai tử đó hầu hết rơi vào giai đoạn suy vong của một triều đại. Hiểm họa bắc triều Thời điểm một đất nước bị khai tử chắc chắn nó gắn với thời kỳ suy vong của một triều đại trong đất nước đó. Nhưng ngược lại, một đất nước đang rơi vào thời kỳ suy vong chưa chắc gì bị khai tử. Tại sao 2 hiện tượng này không có tính thuận nghịch? Bởi vì đơn giản, một đất nước có bị xóa sổ hay không nó phải hội tụ đủ 2 yếu tố: thứ nhất, là triều đại đó đang suy: thứ nhì, kẻ thù hăm he cướp lấy đất nước đó đang ở thời kỳ cực thịnh. Địa chính trị là một yếu tố cực kỳ quan trọng, lấy ví dụ như Phillippines nằm giữa biển không có láng giềng nào chung biên giới, nên nguy cơ bị thôn tính thấp hơn là Việt Nam nằm sát Trung Cộng. “Không ai được chọn nơi mình sinh ra, nhưng mọi người có thể chọn cho mình cách sống”. Đối với con người thì như thế mà đối với quốc gia cũng tương tự vậy, Việt Nam không có sự chọn lựa để tách xa Trung Quốc về mặt địa lý, nhưng hoàn toàn có thể chọn cách xây dựng đất nước để vững vàng trước con thú dữ Trung Cộng. Điều này phụ thuộc vào ý chí của dân tộc chúng ta. Mà chọn cho quốc gia cách xây dựng đất nước nghĩa là phải chọn thể chế chính trị CS hay dân chủ? Việt Nam hiện nay đang tiệm cận với 2 yếu tố làm cho một quốc gia bị khai tử. Thứ nhất là dưới triều đại CS, đất nước quá yếu trước Trung Cộng. Thứ nhì là kẻ thù luôn muốn cướp lấy Việt nam đã vương lên thành cường quốc số 2 thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang là kẻ bắt chước mù quáng những gì Trung Cộng đã làm, khiến cho Việt Nam luôn là kẻ không bao giờ có sự thành công như Trung Cộng được. Đây là một chính sách tự cúi đầu xếp sau kẻ thù. Chính vì thế, Việt Nam dưới thời CS khả năng bị thôn tính rất cao. Nhìn lại thời kỳ bắc thuộc gần đây nhất từ năm 1407-1427 chúng ta thấy gì? Lúc nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần làm cho lòng dân oán thán. Thêm vào đó, thời Minh Thành Tổ bên Trung Hoa là một thời kỳ thịnh trị. Nhà Hồ bị dân chúng quay lưng, bởi vì triều đình không được dân ủng hộ thế là Việt Nam rơi vào tay phương Bắc. Hiện nay, chính quyền CS đang cô lập nhân dân, họ loại bỏ mọi đóng góp của nhân dân vào chính sách quản trị đất nước. Thậm chí ĐCS đang xem nhân dân như là kẻ thù, như là đối tượng để tước đoạt nên lòng dân đang ngày một oán thán. Hiện nay chính quyền Bắc Kinh đang làm cho Trung Hoa mạnh lên và tham vọng của họ cực kỳ lớn. Nếu để ĐCS cai trị lâu dài, đất nước Việt Nam khó mà thoát khỏi nhanh vuốt kẻ thù Phương Bắc. Không một kẻ bắt chước mù quáng nào có thể vượt qua được kẻ sáng tạo. Hiện nay chính sách của CSVN là chờ Trung Cộng xì ra cái gì đớp cái đấy. Toàn bộ cái bộ siêu quyền lực BCT luôn chủ trương như vậy, toàn đớp lấy những thứ Tàu đã tạo ra mà không cần biết đúng sai, tốt xấu gì cả. Nếu Trung Cộng xây dựng XHCN màu sắc Trung Quốc thì CSVN mót lại và đặt là KTTT định hướng XHCN. Nếu Trung Quốc lập đặc khu, CSVN cũng làm đặc khu. Nếu Trung Quốc có luật An Ninh Mạng thì CSVN cũng luật An Ninh Mạng. Nếu Trung Quốc theo dõi công dân bằng camera nhận diện khuôn mặt thì Việt Nam cũng làm theo. Để vượt qua người ta thì phải tránh xa công việc theo đít người ta chờ đớp lấy những thứ người ta thải ra. Cho nên thế mới thấy, chủ trương của Bộ Chính Trị là luôn đặt mình yếu hơn Trung Cộng. Cứ như thế này thì đời đời không bằng nổi Trung Cộng chứ đừng nói vượt qua. Đấy là chỉ nói chính sách theo đuôi ăn hôi Trung Cộng thôi đã tự làm yếu mình rồi. Đối với trường hợp Việt Nam mức độ nguy hiểm hơn chúng ta tưởng nhiều. Hiện nay qua quan sát, ai cũng thấy rõ ĐCS Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào ĐCS Trung Quốc. Mà một khi phụ thuộc chính trị, thì đất nước thực tế không có độc lập. Hãy chú ý, mỗi lần Tổng Bí Thư Việt Nam lên ngôi thì việc đầu tiên của người này là sang Trung Cộng. Điều này đã thành quy luật từ lâu, nó cho thấy vai trò chủ tớ trong quan hệ 2 đảng rất rõ ràng. Và càng nguy hiểm hơn, khi bất kỳ kẻ nào muốn vào Tứ Trụ thì đều không thể thiếu, đó là họ phải sang Trung Quốc. Hiện nay bà Nguyễn Thị Kim Ngân đang lên đường sang Trung Quốc. Trong bối cảnh tranh giành ghế quyền lực cho Đại Hội 13 năm 2021 sắp tới, thì ắt hẳn bà này đang đi một chuyến cầu viện nhằm mưu cầu một sự bảo kê của quan thầy dành cho bà vào kỳ đại hội 13 sắp tới. Tự nguyện đứng sau kẻ thù, và tự nguyện giao sinh mệnh chính trị của đảng cho Trung Cộng nắm thì không còn nghi ngờ gì nữa, đất nước Việt Nam đáng thương này thực sự đang ở vào điểm yếu nhất của thanh trụ lịch sử. Nếu dân tộc này không thức tỉnh, thì đất nước có thể sụm một ngày nào đó bởi bàn tay ĐCS./.  
......

Rủi ro của các nhà đầu tư khi chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Đông Nam Á

Chen Gong - Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy Khi thời kỳ dân số vàng của Trung Quốc dần qua đi, chi phí sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã tăng lên đáng kể. Vấn đề này, cùng với áp lực bảo vệ môi trường ngay càng tăng cao, đã khiến nhiều công ty đa quốc gia chuyển nhà máy của họ đến Đông Nam Á. Quan trọng hơn, họ đang tìm cách để hạn chế tổn thất từ cuộc chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy vậy, sẽ là quá đơn giản hóa vấn đề khi cho rằng môi trường kinh doanh ở các nước Đông Nam Á là tuyệt vời đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đúng là một số báo cáo gần đây của các hãng tư vấn và viện nghiên cứu cho thấy Đông Nam Á hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại, nhưng các báo cáo ấy không hề đề cập những rủi ro kinh doanh ở các nền kinh tế này. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là ở Campuchia và Việt Nam. Môi trường kinh doanh ở Campuchia vẫn rất phức tạp. Đầu năm nay, vì đình công bất hợp pháp, khoảng 1.200 công nhân đã bị sa thải khỏi các nhà máy cung ứng cho các nhãn hiệu H&M và Marks & Spencer. Đồng thời, chi phí nhân công ở Campuchia cũng đã tăng nhanh. Từ năm 1997, lương tối thiểu hằng tháng ở nước này đã tăng từ 40 đô la lên 182 đô la vào năm nay. Nếu tính luôn phúc lợi công nhân và các trợ cấp khác, chi phí sẽ là 210 đô la, cao hơn lương cơ bản hằng tháng tại Bangladesh, Sri Lanka, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan và Lào. Trong những năm gần đây, biểu tình và đình công của công nhân ngày càng trở nên phổ biến. Trong khi đó, năng suất lao động của Campuchia chỉ bằng 60% của Trung Quốc, đứng sau cả Việt Nam và Indonesia, những nước có năng suất bằng 80% của Trung Quốc. So với Trung Quốc, Campuchia có chuỗi cung ứng kém hiệu quả hơn, từ cơ sở hạ tầng cho đến các cơ sở hỗ trợ ngành công nghiệp chế tạo. Do đó lại làm phát sinh thêm chi phí cho các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ vậy, sang năm Campuchia còn có thể mất ưu đãi miễn thuế khi xuất khẩu sang EU sau khi Liên minh này khởi động vào tháng Hai vừa rồi một tiến trình hủy bỏ các ưu đãi thương mại cho Campuchia do các lo ngại về nhân quyền. Trong khi đó, Việt Nam được xem là bên hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ-Trung. Nhờ vào sự thay thế nhập khẩu và các tác động lan tỏa khác, Việt Nam đang hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại, với mức tăng trưởng kinh tế bổ sung có thể ở mức 7.9%, theo một báo cáo của Nomura Securities. Song đó là cách nhìn quá đơn giản vấn đề: nhóm nghiên cứu của Anbound tin rằng cơ hội lịch sử của Việt Nam đi kèm những rủi ro lớn. Việt Nam là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, vốn tiếp tục nhập khẩu quy mô lớn. Lạm phát do nhập khẩu là một viễn cảnh trông thấy và sẽ gây áp lực khiến chi phí nhân công tăng. Các công nhân, khi nhận thấy tác động từ lạm phát tăng cao, sẽ càng có động lực tiến hành biểu tình và đình công. Chính phủ có thể nhượng bộ yêu cầu đòi tăng lương để chống lại lạm phát nhập khẩu. Song làm như vậy Việt Nam sẽ mạo hiểm đánh mất lợi thế là thiên đường nhân công giá rẻ trong mắt các nhà đầu tư. Việt Nam đã tận hưởng tăng trưởng kinh tế cao và mức tăng tưởng 7,08% của năm ngoái đã vượt quá kỳ vọng. Tuy nhiên, vẫn còn đó nguy cơ gặp phải tình trạng “nghẽn cổ chai phát triển”. Một biểu hiện là sự gia tăng số lượng cao ốc ở các thành phố Việt Nam, một dấu hiệu đáng báo động rằng lợi nhuận từ ngành chế tạo đang chảy nhanh vào ngành bất động sản thay vì được tái đầu tư để mở rộng sản xuất. Hơn nữa, Việt Nam đang thu hút một lượng rất lớn FDI – 10.8 tỉ đô la chỉ trong quý 1 năm nay – làm gia tăng mức độ nhạy cảm của nền kinh tế trước những chuyển dịch của tư bản nước ngoài. Rõ ràng trong ngắn hạn, Campuchia và Việt Nam chắc chắn sẽ hưởng lợi lớn từ quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu và tái dịch chuyển ngành chế tạo. Song, không như Trung Quốc, các nền kinh tế và thị trường nhỏ hơn này chứa đựng những rủi ro đáng kể mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải suy xét rất kỹ lưỡng. Chi phí tăng, “nghẽn cổ chai phát triển”, lực lượng lao động kém hiệu quả hơn, chuỗi cung ứng yếu hơn, và các phong trào công đoàn mạnh mẽ hơn sẽ dần trở nên rõ ràng trong những năm tới – đặt Việt Nam và Campuchia vào chính tình thế bất lợi của Trung Quốc bây giờ. Cuối cùng, trong một thế giới mà tình trạng sản xuất dư thừa đang trở nên tràn lan và vượt khỏi tầm kiểm soát, những sự tái phân bổ đầu tư nước ngoài như vậy sẽ chỉ càng làm sản xuất dư thừa thêm. Và nếu như một cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ, các nền kinh tế nhỏ hơn như Việt Nam và Campuchia sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Chen Gong Chen Gong là người sáng lập và là nhà nghiên cứu chính của Viện nghiên cứu độc lập Anbound, thành lập năm 1993 và đặt trụ sở tại Bắc Kinh. Nguyên bản Anh ngữ: “Moving factories from China to Southeast Asia? Watch out for rising costs and strikes”, South China Morning Post, 1 tháng Bảy, 2019. Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế  
......

Vì sao hàng loạt cán bộ và công an xã ‘ra đi tìm đường cứu thân?’

Ngoài lực lượng công an chính quy, nhà cầm quyền Việt Nam còn phải nuôi một lực lượng công an viên cấp phường xã bằng ngân sách. (Hình: Getty Images) Phạm Chí Dũng/Người Việt| Mặc dù cố công giấu diếm nhưng rốt cuộc nhà cầm quyền Việt Nam cũng không thể che đậy một sự thật trần trụi đã và đang diễn ra một làn sóng ngày càng mạnh là càng nhiều quan chức cấp xã và cả cấp huyện, quận tìm kế “ra đi tìm đường cứu thân” thông qua con đường xuất khẩu lao động. Bi kịch “còn đảng còn mình” Trong nửa đầu năm 2019, báo chí nhà nước nhiều lần đưa tin về nhiều lãnh đạo, viên chức đảng viên từ cấp xã cho đến cấp tỉnh ở Hà Tĩnh và một số địa phương khác đã nghỉ việc trong hệ thống hành chính nhà nước để đi tìm tương lai mới bằng con đường xuất khẩu lao động, hoặc đi làm ở ngoài. Phan Khắc Ấn, phó bí thư đảng ủy xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh là một đơn cử. Quan chức cấp nhỏ này đã xin nghỉ việc vì lương không đủ nuôi gia đình, mặc dù ông Ấn đã được cơ cấu quy hoạch vào làm lãnh đạo xã trong tương lai. Vào Tháng Giêng, 2019, ông Dương Văn Quyền, phó chủ tịch xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, cũng đã xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động bên Đức vì sau 14 năm làm việc vì lương quá ít. Sáu viên chức, lãnh đạo khác cấp xã cũng đã nghỉ việc vì lương không đủ lo cho gia đình. Nạn nghỉ việc không chỉ thuộc về khối hành chính dân sự mà còn gắn bó mật thiết với lực lượng “còn đảng còn mình” và “thanh kiếm và lá chắn”: công an. Ông Trần Huy Liệu, phó giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thực trạng viên chức, lãnh đạo tại Hà Tĩnh, chủ yếu là trưởng và phó trưởng công an cấp xã bỏ việc đi xuất khẩu lao động đã diễn ra từ vài năm trở lại đây. Nguyên nhân là những người này muốn có một môi trường làm việc với thu nhập tương xứng hơn so với công sức họ đã bỏ ra. Nguyễn Văn Mạnh, phó trưởng công an xã Kỳ Hợp đã phải nghỉ việc đi làm nhân viên cho công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Vào năm 2018, báo Pháp Luật TP.HCM cho biết tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh, trưởng công an xã Thiên Lộc là ông Lê Anh Thắng đã làm đơn xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động. Ông Thắng tốt nghiệp trung cấp an ninh, được bổ nhiệm trưởng công an xã vào Tháng Ba năm 2017, vào biên chế hệ số lương chưa được 3 triệu đồng/tháng. Trong đơn, ông Thắng nêu lý do vì thu nhập không đảm bảo cuộc sống gia đình cho nên xin nghỉ việc để đi làm ăn kinh tế, kiếm kế sinh nhai, đảm bảo cuộc sống. Trước đó vào năm 2017, chỉ riêng ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã có ít nhất 60 trường hợp công an xã, công an ấp nghỉ việc để ra ngoài làm công nhân, bảo vệ, phụ việc nhà giúp gia đình. Một con số từ công an Bà Rịa-Vũng Tàu đã chứng thực cho tình trạng khốn khó của công an xã: mức phụ cấp của giới này đã rớt xuống chỉ còn 1.6-1.7 triệu đồng/người/tháng, tức giảm đến phân nửa so với những năm trước. Tuy báo chí nhà nước ít khi đưa tin, hoặc hạn chế thông tin về sự thật chưa từng có trên, song tình trạng công an xã và trên cấp xã nghỉ việc không chỉ xảy ra ở Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều tỉnh và kể cả thành phố khác. Hệ lụy của ngân sách tồi tệ rõ ràng đang gây tác động tiêu cực ngay với giới công chức, giới công an trị và khiến xảy ra xu hướng khó cưỡng lại là một bộ phận trong giới này phải “ra đi tìm đường cứu thân,” đồng thời phác ra triển vọng không chỉ công chức, công an cấp xã, mà sắp tới còn cả công chức, công an cấp quận huyện, cấp tỉnh thành và cả cấp bộ có thể rơi vào tình trạng “bán thất nghiệp,” “thu không đủ chi” và do đó có thể kéo nhau xin nghỉ việc. Hiện tượng hàng loạt quan chức cấp xã bỏ việc để đi xuất khẩu lao động lại liên đới trực tiếp đến tình hình thu ngân sách quốc gia ngày càng èo uột. Bi kịch ngân sách 2017 là năm đầu tiên mà ngân sách bị hụt thu đến hơn 3% so với dự toán đầu năm, nếu không tính đến khoản “bán mình” – tức 110,000 tỷ đồng thu được từ bán vốn nhà nước tại Sabeco (tổng công ty Rượu Bia-Nước Giải Khát). Kết quả 96.8% thu ngân sách trên không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán. Hẳn đó là nguồn cơn sâu xa khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam phải hoảng hồn trước cơn ác mộng ngân sách cho đội ngũ “còn đảng còn mình.” Bồi thêm một phát đại bác vào bức thành loang lổ rệu mục của ngân sách Việt Nam, hội thảo “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” – tổ chức ngày 25 Tháng Ba, 2019 tại Hà Nội – có một đánh giá rất quan trọng: “Quy mô thu ngân sách của Việt Nam hiện đã ở mức cao và khó có thể gia tăng thêm.” Bản nghiên cứu trên đã gián tiếp cảnh báo về nạn “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” của đảng Cộng Sản và chính phủ của thủ tướng “Cờ Lờ Mờ Vờ”: nếu xem tiền trong túi dân chúng là một nguồn tài nguyên vô tận thì đó là một não trạng áp đặt rất chủ quan duy ý chí, cả tham lẫn ngu và cực kỳ sai lầm. Cho dù “Bộ Thắt Cổ” (một tục danh mà người dân biệt đãi cho Bộ Tài Chính) vẫn còn treo đó thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) mà chưa dám tăng từ 10% lên 12% do phản ứng dữ dội của doanh nghiệp, người dân và còn bởi cơ chế tăng thuế VAT rất nhiều khả năng sẽ nhấn thêm nền kinh tế vào nạn suy thoái, sự thật hiển nhiên và trần trụi là trong hai năm 2017 và 2018, Tổng Cục Thuế đã phải chịu cảnh thất thu ở nhiều địa phương, kể cả Sài Gòn – nơi được Hà Nội ví là “Con bò sữa.” Có còn theo đảng? Mặc dù công an, cùng với quân đội, là lực lượng có hệ số “lương cứng” thuộc loại cao nhất quốc gia, nhưng thu nhập của những giới này ngày cang teo tóp trong cơn bão giá cả và lạm phát ở Việt Nam. Hàng năm, trong khi Chính phủ và Tổng Cục Thống Kê chỉ đưa ra chỉ số lạm phát dưới 5%, mức trượt giá thực tế cao hơn rất nhiều – có thể lên tới 20-30%. Một trong những nguồn cơn chính gây ra lạm phát là in tiền. Vào những cái tết nguyên đán gần đây, một số nhân viên an ninh than vãn: những tết năm trước còn được 180 ngàn đồng và một cặp bánh chung, nhưng năm nay chỉ có 180 ngàn đồng mà không có bánh chưng! Một mục sư Tin Lành ở Sài Gòn cho biết cơ quan công an địa phương nơi ông cư trú có chủ trương giảm đến 30% nhân sự. Không biết vô tình hay hữu ý, từ khoảng một năm qua “cơ chế” an ninh canh theo (canh gác – theo dõi) mục sư này đã lơi hẳn. Nếu trước đó luôn có vài ba công an mặc thường phục “chốt” ngay trước nhà ông hàng ngày, từ giữa năm 2016 đến nay công an đã bỏ chế độ canh theo thường xuyên mà chỉ còn “chốt chặn” vào những đợt cao điểm như hành lễ tôn giáo hoặc các dịp lễ 30 Tháng Tư, 2 Tháng Chín… Tuy thế, một tương lai không mấy mong đợi dành cho giới công an trị là sẽ không mấy dễ dàng để chuyển qua công việc khác. Tương lai giới công an trị có thể được đi xuất khẩu lao động cũng khá ngặt nghèo. Trường hợp trưởng công an xã Thiên Lộc Lê Anh Thắng đi xuất khẩu lao động được cho là một may mắn hiếm có. Bởi đến nay, nhiều thị trường lao động truyền thống của Việt Nam đã chính thức đóng cửa và trả lại lao động cho Việt Nam, khiến con số lao động Việt Nam dôi dư hiện thời mà không thể xuất khẩu lao động lên đến hàng triệu người. Trong lúc tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở Việt Nam lên đến ít ra 20% – gấp hàng chục lần con số báo cáo của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, nhiều cử nhân đại học còn phải chạy xe ôm hoặc làm công nhân…, những người có xuất thân công an ít chuyên môn, kỹ năng, lại là giới bị người dân và doanh nghiệp ít ưa nhất, sẽ rất khó để tìm được những công việc “màu mỡ” hay có mức thù lao cao. May ra chỉ có thể đi làm bảo vệ như một số công an xã sau khi xin nghỉ công việc “bảo vệ đảng.” Phạm Chí Dũng https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/vi-sao-hang-loat-can-bo-va-cong-an-xa-ra-di-tim-duong-cuu-than/  
......

Câu chuyện 300 bộ áo dài của bà Kim Ngân!

Diễm Quỳnh Câu chuyện nhà thiết kế áo dài Võ Việt Chung tiết lộ là đã may cho bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khoảng 300 bộ áo dài từ năm 2016 cho đến nay, gây ra một số những phản ứng khác nhau trong dư luận. Có người thì cho là bà Ngân cần nhiều bộ áo dài như vậy để tiếp khách và là khuôn mặt “ngoại giao” của đảng; nhưng đa số thì cho đó là một sự phí phạm, trong lúc đất nước đang bị kiệt quệ ngân sách vì nạn tham ô nhũng lạm quá mức ở mọi cấp. Mỗi bộ áo dài của bà Kim Ngân sẽ tốn từ vài chục hay đến trăm triệu, và với 300 bộ của Võ Việt Chung thì ngân sách phải chi không thể dưới 30 tỷ đồng. Mặc dù đây là khoản tiền chi không từ túi riêng của bà chủ tịch Quốc Hội mà từ ngân sách của nhà nước, nhưng phải nói là con số tiền khủng. Từ câu chuyện bà Kim Ngân có 300 chiếc áo dài, làm người ta liên tưởng đến chuyện quan chức ở nhà biệt thự to, đi xe sang, đeo đồng hồ đắt tiền, cho con cái đi học nước ngoài, mua nhà ở Mỹ… đặt người dân trước những nghi vấn về nguồn gốc tài sản mà quan chức đó thủ đắc. Năm 2017, bà Châu Thị Thu Nga đã khai trước tòa là bà ta mua chiếc ghế đại biểu quốc hội 1,5 triệu đô la, thế nhưng ai bán cho bà Nga chiếc ghế 1,5 triệu đô đó thì chẳng thấy tòa nói. Qua sự kiện này, người ta thấy gì? Để may 300 chiếc áo dài trị giá 1,5 triệu Mỹ Kim, thực ra chỉ bằng một cái gật đầu bán một trong 500 chiếc ghế tại Quốc Hội mà thôi. Chuyện quan chức đảng và nhà nước sống xa hoa trên sự khốn cùng của người dân đã có từ thời ông Hồ Chí Minh. Mặt trước giản dị để mị dân, mặt sau thì kinh khủng. Chuyện áo dài của bà Ngân khiến người dân nhớ lại vào đúng mùng một Tết năm 2015, tấm ảnh được báo Tiền Phong đăng nơi trang nhất cho thấy nội thất tư gia của cựu Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh có cách bài trí xa hoa với chiếc ghế ông ngồi không khác gì chiếc ngai vàng thời phong kiến, một khung cảnh xa hoa đến choáng ngợp. Những bàn, ghế được dát vàng sáng loáng y hệt như ngai vàng thời phong kiến. Tiền đâu ra mà họ sử dụng nó xa hoa đến vậy? Câu trả lời là sự nghèo khổ của nhân dân, đất nước tụt hậu là cái giá cho sự sống xa hoa đó. Tờ Thời Báo Tài Chính Việt Nam, ngày 16 tháng Giêng, 2018 có đăng bài “Xuất khẩu lao động đạt số lượng kỷ lục trong năm 2017”, thì hằng năm Việt Nam có cả trăm ngàn người phải bỏ xứ làm culi nước ngoài để kiếm “ngoại tệ mạnh” về cho đất nước. Tờ Đất Việt cũng cho con số, mỗi năm có 18.000 gái Việt ra nước ngoài hành nghề mại dâm. Vì sống không nổi tại Việt Nam mà dân Việt đã trở thành miếng mồi ngon cho bọn buôn người quốc tế. Chuyện phụ nữ trẻ em bị bọn buôn người bắt cóc bán sang Trung Quốc là chuyện thường ngày ở huyện, và hiện nay đang nóng vụ 472 trẻ em Việt Nam bị mất tích tại Berlin. Đây là nỗi buồn nỗi hận cho một dân tộc bị bức tử, bị đảng và nhà nước bóc lột để phục vụ cho thói xa hoa tột cùng của họ, không còn cách nào khác nhân dân phải túa ra nước ngoài làm culi và bán dâm để gởi đô la về nước nuôi những tầng lớp này, và rất nhiều trong họ là nạn nhân của bọn buôn người. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý I năm 2019 gần 1,1 triệu người. Người dân đang đói khổ hiện có 2.149.000 hộ nghèo. Đó chỉ là phần nổi, những phần khác chưa thống kê số lượng được bao gồm: số lượng người bán vé số tại Việt Nam, công nhân lao động phổ thông, người vô gia cư, trẻ em không được đi học, trẻ đi ăn xin. Chuyện quan chức và gia đình sống xa hoa, phô trương xảy ra ngày càng nhiều đến mức tại hội nghị toàn quốc học tập, quá triệt Nghị quyết Trung ương 8 diễn ra ở Hà Nội vào sáng ngày 23 tháng Mười Một, 2018, Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Phạm Minh Chính phải lên tiếng yêu cầu các đảng viên cao cấp “phải có trách nhiệm nêu gương, kiểm soát không để vợ/chồng, con sống xa hoa, phô trương lãng phí, vi phạm pháp luật.” Người dân rất quan tâm tới trí tuệ, phẩm cách vì dân vì nước của các lãnh đạo cao cấp, trong đó có bà Kim Ngân. Mấy ai quan tâm tới 300 bộ áo dài, khi mà gánh nặng thuế má còn è vai, lúc nào cũng phải chổng mông, bán mặt cho đất bán lưng cho trời? Con người được sinh ra họ hướng tới điều gì? Thứ nhất là tự do, thứ nhì là sự thịnh vượng, 2 yếu tố này sẽ cấu thành chất lượng cuộc sống cho cá nhân, và cũng chính 2 yếu tố này cấu thành sự cường thịnh cho một quốc gia. Dưới chế độ CS, người dân Việt Nam bị tước bỏ mất 2 yếu tố này, chính vì vậy mà hiện nay, người Việt Nam đang tìm cách ra nước ngoài bằng nhiều cách: tị nạn giáo dục, tị nạn kinh tế, tị nạn tôn giáo, tị nạn sắc tộc, tị nạn chính trị v.v… Nếu nói “Giấc mơ Mỹ” là cục nam châm hút mọi người trên thế giới di cư vào Mỹ, thì với tình cảnh hiện nay của đất nước, có thể gọi cảnh này là “Ác mộng Việt”. Chính ác mộng này đã xua đuổi dân Việt tìm cách thoát khỏi đất nước hình chữ S đầy khó nhọc này. Năm 2016, “Hồ sơ Panama” với lượng tài liệu mật khổng lồ tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực giấu tài sản của họ. Dữ liệu do Hiệp Hội Nhà Báo Điều Tra Quốc Tế (ICIJ) công bố hôm 10 tháng Năm, 2016 có 189 tên cá nhân, tổ chức và 19 công ty vỏ bọc có liên quan đến Việt Nam. Còn theo thống kê của Hiệp Hội Địa Ốc Quốc Gia Mỹ (NAR) thì từ tháng Tư, 2016 đến tháng Ba, 2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ. Trong đó, số tiền người Việt đứng thứ 6 trong Top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ với số tiền trên 3 tỷ USD, tương đương hơn 68.000 tỷ đồng. Người cộng sản khi kêu gọi người dân cùng họ vùng lên đánh đổ chế độ phong kiến và người Pháp đô hộ đã sử dụng khẩu hiệu ‘cơm no, áo ấm’ cho giai cấp bần cùng trong xã hội. Gần 100 năm sau, khẩu hiệu nói trên vẫn là khẩu hiệu vì tại Việt Nam ngày nay, vẫn còn có nhiều thành phần như nông dân, người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, và thậm chí những công nhân ở đô thị vẫn phải sống trong thiếu thốn, chạy ăn từng bữa. Những cảnh đời khốn khổ vẫn xuất hiện trên truyền thông; trong khi đó những vị lãnh đạo khai có gốc gác là thành phần nông dân, công nhân bị áp bức, bóc lột bởi phong kiến, thực dân, tư bản nay sống không khác gì những thành phần mà chính họ lên án. Những người quan tâm trước thực trạng vừa nêu nhắc lại câu nói của Karl Marx, ông tổ cộng sản, rằng ‘Chỉ có loài thú mới quay lưng với nỗi khổ đau của đồng loại để làm đẹp bộ da (lông) của mình!’ Diễm Quỳnh  
......

Vài dòng nhân vụ khởi tố Luật Sư Trần Vũ Hải

Phạm Minh Hoàng Tôi biết Luật Sư Trần Vũ Hải vì ông đã là người đại diện pháp lý cho tôi, và lần tiếp xúc đầu tiên với ông là trong trại tạm giam B34. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi trao đổi với Luật Sư Trần Vũ Hải là một con người rất… lãnh cảm mà người ta hay gọi là COOL. Mình thì rầu thúi ruột vì sắp ra tòa mà ông thì vẫn “vô tư”, cười nói như không có chuyện gì quan trọng. Sau này khi nghe Luật Sư Trần Vũ Hải phát biểu tại tòa cũng như có dịp tiếp xúc với các luật sư khác, tôi thấy hình như ai trong giới luật sư cũng “vô tư” như thế. Thậm chí nhiều lúc tôi tự hỏi là nếu (chẳng may) mình đi theo nghề này thì mình cũng “vô tư” không chừng. Tôi nghe nói bên Mỹ bất kỳ cái gì người ta cũng có thể lôi nhau ra tòa và luật sư được đồng hóa cho những gì là mánh mung, thủ đoạn − thậm chí còn vô đạo đức nữa. Riêng tôi, tôi còn dị ứng với mấy cái áo thụng họ mặc khi ra tòa − trông như nhóm IS (Hồi Giáo quá khích). Xin lỗi quý anh chị đã và đang hành nghề luật sư về những chia xẻ thẳng thắng của tôi ở trên. Nhưng đó chỉ là ấn tượng có thể đúng và có thể sai, nhưng từ đây trở xuống cuối bài, tôi lại có một số nhận xét khác, sau khi nghe tin vợ chồng Luật Sư Trần Vũ Hải bị “khởi tố”. Điều thông cảm trước tiên cho giới luật sư − đặc biệt là các luật sư dám bảo vệ cho các tù nhân lương tâm là bị chụp cho cái mũ “vi phạm đạo đức nghề nghiệp” hoặc “vi phạm pháp luật” trước khi bị đe dọa tước giấy phép hành nghề. Tôi tự hỏi “đạo đức” mà nhà cầm quyền cũng như mấy ông gọi là chủ nhiệm luật sư đoàn là gì ? Trong bài phỏng vấn trên báo Sàigòn Giải Phóng tháng Sáu, 2003, Luật Sư Nguyễn Đăng Trừng đã nói rằng “ngoài nhiệm vụ bảo vệ cho thân chủ của mình, luật sư còn có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa (…) khi bào chữa luật sư phải thấy hết những bức xúc khác của xã hội, có nghĩa là luật sư không chỉ biết thấy “cây” mà còn phải thấy “rừng”! Tôi thiết nghĩ chẳng có luật sư nào “ngu” đến nỗi vi phạm pháp luật trong khi bảo vệ cho thân chủ của mình cả. Cái gọi là “đạo đức” đưọc nêu ra ở đây thường được dùng để nói về nỗi đau của người bị hại (nạn nhân). Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của tư pháp là nguyên tắc suy đoán vô tội. Điều này đã được ghi rõ ràng trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như trong các văn bản pháp lý của V iệt Nam. Nếu vô tội thì luật sư cũng phải được bình đẳng với công tố viên trước tòa. Luật sư sẽ phải làm mọi cách − thậm chí là khai thác những kẽ hở của luật pháp, của nhân chứng để bảo vệ cho thân chủ của mình, điều này không có nghĩa là họ chà đạp lên nỗi đau của nạn nhân. Theo Luật Sư Lê Công Định − cũng là một tù nhân lương tâm thì “bảo vệ cho những công dân phạm pháp không thể bị đồng lõa với cái xấu và cái ác”. Dĩ nhiên, trong cách tra vấn nhân chứng, cũng có nhiều luật sư sử dụng những ngôn từ, những cách nói có tính cách khích bác dễ làm người nghe bực mình. Luật Sư Nguyễn Văn Đài, người từng bị kết án 2 lần vì tranh đấu cho nhân quyền đã nói rằng chính nhà nước mới phải xem lại cái gọi là “đạo đức” của họ. Luật Sư Đài cho hay việc tra tấn, ngược đãi bức cung, ép cung của điều tra viên để lấy lời khai của bị can là chuyện thường xảy ra. Báo chí đã nêu vụ hơn 200 người bị chết trong đồn công an sao chẳng thấy nhà đạo đức học nào lên tiếng? Khi nghe nói về “đạo đức”, về “pháp chế XHCN”, về “thấy cây mà không thấy rừng”, tôi tự hỏi, luật sư đoàn có “thấy” được những “cánh rừng Thủ Thiêm, Dương Nội, Lộc Hưng” hay không? Cũng nhân nói về Lộc Hưng, tưởng cũng nên nhắc lại là nhóm “Luật Sư Lộc Hưng” trong đó đứng đầu chính là Luật Sư Trần Vũ Hải thường bị mai mỉa là “nhóm luật sư toàn thua”. Thắng quái nào được trong cái “đạo đức và pháp chế XHCN”? Tôi thích cái từ “đạo đức và pháp chế XHCN” vì thực sự nó diễn tả rất đúng bản chất nền tư pháp XHCN ngày nay đầy rẫy những bất ngờ. Trước tiên, theo các quy định trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như trong các văn bản pháp lý của Việt Nam thì ai cũng nghĩ rằng người dân phải được đại diện bởi luật sư, nhưng thực ra điều này không được áp dụng với các tội danh có “màu sắc chính trị”. Chẳng có tù nhân lương tâm nào được phép gặp luật sư của mình trước khi kết thúc điều tra, nghĩa là khi mọi chuyện đều xong (theo ý của điều tra viên), và vai trò luật sư thực sự chỉ là “nâng đỡ tinh thần” cho bị cáo. Điều này, ngay cả Quốc Hội cũng thấy không ổn. Chính ông Vũ Đức Khiển, Chủ Nhiệm UB Pháp Luật khóa X cũng đã cho rằng việc luật sư tham gia vào vụ án liên quan đến bí mật quốc gia từ đầu cũng là để giúp hội đồng xét xử ra những bản án đúng, tránh oan sai. Giống như bầu cử ở Việt Nam không có “văn hóa tranh cử công khai”, thì trong tòa án ở Việt Nam không có “văn hóa tranh tụng công khai”! Ra tòa, viện kiểm sát đọc cáo trạng xong đến luật sư đọc bản bào chữa. Sau đó tòa hỏi qua loa vài câu rồi tuyên án. Theo trình tự như thế thì một khi cơ quan điều tra hoàn tất công việc, thì không nhất thiết phải đối chất tại tòa. Chính vì thế chỉ có ở nước ta thành ngữ “án tại tòa”. Chuyện phi lý tưởng như chỉ hiện hữu trong thời phong kiến theo đó “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” mà nó vẫn tồn tại đến ngày hôm nay trên đất nước chúng ta. Nói một cách chính xác, thì ngoài tòa luật sư cũng có thể chất vấn viện kiểm sát, nhưng trả lời hay không lại là chuyện khác! Án oan sai là chuyện không thể chối cãi được. Ngay cả chánh án tòa án nhân dân và các đại biểu quốc hội cũng nhìn nhận. Dư luận còn chưa quên những Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Tràn Văn Thêm, Bùi Minh Hải, Trần Văn Chiến… Đó là các vụ “chấn động”, còn”lẻ tẻ” thì chắc phải đến chục nghìn như chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Nguyễn Văn Hiện đã bộc bạch. Đến ngày nào mà “một đít ngồi ba ghế”, khi nào mà “đạo đức và pháp chế XHCN” còn ngự trị, khi nào còn dùng luật sư như một thứ trang trí cho ngành tư pháp thì chúng ta còn đi ngược với những giá trị cơ bản của Con Người và mãi mãi công lý chỉ là một diễn viên hài. Phạm Minh Hoàng https://viettan.org/vai-dong-nhan-vu-khoi-to-luat-su-tran-v…  
......

Hãy khóc cho tiếng Việt

Manh Kim Thay vì làm to chuyện với một slogan quảng cáo thì “cơ quan chức năng văn hóa” nên tìm giải pháp khẩn cấp để chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn tiếng Việt. Cái gọi là “rất phản cảm, thiếu văn hóa và thiếu thẩm mỹ” đang hiện diện tràn lan trong việc sử dụng tiếng Việt và không chỉ với một từ mà với vô số từ và vô số câu. Nếu nói tiếng Việt là một trong những tấm “căn cước” định tính cho văn hóa dân tộc thì cách sử dụng tiếng Việt thời đại này đã cho thấy tấm căn cước tiếng Việt đang bị phá phách ẩu tả đến mức đáng hổ thẹn. Từ việc ghép từ vô tội vạ đến tình trạng đặt ra những “khái niệm” ngữ nghĩa méo mó (chẳng hạn “trạm thu giá”), tiếng Việt đang bị sử dụng với một thái độ vừa cưỡng bức vừa khinh rẻ. Nếu cần tìm một bằng chứng cho thấy văn hóa xuống cấp và chọn ra nạn nhân tiêu biểu thì tiếng Việt là nạn nhân không thể không nhắc. Không chỉ “cưỡng hôn” – được hiểu lệch lạc là “cưỡng bức để được hôn”, còn có vô số kiểu nói kỳ quái khác. Trong thực tế, có bao giờ chúng ta nói “Nè, khi đang tham gia giao thông thì tạt qua tiệm bánh mì mua giùm cho tôi một ổ”! Có bao giờ người ta nói, “đang tham gia giao thông thì tôi gặp cậu ấy…”! Ai đặt ra cái cụm từ dị hợm này? Ngoài ra, có thể kể vô số từ bình thường khác cũng đang được dùng một cách bất thường. “Quá trình” là một ví dụ. Cái gì cũng “quá trình”. Trường hợp nào cũng “quá trình”. Sự việc nào cũng “quá trình”… “Một thí sinh dùng máy trợ thính trong quá trình thi”; “Một giáo viên tử nạn trong quá trình làm nhiệm vụ coi thi”. Chưa hết, “trong quá trình uống café”, “trong quá trình ăn tô hủ tíu”, “trong quá trình tham gia giao thông”… Kinh hoàng hơn là gần đây người ta “tinh giản” luôn chữ “trong” khi nói về một “quá trình” – chẳng hạn “Quá trình đi từ bàn mình đến bàn nạn nhân, hung thủ rút sẵn con dao ra cầm trên tay”! Trong khi đó, “quá trình” – được định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt (chủ biên Hoàng Phê, Viện Ngôn ngữ học, NXB Hồng Đức 2018) – như sau: “Tổng thể nói chung những hiện tượng nối tiếp nhau trong thời gian, theo một trình tự nhất định của một sự việc nào đó”. Dĩ nhiên chẳng ai đòi hỏi viết báo phải dùng câu chữ đẹp đẽ và kiêu kỳ như nhạc ngữ trong âm nhạc Phạm Duy nhưng biến mình thành học trò tiểu học khi viết báo thì thật không nên! Việc viết sai chính tả một cách bất chấp và báo chí đăng sai chính tả một cách bất kể đã không còn là “hiện tượng”. Nó đã trở thành một tệ nạn, một thảm trạng thật sự đối với chữ Quốc ngữ. Viết sai chính tả là “chuyện nhỏ”. Bây giờ là thời của những lộn xộn giữa “bàng quan” và “bàng quang”; giữa “rốt cuộc” và “rốt cục” (sai); giữa “kết cục” và “kết cuộc” (sai)… Giờ là thời “thích là xài”, chẳng cần tìm hiểu hay mất thời giờ tra cứu từ điển, cho nên mới không phân biệt được “điểm yếu” và “yếu điểm”; cho nên mới viết “thăm quan” thay vì “tham quan”. Tình trạng tiếng Việt bị hạ xuống trình độ “cấp tiểu học” lại xảy ra với một nghịch lý là thích làm sang. Thay vì viết “tôi thấy” thì người ta cứ nói “tôi mục sở thị”! Giữa việc trang điểm ngôn ngữ với việc làm dáng nhưng không giấu được điệu bộ giả tạo che đậy cái lớp quê mùa chữ nghĩa là một lằn ranh không phải không khó thấy. Nhân tiện nói thêm, việc nhầm lẫn các từ Hán Việt cũng là “hiện tượng thời đại”. Mới đây, tôi đã đọc một bài điểm sách, trong đó, vị nhà báo nổi tiếng nọ đã ví ngôn ngữ văn chương như một thứ “thần quyền” để phục vụ cho “thần dân” (với ý nghĩa của “thần” trong “thần dân” thuộc khái niệm… “thần thánh”!). Không chỉ sai lệch chữ và nghĩa mà tiếng Việt ngày nay còn méo mó cấu trúc. Thay vì nói “Chương trình này được Sony tài trợ”; người ta thích nói “Chương trình này được tài trợ bởi Sony”. Như thế còn đỡ. Người ta thậm chí còn nói “Thủ tướng VN đã được đón tiếp bởi ông Shinzo Abe”. Người ta không thấy lạ khi nói “Đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy”, mà thay vì phải nói một cách bình thường: “Người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm”. Thay vì nói “Thí sinh này ở Tiền Giang” thì lại dùng “Thí sinh này đến từ Tiền Giang”, như thể phải vậy mới là ngôn ngữ của thời hội nhập. Where are you from, hử anh/chị dẫn chương trình? Are you from Vietnam? Rồi còn “fan hâm mộ”, rồi “cặp đôi”, rồi còn đầy những câu không hề có chủ ngữ: “Sốc với phát biểu…”; “Choáng với hình ảnh”… Nếu thời chiến tranh người ta “khóc cười với vận nước nổi trôi” thì ngày nay chúng ta cần phải biết khóc trước sự bi thảm mỗi lúc mỗi tệ của chữ Quốc ngữ. Trong thực tế, nhiều hội thảo “làm trong sáng tiếng Việt” đã liên tục được tổ chức nhưng nếu đọc các tham luận này sẽ thấy hầu hết đều nhắc đi nhắc lại lời nói của ông Hồ Chí Minh về việc đề cao “làm trong sáng tiếng Việt”. Việc viện dẫn phát biểu của một người mà tiếng Việt của ông ta luôn đáng “minh họa” cho sự bi thảm của tiếng Việt – được ông ấy dùng trong cái thời mà Việt Nam có vô số nhân vật có thể nói là bậc thầy ngôn ngữ, từ cụ Phan Khôi đến các nhà văn-thi sĩ kiệt xuất phải lâm vào cảnh bi thương trong cái “vụ án” gọi là “Nhân văn Giai phẩm” – cho thấy điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Thậm chí ngay cả khi ông Hồ có tài giỏi tiếng Việt thì việc trích lời ông ta cũng không phải là giải pháp. Cần phải làm gì, làm như thế nào, làm từ đâu… mới là điều nên bàn. Báo chí cũng đừng nhắc đi nhắc lại nữa câu nói của cụ Phạm Quỳnh “Tiếng nước ta còn, nước ta còn”. Báo chí cần tự sửa mình trước, thay vì cứ nói về cái sự đang biến mất hoặc đang biến dạng. Tìm kiếm giải pháp toàn diện cho việc “cứu” tiếng Việt không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức, nhưng trước mắt, và cần kíp, chính báo chí phải tiên phong trong việc chấn chỉnh lại biên tập. Báo chí cần làm gương trong việc “làm trong sáng tiếng Việt”. Cứ thích đề cập đến bảo tồn và gìn giữ văn hóa, tại sao lại đối xử với tiếng Việt theo cách như đang chứng kiến! Khi nhà báo than thở trước hiện tượng di tích văn hóa xuống cấp trong một bài viết nghệch ngoạc chấm phẩy tùy hứng thì sự xuống cấp văn hóa đã vô tình bị đẩy xuống thêm một cấp nữa rồi. Khi nhà báo còn viết đầy lỗi chính tả, thường xuyên và cố ý, như có thể thấy hàng ngày trên trang cá nhân của họ, thì sao họ có thể dạy con mình "yêu tiếng Việt", hoặc chứng tỏ cho con em mình thấy mình "quý tiếng Việt" bằng việc đi thắp nhang ở mộ các bậc tiền nhân khai xướng tiếng Việt?  
......

Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam IJAVN và khát vọng tự do báo chí

An Viên -  Việt Nam Thời Báo Mùa hè năm 2014, cùng với sự kiện đòi hỏi chính phủ hành động nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo trước hành vi xâm lấn trực tiếp của Bắc Kinh, nhiều hội đoàn độc lập cũng đã ra đời, và Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN) là một trong số đó. Đó một dấu hiệu hy vọng hiếm có cho xã hội dân sự Việt Nam. Bởi lẽ, xã hội Việt Nam dưới một hệ thống đơn đảng đã trở thành một nhà nước theo dõi, không có bất kỳ mảng ngành nào, hoặc khía cạnh nào thoát khỏi tầm kiểm soát từ phía chính quyền nhà nước. Báo chí là một lĩnh vực đặc biệt, đến mức, một tổ chức với tên gọi Ban Tuyên Giáo Trung Ương ra đời chỉ để đưa yếu tố này vào khuôn khổ, phục vụ cho mục đích của chính đảng (ĐCSVN). Và vì lẽ đó, một yếu tố mới về cả tổ chức hay phương thức báo chí, đều được đánh giá như một sự phản ứng bất lợi cho chính quyền hiện tại. Nhà báo tự do Chu Vĩnh Hài (trái) và Ls Lê Công Định. Nhưng nền báo chí cách mạng trực thuộc quản lý của ĐCSVN đã không thực sự cách mạng, nhiều tin tức giả, huyền ảo hóa, hay thậm chí lá cải hóa đã xuất hiện, biến báo chí trở thành nơi thỏa mãn các thị hiếu tầm thường và phục vụ cho nhu cầu vật chất phù phiếm. Một tin sao nữ hở ngực có thể được đăng tải nhiều hơn những tin tức liên quan đến những lần đụng độ giữa ngư dân Việt Nam và tàu kiểm ngư Trung Quốc trên vùng Biển Đông. Điều này không xa lạ, khi mà các phương tiện truyền thông được định hướng khá chặt chẽ trên lĩnh vực chính trị gắn với nhãn những chủ đề nhạy cảm cần tránh, nhưng thả nổi trên các lĩnh vực khác nhằm bẻ lái dư luận. Hệ thống báo chí cách mạng không gây ra gì ngoài sự phẫn nộ, thống khổ và thờ ơ. Và Hà Nội ít khoan dung hơn đối với các phương tiện truyền thông ngoài lề. Nhưng rõ ràng, chúng ta cần tin rằng, đất nước chúng ta xứng đáng có một tương lai tốt đẹp hơn, xứng đáng được hưởng quyền tự do ngôn luận hơn. Để báo chí thực sự là diễn đàn của nhân dân, và nó truyền tải những thông điệp ý nghĩa và mang tính chất thúc đẩy xã hội đi lên hơn, chứ không phải là một phần của bộ máy tuyên truyền của Hà Nội. IJAVN ra đời trên nhu cầu bức thiết đó, và khởi đầu của tổ chức này cũng đã thu hút nhiều người với tâm lý, nỗi niềm, lý tưởng đó. Không ít người trở thành hội viên IJAVN bởi họ cảm thấy có trách nhiệm với công việc của họ và cảm thấy cần phải viết những gì họ thấy cần thiết, nhưng không bẻ cong ngòi bút của chính mình. Họ đứng vào trong một tổ chức nghề nghiệp, một quyết định của sự dũng cảm. Nơi mà mỗi ngày trôi qua, là một ngày chiến thắng trước sự hỗn loạn, và không có sự thỏa hiệp đe dọa đến sự chính trực của bạn. Hãy xem tiến trình 5 năm trôi qua đã có gì thay đổi trên IJAVN (thông qua Việt Nam Thời Báo)? Những bài luận với ngôn ngữ sắc sảo hơn, dẫn chứng nhiều hơn. Có sự phân tách các chủ đề một cách rõ ràng, ngôn từ phù hợp với các tiêu chí mà chính bản thân IJAVN đặt ra. Những ngôn ngữ không hằn học hay kích động hận thù, những bài viết với nội dung bình luận trên chính kiến cá nhân dựa trên những sự việc có thực được báo chí nhà nước phản ảnh trước đó; những nhận định cá nhân với không ít thuyết âm mưu, nhưng được gắn liền với các sự kiện và diễn giải đầy tính hợp lý; những bài dịch nóng hổi tính thời sự, nhất là về quan hệ Việt – Trung; những bài phỏng vấn đi nhanh vào vấn đề và nêu bật tính thông tin tới người đọc,… Rõ ràng, so với thời kỳ đầu, IJAVN đã có những nội dung nền tảng, những cây bút chắc chắn hơn trong tư duy và lý luận về cả mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhưng cũng giống như nhiều hội đoàn độc lập khác, chuyên nghiệp vẫn là khát vọng với chính tổ chức này, khi các nội dung trên Việt Nam Thời Báo vẫn còn ít nhiều chậm tính thời sự hơn so với các trang web thông tin khác, tính tổng hợp chưa cao như baotiengdan; khả năng quản trị về văn phong và các vấn đề khác trong biên tập có vẻ như còn thấp so với luatkhoa tạp chí;… Nhưng những khiếm khuyết nêu trên, mặc dù có thể cảm thông là do nhân sự đều ở Việt Nam (so với các trang tin bài khác là ở nước ngoài), thì đó vẫn là vấn đề cần đặt ra, nếu IJAVN muốn trở thành một tổ chức nghề nghiệp chuyên môn hóa cao hơn, và tính chuyên nghiệp nhiều hơn. Đưa Việt Nam Thời Báo trở thành một trang tin bài phản biện thực sự, khách quan thực sự, và thời sự thực sự. Đáp ứng tốt các tiêu chí về độ nhạy bén với thông tin trong và ngoài nước, và những bình luận súc tích nhưng đầy tính sắc sảo. Và bất chấp tất cả các tỷ lệ cược, báo chí độc lập hay IJAVN vẫn tiếp tục tồn tại ở Việt Nam và kết quả công việc của nó dần dần thấm vào phạm vi công cộng. Về cơ bản, những nỗ lực này đang đặt nền móng báo chí sinh động hơn, nhân bản hơn cho một nước Việt Nam trong tương lai. Mới đây, Hội Đồng Nhân quyền LHQ 41 đã ra tuyên bố chung của Anh, Hà Lan và Canada, nhắc lại cam kết của họ đối với quyền tự do ý kiến và bày tỏ. Trong lời tuyên bố, đại sứ của Anh tại Liên Hợp Quốc thay mặt ba quốc gia tuyên bố: quyền tự do ý kiến và bày tỏ vẫn là quyền thiết yếu để bảo vệ tất cả các quyền con người và góp phần vào sự thịnh vượng, ổn định và khả năng phục hồi của một xã hội. Chúng tôi vẫn cam kết làm việc với tất cả các thành viên của Hội Đồng để làm sáng tỏ vấn đề này và đảm bảo rằng các quốc gia có các công cụ họ cần để thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do truyền thông. Tuyên bố này đã phần nào cũng chỉ ra sứ mệnh của IJAVN và vai trò của IJAVN trong bảo vệ quyền con người, sự thịnh vượng và khả năng phục hồi xã hội Việt Nam bị tổn thương bởi nền báo chí định hướng và cải hóa nhanh chóng. Đồng thời cũng nhắc nhở về một tổ chức báo chí nghề nghiệp cần được Hà Nội thừa nhận, như là một trong những ví dụ điển hình nhất về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do báo chí, như một sự tất yếu của dòng thác thông tin, và nhu cầu bức thiết về quyền tự do ngôn luận của người dân. An Viên -  Việt Nam Thời Báo  
......

Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến: Chuyện Hà Thị Cầu & Trần Đức Thảo

Tưởng Năng Tiến|.   “Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!” Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì . Thích Trí Quang là tác giả của câu nói vừa ghi. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hoè ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, cha nội? Mà chả chỉ riêng hoa, ở nước ta, cái (mẹ) gì mà không thiếu nên mọi thứ vẫn thường phải phân phối theo tiêu chuẩn – ngoại trừ huân chương, huy hiệu, bằng khen, giấy thưởng ... thì mới thừa thôi. Bởi vậy, tôi xin được có ý kiến (hơi) khác với  Thích Trí Quang chút xíu: “Cộng sản nó chôn sống mình hôm nay, mai nó mang huân chương hay giải thưởng đến để ... làm lễ truy tặng!” Ông Trần Đức Thảo là một nạn nhân điển hình cho cái cách chôn sống (rất) bất nhân như thế – theo như lời của một bà cụ bán nước trà ở đầu khu tập thể Kim Liên, nơi mà triết gia của chúng ta cư ngụ cho đến gần lúc cuối đời: Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cưỡi cái xe đạp Pơ-giô con vịt mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc! Mặt cứ vác lên trời, đạp xe thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình, một anh dở người…” “Một buổi trưa nắng chang chang, ông ghé vào quán uống cốc nước chè xanh, tôi hỏi: “Ông đi đâu về mà nom vất vả thế.. ế.. ế. Ông nói: Lên chợ Hàng Bè mua củi đun. Tôi hỏi: Thế củi ông để đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn cái pooc ba ga, mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn có sợi dây buộc! Củi nả rơi đâu hết dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần ấy tuổi đầu mà phải nấu lấy ăn, không vợ, không con… [Phùng Quán – “Chuyện Vui Về Triết Gia Trần Đức Thảo.” Ba Phút Sự Thực, 2nd ed. Nhà Xuất Bản Văn Nghệ Sài Gòn: 2007). Nếu bạn thấy những lời lẽ (thượng dẫn) của một bà cụ bán nước trà vô danh chưa đủ trọng lượng thì xin nghe thêm đôi câu nữa, của một chứng nhân thế giá hơn – luật sư Trương Như Tảng: Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc…Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra. Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man. Ngó bộ ông Trương Như Tảng có vẻ hơi quá lời chút xíu, chứ nếu Trần Đức Thảo bị “tra tấn dã man” thì làm sao triết gia của chúng ta sống sót cho mãi đến năm 1991 – năm mà ông được nhà nước tha (tào) và cho trở lại Paris, theo như tường thuật của tác giả Minh Diện: Bảy mươi tuổi Trần Đức Thảo mới quay về chốn xưa. Tiếc thay thời huy hoàng của ông đã qua lâu rồi. Rất ít người còn nhớ tới ông. Suốt 40 năm ông cô đơn bên trời Nam,giờ lại cô đơn bên trời Tây. Khi người ta đã bỏ lỡ cơ hội thì khó mà tìm lại được. Quay lại Pari, Trần Đức Thảo sống tạm bợ trong căn phòng xép trên tầng 5, nhà khách của Đại sứ quán Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Đức Hiền tả lại cảnh sống của ông như sau: “Một ông già ở độ tuổi cổ lai hy, khoác chiếc áo cũ màu tím dài chấm gót, bưng bê lỉnh kỉnh mọi thứ xoong chảo, chai lọ leo lên, leo xuống hàng trăm bậc thang tự lo lấy bữa ăn cho mình. Ông già ấy cứ hành trình chừng mười bậc thì dừng lại, tựa người vào hành lang đứng nhắm mắt, há miệng thở như thổi bễ”. Một chiều mùa Hè năm 1993, ông già ấy gục xuống tại bậc cầu thang, không bao giờ gượng đứng dậy được nữa.... Năm 2.000, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội. Thiệt là ... có hậu! Ít nhất thì những ngày tháng cuối đời “của ông già ấy” cũng (có vẻ) đỡ đoản hậu hơn cuộc sống lê lết của ... một bà già khác, cùng thời, bà Hà Thị Cầu. Nhân vật này tuy có kém danh giá hơn ông Thảo (chút đỉnh) nhưng cũng nổi tiếng như cồn, ít ra là ở phạm vi quốc nội. Trên báo Bắc Giang, phát hành vào ngày 1 tháng 4 năm 2009, một nhà văn Việt Nam đã viết những dòng chữ chí tình như sau về người nghệ sĩ này: Với bà, tên tuổi, sự nghiệp tôi đã đọc quá nhiều trên báo chí, một nghệ nhân lớn, một người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ, một tài sản dân gian quý báu, một nghệ sĩ nổi tiếng không chỉ trong nước mà ở thế giới... Và tôi choáng váng vì không thể ngờ, một nghệ sĩ tên tuổi như vậy, báo chí ngợi ca như vậy, các cấp quản lý thay nhau tôn vinh như vậy lại đang có cuộc sống khó khăn đến không tin được. Ngôi nhà bà Hà Thị Cầu bé tí nằm cận kề trụ sở UBND xã Yên Phong. Ngôi nhà bé thế lại còn chia làm hai, một nửa cho bà Cầu ở, nửa còn lại là nhà thờ họ. Phần ở của bà lại chia đôi, phía ngoài đủ đặt cái giường đôi, bộ bàn ghế uống nước, phía trong là nơi bà ngủ, diện tích cũng chỉ nhỉnh hơn cái giường một chút xíu. BBC, nghe được vào hôm 3 tháng 3 năm 2013, lặng lẽ và buồn bã đi tin:”Nghệ nhân được coi là linh hồn của hát xẩm Việt Nam với gần 80 năm tuổi nghề, bà Hà Thị Cầu, đã qua đời tại Yên Mô, Ninh Bình...” Hung tin này đã khiến cho Nguyễn Quang Vinh đùng đùng nổi giận: Một nghệ nhân tài hoa như thế, cống hiến cho đất nước như thế, được coi là”báu vật nhân văn” của quốc gia như thế, đã từng đào tạo, truyền nghề cho biết bao nghệ sĩ, đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn với nước ngoài… Nhưng suốt đời nghèo đói, suốt đời khổ sở, túng thiếu như kẻ ăn mày. Báo chí lên tiếng, dư luận lên tiếng, những nghệ sĩ tâm huyết thay bà gõ cửa khắp nơi nhưng mặc nhiên không ai đoái hoài, và bà- nghệ nhân Hà Thị Cầu, cho tới lúc nhắm mắt, vẫn trong nghèo đói... Leo lẻo ca ngợi, leo lẻo thuyết giảng, leo lẻo leo lẻo…ở mọi cấp để rồi bỏ rơi một nghệ nhân lớn, cay đắng hơn, còn lợi dụng tài năng, tên tuổi của bà để trục lợi cả tiền, danh tiếng, uy tín của cá nhân mình. Thôi nhé, bà mất rồi, im cả đi, đừng lại ngoạc mồm” bà mất đi là địa phương mất đi một tài năng, đất nước mất đi một nghệ nhân lớn….vô cùng đau xót”. Câm đi... Tôi e rằng nhà văn của chúng ta không hiểu biết về đường lối, cũng như chính sách, của Đảng và Nhà Nước (rõ ràng và rành mạch) như nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Quang Hải. Trong bản tin của BBC (thượng dẫn) ông Hải khẳng định: Cũng giống như ca trù, hát xẩm đã bị mất đi trong 50 năm vì chính quyền không coi trọng những tài tử dân gian ... hát xẩm bị coi là “hạ cấp” và chính quyền không muốn thấy những người hát xẩm lang thang ngoài đường. hat_xam_ha_thi_cau_ngoi_truoc_nha Nói cách khác là bà Hà Thị Cầu đã bị “chính quyền” chôn sống từ lâu nhưng mãi đến tháng ba năm nay mới (chịu) trút hơi thở cuối cùng. Ngay sau đó, báo Thể Thao Văn Hoá (số ra ngày 06 tháng 3 năm 2013) đã có ... tin vui: Tới dự đám tang nghệ nhân Hà Thị Cầu, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL – chia sẻ tâm nguyện cần đề nghị truy tặng cho bà danh hiệu NSND... Thời gian tới, Bộ VH,TT&DL sẽ xúc tiến thực hiện việc này. Thiệt là tử tế hết sức! Theo Wikipedia: Năm 1977 bà Hà Thị Cầu là tác giả của bài Theo Đảng Trọn Đời. Tôi sợ rằng vì mù chữ, không đọc được Đề Cương Văn Hoá Việt Nam, nên (có lẽ) mãi cho đến khi nhắm mắt người được coi là “báu vật nhân văn sống của Việt Nam” vẫn không biết rằng toàn Đảng không ai thiết tha hay mặn mà gì lắm với tình cảm (thắm thiết) mà bà đã dành cho chúng nó. Những người “hát sẩm bị coi là hạ cấp,” đã đành, thế còn triết gia thì sao? Giới người này ở bên nước bạn, cũng như ở nước ta, cả hai Đảng đều coi họ không bằng... cục cứt! Và nói nào ngay, đối với Đảng thì giới người nào cũng vậy – bất kể là nông dân, công nhân, thương nhân, hay trí thức. Tất cả đều chỉ là phương tiện, được xử dụng tùy theo lúc mà thôi. Sau đó đều bị mang chôn sống ráo. Nhà nước đợi cho đến khi họ tắt thở sẽ mang bằng khen hay giải thưởng đến làm lễ truy tặng. Những cái lễ này, cũng tựa như những tấm giẻ lau, dùng để lau sạch máu hay nước mắt (hoặc cả hai) cho nạn nhân của chế độ hiện hành.  
......

Phạm Toàn: Cánh buồm vừa rời bến

Mặc Lâm - VOA Năm 2010 tôi viết bài về bộ sách giáo khoa do nhóm Cánh Buồm chủ trương, lúc ấy tôi được biết tác giả thật sự của những cuốn sách đặc biệt này là nhà giáo Phạm Toàn và từ lần đầu tiên phỏng vấn ông tôi đã bị sức hút từ con người đặc biệt ấy hấp dẫn, đến nỗi tôi tin ông là người có kiến thức uyên bác có thể giải quyết cho tôi bao điều về Việt Nam nhất là trong thế giới của Hà Nội, nơi ông sống cả đời và làm việc không hề mệt mỏi cho tới ngày nhắm mắt. Hai ngày trước đọc một bài viết ngắn của Đoan Trang về “cái ôm cuối cùng” với ông, tôi biết rằng ngày ra đi của ông đã tới nhưng không đủ can đảm gọi cho ông, bởi tôi sợ ông mệt trong cơn bạo bệnh và một nỗi sợ khác âm ỉ nhưng mãnh liệt hơn khiến tôi không đành lòng bấm nút, tôi sợ sẽ khóc và làm ông khóc theo như đã từng xảy ra nhiều năm trước, bởi tôi biết ông rất quý tôi qua thời gian tôi và ông chia sẻ những điều mà cho tới nay tôi tự hỏi không biết có ai thay thế được ông trong cuốn sách đời của lòng tôi hay không. Tôi có duyên lắm mới nghe được giọng nói sang sảng hào phóng của ông qua nhiều lần trò chuyện trước các vấn đề buốt nhức của nước nhà. Từ trăn trở lẫn khó khăn khi làm Cánh Buồm, tới những bài viết, dịch của ông trên trang Bauxite. Ông trẻ lắm trong lời ăn tiếng nói mà còn trẻ cả ở nhân sinh quan, cung cách sống và quan niệm về giới tính. Với ai ông cũng mở lòng ra mà trò chuyện vì chỉ như vậy ông mới nhìn thấy chính mình. Nhà giáo Phạm Toàn được người chung quanh quý trọng không phải ở khả năng thuyết phục mà ở sự minh mẫn lồ lộ trong từng giọng cười cho tới từng cái siết tay thân thiện. Có lần gọi về cho ông chỉ để hỏi thăm tình trạng của trang Bauxite, ông im lặng một chốc rồi hỏi tôi: Thế cậu có ý kiến gì giúp cho nó mạnh hơn lên hay không? Tôi cũng bất ngờ và hỏi lại: Nó đang mạnh như thế còn gì? Ông cười lớn: chưa đủ mạnh để công an tránh xa. Làm Cánh Buồm việc quan trọng nhất là kinh phí cho các bạn trẻ trong nhóm. May mắn cho ông là có khá nhiều mạnh thường quân ở nhiều nước gửi về giúp đỡ, nhưng những đồng tiền nhận được vẫn không đủ trang trải. Ông thường xuyên lặn lội vào Nam nhằm kiếm thêm mạnh thường quân nhưng không may, Sài Gòn tỏ ra không mặn mà lắm với chương trình mà Cánh Buồm khởi xướng ngoại trừ những người bạn thân của ông. Ông không buồn chút nào khi nói với tôi ông sẽ lại vào giới thiệu Cánh Buồm nữa cho tới khi nào “vỡ ra” mới thôi. Ông sống một cuộc đời giản dị và khiêm tốn mặc dù cuộc sống dành cho ông khá nhiều cảm tình. Dưới mắt ông đồng tiền không là gì cả mặc dù thu nhập của ông khó ai đoán được từ nguồn nào. Tôi nhớ như in khi ông nhắn tin cho tôi bảo gọi ông gấp có chuyện quan trọng, khi gọi được thì ông cho biết: lâu quá không nghe mày gọi nên… nhớ, vậy thôi. Thay vì bực mình, tôi xúc động như người say rượu. Tôi biết ông quý tôi mặc dù chưa hề gặp nhau. Lần tôi về Hà Nội gần nhất có yêu cầu Phạm Xuân Nguyên dẫn tôi tới thăm ông nhưng lúc ấy ông lại đi vắng, tiếc nhưng không còn cơ hội nào khác tôi chỉ biết e-mail nhắn tin cho ông vì không gọi được mặc dù đang ngồi tại Hồ Gươm. Lần duy nhất ấy vẫn làm tôi tiếc nuối không ôm được người mình yêu quý. Duyên với nhau chưa đủ để gặp mặt nhưng tôi và ông có những cuộc điện thoại dài nhiều tiếng đồng hồ bàn về những vấn đề hoặc ông hoặc tôi chăm chú. Khi tôi cần tìm hiểu về một vấn đề giáo dục hay văn hóa Hà Nội ông sẵn sàng ngồi hàng giờ tỉ mỉ cho tôi biết những gì đã xảy ra, và hơn thế ông còn đưa ra những kết quả hết sức thuyết phục về những gì ông suy đoán. Tuy nhiên chưa bao giờ tôi thấy ông tỏ vẻ tuyệt vọng về bất cứ vấn đề gì kể cả vần đề gai góc nhất khi ông gặp khó khăn lúc điều hành trang Bauxite. Lúc nào ông cũng cười thoải mái, không hề giả tạo hay gượng ép, nghe tiếng cười của ông người ta cảm thấy cuộc đời gần gũi và đáng sống hơn. Cũng trong tiếng cười ấy ông thường kể cho tôi nghe về những người an ninh có thời gian vây chung quanh ông đã bị tiếng cười làm cho họ bối rối ngần nào. Nếu Lão ngoan đồng trong tiểu thuyết của Kim Dung là có thật thì hình ảnh nụ cười của ông đáng được ghi nhận như một cốt cách, một tâm trạng thiện lương lúc nào cũng túc trực trong tâm hồn ông. 88 tuổi đáng được gọi là đại thọ cho những người bình thường nhưng với ông thì không đủ để ông làm việc. Căn nhà số 713 Lạc Long Quân tầng 7 Quận Tây Hồ Hà Nội từng chứa hàng ngàn nụ cười của ông giờ chắc nó sẽ nhớ như bạn bè thân quyến của ông từng chứng kiến. Tôi luôn cả tin rằng Phạm Toàn không bao giờ nuối tiếc cuộc đời này bởi ông thừa biết sống đến ngần ấy thời gian, chưa làm điều gì buồn lòng cho người khác ngược lại còn mang đến niềm kỳ vọng cho bao thế hệ qua bộ sách Cánh Buồm đã quá đủ cho một sĩ phu Bắc Hà mặc dù địa chỉ e-mail của ông là phamtoankhiemton. Mặc Lâm  
......

Tuyệt thực trong tù để làm gì?

Có bao giờ bạn tự hỏi, các Tù Nhân Lương Tâm đã chọn sự phản kháng ở trong tù bằng tuyệt thực để làm gì, và vì sao lại có chuyện tuyệt thực? Tuyệt thực đã có trong lịch sử của loài người từ rất lâu, thậm chí hình thức này đã nằm trong ghi chép của luật pháp Ireland cổ xưa. Nếu ai đó nhận ra điều sai trái của bạn và tự mình nhịn đói đến chết trước cửa nhà bạn, đó là một món nợ danh dự và công lý suốt cuộc đời mà bạn phải gánh. Tuyệt thực trong việc phản kháng, bất tuân dân sự thường bị các chế độ độc tài hay cộng sản bóp méo là một hình thái như “nằm vạ”, nhưng thực chất các cuộc “nằm vạ” đó cao quý ở chỗ là các yêu cầu của người tuyệt thực thường nhắm đến một quyền lợi chung của cộng đồng, hay công bằng xã hội. Tuyệt thực được giáo sư Sharman Apt Russell, tác giả của Hunger: An Unnatural History (tạm dịch Nhịn đói: Một lịch sử bất thường) dẫn ra với những ví dụ đáng kính trọng, và thành quả của nó đã thúc đẩy nền văn minh và nhân ái của con người. Một trong những người tuyệt thực đầu tiên được ghi vào sử sách đầu thế kỷ 20, là trường hợp của bà Marion Wallace-Dunlop (1864-1942). Là người đấu tranh cho nữ quyền và yêu cầu cho phái nữ phải được quyền bỏ phiếu bầu như nam giới, bị bắt giam, bà đã từ chối các bữa ăn. Khi bác sĩ trong trại giam đến yêu cầu bà dùng đến các phần ăn, bà đã tuyên bố “Ăn, là một quyền tự quyết của tôi”. Bà đã được trả tự do khỏi nhà tù Holloway sau 91 giờ tuyệt thực. Hiện nay, lực lượng công an CS đã biến chất, nó không còn bảo vệ an toàn cho nhân dân như ý nghĩa mà nó đã tự nhận lâu nay, mà ngày nay nó sẵn sàng thâu nạp côn đồ gây tội ác thay nó, nó sẵn sàng hóa trang thành côn đồ để trả thù dân, nó sẵn sàng tiếp tay cho buôn lậu, tiếp tay cho bọn buôn ma túy, sẵn sàng giết người nếu nạn nhân không chịu nhận tội nó tự ghép v.v. nghĩa là nó còn làm cho xã hội bất an hơn. Đổi lại, công an phải bảo vệ chế độ bằng mọi giá, dùng những thủ đoạn tàn độc nhất, làm những gì ác nhất để cho Điều 4 được “vững bền”. Hiện nay nhà tù CS không coi những kẻ giết người ngoài xã hội là thành phần nguy hiểm, mà họ xem những người lên tiếng đòi đảng Cộng Sản từ bỏ độc tài lãnh đạo là thành phần nguy hiểm nhất. Người dân biết đòi lại sự tốt đẹp cho đất nước, biết đòi lại sự giàu có cho thế hệ tương lai, biết đòi CSVN chấm dứt nô lệ Bắc Kinh để đất nước trường tồn lại bị đảng xem là tội phạm nguy hiểm nhất. Trên thế giới, những nước tiến bộ người ta dùng nhà tù để tước bỏ quyền tự do của công dân nhằm răn đe, giáo dục và cách ly tội phạm với xã hội thôi. Nhưng với nhà tù CS thì khác, họ xem đây nơi trả thù người yêu nước. Thực ra tù nhân lương tâm (tức tù chính trị) là những người yêu nước, dám nói lên sự thật để bảo vệ công lý và họ đã bị nhóm cầm quyền u muội gán ghép những tội trạng với mục tiêu duy nhất là để khủng bố. Phía sau những song sắt, khi không còn ai quan sát, những trò tiểu nhân nhất được áp dụng nhằm khủng bố tinh thần tù nhân. Mục đích là làm suy kiệt thể xác tù nhân để trả thù và để duy trì quyền lực độc tôn của lãnh đạo. Trong quá khứ, anh Huỳnh Anh Trí bị nhà tù CS làm cho lây nhiễm HIV, và đến giai đoạn cuối họ trả anh về gia đình nhằm phủi bỏ trách nhiệm. Những điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho tù nhân, nhà tù tùy tiện cắt bỏ để tra tấn nạn nhân, và quan trọng hơn nó bào mòn nhanh sức khỏe và cướp dần tuổi thọ của những tù nhân lẽ ra là vô tội này. Nhà báo Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, anh Trần Huỳnh Duy Thức, v.v. đều đã phải dùng đến mạng sống để đòi yêu sách – tức họ phải tuyệt thực. Chuyện này đã làm cho dư luận xã hội lên án bao lâu nay, nhưng nhà tù này vẫn vậy, vẫn giữ nguyên thủ đoạn tước đoạt sức khỏe, tước đoạt tuổi thọ tù nhân như vậy. Hôm 26 tháng Năm vừa qua có 4 người Tù Nhân Lương Tâm gồm Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Thái Bình, Lê Đức Động tuyệt thực từ ngày 13 tháng Năm, để phản đối vụ kỷ luật Nguyễn Văn Hóa không minh bạch và vi phạm pháp luật. Tiếp tục hôm nay ông Trương Minh Đức đang phải tuyệt thực ở Trại giam số 6, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ông đã tuyệt thực 10 ngày để đòi hỏi nhà tù phải cấp quạt điện cho mình. Không có gì ác bằng dưới cái nóng đến 40 độ C mà không có quạt. Phải nói rằng, đây là hình thức trả thù rất dơ bẩn và rất man rợ trong thời đại văn minh này. Trong môi trường bị bưng bít như các trại giam ở Việt Nam, mọi thông tin liên lạc từ ngoài vào trong và trong ra ngoài đều bị cán bộ kiểm soát chặt chẽ, những người bị đối xử bất công sau khi làm đơn theo đúng qui định của pháp luật mà không hề được đếm xỉa gì tới đành phải sử dụng phương thế cuối cùng là lấy mạng sống ra để đòi hỏi cho được những quyền lợi căn bản dù rằng họ đang phải ở trong nhà tù. Ở bên ngoài trại giam, chúng ta có thể có nhiều phương tiện để có thể đấu tranh dưới nhiều hình thức; nhưng ở trong tù, người tù không có vũ khí nào khác ngoài bản thân của mình. Trong đó, ta có thể viết đơn thư khiếu nại… vẫn không có ai giải quyết, và cũng không có thể liên lạc với ai bên ngoài. Cho nên khi đối diện với những bất công trong nhà tù mà người tù muốn đấu tranh thì vũ khí tốt nhất và có thể cao nhất của người tù là chính mạng sống của mình bằng phương pháp tuyệt thực. Khi bị dồn đến đường cùng trong trại giam, những tù nhân lương tâm phải nghĩ đến biện pháp sử dụng mạng sống của mình để chiến đấu và đòi hỏi những quyền lợi căn bản. Tuy nhiên, có mấy ai thành công như trường hợp của hai ông Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Hải vừa qua. Tự thân người tù phải cương quyết, vững vàng; và rồi sự lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ của người thân và công luận bên ngoài cho thấy là một yếu tố quan trọng giúp họ thành công khi quyết định lấy mạng sống mình để đấu tranh – đó là phương pháp tuyệt thực. Hầu hết những người đấu tranh bằng tuyệt thực muốn sử dụng mạng sống của mình như một cam kết sẵn sàng trả giá cho đổi thay. Tuyệt thực không có nghĩa là người tranh đấu muốn kết cục là cái chết, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận cái chết, như một cột mốc để chính quyền xét lại tư cách cầm quyền của mình, trước sự giám sát và phẫn nộ của nhân dân. Việc tuyệt thực trong lao tù cũng vẫn hay xảy ra. Bởi trong trại giam, khó có hình thức nào biểu tình được, ngoài tuyệt thực. Trong tù, chính phủ chính xác là nơi phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của tù nhân, nếu tù nhân chết, lời kết án sẽ nhắm vào chính phủ từ người dân cũng như các quốc gia khác đang có thông tin theo dõi về tình trạng trên. Để xây dựng sự độc tôn, bảo vệ sự phá hoại của các lãnh đạo mà đảng Cộng Sản đã ra thủ đoạn trả thù tù nhân lương tâm. Napoleon đã nói: “thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác cuả những kẻ xấu, mà vì những sự yên lặng cuả những người tốt”. Mong mọi người cùng nhau để lên tiếng cứu lấy một con người. Một tiếng nói rất dễ nhưng có thể cứu được một mạng người. Mong rằng xã hội đừng thờ ơ. Xin mọi người đừng tiếc một tiếng nói để đánh động xã hội nhằm ngăn tội ác mà tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đang thực hiện sau song sắt nhà tù. Diễm Quỳnh https://viettan.org/tuyet-thuc-trong-tu-de-lam-gi/
......

Chia tay người gieo mầm hy vọng

nhacsituankhanh Sáng sớm 26/6/2019, nghe nhà giáo Phạm Toàn qua đời. Mới thấy mọi thứ là lẽ đương nhiên của tạo hóa, rồi thấy nỗi buồn nở một đóa hoa trong khu vườn ký ức của mình. Vài năm trước, khi gặp ông. Vừa nhìn mặt, ông hỏi ngay “Tuấn Khanh phải ông?”, nói xong ông ôm chặt, rồi bỗng nhiên ông khóc. Lúc ấy tôi ngỡ ngàng, bác Vũ Sinh Hiên đứng cạnh tôi, cũng ngỡ ngàng, rồi bác cười “ừ, thế đấy, thế đấy”. Ông lau nước mắt, rồi cười, nói xin lỗi vì xúc động quá. Cho đến ngày ông mất, tôi vẫn chưa bao giờ có thể giải thích được vì sao ông lại xúc động đến như vậy. Chỉ nhớ lúc đó, ông quay sang bác Vũ Sinh Hiên, nói như giải thích “Chúng ta cần con người, đất nước này cần con người, anh à”. Bác Hiên, một nhà chép sử Công giáo Độc Lập cũng cười, gật gù “qui, qui…”. Thật ra buổi gặp đó cũng cho tôi một niềm xúc động kỳ lạ. Bởi tôi được chứng kiến hai con người với tuổi tác đi cùng trời đất, không mang gì theo mình ngoài ước muốn cho một đất nước có những con người. Nếu gọi họ là những học giả thì cũng là xứng đáng, vì cả đời những con người ấy luôn mải mê đi tìm làm sao để chấn hưng đất nước, làm sao để có được những con người với sự thật, giữa bóng tối mênh mông của nền tuyên truyền cộng sản. Họ, những học giả của nhân dân, học giả của thuyết hy vọng. Lúc đó, ông Phạm Toàn đang chuẩn bị để cho ra mắt những cuốn sách giáo khoa đầu tiên của nhóm Cánh Buồm. Ông dành rất nhiều thời gian cho buổi gặp mặt đó, để nói một cách mê say với tôi về những điều ông sẽ làm. “Chúng ta sẽ xây lại từ những gì mà chủ nghĩa cộng sản đã phá nát các thế hệ trên đất nước này”, ông nói và nhìn tôi, như sợ tôi không tin, “khó đấy, nhưng sẽ rồi làm được”. Không lâu sau đó tôi thấy những tập đầu tiên của bộ sách giáo khoa Cánh Buồm ra đời. Tôi cũng được biết rằng ông đã phải đánh vật không biết bao nhiêu lần với những người kiểm duyệt để có thể đưa được một vài nội dung tiến bộ vào trong bộ sách ấy. Ông đã cố lược bỏ tất cả những phần chính trị cộng sản ngu ngốc nhất trong những cuốn sách giáo khoa – trong khả năng có thể – nhưng đồng thời cũng phải giữ lại một vài thứ mà nhà cầm quyền ép buộc. Tôi biết ông cũng cô đơn vô cùng khi đối diện với những ý kiến phê bình về sự bất toàn ấy. Và tôi biết những người đang muốn ngăn cản bộ sách của ông, cũng như những nhà kiểm duyệt cũng vui mừng khi thấy ông cô đơn như vậy. Cô đơn nhưng ông không dừng lại. Thầy giáo Phạm Toàn lấy dùng hết tất cả những năng lực cuối cùng của cỗ máy thời gian, được Thượng đế gắn tặng trong con người của ông, để phụng sự con người và đất nước Việt Nam như một người yêu nước phụng sự với niềm hy vọng, vì hiểu rõ giáo dục cộng sản là gì, và một tương lai không cộng sản sẽ là gì. Thậm chí ông đã thầm lặng phụng sự trong niềm hy vọng rất đỗi cô đơn ấy của riêng mình. Tôi nhớ cái bắt tay không còn khỏe của ông. Tôi nhớ nụ cười của các bậc nguyên lão như của bác Phạm Toàn, bác Vũ Sinh Hiên…trên đất nước này. Sự nhọc nhằn của họ đi qua thời gian, chứng kiến và thầm lặng của kẻ gieo hạt vĩ đại mà không có bất kỳ một sức mạnh nào của những kẻ độc tài có thể khuất phục được họ. Tôi đã sống đủ để chứng kiến có nhiều con người như vậy ra đi trên đất nước này, tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều điều ước mơ dang dở về một dân tộc Việt luôn khẳng định mình là không chấp nhận sống hèn, sống tồi. Và tôi cũng đã nuôi dưỡng những hạt mầm hy vọng, như bác Phạm Toàn đặt xuống cho tôi và nhiều người khác, cho đến lúc tôi không sức để giữ được nữa trong tay, và trao lại cho thế hệ mới. Tôi cũng tin rằng như hạt mầm đó, dù hôm nay chỉ là cây con, chưa thể trở thành cổ thụ, nhưng vẫn luôn được nhân giống và gieo ra trên khắp đất nước đầy oan trái này. Đất nước Việt, con người Việt vẫn luôn lạc quan và hy vọng nên đã đi qua rất nhiều những triều đại hung ác và tàn bạo. Lịch sử đã ghi chép vậy. Tôi tin là bác Phạm Toàn sẽ vui khi nghĩ đến điều này. Hẹn gặp lại bác, cùng những ai đã sống và chết vì mang ơn nợ quê hương và dân tộc.    
......

Nghiệp đoàn báo chí độc lập Việt Nam

Thảo Vy (VNTB)   Luật sư Đặng Trọng Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) kêu gọi cần có tổ chức nghiệp đoàn báo chí độc lập để lên tiếng bảo vệ những người làm báo tự do, nhân trường hợp bà Thư Lê, người vừa bị công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ thô bạo kèm các hành động đe dọa tính mạng, và hủy hoại tài sản tác nghiệp của nữ nhà báo tự do này.   Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc kể rằng bà Thư Lê rất xông xáo trong việc đưa tin hoàn toàn bất vụ lợi. Trong phiên tòa phúc thẩm vụ 15 người dân ở thành phố Biên Hòa xuống đường tuần hành hôm chủ nhật 10-6-2018, bà Thư Lê là người chăm chỉ ghi nhận những hình ảnh với các tình tiết phục vụ đắc lực cho việc bào chữa của nhóm luật sư từ Sài Gòn đến Biên Hòa hôm 9-11 vừa rồi. Câu hỏi đặt ra: Liệu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có thể mở rộng hoạt động với thêm chức năng chuyên sâu như một nghiệp đoàn báo chí, khi mà cuối tháng 11 này, Quốc hội hứa hẹn sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP]?   Cần thấy rằng bất chấp đây là một quyền được Hiến định, cho đến nay Luật về quyền lập hội vẫn còn dừng ở mức chưa biết bao giờ sẽ được quay trở lại nghị trường Quốc hội. Liệu CPTPP gắn chặt với các quyền lợi kinh tế mà nhà nước Việt Nam đang coi như phao cứu hộ cho cứu vãn sự suy sụp tài khóa quốc gia, thì việc hình thành các tổ chức công đoàn độc lập kỳ vọng sẽ được xúc tiến nhanh hơn, mà vụ việc vài hôm trước đây Bộ Nội vụ đã cấp phép hoạt động Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam có trụ sở đặt tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là một dấu chỉ?.   Hiệp hội này chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên & Môi trường và các bộ, ngành có liên quan. Về kinh phí hoạt động, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam hoạt động dựa trên nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tuy vẫn thuộc một Bộ chủ quản về mặt quản lý nhà nước, song với việc Bộ Nội vụ chấp thuận người đứng đầu Hiệp hội này không phải là đảng viên, không từng là một quan chức trong bộ máy công quyền, mà chỉ là một chủ doanh nghiệp, có thể tạm cho rằng đây là bước khởi động của hình thành những nghiệp đoàn độc lập.   Như vậy mô hình nào cho thêm chức năng của công đoàn độc lập trong Hội Nhà báo độc lập Việt Nam? [Xem thêm tại http://www.vietnamthoibao.org/2018/11/vntb-nghiep-oan-oc-lap-giup-gi-cho.html]   Trước năm 1975, ở miền Nam có Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt được thành lập trước, trước khi có Hiệp định Genève 1954. Các hội viên gồm tất cả các nhà báo hoạt động tại Sài Gòn. Sau 1954, nhiều nhà báo miền Bắc di cư vào Nam xuất bản nhiều tờ báo mới và thành lập Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam.   Có một sự khác biệt ngấm ngầm giữa giới cầm bút tại Sài Gòn và giới cầm bút từ miền Bắc di cư vào. Các ký giả Sài Gòn đa số có thái độ chính trị hoặc độc lập hoặc chống chính quyền, rất nhiều trong số họ là những cựu kháng chiến, không kể một số không ít đang hoạt động bí mật cho cộng sản. Trong khi đó đa số ký giả từ miền Bắc vào năm 1954 đều có lập trường chống cộng và ủng hộ chính quyền, từ thời Ngô Đình Diệm cho đến Nguyễn Văn Thiệu.   Trước “Ngày ký giả ăn mày”, hai Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam hầu như không hợp tác với nhau. Chính do sự ra đời của sắc luật 007/72 đã làm họ xích lại gần nhau.   Một lợi thế dễ thấy ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là có nhiều hội viên quan hệ rất rộng, khắng khít với các nghiệp đoàn báo chí thế giới. Sắp tới đây, nếu bổ sung thêm chức năng của một tổ chức nghiệp đoàn, tin rằng sẽ là bước tiến đáng kể cho đời sống xã hội dân sự ở Việt Nam; đặc biệt là ở miền Nam vốn từng trải nghiệm qua các nghiệp đoàn báo chí từ trước năm 1975.   Trước mắt, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có thể mở rộng tầm ảnh hưởng qua việc mời gọi sự tham gia hội viên của những người hành nghề phát hành, những doanh nghiệp về truyền thông, truyền hình, các vị đại biểu Quốc hội, kể cả những cựu quan chức từng làm việc trong ngành truyền thông, xuất bản.
......

"Ai cũng sợ thì bao giờ đất nước có tự do"

  Amy Truc Tran 8 NĂM TÙ CHO CHÀNG TRAI TRẺ "DỰ ĐỊNH THAM GIA BIỂU TÌNH CHỐNG DỰ LUẬT ĐẶC KHU" Một chế độ khốn nạn, bán nước hại dân!   "AI CŨNG SỢ THÌ ĐẤT NƯỚC BAO GIỜ CÓ TỰ DO".   Đó là câu nói của em Trần Long Phi 20 tuổi, một thanh niên trẻ vừa bị nhà cầm quyền CSVN tuyên mức phạt 8 năm tù giam và 3 năm quản chế chỉ vì em "dự định tham gia biểu tình chống dự luật đặc khu và an ninh mạng". Em Trần Long Phi chính là con trai của cựu tù chính trị Trần Văn Long. Ông Trần Văn Long bị bắt vào ngày 27/07/1977 vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”. Năm 1997, ông ra tù tiếp tục hoạt động đấu tranh dân chủ nhưng phải chạy trốn cùng vợ con sang Thái Lan trước sự bố ráp của công an CSVN. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Nhung đã chết năm 2016 tại tỉnh KoRat vì căn bệnh ung thư.   Đầu tháng 06/2018, ông Long và con trai Trần Long Phi từ Thái Lan trở về Sài Gòn cùng một số anh em dân chủ trong và ngoài nước dự định xuống đường biểu tình ngày 10/06 và những ngày sau đó. Ngày 07/07/2018, con trai ông và 3 nhà đấu tranh dân chủ bị bắt gồm anh Nguyễn Phương Minh (người Mỹ gốc Viêt) anh Huỳnh Đức Thịnh và anh Huỳnh Đức Thanh Bình. Ông Trần Văn Long may mắn trốn thoát trở lại Thái Lan. Phiên xử em Trần Long Phi sau 1 năm bị giam giữ đã diễn ra vào ngày hôm qua, 24/6/2019, với kết quả phiên xử là em Long bị tuyên mức án 8 năm tù giam, 3 năm quản chế.    
......

Cái ác hợp pháp

nhacsituankhanh Trong một tweet của Hoàng Chí Phong gần đây, anh gửi lên một tấm ảnh về lực lượng trấn áp mặc áo đen, có chỉ dấu riêng. Đây là lực lượng bị nhiều người Hồng Kông thắc mắc vì đó là những người đánh đập người biểu tình tháng 6 năm 2019, hết sức tàn bạo. Đánh đến mức mà cảnh sát áo xanh quen thuộc của Hồng Kông phải chạy đến can. Tấm ảnh trên twitter của Hoàng Chí Phong, cho thấy nhân vật trấn áp nở nụ cười khoái trá. Nó kỳ lạ và khác biệt với hàng trăm ngàn người biểu tình đang xao xuyến trước tương lai mơ hồ của họ. “Loại người gì mà chĩa vũ khí vào dân chúng mà cười như vậy?”, Hoàng Chí Phong đặt một câu hỏi, có vẻ ngạc nhiên, và pha lẫn sự tức giận. Nhưng câu hỏi đó, không phải chỉ người Hồng Kông biết, mà thậm chí những người Việt Nam cách một bờ đại dương, cũng biết. Nụ cười đó quen thuộc lắm. Nụ cười thỏa mãn của cái ác hợp pháp. Nụ cười có hình dáng con người, nhưng thật ra, đó là một giống loài khác. Nụ cười đó, nhắc nhiều người Việt Nam nhớ những ngày tháng họ xuống đường đòi một môi trường trong lành, đòi một chính sách của lòng dân, đòi kẻ thù xâm chiếm quê hương phải biết rõ sự căm hờn đang dồn nén… thì cũng là lúc những lực lượng đàn áp cũng xuất hiện các nụ cười như vậy. Những kẻ cầm bộ đàm oai phong trong trận càn với quân thù, những nhân vật ngồi quan sát… họ có chung một nụ cười ấy, của cái ác hợp pháp. Ở công viên Tao Đàn, mùa hè năm 2018. Có những người rất trẻ, họ cũng cười như vậy và đánh đến nôn ra máu, đánh đến hôn mê những có tuổi như chị, như mẹ, như anh của họ. Những trận đòn thay phiên và hả hê thú tính ấy, như muốn chứng minh rằng cái ác hợp pháp, hay cái ác mặc áo lý tưởng ấy chính là đỉnh cao của cách mạng. Những người bạn trẻ ở Hồng Kông cũng góp bình luận của mình vào tweet của Hoàng Chí Phong bằng những đoạn video quay được các lực lượng lạ lùng ấy rượt đuổi, và khi bắt được một ai đó thì tất cả bu bám và đánh bằng dùi cui không hề thương xót. Ngăn cản một cuộc biểu tình có vẽ như là chuyện phụ, nhưng thỏa mãn thú tính, mới là chuyện chính. Năm 2015, ông Nguyễn Văn Lía, một nguyên lão của đạo Hòa Hảo Thuần Túy khi đi dự lễ tưởng niệm thầy vắng mặt ở An Giang. Ông bị chận ở một ngã ba đường vắng. Nơi đó nhiều đệ tử của Hòa Hảo đi dự lễ đã bị đánh và nằm quằn quại trên đường. Viên công an chỉ huy nói ông phải quay lại, nếu không sẽ bị đánh như vậy. Thấy mình tuổi cao sức yếu, và cũng không thể vượt qua được hàng hàng lớp lớp công an hung hăng đó, ông Lía quay về, nhưng đi chưa được mười bước, chính viên công an đó đã xông lại đạp ông ngã chúi xuống mương lộ. Đạp xong, viên công an ấy cười. Tháng 6 năm 2018, Chánh trị sự Hứa Phi, nguyên lão của Đạo Cao Đài Chơn Truyền ở Lâm Đồng, vào chiều tối khi nghe có người gõ cửa tìm, ông ra đón thì hơn chục người của nhà cầm quyền đạp cửa xông vào đánh đập ông đến bất tỉnh. Những người đó thay phiên lấy kéo, dao cạo… cắt râu và cắt tóc của ông, và cười. Năm 2019, nhà báo tự do Thư Lê đột nhiên bị công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ khi cô đang ở Tây Ninh, vu khống cô vượt biên giới. Những công an viên vây quanh, tra vấn, cho lột đồ khám xét. Viên công an ở Đồng Nai cợt nhã ve vuốt cô, khi bị phản ứng trừng mắt đe dọa. Sau đó tài sản cá nhân của cô nhà báo tự do nghèo khó bị cướp sạch. Viên công an Đồng Nai khi rời khỏi phòng thẩm vấn, nhìn cô và cười. Cũng như gương mặt cười của tay đặc vụ Trung Quốc được cử sang Hồng Kông để đánh đập, để vui niềm vui dã thú… những nụ cười ấy cũng xuất hiện ở Việt Nam. Và tất cả, chắc chắn đều phải có chung một cảm giác rất đặc biệt về cái ác hợp pháp. Họ – dù khác quê hương và tiếng nói, ắt cũng đều cảm thấy chung một sự khác biệt với con người. Trong Animal Farm của  George Orwell, những con heo nhỏ bị bắt đi. Được dạy và sống theo một lý tưởng mới, khi quay lại, chúng là sức mạnh và nụ cười của kẻ ác cầm quyền. Vẫn có hình dáng là heo, nhưng chúng đã là một thứ súc sanh khác. Những cái ác hợp pháp vẫn xuất hiện ở Việt Nam, khắp nơi. Từ sau các chấn song nhà tù ở những vùng khắc nghiệt nhất, cho đến tiếng xua đuổi tại vườn rau Lộc Hưng, hay, hay tiếng máy xúc ở chùa Liên Trì. Trong câu chuyệ kể về vụ cướp đất của dân tại Thủ Thiêm, những người có nụ cười ấy cũng đã hỏi người dân rằng “muốn đất hay muốn mất mạng?”. Sẽ rất vô nghĩa khi chúng ta bàn về luật pháp, nói về tòa án… hay nói về tương lai của một dân tộc, khi cái ác hợp pháp đang là điều hiển nhiên được hậu thuẫn từ nhà cầm quyền. Câu chuyện Hồng Kông là một ví dụ rõ – những lời kêu gọi yêu thương, chia sẻ và góp sức cho chính quyền xây dựng đất nước… sẽ luôn chỉ là phần biếm họa của sách giáo khoa lịch sử, về triều đại hợp pháp của cái ác.  
......

Con người chỉ sáng tạo khi có tự do

Võ Ngọc Ánh| Việt Nam không ngớt nói về “sáng tạo” trong khoảng chục năm lại đây từ nghệ thuật, công nghệ, đến kinh tế… Tuy nhiên, sự sáng tạo để ghi dấu ấn với thế giới vẫn còn như xa lắm với người Việt. Sáng tạo chỉ đến khi con người có tự do. Nếu không có tự do, sáng tạo của con người không được kích hoạt. Tự do kích hoạt sáng tạo Văn học Việt Nam trước năm 1945 để lại những tên tuổi Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận… Tác phẩm của họ đã lay động nhiều thế hệ Việt Nam bởi tính sáng tạo, sự lãng mạn, bay bổng, giải thoát… Thế nhưng, cũng những con người ấy, từ ngày theo cộng sản tác phẩm của họ trở nên khô cứng, gò bó… người đọc không còn thấy ở đó sự sáng tạo. Gần 75 năm từ ngày cộng sản tiếm quyền cai trị Việt Nam (1945) đến nay nền nghệ thuật nước nhà không để lại được những tác phẩm thật sự có giá trị nhân văn, nghệ thuật. Đa số sáng tác nghệ thuật là sự tuyên truyền trơ trẽn của chính quyền cùng đa số những con người cầm bút phải biến mình thành bút nô. Bởi người sáng tác đều không có tự do, bị áp đặt tư tưởng, cùng nỗi sợ dẫn dắt. Bất kỳ ai sáng tác ra ngoài cái rọ của đảng nhẹ thì mất tiền, bị đấu tố, nặng thì mất chức, ăn cơm tù. Ở lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam sáng tạo cũng nghèo nàn, đìu hiu. Cái Việt Nam gọi sáng tạo chỉ là sự cải tiến đơn giản trong sự thiếu thốn để giải quyết các yêu cầu của công việc, hoặc đam mê. Những thứ mà thế giới không hề thiếu và vượt trội về chức năng, độ bền. Thực tế sáng tạo hay cải tiến của người Việt chưa trở thành sản phẩm hàng hóa được người tiêu dùng chấp nhận, tin tưởng. Dưới sự dẫn dắt của đảng cộng sản người Việt Nam không thiếu tự sướng, thông minh, khéo léo… “đảng cộng sản Việt Nam quang vinh”!? Nhưng cả nước Việt Nam gần 100 triệu dân chẳng có cái sáng tạo nào được thế giới ghi nhận để chứng minh. Việt Nam không thể có một nơi như thung lũng Silicon bởi người Việt không có tự do. Việt Nam cũng không thể trở thành quốc gia sáng tạo và khởi nghiệp như Israel bởi vì con người bị trói buộc trong tư tưởng nho giáo và cộng sản. Trong chế độ cộng sản con người bị coi là công cụ của lịch sử, của cách mạng, làm theo nghị quyết của đảng, cúi đầu vâng lời, tuân thủ thứ luật lệ do đảng bày ra… Con người Việt Nam trong chế độ cộng sản xem ra chưa thoát cảnh nô lệ. Nền Giáo Dục Kìm Hãm Sáng Tạo Nền giáo dục Việt Nam không phải đào tạo những con người biết tư duy, kính thích sáng tạo. Giáo viên dạy học sinh đi vào lối mòn mà chính họ đã thấy cần phải thoát ra. Học sinh không được chấp nhận tư duy ngoài sự hướng dẫn của sách vở do đảng áp đặt. Một nền giáo dục khô cứng nặng tính tuyên truyền và đào tạo những con người phải biết vâng phục. Sự giáo dục ở đa số các gia đình Việt cũng không khá hơn. Rất nhiều gia đình ở Việt Nam bắt con cái thực hiện ước muốn của người lớn chứ không phải tôn trọng ước mơ, năng khiếu của con cái. Cha mẹ dạy, truyền nỗi sợ của mình cho con cái. Rất nhiều điều chính cha mẹ thấy không ổn nhưng bắt con cái phải tuân theo. Bởi thế, nền giáo dục trong trường học và gia đình tại Việt Nam sẽ rất khó có một người trẻ như Joshua Wong ở Hồng Kông. Việt Nam nếu có bạn trẻ nào có sự trăn trở, hiểu biết, tinh thần, niềm tin như Joshua Wong sẽ bị cha mẹ đe, nhà trường đuổi học, mở cửa cho công an vào bắt là điều không thể tránh khỏi. Thực tế, những người trẻ dám đấu tranh vì những điều tốt đẹp cho tương lai từ môi trường, tự do ngôn luận, dân chủ… thường nhận được sự phản đối đầu tiên từ gia đình, người thân, thầy cô. Chưa hẳn người Việt không giỏi nhưng dưới sự cai trị của đảng cộng sản thì Việt Nam không thể có được sự sáng tạo như người Mỹ, Israel, người Nhật, người Hàn… Chừng nào cộng sản còn cai trị dân tộc Việt Nam, sáng tạo có tầm ảnh hưởng sẽ là con số không. Người Việt Nam không cần sáng tạo, không cần niềm tin, không cần trăn trở… mọi thứ đã có đảng lo.    
......

Nhà tù không phải nơi để hủy diệt nhân tính

Bạn hãy lên tiếng, kể cả khi tôi không có thể lên tiếng cùng bạn, như ngày hôm nay. nhacsituankhanh Lời kể của chị Kim Thanh, vợ của tù nhân Trương Minh Đức tại trại giam Thanh Chương, Nghệ An, là một điểm nhấn tàn bạo khó tin về hệ thống nhà tù tại Việt Nam. Chuyện thật mới mẻ, chỉ vào giữa tháng 6/2019 thôi, chỉ chưa đầy nửa năm, sau khi đại diện của Nhà nước Việt Nam khẳng định trước Liên Hợp Quốc rằng không có chuyện đối xử tàn tệ hay tra tấn tù nhân. “Chắc anh không thể còn về được để gặp em”, nhà báo tự do Trương Minh Đức, người bị tuyên án 12 năm tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Nhân vật bị nhận định với tội danh ghê gớm đó đã vô số lần bị an ninh thường phục đánh đập đến nhập viện, bị câu lưu, giam tù 5 năm trước đó do đã viết bài ủng hộ cho giới công nhân bị đàn áp, bị bóc lột bởi giới chủ cũng như bày tỏ quan điểm về một Việt Nam cần một chính quyền tốt hơn. Chị Kim Thanh kể lại lời nhắn này trong sự thảng thốt. Người tù chính trị ở Việt Nam thường phải chọn mãn hạn ra tù như một kẻ bị bẻ gãy ý chí, sống chấp nhận nhục nhằn với quản giáo, hoặc không còn là mình nếu sống theo luật pháp và quyền con người trong một trại giam. Anh Trương Minh Đức được nói lại với gia đình những điều này, khi anh và thầy Đào Quang Thực, ông Nguyễn Văn Túc cùng tuyệt thực phản đối sự đối đãi tàn tệ trong trại giam này. Đã hơn 2 tuần lễ của cuộc tuyệt thực này diễn ra – điều cùng cục mà những người tù nhân lớn tuổi này quyết phải làm – là bởi họ đã yêu cầu, kêu gọi bằng tiếng nói con người. Mùa hè ở Nghệ An, nơi những cành lá oằn mình cháy xém trước sự thiêu đốt lên đến hơn 40 độ. Thì nơi nhà giam thấp, mái tôn, nhiều người bị giam chung, sức nóng có thể lên hơn 43-45 độ. Nhưng không có quạt, phòng giam nghẹt thở không có quạt để xua bớt sức nóng. Khi mọi người xin mở quạt, thì giám thị đáp nhanh là “quạt hỏng”. Nhưng đó chỉ là một lý do để không cải thiện tình hình, kéo dài sự hành hạ mà mục đích là bóp chết dần sức sống của những tù nhân bệnh tật và cao tuổi. Câu chuyện của tù nhân Trương Minh Đức, Đào Quang Thực và Nguyễn Văn Túc chỉ là một góc nhỏ của nấm mồ khồng lồ mang tên trại giam, trại cải tạo dành cho người Việt trên đất nước hiện nay. Đã có quá nhiều câu chuyện kể, nối tiếp và kinh hoàng, từ cái chết của thầy giáo Đinh Đăng Định, Huỳnh Anh Trí, mục sư Tin Lành Ksor Xiem… rồi những người bị tra tấn trong tù một cách tàn bạo như mục sư Nguyễn Công Chính,  Hoàng Bình, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Viết Dũng… Thậm chí những nghi vấn về thức ăn có chủ đích tàn phá sức khỏe người bị giam giữ cũng đã được phát đi từ Trần Hoàng Phúc, Trần Huỳnh Duy Thức… khiến lịch sử về nhà tù và thái độ ứng xử của một nhà nước với tù nhân bất đồng chính kiến đã ngày càng được phác thảo rõ hơn. Và nếu tất cả đang diễn ra đồng bộ mở mọi trại giam, mọi quản giáo và mọi thời điểm, bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy đó hoàn toàn có tính hệ thống chứ không thể là của một vài cá nhân có thói quen tàn bạo – như kiểu Thượng tướng Lê Quý Vương từng trả lời trước Liên Hợp Quốc (LHQ) về công ước chống tra tấn, vào tháng 11/2018, là có sai lầm của một vài cá nhân cán bộ. Không chỉ trong nhà giam, mà cách hành xử bên ngoài với dân thường ở các trại tạm giam, nhục hình điều tra, thậm chí khi không có lệnh khởi tố… cũng là những hình ảnh khác nhức nhối về một nhà nước Việt Nam tự ứng cử vào ghế Hội đồng Bảo an LHQ. Ngay cả với câu trả lời các sai lầm thuộc về cá nhân cán bộ – người ta phải tự đặt câu hỏi, vì sao ngành công an Việt Nam – đặc biệt là trong trại giam lại tuyển dụng nhiều kiểu người tàn bạo và phi nhân tính như vậy? Có rất nhiều thứ để người ta phải ngẫm nghĩ về đạo đức của một nhà cầm quyền, dẫu đó là loại đạo đức giả hiệu. Từ sau năm 1989 đến nay, thế giới vẫn chưa bao giờ ngừng thu thập các tài liệu về các vụ tra tấn thể chất và chà đạp tinh thần con người trong các nhà tù cộng sản ở Ba Lan, Đức, Rumani, Nga Sô… những kẻ thi hành nhiệm vụ cho đến những kẻ ra lệnh vẫn luôn được gọi tên và đưa ra xét xử. Nhưng điểm chung của tất cả các trại giam và phạm nhân chính trị ấy đều có chung một đặc điểm là một bên thì cố bẻ gãy ý chí, thậm chí bào mòn sức sống của tù nhân bằng mọi cách. Một bên thì cố giữ lại phần nhân tính của mình để dành lại cho quê hương mai sau không còn cộng sản – mà điều ấy chắc chắn sẽ đến. Nột bật hơn hết, là trò kỳ quái, khi đã kết án, các trại giam và các quản giáo xay thịt luôn buộc các phạm nhân phải viết bản nhận tội và tự thú thành khẩn trong những năm tháng bị giam hãm. Nhiều ví dụ ở Việt Nam cũng đang cho thấy điều đó, tương tự. Khi bạn đọc được những dòng chữ này. Ở Việt Nam, vẫn còn ai đó đang tuyệt thực. Vẫn có ai đó đang bị chà đạp tinh thần hay thân thể trong các trại giam. Và ở đâu đó, vẫn còn những con người Việt Nam luôn muốn sống với luật pháp, với tư duy văn minh và đòi một làn gió cho mình, bất chấp nhà cầm quyền có thể chối bỏ hay che lấp những số phận đó. Nếu bạn là yêu sự công bằng. Yêu sự tồn tại đường hoàng của con cái mình trong tương lai, ở một quốc gia tiến bộ và có quyền con người, bạn cần lắng nghe thấy họ, và lên tiếng cho những người như ông Trương Minh Đức, Đào Quang Thực, Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Binh, Nguyễn Trung Tôn, Trần Hoàng Phúc, Phan kim Khánh… rất nhiều ở Việt Nam lúc này, không thể kế hết. Bạn cần lên tiếng cho những con người đang chịu tù đày – dù đúng hay sai đi nữa – vì nơi đó không phải là để dành cho việc hủy diệt nhân tính. Bạn hãy lên tiếng, kể cả khi tôi không có thể lên tiếng cùng bạn, như ngày hôm nay.  
......

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - Công ty nước ngoài tháo chạy

Tran Hung CUỘC THÁO CHẠY KHỎI TÀU CỘNG CỦA CÁC CÔNG TY MỸ ĐẨY TÀU CỘNG RƠI VÀO CẢNH "ĐẠI THẤT NGHIỆP - ĐẠI THẤT THU - NHÀN CƯ VI BẤT THIỆN". Trước vũ khí thuế quan không khoan nhượng của ông Trump nhắm trực diện vào Tàu cộng, hàng loạt công ty Mỹ đã đầu tư vào Tàu cộng trước đây bắt đầu rút khỏi đất nước hơn 1,4 tỉ dân này, cụ thể: 1. Apple: Một trong Tứ đại gia công nghệ chuyên thiết kế, phát triển và bán điện tử tiêu dùng, phần mềm máy tính và dịch vụ trực tuyến. Đang cân nhắc chuyển tới 30% sản lượng của họ từ Tàu cộng sang Đông Nam Á. 2. Stanley Black & Decker: Là nhà sản xuất dụng cụ công nghiệp, phần cứng gia dụng đạt chuẩn Fortune 500 của Mỹ (Fortune 500 là một danh sách hàng năm được biên soạn và xuất bản bởi tạp chí Fortune, xếp hạng 500 tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ theo tổng doanh thu cho các năm tài chính tương ứng của họ. Đang chuyển sản xuất thương hiệu Craftsman nổi bật của mình sang Mỹ, nơi họ sẽ mở một cơ sở mới ở Fort Worth, Texas. 3. Steve Madden: Là một đại gia thiết kế, tiếp thị giày và phụ kiện thời trang cho phụ nữ, nam giới và trẻ em. Đang chuyển sản xuất sang Cambodia. 4. GoPro: Công ty chuyên sản xuất Action camera - Máy ảnh hành động và phát triển các ứng dụng di động và phần mềm chỉnh sửa video của riêng mình. Đang chuyển phần lớn sản xuất ra khỏi Tàu cộng để đến Mexico vào giữa năm 2019. Chỉ giữ lại các công việc sản xuất các sản phẩm phục vụ nội địa cho Tàu cộng. 5. Hasbro: Tên đầy đủ Hassenfeld Brothers, nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới về giá trị thị trường chứng khoán và lớn thứ ba với doanh thu xấp xỉ 5,12 tỉ USD. Đang chuyển phần lớn sản xuất từ ​​Tàu cộng sang Mexico, Việt Nam và Ấn Độ. 6. Brooks Running: Nhà sản xuất giày thể thao thuộc sở hữu của Berkshire Hathaway của Warren Buffett đang chuyển sản xuất từ ​​Tàu cộng sang Việt Nam. 7. Whirlpool Corp: Là tập đoàn đa quốc gia của Mỹ chuyên sản xuất và tiếp thị của đồ gia dụng, đạt chuẩn Fortune 500 với doanh thu hàng năm khoảng 21 tỷ USD, có 92.000 nhân viên và hơn 70 trung tâm nghiên cứu sản xuất và công nghệ trên toàn thế giới. Công ty đang chuyển sản xuất một số thiết bị KitchenAid - Đồ dùng nhà bếp từ Tàu cộng về lại Mỹ. 8. Intel: Là tập đoàn đa quốc gia trong lãnh vực công nghệ của Mỹ. Đây là nhà sản xuất chip bán dẫn có giá trị lớn thứ hai và cao thứ hai thế giới dựa trên doanh thu và là nhà phát minh của loạt vi xử lý x86 , bộ xử lý được tìm thấy trong hầu hết các máy tính cá nhân - PC. Năm 208 Intel xếp thứ 46 trong danh sách Fortune 500 của các tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ theo tổng doanh thu. Công ty đang xem xét chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Tàu cộng. Trước cuộc chiến thuế quan không khoan nhượng của tổng thống Donald Trump với Tàu cộng, hầu hết các công ty Mỹ đã quyết định rời khỏi Tàu cộng để ủng hộ tổng thống Donald Trump. Điểm đến của các công ty trên của Mỹ là trở về nước Mỹ, Mexico hoặc các nước ở Đông Nam Á như Việt Nam, Cambodia,... Tàu cộng sẽ đối diện với cơn địa chấn "đại thất nghiệp - đại thất thu ngân sách". Điều gì sẽ xảy ra với Tàu cộng khi hàng vạn, thậm chí hàng triệu người rơi vào tình cảnh NHÀN CƯ VI BẤT THIỆN./. Tran Hung  
......

Nếu từ bỏ ý thức chính trị thì dân tộc sẽ đối diện họa diệt vong

Đỗ Văn Ngà| Hiện nay số phận đất nước Việt Nam đang rơi dần vào tay ngoại bang. Có 2 nguyên nhân dẫn đến việc này: thứ nhất là vị trí địa lý, thứ nhì là thể chế chính trị. Vị trí địa lý thì không thể thay đổi, một khi Trung quốc lấn xuống phía Nam thì lãnh thổ Việt Nam teo tóp lại. Để Việt Nam tiếp tục đứng độc lập với Trung Quốc dứt khoát phải thay đổi thể chế chính trị để đám bảo dân tộc trường tồn. Từ xưa, người ta đã khẳng định rằng, con người là sinh vật chính trị. Tức về mặt sinh học, con người chẳng khác nào các loại động vật khác, nhưng cái mà con vật không có chính là ý thức chính trị, từ ý thức chính trị dẫn đến thái độ chính trị. Nhờ thái độ chính trị mà con người hình thành nên xã hội, hình thành quốc gia lãnh thổ, và hình thành nhà nước vv… và từ đó loài người mới phát triển. Khi xã hội phát triển, thì giáo dục phát triển và tri thức cũng phát triển, từ đó ý thức chính trị của con người cũng tiến bộ theo. Một khi ý thức chính trị trong giới không quyền lực (tức người dân) được nâng cao, thì khi đó gộp những người không quyền lực lại trở thành một tập thể siêu quyền lực, chính nó đã buộc giới cai trị phải lùi bức và chấp nhận ý chí của toàn dân. Ngược lại một tập thể nếu ý thức chính trị kém thì dù có gộp thành một tập thể dù đông đến đâu cũng chỉ là một đàn cừu ngoan ngoãn, không hơn không kém. Có thể nói dân số là cỗ máy, còn ý thức chính trị là nhiên liệu. Nếu cỗ máy có to đến đâu mà không có nhiên liệu thì chỉ là đống sắt không có tác dụng gì cả. Đất nước Việt Nam 100 triệu dân, Hồng Kông 7,5 triệu dân nhưng sức mạnh của nhân dân Việt thua rất xa sức mạnh dân Hồng Kông. Trước quốc hội, quan chức CSVN nhận trách nhiệm suông, dân Việt không nói gì, còn bà đặc khu trưởng Hồng Kông chấp nhận tạm hoãn luật dẫn độ thì dân Hồng Kông chưa chấp nhận và họ xuống đường đông hơn nữa đòi bà này phải từ chức. Vì dân Hồng Kông biết rằng, hành động của bà Carrie Lam chỉ là kế hoãn binh chứ không hề muốn từ bỏ. Sự khác biệt này bởi đơn giản thái độ chính trị của người dân Hồng Kông hơn hẳn dân Việt Nam. Đất nước Việt Nam với 100 triệu dân nhưng sức mạnh không có, cỗ máy 100 triệu dân đó như một đống sắt vụn khổng lồ. Nếu có nhiên liệu, cỗ máy trăm triệu dân này lăn bánh sẽ nghiền nát một ĐCS nhỏ nhoi. Như vậy ta thấy thái độ chính trị tốt, nó sẽ phá vỡ gông cùm xưa cũ và buộc chính quyền thiết lập một trận tự mới theo ý chí toàn dân. Đó chính là nguyên nhân làm cho xã hội phát triển. Ở chiều ngược lại, giới cầm quyền vì ích kỷ quyền lực của mình mà tìm cách loại bỏ thái độ chính trị ra khỏi con người bị trị để duy trì sự cai trị. Ở Hồng Kông thái độ chính trị tốt nó sẽ giữ lại những giá trị tiến bộ mà Anh Quốc để lại, đó là một di sản to lớn. Phải nói, nước Anh rút đi để lại cho dân Hồng Kông một ý thức chính trị cao là giá trị cốt lõi, chính điều đó nó mới bảo vệ bộ máy dân chủ Hồng Kông trước sự xậm nhập của giá trị mọi rợ đến từ Trung Hoa Cộng Sản. Còn với Việt Nam, ý thức chính trị không chỉ sẽ đưa Việt Nam đến với dân chủ mà còn bảo vệ Việt Nam khỏi sự thôn tính của Trung Cộng nữa. Tại Trung Đông, ngay ngả ba Á – Âu – Phi có một quốc gia nhỏ bé về diện tích – Israel với vỏn vẹn 9 triệu dân, nhưng đứng sừng sững giữa thế giới Ả Rập gấp mình đến 50 lần về dân số. Tại sao? Vì đất nước này đang có 2 tầng bảo vệ trước ngoại bang, tầng thứ nhất là nhà nước của họ và tầng thứ 2 là nhân dân. Chính nhờ ý thức chính trị cao mà dân Do Thái mới trở về cố hương để lập quốc sau 2 ngàn năm mất nước. Và hiện nay nhà nước của người Do Thái là nhà nước dân chủ mang ý chí của nhân dân họ. Vì thế mà với 2 tầng bảo vệ như thế này, họ mới sừng sững giữa thế giới Ả Rập thù địch. Đấy là ví dụ rõ nhất về ý thức chính trị. Ý thức chính trị cao chính là thành trì vững chắc bảo vệ một đất nước hoặc một dân tộc trường tồn. Còn Việt Nam thì sao? Hiện nay đất nước Việt Nam đang bị mất đi một thành trì bảo vệ. Nhà nước CHXHCNVN là một nhà nước ngã về ngoại bang chống lại quyền lợi dân tộc. Giờ dây người dân Việt Nam chỉ còn lại thành trì cuối cùng để bảo vệ, đó nhân dân phải tự bảo vệ chính mình. Nhưng xem ra với ý thức chính trị kém và thái độ chính trị yếu ớt như hiện nay thì con đường mất nước đang đón chờ nhân dân Việt Nam. Hậu mất nước sẽ là diệt chủng, điều này khó tránh khỏi. Dân tộc mất nước nào cũng đối đầu với nguy cơ đó hết, nên chẳng có ngoại lệ nào cho dân tộc Việt Nam. Dân Do Thái cũng từng đối diện với âm mưu diệt chủng khi họ còn vong quốc. Cho nên thấy công an đánh đập mà sợ không dám biểu tình đó là cái nhìn thiển cận. Nếu dân Việt xuống đường mạnh mẽ như dân Hồng Kông để đòi hỏi chính quyền Cộng Sản Việt Nam từ bỏ những chính sách thân Tàu thì chính điều này sẽ đẩy lùi được họa mất nước. Khi biểu tình rộng khắp người dân bị đánh đập cũng phải chấp nhận vì đó là cái giá còn rất rẻ, nó rẻ hơn nhiều so với cái giá phải trả khi để dân tộc này rơi vào họa diệt chủng./.  
......

Đồng hành cùng gia đình tù nhân lương tâm

Nguyễn Tường Thụy -  Việt Nam Thời Báo| Mấy năm gần đây, Quỹ 50k phối hợp với Hội Bầu Bí Tương Thân và các hội nhóm xã hội dân sự thường xuyên tổ chức những chuyến đi cùng các gia đình thăm tù nhân lương tâm (TNLT) ở các trại giam. Trại giam Nam Hà (thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) thuận tiện hơn cả trong việc có thể đồng hành với nhiều gia đình TNLT trong một chuyến vì trại giam này gần Hà Nội và các gia đình đi cũng không xa lắm so với nhiều trại khác. Nơi đây, có nhiều TNLT đang bị giam giữ: Phạm Văn Trội, Lê Thanh Tùng Vũ Quang Thuận (Hà Nội); Phan Kim Khánh (Phú Thọ); Lê Đình Lượng, Nguyễn Việt Dũng, Hồ Đức Hòa (Nghệ An)… Buổi đồng hành cùng gia đình TNLT hôm nay, 16 tháng Sáu, 2019 là một chuyến đi như thế. Anh em xã hội dân sự có Nguyễn Thúy Hạnh (Quỹ 50k); Ngô Duy Quyền, Lê Hùng, Trương Văn Dũng, Nguyễn Tường Thụy (Hội Bầu Bí Tương Thân); các anh chị: Nguyễn Nguyên Bình, Nguyễn Thanh Hà, Vũ Văn Hùng, Trương Minh Hưởng, Trần Khắc Sáng, Nguyễn Văn Hưởng. Gia đình TNLT Lê Thanh Tùng có vợ (chị Trần Thị An) và con trai. Gia đình TNLT Phan Kim Khánh có bố (anh Phan Văn Dung), mẹ  và vợ chồng em gái. Gia đình TNLT Lê Đình Lượng có vợ (chị Nguyễn Thị Quý), em vợ, con trai, con dâu cùng 2 cháu nội. Gia đình TNLT Hồ Đức Hòa có mẹ và hai em trai. Gia đình TNLT Phạm Văn Trội có vợ (cô Nguyễn Huyền Trang), con trai và con gái Gia đình TNLT Vũ Quang Thuận có em trai (Nguyễn Trung Quân) * Những chuyến đồng hành cùng gia đình TNLT mang nhiều ý nghĩa và có tác dụng thiết thực. Khi gặp gỡ gia đình, các anh đều được gia đình cho biết cùng đi, đang đợi và theo dõi ở ngoài cổng gồm những ai. Đó là những cái tên thân thuộc làm các anh rất vui và cảm động, biết mình tuy “thân thể tại ngục trung” nhưng các anh không bao giờ cô đơn. Gia đình cũng chuyển lời của chúng tôi tới mỗi TNLT. Qua những chuyến đi như thế, tinh thần các anh càng thêm vững vàng và yên tâm. Việc gặp gỡ và giao lưu giữa các gia đình càng gắn bó thêm tình thân, tình đoàn kết, chia sẻ những kinh nghiệm nuôi tù, kinh nghiệm đấu tranh khi bị nhà cầm quyền sách nhiễu, gây khó khăn hay dọa dẫm. Mỗi khi có TNLT bị bắt là thêm rất nhiều người giác ngộ, nâng cao nhận thức về chính trị, vượt qua nỗi sợ hãi mà trước đó với họ còn là một việc khó khăn. Hôm nay, ngoài những món quà hỗ trợ các gia đình, chị Nguyễn Thúy Hạnh còn trao cho họ cuốn “Cẩm nang nuôi tù” do Nhà báo Phạm Đoan Trang viết. Cuốn sách này được viết bằng tâm huyết và kiến thức phong phú của tác giả, rất bổ ích cho trước hết là các gia đình TNLT và những người hoạt động đang trong tình trạng nguy hiểm. Đặc biệt có cô giáo Nguyễn Thị Tình là vợ của thầy Nguyễn Năng Tĩnh. Thầy Tĩnh là TNLT mới bị bắt ngày 29 tháng Năm vừa rồi. Cô là giáo viên dạy môn sinh học ở đại học Đồng Tháp. Tuy thầy Tĩnh không bị giam ở trại Nam Hà, nhưng cô vẫn đồng hành với các gia đình TNLT hôm nay. Cô nói chuyện nhiều với các gia đình TNLT, hẳn là để học hỏi kinh nghiệm làm vợ TNLT. Như những gia đình khác, cô cũng nhận được cuốn “Cẩm nang nuôi tù” của Pham Đoan Trang. Cô Nguyễn Thị Tình (trái) và Nguyễn Huyền Trang, chúng tôi gọi vui là “tân vợ TNLT” và “đương kim vợ TNLT”. Ảnh: Việt Nam Thời Báo Như mọi lần, chúng tôi ăn bữa cơm trưa với nhau. Ngoài những món ăn gọi ở quán, còn có cả những đồ ăn được Nguyễn Thúy Hạnh chuẩn bị sẵn hay của các gia đình mang theo. Không khí càng thêm thân thiện, tin cậy, ấm lòng gia đình TNLT và cả chúng tôi. Ông Trương Minh Hưởng bị khủng bố Ông Trương Minh Hưởng nhà chỉ cách trại giam Hà Nam 3,4 km nên mỗi lần đến trại, chúng tôi thường báo cho ông. Khi đến trại, đã thấy ông chờ sẵn. Hôm nay, chia tay các gia đình, chúng tôi quay về Hà Nội. Vào lúc 13h30’, tôi nhận được liên tiếp các cuộc gọi gấp của ông Hưởng, báo bị công an đánh. Khi quay trở lại chỗ ông gặp nạn, thấy lảng vảng có những kẻ đi xe máy, đỗ sẵn sàng ở gần đó. Chúng tôi biết, sau khi đánh ông Hưởng xong, chúng tản ra chờ sẵn để tấn công tiếp nếu ông Hưởng về một mình. Chúng tôi gặp ông, quần áo bê bết bùn đất, trên mình nhiều vết thương. Dưới ruộng có mấy nông dân đang cấy. Ông Hưởng cho biết 4 tên đi theo ép xe ông rồi lao vào đánh, ném chìa khóa xe của ông xuống ruộng. Có nhiều tên ở vòng ngoài sẵn sàng lao vào tiếp tay cho tội ác. Biết là ông sẽ tiếp tục bị đánh nếu về một mình, chúng tôi cùng đi với ông cho đến khi ông về tới nhà. Về sự việc này, chúng tôi đã phát trực tiếp: https://www.youtube.com/watch?time_continue=11&v=62tw0RpjxEI Ông Trương Minh Hưởng năm nay 70 tuổi, là dân oan ở Hà Nam. Nhiều năm qua, ông đã đồng hành cùng dân oan, hỗ trợ pháp lý cho họ khiếu nại và thưa kiện. Vì vậy, việc làm của ông bị nhiều kẻ ghét. Đã nhiều lần, ông bị đánh ngoài đường, bị công an và côn đồ bao vây, ném đá và chất bẩn vào nhà. Thông tin tiếp theo về ông Trương Minh Hưởng Buổi tối về nhà các vết thương của ông Hưởng bắt đầu sưng đau, ông Hưởng nghi là bị rạn/gãy xương. Hôm sau 17/6, thấy đau hơn, ông Hưởng đến bệnh viện khám. Phim chụp cho thấy ông bị gãy xương sườn số 10. Theo một bức ảnh ông Hưởng chụp được ở khoảng cách gần cho thấy 2 tên đi 1 xe máy đã che biển số. Rất tiếc là ngón tay của ông che mất một phần camera điện thoại nên không rõ mặt chúng. Đây là một trong những vụ khủng bố hèn hạ của nhà cầm quyền nhằm vào những người đấu tranh. Ông Hưởng đã trao đổi chi tiết với RFA về vụ việc này trong bài “Một nhà hoạt động bị hành hung sau khi đến Trại Nam Hà“. Gia đình TNLT nói gì Trở lại với các gia đình TNLT trong chuyến đi thăm thân nhân này. Có nhiều tâm sự chân thành, cảm động. Xin nêu vài ý kiến đại diện và tôi chỉ làm công việc sao chép hay ghi chép lại cảm tưởng của các gia đình (có biên tập lại đôi chút nhưng giữ nguyên ý). Cô Nguyễn Xoan là con dâu TNLT Lê Đình Lượng viết: “Buổi trưa nắng nóng và mệt nhưng rất vui vì có rất nhiều cô chú, anh chị đã không ngại đường xá xa xôi, thời tiết nóng bức để đi từ Hà Nội đến đồng hành thăm nuôi TNLT cùng các gia đình. Như mọi người biết, dù ở đâu, làm gì và trong hoàn cảnh nào thì sự đồng hành từ những người thân, người anh em, ban bè luôn là điều cần và rất cần đối với chúng ta. Với bố tôi, ông Lê Đình Lượng, cũng vậy. Hơn cả niềm vui mừng, sự sung sướng, ánh mắt lâng lâng hạnh phúc của Ông đã nói lên tất cả khi  hay tin có nhiều anh em đang ở ngoài để truyền lửa tinh yêu cho bố nói riêng và gia đình mình nói chung. Bố gửi lời chúc sức khoẻ bình an và lời cám ơn đến mọi người đã luôn nâng đỡ đồng hành với gia đình.” Cô Xoan cho biết có 4 TNLT là Lê Đình Lượng, Nguyễn Viết Dũng, Phan Kim Khánh và Lê Thanh Tùng bị kỷ luật, không được gọi điện thoại về gia đình, không được mua bất cứ thứ gì thêm ngoài khẩu phần ăn trại cung cấp, không được nhận những gì từ gia đình gửi vào như sách đọc hay đồ ăn. Lý do bị kỷ luật là ông Lê Đình Lượng đã tranh thủ cơ hội được gặp nhau trong buổi lao động tập thể, bàn với 3 TNLT kia làm đơn gửi Quốc Hội tố cáo về quyền lợi của những tù nhân không được thực hiện ở trại giam Nam Hà. Gia đình đã làm việc với phó giám thị nhưng vẫn không được giải quyết. Cô Xoan ngỏ ý “Mong mọi người quan tâm lên tiếng để giúp đỡ bố tôi nói riêng và các tù nhân khác nói chung đòi được quyền lợi của mình ở nhà tù nhỏ trong nhà tù lớn.” Một người nhà TNLT (khi ra, gặp nhau nói chuyện tíu tít nên tôi không nhớ là ai) kể một chuyện khá vui: Thấy đông người đến đứng xung quanh trạm gác, mấy quản giáo hỏi một người đi thăm: “Sao hôm nay nhiều người đi thăm Tù nhân Lương tâm thế?” Nghe chuyện này tất cả đều cười đắc ý vì giờ đây thuật ngữ “tù nhân lương tâm” đã được chính công an sử dụng. Cô Phan Thị Trang cho biết về tình hình anh trai cô là Phan Kim Khánh như sau: “Như tuần trước tôi có đăng một bài viết về anh tôi là hơn một tháng gia đình tôi không nhận được thư, điện thoại của anh gọi về. Đó là lúc anh tôi đang bị nguy hiểm. Đúng như tôi đã suy đoán, anh tôi kể anh đang bị kỷ luật. Trong vòng 3 tháng anh không được gọi điện, nhận thư, gửi thư, không được mua đồ ăn thêm ở căng tin của trại. Anh chỉ ăn nguyên cơm tù và không được nhận tiếp tế từ bên ngoài vào. Vì thế `mà lần này thăm gặp nhìn anh tôi giảm đi mấy ký. Chắc tại cái nắng hè 30 – 40 độ vẫn phải lao động ngoài trời mà làn da của anh tôi sạm đen nhưng tinh thần anh vẫn tốt. Anh nói anh làm đúng, anh không sợ.” Trang cho biết thêm: “Anh còn vui hơn khi được biết có sự đồng hành của các cô chú ở Hà Nội. Anh gửi lời cảm ơn đến các cô chú và tất cả mọi người luôn ủng hộ và đồng hành động viên gia đình tôi và các gia đình TNLT. Anh tôi rất ấm lòng.” Cô “xin mọi người chia sẻ, lên tiếng để anh tôi không bị nguy hiểm, không gặp những thủ đoạn bẩn thỉu của bọn CS. Gia đình cháu cảm ơn các cô chú luôn đồng hành và động viên các gia đình tù nhân lương tâm.” Cô Nguyễn Thị Tình vợ TNLT Nguyễn Năng Tĩnh tâm sự trên trang Facebook của mình: “Lần đầu tiên may mắn có cơ duyên được gặp chị Thúy Hạnh, cô, chú, bác, anh, chị Hà Nội cũng như các gia đình TNLT. Em cảm động vô cùng và cảm thấy gần gũi thân thương như ruột rà, như có mối duyên từ trước. Cuộc gặp hôm nay đã tiếp thêm nghị lực, can đảm, sức khỏe và cũng là hành trang để em chuẩn bị chặng đường gian nan đang tới. Em xin chân thành cảm ơn tất cả! Kính chúc các cô, chú, anh chị luôn vui khỏe và bình an. Chúc tất cả các gia đình TNLT đủ sức khỏe, nghị lực, can trường và đoàn kết để tiếp tục chặng đường gian nan đòi công lý cho các TNLT nói riêng, cho toàn dân Việt Nam nói chung!” Cô giáo Tình cũng chia sẻ với phóng viên Việt Nam Thời Báo những câu chuyện xung quanh việc chồng cô, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh mới bị bắt. Mời bạn đọc theo dõi nội dung phỏng vấn sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=hVTQbTgy6fI Nguyễn Tường Thụy -  Việt Nam Thời Báo
......

Nền giáo dục Việt Nam sẽ được khai phóng?

Vào ngày 12 tháng Sáu vừa qua, hệ thống giáo dục Việt Nam lại được đưa ra bàn thảo để tìm hướng đi trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, mức độ cạnh trạnh kinh tế với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á và thế giới càng ngày càng quyết liệt hơn. Đáng chú ý với lời phát biểu của ông Trần Hồng Quân – Chủ Tịch Hiệp Hội các Trường Đại Học, Cao Đẳng Việt Nam rằng “Nguồn lực con người, trí tuệ của người Việt Nam lẽ ra phải là điểm mạnh và lợi thế nhất trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa khai thác hiệu quả nguồn lực này để phát triển đất nước.” Ông Quân nói đúng. Việt Nam hiện có dân số vàng tức là trẻ và ở tuổi lao động với tỷ lệ rất cao. Người trẻ Việt Nam ham học, bên cạnh đó chúng ta có một cộng đồng đa năng với tầng lớp trẻ rất giỏi ở hải ngoại. Lợi thế này không có quốc gia nào ở Đông Nam Á sánh bằng. Nhưng vấn đề là tại sao lợi thế này không khai thác để đưa Việt Nam vực dậy. Ông Quân chỉ ra giải pháp “Muốn khai thác và phát huy tốt nguồn nhân lực đó, chúng ta phải có một nền giáo dục mở hiện đại, có một hệ thống mạng lưới được sắp xếp khoa học, phát huy truyền thống và trí tuệ Việt Nam, với tư duy đổi mới không ngừng.” Hội thảo nhắc đến Nghị Quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục phải tự chủ và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nó chỉ là nghị quyết nghe rất hay mà trong suốt 5 năm vừa rồi vẫn chưa thực hiện được. Do đâu và bởi ai mà nền giáo dục Việt Nam vẫn loay quanh như gà què ăn quẩn cối xay? Vì trong thực tế Đảng Cộng Sản không dám để cho giáo dục được phép tự chủ mà phải thực hiện cơ chế xin-cho theo ý của họ. Việc nhập vào dòng chảy giáo dục quốc tế sẽ đưa lại nhiều ảnh hưởng to lớn, vô hình chung sự ảnh hưởng của quốc tế có thể làm sói mòn quyền cai trị độc tài của cộng sản. Thật vậy, những tác hại vô cùng nghiêm trọng đối với các thế hệ sinh viên học sinh Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ qua là họ bị ngăn cản trí tuệ, ham học hỏi và sự sáng tạo chỉ bởi vì thói tư duy xơ cứng của lãnh đạo cộng sản lấy chủ nghĩa Mác Lê, “tư tưởng Hồ Chí Minh” làm kim chỉ nam. Đáng lẽ ra Việt Nam cần phải dẹp bỏ nó từ lâu, nhưng khốn thay, đến nay thì nó vẫn chình ình trên ghế nhà trường. Như vậy thì giáo dục có tự chủ được không? Nguồn lực con người, trí tuệ của người Việt Nam có khai phóng được không? Mặt khác, lãnh đạo Đảng Cộng Sản rất lo lắng cái họ gọi là “diễn biến hòa bình” nếu để cho nền giáo dục hoạt động mở và tự chủ. Vì khi đó, mọi giáo điều, triết lý hay tư tưởng lỗi thời thuộc ý thức hệ cộng sản sẽ bị loại trừ. Khi nền giáo dục có được tự do ra biển lớn thì những cặn bã, rác rưởi hoặc sẽ bị nhấn chìm xuống đáy đại dương hoặc sẽ bị trôi dạt vào bờ. Một nền giáo dục tự chủ, khai phóng, nhân văn đồng nghĩa với mặt bằng dân trí càng ngày càng được nâng lên, sự hiểu biết của người dân về mọi mặt trong đời sống xã hội càng sâu rộng, nhận thức về quyền chính trị ngày một minh nhiên hơn. Như vậy thì sự phản kháng của người dân sẽ bung lên mạnh mẽ trước bất công, trước sự kém cỏi, bạc nhược và tàn ác của nhà cầm quyền. Từ đó dẫn đến nguy cơ diệt vong của Dảng Cộng Sản là điều không tránh khỏi. Do đó mọi phát biểu liên quan đến cải cách giáo dục, hội nhập sâu rộng đều chỉ là sáo ngữ vì đảng không thực sự tin tưởng vào việc khai dân trí. Điều đó giống như là đảng tự sát vậy. Khi người dân không còn sợ đảng và giỏi hơn đảng thì chính là tự cởi trói cho chính mình và sợi dây đó sẽ trói đảng. Đó là điều đang đặt Đảng Cộng Sản Việt Nam rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không có sự đổi thay toàn diện, triệt để thì giáo dục Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu. Một nền giáo dục đi lạc đường hàng mấy chục năm qua lẽ nào vẫn chưa tỉnh ngộ. Theo Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng nhận định “Tôi phải đi đến kết luận ngay ngày hôm nay là thay đổi quá chậm, nền giáo dục của Việt Nam vẫn còn ngụp lặn trong cái tụt hậu.” Để kết thúc bài viết này, tôi đồng tình với suy nghĩ của Giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng đã chia sẻ như sau: “Cái tư duy giáo dục của ta, triết lý giáo dục của ta sai lạc. Ta không coi chuyện giáo dục là tạo những thực thể, những con người tự do. Tự do thì mới có sáng tạo, mà sáng tạo thì mới làm khoa học kỹ thuật, làm công nghiệp, ngay cả làm quản trị kinh doanh, phải có những con người có đầu óc độc lập. Cách đào tạo của mình đi lạc đường, mình tạo ra những con vẹt, những lò xo, tạo những con người làm việc máy móc thì không thể thích ứng cho nền kinh tế phát triển.” Paulus Lê Sơn Sự ruỗng nát giáo dục Việt Nam 2018 lên đỉnh điểm  
......

Con nhà người ta & con cháu nước mình

Tưởng Năng Tiến -  RFA| Một đất nước chỉ “được phép” vun trồng chanh thôi thì dễ gì mà tìm được những quả cam. Vài tiếng đồng hồ sau, sau khi Joshua Wong (Hoàng Chi Phong 黃之鋒) ra tù –  vào hôm 17 tháng Sáu, 2019 – cô giáo Thảo Dân đã gửi đến cộng đồng mạng một stt ngắn: “Con nhà người ta.” Xin được ghi lại đôi ba đoạn chính: “Hoàng Chi Phong ra tù với một chồng sách trên tay, gương mặt tự tin ngời sáng. Tôi tin, những tù nhân lương tâm trẻ tuổi của chúng ta, nếu không bị tước đoạt quyền được đọc sách báo trong tù, thì khi được trả tự do, họ cũng như vậy… Hoàng Chi Phong ra tù. Hàng loạt hãng thông tấn quây quanh anh phỏng vấn. Những câu trả lời của anh đầy trí tuệ, nhiệt huyết và dũng cảm. Tôi tin, nếu những tù nhân lương tâm trẻ tuổi của chúng ta được phép tự do tiếp xúc báo chí, họ cũng thể hiện khí chất không kém. Nhưng. Họ không được thể hiện những gì mà Hoàng Chi Phong thể hiện. Vì sao, ai cũng biết câu trả lời. Bởi vậy. Tôi rất ghét nghe những lời bình luận: Bao giờ Việt Nam mới được như Hong Kong, người ta đã tự do bao nhiêu năm, còn mình thì thế này thế kia. Thế hệ trẻ nước người ta như thế, chứ bọn trẻ Việt Nam thì chỉ biết điên rồ vì một trận cầu hoặc yêu đương vớ vẩn. Ở Hong Kong mới thế chứ Việt Nam thì có mà mơ… Tôi hỏi, Các anh chị đã làm gì để tuổi trẻ đất nước này thay đổi? Có dám chia sẻ, bàn luận với chính anh em, con cháu mình về những gì đã và đang xảy ra trước mắt hay chỉ muốn con người ta đổ máu còn con mình hưởng bình an?… Nhưng hãy nhớ cho, tụi nhỏ bị nhồi sọ cho tới tê liệt khả năng phản kháng, từ mẫu giáo đã phải hưởng một nền giáo dục đóng khuôn tư duy, bắt học tập gương ông này ông nọ, hoàn toàn không được tự do phát triển như “con người ta”. Bởi vậy, ca ngợi tuổi trẻ Hong Kong thì tốt rồi, nhưng học được như “bố mẹ người ta” đi đã rồi hãy buông lời thất vọng.” Cô giáo Thảo Dân khiến tôi thốt nhớ đến đôi ba nhà giáo mà mình có quen, hoặc biết: Nguyễn Chí Thiện (1939 – 2012). Sau khi nhà thơ qua đời, nhà phê bình văn học Thụy Khuê đã ghi lại vài dòng về tiểu sử của ông: “Năm 1960, ở tuổi 21, vì trót giảng cho học trò đúng sự thật về một đoạn lịch sử thế chiến thứ hai, Nguyễn Chí Thiện phạm tội “phản tuyên truyền”, bị kết án hai năm, nhưng phải tù 3 năm rưỡi, cho đến 1964. Năm 1966, bị tình nghi làm thơ chống chế độ, lại bị bắt, bị tù 11 năm, 1977 được thả. Năm 1979 đến toà đại sứ Anh gửi hay “ném” tập thơ Hoa địa ngục, bị bắt tức khắc. Bị tù 12 năm, đến 1991. Trước sau tổng cộng 27 năm. Về “sự cố” này (“trót giảng cho học trò đúng sự thật”) có hôm tôi cũng được nghe Nguyễn Chí Thiện nói thêm – đôi câu – khi ông vui miệng: “Mình đi dậy thế cho người bạn vài buổi, chứ có phải là thầy giáo đâu. Tiện dịp thì cũng giải thích cho học sinh biết rằng Nhật đầu hàng trong cuộc Thế Chiến vừa qua là vì hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Nagasaki và Hiroshima, chứ không phải vì thua trận với Nga. Vậy mà hồi 61 bị đi tù vì tội phản tuyên truyền.” Đúng sáu mươi năm sau thì đến lượt nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh vào tù. Bản tin của BBC (“Thầy giáo dạy trò bài hát ‘Trả Lại Cho Dân’ bị khởi tố”) đọc được hôm 31 tháng Năm, có đoạn như sau: “Sau tin ông Tĩnh bị bắt, mạng xã hội lan truyền video ông Tĩnh dạy học sinh hát bài ‘Trả Lại Cho Dân’, một trong những bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ bất đồng chính kiến Việt Khang hiện đang tị nạn tại Mỹ. Được hỏi về bài hát này, bà Nguyễn Thị Tình (phu nhân ông Nguyễn Năng Tĩnh, phụ chú của TNT) nói ‘bài hát đấy rất hay, không có gì xấu xa’, rằng bà cũng ‘rất thích’ và hai con bà đều thuộc lòng những lời bài hát. ‘Trả lại đây cho nhân dân tôi Quyền tự do, quyền con người Quyền được nhìn, được nghe, được nói Quyền được chọn chân lý tự do Quyền xóa bỏ độc tài độc tôn…’ Chồng tôi là một người hoạt động tự do, là giảng viên nhạc, thường ngày vẫn đi dạy. Bản tính anh là một người rất nhiệt tình với cộng đồng, xã hội. Tất cả những ai cần giúp thì anh đều giúp hết mình trong khả năng của anh. Tôi khẳng định chồng tôi không làm gì sai. Tôi luôn ủng hộ lý tưởng của anh. Ví dụ vụ Formosa, anh tham gia phản đối điều xấu đó thì tôi thấy là hợp lý…” Nguyễn Chí Thiện bắt đầu cuộc đời tù tội (tổng cộng đến hai mươi bẩy năm) chỉ vì “trót giảng cho học trò đúng sự thật về một đoạn lịch sử.” Nguyễn Năng Tĩnh đang bị giam giữ chờ ngày ra toà vì dậy cho học sinh một bài hát, có đề cập đến quyền căn bản của con người: “quyền được nhìn, được nghe, được nói…” Bà Nguyễn Thị Tình vì “luôn ủng hộ lý tưởng của chồng” nên bị xách nhiễu thường xuyên, “bán hàng online để kiếm tiền nuôi con mà người ta không mua vì nói tôi phản động.” Tôi hoàn toàn không biết gì về gia cảnh những học sinh trong ban lãnh đạo của Thế Hệ Dù Vàng ở Hong Kong. Tuy thế – với ít nhiều chủ quan – tôi vẫn tin rằng cô thầy (cũng như cha mẹ) của các em chưa ai phải vào tù, cũng chưa có ai bị bắt giữ điều tra, hay bị xách nhiễu vì “giảng cho đúng một sự kiện lịch sử,” hay chỉ vì dậy cho học sinh một bài hát về quyền con người. Sự dị biệt căn bản này khiến cho Việt Nam không thể có những thanh niên như Joshua Wong (Hoàng Chi Phong 黃之鋒), Nathan Law (La Quan Thông 羅冠聰), Raphael Wong (Hoàng Tạo Minh 黃浩銘), Châu Vĩnh Khang (Alex Chow 周永康),… Một đất nước chỉ “được phép” vun trồng chanh thôi thì dễ gì mà tìm được những quả cam. Tưởng Năng Tiến -  RFA  
......

Nghị sĩ nước họ, nghị gật nước mình

Fb Việt Tân Nghị sĩ Charles Mok - Mạc Nãi Quang (54 tuổi) là một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực Internet và Công Nghệ Thông Tin có trụ sở tại Hồng Kông. Ông người đại diện cho khu vực chức năng Công nghệ thông tin trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Đã bênh vực người dân và lên án cảnh sát khi họ đánh đập người biểu tình ngay trước mặt ông. Bà Claudia Mo - Mao Mãng Tịnh - 62 tuổi- là nhà báo, chính trị gia. Bà là người đảng Công Dân - đại diện khu vực Tây cửu Long. Bà là người luôn sát cánh và ủng hộ người dân Hong Kong. Nghị sĩ Roy Kwong - Quảng Tuấn Vũ (36 tuổi - đảng Dân Chủ) - đại diện cử tri quận Nguyên Lãng. Anh Roy là người đã chắn trước cảnh sát bảo họ không được đánh đập sinh viên biểu tình. Anh cũng là nghị sĩ lao ngay đến ký túc xá Đại học Hong kong khi nghe tin cảnh sát lục xét, bắt sinh viên biểu tình. Nghị gật nước mình Ngoài việc ngủ gật trên Quốc hội, họ còn thường xuyên gây cười và chọc giận dân chúng chửi với những câu : Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường: “Ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí xe không di chuyển trong thời gian đó. Do đó, có thể hiểu rằng các vụ kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là ùn ứ, vì xe vẫn có thể di chuyển nhúc nhích được.” Ông Cầm Ngọc Minh Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trao đổi với phóng viên báo Soha rằng: “Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi.” Bí thư Quận ủy Hải Châu, Đà Nẵng đã làm cả hội trường bất ngờ khi phát biểu: "Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng" Cây cầu bắc qua kênh 28 theo tỉnh lộ 831, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An là công trình do tiền của người dân đóng góp cùng với vốn ngân sách xây dựng với kinh phí gần 2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng 14 ngày thì một nửa cầu đã đổ ập xuống sông vào ngày 27/5/2015. Việc người dân bỏ tiền đóng góp xây cầu, nhưng sau 14 ngày đã sập một nửa khiến người dân thất vọng và không ai dám tin vào chất lượng cầu do nhà nước xây và muốn xây lại cây cầu mới. Thế nhưng ông Nguyễn Văn Chỉnh – Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An khẳng định:"Nửa cây cầu còn lại không bị ảnh hưởng trong vụ sập cầu và hoàn toàn đảm bảo chất lượng để tiếp tục “sứ mệnh” đưa người dân qua kênh.” Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn chia sẻ ý kiến của mình về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ông Sơn nói: “Nhiều lần ta cũng nghĩ tới việc lấy lại nhưng trong lúc này chưa thể lấy lại được. Để đời con đời cháu chúng ta lấy lại. Trung Quốc bây giờ họ củng cố gần như là bất khả xâm phạm rồi.” “Ta như thế này thì bà con thấy ta ăn thua với họ được không? Ai tài giỏi thì thử chỉ huy ra đó coi có thắng không? Đánh được rồi nhưng có giữ được không?” Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho rằng: "Dự án chục tỷ, sai phạm một tỷ là tốt rồi." Và còn rất nhiều câu phát ngôn gây sốc nữa . Qua những lời phát biểu thiếu kiến thức và vô trách nhiệm của các ĐBQH đã gây phẫn uất trong lòng người dân. Cho nên đừng hỏi tại sao đất nước VIỆT NAM ngày càng xuống dốc vì có những nghị gật như vậy . [ BA ] - FB Việt Tân.
......

Giới trẻ Việt Nam và cuộc biểu tình Hong Kong

Một trong những bức ảnh đẹp nhất cuộc biểu tình Hong Kong (ảnh của Vincent Yu/AP) Manh Kim| Cuộc biểu tình cực đẹp của giới trẻ Hong Kong đã tức thì đưa Hong Kong lên tuyến đầu dân chủ và nhân quyền châu Á. Hình ảnh cuộc biểu tình không chỉ mang lại sự ngưỡng mộ mà còn trở thành niềm cảm hứng cho bất kỳ phong trào dân chủ nào. Nó cũng được nhắc đến để so sánh với Việt Nam. Đây là một so sánh bề nổi rất máy móc, khi các yếu tố nền tảng quan trọng tạo ra môi trường mang đến xúc tác dẫn đến sự hình thành và bùng nổ biểu tình đã không được nhắc đến, từ giáo dục, hệ thống chính trị, hệ thống luật pháp đến thậm chí cách thức sinh hoạt trong cộng đồng xã hội. Giới trẻ Hong Kong đã lên tuyến đầu dân chủ (12.06.2019) Giới trẻ Việt Nam đã bị miệt thị là hèn, ham ăn ham chơi, ngu dốt, không hiểu biết lẫn không quan tâm chính trị. Giới trẻ Việt Nam chỉ biết “vỡ òa” trước chiến thắng bóng đá và khóc rũ rượi khi đón “sao Hàn”. Tuy nhiên, điều gì khiến giới trẻ trở nên như vậy? Các yếu tố căn bản, như họ được sinh ra trong môi trường như thế nào và được dạy dỗ trong nền giáo dục ra sao, để trở nên “vô cảm” trước chính trị, đã không được xét đến khi so sánh với giới trẻ Hong Kong. Trong thực tế, ngay cả giới trẻ Hoa lục cũng không thể so với giới trẻ Hong Kong huống hồ Việt Nam. Và ngay cả giới trẻ Việt Nam thời điểm hiện tại cũng không thể so với sinh viên học sinh miền Nam trước 1975 huống hồ so với Hong Kong, khi mà môi trường chính trị Việt Nam hiện thời hoàn toàn không tương đồng so với miền Nam trước 1975. Giới trẻ Việt Nam chỉ biết “vỡ òa” trước chiến thắng bóng đá. Nói như thế không phải để bào chữa cho giới trẻ Việt Nam ngày nay. Dù vậy, trước khi lên án họ, “người lớn chúng ta” hãy nhìn lại trách nhiệm của mình; và giữa mình và giới trẻ thì nhóm đối tượng nào thật sự đáng trách trước. Trong nhiều năm qua, “người lớn chúng ta” đã làm gì và sống như thế nào để đất nước trở nên tan nát như thế này. Trong nhiều năm qua, “người lớn chúng ta”, hết thế hệ này đến thế hệ khác, đã làm gì để bây giờ tự mặc định có đủ “quyền người lớn” để trách cứ giới trẻ và buộc giới trẻ phải có trách nhiệm. “Người lớn chúng ta” có lỗi với giới trẻ hay giới trẻ “có lỗi” với “người lớn chúng ta”? Dĩ nhiên không phải tất cả lỗi đều thuộc các thế hệ đi trước, trong một đất nước mà từ sau 1975, hơn bốn thập niên qua, tất cả năng lượng và nhiệt huyết sung mãn nhất cho đòi hỏi dân chủ đã bị bóp nát từ trong trứng nước. Dù vậy, mỗi thế hệ đi qua đều để lại ít nhiều dấu vết trách nhiệm của mình. Mỗi thế hệ đi qua đều ít nhiều để lại cái gánh nặng mỗi lúc một nặng hơn cho công cuộc đấu tranh dân chủ và đòi hỏi tự do, đến nỗi, cái gánh nặng ấy trở nên nặng tới mức mà bây giờ nhiều người phải thốt lên, thôi bỏ, hết cách rồi. Và sau khi thở hắt ra sự tuyệt vọng, nhiều người lại chỉ tay vào giới trẻ, này, chúng mày làm đi, chúng mày hèn lắm, sao chúng mày không làm gì! Thật ra tất cả chúng ta đều ít nhiều hèn. Tuy nhiên, hèn nhất trong tất cả đối tượng hèn vẫn là chính quyền. Nhà cầm quyền hèn đến mức không bao giờ dám ngồi xuống đối thoại với dân. Một nhà cầm quyền cực hèn đã dùng vô số phương cách để trấn áp và đè đầu người dân khiến họ phải sống trong nỗi sợ và sự hèn. Hèn là tính từ bao trùm lấn át nhất miêu tả trọn vẹn một nền chính trị phi dân chủ. Chỉ khi nào một trong hai bên – chính quyền hoặc người dân – vượt qua lằn ranh đỏ được vạch ra bởi cái tính từ đen ngòm nặng trịch ám sâu trong đầu này thì ánh sáng le lói dân chủ mới có thể rọi chiếu đến. Dĩ nhiên chẳng chính quyền độc tài nào đủ cam đảm xóa bỏ chữ "hèn" trong chủ trương cai trị. Việc ấy phải đến từ phía người dân, từ nhiều nhóm, nhiều thành phần, nhiều lực lượng. Hong Kong không chỉ có một Hoàng Chi Phong. Trong thực tế, Hong Kong có hàng ngàn Hoàng Chi Phong. Chỉ khi nào Việt Nam có nhiều Hoàng Chi Phong như Hong Kong thì châu Á sẽ có được nguồn cảm hứng dân chủ mới mẻ từ cuộc biểu tình của hàng triệu người ở một quốc gia phi dân chủ có tên Việt Nam. Để có hàng ngàn Hoàng Chi Phong thì phải có hàng ngàn phụ huynh Hoàng Chi Phong, những người không thối thác và đổ lỗi, mà luôn chỉ cho giới trẻ thấy tương lai chúng lý ra đáng được hưởng hơn những gì mà chúng đang bị cướp mất; những người luôn nói cho con em mình biết tại sao và như thế nào “nền chính trị ổn định” này chỉ mang lại những thứ tốt đẹp nhất cho đám cầm quyền còn người dân thì luôn ôm hết mọi thứ tệ hại...
......

Chúng tôi khao khát tự do và dân chủ

Hoàng Chi Phong| "Cho dù phong trào phản kháng có ra sao đi nữa, chúng tôi sẽ giành lại được nền dân chủ và tiếp tục cuộc chiến. Bởi vì thời gian là người bạn tốt nhất của chúng tôi." - Joshua Wong. Tôi là sinh viên hai mươi tuổi, chào đời trước cuộc trao trả một năm. Lớn lên dưới sự thống trị của Trung Quốc, tôi không có ký ức gì về Hong Kong thuộc địa hay cảm thấy gắn bó với Hong Kong vào thời ấy. Thay vì thế, hàng ngày tôi bị nhồi nhét vào đầu rất nhiều chân lý hiển nhiên: Hong Kong là và sẽ mãi mãi là một "phần bất khả xâm phạm" của Trung Quốc; và Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hay ĐCSTQ, luôn luôn hành động cho quyền lợi tốt đẹp nhất của chúng ta dưới khuôn khổ "một nước, hai chế độ". Nhưng hai mươi năm sau khi chuyển giao chủ quyền, tôi bây giờ biết những sự thật hoàn toàn khác: Bắc Kinh vi phạm Tuyên bố Chung, hiệp ước quốc tế Trung Quốc ký với Anh vào năm 1984, khi vẫn tiếp tục không cho chúng ta quyền bầu cử tự do; do vậy Hong Kong bị sa lầy trên con đường bất tận đến dân chủ; và ĐCSTQ đã mở cuộc tấn công toàn lực vào các quyền tự do dân sự của chúng ta... Cách đây sáu năm, theo chỉ thị Bắc Kinh, chính quyền Đặc Khu Hành Chính Hong Kong tuyên bố kế hoạch nhằm đưa "chương trình giáo dục quốc gia" vào tất cả các trường tiểu học và trung học trên toàn thành phố. Đây là âm mưu dễ dàng nhận thấy để in sâu vào trong trí thanh niên chúng ta tinh thần yêu nước khờ dại và lòng trung thành mù quáng với ĐCSTQ. Có lẽ những chính khách kỳ cựu quá xa cách với trường lớp nên các đảng đối lập không mấy quan tâm đến tin tức ấy. Lúc ấy tôi mười bốn tuổi, chỉ mới bắt đầu vào lớp tám. Tôi biết tôi chẳng thể nào ngồi yên không làm gì cả trong khi chương trình giáo dục tẩy não nhiễm độc nền giáo dục chúng ta. Chính lúc ấy tôi thành lập tổ chức học sinh tên Học dân tư triều với nhóm nhỏ học sinh trung học để bảo vệ tư duy tự do và độc lập trong lớp học qua những cuộc biểu tình và các cách phản kháng ở cơ sở. Các chiến dịch của chúng tôi thoạt đầu ít người quan tâm đến - các cuộc tuần hành đường phố của chúng tôi chỉ thu hút vài chục người tham dự và các cuộc diễn thuyết ngoài phố của chúng tôi không được báo chí đăng tải nhiều. Đáp lại bao nỗ lực của chúng tôi là tâm trạng cam phận nói chung, vì nhiều người nghĩ chống lại chính sách của Bắc Kinh cũng vô ích. Đáng trách thay là xã hội Hong Kong chưa hoàn toàn đón nhận quan niệm về học sinh sinh viên đấu tranh. Hệ thống giáo dục dựa trên học thuộc lòng của chúng ta như trước đây và hiện nay vẫn còn quá chú trọng đến điểm số và các kỳ thi chung đến độ bất luận chuyện gì khác đều bị coi là xao lãng học hành. Điều này có thể hiểu. Đối với bao thế hệ người Hong Kong, phương tiện thăng tiến duy nhất và cũng là cách duy nhất đóng góp có ý nghĩa cho xã hội là đạt được mảnh bằng đại học danh giá (ưa chuộng nhất là quản trị kinh doanh) và những nghề nghiệp được chứng nhận (về tài chính, kế toán, luật hay y khoa). Chính trị xa lạ đối với tuổi trẻ đến mức bằng mọi giá khuyên họ tránh xa. Nhưng tôi thấm nhuần lời dạy của Thánh Kinh. Thánh Phao-lô dặn dò chúng ta đừng "để ai coi thường anh vì anh còn trẻ" và tôi nhập tâm bài học ấy. Vào đêm trước ngày chương trình giáo dục quốc gia được đưa vào nhà trường, không bao lâu sau khi tài liệu do Bộ Giáo dục bảo trợ đã khen ngợi ĐCSTQ là "tổ chức lãnh đạo thống nhất, vô tư lợi và tiến bộ", chúng tôi cuối cùng thành công trong việc khích lệ công chúng tức thời đứng lên chống lại tuyên truyền của chính quyền. Hơn 120 ngàn công dân đã xuất hiện ở "Quảng trường Công dân" bên ngoài trụ sở chính quyền để ủng hộ phong trào chúng tôi, buộc chính quyền Đặc Khu Hành Chính phải rút chương trình ra khỏi nhà trường ngay vào ngày hôm sau... Tôi tin đã qua rồi thời chính trị chỉ dành cho nhân tài kiệt xuất, và tuổi trẻ nên vạch ra con đường mới để đạt đến dân chủ bởi vì họ là những người chịu nhiều rủi ro nhất trong tương lai của thành phố chúng ta. Tôi cũng tin rằng những thay đổi thật sự được tạo ra không phải nhờ chơi theo luật chơi cũ mà nhờ bất tuân dân sự và tổng nổi dậy, và tuổi trẻ, do không bị ràng buộc bởi áp lực tài chính và gánh nặng gia đình, nên ít bị mất mát nhất nếu họ bị bắt hay bị kết tội và vì thế họ nên đảm nhận vai trò nổi bật hơn. Những niềm tin ấy giúp chúng tôi đón nhận Phong trào Chiếm đóng trong năm 2014 bằng hoạt động tổ chức từ đấy đưa đến cuộc chiếm đóng thật sự đường phố, cuộc tổng bãi khóa trên toàn thành phố, nhiều cuộc phản kháng tập thể khác nhau và trưng cầu dân ý về cải cách bầu cử với hơn 800 ngàn công dân tham gia. Thực ra, chính quyết định bất ngờ của chúng tôi tái chiếm Quảng trường Công dân vào ngày 26 tháng Chín, hai ngày trước khi cuộc Chiếm đóng bùng phát, đã khai màn cuộc đấu tranh 79 ngày... Cách đây hai mươi năm, ý tưởng cuộc tổng nổi dậy chính trị gây tê liệt thành phố nhiều tháng trời là hoàn toàn không tưởng. Cũng hoàn toàn phi lý là khái niệm sinh viên có thể tranh cử vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong với tư cách là người ủng hộ quyền tự quyết của thành phố. Hai mươi năm sau sau khi trao trả, điều không tưởng và phi lý một thời ấy hôm nay là phần hiện thực chính trị, qua đó chúng minh rằng người Hong Kong không chỉ là những người làm kinh tế như ta tưởng. Chúng ta cũng muốn và khao khát tự do, dân chủ và thượng tôn pháp luật như bao người khác. Cho nên chúng ta sẵn sàng chiến đấu hết sức mình cho tất cả những điều ấy. Hoàng Chi Phong Nguồn: D.H.L Dịch từ trang mạng Quartz ngày 25/6/2017. Nguyên tác tiếng Trung, bản tiếng Anh của Jason Y. Ng.
......

Văn nghệ sỉ Hong Kong vào cuộc - nghệ sĩ Việt Nam thì sao?

Le Anh Một trong những sự kiện được nhiều người chú ý liên quan đến cuộc biểu tình chống “luật dẫn độ”, đó là sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ, diễn viên tại Hong Kong đã đồng hành với người dân chống Trung Quốc. Có một số người đặt câu hỏi, qua những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam trong quá khứ sao vẫn chưa thấy nhiều văn nghệ sĩ vào cuộc như các nghệ sĩ Hong Kong? Câu trả lời là “CÓ” nhưng chưa được nhiều vì nhiều lý do khác nhau, bên cạnh đó cũng có sự chống đối Trung Quốc bằng một số hình thức biểu hiện khác nhau tùy theo vị trí và khả năng của họ, Tuy nhiên, có một điều có thể khẳng định là nếu người nào còn mang giòng máu người Việt Nam thì chắc chắn có tình thần chống Trung Quốc, đặc biệt là phản đối và chống những âm mưu của Trung Quốc muốn xâm chiếm nước ta. Nghệ sĩ Thành Lộc là một trong những nghệ sĩ điển hình qua câu nói của anh: “Ai lại đi tôn vinh văn hóa của một nước, nó bắn giết dân ta, xâm phạm chủ quyền nước ta”. Và mới đây, ca sĩ Dũng Đinh đã thể hiện hành động qua quán bún bò của anh với nội dung biển ngữ “nước miễn phí…KHÔNG BÁN NƯỚC” Rất hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều văn nghệ sĩ có tình thần yêu nước được thể hiện hành động cụ thể giống như Nghệ sĩ Thành Lộc và Dũng Đinh. MONG LẮM THAY!  
......

Hong Kong biểu tình với chiến thuật mới: Không có lãnh đạo

Cuộc biểu tình lớn nhất Hong Kong trong hơn hai thập niên để phản đối Dự Luật Dẫn Độ đã có một thay đổi chiến thuật quan trọng so với Phong Trào Dù Vàng năm năm trước đây: Phi tập trung hóa và không có người lãnh đạo. Chiến thuật này khiến chính quyền gặp lúng túng trong việc đối phó với phong trào vì họ không tìm ra ‘cái đầu’ của phong trào để chặt. Cuộc biểu tình ở Hong Kong bùng phát từ hôm 2 tháng Sáu, phản đối Dự Luật Dẫn Độ mà người biểu tình cho rằng sẽ dọn đường để chính quyền đại lục có thể xét xử những nhà hoạt động dân chủ của Hong Kong bằng hệ thống tư pháp đầy khiếm khuyết. Các con số thống kê khác nhau cho thấy có từ vài trăm ngàn cho đến cả triệu người tham gia biểu tình. Người biểu tình đang chuẩn bị cho một đợt biểu dương lực lượng lớn lần thứ hai dự kiến vào Chủ Nhật, 16 tháng Sáu, trong lúc chính quyền Hong Kong không có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ lùi bước. Tổ chức thuần thục Từ Hong Kong, thông tín viên Alice Su của tờ Los Angeles Times mô tả quang cảnh cuộc biểu tình như sau: Một đám đông người biểu tình đeo mặt nạ chạy thục mạng trên đường, hơi cay đang bao trùm phía sau họ. Bất thình lình, có tiếng hô phía sau: ‘Ống hít!’ Tất cả mọi người đứng yên. “Ống hít! Ống hít!” họ đồng thanh hô vang. Trong vòng 20 giây, có hai phụ nữ trẻ chạy lên phía trước, thò tay vào túi lấy các ống hít trợ hô hấp và chuyền lên. “Được rồi!” người thanh niên ở phía xa la lớn. Những người biểu tình vừa đứng yên lúc nãy quay người và tiếp tục chạy trong khi các đám khói cay lan ra phía sau lưng họ. Người biểu tình Hong Kong đã xuống đường hôm 12 tháng Sáu như thể là họ đã tập luyện trong nhiều năm. Bất cứ ai cần mũ bảo hiểm, mặt nạ hay dù sẽ ngước lên trời và hô lớn. Những người xung quanh họ sẽ ngừng lại và chuyền thông điệp này ngay lập tức qua đám đông với tiếng hô đồng thanh và động tác tay hài hòa: vỗ tay vào đầu nếu cần nón bảo hiểm, nắm tay lại đưa lên mắt nếu cần kính bảo vệ, xoay vòng hai cánh tay nếu cần tấm màng bọc để bảo vệ da không tiếp xúc với hơi cay và hạt tiêu. Vẫn theo Los Angeles Times, 5 năm kể từ ngày Phong Trào Dù Vàng ủng hộ dân chủ bùng phát ở Hong Kong, mà khi đó những nhân vật nổi bật dẫn dắt đám đông chiếm giữ khu trung tâm thành phố bị bắt giữ và bị buộc phải đi lưu vong, thanh niên Hong Kong đã phi tập trung hóa các cuộc biểu tình của họ. Họ tự tổ chức rất hoàn hảo mặc dù không có ai phụ trách. Kinh nghiệm ‘diễn tập’ “Đây là một mô hình mới của các cuộc biểu tình ở Hong Kong,” anh Baggio Leung, 32 tuổi, người tập hợp của Youngspiration, một nhóm hoạt động chính trị địa phương được thành lập sau Phong Trào Dù Vàng, nói với Los Angeles Times. Phong Trào Dù Vàng, diễn ra vào cuối năm 2014 để đòi được quyền phổ thông đầu phiếu trong việc bầu người lãnh đạo đặc khu, cuối cùng đã thất bại khi không đạt được nhượng bộ nào từ phía chính quyền. Khi đó những người biểu tình đã áp dụng chiến thuật là ‘chiếm giữ’ (sit-in). Họ đã chiếm giữ những khu trung tâm Hong Kong như Đồng La Loan, Vượng Giác và Kim Chung trong hơn hai tháng. Lần này, người biểu tình Hong Kong cố tình để cho không có người lãnh đạo, anh Leung nói. “Nhìn nó có vẻ tổ chức tốt và có kỷ luật như thế, nhưng tôi có thể chắc rằng chúng ta không thể tìm thấy có ai quản lý tất cả mọi thứ,” anh Leung nói và cho biết các hoạt động hậu cần của người biểu tình – vận chuyển đồ dùng, dựng trạm cứu thương và liên lạc nhanh trong đám đông – đều là có sẵn sau những năm ‘diễn tập’ vừa qua. “Nó giống như một cỗ máy hay trí tuệ nhân tạo tự học hỏi và tự hoạt động dựa trên kinh nghiệm vậy,” anh Leung giải thích. Nhiều nhóm đang tham dự vào làn sóng biểu tình của quần chúng. Các công đoàn, các hội sinh viên, các tổ chức tôn giáo, các nhóm hoạt động dân chủ như Demosisto đều kêu gọi các thành viên tham gia vào cuộc biểu tình. Vào sáng thứ Sáu ngày 14 tháng Sáu, các thành viên nhóm Demosisto tràn ngập tại một nhà ga metro vào giờ cao điểm. Bảy người trong số họ quỳ trên mặt đất kêu gọi các nhân viên văn phòng đi ngang qua tham dự vào một cuộc tập họp chống lại Dự Luật Dẫn Độ được lên kế hoạch vào Chủ nhật tuần này. Nhưng Demosisto chỉ là một trong nhiều nhóm tham gia biểu tình. Và không có nhóm nào trong số này đứng ra giành quyền lãnh đạo. “Chúng tôi chỉ là những người tham dự. Phong trào hoàn toàn tự trị và không có lãnh đạo,” anh Nathan Law, 25 tuổi, chủ tịch sáng lập của Demosisto, cho biết. Thảo luận trên mạng Theo Los Angeles Times dẫn lời anh Law, đa số những người biểu tình không tham gia với tư cách là thành viên của bất kỳ tổ chức nào, nhưng họ biết thông tin về các hoạt động thông qua các nền tảng mạng xã hội. “Mọi người nhận thông tin từ các mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến và các kênh trò chuyện và họ tự quyết định mình sẽ làm gì,” anh Law nói thêm. “Mọi người bỏ phiếu trên mạng Internet.” Một diễn đàn trực tuyến thu hút đông đảo người tham gia là LIHKG, phiên bản Reddit của người Hong Kong nơi những người dùng ẩn danh đưa lên những ý tưởng sáng tạo về biểu tình: Chặn các trạm xe điện ngầm, tập họp lại thắp nến hay ‘dã ngoại’, thực hiện các trò nhại chống lại Luật Dẫn Độ trong đó đề cao các giá trị bảo thủ để lôi kéo người lớn tuổi tham gia. “Mọi người sẽ bàn bạc họ ủng hộ hay chống đối các ý tưởng đó,” anh Law nói. Nếu có ý tưởng nào đó được ủng hộ nhiều nhất thì mọi người sẽ hành động. “Người A sẽ đưa ra ý tưởng nào đó trên diễn đàn, trong khi người B nói ý khác. Ngày hôm nay nhiều người ủng hộ ý người A, nên chúng tôi làm theo,” anh Philip Leung, một sinh viên tích cực tham gia vào diễn đàn LIHKG và các diễn đàn mạng xã hội khác, cho biết. Việc không biết người A, người B là ai cũng không có hề gì, anh nói thêm. “Chúng tôi bày tỏ những ý tưởng tự do thay vì tôn sùng một người nào đó,” anh Leung nói và cho biết trọng tâm duy nhất kết nối tất cả những người biểu tình với nhau là sự phản đối của họ đối với Dự Luật Dẫn Độ “Chúng tôi không có bất kỳ ai hoặc bất kỳ tổ chức nào bảo chúng tôi phải làm gì.” Sự trấn áp của cảnh sát đã đẩy những nhà hoạt động trẻ tuổi phi tập trung hóa hơn nữa. Họ chia nhỏ những nhóm trao đổi khổng lồ trên Telegram thành những nhóm nhỏ hơn. Giới trẻ Hong Kong đã huy động trên hàng chục trang Instagram, các nhóm trò chuyện và các nhóm bạn theo kiểu cũ nhưng lôi kéo thêm người tham gia. Các bà mẹ xuống đường Có dấu hiệu cho thấy người lớn tuổi cũng bắt đầu tham gia. Hôm 13 tháng Sáu, hơn 44.000 người mẹ Hong Kong đã ký một thư ngỏ gay gắt gửi đến Trưởng Đặc Khu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga  (Carrie Lam, BBT) sau khi bà Lâm phát biểu trên truyền hình rằng lắng nghe người biểu tình chẳng khác nào một người mẹ ‘nuông chiều’ đứa con hư đốn. “Chúng tôi là những người mẹ ở Hong Kong, và chúng tôi chắc chắn không sử dụng hơi cay, đạn cao su gây sát thương đối với con cái chúng tôi và chúng tôi không thể nào đứng trơ ra nếu chúng tôi nhìn thấy các cô cậu thanh niên mặt đầy máu sau khi bị đánh bằng dùi cui cảnh sát,” lá thư ngỏ viết. Hàng trăm bà mẹ giận dữ đã tập họp ở một công viên hôm 14 tháng Sáu trong ‘cuộc tập họp của các bà mẹ’ chống lại Dự Luật Dẫn Độ và bạo lực của cảnh sát. Họ giương cao biểu ngữ ghi: “Đừng bắn vào con chúng tôi.” “Bạo lực thật sự đến từ nỗ lực cố ý và kiên quyết của chính quyền Hong Kong muốn trở thành kẻ thù của nhân dân,” Susanne Choi, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, nói. “Chúng tôi tập họp ở đây để gửi một tín hiệu đến với những bạn trẻ rằng họ không đơn độc. Chúng tôi sẽ đứng phía sau họ.” “Quý vị phụ nữ, hãy xuống đường,” một trong những diễn giả nói. “Hãy xem cảnh sát đánh đập phụ nữ như thế nào. Hãy xuống đường vào Chủ nhật! Hãy xuống đường vào Thứ Hai! Hãy xuống đường vào Thứ Ba! Hãy xuống đường mỗi ngày!” Nguy cơ bạo lực Phong trào phi tập trung hóa sẽ khó để kiểm soát hơn đối với chính quyền. Cảnh sát có thể bắt giữ cá nhân nhưng không có ai chủ chốt để mà bắt. Kể từ khi cuộc biểu tình bùng phát, cảnh sát đã bắt giữ 34 người, trong đó có bốn người biểu tình được bắt đi từ bệnh viện với cáo buộc gây bạo loạn và một điều hành viên một nhóm “chat” trên Telegram từ nhà riêng của anh này. Tuy nhiên việc thiếu kiểm soát cũng có thể gây nguy hiểm, anh Leung nói. Vào cuối ngày 12 tháng Sáu, với căng thẳng dâng cao và hơn một ngàn thanh niên biểu tình vẫn còn ở trên đường dựng rào cản dã chiến chặn cảnh sát chống bạo động, anh Leung lo lắng không có cách nào để giảm căng thẳng. “Nếu cảnh sát nổ súng, tất cả mọi người sẽ chết. Họ không có vũ khí trong tay,” Leung nói. Nếu có người lãnh đạo, họ có thể bước ra và kêu gọi rút lui trong trường hợp cảnh sát đem súng đạn thật đến, ông nói – một hình ảnh làm người biểu tình nhớ đến Quảng Trường Thiên An Môn. “Nếu tôi có một vị trí nào đó, tôi có thể kêu gọi họ về nhà,” anh Leung nói. “Nhưng tôi không phải là người kêu gọi họ xuống đường nên họ có thể chọn không nghe lời tôi. Tôi là ai mà quyết định được chứ?” Nguồn: VOA   Đảng Việt Tân và đấu tranh bất bạo động Vì sao hơn 1 triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình?  
......

Hãy đọc lời ai điếu cho cả dân tộc

J.B Nguyễn Hữu Vinh – RFA Tin em Maria Nguyễn Hải Giang chết bởi căn bệnh ung thư xương quái ác đã làm cộng đồng hết sức xúc động. Nhiều lời ai điếu, khóc thương em được tỏ bày với những sự thương cảm và đau đớn tràn ngập mạng xã hội. Đau đớn cho em, một cô gái 16 tuổi, bằng tuổi con gái tôi. Cháu đang ở độ tuổi như một nụ hoa mới nở, trinh trắng, vô tư, hồn nhiên đầy lòng sốt mến và thánh thiện đã phải chịu đớn đau vì căn bệnh oan nghiệt. Ở độ tuổi ấy, em đang mơ đến một tương lai tươi sáng hơn, đến một cuộc đời mở rộng cho mình, cho gia đình và xã hội. Độ tuổi đó, lẽ ra em được tiếp xúc với những tinh hoa, những điều tốt đẹp nhất, những ngày tháng tươi trẻ nhất để em tiếp thu tạo cho mình một hành trang vào đời vững chắc. Ở tuổi đó, em có quyền hồn nhiên nhìn cuộc đời với những sắc màu lung linh, tuyệt mỹ để hăm hở dấn thân vào tương lai. Thế nhưng không, những ngày tháng em lớn lên, là những ngày tối tăm, những ngày cơ cực. Những ngày tháng đó, em đã phải chứng kiến thảm họa từ biển, những đàn cá chết trắng bờ, những cảnh tang thương của sự nhiễm độc không chỉ một người, một làng mà cả dải đất miền Trung, cả đất nước. Những ngày tháng đó, em đã phải chứng kiến cảnh khốn cùng của người dân chính nơi quê em, là nạn nhân của thảm họa, đã bị nhà cầm quyền cộng sản, một chính quyền mà hàng ngày em được học đi học lại rằng là “Của dân, do dân, vì dân” đã không ngại trở mặt bảo vệ kẻ thủ ác giết chết họ bằng thuốc độc. Cũng những ngày tháng đó, em chứng kiến người cha của em đã cùng mọi người đấu tranh để rồi bị hành hạ, bị trấn áp, bị đánh đập và cuối cùng bị đưa vào nhà tù để trả thù cách hèn hạ nhất. Và rồi người dân quê em, chính gia đình em, họ hàng bà con em, là những nạn nhân trực tiếp đến nay vẫn bị bỏ ngoài những sự chú ý của nhà cầm quyền cộng sản, dù tiền thì họ đã lấy, đã chia chác và Formosa vẫn tiếp tục hoành hành như chỗ không người. Mới cách đây chưa lâu, năm trước, ông nội em đã chết vì căn bệnh ung thư khi bố em đang ở trong nhà tù. Và chính em, lại là người nhận hậu quả của những thứ độc hại kia, buộc phải chấp nhận nó như một lời cảnh báo cho toàn xã hội: Thuốc độc, ung thư sẽ không chừa bất cứ ai. Những cơn đau đã dần dần làm em nhức nhối, đau đớn mấy tháng nay và đã cướp đi mạng sống của em sáng nay. Đêm hôm qua, trao đổi với cha Nguyễn Đình Thục về em trên sóng của một đài phát thanh Hải ngoại, tôi được nghe cha kể về những ngày gần đây của em mà không cầm được lòng mình, những giọt nước mắt ứa nghẹn cứ lăn dài. Trên giường bệnh, em vẫn chấp nhận chịu đựng, không kêu rên, không oán trách và vẫn luôn phó thác cho Chúa. Điều em mong muốn nhất, khát khao nhất là em được nhìn thấy người cha của mình. Đau đớn hơn, em bị bệnh khi người cha của em đang ở trong nhà tù cộng sản khắc khoải ngóng tin của con gái mình từng ngày, từng giờ và em ra đi khi nỗi mong nhớ người cha của mình khôn nguôi. Nỗi đau của người cha càng lớn hơn, sâu hơn, khi chỉ mới 14 tháng trước, bố anh đã chết tức tưởi cũng bởi căn bệnh ung thư mà không được gặp anh trước khi chết. Mà nào đâu phải cha em bị tù tội vì một tội lỗi gì đó cho cam. Nhà cầm quyền Cộng sản bỏ tù cha em, chỉ vì để trả thù hèn hạ cho việc cha em đã dấn thân vì tương lai của đất nước, chống lại thảm họa đối với người dân khi Formosa đầu độc môi trường sống. Cha em, một nông dân chất phác, đã chấp nhận hy sinh, gian nan và bị trả thù bởi bạo quyền, chỉ vì đã không chấp nhận việc cứ ngồi im hưởng những ân huệ của đảng khi đảng cam tâm rước giặc vào nhà đầy đọa, đầu độc chính con dân của mình. Anh đã góp công sức của mình, để đấu tranh cho quyền lợi của người dân, và cao hơn, đấu tranh cho việc chống lại chính sách hèn với giặc, ác với dân, đưa kẻ thù về nhà đầu độc con em, dân tộc mình của nhà cầm quyền cộng sản. Và điều anh làm đã được chứng minh là điều hết sức cấp thiết và đúng đắn, khi chính mạng sống con anh đã bị đe dọa và cướp đi ngay sau đó. Ung thư, có thể nói là căn bệnh thế kỷ. Cho đến nay, thế giới chưa chữa được căn bệnh quái ác này khi đã vào những giai đoạn cuối. Ở Việt Nam, với nền y tế hiện nay, việc phát hiện sớm ung thư, may ra chỉ có được áp dụng với tầng lớp lãnh đạo, còn người dân Việt một nắng hai sương chưa làm đủ ăn, nói gì đến khám bệnh và chẩn đoán sớm. Chỉ đến khi nào không lê lết nổi thì mới đến bệnh viện. Do vậy khi đã phát hiện ung thư, có nghĩa là cái chết đã được báo trước. Tờ báo của đảng cộng sản mang tên Nhân dân viết rằng: “Ghi nhận tình hình ung thư năm 2018 tại Việt Nam cho thấy, mỗi năm cả nước có 165.000 ca mắc ung thư đại trực tràng và có khoảng 115.000 ca tử vong/năm. Con số này dự kiến tiếp tục gia tăng, do đó ung thư đường tiêu hóa là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của mỗi người”. Nghĩa là mỗi ngày, có hơn 450 người mắc bênh và hơn 300 người Việt Nam chết vì ung thư. Về nguyên nhân, cũng báo chí Việt Nam đưa ra: “Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng, trong đó tác nhân thực phẩm không an toàn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%”. Vậy thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm từ đâu ra? Câu hỏi này được trả lời ngay tức khắc, nếu ai đã ghé qua các chợ đầu mối, nơi sản xuất thực phẩm, nơi nhập các hàng hóa tiêu dùng từ Trung Cộng và nhà máy, các khu công nghiệp… Đặc biệt nếu ai đi qua nhà máy Formosa Hà Tĩnh, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, các cơ sở sản xuất mà nhà nước bằng mọi cách áp đặt lên người dân phải chịu bằng những biện pháp bạo lực, sẽ hiểu rất rõ điều này. Thảm họa biển Miền Trung do Formosa gây ra đã 3 năm nay, khi các sinh vật thi nhau biến mất khỏi khu vực, cá biển chết hàng loạt, chim trời không có đất sống, cáy cua trên bờ không thể tồn tại… thì nhà cầm quyền CSVN đã ra tay bao che bằng nhiều biện pháp nực cười và thiếu liêm sỉ. Hàng vạn nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ đã bó tay, im như thóc trước cái mặt lạnh của đảng, để rồi sau đó vài con rối ra giải thích rằng: Cá chết là do “thủy triều đỏ”, do “Tảo nở hoa” hoặc “do tác động của âm thanh”… Rồi quan chức cộng sản bằng mọi cách làm cò mồi rằng cứ ăn cá, cứ tắm biển… mà bất chấp tính mạng người dân. Thậm chí mấy tay bộ trưởng, chủ tịch còn xung phong làm mẫu ăn cá biển. Chỉ cho đến khi Formosa cúi đầu nhận tội, thì nhà cầm quyền mới hốt hoảng nhận ngay 500 triệu dola bỏ túi và dùng quân lực để trấn áp người dân, bằng mọi cách dập tắt tiếng kêu của họ. Những trò đểu cáng đánh vào chính người dân, những nạn nhân của vụ đầu độc đã làm rơi chiếc mặt nạ “chính quyền của dân, do dân, vì dân” một cách nhanh chóng. Thế nhưng, vẫn có những đám dân, những đám “Cờ đỏ”, “dư luận viên” miệt mài ngày đêm phò đảng để đánh phá những nạn nhân này bằng đủ mọi trò khốn nạn khi đảng giấu mặt đứng đằng sau. Ba năm đã qua đi, những thứ Formosa thải ra môi trường vẫn tiếp tục, môi trường vẫn tiếp tục bị đầu độc không thương tiếc trong sự bảo kê có chủ đích của nhà cầm quyền. Những đàn cá từ biển khơi vào nhiễm độc tại cửa biển Formosa vẫn được đánh lên, ướp lạnh và đưa đi khắp đất nước trong sự thờ ơ, vô cảm và bất cần của cả hệ thống chính trị, sẽ đi vào từng bữa ăn gia đình người dân Việt. Những cánh đồng muối ngay tại cửa Formosa, là sự kết tinh của nước biển như một dung môi hòa tan của những chất thải là kim loại nặng do Formosa thải ra vẫn được sản xuất hàng ngày trong sự cổ vũ của báo chí và nhà cầm quyền. Những hạt muối đó sẽ đàng hoàng đi vào bữa ăn, vào dạ dày rồi vào máu và đến từng tế bào của những người dân Việt để tác oai tác quái gây ra những tế bào lạ ở đó. Không một ai có thể kiểm soát được điều này. Rồi từ đó nó sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó là làm suy vong nòi giống Việt. Thế nhưng, những nạn nhân của Formosa, của những cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm, của hàng hóa giá rẻ nhiễm độc hại từ Trung Cộng vẫn cô đơn giữa dám dân Việt đang ngày ngày hô hào, hò hét bên những cốc bia cho đủ chỉ tiêu tiệu thụ 3 tỷ lít mỗi năm. Những cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi trường của người dân vẫn bị đàn áp khốc liệt bằng bạo lực, bằng lực lượng được nuôi từ đồng tiền xương máu của người dân trong sự vô cảm của nhiều nơi, nhiều người và nhiều địa phương khác. Trên hết, hệ thống cầm quyền dù đã không cần che đậy bộ mặt phản dân, hại nước, thì đa số người dân vẫn cứ bình chân như vại chăm lo cho nồi cơm nhà mình mà bất chấp đồng loại, cộng đồng xã hội chỉ với một khái niệm sợ hãi: Không nói đến chính trị. Đại đa số người dân Việt tự tước bỏ cái quyền tham gia chính trị của bản thân mình, mặc nhiên coi đó là đặc quyền của riêng tầng lớp cộng sản. Để rồi nhà tù là nơi dùng để trả thù, để hành hạ những người dám mở miệng, dám dấn thân trong sự thờ ơ của những người dân chính là nạn nhân. Thì việc các nạn nhân đua nhau tăng lên vùn vụt là điều hẳn nhiên. Và khi đó, những cái chết như của bé Giang là điều không lạ, là phổ biến không thể nào tránh khỏi. Và khi thể chế chính trị hèn hạ với giặc, hung ác với dân, đi ngược lại lợi ích của người dân, của đất nước ngang nhiên tồn tại trong nỗi khiếp sợ, sự vô cảm của chính người dân Việt, thì chuyện môi trường sống bị hủy diệt, nòi giống bị đầu độc, suy vong, dân tộc bị yếu nhược và trở nên thấp kém và bị tiêu diệt là điều không thể khác. Và nếu tình hình không có gì thay đổi, thì hãy sớm khóc cho chính đất nước mình, hãy đọc lời ai điếu sớm cho một dân tộc đã bị hèn hạ hóa sau mấy chục năm bị cộng sản cai trị để rồi cam tâm đi đến chỗ bị diêt vong. Ngày 15 tháng 6 năm 2019 nguyenhuuvinh’s blog  
......

Pages