Xung đột về quyền sở hữu đất đai sẽ lại tạo những phiên bản Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Lộc Hưng…

Hoài Nguyễn - vietnamthoibao.org

Không sửa đổi luật đất đai và các văn bản có liên quan, việc khiếu nại, khiếu kiện và cả bạo lực liên quan đất đai sẽ không chấm dứt

Căn nguyên các tranh chấp lớn hiện tại của Việt Nam từ đất đai mà ra, không sửa đổi luật đất đai và các văn bản có liên quan, sẽ không bao giờ chấm dứt được việc khiếu nại, khiếu kiện và xa hơn là các bạo lực liên quan đất đai.

Luật sư người Mỹ gốc Việt Hoàng Duy Hùng (cựu nghị viên ở thành phố Houston) có bài viết gửi đăng trên báo Công an nhân dân của Bộ Công an Việt Nam, và báo Nhân dân của Cơ quan Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, viết về phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm (*).

Trong bài viết ở phần đầu, có đoạn: “Vấn đề cơ bản nhất là lúc đầu số người hùa theo “tổ đồng thuận” đã không hiểu luật một cách đúng đắn.

Ở Việt Nam, đất đai là của Nhà nước, người dân được trao quyền sử dụng, khi cần sử dụng cho việc chung (như xây dựng công trình công cộng, công trình quốc phòng,… thì Nhà nước thu hồi, đền bù). Ở Mỹ và châu Âu cũng có luật Eminent Domain tương tự như vậy. Ðất Ðồng Sênh là đất của sân bay Miếu Môn, là đất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng”.

Tác giả Hoàng Duy Hùng, viết: “Ở Mỹ, án lệnh của Tối cao Pháp viện trong vụ Graham v. Connor, 490 U.S. 386 (1989) cho phép Cảnh sát dùng vũ lực bắn chết nghi phạm trong cả các trường hợp dân sự nếu Cảnh sát cảm thấy tính mạng của mình bị đe dọa. Chánh Thẩm phán lúc đó là W.Rehnquist viết án lệnh như sau: “Các cảnh sát viên phải quyết định chỉ trong tích tắc, rất căng thẳng, không chắc chắn tình thế ra sao cho mình, nên áp dụng bạo lực cần thiết là điều có lý (reasoanable)” (…)

Nếu ở Mỹ, theo án lệnh Graham v. Connor, 490 U.S. 386 (1989) đề cập ở trên, khi tính mạng bị đe dọa, chỉ trong tích tắc Cảnh sát phải quyết định có hay không bóp súng, đâu cần xác định lựu đạn “rởm” hay lựu đạn “thật” mới bắn hạ. Công an Việt Nam quá hiền, như theo luật pháp Mỹ thì Cảnh sát đã bắn cả băng đạn”.

Cá nhân người viết bài này cũng là luật sư, có thời gian học tập tại Cộng hòa Dân chủ Đức (thời còn phân chia với Tây Đức), và từng phụ trách pháp lý của doanh nghiệp tư nhân ngành xăng dầu văn phòng đại diện tại Singapore, xin được trao đổi đôi điều với ông luật sư Hoàng Duy Hùng trước ngày khai mở phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm.

Thứ nhất, sở hữu đất đai từ trước đến nay là một khái niệm phức tạp, vì thực chất sở hữu đất đai chưa bao giờ được coi là một quyền sở hữu tuyệt đối trong bất kỳ hệ thống pháp lý nào.

Sở hữu đất đai là một thứ quyền chịu sự điều chỉnh của cái gọi là “eminent domain” như viện dẫn của ông Hoàng Duy Hùng. Eminent domain là một thứ quyền thực hiện tước đoạt quyền sở hữu này của nhà nước, chính quyền địa phương, một cá nhân, hoặc một tổ chức được lệnh thực hiện chức năng của nhà nước, sau khi thực hiện nghĩa vụ đền bù công bằng cho người chủ sở hữu đất đai đó.

Thế nhưng ông Hoàng Duy Hùng đã cố tình quên rằng để thực hiện việc trưng thu đất đai, nhà nước phải thực hiện thông qua một quá trình gọi là “due process”.

Thí dụ như ở xứ Hoa Kỳ nơi ông Hoàng Duy Hùng đang ở, Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Mỹ quy định việc tước đoạt này chỉ thực hiện được khi có đủ 4 yếu tố: (1) tài sản tư nhân (2) được trưng thu (3) cho mục đích công cộng (4) và với việc đền bù công bằng.

Một số dạng “trưng thu từng phần” cũng phải được đền bù công bằng.

Thí dụ như nhà nước làm sân bay ở gần khu đất của người dân. Ô nhiễm tiếng ồn do sân bay gây ra cho người dân trong nhiều trường hợp cũng phải được đền bù, vì mặc dù nhà nước không lấy đi đất của dân, nhưng việc xây sân bay đã làm cho miếng đất đó bị mất một phần giá trị, vì thế được coi là bị “trưng thu một phần”.

Việt Nam là một đất nước đang phát triển, việc xây dựng các dự án công nghiệp hoặc các khu đô thị lớn là việc vẫn cần phải làm. Vì thế trong nhiều trường hợp việc trưng thu vẫn phải được thực hiện.

Thế nhưng quyền lợi của người dân trong các vụ trưng thu này phải được đảm bảo thông qua quá trình tố tụng công khai, minh bạch và công bằng.

Nhà nước vẫn có “eminent domain”, nhưng đổi lại người dân phải có “due process” tức ‘quy trình hợp lệ’ – và trong vụ án tranh chấp ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội lại cho thấy rõ là người dân không hề có “due process”.

Thứ hai, ông Hoàng Duy Hùng đã viện dẫn án lệnh Graham v. Connor, 490 U.S. 386 (1989) để cho rằng “Công an Việt Nam quá hiền, như theo luật pháp Mỹ thì Cảnh sát đã bắn cả băng đạn”.

Bạn đọc có thể tham khảo án lệnh Graham v. Connor, 490 U.S. 386 (1989) tại https://supreme.justia.com/cases/federal/us/490/386/. Án lệnh này cho biết vì ngờ vực một người có dấu hiệu hành vi phạm pháp tại một cửa hàng tiện lợi, mà các viên cảnh sát đã sử dụng vũ lực được nạn nhân cho rằng vượt quá mức cần thiết.

Vụ án Đồng Tâm được biết đến như sau: Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, khoảng 3.000 cảnh sát cơ động và các lực lượng tại địa phương bắt đầu bao vây và tấn công xã Đồng Tâm. Chính quyền tổ chức cuộc bao vây, tấn công mà không có thông báo trước.

Theo truyền thông độc lập và blogger, phía công an đã cắt mạng internet và cắt sóng điện thoại trước, sau đó ồ ạt tiến vào làng với súng ống, hơi cay và lựu đạn, chất nổ. Cuối cùng, công an xông vào nhà riêng của ông Lê Đình Kình và bắn chết ông tại buồng ngủ. Trong cuộc tấn công phía chính quyền có ba người thiệt mạng vì trợt chân khi xâm nhập vào nhà của ông Lê Đình Kình.

Phiên xử sơ thẩm, phòng xử án có khoảng 50% là cảnh sát tư pháp, an ninh; không có bất cứ người nhà các bị cáo nào được vào tham dự phiên tòa, và cũng không có người dân thường nào được vào phòng xử án.

Lời khai bị cáo tại phiên sở thẩm, bị cáo Bùi Việt Hiếu: “Tường rào xung quanh sân bay Miếu Môn đã được quân đội xây xong từ trước tết dương lịch nên kế hoạch bảo vệ xây tường rào chỉ là cái cớ để tấn công những người dân Đồng Tâm để xử lý người biết rõ về nguồn gốc đất đồng Sênh”.

Bị cáo Lê Đình Công: “47,36ha là đất của dân Đồng Tâm đã được thu hồi và giao cho quân chủng phòng không không quân, phần còn lại là đất nông nghiệp của dân Đồng Tâm. Đại diện UBND xã Đồng Tâm và đại diện quân chủng phòng không không quân đã ký văn bản thống nhất không tranh chấp giữa quốc phòng và người dân”…

Tạm gác qua tình tiết tại phiên tòa, với diễn biến của đêm về sáng ngày 9-1-2020 cho thấy đây là một cuộc tập kích được chuẩn bị trước của lực lượng công an vũ trang, nên nếu mang án lệnh Graham v. Connor, 490 U.S. 386 (1989) ra để nói rằng “theo luật pháp Mỹ thì Cảnh sát đã bắn cả băng đạn” là một viện dẫn bất tương xứng pháp lý.

Thứ ba, cái này là nói thêm với ông luật sư Hoàng Duy Hùng biết để sau phiên tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, nếu ông thích viết tiếp bài gửi báo Công an nhân dân và báo Nhân dân, hãy lưu ý đất đai luôn là vấn đề nhạy cảm ở nông thôn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Kể cả hiện nay, nhiều lao động nông nghiệp ở các vùng quê đã ra thành phố hay vào các khu công nghiệp làm việc, người nông dân không còn “khát” đất như trước, thậm chí có nơi bỏ ruộng, nhưng hễ động đến đất đai là vấn đề lại hết sức phức tạp.

Nhẹ thì kiện cáo, nghiêm trọng có thể tranh chấp dẫn đến xô xát. Đặc biệt, đất đai ở nông thôn miền Bắc xã hội chủ nghĩa từ thời cải cách ruộng đất, đến nay trải qua nhiều biến động, kể cả về công tác quản lý và trên thực địa, nhất là quá trình từ việc góp đất vào hợp tác xã đến việc khoán hộ, giao đất trở lại cho người nông dân đã có sự xáo trộn lớn.

Tiếp đến là việc dồn điền đổi thửa, thu hồi đất làm đường giao thông hay các công trình cộng… thực hiện đền bù, giải tỏa hay giãn dân, làm cho lịch sử đất đai ở nông thôn càng trở nên phức tạp…

Cá nhân người viết cho rằng ông Hoàng Duy Hùng cần học lại lịch sử, bởi ít nhất cũng là từ khi Lê Thánh Tông vào miền Nam cùng với bao nhiêu người để mở mang bờ cõi, thì đất là đất của nhân dân, nhà vua công nhận những đất khai hoang ra, nghĩa là được nhân dân làm chủ từ hàng trăm năm…

Thế nhưng bỗng nhiên năm 1975, nhà nước mới ở Việt Nam ra đạo luật bảo rằng đất thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước thống nhất quản lý. Những câu chữ đó là những thuật ngữ mà ý kiến cá nhân người viết cho rằng đây là sự chiếm đoạt hoàn toàn quyền sở hữu của nhân dân trên đất đai. Đó là một việc không hợp lý đối với nhân tình, thế thái và đối với cả lịch sử.

Hoài Nguyễn