Thế giới trước một văn hóa chính trị mới

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Putin và những cộng sự của ông hoàn toàn không học hỏi được gì trước một thế giới đang thay đổi. Theo sử gia Yuval Noah Hahari, Putin chỉ đơn thuần nghĩ rằng Ukraine là một phần của Nga. Theo đó, khi xua quân đánh Ukraine thì người nói tiếng Nga tại Ukraine sẽ đem hoa ra chào đón quân Nga, các chính quyền địa phương thi nhau đầu hàng và nhà nước Ukraine sẽ sụp đổ. Nhưng có một điều mà Putin không ngờ được, đó là văn hóa chính trị của người Ukraine đã thay đổi, và thay đổi rất nhiều: Ukraine là một quốc gia độc lập chứ không còn là một chư hầu của đế chế Nga. Người dân Ukraine đã cùng nhau kết tụ lại chống trả mãnh liệt của xâm lược Nga để bảo vệ đất nước và nền dân chủ non trẻ của mình. Ngay cả những vùng nói tiếng Nga và những chính trị gia thân Nga cũng cầm súng chiến đấu chống lại quân xâm lược (hoàn toàn khác với thái độ lưỡng lự và thiếu quyết tâm của giới trí thức và quần chúng Ukraine vào thời điểm 2014).

Putin cũng không ý thức được rằng văn hóa của thế giới dân chủ đã thay đổi: họ có khả năng đồng thuận và đoàn kết cao để chống lại một bạo quyền dùng bạo lực để thôn tính nước khác. Không những thế họ còn gia tăng ủng hộ và tiếp tế phương tiện cho Ukraine chống trả lại quân xâm lược Nga. Để rồi chỉ sau hơn một tháng, âm mưu khuất phục Ukraine bằng bạo lực của Putin đã hoàn toàn thất bại. Không những thế, chính ông đang có nguy cơ bị đảo chính.

Dưới nhãn quan của truyền thông phương Tây, Putin được đánh giá là một người "có nhiều thủ đoạn". Nhưng một người được đào tạo và sống trong môi trường và văn hóa chính trị độc tài như Putin sẽ không ngờ thất bại đến với mình dồn dập nhanh như vậy. Việc Belarus, một nước đồng minh (hay chư hầu) của Nga, không tiếp tay đưa quân vào xâm lược Ukraine đã khiến Putin rất bất bình. Thêm vào đó hạn kỳ bầu cử "dân chủ" các cấp dân cử địa phương và tổng thống Nga đang đến rất gần, nếu không có một thành quả mới thì vị trí lãnh đạo của Putin rất là bấp bênh. Bị quân đội đảo chính cũng là một yếu tố không thể bỏ qua Đó là chưa kể Liên bang Nga có thể bị giải thể, các nước chư hầu như Kazakhstan hay Venezuela buộc phải thoát Nga tìm lối thoát cho mình.

Vào thời điểm năm ngoái, có một sự kiện cũng đáng chú ý khác là cuộc đảo chính tại Myanmar dẫn đến sự tái thiết chế độ độc tài quân phiệt. Nhìn vào bề mặt sự kiện thì đây là một thoái bộ về dân chủ. Nhưng chúng ta cũng thấy được sự chống trả quyết liệt của quần chúng với chế độ quân phiệt, bất chấp bị giết hại và cảnh đàn áp đẫm máu. Họ đã có một chế độ dân chủ tồi dở dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, nhưng đã có đông đảo người, nhất là tuổi trẻ, sẵn sàng chết để bảo vệ nền dân chủ đó.

Tương tự Putin chỉ nhìn thấy sự bất mãn của người Ukraine với chính quyền hiện tại: tầng lớp chính trị cũ tham nhũng, thiếu viễn kiến, còn uy tín của tân tổng thống Zelensky trước chiến tranh cũng xuống rất thấp, chỉ trên 20% (thấp hơn cả thời điểm thấp nhất của Putin). Nhưng điều mà cả Min Aung Hlaing và Putin đều không nhìn thấy là quần chúng nhân dân đã đoạn tuyệt với quá khứ độc tài và đang chờ đón một tương lai mới mở ra trước mắt trong, một thể chế dân chủ.

Những sinh hoạt dân chủ trong những chế độ vừa thoát khỏi ách độc tài toàn trị có thể còn có nhiều khuyết điểm, chưa tuyệt hảo, nhưng không một người dân nào chấp nhận sống lại dưới chế độ độc tài. Putin đã lầm khi tưởng mang đại quân vượt qua biên giới thì chính quyền dân cử tại Ukraine sẽ đầu hàng và chấp nhận sự thống trị của nước Đại Nga. Các chế độ dân chủ tuy không hoàn toàn tuyệt hảo nhưng có khả năng tự xét lại và truy tìm một đồng thuận mới để thay đổi xã hội một cách tốt đẹp hơn.

Bài học cho Việt Nam

Trước làn sóng dân chủ thứ 4 đang ào ạt trở lại, nếu các lãnh đạo chế độ cộng sản Việt Nam vẫn tự tin rằng hiện tại trước mắt họ không có một lực lượng đối lập nào đảng kể, không có một sự chống đối rõ ràng nào từ quần chúng, và vẫn được sự ưu ái của các quốc gia dân chủ là một thái độ hết sức sai lầm. Họ nên học cách nghi ngờ những sự kiện đang xảy ra trên thế giới để tự phán xét mình: những phản ứng và văn hóa mới trong các chế độ độc tài vừa qua có phải là một báo hiệu, một dấu chấm hết của chủ nghĩa độc tài và tương lai chính trị của đảng cộng sản Việt Nam ? Nếu thảo luận một cách nghiêm túc chắc hẳn những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam đều hiểu rằng chế độ hiện tại không còn giải pháp lãnh đạo đất nước tương lai. Nhưng nếu hiểu được như vậy, họ cần dũng cảm và quyết đoán để nhanh chóng nhảy lên con thuyền dân chủ an toàn để rời bỏ con thuyền cộng sản đang sắp gặp nạn.

Còn với những thành phần có học, có kiến thức ở Việt Nam, hãy tự tìm hiểu đâu là cách hành động đúng đắn để dẫn đưa đất nước đi lên và thoát ách độc tài toàn trị hiện nay. Ưu tư về nhu cầu thay đổi chính trị là một điều đúng đắn. Nhưng các bạn cũng nên dành nhiều ưu tư thường trực hơn cho việc đẩy mạnh và hội nhập vào một văn hóa chính trị mới, mà hành động đầu tiên là loại bỏ văn hóa nhân sĩ học để làm quan, hay phong cách đấu tranh lãng mạn của một người hùng dũng cảm nhưng đơn độc muốn gây tiếng vang trong nhất thời để rồi bế tắt. Các bạn hãy tìm và gia nhập một tổ chức chính trị có một dự án tốt đẹp cho đất nước, để cùng nhau bắt tay xây dựng một tương lai dân chủ bắt buộc phải đến của dân tộc.

Rye Nguyễn

Nguồn: Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên