Phe nổi loạn tan rã sau 48 giờ

Ngô Nhân Dụng - VOA

Một cuộc nổi loạn gây chấn động dư luận Âu châu và nhiều thành phố trên thế giới nhưng dân coi đài, đọc báo ở Mỹ chẳng ai chú ý tới, mặc dầu bản tin đầu tiên là do báo The New York Times tiết lộ. Bởi vì đây là chuyện túc cầu, đá banh, bên Anh gọi là football, ở Mỹ gọi là soccer và rất ít khán giả.

Tối Chủ Nhật vừa qua mười lăm đội bóng, trong đó có những đội mạnh nhất, rút ra khỏi Liên đoàn Vô Địch, Champions League, thành lập một tổ chức mới mang tên Liên đoàn Siêu Việt, Super League, sẽ có 20 đội banh tham gia. Trong số 12 thành viên sáng lập có những đội nổi tiếng nhất, Arsenal, Chelsea, Liverpool, Manchester City, Manchester United và Tottenham ở Anh quốc; Barcelona, Atlético Madrid và Real Madrid ở Tây Ban Nha; AC Milan, Inter Milan và Juventus ở Italy, nước Ý. Công ty tài chánh Mỹ JPMorgan Chase sẽ cung cấp vốn khởi đầu, khoảng $4 tỷ mỹ kim.

Tại sao cuộc nổi loạn này bùng lên? Chẳng qua cũng chỉ vì tiền. Các liên đoàn bóng đá ở Âu châu, trong đó Champions League đứng hàng cao nhất, bao gồm các đội banh mạnh yếu khác nhau. Bên trong mỗi liên đoàn, tiền thâu được sẽ được chia cho tất cả các đội.

Các đội banh mạnh nhất thấy như thế là bất công. Khán giả mua vé đi coi đá banh, các nhà bảo trợ trả tiền quảng cáo, là nhờ các cầu thủ và các đội banh giỏi nhất. Tại sao họ phải “nuôi” các đội banh yếu mãi như vậy? Ý tưởng ly khai đã nảy ra từ lâu rồi, năm nay mới được thực hiện. Với liên đoàn mới Super League, số tiền thu được sẽ rất lớn, đem chia ra họ được hưởng nhiều hơn. Các đội banh này sẽ không còn lệ thuộc các tổ chức đá bóng quốc gia. Những đội banh muốn được nhận vào Champions League phải qua cửa ải tranh tài với các đội khác trong nước mình. Còn với Super League, 15 đội banh sẽ giữ được chỗ vĩnh viễn, 5 đội được họ thêm vào mỗi năm. Số thu nhập sẽ vừa cao hơn vừa được bảo đảm, bớt rủi ro. Tương lai có vẻ rực rỡ.

Nhưng tương lai của các đội banh nhỏ thì đáng lo – hơn 250 đội trong các nước Âu châu. Số tiền thu sẽ tụt xuống nếu không có các đội mạnh nhất tham dự. Các tổ chức đá bóng quốc gia và cho toàn thể Âu châu sẽ thiệt hại tài chánh. Các người lãnh đạo FIFA, bóng tròn thế giới, và UEFA, các hội Âu châu, cố gắng thuyết phục chủ nhân các đội banh nổi loạn hãy bỏ ý định ly khai, cũng vô hiệu.

Nhưng sau 48 tiếng đồng hồ, các tay nổi loạn lần lượt bỏ cuộc, bắt đầu là các đội banh Anh quốc. Các đội ở Ý bỏ chạy theo. Ngày Thứ Ba, Super League tuyên bố giải tán.

Tại sao cuộc nổi loạn tan rã nhanh như vậy? Vì “sức mạnh của nhân dân” (people power)! Trước hết là “giới mộ điệu,” gọi là “fan,” một chữ người Việt cũng sử dụng trong thể thao, ca nhạc và phim ảnh.

Tin Super League ra đời được công bố 11 giờ đêm Chủ Nhật, ngày hôm sau có trận đấu lớn. Buổi chiều, mấy trăm khán giả tụ tập tại cửa vận động trường ở thành phố Leeds, chặn đường chiếc xe buýt chở cầu thủ đội Liverpool. Họ dương cao các biểu ngữ phản đối. Người biểu tình đổi tên Super League thành Super Greed, Siêu Tham. Nhiều người mang biểu ngữ mô tả trò chơi Đá Banh: “Người nghèo sáng tạo ra, người giàu ăn cắp!” (Created by the poor, stolen by the rich).

Các fan nổi giận được các cầu thủ và những nhà dìu dắt tiếp tay. Sau trận đấu ở Leeds, những cầu thủ chủ yếu trong đội Liverpool ký tên chung phản đối. James Milner, cầu thủ thâm niên nhất của Liverpool nói với nhà báo rằng các đồng đội của anh không ai được hỏi ý kiến. Gary Neville, từng là thủ quân đội Manchester United, hiện đang đá cho Liverpool, lên án cả hai đội. Cầu thủ Marcus Rashford, đội Manchester United, đưa lên Twitter một thông điệp: “Bóng Đá Không Có Fan là Số Không!” (Football Is Nothing Without Fans).

Chủ nhân các đội banh giữ kín các mưu tính của họ không cho nhân viên biết. Michael Edwards, một giám đốc của Liverpool, và Paolo Maldini, của A.C. Milan, nói họ không biết gì về cuộc ly khai này, chỉ có các ông chủ bàn bạc kín với nhau. Họ còn đang lo sợ cho gia đình họ, có thể mất an toàn khi giới mộ điệu nổi giận! Huấn luyện viên Pep Guardiola của Manchester City, phản đối cách tổ chức “khép kín” của tổ chức mới, với 15 đội giữ ghế an toàn không lo mất, “nếu không bao giờ lo bị loại thì không còn là thể thao nữa!” Chủ nhân các đội banh ly khai không hề dự đoán những phản ứng mạnh mẽ của công chúng và các cầu thủ mạnh như thế.

Người làm chủ nhiều cổ phần nhất của Liverpool là John Henry, một người Mỹ cũng làm chủ đội bóng chày Boston Red Sox. Ngày Thứ Ba, ông Henry gửi một bức thư cho các fan, giới hâm mộ, các cầu thủ và nhân viên, “Tôi xin lỗi, tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm.”

Khi dư luận chống đối lên mạnh, đến lượt các nhà chính trị. Thủ tướng Anh Boris Johnson, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như các đại biểu quốc hội lên án óc vụ lợi của chủ nhân các đội ly khai. Hoàng tử William, người đứng hàng thứ hai có thể nối ngôi nữ hoàng Anh cũng phàn nàn. Cả Đức Giáo Hoàng Francis cũng lên tiếng. Nhưng một mối đe dọa khiến các đội banh nổi loạn thoái lui là các công ty thương mại, như các nhà làm đồng hồ danh tiếng nhất ở Thụy Sĩ, tuyên bố sẽ không quảng cáo với liên đoàn bóng đá mới.

Các khán giả fan của Manchester United đã đổ nỗi tức giận lên đầu một chủ nhân, cầu ông ta chết sớm, hô khẩu hiệu “Die, Glazers, die!”Gia đình Glazers, từ Mỹ, cũng làm chủ đội Buccaneers ở Tampa Bay, một vô địch Super Bowl. Chủ nhân của những đội khác, Roman Abramovich đội Chelsea là một tỷ phú người Nga lưu vong ở Anh; một ông hoàng xứ Á Rập Abu Dhabi làm chủ đội Manchester City; Stan Kroenke làm chủ đội Arsenal, một tỷ phú địa ốc người Mỹ cũng làm chủ hàng chục đội banh khác.

Người đi tiên phong trong việc thành lập Super League là Florentino Pérez, chủ tịch đội Real Madrid, Tây Ban Nha. Nhưng cách tổ chức của họ phỏng theo phương pháp đã áp dụng trong các môn thể thao Mỹ. Các liên đoàn bóng bầu dục, bóng chày hay bóng rổ ở Mỹ là các hiệp hội đóng kín, chia nhau tiền bán vé cũng như tiền quảng cáo. Theo tạp chí Forbes, trong số 50 đội banh giàu nhất thế giới có 43 đội ở nước Mỹ. Ngược lại, các liên đoàn bóng đá Âu châu đều để mở ngỏ, một đội yếu kém sẽ bị đẩy xuống một liên đoàn thấp, thu được ít tiền hơn. Từ 1992 đến 2014, có 45 đội bóng đá ở Anh đã phá sản, 40 ở Pháp và 30 ở Đức. Bắt chước lối Mỹ, các đội banh mạnh nhất trong Super League sẽ thu được nhiều tiền cho các chủ nhân hơn, và ít rủi ro bị loại hơn.

Khác với các đội thể thao ở Mỹ, có thể đổi chủ và đổi từ thành phố này qua thành phố khác, các đội bóng đá lớn ở Âu châu đều có một lịch sử lâu dài hàng thế kỷ, bám rễ vào lịch sử, gắn bó với khán giả địa phương. Họ chia sẻ một quá khứ, và nguồn thu nhập, với các đội banh nhỏ hơn, vì vẫn phải gặp gỡ nhau trong các trận tranh tài cấp quốc gia. Ở Âu châu người ta nhìn các đội banh như những định chế văn hóa chứ không phải chỉ là một xí nghiệp với mục đích sinh doanh lợi.

Ở nước Đức, phần lớn các đội banh không có ai là chủ nhân quyết định. Những đội Bayern ở Munich hay Borussia ở Dortmund đều do khán giả chiếm đa số cổ phần, không ai là chủ nhân chính. Trong cuộc nổi loạn vừa rồi, những đội nổi tiếng như Paris Saint-Germain của Pháp và Bayern đều từ chối khi được mời tham gia.

Sự thật là các đội banh lớn lên, mạnh hơn, là do các khán giả hâm mộ, các fan, bắt đầu từ nơi nó sinh ra và trưởng thành. Khán giả không phải chỉ là “người tiêu thụ.” Những người dân bình thường đó đầu tư tiền bạc, thời gian và tình cảm để nuôi dưỡng các đội banh. Đó không phải là một quan hệ tuần túy thương mại. Không thể coi các đội banh chỉ là những bộ máy kiếm tiền.

Khi các cầu thủ, các huấn luyện viên, ban quản đốc đều không được các chủ nhân hỏi ý kiến trước khi ly khai, người ta thấy ngành đá bóng Âu châu có vẻ bị Mỹ hóa, nhất là có mấy nhà đầu tư Mỹ trong đám nổi loạn.
Mục tiêu số một của các xí nghiệp Mỹ là “tối đa hóa giá trị cổ phần,” tức là tài sản của các cổ đông. Nhưng có dấu hiệu cho thấy các công ty Mỹ cũng đang thay đổi. Bởi vì một xí nghiệp không chỉ được xây dựng lên bằng tiền vốn của các chủ nhân. Cần được người tiêu thụ tín nhiệm, cần biết bao nhiêu chuyên gia, nhân viên lớn nhỏ góp sức. Quan trọng nhất, các xí nghiệp kiếm được lời là nhờ họ sử dụng tất cả những hệ thống giao thông, các bến cảng, phi trường, kể cả một hệ thống luật pháp bảo vệ quyền tư hữu. Những hạ tầng cơ sở quốc gia đó được nuôi bằng tiền đóng thuế của tất cả mọi người trong nước. Một xí nghiệp không tự nó, một mình, tạo ra của cải.

Giới lãnh đạo các công ty ở Mỹ đã công nhận điều này từ lâu, bây giờ họ không chỉ lo cho tài sản của các cổ đông (shareholders) mà còn chú ý đến quyền lợi của tất cả “những người can dự” (stakeholders). Những công ty lớn ở Mỹ đã phản ứng rất nhanh khi người tiêu thụ, hay nhân viên của họ bày tỏ ý kiến. Họ phải lên tiếng về các vấn đề không liên quan đến nghề nghiệp của họ, như vụ các người gốc Á châu bị đánh, khi súng bắn chết nhiều người quá, hay khi cảnh sát dùng vũ lực bất cẩn. Hàng trăm công ty lớn như Coca Cola, Delta có lợi gì khi phản đối các đạo luật có thể hạn chế quyền bỏ phiếu của một số người dân ở Georgia? Họ đã nghe dư luận của các khách hàng uống nước ngọt và đi máy bay. Họ chỉ nghe các nhân viên của họ nói gì. Họ biết rằng không thể chỉ hoạt động như những bộ máy kiếm tiền; vì làm như vậy thì chính các cổ đông, các chủ nhân của xí nghiệp, sẽ bị thiệt hại khi công ty bị tẩy chay. Họ hành động không khác gì chủ nhân của các đội banh Manchester United, Manchester City, Liverpool, Chelsea, vân vân, khi biết phản ứng của các fan và các cầu thủ./.