Những bức ảnh nhà cầm quyền Trung quốc đàn áp dã man người Duy Ngô Nhĩ

Lưu Thủy Hương dịch

Lần đầu tiên xuất hiện những hình ảnh cho thấy Trung Quốc đàn áp dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương một cách dã man như thế nào. Những hình chụp là một phần của toàn bộ thông tin rò rỉ mà đài Bayerischer Rundfunk đã cùng với các đối tác truyền thông khác kiểm định.
Philipp Grüll, Fabian Mader và Hakan Tanriverdi
24.05.2022
*
Mahmud Tohti đã mất liên lạc với những người con trai và con dâu của mình trong nhiều năm. Ông nghi ngờ: Họ đã bị nhốt trong một trại giam, nhưng cho đến nay ông không tìm ra dấu vết. Người đàn ông Duy Ngô Nhĩ này đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều năm nay. Giờ đây ông Tohti mới được biết, một trong những người con trai của ông đã bị kết án hơn mười năm tù. Vì tên của cậu ấy được tìm thấy trong danh sách tù nhân của "Hồ sơ cảnh sát Tân Cương".

Tân Cương là một khu vực ở tây bắc Trung Quốc, nơi sinh sống chủ yếu của người Duy Ngô Nhĩ - Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi. Lý do của việc giam giữ cũng được ghi chú là: chuẩn bị cho các hoạt động khủng bố. Tohti khóc. "Làm sao con tôi có thể lên kế hoạch cho các cuộc tấn công khủng bố khi nó thậm chí còn không biết cầm dao?" Ông không thể nắm tay con, ôm con và nhìn thấy những đứa con thân yêu của mình. “Sống như vậy mà gọi là cuộc sống sao?” ông hỏi.

Các đại diện chính phủ Trung Quốc như Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã nhiều lần nhấn mạnh: không hề có sự đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương. Tình hình nhân quyền ở đó tốt hơn bao giờ hết, các dân tộc sống trong sự “hòa thuận”. Những cơ sở mà các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả chỉ là trại thực tập thôi, chỉ đơn thuần là các cơ sở hướng nghiệp, và việc tham gia là tự nguyện. Nhưng giờ đây, công chúng thế giới lần đầu tiên được nhìn thấy những bức ảnh cho thấy những gì đang diễn ra đằng sau những bức tường của những cơ sở được gọi là trại thực tập này.

Hiện nay, "Hồ sơ cảnh sát Tân Cương" là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất về các Trại Cải Tạo cấp nhà nước ở Trung Quốc. Nó chứa thông tin về khoảng 300.000 người Trung Quốc do các nhân viên chính phủ đăng nhập, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ. Ảnh chụp bên trong hệ thống trại giam cũng là một phần của vụ rò rỉ thông tin.

Một loạt hình ảnh cho thấy cảnh lực lượng an ninh trang bị dùi cui bằng gỗ giải một tù nhân trong tình trạng còng tay và xiềng chân. Người đàn ông đội một chiếc bao tải màu đen trên đầu và ở cuối bộ ảnh, anh ngồi trên chiếc ghế được gọi là Hổ Kỷ Hình (Tiger Chair) - một loại ghế đặc biệt mà theo tổ chức nhân quyền "Human Rights Watch", nó được sử dụng để tra tấn trong các nhà tù của Trung Quốc. Các hình ảnh khác cho thấy lực lượng an ninh trang bị loại súng trường tấn công.

Một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các khu trại ở vùng tự trị Tân Cương, theo ước tính của các chuyên gia. Trong những năm gần đây, các tài liệu nội bộ của chính phủ đã nhiều lần bị lộ ra trên truyền thông. Kể từ đó, một số khu trại có vẻ như đã bị đóng cửa, trong khi những trại khác vẫn tiếp tục tồn tại.

Theo các chuyên gia, chính phủ Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách đồng hóa tàn khốc đối với người thiểu số Hồi giáo. Lập trường đó đã được siết chặt kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2013, và từ sau tình hình bất ổn trong khu vực, cũng như các cuộc tấn công khủng bố tại những nơi khác ở Trung Quốc.
 
Ghế tra tấn và ra lệnh nổ súng
 
Ngoài hàng nghìn bức ảnh về những người bị bắt giữ được chụp trong nửa đầu năm 2018, bộ dữ liệu còn bao gồm các tài liệu bí mật, tài liệu đào tạo và bản ghi âm các bài phát biểu của các quan chức cấp cao trong đảng về cách đối phó với nhóm dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

Có rất nhiều người được nhân viên chính quyền ghi rõ lý do bị bắt giam. Một người đàn ông được cho là, trong một giờ đồng hồ, anh đã cùng với mẹ nghe một băng thu thanh nói về "quản lý tôn giáo". Anh nhận 20 năm tù vì chuẩn bị cho hành động khủng bố. Một người khác, vì chuyện trước đó 34 năm nghiên cứu kinh sách tôn giáo, đã bị bỏ tù 10 năm vì tội cải đạo và chuẩn bị cho các hoạt động khủng bố. Một người luyện tập liên tục 15 ngày trong một trung tâm thể dục, cũng bị các nhà chức trách an ninh đánh giá là: chuẩn bị cho một hành động khủng bố, với 12 năm tù.

"Hồ sơ cảnh sát Tân Cương" cho thấy rằng, cái giả danh trung tâm giáo dục là các trại giam được bảo vệ kiên cố. Trái ngược với những gì chính phủ Trung Quốc tuyên bố, những người bị giam giữ ở đó rõ ràng không hề tự nguyện. Theo các tài liệu, những cố gắng trốn thoát đều phải trả giá bằng sinh mạng.

Nếu có chuyện vượt ngục, các lính canh phải gọi cho lực lượng đặc nhiệm vũ trang của trại giam. Nếu "học sinh", như tài liệu nêu rõ, không tuân theo hướng dẫn, lực lượng an ninh phải bắn cảnh cáo. Nếu anh ta tiếp tục cố gắng chạy trốn, "cảnh sát vũ trang sẽ bắn vào anh ta."
 
Nguồn tin ẩn danh chuyển giao dữ liệu cho nhà nghiên cứu người Đức về Trung Quốc
 
"Hồ sơ cảnh sát Tân Cương" từ một nguồn tin ẩn danh lọt vào tay nhà nhân chủng học người Đức Adrian Zenz. Theo nhà nghiên cứu, các tập tin này được lấy từ hệ thống máy tính của Cục An ninh Công cộng ở các quận Ili và Kashgar, thuộc vùng Tân Cương. Nguồn tin, không muốn tiết lộ danh tính vì lý do an toàn, đã bẻ khóa bảo mật vào được hệ thống và rồi sau đó liên lạc với ông.

Theo Zenz, người đó cung cấp dữ liệu cho ông một cách vô điều kiện, nghĩa là không đòi hỏi một xu nào. Thời gian qua, Zenz đã có công rất lớn trong việc phát hiện ra hệ thống trại giam ở Tân Cương. Đối với chuyên gia về Trung Quốc - người đang thực hiện nghiên cứu tại "Tổ chức tưởng niệm nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản" ở Washington - "Hồ sơ cảnh sát Tân Cương" trưng bày một "chiều kích mới". Tư liệu hình ảnh "độc nhất vô nhị" này bác bỏ "tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc" rằng, đây là "những trường học bình thường".

Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa trả lời yêu cầu chi tiết về các bức ảnh và tài liệu. Trong một tuyên bố chính thức, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C. đã không giải quyết các câu hỏi cụ thể, mà cho biết, các biện pháp ở Tân Cương là nhằm chống lại các nỗ lực khủng bố, đây không phải là chuyện "nhân quyền hay tôn giáo".
 
Hiệp hội Truyền thông Quốc tế kiểm tra kỹ lưỡng
 
Nhà nghiên cứu về Trung Quốc đã cung cấp bộ dữ liệu cho một mạng lưới quốc tế gồm 14 công ty truyền thông. Ngoài Bayerischer Rundfunk, còn bao gồm "Spiegel", BBC News và các tờ báo như "USA Today", "Le Monde" - Pháp, đài truyền hình NHK - Nhật Bản và "Liên đoàn ký giả điều tra quốc tế" (ICIJ).

Trong một nghiên cứu chung kéo dài suốt một tuần, nhóm phóng viên đã kiểm tra xem dữ liệu có xác thực hay không. Các phóng viên đã xác định được những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong ở Istanbul và Amsterdam, họ có thân nhân bị biến mất trong nhiều năm. Tên và dữ liệu của những thân nhân này được tìm thấy trên danh sách những người bị giam giữ trong các tài liệu.

Nhóm nghiên cứu cũng có thể đọc dữ liệu GPS của một số bức ảnh. Họ xác nhận rằng, những bản chụp này được thực hiện ở vùng Tân Cương. Các phóng viên có thể sắp xếp vị trí những bức ảnh vào vị trí một trại giam cụ thể ở huyện Tekes, vùng Tân Cương, bằng cách so sánh chúng với ảnh vệ tinh. Cả báo "Spiegel" và BBC News cũng đã chọn những hình ảnh đã được các nhà khoa học pháp y IT kiểm tra. Các chuyên gia - Viện Công nghệ Thông tin An toàn Fraunhofer ở Đức - đã không thể tìm thấy "bất kỳ manh mối hoặc dấu vết" nào "chỉ ra sự giả mạo".

Chủ tịch phái đoàn của Nghị viện Châu Âu về quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Reinhard Bütikofer, kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới chống lại Trung Quốc dựa vào "Hồ sơ cảnh sát Tân Cương". Chính trị gia đảng Grünen cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài Bayerischer Rundfunk và báo "Spiegel", các bức ảnh từ vụ rò rỉ cho thấy "rõ ràng một thảm kịch", nó buộc chúng ta phải hành động. Những "hình ảnh ghê rợn" này phải dẫn đến việc Liên minh châu Âu có lập trường dứt khoát./.
 
VTP-LTH dịch
Nguồn: https://www.tagesschau.de/.../china-uiguren...