Liên Âu trước thách thức chủ quyền công nghệ và công nghiệp

Vào lúc có dịch Covid-19, nhiều hiệu thuốc thông báo : Không còn khẩu trang và dung dịch cồn rửa tay. Ảnh chụp ngày 03/03/2020 tại một hiệu thuốc ở thành phố Nice, miền nam Pháp REUTERS/Eric Gaillard
 
Thanh Hà - rfi.fr
 
Virus corona là cú hích thúc đẩy Bruxelles khẩn trương « giành lại chủ quyền » và « độc lập » cả từ công nghiệp, đến y tế và nhất là công nghệ cao. Dịch Covid-19 và tình trạng thiếu hụt trang thiết bị, bảo hộ, dụng cụ y tế làm lộ rõ nhược điểm trong mô hình phát triển của Liên Hiệp Châu Âu.

Trong gần hai tháng mùa xuân năm 2020, Pháp thiếu đủ mọi trang thiết bị y tế để đối phó với dịch Covid-19. Nhiều thành viên Liên Hiệp Châu Âu từ Ý đến Tây Ban Nha, Pháp và cả Đức cùng nhiều nước Đông Âu đã phải ồ ạt nhập từ găng tay đến khẩu trang y tế của Trung Quốc. Việc Bruxelles ráo riết thúc đẩy kế hoạch phát triển một cách độc lập, đặc biệt là trong các ngành y dược là điều hiển nhiên.

Phải chăng vì thế mà trong bài diễn văn tuyên bố giành được thắng lợi đầu tiên trong cuộc chiến chống virus corona hôm 14/06/2020, tổng thống Emmanuel Macron đã nhiều lần nhấn mạnh Pháp cần đẩy mạnh đầu tư để có hẳn một chiến lược phát triển không lệ thuộc vào bất kỳ một đối tác nào ngoài Liên Hiệp Châu Âu ít nhất trên bốn phương diện, « công nghệ cao, kỹ thuật số, công nghiệp và nông nghiệp », « củng cố một khối châu Âu độc lập » là điều cấp bách hơn bao giờ hết ?

Một khái niệm ra đời trước Covid-19

Công bằng mà nói, Paris cũng như Liên Âu không đợi virus corona cảnh tỉnh về mức độ lệ thuộc vào một số nền kinh tế khác trên thế giới, đứng đầu là Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Ngày 07/02/2020 trong bài diễn văn đọc trước các thực tập sinh khóa 27 trường võ bị Ecole de Guerre, tổng thống Macron đã tuyên bố, cùng với « sức mạnh quân sự, sự tự chủ về kinh tế về công nghệ kỹ thuật số là những yếu tố bảo đảm cho một khối Liên Âu độc lập » .

Một tuần lễ trước khi nước Pháp ban hành lệnh phong tỏa, tại Bruxelles, Ủy Ban Châu Âu trình bày chiến lược công nghiệp chung cho Liên Âu với mục tiêu « củng cố mức tự chủ về công nghiệp và trong những lĩnh vực chiến lược, đối phó với cạnh tranh gay gắt ở cấp quốc tế ». Để đạt đến đích, 27 thành viên châu Âu xác định được ba ưu tiên : nâng cao năng suất, tăng trưởng nhưng không gây thêm hiệu ứng nhà kính tàn phá môi trường, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phát triển công nghệ kỹ thuật số.

Ủy viên châu Âu đặc trách về thị trường nội địa Thierry Breton trong buổi giới thiệu với báo chí về chiến lược phát triển công nghiệp châu Âu cho giai đoạn 5 năm sắp tới đã lưu ý rằng « châu Âu phải luôn rộng mở nhưng sẽ không ngây thơ (…) và ở đó cạnh tranh phải được bình đẳng ». Theo giới phân tích, lời lẽ này nhắm vào những « tập đoàn cá mập của cả Trung Quốc lẫn của Mỹ ».

Riêng đối với nhà nghiên cứu Jean-Pierre Darnis, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, trong bài tham luận đăng trên trang mạng của quỹ này hôm 19/05/2020, ông đã đặc biệt chú ý đến yếu tố « độc lập về mặt công nghệ của châu Âu ». Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia Darnis nhấn mạnh đến vai trò đầu tàu của Pháp trong lĩnh vực này.

« Quyền tự chủ về mặt công nghệ là một khái niệm xuất phát từ Pháp dưới thời tổng thống Jacques Chirac, đầu những năm 2000. Ban đầu khái niệm này chủ yếu bao hàm các lĩnh vực công nghệ không gian và quốc phòng. Trong một thời gian dài chỉ thỉnh thoảng người ta mới nhắc đến chiến lược tự chủ về công nghệ. Nhưng gần đây, ngày càng có nhiều lãnh đạo châu Âu quan tâm đến chủ đề này. Từ đó một số dự án chung châu Âu đã được cho ra đời. Điển hình là chương trình phát triển hệ định vị qua vệ tinh Galileo của châu Âu. Hồ sơ này lại càng được tăng tốc trong những tuần qua. Dịch Covid-19 cho thấy hơn bao giờ hết châu Âu cần phải độc lập về mặt công nghệ và ai cũng ý thức được điều đó ».

Đến thời tổng thống Macron, điện Elysée đặt khả năng phòng thủ, sự tự chủ về kinh tế và về kỹ thuật số ngang hàng với nhau.

Công nghệ cao và an ninh 

Có ba thí dụ cụ thể gần đây nhất cho phép trả lời câu hỏi đơn giản: châu Âu định nghĩa như thế nào về quyền « tự chủ công nghệ và công nghiệp ».

Thứ nhất, khi virus corona mới chỉ khoanh vùng ở Vũ Hán rồi Trung Quốc, nhiều nhà máy của tập đoàn sản xuất xe hơi Pháp Renault ở mãi tận Rumani hay Slovenia đã phải tạm cho nhân viên nghỉ việc hay làm việc bán thời gian vì phụ tùng từ Trung Quốc không chuyển sang kịp, làm gián đoạn chu kỳ sản xuất xe hơi mang nhãn hiệu Renault hay Daccia cũng thuộc về nhóm này. Các hãng xe của Đức cùng cảnh ngộ. Điều này thể hiện nhược điểm của Liên Hiệp Châu Âu khi không làm chủ toàn bộ dây chuyền cung ứng.  

Thí dụ thứ hai, khi dịch bùng phát tại châu Âu, kể từ tháng 3/2020 hình ảnh Âu, Mỹ giành giật nhau những lô khẩu trang made in China, những chuyến bay chở trang thiết bị bảo hộ y tế từ Trung Quốc trở về được xem như thể vừa thực hiện một nhiệm vụ phi thường đã thực sự ám ảnh công luận châu Âu. Hai năm trước đó nhà máy sản xuất khẩu trang y tế Plaintel, vùng Côtes d’Armor – tây bắc nước Pháp, đã phải đóng cửa vì làm ăn thua lỗ, giá thành quá cao so với khẩu trang nhập từ Trung Quốc.  

Thí dụ thứ ba cho thấy Pháp nói riêng và Liên Âu nói chung cần làm chủ các công nghệ kỹ thuật số vào lúc đã có đến 75-80% nhân viên tại nhiều công sở phải làm việc từ nhà trong thời gian các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được ban hành trên toàn quốc. Làm chủ được các cơ sở hạ tầng trong ngành công nghệ cao, viễn thông trong hoàn cảnh đó, như ghi nhận của chuyên gia Jean-Pierre Darnis, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp liên quan trực tiếp đến an ninh và sự sống còn của hơn 500 triệu dân trong Liên Hiệp Châu Âu: 

« Rõ rệt nhất là châu Âu ngày càng quan tâm đến công nghệ kỹ thuật số, đến vấn đề quản lý một cách an toàn các dữ liệu cá nhân của các công dân châu Âu, các dữ liệu của các tập đoàn công nghiệp châu Âu. Liên Âu đã quá lệ thuộc vào các tập đoàn quản lý dữ liệu của nước ngoài. Dịch Covid-19 lần này cho thấy an ninh của Liên Hiệp Châu Âu tùy thuộc vào chiến lược tự chủ về công nghệ. Với khủng hoảng y tế lần này, rõ ràng là châu Âu không làm chủ hết tất cả các công đoạn từ việc thu thập cho đến quản lý các dữ liệu, để rồi ảnh hưởng luôn cả tới mặt y tế. Công nghiệp dược phẩm châu Âu đã phụ thuộc vào Trung Quốc. Cũng chính sự cạnh tranh của Trung Quốc là cú hích. Liên Âu thấy rõ là cần phải tự chủ hơn trong rất nhiều lĩnh vực, từ điện lực đến công nghệ không gian, từ quốc phòng đến viễn thông và đương nhiên là cả ngành dược phẩm, trang thiết bị y tế, đó là chưa kể tới hệ thống cung cấp lương thực thực phẩm. Có rất nhiều lĩnh vực đang mở ra trước mắt ». 

Trên đài RFI Việt ngữ nhà nghiên cứu Jean-Pierre Darnis lưu ý nếu như trong vế công nghiệp, châu Âu thận trọng với Trung Quốc thì ngược lại Mỹ mới là yếu tố đầu tiên thức tỉnh Bruxelles về nhu cầu độc lập trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật số.

Năm 2013, nước Đức, một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, đã rúng động trước những tiết lộ từ Edward Snowden, theo đó « tai mắt của Mỹ » đã lọt vào đến tận bên trong nội các của thủ tướng Merkel, bản thân thủ tướng Đức cũng trực tiếp bị dọ thám. Theo chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược này của Pháp, đây là một khúc quanh quan trọng vì « liên quan đến từ quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận đến quyền lực chính trị của toàn khối Liên Âu ».

Thách thức kép

Gần đây hơn, tranh luận lại dấy lên trước dự án triển khai mạng 5G mà ở đó vai trò của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi thực sự là một thử thách kép đối với châu Âu : một là thách thức bảo đảm an ninh cho các cơ sở hạ tầng cung cấp mạng, thu thập và quản lý các dữ liệu, và hai là bảo đảm một thế độc lập của Liên Hiệp Châu Âu giữa hai ông khổng lồ trong ngành là Mỹ và Trung Quốc.

Vào lúc các thành viên trong Liên Âu và cả Ủy Ban Châu Âu đều mạnh dạn thông báo những kế hoạch đầu tư tái thiết kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhà nghiên cứu Jean-Pierre Darnis cho rằng đây là thời cơ để « một số những tập đoàn công nghệ cao của Liên Âu cất cánh » :

« Từ khóa ở đây là sự "tự chủ về công nghiệp" : trong quá khứ, châu Âu đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong các khâu từ thu thập đến quản lý các dữ liệu cá nhân và các dữ liệu công nghiệp. Nhưng từ tháng 2 vừa qua, Bruxelles đã nhận thấy rằng kết hợp công nghệ cao với việc quản lý các dữ liệu công nghiệp sẽ cho phép châu Âu có khả năng cạnh tranh rất lớn, kể cả với Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Lấy thí dụ trong khủng hoảng Covid-19 lần này, nếu chúng ta có những dữ liệu về y tế ở cấp châu Âu, thì sẽ phân phối dụng cụ y tế, thuốc men cho các thành viên một cách hiệu quả hơn, chính sách dự báo sẽ chính xác hơn... Công nghệ data đó sẽ có lợi cả cho ngành bào chế thuốc, cho các bệnh viện, các cơ quan cung cấp dịch vụ y tế. Ngay cả trong mục tiêu đối phó với đại dịch, làm chủ công nghệ số và các dữ liệu đang là chìa khóa để châu Âu độc lập về đủ mọi mặt ».

Jean-Michel Dalle, giáo sư đại học Sorbonne, giám đốc điều hành trung tâm đào tạo trong lĩnh vực công nghệ mới Agoranov trên báo kinh tế Les Echos (ngày 16/06/2020) không ngần ngại cho rằng sau đại dịch Covid-19 nhân loại đang bước vào thời đại của « deeptech »  nghĩa là thời đại thuộc về « những công nghệ tiên tiến nhất và một số ít những tập đoàn, những tác nhân tham gia vào những công trình đó ».

Khủng hoảng y tế còn chưa tới hồi kết năm nay cho thấy Pháp nói riêng, châu Âu nói chung « rõ ràng là không thể tự chủ nếu không kiểm soát được một số công nghệ ». Hiềm nỗi, trên mặt trận này theo giáo sư Dalle, Mỹ và Trung Quốc đang đi trước Liên Hiệp Châu. 

Gần 70 năm sau ngày Cộng Đồng Than và Thép Châu Âu ra đời, đã đến lúc thành lập một « Cộng Đồng Châu Âu về deeptech (…) đây là điều mang tính sống còn » vì nếu không, chẳng bao lâu nữa châu Âu sẽ « mất tự do chọn lưa » khi phải dựa vào công nghệ của các nước bên ngoài mà trước mắt là Mỹ và Trung Quốc.

Nguồn; http://www.rfi.fr/vi/kinh-t%E1%BA%BF/20200616-li%C3%AAn-%C3%A2u-tr%C6%B0...