Lời nguyền của tài nguyên

Ảnh Saddam Hussein gặp bà Nguyễn Thị Bình

Lương Vĩnh Kim
 

Nước Nga có ba mặt hàng chủ lực: Một là vũ khí, hai là dầu, ba là khí đốt. Các mặt hàng khác, hầu hết đều phải mua của nước ngoài. Quần áo thì mua của Việt Nam và Bangladesh. Điện thoại di động, tivi, tủ lạnh, ô tô, thiết bị văn phòng đều phải nhập khẩu. Kế thừa truyền thống Liên Xô trước đây, nước Nga hiện nay, hầu như không sản xuất được hàng tiêu dùng có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nước Nga bán vũ khí, bán dầu, bán khí đốt để nhập khẩu tất cả những gì cần thiết. Đất đai rộng lớn, tài nguyên dồi dào, chỉ cần khai thác tài nguyên với chi phí thấp, bán tài nguyên với giá cao, cũng đã đủ nuôi 150 triệu dân Nga ở mức sống cao, nên nước Nga không cần phải sản xuất các mặt hàng khác. Các ngành nghề khác, nếu có mở ra, thì tiền lương và lợi nhuận cũng không thể cạnh tranh với các ngành phục vụ khai thác tài nguyên, nên không ai làm. Hơn nữa, chính phủ Nga, nắm nguồn lợi từ khai thác tài nguyên, sẽ dễ dàng trợ cấp cho người dân, bằng nhiều hình thức khác nhau, sao cho, làm ít hưởng nhiều hoặc không làm mà vẫn có ăn. Từ đó, nền kinh tế Nga phụ thuộc vào tài nguyên. Chính phủ Nga nắm tài nguyên, bán tài nguyên, như ông địa chủ phát canh thu tô, gia trưởng, không cần phải lắng nghe bất cứ ai, vì nguồn thu ngân sách chủ yếu là từ tài nguyên, chứ không phải từ tiền thuế của công dân với những phiếu bầu. Nền chính trị độc tài của Putin, cùng với các nhà tài phiệt, duy trì được lâu, là vì, nền kinh tế của nước Nga dựa trên sự phân chia lợi ích từ tài nguyên. Đây là hiện tượng mang tính qui luật. Nó không chỉ diễn ra ở nước Nga, mà còn, diễn ra ở một số nước khác, sống dựa vào tài nguyên tương tự nước Nga.
 
Từ sau sau nửa thế kỷ hai mươi đến nay, xảy ra một hiện tượng lạ là các quốc gia giàu tài nguyên lại có tốc độ phát triển kinh tế chậm hơn các quốc gia nghèo tài nguyên. Những nước giàu tài nguyên dầu mỏ như Irac, Iran và một số nước dầu mỏ ở Trung Đông lại phát triển chậm hơn các nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Gần đây nhất là nước Venezuela có tài nguyên dầu mỏ vào loại bậc nhất thế giới nhưng trồi lên sụt xuống rất thất thường. Tổng thống Hugo Chávez quốc hữu hóa các công ty khai thác dầu mỏ để chia lợi tức cho dân, để rồi từ đó dân không phải làm gì mà vẫn có ăn. Giá dầu lên thì đồng bolivar tăng giá, dân chúng sung sướng, hoan hô Tổng thống Hugo Chávez. Giá dầu xuống thì đồng bolivar mất giá, dân chúng biểu tình. Nền chính trị độc tài của Tổng thống Hugo Chávez xây dựng dựa trên tài nguyên dầu mỏ. Giá dầu lên, Hugo Chávez tăng chi tiêu của chính phủ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục, giảm đáng kể tỷ lệ đói nghèo, được dân chúng hoan hô. Giá dầu xuống, Hugo Chávez cắt giảm chi tiêu nên bị chống đối dữ dội.
 
Không riêng gì Venezuela, các nước giàu tài nguyên dầu mỏ đều bị nạn độc tài. Saddam Hussein của Iraq là trường hợp độc tài điển hình. Dựa trên nguồn thu từ dầu, ông ta có thể ban phát cho bất cứ ai tiền bạc để họ ủng hộ ông duy trì quyền lực. Tháng 10/1975, Saddam Hussein, khi đó là phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ huy Cách mạng của Iraq, gặp bà Nguyễn Thị Bình, không cần thủ tục nào, đã quyết định ngay: “Chúng tôi quyết định tặng miền Nam 400 ngàn tấn dầu, coi như đây là món quà gửi nhân dân miền Nam nhân ngày chiến thắng và cho vay thêm 1.5 triệu tấn nữa”. Tháng 2/2002, sắp nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Bình đến thăm Irag để bộc bạch về món nợ cũ và được Tổng thống Saddam Hussein xóa nợ theo thủ tục độc tài dựa trên tài nguyên dầu mỏ. Theo tường thuật của Bà Nguyễn Thị Bình thì thủ tục xóa nợ cho Việt Nam đơn giản đến mức làm bà bất ngờ: [Năm 1975, tôi thăm Iraq, Tổng thống đã quyết định cho Việt Nam vay dầu, lúc đó chúng ta còn rất trẻ. Đến bây giờ chỉ còn vài tháng nữa là tôi nghỉ hưu mà chúng tôi vẫn chưa trả được hết nợ cho Iraq. Tôi cảm thấy trong lòng không vui. Nghe đến đây, Saddam Hussein nói ngay: 'Mong bà về nghỉ bình yên, giữ gìn sức khoẻ và không phải suy nghĩ gì cả. Từ giờ phút này trở đi, giữa chúng ta không có nợ nần gì với nhau nữa'. Bà Bình một lần nữa lại không tin vào tai mình, quay sang hỏi lại đại sứ Nguyễn Quang Khai (khi ấy đang kiêm vai trò thông dịch viên): ”Khai, em hỏi lại xem có đúng Tổng thống Saddam Hussein nói như vậy không? Rất nhanh ý, biết bà Bình có thể chưa hiểu hết ý của mình, ông Saddam nói tiếp: 'Tôi không biết con số cụ thể Việt Nam còn nợ Iraq bao nhiêu, 5 giờ chiều nay, tôi sẽ cử Phó Tổng thống Taha Yassin Ramadan đến dinh thự bà đang ở để ký Biên bản thoả thuận xoá toàn bộ số nợ này”]. Việt Nam đã hưởng lợi từ việc xóa nợ theo cách của nhà độc tài Saddam Hussein, nhưng nếu nhà lãnh đạo nào của Việt Nam mà sử dụng ngân sách quốc gia theo kiểu Saddam Hussein thì dân Việt Nam sẽ khó bề chấp nhận.
 
Một số nước giàu tài nguyên đã mắc phải những căn bệnh như lười biếng, độc tài và tham nhũng. Ngược lại, một số nước nghèo tài nguyên lại phát triển kinh tế rất nhanh, ít tham nhũng, với nền dân chủ vững chắc, như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc. Từ những hiện tượng này, các nhà kinh tế học rút ra kết luận về 'Lời Nguyền Của Tài Nguyên', nó cũng tương tự như thành ngữ "Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt" hoặc "Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá" của người Việt Nam. Ỷ lại vào tài nguyên, khai thác tài nguyên và sử dụng tài nguyên không đúng cách đều phải trả giá. Đó là bản chất của Lời Nguyền của tài nguyên. Trong phạm vi gia đình, nếu con cái chỉ chăm chú hưởng lợi từ đất đai, tài sản do cha mẹ để lại, cũng có thể sinh bệnh lười biếng và gia trưởng như các nhà độc tài được hưởng lợi từ tài nguyên quốc gia. "Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt' là lời cảnh báo; nếu không biết phòng tránh thì căn bệnh tài nguyên sẽ phát sinh theo đúng lời nguyền của nó./.