Cảm thương cha Antôn Nguyễn Huyền Đức

Ảnh: cha Antôn Nguyễn Huyền Đức

Phêrô Nguyễn Văn Khải

 
Năm 2012 cha Antôn Nguyễn Huyền Đức từ Pháp sang Roma. Ngài đến tu viện chúng tôi ăn trưa và nói chuyện với chúng tôi cho đến đêm mới ra về. Ngài muốn tìm hiểu vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ để rút ra những bài học cần thiết cho việc bảo vệ Đan viện Thiên An.
 
Tôi không ngạc nhiên về điều này. Vì từ trước đó cả hàng chục năm các tu sĩ Đan viện Thiên An mà ngài là thành viên đã thuộc số những dân oan điển hình nhất ở Việt Nam. Chẳng năm nào Đức Viện phụ Stêphanô Huỳnh Quang Sanh và một vài đan sĩ của Thiên An không ra Hà Nội, tạm trú tại Thái Hà để khiếu nại chuyện đất đai.
 
Năm 2014 tôi nhận được tin ngài sẽ phải về Việt Nam dù chưa học xong. Bấy giờ tôi nghe nói Nhà Dòng ngài sắp lập một cơ sở bên Thái Lan, Đức viện phụ Huỳnh Quang Sanh sẽ sang đó và ở Việt Nam cần ngài vì các ơn gọi trẻ ngày một đông lên...
 
Ngài trở về trong lòng mang đầy ưu tư. Ngài nói với tôi rằng, dù có phải trả giá bằng mạng sống, ngài cũng không bao giờ thỏa hiệp với sự dữ và phản bội anh em. Tôi tin là như vậy. Tôi thấy ngài là típ người có thể thay đổi thế gian bằng chiêm niệm, cầu nguyện và hành động chứ không phải một típ người thỏa hiệp, để cho thế gian biến đổi mình bằng cái bả quyền lực và danh lợi.
 
Mấy tháng sau tôi được tin ngài đã đảm nhận chức vụ quyền Bề trên Đan viện. Đúng khoảng thời gian ấy, trong cơn khát đất của những cán bộ cộng sản tham tàn, nhà cầm quyền chẳng những không trả lại đất cho Đan Viện mà còn trắng trợn dùng bạo lực cướp thêm để bán cho các công ty tư nhân, trong đó có cả công ty du lịch-giải trí, nhằm phá nát không gian tu hành của các đan sĩ.
 
Trong tư cách là bề trên, ý thức rằng đối với các đan sĩ, môi trường xung quanh chính là yếu tố cổt thiết của đời sống đan tu, ngài đã cùng các anh em của ngài đã kiên quyết bảo vệ đất đai và rừng thông của Đan Viện một cách hợp pháp và hòa bình, bằng việc gửi đơn thư khiếu nại đến các cấp chính quyền và nhất là bằng lời cầu nguyện và sự hiện diện trên thực địa.
 
Trong cuộc bảo vệ kéo dài nhiều năm, nhiều đợt, nhiều ngày này, ngài và nhiều cha thầy trong Đan Viện đã bị công an và côn đồ tấn công, trong số đó thầy G.B Trương Vĩnh Hậu bị công an đánh chấn thương sọ não vào tháng 6 năm 2017.
Buồn thay bấy giờ ngài và các anh em của ngài trong Đan viện gần như cô độc trong cuộc bảo vệ công lý này. Ở trong nước, trực tiếp trợ giúp ngài khi ấy chỉ có một số cha và một số giáo dân trong Nhóm Truyền thông Tin Mừng cho Người nghèo. Ở Hải ngoại thì có Tổ chức BP SOS và một số cán nhân và tổ chức khác vận động với Ủy ban Quốc tế Tự do Tôn giáo, với Hạ Nghị viện và với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các nước châu Âu.
 
Nhờ những tiếng nói trên đây và với những hình ảnh công an tấn công Đan Viện cách tàn bạo, nhiều người trong ngoài nước mới biết đến tội ác của nhà cầm quyền Huế và tình cảnh thảm thương của các tu sĩ trong Đan Viện. Nhiều giáo xứ, đặc biệt là các giáo xứ thuộc Giáo phận Vinh, quê hương của cha Antôn Nguyễn Huyền Đức, đã thắp nến hiệp thông cầu nguyện cho Đan Viện.
 
Trong khi đó Ủy Ban Quốc tế Tự do tôn giáo và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2018 đã trực tiếp liên tiếng về Trường hợp Đan viện Thiên An. Một số dân biểu và viên chức các tòa đại sứ của các nước cũng bày tỏ thiện cảm với Thiên An. Những điều này khiến nhà cầm quyền phải chùn tay ít nhiều trong việc cướp đất của Đan Viện.
 
Cay cú vì tham vọng của mình bị cản trở trước sự can trường của các cha các thầy trong Đan Viện mà đứng đầu là cha An tôn Nguyễn Huyền Đức, nhà cầm quyền đã hạ quyết tâm loại trừ ngài.
 
Trước nhất họ tìm cách giết chết sự sống thể xác của ngài. Lần gặp lại ngài ở Roma cuối năm 2017, tôi thấy sức khỏe ngài suy giảm nhiều. Ngài kể dịp tết năm 2016 có mấy người quen biết đến chúc tết Đan Viện. Họ mang theo trà và cà phê làm quà và họ muốn tự tay pha chế và mời ngài thưởng thức. Ngay khi uống xong ít phút thì ngài bị nhức đầu và rát cổ rồi, sau đó ít ngày bắt đầu đau nhức xương cốt. Vài tháng sau thì tóc rụng và răng mục. Ngài biết là mình đã bị đầu độc.
Nhà cầm quyền cũng muốn giết chết danh dự và uy tín của ngài. Ngài kể năm 2017 có một chị bên Canada hứa giúp đỡ Đan Viện. Nhân dịp ngài vào Sài Gòn công vụ thì chị ta hẹn ngài gặp chị ta ở khách sạn. Rồi khi ngài vừa xuất hiện ở đó thì lập tức rất nhiều công an ập vào bắt ngài và chị kia, họ ép ngài chụp hình với phụ nữ kia và quy kết hai người tội mua bán dâm và đưa vụ lên báo chí Việt Nam để làm ngài mất mặt.
 
Thâm độc hơn nữa, nhà cầm quyền còn dùng đường “vận động và ngoại giao ” để chia rẽ các anh em trong Đan viện với nhau, chia rẽ giữa các cha các thầy trong Đan Viện với hàng giáo sĩ và giáo dân của Giáo Hội địa phương, đồng thời gây áp lực lên Tòa Thánh và lên Hội đồng Quản trị Trung ương của Dòng Biển Đức nhằm cô lập ngài và loại trừ ngài khỏi chức vụ bề trên.
 
Qua một vài linh mục bên ngoài Dòng nhà cầm quyền tìm cách tiếp cận, vuốt ve và mua chuộc một vài anh em trong Đan Viện, hứa hẹn viễn tượng tốt đẹp cho các anh em này và cho Đan Viện. Họ cũng kêu mấy vị này vận động các anh em khác tẩy chay Cha Bề trên Đức.
 
Một số linh mục thỏa hiệp làm tay chân cho nhà cầm quyền còn vu khống rằng chính ngai đập phá Thánh Giá rồi đổ tội cho nhà cầm quyền để “ăn vạ!” Họ nói xấu ngài và xuyên tạc các việc làm của ngài và anh em trong Đan Viện. Họ biện minh cho thái độ vô cảm và cầu an của họ bằng cách chụp mũ rằng: Thiên An bất ổn là do cha Antôn Đức và các đan sĩ gốc Vinh trong Đan Viện “hiếu chiến.”
 
Thâm độc và trắng trợn hơn nữa, nhà cầm quyền còn gửi văn thư cho Tòa Thánh và cho Bề Trên Tổng Quyền Dòng Biển Đức ở Roma. Họ kết án cha Antôn Đức vi phạm luật đất đai và luật xây dựng. Họ quy kết ngài “kích động hận thù và bạo lực” và các hành động của ngài đã phá vỡ mối quan hệ “hài hòa tốt đẹp giữa Giáo Hội và Nhà Nước” vân vân. Họ còn vu cáo ngài có quan hệ bất chính với phụ nữ và, vì những lý do trên đây, đề nghị chấm dứt chức vụ Bề trên Đan viện của ngài.
 
Trước những việc làm này của nhà cầm quyền, ngài và Cha Bề Trên Tổng Quyền của ngài đã gặp vị đại diện Tòa Thánh để giải trình về vụ việc Thiên An dịp ngài sang châu Âu chữa bệnh năm 2016. Khi ấy ngài viết thư nhờ tôi làm thông dịch cho ngài trong cuộc gặp kia, nhưng chẳng may đúng lúc ấy tôi đang đi giảng bên Hoa Kỳ nên không thể giúp ngài.
 
Cuối năm 2017 ngài báo cho tôi biết ngài trở lại châu Âu và sẽ sang Roma gặp các đấng bề trên của Dòng Biển Đức. Khi đến Roma, đúng ngày cuối năm, 31/12/2017 ngài gọi điện thoại cho tôi, kêu tôi sang Nhà Mẹ của Dòng để trình bày với các cha trong Hội đồng Quản trị Trung ương về mối quan hệ Nhà Nước và Giáo Hội tại Việt Nam cũng như giúp các ngài hiểu hơn về vụ Thiên An để từ đó có các giải pháp thích hợp.
 
Ngài bảo tôi đại ý rằng: “Những cái cần nói thì gặp chung gặp riêng con đã nói rồi. Tuy nhiên con tin cha biết cách trình bày súc tích và đầy đủ hơn con, vả lại cha là người ngoài Dòng, cha lại hiểu chuyện Giáo Hội Việt Nam và cũng hiểu vụ Thiên An, nên con nghĩ cha trình bày sẽ khách quan hơn và nhờ thế các đấng bậc ở đây có thể hiểu vấn đề hơn là chỉ nghe mình con...”
 
Câu chuyện kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ và sau đó còn tiếp tục kéo dài trong bữa ăn trưa. Hôm đấy trong bàn ăn, ngoài cha Đức và tôi, còn có hai thầy H & H, cha H và mấy soeurs gốc Giáo phận Vinh đang học tại Roma. Tuy nhiên, chỉ có cha Đức và tôi tham gia câu chuyện.
 
Sau khi trình bày và trả lời các câu hỏi các nhau của các cha trong Hội đồng Quản trị của Dòng Biển Đức, tôi kết luận rằng: Xin các ngài đừng tin những gì cộng sản hứa, hãy xem những việc cộng sản làm! Theo con mục đích chủ chốt của họ là loại trừ cha Antôn Đức khỏi chức vụ Bề trên Đan viện Thiên An và hơn nữa tìm cách giữ chân ngài ở lại châu Âu. Nếu nghe theo họ mà làm như vậy thì vô tình các ngài đang làm đúng ý của nhà cầm quyền và đấy sẽ là một sự thiệt hại lớn cho Đan Viện và một sự thất vọng lớn cho hầu hết các đan sĩ Thiên An.
 
Hơn nữa, các ngài nên biết, đối với cộng sản, các ngài càng nhượng bộ thì họ càng lấn tới, không phải chỉ trong chuyện bổ nhiệm nhân sự mà còn trong các chuyện khác nữa, đặc biệt là trong việc cưỡng chiếm đất đai của Đan Viện. Nếu qua các ngài họ “dẹp” được cha Đức, thì họ sẽ can thiệp mạnh hơn nữa và người lãnh trách nhiệm bề trên thay cha Đức trong tương lai sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn nữa từ nhà cầm quyền...
 
Mấy cha cố vấn đều đồng ý với quan điểm của tôi. Tuy nhiên, Cha Phó Bề Trên Tổng Quyền, người được giao giải quyết vụ Thiên An lại muốn cha Đức ở lại châu Âu. Lý do ngài nói rằng ngài thương cha Đức và không muốn cha Đức và các anh em khác phải đau khổ hoặc gặp nguy hiểm đến tính mạng. Lý do thực sự bên dưới là gì? Cha Đức đã nói cho tôi biết và tôi thấy chưa tiện nói bây giờ và ở đây!
 
Khi ấy tôi nói với các đấng bề trên của cha Đức rằng: Tại sao cha Đức và hầu hết các đan sĩ Thiên An sẵn sàng chấp nhận vác thập giá mà các ngài lại sợ thay cho họ? Tôi nói rằng kinh nghiệm của chúng tôi ở Việt Nam là muốn sống phải sẵn sàng chết, chấp nhận chết thì sống, ngược lại nếu nhượng bộ và thỏa hiệp thì chết. Tôi lấy tu viện và giáo xứ Thái Hà và Đa Minh ở Hà Nội làm thí dụ chứng minh.
 
Tu viện và giáo xứ Thái Hà chúng tôi có nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân bị bắt, bị tù, bị trục xuất và bị giết. Suốt hơn 60 năm qua, không tu viện và giáo xứ nào ở Bắc Việt lại bị bách hại nhiều hơn chúng tôi. Cuối cùng chỉ có một cha sống sót một cách lạ lùng, và cuối cùng, phép lạ Chúa làm, nhờ giám chết với Chúa nên chúng tôi cùng được sống với Ngài: ngày nay Tu viện và Giáo xứ Thái Hà trở thành một trong những tu viện và giáo xứ sinh động tại Bắc Việt.
 
Trong khi đó, Tu viện và Giáo xứ Đa Minh cũng ở trong thành phố Hà Nội lại biến mất hoàn toàn. Năm 1954, khi các cha Dòng Đa Minh Lyon di cư vào Miền Nam thì hai linh mục “yêu nước” là Vũ Xuân Kỷ và Võ Thành Trinh tiếp quản. Nhà nước tuyên truyền rằng: “Tôn giáo nào đi theo sự lãnh đạo của Đảng thì tôn giáo ấy phát triển, chức sắc tôn giáo nào đi theo sự lãnh đạo của Đảng thì chức sắc ấy được ấm thân.”
 
Thế nhưng, thực tế là sau khi cha Vũ Xuân Kỷ qua đời năm 1972 và sau khi cha Võ Thành Trinh trở lại Miền Nam năm 1975 thì nhà cầm quyền đã chiếm trọn nhà thờ làm quán nhậu và tu viện Đa Minh trở thành nơi ở của trung đoàn bảo vệ lăng HCM! Một trung tâm mục vụ, tâm linh và văn hóa nổi tiếng một thời giữa trung tâm Hà Nội đã biến mất chỉ vì thái độ thỏa hiệp!
 
Bất chấp cảnh báo của tôi và mong muốn trở về của cha Antôn Đức, Cha Phó Bề Trên Tổng Quyền vẫn quyết định cha Antôn Đức phải ở lại châu Âu. Tuy nhiên, sau đó thực tế cho thấy không vì sự vắng mặt của cha Antôn Đức mà Thiên An được yên ổn! Trái lại năm 2018, nhà cầm quyền lại gia tăng bạo ngôn và bạo lực để khủng bố các đan sĩ và cướp đất Đan Viện. Nếu khi ấy không có sự phản đối quyết liệt của các cha các thầy liên tục trong nhiều ngày và không có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao và một số dân biểu Hoa Kỳ và châu Âu thì tình có lẽ tình trạng còn thê thảm hơn nữa.
 
Từ đó Cha Phó Tổng Quyền đã nhận ra việc nhượng bộ nhà cầm quyền không cải thiện gì tình hình an ninh của Đan Viện về mọi phương diện, và mối quan hệ giữa Đan Viện và Nhà Nước cũng không vì thế mà tốt hơn. Hơn nữa, chính lúc này, bất chấp sự kiện cha Antôn Đức đã ở lại châu Âu hơn 2 năm, đầu năm 2019 các đan sĩ Thiên An vẫn bầu ngài làm Đan viện phụ. Vox populi, vox Dei. Có lẽ nhận ra ý dân là ý Trời và rằng giải pháp giữ chân cha Antôn Đức ở lại châu Âu không phải là điều hay cho nên lúc này các đấng bề trên ở Roma đã phê chuẩn tư cách là Đan viện phụ của cha Đức và đồng ý cho ngài trở lại Việt Nam.

Thế nhưng tháng 9 năm 2019 khi ngài về tới sân bay Nội Bài, cha Antôn Đức đã bị công an bắt giữ một cách bấp hợp pháp. Vì ngoài quốc tịch Việt Nam, ngài không có quốc tịch nước hoặc giấy cư trú dài hạn tại một quốc gia nào khác nên nhà cầm quyền không thể từ chối ngài nhập cảnh. Tuy nhiên, họ đã khủng bố và đe dọa ngài đủ kiểu, trong khi bệnh ngài đã trở nên nghiêm trọng, tinh thần và sức khỏe ngài suy kiệt nên cuối cùng ngài đành chấp nhận quay lại châu Âu.
Từ đó ngài chấp nhận yên phận ở châu Âu, tập trung vào việc cầu nguyện, chữa bệnh và gửi thư từ liên lạc với các cá nhân, tổ chức và chính phủ để vận động cho việc bảo vệ Thiên An. Tòa đại sứ của Đức, của Liên minh châu Âu biết Đan viện Thiên An từ đấy. Tôi tin rằng lời cầu nguyện và những nỗ lực cuối cùng của ngài trong cơn bệnh tật trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc giúp cho Thiên An đứng vững!

 

Hôm rồi khi được các bạn hữu bên Đức báo cho biết ngài qua đời, tôi không ngạc nhiên vì tôi đã thấy thể trạng của ngài sau khi bị đầu độc. Tôi nghĩ may mà ngài được các bác sĩ ở Đức tận tình cứu chữa chứ nếu ở nước khác có lẽ ngài đã qua đời từ lâu rồi! Dù sao thì tôi biết biết ngài đã chiến đấu đến cùng để duy trì sự sống của mình cũng như bảo vệ sự tồn tại của Đan viện Thiên An mà ngài hằng yêu mến hơn cả tính mạng mình. Ngài là một đan sĩ thực thụ, một con người của cầu nguyện và làm việc như châm ngôn của Thánh Tổ phụ Biển Đức.

 

Trên hết mọi sự tôi thấy ngài là người đã theo sát Chúa Giêsu và cố gắng trở nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự. Đọc những lời lẽ tha thiết trong chúc thư ngài gửi cho anh em trong Đan Viện và chứng kiến cuộc sống của ngài, tôi thấy ngài đã đón nhận những đau khổ một cách can đảm, bằng một đức tin, một tìn yêu và một tinh thần siêu nhiên phi thường tin. Ngài đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô chịu đóng đinh, trong xác tín rằng “bình an của trời cao là con đường Thập Giá, con đường Hiến Tế, con đường Sự Thật.”

 

Cuộc sống, ơn gọi va sứ mạng của ngài là một bi kịch. Tôi cảm thương ngài và cảm phục ngài, một nạn nhân điển hình của chế độ cộng sản và là một chứng nhân đích thực của Chúa Kitô trong thời đại chúng ta hôm nay ở Việt Nam.
Xin Chúa đón nhận ngài vào hưởng hạnh phúc Thiên Đàng cùng với những người công chính khác./.
 
Oberhausen, Đức quốc ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi năm 2022.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT