Bí thư thành Hồ lặng lẽ đi thắp hương cầu nguyện Đức Thánh Trần

BT thành Hồ - Phan Văn Mãi đi viếng Đức Thánh Trần, trước giờ nơi này đóng cửa – ảnh: Lưu Trọng Văn
 
Saigon Nhỏ (Như Hồ)

Ngày 26 Tháng Chín ở Việt Nam, tức nhằm 20 Tháng Tám âm lịch là ngày lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, cũng là kỷ niệm 733 năm chiến thắng hiển hách trên sông Bạch Đằng, khiến giặc phương Bắc kinh hồn táng đởm.
 

Điều bất ngờ là vào cuối giờ chiều của ngày Chủ nhật 26 Tháng Chín, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch thành Hồ xuất hiện với một nhóm nhỏ tùy tùng, đến thắp hương và viếng Đức Thánh Trần ở đền thờ nằm trên đường Hiền Vương, nay là đường Võ Thị Sáu, Phường Tân Định, quận 1.
Ngay sau buổi viếng đó, báo chí điện tử nhà nước lập tức lên bài, nói về chuyện sẽ tôn tạo tượng đài, mang lư hương về chỗ cũ. Báo Tuổi Trẻ, có bài viết xuất hiện sau 6 giờ tối, tức nội dung đã được chuẩn bị sẵn, chờ sau khi ông Mãi từ đền thờ Trần Hưng Đạo quay về thì lên bài, nhấn mạnh rằng sau tháng 10, bớt giãn cách thì lãnh đạo “TP.HCM sẽ mời người dân góp ý phương án tôn tạo tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo”.
 
Cũng trong buổi họp báo chiều 26 Tháng Chín, ông Phạm Đức Hải – phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở thành Hồ, cho biết trong nhiều năm qua, tại đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở đường Hiền Vương, đều tổ chức lễ và có đông đảo người dân đến tham dự. Ông Hải cũng nói rằng ngày 28 Tháng Sáu, giới lãnh đạo cũng đã có kế hoạch tu sửa tôn tạo tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và cải tạo, chỉnh trang công viên Mê Linh.
 
Theo ông Hải, dự kiến ngày 30 Tháng Chín tới đây thành phố sẽ tiếp tục khởi công cải tạo, chỉnh trang khuôn viên bến Bạch Đằng (đoạn từ cột cờ Thủ Ngữ cho đến đoạn đối diện Bảo tàng Tôn Đức Thắng – trước đây là tư dinh của ông Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng hòa).
 
Vào giữa Tháng Chín, dư luận trong nước đột nhiên ồn ào về chuyện yêu cầu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải trả lại lư hương một cách kính trọng cho tượng đài Đức Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng. Hầu như mọi người đều nhớ đến chuyện ngày 17 Tháng Hai 2019, bí thư thành Hồ lúc đó là Nguyễn Thiện Nhân đã ra lệnh cho cẩu lư hương mang đi, che chắn hành động đó bằng việc đặt một hàng rào các xe rác bao chung quanh, mà mục đích là để ngăn cản người dân tụ tập đến đây viếng và thắp hương nhân tưởng niệm ngày Trung cộng xua quân tấn công vào miền Bắc Việt Nam, giết hại vô số người già trẻ nhỏ và hủy diệt làng xóm, đô thị.
 
Ngay sau đó, khi thấy dư luận tức giận, ông Nhân đã đưa bà Trần Kim Yến – Bí thư Quận ủy Quận 1 ra thế mạng cho mình. Cả hai đều hứng chịu sự chỉ trích nặng nề của người dân, và kéo dài cho đến tận hôm nay.
 
Đến ngày 20 Tháng Chín 2021, dư luận lại bùng lên dữ dội, trên mạng Facebook xuất hiện lời kêu gọi chấm dứt sự bất kính với tổ tiên và buộc chính quyền thành Hồ phải có hành động cụ thể và chịu trách nhiệm. Giới trí thức lên tiếng chất vấn liên tục. Câu lạc bộ sinh hoạt chính trị xã hội Lê Hiếu Đằng cũng đưa ra thư ngỏ kêu gọi trả lại lư hương cho Đức Thánh.
 
Giáo sư Hoàng Dũng, từ Sài Gòn đặt câu hỏi “vì sao tượng đài ông Hồ Chí Minh thì được có lư hương, còn Đức Thánh Trần thì không?”. Báo Người Đô Thị của nhà nước cũng có bài viết kêu gọi trả lại lư hương, nhưng ngay sau đó thì bị ban tuyên giáo buộc xóa đi. Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã viết bài đặt vấn đề “Hủy diệt giá trị tâm linh tổ tiên, thì có xứng đáng gọi nhau là đồng bào?”
 
Được biết trong nhiều ngày, công an mật vụ và các quan chức kiểm duyệt đã phải chia nhau gọi, dỗ dành, thậm chí đe dọa những người lên tiếng đang được đám đông theo dõi. Họ được yêu cầu ngừng nói, viết về đề tài lư hương. Giới AK47 và dư luận viên cũng ráo riết tổ chức các hoạt động báo cáo vi phạm giả để Facebook đóng và xóa bài của nhiều người. Không một ai trong số các quan chức lên tiếng trong những ngày này, kể cả thủ phạm Nguyễn Thiện Nhân cũng mất dạng.
 
Sự có mặt bất ngờ của ông Chủ tịch Phan Văn Mãi ở đền thờ Đức Thánh Trần, đúng vào ngày giỗ, cho thấy sự lo lắng của ông về việc quản lý một thành phố, mà sự bất mãn trong dân là thứ dễ nhận ra nhất: Từ giá trị tâm linh phi cộng sản cho đến các phương thức chống dịch áp đặt khiến hàng trăm ngàn người đang lâm vào đói khổ, chết chóc.
 
Thói quen của những nhà cầm quyền là không bao giờ đáp ứng tức thì tâm lý của dân chúng, để tạo tư thế của kẻ cầm quyền có lý tưởng. Nhưng qua việc mau chóng công bố các phương thức trả lư hương và tôn tạo di tích, cho thấy ông Mãi cũng đang rất muốn chinh phục lòng người dân Sài Gòn.
 
Ngay trong ngày 26 Tháng Chín, nhiều người dân tỏ ra vui mừng và hy vọng nhà cầm quyền sẽ không tung một một cú lừa nào đó.
 
Cần nói thêm, ông Phan Văn Mãi với cương vị là nhân vật lãnh đạo của thành phố, là nhân vật hiếm hoi chính thức tổ chức đi viếng, thắp hương tưởng niệm Đức Thánh Trần.

Fb

Nhạc sĩ Tuấn Khanh