Angela Merkel tổng kết thành tích trong thời gian tại chức

Deutsche Welle (DW)
Đỗ Kim Thêm dịch
 
Lời người dịch: Hiện nay, trên thị trường sách Đức đã có ba tác phẩm trình bày khá chi tiết về thân thế và sự nghiệp của bà Angela Merkel. Việc bà rời khỏi chính trường trước ngày 9/12 năm nay cũng là một đề tài cho báo giới quốc tế và Đức có vô số các bài bình luận.

Nhìn chung, Đức là một đối tác mậu dịch quan trọng nhất với Trung Quốc. Do doanh giới Đức áp lực khá nặng nề, nên bà đề cao việc hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề giao thương và biến đổi khí hậu, không chủ trương gay gắt như Donald Trump. Đức không hỗ trợ tài chính đúng mức cho khối NATO tạo thêm căng thẳng trong bang giao Mỹ – Đức và quan hệ cá nhân giữa ông Trump và bà Merkel. Vì có khuynh hướng chống Trung Quốc, nên đa số người Việt khắp nơi không dành thiện cảm cho bà.

Nhìn riêng trong mối bang giao Đức – Việt, vụ Trịnh Xuân Thanh là một vết nhơ cho lãnh đạo CSVN và mối lo cho người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức. Cho đến nay, Việt Nam không chính thức lên tiếng xin lỗi Đức về việc vi phạm chủ quyền an ninh và lãnh thổ, việc này chứng tỏ bà Merkel đã quá nhẹ tay và người Việt thất vọng về bà khi không dạy cho Việt Nam biết thế nào là tinh thần trọng pháp và lễ độ ngoại giao.

Sau vụ thảm sát đảng viên Lê Đình Kình, lại một lần nữa, CSVN bắt cóc đảng viên Trịnh Xuân Thanh tại Đức và tự hào bạo lực cách mạng đã toàn thắng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, nhìn lại sau 16 năm trong chính trường, bà không thể tránh khỏi một số sai lầm nhất định, nhưng bà vẫn được dân chúng và công luận quốc tế tôn trọng về nhân cách và khả năng. Bà đã làm việc tận tụy và liêm chính, một hình ảnh mà giới lãnh đạo CSVN cần học tập tấm gương “cần kiệm liêm chính chí công vô tư“ của bà. Sau đây là bản dịch bài phỏng vấn của DW.

***
Trong cuộc phỏng vấn dành cho DW, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel nói về biến đổi khí hậu, câu nói nổi tiếng của bà “Chúng ta làm được việc này”, một chút u sầu và sự bàn giao nhiệm vụ theo thủ tục.

Lộ vẻ thư giãn và rõ ràng là trong yên bình: Đây là cách mà Thủ tướng Angela Merkel (CDU) thể hiện mình trong cuộc phỏng vấn dành cho Max Hofmann, Trưởng ban Tin tức của DW, tại Phủ Thủ tướng ở Berlin.

Bà không phải đắn đo suy nghĩ khi được hỏi về những thách thức nào đã là khó khăn nhất trong nhiệm kỳ của mình. Về mặt cá nhân, bà bị thách thức nặng nề bởi “áp lực việc tỵ nạn Syria và các nước xung quanh, và sau đó là đại dịch Corona”.

Trong cả hai trường hợp “người ta đã thấy điều này ảnh hưởng trực tiếp đến con người như thế nào, ở đâu mà người ta phải giải quyết đến số phận con người”.


Lần đầu bà Merkel xuất hiện trên chính trường, bên cạnh Thủ tướng Helmut Köln (2001). Nguồn ảnh: DPA/ M. Jung

“Vâng, chúng tôi đã làm được”

Khi được hỏi liệu bà có quan điểm cho rằng Đức làm chủ được tình hình trước dòng tị nạn 800.000 người vào năm 2015, mà bà đã trả lời bằng câu nổi tiếng “Chúng tôi làm được”. Bà nói: “Vâng, chúng tôi đã làm được! Không phải mọi thứ đều diễn ra ‘trong lý tưởng‘, nhưng các vị thị trưởng thành phố và nhiều tình nguyện viên đã giúp đỡ“.

Nhìn về những người nhập cư, bà Merkel nói: “Chúng tôi có những ví dụ tuyệt vời về sự phát triển thành công của con người khi tôi nghĩ về những học sinh tốt nghiệp trung học …”.

Khi tự phê bình, bà nói thêm: “Nhưng tất nhiên chúng tôi vẫn chưa giải quyết được nguyên nhân của việc tỵ nạn. Chúng tôi thất bại trong việc châu Âu có một hệ thống thống nhất về tị nạn và di cư“.

Nhiều việc trở nên rất, rất nhanh hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu  

Bà Merkel cũng mô tả đây là một loại khủng hoảng trong thời kỳ bà còn là Thủ tướng mà ngày càng nhiều người trên thế giới đặt câu hỏi về chủ nghĩa đa phương: “Điều đó luôn quan trọng đối với tôi và tôi luôn cố gắng củng cố các tổ chức quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức khác“. Và về vấn đề của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ngày càng cấp bách, Thủ tướng thừa nhận: “Chúng ta phải nhanh hơn rất nhiều”.

Trước khi làm Thủ tướng, bà Merkel là Bộ trưởng Môi trường và đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên Hiệp quốc đầu tiên tại Berlin vào năm 1995. Bây giờ bà nói: “Chúng ta lại phải tuân thủ các đánh giá khoa học, và điều đó có nghĩa là tiến gần với sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ”.

Giới trẻ “phải tạo áp lực”

Bà Merkel tham dự lần cuối hội nghị khí hậu của Liên Hiệp quốc năm nay, diễn ra tại Glasgow, Scotland cho đến giữa tháng 11. Bà nói: “Glasgow đã mang lại một số kết quả. Nhưng theo quan điểm của giới trẻ, về mặt pháp lý, nó vẫn còn quá chậm“. Đột nhiên, Merkel nói rõ thêm: “Và tôi nói với giới trẻ: Các bạn phải tạo áp lực“.

Nhưng đó không phải là sự thừa nhận thất bại cá nhân trong chính sách khí hậu. Thủ tướng nói thêm rằng, đa số phải đạt được mỗi một biện pháp bảo vệ khí hậu và có nhiều lo ngại về hậu quả xã hội của việc cắt giảm nghiêm trọng, chẳng hạn như tiêu dùng tư nhân.

Bà giải thích: “Đúng vậy, luôn đến lượt tôi, nhưng ngày nay, tôi không thể nói rằng kết quả đã mỹ mãn“. Bà cũng phải nhận thức rằng, đánh giá của các nhà khoa học với mỗi báo cáo “còn tệ hơn và khủng khiếp hơn“.

Chỉ còn một thời gian ngắn tại chức

Cho đến gần đây, người đứng đầu lâu năm trong chính phủ của Đức còn ở vị trí xử lý thường vụ, và Quốc hội mới đã được thành lập. Từ văn phòng của mình, trong 16 năm qua, Merkel đã có thể nhìn vào tòa nhà Quốc hội.

Trong cuộc bầu cử liên bang vào cuối tháng 9 năm nay, bà đã không tái tranh cử với tư cách là ứng cử viên thủ tướng của các đảng CDU/CSU. Sau đó, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước Liên minh CDU/CSU.

Tiệc chia tay ở Pháp “một trải nghiệm tốt đẹp”

Gần đây nhất, bà Merkel đã đến thăm một số nguyên thủ quốc gia và chính phủ trong các chuyến đi tiễn biệt; ví dụ như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Thủ tướng đến thị trấn Beaune ở Burgundy và sau đó tặng bà huy chương Bắc đẩu bội tinh cao quý nhất, một danh dự tột đỉnh tại Pháp.

Trong một cuộc phỏng vấn với DW, bà Merkel thẳng thắn nói rằng bà vô cùng cảm động: “Tôi biết rằng, cũng có những người không hài lòng với chính sách của tôi. Nhưng khi bạn ở Pháp bây giờ, nơi mà tất nhiên chúng ta đang ở trong lịch sử thì cũng không có những tình cảm thân thiện nhau, vì vậy tôi rất vui khi có rất nhiều người đến chào đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tôi. Và đó là một trải nghiệm tuyệt vời, tôi phải nói như vậy“.

“Tín hiệu trấn an” của Merkel cho thế giới

Tại cuộc họp G20 ở Ý chỉ hơn một tuần trước, Merkel đã nhiều lần giới thiệu về người có triển vọng làm kế nhiệm là Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD), vẫn còn đương nhiệm là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của bà. Đảng SPD đang đàm phán tại Berlin với đảng Xanh và FDP về một chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của ông.

Về những ngày tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, bà Merkel nói rằng, một thông điệp gửi tới người dân là rất quan trọng đối với bà: “Nếu bạn có cảm giác rằng có sự liên hệ tốt ở đây giữa người đứng đầu chính phủ hiện tại và người đứng đầu chính phủ tương lai xảy ra, đó là một tín hiệu trấn an trong một thế giới khá hỗn loạn. Và tôi nghĩ điều đó đã đúng“.

Chia tay: “Sẽ quen thôi!”

Khi Max Hofmann hỏi bà sẽ làm gì nếu không còn tại vị, bà Merkel nói: “Bây giờ tôi không biết mình sẽ làm gì sau đó. Tôi nói là, trước hết, tôi sẽ nghỉ ngơi một chút và hãy xem điều gì sẽ xảy ra trong đầu tôi“. Bà sẽ đọc và ngủ rất nhiều. Bà Merkel đã nhấn mạnh nhiều lần rằng, bà tin rằng bà có thể từ bỏ quyền lực khá dễ dàng, điều mà bây giờ bà nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn với DW, “một trong những người cuối cùng” trên cương vị nữ Thủ tướng Liên bang.

Một mặt, vui mừng nhưng bà cũng phải thừa nhận là: “Nhưng sau đó chắc chắn có một chút buồn sẽ đến, bởi vì tôi đã luôn yêu thích công việc của mình, và tôi vẫn thích làm việc đó“, cho đến ngày làm việc cuối cùng, bà phải tiếp tục tập trung.

Theo nhận xét của Hoffmann, sau 16 năm, bà Merkel không còn ngồi ghế Thủ tướng, người còn là đứng đầu chính phủ nói với thái độ tỉnh táo, điều mà bà vẫn thường trải qua, và với một nụ cười: “Rồi sẽ quen thôi”./.