„1989 - Nhật ký cuộc cách mạng bất bạo động“

Nhân dịp mừng nước Đức 25 năm thống nhất
Đại diện Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn gặp gỡ bà Vera Lengsfeld tại thành phố Neustadt a.d. Weinstraße, „ Cái nôi của nền dân chủ Đức “

Neustadt-Gimmeldingen, Weingut Peter Stolleis, 05.10.2015

Vera Lengsfeld xuất thân từ Sondershausen / Thüringen (Đông Đức), hiện đang sinh sống tại Berlin-Pankow, là một trong những người đứng đầu trong các cuộc tranh đấu, biểu tình đòi dân chủ vào thời Đông Đức cũ. Bà đã từng ngồi tù, bị cấm hành nghề và bị trục xuất qua nước Anh. Vào ngày 09.11.1989, khi bức tường Bá Linh sụp đổ, bà trở về lại quê quán. Thoạt đầu bà là thành viên của lưỡng đảng Kết Hợp 90 và đảng Xanh ( Bündnis 90/die Grünen), sau bà đổi qua đảng Thiên Chúa Dân Chủ (CDU). Bà đã từng là dân biểu quốc hội Đức. Trong thời gian này bà được nhận huân chương bội tinh Liên Bang (Bundesverdienstkreuz). Bà đã và đang viết nhiều sách về thời Đông Đức cũ (DDR). (http://www.vera-lengsfeld.de/home.php).

 

Nhân dịp mừng nước Đức 25 năm thống nhất, Vera Lengsfeld tới thăm thành phố lịch sử Neustadt an der Weinstraße, nơi có tòa lâu đài nổi tiếng Hambacher Schoß, còn được mệnh danh là „cái nôi của nền dân chủ Đức“ (die Wiege der deutschen Demokratie) (www.hambacher-schloss.de ), và giới thiệu cuốn sách bà mới cho xuất bản năm ngoái, có tựa đề: „1989 – Tagebuch der Friedlichen Revolution“ (1989 - Nhật ký cuộc cách mạng bất bạo động). Trong sách này, là một nhân chứng sống,  bà kể lại những diễn tiến lịch sử từ ngày 01 tháng 01 năm 1989 đến ngày 31 tháng 12 năm 1989 - những biến cố quan trọng đã xảy ra ở Đông Đức trong năm 1989 để tạo nên sức ép lớn đưa đến sự sụp đổ hoàn toàn của một chế độ độc tài 40 năm, và đưa đến thống nhất nước Đức, mà ngày 03.10.2015 vừa qua dân Đức đã cùng với cả thế giới ăn mừng 25 năm tại Frankfurt am Main. Trong trang đầu cuốn sách bà viết là để dành cho „tất cả những nhà cách mạng vô danh“ (Für alle unbekannten Revolutionäre).

 

Trong phần thuyết trình Vera Lengsfeld nhận định „cuộc cách mạng bất bạo động“ ở Đông Đức được thành công là nhờ ý chí kiên quyết của người dân Đông Đức muốc chấm dứt chế độ Cộng Sản vô luân, song cũng có rất nhiều yếu tố thuận lợi và may mắn từ quốc tế và quốc nội, mà vì tình trạng bưng bít thông tin hồi đó ở Đông Đức cũ, nên ít ai biết đến. Chẳng hạn, người ta nghe nói nhiều về những cuộc biểu tình lớn vào mùa Thu năm 1989, thường là vào ngày thứ hai, sau khi đã tụ tập lại và cầu nguyện ở nhà thờ Nilokaikirche, Leipzig, vào lúc 17 giờ, nên các cuộc biểu tình này còn được gọi là „những cuộc biểu tình vào thứ hai“ (Montagsdemonstrationen), nhưng ít ai biết được là không phải chỉ ở Leipzig, mà ở trên 30 thành phố khác của Đông Đức cũng đã diễn ra những cuộc biểu tình tương tự, song bị chế độ dập tắt và đàn áp một cách dã man. Theo Vera Lengsfeld, yếu tố thuận lợi quốc nội lúc đó là biến cố nhà cầm quyền ra luật mới về xuất ngoại, được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 1989, trong đó các trường hợp muốn thăm viếng thân nhân ở Tây Đức cũng như ra nước ngoài không còn gặp nhiều khó khăn như trước. Nhà cầm quyền hy vọng qua đó sẽ „xả bớt xú bắp“ cho người dân, song họ không ngờ rằng luật này đã tạo điều kiện cho một số lớn người Đông Đức qua nước Hung Gia Lợi để xin tỵ nạn vào mùa Hè 1989 và sau đó nó giống như một cơn bão tuyết lao xuống và cuốn trôi đi một chế độ độc tài 40 năm. Vera Lengsfeld kết luận , ngày lịch sử 09.11.1989, ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, là ngày mà bà và có lẽ hầu hết người dân Đông Đức „hạnh phúc không bút mực nào tả nổi“.( „Das Glücksgefühl ist überwältig“.

 

Sau phần thuyết trình là phần đặt câu hỏi cũng như trao đổi với bà Lengsfeld rất sôi nổi. Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh, phó ngoại vụ Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức đã xin bà cho biết về những thiệt hại không những về vật chất, song còn về tâm linh cho thế hệ thời Đông Đức cũ cũng như những thế hệ hậu cộng sản sau 25 năm thống nhất nước Đức. Theo bà thì có người hồi phục mau, song có nhiều người cho tới giờ vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm thần, như khi ngủ thường bị ác mộng, thường giật mình hoảng hốt vì tưởng vẫn đang còn ở trong tù và bị tra tấn. Bà cho rằng rất nhiều người, nhất là thế hệ sinh ra sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, đã không nhìn thấy tầm mức quan trọng của „cuộc cách mạng bất bạo động“ và cái giá rất cao mà các thế hệ cha anh đã phải trả để có được sự thống nhất nước Đức từ 25 năm nay.  Sách „1989 – Tagebuch der Friedlichen Revolution“ hy vọng đạt được chức năng mà người viết, bà Vera Lengsfeld, mong muốn „phơi bày sự thật về sự kiện lịch sử“. Bà  nói:„cuộc cách mạng bất bạo động đã đặt nền móng cho một Âu Châu tự do, thống nhất và dân chủ. Sự việc quan trọng này đáng tiếc chưa được quần chúng lưu ý đúng mức. Để thay đổi tình trạng này tôi đã viết sách „Nhật ký cuộc cách mạng bất bạo động“ nhằm phơi bày sự thật về sự kiện lịch sử“ („Die friedliche Revolution hat den Grundstein für ein freies, einiges und demokratisches Europa gelegt. Diese entscheidende Tatsache ist leider keineswegs im öffentlichen Bewusstsein. Um das zu ändern, habe ich dieses Tagebuch der Friedlichen Revolution geschrieben, um den Geschichtslegenden die Fakten entgegen zu halten.“ Trích trong sách „1989 – Tagebuch der Friedlichen Revolution“, Vera Lengsfeld, trang 9).

Nhật báo Rheinpfalz cũng tường trình về buổi giới thiệu sách này trong số báo ngày thứ tư, 07.10.2015.