“Quyết định ở Kiew” – Biên niên sử về một cái chết được báo trước

Arno Widmann, Frankfurter Rundschau ngày 1.3.2022

Người dịch: Nguyễn Phú Lộc
 
Một tác phẩm của Karl Schlögel ra mắt vào năm 2015 hiện là cuốn sách được chú ý. Không may là đã quá trễ.
 
“Quyết định ở Kiew” của Karl Schlögel là cuốn sách của thời đại. Câu đầu tiên ông viết năm 2015:

“Chúng ta không biết cuộc chiến ở Ukraine và Crimea sẽ kết thúc như thế nào; liệu họ có đứng vững trước sự xâm lược của Nga hay họ sẽ thuần phục; liệu người châu Âu, phương Tây, sẽ bảo vệ Ukraine hay bỏ rơi họ; liệu Liên minh châu Âu sẽ đoàn kết với nhau hay tan rã”. Thật không may, đó là sự thật. Nhưng điều khủng khiếp là cuốn sách đã được xuất bản cách đây gần bảy năm với lời cảnh tỉnh thật rõ ràng.

“Quyết định ở Kiew” cho thấy Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock đã có lý như thế nào khi bà tuyên bố vào ngày quân đội Nga xâm lược Ukraine: “Hôm nay chúng ta thức dậy trong một thế giới khác”. Có lẽ chính xác hơn, nếu bà nói: “Hôm nay chúng ta đã thức dậy”. Chúng ta đã ngủ một thời gian dài. Chúng ta đã chứng kiến ​​Putin giành lại Liên Xô từng chút một.

Putin đã không làm điều đó một cách bí mật. Ông ta đã nhiều lần tuyên bố rằng đó chính xác là những gì ông ta dự tính. Vì phương Tây không phản ứng gì hết, nên Putin không dừng lại ở lời nói. Khi phong trào Maidan ở Kiew thúc đẩy việc loại bỏ Viktor Yanukovych, người thân Putin khi đó đang là Tổng thống Ukraine, vào tháng 2 năm 2014, Putin đã đáp trả trong cùng năm đó bằng cách thôn tính Crimea, và châu Âu bất lực.

Karl Schlögel viết biên niên sử về một cái chết được báo trước. Trong mỗi câu nói của ông, bạn có thể cảm nhận được sự sửng sốt của tác giả về hành động của Putin. Nhưng ông càng sửng sốt hơn về sự án binh bất động của phương Tây, điều làm cho Schlögel hoang mang. Ông ấy chắc chắn không muốn thấy giấc mơ của mình bị cướp mất. Ông ấy không muốn chấp nhận rằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn đó, Ukraine vẫn quyết định “đi theo con đường riêng của mình và bảo vệ cách sống mà họ đã chọn, chống lại sự xâm lược của Nga”. Đó là những gì Schlögel đã viết vào năm 2015. Điều đó có nghĩa là nước này sẽ chống lại Nga. Điều đó có nghĩa là người ta phải buông bỏ ảo tưởng là chỉ có bạn bè chung quanh và phải nhận thức rằng người ta không thể trở nên phụ thuộc vào dầu và khí của Nga. Giá mà chúng ta ngừng đeo bám vào ý tưởng rằng, mọi xung đột đều có thể được giải quyết bằng đối thoại.

Như vậy chúng ta cũng dễ hiểu rằng, Karl Schlögel hoang mang với chính trị và với chính chúng ta. Loại chính trị vẫn tiếp diễn sau khi Crimea bị thôn tính, ngay cả sau một loạt nhiều vụ ám sát các nhân vật đối lập Nga trên đất châu Âu. Loại chính trị bất lực không đưa ra được lời giải nào cho những cuộc công kích của Putin vào châu Âu.

Sự khinh miệt của Putin đối với phương Tây ngày càng lớn. Ý tưởng của ông ta cho rằng, ông ta có thể, theo nghĩa đen rõ nhất, “lấy bất cứ thứ gì ông ta muốn” mà không bị trừng phạt. Ý tưởng này đã được chính phương Tây liên tục hà hơi tiếp sức. Putin sinh ra ở Nga, nhưng chính chúng ta đã nuôi ông ta khôn lớn.

Đó là sự hoang mang của Karl Schlögel.

Tuyệt vời không kém là phần thứ hai trong tác phẩm của Schlögel. Đó là một phân tích về “tâm lý phức hợp với Nga” (MVT: Có lẽ là "mặc cảm tội lỗi với NGa"), một thuật ngữ mà Schlögel mượn từ Gerd Koenen. Schlögel viết: “Người Đức biết rất nhiều về tội ác của Đức ở Liên Xô, nhưng họ chỉ cảm thấy tội lỗi đối với ‘người Nga’ – như thể trong thế chiến II không hề có hàng triệu lính Hồng quân Ukraine cũng đã chết, hàng triệu triệu công nhân Ukraine đã chết, chưa kể đến tội ác ‘Shoah’ [ND: Holocaust] trên lãnh thổ Ukraine”. Chúng ta người Đức cũng giết người Do Thái Ukraine. Trong đó có tổ tiên của Volodymyr Zelenskyy, Tổng thống Ukraine hiện nay.

“Phức hợp với người Nga” của chúng ta đã góp phần to lớn vào việc đơn giản hóa thế giới. Bằng cách này, chúng ta không thấy gì hết ở Ukraine ngoài một vùng đệm, một thực thể trung gian không có ý chí của riêng mình, tức là không biết đến sự tồn tại của riêng mình. Chúng ta đã làm cho Putin nhìn thế giới như của riêng ông ta, chúng ta đã đeo kính cho ông ấy. Ông ấy đã hoàn tất mọi chuyện đặc biệt cho chúng ta. Thế mà trong nhiều năm dài, chúng ta đã biết ơn Putin vì điều đó.

“Quyết định ở Kiew” vào năm 2015 lẽ ra đã dạy chúng ta sử dụng chính đôi mắt của mình. Lẽ ra chúng ta cứu được chính mình và hơn hết là cứu những người khác rất nhiều. Tôi không nghi ngờ rằng, cuộc xâm lược hiện nay của Putin vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 sẽ không xảy ra nếu ông ta đã bị ngăn chặn trong quá trình chiếm đóng Crimea. Khi hành động vẫn còn diễn tiến mờ ảo, một vài pháo hạm của Thổ Nhĩ Kỳ lẽ ra đã xuất hiện ngoài khơi Crimea và có thể đã ngăn cản việc sáp nhập – đó là một cuộc chiến theo phương thức kiểu thế kỷ 19, tôi muốn nhắc bạn bằng sự lựa chọn từ ngữ này.

Nếu ở trong các cuộc xung đột với hy vọng rằng mọi thứ sẽ tự giải quyết, đó là một phong cách được ưa chuộng trong chính trị. Nhưng điều đó không giúp ích được gì. Xung đột sẽ tiếp tục phát triển theo thời gian. Từ một vụ ám sát được bảo trợ có thể trở thành một tình huống trên bờ vực của chiến tranh hạt nhân.

Karl Schlögel đã biết điều đó vào năm 2015. Giá mà chúng ta chỉ đọc ông ấy và ngừng mơ mộng, giá mà chúng ta nghe thấy lời cảnh tỉnh của Schlögel, có lẽ hôm nay chúng ta đã ở trong một tình huống hoàn toàn khác. Chúng ta, Ukraine, Belarus và Nga. Nhưng cả Châu Âu. Nó có thể có một cái gì đó giống như sự tự tin. Nhưng châu Âu và chúng ta rõ ràng cần phải thấy một cuộc xâm lược mới hiểu vấn đề. Đó thật là điều bất hạnh. Hung thủ mạo hiểm mọi thứ, bởi vì trong mắt hắn chỉ có chiến thắng sẽ là kết quả của hành động này. Vì vậy, hắn có thể sẽ sử dụng tất cả mọi thứ. Đó là điều mà Putin đang đe dọa hôm nay.

Putin nói về sự sỉ nhục mà phương Tây đã gây ra cho ông ta. Không những ông mà cả người dân Nga. Sự thật là ông ta đã được tán tỉnh nịnh nọt. Một cựu thủ tướng Đức đã mô tả ông là một “nhà dân chủ hoàn hảo”, đã phản bội lời tuyên thệ nhậm chức và với Nord Stream 2, vị thủ tướng này không làm tăng phồn vinh cho người dân Đức mà là cho Putin. Không có một tội nào mà phương Tây không để Putin thoát khỏi. Phương Tây đã không làm người dân Nga bẽ mặt. Putin đã làm điều đó.

Cuốn sách kết thúc với những mô tả về các thành phố lâu đời nhất. Đó là những chuyến đi đến các địa danh thời chiến: Kiew, Odessa, Yalta, Kharkiv, Dnipropetrovsk, Donetsk. Schlögel viết trong phần kết: “Và điều này đã diễn ra hơn một năm nay, trong thời gian những gì chúng ta coi là tự nhiên, bình thường, hiển nhiên có thể trở thành một tình huống đặc biệt mà chúng ta đã may mắn và không có vinh dự được tham gia: 70 năm hòa bình trong một châu Âu hậu chiến. Bây giờ chúng ta đang đối phó với một tình huống khẩn cấp mà chúng ta được trang bị rất kém về tư duy và hành động cần thiết, chưa kể đến các hình thức gìn giữ hòa bình thực tế, bao gồm cả phòng thủ quân sự”. Và cuối cùng là: “Cú sốc. Hãy nghĩ đến tình huống nghiêm trọng”. 2015.

Nguồn: Karl Schlögel: „Entscheidung in Kiew“ – Die Chronik eines angekündigten Todes